Cá anh vũ có nuôi được không

Anh vũ (Semilabeo notabilis Peters, 1881) là một loài cá quý, thịt thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Việc đưa cá anh vũ vào nuôi đang mở ra một hướng đi mới nhiều hứa hẹn.

Đặc điểm sinh học

Cá anh vũ thuộc họ cá chép (Cyprinidae), bộ cá vược (Cypriniformes), mình thon dài màu xám tro, bụng màu vàng nhạt, có 2 đôi râu. Râu mõm lớn hơn râu hàm. Miệng có môi trên rộng, nhiều u tròn nổi. Rãnh sau môi dưới không có. Kích cỡ mắt trung bình, vây lưng không có tia gai cứug và có màu xám, vây ngực, vây bụng, vây hậu môn có màu xám pha vàng. Vảy vừa phải, xếp đều đặn, phủ kín toàn thân.

Cá anh vũ sống chủ yếu trong các ghềnh đá ngầm, nơi có nguồn nước chảy mạnh ở thượng lưu sông Hồng, sông Kỳ Cùng và sông Lam, thuộc các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Lạng Sơn và Nghệ An.

Đây là loài cá có tốc độ sinh trưởng chậm, ngoài tự nhiên tốc độ tăng trưởng của cá khoảng 0,2 – 0,3 kg/năm, kích cỡ cá trưởng thành 30 – 70cm, trọng lượng có thể đạt 5kg. Cá tham gia sinh sản sau 2 – 3 năm tuổi, mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4 (dương lịch), trong các hang động dưới đáy sông.

Ngoài tự nhiên, cá chỉ xuất hiện vào cuối thu đầu đông khi trời có sương mù, không có mưa trên thượng nguồn, nước trong. Mùa hè mưa nhiều, nước nguồn đục hầu như cá không xuất hiện.

Cá anh vũ có nuôi được không

Ảnh: Lại Duy Cường

 Triển vọng trong nuôi trồng

Cá anh vũ được xếp vào hàng “ngũ quý hà thủy”. Hiện nay, trên thị trường mỗi kilogam cá đánh bắt ngoài tự nhiên có giá hàng triệu đồng. Do giá trị cao, nhu cầu lớn nên ngư dân tại các khu vực sông nơi cá phân bố ráo riết săn bắt, thậm chí cả trong mùa sinh sản. Do vậy, cá anh vũ có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Trước tình hình trên, Trung tâm Quốc gia Giống thuỷ sản nước ngọt miền Bắc (Phú Tảo, Gia Lộc, Hải Dương) đã thực hiện đề án ”Bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn gen cá anh vũ”. Kết quả, đã nghiên cứu sinh sản thành công và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá anh vũ bằng thức ăn công nghiệp, mở ra một triển vọng lớn đối với nghề nuôi cá quý hiếm.

Theo ông Nguyễn Anh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm thì triển vọng của nghề nuôi đối tượng đặc sản này là rất khả thi. Cá anh vũ tốc độ sinh trưởng chậm nhưng bù lại có giá trị kinh tế. Đối tượng này có thể nuôi trong ao nước chảy, trong lồng bè và những nơi có nguồn nước trong sạch và có hàm lượng ôxy hòa tan cao (4mg/l trở lên). Mùa vụ thả giống từ tháng 5 dương lịch, mật độ 2 – 3m2/con. Thức ăn cho cá nên kết hợp giữa thức ăn nhân tạo và tự nhiên, thời gian nuôi từ 1 năm trở lên mới có thể thu hoạch.

Cá anh vũ mới được thuần hóa từ tự nhiên nên sự thích nghi của nó đối với môi trường nuôi chưa cao. Do vậy cần đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống ao nuôi, lồng nuôi bài bản và phải nắm rõ quy trình kỹ thuật. Mặt khác, do cá có tốc độ sinh trưởng chậm nên thời gian nuôi dài, ở môi trường nuôi nhân tạo cá thường mắc một số bệnh ngoài da nên chế độ chăm sóc cũng khắt khe hơn… Việc nuôi thành công loài cá này không chỉ giúp một loài cá quý hiếm thoát nguy cơ tuyệt chủng, mà còn góp phần đa dạng trong nuôi trồng thủy sản.

Thời gian gần đây, tại Hà Nội xuất hiện rất nhiều thông tin quảng cáo liên quan đến việc bán cá anh vũ - một loài “bảo ngư” được trời ban cho thiên hạ nên Vua Hùng ban tên Anh Vũ, phong là “Văn Lang đệ nhất ngư”.

Theo thông tin quảng cáo của một cửa hàng ở Vạn Phúc (Ba Đình, Hà Nội), cá anh vũ thịt được bán với giá từ 2,9 - 3 triệu đồng/kg đối với cá còn sống và 1,5 triệu đồng/kg đối với cá đông lạnh. Theo người bán hàng khẳng định cá anh vũ của cửa hàng là cá thuần giống. Tuy nhiên cá chỉ có cân nặng từ 2 đến 7 lạng mỗi con.

Cá anh vũ có nuôi được không

Tại một cửa hàng khác tại Quốc Tử Giám (Hà Nội), quảng cáo cá anh vũ tự nhiên nhưng giá chỉ bằng một nửa thậm chí 1/3. Cụ thể, ở đây có 3 mức giá: cá anh vũ từ 2- 5kg/con giá từ 982.000 đồng/kg, cá từ 5-7kg giá đến 1.350.000 đồng/kg, cá trên 7kg/con giá 1.530.000 đồng.

Khi hỏi về nguồn gốc xuất xứ, người bán hàng cho biết, cá anh vũ của cửa hàng là cá tự nhiên, được bắt trên thượng nguồn Tây Nguyên, mổ ngay để đảm bảo tươi ngon, bảo quản cấp đông chuyển về Hà Nội và các TP lớn theo đơn đặt hàng của khách.

Cá anh vũ ở đây đều được bán với trọng lượng phổ biến từ 2 - 5kg/con, thậm chí có những con còn có trọng lượng trên 7kg/con.

Lý giải về trọng lượng "khủng" của cá anh vũ, người bán hàng cho hay, do trước đây có một chương trình hỗ trợ cho đồng bào Tây Nguyên về việc nuôi cá anh vũ, họ bắt cá anh vũ thuần chủng rồi thả nuôi ở các sông ở đây.

Sở dĩ cá có cân nặng 5 - 7 kg vì cá sống ở sông đã hơn chục năm, ngoài ra đồng bào ở đấy chỉ bắt cá to, nếu bắt được cá dưới 3 kg là họ lại thả xuống sông ngay", người bán hàng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Bình, giám đốc Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc cho biết, cá anh vũ là loài cá quý, từng được coi là sản vật chỉ dành để tiến vua. Tuy nhiên, cá anh vũ rất chậm lớn và thời gian nuôi kéo dài.

"Từ trước năm 2005, trung tâm chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu cho sinh sản cá anh vũ và đã chuyển giao công nghệ sản xuất cho tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, do cá anh vũ rất chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài nên khi thành thườn phẩm thì giá trị về kinh tế thấp, vì vậy, người dân không nuôi nhiều mà chủ yếu nuôi làm cảnh là chính", ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, trong quá trinh nghiên cứu, ông đã đi thực tế tìm hiểu ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ gặp cá anh vũ có trọng lượng lớn hơn 3kg.

"Tôi cũng nghe có quảng cáo cá anh vũ nặng đến 5 - 7kg nhưng tôi không tin lắm. Bởi thực tế, trong quá trình nghiên cứu, nuôi dưỡng ở trung tâm chúng tôi thì cá anh vũ nặng nhất được ghi nhận là 1,5kg. Còn trong tự nhiên, khi nghiên cứu loại cá này từ năm 1999 tôi đã có 1 - 2 lần gặp nhưng trọng lượng lớn nhất cũng chỉ dưới 3kg. Trước năm 1999 - 2000 thì ở trên sông Gâm, cá anh vũ còn nhiều nhưng trọng lượng cũng chỉ từ 300g - 1,2 kg mà thôi còn loại 2,5 - 3kg thì vô cùng hiếm", ông Bình nói.

Về thông tin cho rằng, cá anh vũ có trọng lượng 5 - 7kg được nuôi ở Tây Nguyên rồi đánh bắt, chế biến đưa ra Hà Nôi, Tp Hồ Chí Minh, ông Bình nhấn mạnh: "Tôi cũng đã có nghiên cứu qua tài liệu của một GS.TS nghiên cứu về loài cá anh vũ ở Việt Nam nhưng cũng không thấy nói đến trọng lượng lớn đến như thế. Với trách nhiệm của trung tâm trong việc bảo tồn, nhân giống các loài cá quý hiếm, chúng tôi sẽ đến các nơi quảng cáo này để tìm hiểu, nếu thực sự là loại cá này và có trọng lượng lớn như vậy thì sẽ mua lại để đem về làm cá giống bố mẹ... ".

Cá anh vũ có nuôi được không

Còn theo chuyên gia Phạm Văn Sao, người từng dành nhiều công sức nghiên cứu loài cá anh vũ này cho rằng, việc quảng cáo cá anh vũ nặng đến 5 - 7kg, thậm chí hơn 7kg là điều không tưởng.

"Cá anh vũ có 2 loại là cá anh vũ già, gù và thường là rất hiếm, khó thu, nhất là sau khi thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) xây xong. Loại thứ 2 là cá anh vũ ở sông Bằng Giang (Cao Bằng), loại này có trọng lượng lên đến trên 2kg. Tuy nhiên, rất hiếm những con có trọng lượng như thế. Cá anh vũ có nuôi 1 năm hay 2 năm cũng chỉ được khoảng 500g chứ không thể lớn hơn được.

Bởi lẽ, những loài cá nào ăn thực vật đạm cao hoặc ăn động vật mới có thể to, lớn được còn cá anh vũ chỉ thường ăn tảo bám ở trên đá và các loại động vật không xương sống nhỏ sống dưới nước bằng cách dùng môi cạo thức ăn. Do đó, cá anh vũ không thể có trọng lượng lớn đến 5 - 7kg được, đó là điều không tưởng, khó tin...", ông Sao khẳng định.

Đồng quan điểm đó, ông Nguyễn Tử Cương, Giám đốc Trung tâm chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng bày tỏ, thực tế, ông chưa gặp loại cá anh vũ nào có trọng lượng lớn đến 5 - 7kg và đó là điều khó tin.

Cá anh vũ chỉ sống ở nơi nước xiết, nên thịt rất săn chắc lại có tính ôn, có thể chữa các bệnh nóng nhiệt, táo bón và bồi bổ thận, hoàn. Cũng vì sống ở vùng nước xiết, nên cá có cái miệng cực khoẻ để bám vào vách đá, hàng giờ cạo rêu đá ra ăn nên miệng bành ra như mõm lợn. Theo những ngư dân lão luyện, cái “mõm lợn” ấy chính là bộ phận ngon nhất và đắt nhất của cá anh vũ.

(Theo Đại Lộ)