Ý thức cá nhân là gì

Blog - ý thức cá nhân và trách nhiệm cộng đồng

Vào một hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, trong sự phát triển của nhân loại nói chung, công nghệ tin học đã có những bước tiến nhảy vọt và thật sự làm kinh ngạc cả những con người có trí tưởng tượng phong phú nhất.

Các thành tựu do công nghệ tin học đem lại đã góp phần rất quan trọng vào sinh hoạt sống của con người và làm thay đổi diện mạo của chính sinh hoạt sống đó với nhiều sắc thái sinh động và phong phú. Và khi nói tới thành tựu của công nghệ thông tin, chúng ta không thể không đề cập tới sự ra đời, phát triển của internet - hệ thống thông tin toàn cầu, một phương tiện có khả năng chuyển tải mọi loại thông tin, vừa giúp khai thác một kho tư liệu hầu như không có giới hạn..., làm cho mối liên hệ giữa con người sống ở mọi khu vực khác nhau trên thế giới ngày càng trở nên gần gũi.

Cho tới hiện tại, phải nói rằng chúng ta khó có thể đo lường một cách chi tiết đối với các ưu việt do internet đem lại, từ trò chuyện trực tuyến (chat), thư điện tử (email), tới truyền thanh, truyền hình, rồi thương mại điện tử, cùng vô số tiện ích khác...

Bên cạnh đó còn phải khẳng định, internet không chỉ là phương tiện mà còn đi liền với lợi nhuận, như với website có tên là YouTube chẳng hạn. Dù chỉ mới chỉ được thành lập đầu năm 2005, nhưng sau gần ba năm phát triển, YouTube đã trở thành một quyền lực của hệ thống truyền thông toàn cầu với hơn 100 triệu người truy cập mỗi ngày, và vào tháng 6-2006, YouTube đã được công cụ tìm kiếm hàng đầu trên internet là Google mua lại với giá 1,6 tỉ USD.

Tuy nhiên, vào lúc các thành tựu văn minh đã đạt tới trình độ cao thì trong cuộc sống của loài người lại xuất hiện tình trạng tương sinh, tương khắc giữa các thành tựu ấy với sinh tồn văn hoá, mà nếu không nắm bắt và giải quyết một cách hài hoà về mối tương sinh, tương khắc ấy, con người sẽ phải trả giá cho các thành tựu do chính mình làm nên.

Đặc biệt, cái giá phải trả sẽ cao hơn rất nhiều ở các quốc gia đang trong quá trình chấn hưng để phát triển, bởi đó là nơi mà ý thức về sự bền vững văn hoá đang phải chịu đựng cuộc tấn công đầy uy lực, đầy hấp dẫn... của nhiều thành tựu văn minh có khả năng xuyên thấu các biên giới địa lý, có khả năng thôn tính cả lòng tự tôn văn hoá cộng đồng.

Vì thế ở những quốc gia này, rất nhiều vấn đề xã hội - con người đã và đang vận hành theo những xu hướng phức tạp, và đòi hỏi phải giải quyết một cách thấu đáo. Như ở Việt Nam, mở cửa để giao lưu, hội nhập kinh tế và văn hoá đã đặt truyền thống văn hoá với bản sắc riêng, đặt hệ thống giá trị cộng đồng với các khuôn mẫu, chuẩn mực từng tồn tại hàng nghìn năm... trong chiều hướng biến đổi tích cực, đồng thời cũng làm xuất hiện các tình huống xã hội - con người - văn hoá không hẳn là phù hợp với các mục tiêu mà xã hội cần đạt tới.

Thực tế cho thấy, nếu xét từ quan hệ giữa văn hoá với văn minh, thì chúng ta phải trả lời câu hỏi: Cần làm gì để vừa có thể thích nghi, vừa có thể chiếm lĩnh, vừa có thể tạo dựng các tiền đề vật chất - tinh thần để phát triển?

Và trong vô số các vấn đề đa dạng và phức tạp của thời đại văn minh tin học với sự phát triển đến chóng mặt của internet, thì blog cũng là một hiện tượng, một vấn đề xã hội - con người cần lưu tâm. Vì sự phát triển của blog trong thời gian gần đây, trong một số trường hợp, đã không hoàn toàn là nhu cầu hay sở thích cá nhân, mà còn là một số nội dung, một số vấn đề vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các nguyên tắc luật pháp và đạo lý xã hội, đẩy tới hệ quả tiêu cực, làm ảnh hưởng tới sự phát triển của xã hội - con người. Nên không ngẫu nhiên, blog lại trở thành một đề tài được nhiều người quan tâm.

Theo nghĩa từ, blog là viết tắt của weblog, trong tiếng Anh nghĩa là nhật ký web (hay như chúng ta thường gọi là nhật ký điện tử). Nhờ sự hỗ trợ cực kỳ đắc dụng của các phần mềm và do có đặc điểm là mọi người đều có thể sử dụng, nên sau khi ra đời, blog đã phổ biến và phát triển rất nhanh, đến mức đã xuất hiện một số lượng đông đảo người sử dụng blog và được mệnh danh là cộng đồng blog.

Trong thế giới của blog, người viết blog được gọi là blogger. Blogger có thể là một người hoặc một nhóm người, và bằng blog, người viết blog có thể đưa thông tin về các đề tài, các chủ đề khác nhau lên mạng. Các chủ đề hoặc đề tài này có biên độ rất rộng lớn, nội dung phong phú... nếu không nói là rộng lớn và phong phú như chính cuộc sống con người. Từ góc độ cá nhân hoặc nhóm, người ta có thể post lên intenet mọi thông tin có quan hệ với chủ kiến của người viết blog, rộng hơn nữa là thảo luận, trao đổi, là truyền bá các thông tin được lựa chọn từ góc nhìn của mỗi blogger. Và như thế, các đặc điểm này đã làm cho blog không hoàn toàn còn nguyên ý nghĩa như ở nhật ký truyền thống.

Đối với cá nhân, nhật ký là ghi chép hàng ngày, là thế giới riêng tư và thường là nơi người ta có thể thành thật với bản thân nhất, nên về xu hướng, nhật ký luôn là hình thức ghi chép của cá nhân và chỉ dành riêng cho riêng cá nhân (trừ các trường hợp như trong văn chương, nhà văn sử dụng thể nhật ký để xây dựng một cấu trúc riêng cho tác phẩm, hoặc khi chủ nhân của cuốn nhật ký đã qua đời thì thân nhân hay bạn bè chí cốt thấy cần công bố cuốn nhật ký để xã hội có thể hiểu rõ hơn về người đã khuất). Trong cuộc sống hiện đại, dẫu dấn thân vào với cộng đồng đến mức độ nào thì chốn riêng tư của mỗi người cũng không hề mất đi, thậm chí còn trở nên sâu đậm hơn khi mà tiết tấu nhanh - mạnh, sự hối hả, sự ràng buộc chặt chẽ của các mối liên hệ có khả năng, có xu hướng đẩy thế giới tinh thần của nhiều người vào với tình trạng cô đơn. Nhịp sống tất bật như không bao giờ ngừng nghỉ. Những công việc như đã được lập trình nghiêm ngặt. Những mối liên hệ toàn cầu mà nếu không kịp thời nắm bắt có thể làm người ta bỏ lỡ thời cơ hoặc tụt hậu.

Rồi các biến chuyển nhanh chóng của cuộc sống nữa,... tất cả đã làm nên những ràng buộc mà con người không thể gạt sang một bên chỉ vì họ thích hay không thích.

Một bối cảnh xã hội - nghề nghiệp như thế, luôn có khả năng cuốn con người theo nó, và thực tế cho thấy sự cuốn theo ấy là điều rất khó tránh khỏi, một khi mỗi người đã tự ý thức về tinh thần nhập cuộc, cụ thể hơn là đã tự ý thức về trách nhiệm phải hoàn tất các hợp đồng mỗi cá nhân đã ký kết với xã hội của mình.

K.Mark từng nói đại ý rằng, căn cứ vào thời gian rỗi của một xã hội có thể đánh giá được sự phát triển của xã hội ấy.

Điều này là hiển nhiên khi chúng ta thấy cùng với sự phát triển cuộc sống vật chất - tinh thần của xã hội, thời gian lao động tất yếu (dưới các dạng thức khác nhau) của con người ngày càng giảm đi, số ngày nghỉ hợp thức tăng lên... Ngày nghỉ trở thành quỹ thời gian để con người giải toả, bù đắp, phục hồi các hao tổn thể chất - tinh thần đã chi phí trong thời gian lao động tất yếu.

Nhưng cũng chính lúc này, điều kiện để tâm sự, để giãi bày, để thể hiện bản thân, để giao lưu với đồng loại... lại đã trở nên hạn hẹp. Và phần nào đó có thể nói chiếc máy tính và internet đã đáp ứng một cách hiệu quả đối với một số nhu cầu mà con người đang cảm thấy thiếu, nên việc xuất hiện những cá nhân, những nhóm cá nhân cùng chơi blog (thậm chí là nghiện blog) cũng là điều không nên ngạc nhiên.

Do muốn tìm hiểu mà hàng ngày trong khi lướt web, thi thoảng tôi lại ngó nghiêng vào blog này, vào bolg kia (nơi thì tôi ngẫu nhiên tìm được, nơi thì do bạn bè giới thiệu link). Chính trong những lần ngó nghiêng này mà tôi phát hiện ra rằng: blog, với ý nghĩa là nhật ký cá nhân trên mạng của nó, là một dạng thức mới của sự tồn tại tiếng nói riêng, là môi trường để bộc lộ sở thích của cá nhân với cộng đồng và dường như tính chất bày tỏ và chia sẻ của cá nhân với cộng đồng đã làm cho blog đã mang tải một số ý nghĩa khác biệt so với nhật ký được viết theo lối truyền thống. Có lẽ vì thế, không thể lấy quan niệm về nhật ký truyền thống để quy chiếu, áp đặt vào nhật ký điện tử, vì giữa chúng, đã xuất hiện những sự khác nhau.

Ở cách nhật ký viết theo lối truyền thống, ngoài người viết ra, nhật ký không có sự can thiệp của người khác, đó là một thế giới khép kín mà khi viết các dòng chữ trong đó, hầu như người ta không mong muốn sẽ được chia sẻ. Với cuốn nhật ký tuyệt đối cá nhân thì những điều thầm kín thường được bộc lộ công khai, rõ ràng, người viết hoàn toàn ý thức đó là thế giới của riêng mình, không e ngại bị đánh giá, không để người khác đọc, còn ai đó cố tình đọc trộm nhật ký thì sẽ bị coi là có hành vi xúc phạm. (Như một hai sự kiện mà bản thân tôi đã trải qua: Cách đây gần 40 năm, thời còn ngồi trên ghế trường phổ thông, tình cờ thấy cô bạn ngồi bên có cuốn nhật ký để trên bàn, tôi tò mò giở ra xem. Bất ngờ bạn tôi đi vào và phát hiện ra, bạn không nói gì, chỉ giật cuốn nhật ký từ tay tôi, xé toạc rồi ném luôn lên bàn. Tôi ngồi ngây thuỗn, vừa xấu hổ vừa không hiểu tại sao. Mãi sau này tôi mới biết ngày ấy tôi đã làm một việc không lấy gì làm hay ho, tôi đã xin lỗi và bạn tôi chỉ cười! Còn những anh lính trẻ cùng thế hệ với tôi, hầu như anh nào cũng có một cuốn nhật ký. Anh thì giấu diếm dưới đáy ba lô, không cho bạn bè nhòm ngó. Anh viết xong lại thấy thập thò, có điều kiện là đọc oang oang để mọi người cùng nghe, như muốn quảng bá với đồng đội về tài văn hay chữ tốt, suy nghĩ lãng mạn, hay sâu sắc!). Còn với blog, phải khẳng định rằng dù có ảo đến đâu thì qua blog, mỗi cá nhân đều muốn được thoả mãn nhu cầu lộ diện trước cộng đồng qua việc bộc lộ suy nghĩ và tâm sự riêng, bộc lộ sở thích cá nhân; dù có thể nhân thân là ẩn danh thì đôi khi đối với các sự kiện - con người nhạy cảm mà người trong cuộc có thể nhận ra, thì blogger vẫn phải đề cập một cách không cụ thể, thiếu rõ ràng, hoặc nấp dưới các cái biệt danh (nickname), các dấu hiệu, ký hiệu rất ảo. Điều này ít nhiều làm giảm thiểu tính chân thực của sự bày tỏ như trong nhật ký viết theo lối truyền thống. Từ sự khác nhau trên đây, thiết nghĩ, không thể lấy đặc điểm của nhật ký thông thường để thay thế cho đặc điểm của blog, cho dù cả hai hình thức nhật ký đều trực tiếp liên quan tới cá nhân.

Ở Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, cùng với hiệu quả của những ứng dụng từ thành tựu của công nghệ tin học, do blog được thiết lập khá dễ dàng, không bị khống chế về số lượng và thả nổi (như không phải đăng ký tên miền qua VNIC, thậm chí công dân mạng cũng chẳng biết blogger đó là ai), nên blog đã phát triển với tốc độ chóng mặt, với sự tham gia của rất nhiều cá nhân có thành phần xã hội khác nhau, thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau.

Sự phong phú của blog trên internet đang thật sự làm cho chúng ta ngạc nhiên, và xét từ phương diện thông tin thì các phương tiện truyền thông chính thống đôi khi khó có thể theo kịp với sự nhanh, nhạy, đa dạng và chi tiết... như các thông tin được truyền bá qua blog.

Và, chính trong sự phong phú đó, cái tích cực và tiêu cực, cái lành mạnh và không lành mạnh, cái văn hoá và cái phản văn hoá... đã đan xen vào nhau, và sự lựa chọn để tiếp xúc, để tiếp nhận như thế nào, vẫn phụ thuộc vào người truy cập vào blog.

Mặt khác, sự sinh động của đời sống tinh thần, của nhu cầu con người được thể hiện khá đầy đủ qua blog. Có blog chuyên chú với âm nhạc. Có blog tập trung vào văn chương. Có blog say mê với nhiếp ảnh. Rồi blog của học sinh sinh viên, blog của người cao tuổi, của nhà báo, của một số nhà khoa học... Và có lẽ rộn ràng hơn cả là blog của các nhà văn nhà thơ (đa số lập trên vnweblogs) - nơi họ chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, công bố sáng tác tác mới, giới thiệu tác phẩm của bạn bè. Thậm chí có nhà thơ còn biến blog thành diễn đàn văn chương với tên gọi là hội ngộ văn chương...

Từ sự sôi động, nhiều vẻ của blog, có thể nhận ra qua blog, mỗi người có thể ghi chép lại hoạt động hàng ngày của mình, trình bày các tâm sự hoặc suy nghĩ riêng tư lành mạnh, phát biểu ý kiến nghiêm túc về một vấn đề văn hoá - xã hội mà họ thấy cần thiết, đề xuất một nội dung thảo luận, hy vọng nhận được ý kiến giúp đỡ từ cộng đồng

Và ngược lại, một số người khác lại dùng blog để thoả mãn thói háo danh, tung ra các ý kiến nhảm nhí, sử dụng blog để bôi nhọ người khác, thậm chí là nhân danh tự do cá nhân để thực hiện các hành vi phản văn hoá.

Ở mức cao hơn, và có liên quan tới động cơ và thái độ chính trị, là các phát biểu, các ý kiến nhân danh cá nhân để tuyên truyền gieo rắc các luận điểm đi ngược lại xu thế phát triển của xã hội. Các hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực nảy sinh trên các blog, theo tôi là có nguồn gốc từ chính người sử dụng blog, đồng thời nảy sinh từ điều kiện do internet tạo ra - đó là nơi mà tính chất ít nhiều tự do, ít nhiều phóng túng của nó có thể đẩy tới tình trạng chung sống giữa vàng và rác.

Bên cạnh đó, việc nhiều người có thể tham gia thảo luận, phát biểu ý kiến trực tiếp vào các blog qua các góp ý (comment) đã làm cho blog không còn mang ý nghĩa cá nhân, mà trở thành một kiểu loại diễn đàn trên internet, trở thành một thế giới mở, vì thế mà vai trò của blogger là rất quan trọng. Với một số vấn đề quan thiết của đất nước, như diễn biến hoà bình chẳng hạn, một blogger đã viết: Sự tê liệt các tổ chức cơ sở là điều kiện tốt để diễn biến hòa bình xâm nhập ngay từ cơ sở, còn hệ thống kiểm soát truyền thông bị tê liệt sẽ dẫn đến những lũng đoạn truyền thông, là cơ hội cho diễn biến hòa bình. Nhưng cũng với các vấn đề đó, một blogger từng du học ở nước ngoài trở về lại trình bày các quan điểm vừa ấu trĩ về lý thuyết, vừa là sự truyền bá một số luận điểm đi ngược với định hướng phát triển của xã hội.

