Sáng kiến kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí 9

MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÔN THI HỌC SINH GIỎI MÔN ĐỊA LÍ LỚP 9

- Góp phần đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu, tìm tòi của giáo viên cũng như đẩy mạnh phong trào học tập của học sinh.

- Giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng tìm ra phương pháp học để học sinh học tốt, ôn luyện tốt đi thi đạt được kết quả.

MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÔN THI HỌC SINH GIỎI

MÔN ĐỊA LÍ LỚP 9

* Mục đích:

- Góp phần đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng, nghiên cứu, tìm tòi của giáo viên cũng như đẩy mạnh phong trào học tập của học sinh.

- Tạo hứng thú cho học sinh, lôi cuốn các em học sinh tích cực tham dự vào đội tuyển.

- Giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng tìm ra phương pháp học để học sinh học tốt, ôn luyện tốt đi thi đạt được kết quả.

- Giúp cho bản thân người dạy cũng như đồng nghiệp có thể tích lũy về phương pháp giảng dạy tốt nhất qua đó giúp các em học sinh cảm thấy say mê, yêu thích bộ môn Địa hơn.

- Thúc đẩy thực hiện được phong trào bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi.

* Các bước thực hiện:

P Bước 1: Thành lập đội tuyển học sinh giỏi.

Tuyển chọn đội tuyển là khâu quan trọng quyết định chất lượng, là hạt nhân nòng cốt cho đội tuyển chẳng khác gì khâu chọn giống của nhà nông. Vì thế khi được giao nhiệm vụ ôn thi học sinh giỏi môn địa lí lớp 9 một câu hỏi được đặt ra cho tôi là làm thế nào để lựa chọn được các em có tố chất, siêng năng, cần cù, có nhận thức và ham học hơn các em học sinh khác. Câu hỏi ấy cứ làm tôi trăn trở mãi.

Để có được những học sinh trong đội tuyển trong quá trình dạy tôi luôn chú ý để tìm ra những hạt nhân sáng giá nhất, theo dõi các em trong quá trình học tập, qua các điểm kiểm tra, bài kiểm tra khảo sát, tham khảo qua giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy các bộ môn xã hội và bộ môn tự nhiên, rồi gặp gỡ, động viên khuyến khích các em.

+ Ở bước này nếu chọn được đối tượng tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng từ đó người giáo viên có điều kiện để phát huy hết khả năng, thế mạnh về phương pháp bồi dưỡng và kiến thức cần truyền đạt cho học sinh, tạo động lực thúc đẩy.

+ Nếu chọn đối tượng không tốt mặc dù giáo viên có phương pháp tốt, biện pháp tốt, tâm huyết đến đâu nhưng học sinh không đam mê, hứng thú mà bị bắt buộc thì dẫn đến kết quả không cao.

Với học sinh khối lớp 9 thì ở các lớp dưới các em đã được học môn Địa. Vì thế tôi tiến hành chọn đội tuyển chính thức bằng cách: Căn cứ vào kết quả khảo sát chất lượng bộ môn đầu năm học, kết quả năm học của các năm học trước và cho học sinh đăng kí trên cơ sở có sự định hướng của giáo viên.

P Bước 2: Khích lệ, động viên về mặt tinh thần cho các em trong đội tuyển.

Giáo viên cần phải chú ý đến học sinh, thường xuyên động viên, gần gũi, quan tâm về các em và gia đình học sinh để nắm được tâm tư tình cảm đồng thời khích lệ các em cố gắng. Đây là một điều tưởng chừng không liên quan gì đến chuyên môn nhưng thực ra vô cùng quan trọng và hiệu quả. Chính những lời động viên kịp thời, sự khích lệ của giáo viên đã giúp học sinh cố gắng hết mình để học tập đạt kết quả cao.

Ngoài việc chú trọng cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng, tôi còn chú ý đến vấn đề khích lệ tinh thần cho học sinh. Thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, mơ ước của các em.

Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, những khúc mắc trong cuộc sống, những biến đổi về tâm lí, tình cảm. Phối hợp với bạn bè, gia đình động viên để các em học tốt hơn.

Phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, các tổ chức trong nhà trường tạo điều kiện cả về thời gian, vật chất và tinh thần cho các em khi tham dự đội tuyển.

Đưa ra những gương điển hình đã từng đạt giải ở nhà trường hoặc ở các đơn vị trường bạn để động viện, khích lệ tinh thần học tập cho các em.

Kích thích lòng yêu thích môn hóa thông qua các buổi ngoại khóa bằng hình thức thi với những câu hỏi vui đem lại niềm say mê, sáng tạo đến với các em học sinh trong toàn khối.

P Bước 3: Lập kế hoạch bồi dưỡng.

Sau khi đã thành lập được đội tuyển tôi xây dựng và triển khai thực hiện, trong bản kế hoạch bao gồm tên chuyên đề, thời gian thực hiện, sau đó tiến hành tổ chức soạn, giảng một cách hệ thống và theo nguyên tắc, thứ tự các chuyên đề.

Tổ chức ôn luyện cho các em theo từng phần, theo khả năng nhận thức của từng em, rèn luyện kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Làm được điều này tôi thấy mình tự chủ động trong việc dạy học, không còn gặp phải tình trạng dạy chồng chéo lên nhau. Sau mỗi chuyên đề dạy tôi ra bài tập kiểm tra việc nhận thức, lĩnh hội kiến thức của các em đồng thời uốn nắn, sửa sai kịp thời cho từng em.

P Bước 4: Sưu tầm các dạng bài tập, các đề thi cho đội tuyển .

Ở bước này giáo viên có thể sử dụng công nghệ thông tin và Intenet để sưu tầm các tài liệu cần thiết trong điều kiện địa phương và thư viện nhà trường không đủ tài liệu tham khảo. Giáo viên cũng có thể sưu tầm, đọc thêm các sách tham khảo, sưu tầm các đề thi của những năm học trước cho các em làm đồng thời cung cấp tên các đầu sách cho các em tham khảo, các em học sinh miền núi kinh tế còn nhiều khó khăn nên các em cũng không có điều kiện mua được sách tham khảo. Vì vậy tôi đã sưu tầm, tự mua sách nghiên cứu và cho các em đọc tham khảo, với việc làm này Tôi thấy mang lại hiệu quả rất cao góp phần nâng cao việc tự học của học sinh. Để các em thấy việc cần thiết trước hết phải vận dụng được kiến thức cơ bản từ sách giáo khoa sau đó vận dụng các kiến thức từ sách nâng cao. Học sinh tự nhận thức và thấy được sự hạn chế của mình ở các nội dung cơ bản từ đó giúp cho việc nâng cao bồi dưỡng có hiệu quả hơn.

P Bước 5: Khai thác các sách tham khảo, nâng cao.

Hướng dẫn học sinh khai thác tối đa các sách tham khảo nâng cao, bồi dưỡng địa lí THCS trong rèn luyện thi học sinh giỏi.

Đối với việc bồi dưỡng học sinh giỏi địa lí việc nắm vững lí thuyết và phương pháp làm bài tập, để rút ra được các mối quan hệ giữa các hiện tượng Địa Lí, học sinh có thể hiểu sâu hơn bản chất của các hiện tượng, và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Bên cạnh đó việc tìm hiểu thực tế là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện những phẩm chất và năng lực của học sinh, đưa đến sự phát triển toàn diện cho người học. Tìm hiểu thực tế Địa Lí là phương thức nhằm góp phần nâng cao chất lượng kiến thức và rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo cho học sinh hiệu quả hơn.

P Bước 6: Tiến hành bồi dưỡng đội tuyển.

Xây dựng kế hoạch, lập thời gian biểu cho đội tuyển học sinh giỏi bồi dưỡng theo thời gian, địa điểm hợp lí. Trong những buổi ôn tổ chức cho các em ôn theo từng chuyên đề, giao bài tập vận dụng ngay sau khi ôn xong lí thuyết, tránh tình trạng ôn gấp rút, ôn trong thời gian dài, hoặc ôn kiểu nhồi nhét kiến thức.

