Nguyên nhân trẻ khóc nhiều

  1. Trang chủ
  2. Góc sức khỏe
  3. Mẹ & bé
  4. Chăm sóc bé

Thứ Năm ngày 31/03/2022

  • Giai đoạn 1 - 3 tuổi bé ăn gì để tăng chiều cao?
  • Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị tiêu chảy và cách xử lý
  • Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy mẹ nên ăn gì?

Khóc là cách trẻ giao tiếp với thế giới xung quanh khi trẻ chưa biết nói. Tuy nhiên, bé sơ sinh khóc nhiều khiến cha mẹ cảm thấy lo lắng. Vậy trẻ sơ sinh khóc nhiều có sao không? Hãy cùng giải đáp thắc mắc này qua bài viết dưới đây nhé.

Tùy vào từng độ tuổi mà các bé sẽ có thời gian và tần suất khóc khác nhau. Tuy nhiên, không phải lúc nào trẻ khóc cũng do đau mà có thể là trẻ đang muốn báo hiệu một nhu cầu gì đó. Để trả lời cho câu hỏi "Trẻ sơ sinh khóc nhiều có sao không?" thì bố mẹ cần biết được lý do tại sao con khóc.

Tại sao trẻ sơ sinh khóc nhiều?

Khóc là hoạt động không thể thiếu của mỗi đứa trẻ và diễn ra khá thường xuyên, hầu như mỗi ngày. Nhiều bậc phụ huynh lần đầu làm cha mẹ đều cảm thấy lo lắng về tình trạng này vì cho rằng con có thể đang bị đau ở đâu đấy. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân làm cho trẻ khóc, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

Nguyên nhân trẻ khóc nhiều
Khóc là hoạt động không thể thiếu của mỗi đứa trẻ và diễn ra khá thường xuyên

Trẻ đói bụng

Đây là lý do đầu tiên bố mẹ cần nghĩ tới khi trẻ khóc. Khi bị đói, trẻ thường hay khóc và kèm theo các dấu hiệu như mút tay hay nhóp nhép miệng. Sau khi trẻ bú xong, trẻ lại khóc chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, thì đây có thể là dấu hiệu cho biết trẻ chưa được bú đủ lượng.

Tã trẻ bị bẩn, quá ướt

Trẻ thường sẽ báo hiệu cho cha mẹ biết mình muốn thay tã bằng cách khóc. Tuy nhiên, thông thường tiếng khóc không có gì đặc biệt. Cũng có đôi khi bé thét to lên và nước mắt dàn dụa. 

Trẻ buồn ngủ

Đối với người lớn, khi buồn ngủ có thể ngủ bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Nhưng với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì khác, khi buồn ngủ chúng thường quấy khóc, lấy tay dụi mắt, hoặc gãi đầu gãi tai, hay một số bé có thể mút tay. Ban đầu bé khóc tương đối nhỏ. Nhưng nếu xung quanh ồn ào làm cho trẻ không ngủ được thì trẻ sẽ khóc to và liên tục hơn. 

Trẻ muốn được ôm ấp, muốn làm nũng

Nhiều bố mẹ nghĩ rằng nếu bế và ôm ấp trẻ quá nhiều rất dễ làm hư trẻ. Tuy nhiên, trong những ngày tháng đầu đời trẻ rất cần sự âu yếm, vỗ về, an ủi của bố mẹ. Vì thế nên khi trẻ làm nũng muốn được ôm ấp, trẻ thường sẽ khóc lúc cao lúc thấp, hoặc có thể khóc không có nước mắt,...

Trẻ bị khó chịu ở vùng bụng

Trẻ bị đầy hơi, đau bụng hoặc gặp các vấn đề khác.

Khi trẻ bị đau bụng, trẻ sẽ thường xuyên khóc sau khi bú. Trẻ có thể khóc đến nỗi không thể dỗ dành được.

Bên cạnh đó, đôi khi việc bị đầy hơi cũng có thể là nguyên nhân làm trẻ khó chịu và khóc. Nếu nghi ngờ trẻ bị đầy hơi, cha mẹ có thể thử một vài biện pháp đơn giản như đặt bé nằm ngửa và cho bé cử động như đang đạp xe, việc này sẽ có tác dụng giúp bé khắc phục tình trạng đầy hơi.

Trẻ sơ sinh khóc nhiều có sao không?

Nguyên nhân trẻ khóc nhiều
Khóc nhiều trong một thời gian dài đa phần là do bé đang cảm thấy khó chịu và bất an

Để trả lời cho câu hỏi "Trẻ sơ sinh khóc nhiều có sao không?", các chuyên gia cho biết rằng: Riêng đối với trẻ sơ sinh, việc khóc nhiều trong một thời gian dài đa phần là do bé đang cảm thấy khó chịu và bất an. 

Chúng khóc vì muốn cho bạn biết chúng muốn bạn đáp ứng một nhu cầu nào đó. Nhưng chúng không thể nói chuyện được với bạn, vậy nên khóc là cách duy nhất để chúng thể hiện. Trên thực tế, việc khóc nhiều hoàn toàn không gây hại cho bé và thường gặp ở hầu hết những trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu trẻ khóc nhiều và kèm theo những biểu hiện bất thường thì bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay vì có thể trẻ đang gặp vấn đề sức khỏe nào đó. 

Bố mẹ phải làm gì khi trẻ khóc nhiều?

Nguyên nhân trẻ khóc nhiều
Bố mẹ cần bình tĩnh trước tiếng khóc của trẻ để có thể tỉnh táo nhận ra những thông điệp mà trẻ muốn truyền tải

Trong quá trình nuôi con, bố mẹ phải tập quen dần với việc khóc nhiều của trẻ. Sau đây là một số điều bố mẹ cần làm khi trẻ sơ sinh khóc nhiều: 

  • Cố gắng giữ bình tĩnh: Bố mẹ cần bình tĩnh trước tiếng khóc của trẻ để có thể tỉnh táo nhận ra những thông điệp mà trẻ muốn truyền tải. Ngoài ra cũng cần dỗ dành trẻ bằng giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp.
  • Khi trẻ cảm thấy bất an, trẻ thường muốn được bố mẹ vuốt ve để có thể lấy lại bình tĩnh. Sự vuốt ve, âu yếm của bố mẹ có thể giúp trẻ có thể bớt căng thẳng và có được cảm giác an toàn. Từ từ trẻ sẽ tự bình tĩnh trở lại và không khóc nữa. 
  • Sắp xếp các hoạt động trong ngày theo lịch trình của trẻ: Việc này có nghĩa là nếu trẻ thường khóc vào một thời điểm nhất định thì bố mẹ đừng bố trí làm việc gì vào lúc đó để có thể sắp xếp thời gian bên cạnh trẻ.
  • Khi cảm thấy trẻ khóc nhiều và có dấu hiệu bất thường hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn hoặc đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

Bài viết trên đã cung cấp những thông tin có thể giúp bố mẹ hiểu hơn về tình trạng khóc nhiều của trẻ. Hy vọng những thông tin đó có thể giúp bố mẹ có câu trả lời cho câu hỏi "Trẻ sơ sinh khóc nhiều có sao không?"; cũng như biết cách xử lý khi bé nhà mình khóc nhiều. 

Ngọc Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

  • trẻ sơ sinh

Bài viết liên quan

Bài nổi bật