Rồi nữa là cuộc tranh luận hội đồng bằng nhiều ngôn từ mang tính mạt sát của cư dân mạng xung quanh ý kiến của một blogger sinh sống ở miền Nam sau khi ra thăm Hà Nội. Rồi kiện tụng của ca sĩ Phương Thanh với blogger là chủ nhân của blog cogaidolong. Rồi những ì xèo dấy lên từ sự xuất hiện trên mạng của video clip liên quan tới diễn viên Thuỳ Linh... Nghĩa là đã và đang có rất nhiều vấn để đặt ra trước sự phát triển của internet nói chung và blog nói riêng.

Thiết nghĩ, như mọi sản phẩm do con người làm ra, vấn đề quan trọng nhất đối với bolg cuối cùng vẫn là ở con người, và thật sự thì về mặt kỹ thuật, khó có thể quản lý blog bằng sự chế tài khi mà khả năng nhân rộng và tái sinh của blog là hầu như không có giới hạn.

Và cũng cần lưu tâm tới nhu cầu chính đáng cần được tôn trọng của mỗi cá nhân trong sinh hoạt của xã hội hiện đại khi ở họ nảy sinh khát vọng lành mạnh là được giao lưu với cộng đồng, là được thể hiện bản thân trước cộng đồng.

Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải có một quản lý về mặt Nhà nước đối với blog một khi nó bị lợi dụng để làm tổn hại tới lợi ích chung, biến blog trở thành diễn đàn truyền bá các quan điểm đối lập, hoặc truyền bá các sản phẩm phản văn hoá.

Song xét đến cùng, vấn đề vẫn phụ thuộc vào chỗ cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi blogger, nhất là các bạn trẻ. Dẫu thế nào thì mỗi cá nhân dù tự do đến đâu cũng không thể sinh tồn ở ngoài cộng đồng, bởi về lý luận và thực tiễn, cá nhân chỉ là cá nhân khi luôn gắn kết với cộng đồng đã tạo ra sinh quyển cho sự phát triển của họ. Và xã hội chỉ là xã hội khi đó là khối gắn kết bền vững của tập hợp các cá nhân có chung quyền lợi, đồng thời thống nhất về nghĩa vụ. Vì lẽ đó, hiển nhiên không thể tồn tại những cá nhân bất chấp lợi ích chung của cộng đồng, hoặc chỉ sống bằng (với) các nhu cầu vị kỷ của mình. Nên như mọi hoạt động xã hội khác, hoạt động của các cá nhân liên quan tới blog cũng không thể nằm ngoài các ý nghĩa này, tức là hành vi của họ phải đặt trong tương quan với trách nhiệm cộng đồng.

Hiện tại và trong tương lai, cuộc chơi toàn cầu còn đặt ra nhiều bài toán cần có lời giải, với blog cũng vậy, nó được quyết định trước hết bởi một nội lực một văn hoá chúng ta cần phải xây dựng ở mỗi người. Không có nội lực ấy, chúng ta sẽ thiếu sức đề kháng cần thiết khi đối diện với sự lan toả, sự thẩm thấu của các thành tựu văn minh dù hữu dụng song đôi khi còn mang tải cả các nội dung không phù hợp với sự phát triển của xã hội và con người Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, các giá trị xã hội - con người ở nước ta đang chuyển dịch, nói cách khác, một quá trình chuyển dịch mới đang diễn ra cùng quá trình đổi mới.

Chính lúc này, ý thức công dân càng cần phải được đề cao.

Bởi sự nghiêm túc trong ý thức công dân sẽ giúp tạo dựng bản lĩnh và sự tự tin trong khi giải quyết các vấn để văn hoá - xã hội mới nảy sinh, tiếp nhận và biến đổi những giá trị mới phù hợp, hơn thế nữa, là góp phần giữ vững định hướng phát triển của xã hội.

NGUYỄN HOÀ, tháng 11-2007