Tại sao hiện nay người trẻ tại các tỉnh, thành có mức sinh thấp ở Việt Nam lại ngại sinh

Chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình thành công với mục tiêu giảm sinh

Trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,8 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.

Đây là thông tin được chia sẻ từ hội nghị công bố kết quả các nghiên cứu chuyên sâu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 18-12 tại Hà Nội.

Hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Khu vực trung du và miền núi phía bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước, với TFR mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước, TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ.

Năm 2019, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ), cao hơn gấp hai lần so với địa phương có mức sinh thấp nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (1,39 con/phụ nữ). Trong vòng 10 năm qua, toàn quốc có 29 tỉnh ghi nhận mức sinh giảm và 33 tỉnh ghi nhận mức sinh tăng, Sóc Trăng là địa phương duy nhất có mức sinh không thay đổi.

Trong số các dân tộc có quy mô dân số trên 1 triệu người (Kinh, Tày, Thái, Khmer, Mường, Mông, Nùng), dân tộc Mông có mức sinh cao nhất. Trải qua ba thập kỷ, mức sinh của các dân tộc này đều giảm, trong đó dân tộc Mông có mức sinh giảm nhiều nhất (năm 1989: 9,3 con/phụ nữ; năm 2009: 4,96 con/phụ nữ; năm 2019: 3,59 con/phụ nữ). Hiện nay, chênh lệch về mức sinh giữa các nhóm dân tộc đang có xu hướng thu hẹp dần.

Năm 2019, phụ nữ di cư có mức sinh thấp hơn phụ nữ không di cư với TFR tương ứng là 1,54 con/phụ nữ so với 2,13 con/phụ nữ; phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì mức sinh càng thấp, TFR của nhóm phụ nữ có trình độ trên trung học phổ thông là thấp nhất (1,98 con/phụ nữ) và của nhóm có trình độ dưới tiểu học là cao nhất (2,35 con/phụ nữ); phụ nữ sống trong các hộ nghèo nhất có mức sinh cao nhất trong 5 nhóm mức sống (2,4 con/phụ nữ), phụ nữ sống trong các hộ giàu nhất có mức sinh thấp nhất (2 con/phụ nữ).

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của phụ nữ từ 10-19 tuổi (ASFR10) là 11 con/1000 phụ nữ. Trong đó, khu vực nông thôn cao hơn thành thị, tương ứng là 15 con/1000 phụ nữ và 5 con/1000 phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có ASFR10 là cao nhất, tương ứng là 28 con/1000 phụ nữ và 21 con/1000 phụ nữ. Trong số các dân tộc có quy mô dân số hơn 1 triệu người, ASFR10 của dân tộc Mông cao nhất, 65 con/1000 phụ nữ, cao hơn khoảng chín lần so với dân tộc Kinh và hơn sáu lần so với mức bình quân chung của cả nước.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức rất cao

Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức rất cao. TSGTKS bắt đầu tăng tại Việt Nam vào khoảng năm 2004, đã đạt mức 112 bé trai/100 bé gái sau năm 2010 và chững lại từ đó đến nay.

TSGTKS ở Việt Nam cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái) cho thấy có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra.

TSGTKS cao nhất ở đồng bằng sông Hồng. Trong đó, TSGTKS tại khu vực nông thôn của đồng bằng sông Hồng cao hơn ở khu vực thành thị của khu vực này, tương ứng là 115,2 bé trai/100 bé gái và 112,8 bé trai/100 bé gái .

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở tất cả các nhóm mức sống. Trong 10 năm qua, TSGTKS của nhóm nghèo nhất tăng từ 105,2 lên 108,2 bé trai/100 bé gái; trong khi đó, TSGTKS của nhóm giàu nhất vẫn ở giữ mức cao (năm 2019: 112,9 bé trai/100 bé gái).

Tâm lý ưa thích con trai và nhu cầu cần có con trai tác động tới việc sinh thêm con của các cặp vợ chồng. Những cặp vợ chồng đã có hai con nhưng chưa có con trai, khả năng sinh thêm con cao gấp đôi so với những cặp vợ chồng đã có ít nhất một con trai.  Việc sinh thêm con để có con trai đặc biệt rõ rệt ở nhóm dân số có trình độ học vấn cao và mức sống tốt hơn.

Sự ưa thích con trai còn được thể hiện qua việc lựa chọn giới tính trước sinh ngay từ lần sinh đầu, với TSGTKS là 109,5 bé trai/100 bé gái đối với lần sinh đầu tiên; TSGTKS tiếp tục tăng ở lần sinh từ thứ ba trở lên (119,8  bé trai/100 bé gái). Đối với các cặp vợ chồng sinh liên tiếp 2 con gái, TSGTKS của lần sinh thứ ba là 143,8 bé trai/100 bé gái.

Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh hiện tại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong tương lai như dư thừa số lượng nam thanh niên. Dự báo cho thấy, nếu TSGTKS vẫn giữ nguyên như hiện nay, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 2,5 triệu người. Nếu TSGTKS giảm nhanh và đạt mức bình thường vào năm 2039, số nam giới từ 15-49 tuổi sẽ dư thừa vào năm 2034 là 1,5 triệu người, năm 2059 là 1,8 triệu người.

Những hệ lụy liên quan tới việc mất cân bằng giới tính là nam giới sau này có thể không có cơ hội lấy vợ là nữ, phụ nữ có thể bị ngược đãi, các tệ nạn xã hội cũng từ đó tăng theo... Cùng với xu thế hiện đại hiện nay, phụ nữ cũng đã xuất hiện tư tưởng không muốn kết hôn. Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại trong thời đại này.

* Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành từ ngày 1-4-2019. Đây là Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm ở nước ta, kể từ năm 1975 sau khi thống nhất đất nước. 

Theo đó, Tổng cục Thống kê thực hiện phân tích, nghiên cứu chuyên sâu về một số chủ đề liên quan đến dân số, bao gồm: mức sinh, già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, di cư và đô thị hóa. Đồng thời, qua nghiên cứu này, có thể đưa ra các dự báo về dân số Việt Nam trong vòng 50 năm tiếp theo kể từ 2019. 

Bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết địa phương này là 1 trong 21 tỉnh thành có tỷ lệ phụ nữ sinh con thấp. Đặc biệt phụ nữ ở các đô thị, nơi có khu công nghiệp, có tỷ lệ sinh con thấp. “Phụ nữ ở những nơi này thường ngại sinh con. Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con”, bác sĩ Khoa nói.

Đề xuất thưởng tiền khi sinh con thứ hai tại vùng có mức sinh thấp

Tây Ninh cũng là một trong những địa phương nằm trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp. Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tỷ suất sinh bình quân trong 5 năm (2015 - 2019) là 1,66 con/phụ nữ. Đặc biệt, trong những năm gần đây ở mức rất thấp như năm 2018 còn 1,46 con/phụ nữ, năm 2019 còn 1,53 con/phụ nữ. Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, một trong những nguyên nhân là do công tác truyền thông dân số chưa phù hợp, chưa nắm bắt kịp tình hình thực tế của tỉnh mà chỉ tập trung vào vận động giảm sinh, chưa chú trọng vào vận động sinh đủ 2 con. Ngoài ra, xã hội phát triển, đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực cuộc sống và công việc đã làm tình trạng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con, không muốn sinh con, hiếm muộn, độc thân… có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong khi đó, việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí; hạ tầng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, thiếu chính sách đủ mạnh để người dân sinh đủ 2 con.

Ngày 28.10, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Dương Thị Ngọc Hằng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh này cũng là một trong những tỉnh thành trong cả nước có tỷ lệ sinh thấp, bình quân 1,77 con/bà mẹ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp như: áp lực cuộc sống gia đình; phụ nữ ngày nay đi làm việc nhiều hơn, khi sinh được 1 con thì không muốn sinh thêm; tâm lý sinh thêm con sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp… Hiện Bạc Liêu đang xây dựng kế hoạch, chính sách khuyến sinh để nâng tỷ lệ sinh con từ 1,77 lên 2,1 con/bà mẹ.

Cùng ngày, ông Văn Kim An, Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh An Giang, thông tin: “Thống kê tỷ suất sinh tỉnh An Giang năm 2019 của tỉnh là 1,85 con và trung bình mỗi phụ nữ sinh chưa tới 2 con… Chi cục đã có văn bản gửi lãnh đạo Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh mức sinh ở từng khu vực cụ thể chứ không áp dụng đại trà theo hướng khuyến khích người dân khu vực thành thị có mức sinh thấp nhưng gia đình có điều kiện thì sinh thêm con, vùng nông thôn kinh tế khó khăn dân đã sinh đủ con thì không khuyến khích”. Theo ông An, đối với mức hỗ trợ chỉ khoảng 2 tháng lương, tương ứng mức 6 - 8 triệu đồng/người, chưa thể khuyến khích người dân sinh con, bởi với số tiền này chỉ đủ cho người sinh thêm con nuôi con 1 - 2 tháng là hết.

Tương tự, ngày 28.10, Chi cục DS-KHHGĐ Đà Nẵng cho biết, địa phương đang điều chỉnh lộ trình nâng tỷ suất sinh con thứ 2 ở các cặp vợ chồng. Hiện Đà Nẵng ghi nhận những vùng có tổng tỷ suất sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), vùng có mức sinh thay thế (2 - 2,1 con) và vùng có tỷ suất sinh cao (2,2 con). Đà Nẵng dựa trên cơ sở xác định hiện trạng và xu hướng mức sinh từng vùng để xây dựng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng đến mục tiêu đạt mức sinh thay thế mỗi gia đình mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con. Bên cạnh tuyên truyền khuyến khích sinh con thứ 2 ở vùng có mức sinh thấp, địa phương cũng xây dựng, đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp để có thể gia tăng tỷ suất sinh con thứ 2 ở phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.

Tin liên quan