Tổ chức cho các các em trao đổi theo nhóm để các em hợp tác và giúp đỡ nhau. Sau mỗi buổi ôn giáo viên giao bài tập về nhà cho các em trong đội tuyển, thu và chấm, đồng thời sửa sai cho các em.

Tranh thủ trong những buổi học chung của cả lớp, giáo viên đan xen những bài tập khó, gợi mở tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo của các em trong đội tuyển. Giáo viên giải đáp các thắc mắc, những bài tập khó cho các em trong giờ ra chơi hoặc cuối buổi học.

Thường xuyên kiểm tra sự chuyên cần học tập của học sinh trên lớp, ở nhà, đặc biệt là trong các buổi ôn luyện cho các em xem mức độ đáp ứng yêu cầu giáo viên đặt ra thông qua việc yêu cầu làm bài. Giáo viên chấm, sửa lỗi, trả bài một cách nghiêm túc, kịp thời chỉ ra cho các em những sai sót, cách giải quyết vấn đề, trình bày bài làm, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần cho các em. Thông qua viêc đánh giá chấm chữa bài giúp các em học sinh có nhận thức sâu sắc hơn về việc ôn luyện, làm bài, trình bày để làm bài thi đạt điểm cao. Đó cũng là những yếu tố rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng.

Giáo viên có sổ theo dõi, ghi chép kết quả các bài kiểm tra của học sinh, gặp gỡ để nắm bắt các tình huống khi học sinh làm bài. Giáo viên chủ động liên lạc với gia đình để bố mẹ các em nắm được sự tiến bộ của từng em. Giáo viên tự rút ra bài học kinh nghiệm cho mình để thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi các khối khác và năm sau tốt hơn. Đúc rút kinh nghiệm để trao đổi với đồng nghiệp cùng tìm hướng giải quyết.

P Bước 7 : Làm quen với đề thi học sinh giỏi.

Học sinh sau khi đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản trong từng chuyên đề Tôi đã lựa chọn cho các em làm các đề thi với lượng kiến thức vừa phải để xem khả năng của các em đang ở mức độ nào. Sau đó tôi nâng dần độ khó của các đề cho các em làm, đồng thời cho các em làm các đề mà tôi đã sưu tầm được trong những năm học trướcĐây cũng là cách giáo viên giúp cho học sinh tổng hợp được, khái quát các kiến thức yêu cầu đối với học sinh giỏi.

Giáo viên cần rèn cho các em kỹ năng hoàn thiện, sự phản xạ với các đề, dạng đề từ yêu cầu thấp đến yêu cầu cao để đón nhận các dạng đề mà người ra đề yêu cầu một cách bình tĩnh. Học sinh khi được tiếp nhận đề không rơi vào tình trạng bị động khi xem đề, dẫn đến bỡ ngỡ mất phương hướng hoang mang làm sai khi đọc đề.

P Bước 8: Tổ chức thi vòng trường.

Phối hợp với các giáo viên cùng tham gia công tác bồi dưỡng tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức kì thi học sinh giỏi vòng trường để các em được làm quen với cách thức tổ chức hội đồng thi, không còn bỡ gỡ trong khi đi thi. Giúp các em làm quen với một kì thi nghiêm túc để rèn kỹ năng thi, phương pháp làm bài, phân bố thời gian để làm bài có hiệu quả.

Khi ra đề ở Hội đồng thi vòng trường, giáo viên không nên ra đề với yêu cầu cao hoặc quá đơn giản để tránh các em rơi vào tình trạng tự mãn, chủ quan hoặc chán nản vì quá sức.

Sau khi hội đồng thi xong tổ chức chấm điểm, đánh giá kết quả bài thi. Thông qua kết quả bài thi, giáo viên chỉ ra cho các em những chỗ sai sót đã mắc phải trong bài thi, sửa cho các em để các em không mắc phải trong các kì thi tiếp theo, đồng thời chữa cho các em các bài tập mà các em chưa làm được.

Trên đây là một số kinh nghiệm ôn thi học sinh giỏi môn địa lí lớp 9 mà tôi đã đúc rút được qua thực tế các lần ôn thi học sinh giỏi của tôi. Mọi người đọc, tham khảo và đóng góp ý kiến cho tôi để được hoàn thiện hiệu qủa hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết