Ví dụ về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

Khái quát về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự? Quy định của pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự?

Nghĩa vụ dân sự là nội dung cốt lõi được pháp luật dân sự điều chỉnh đối với cá nhân, tổ chức khi tham gia vào một quan hệ pháp luật cụ thể. Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là trách nhiệm, là yếu tố bắt buộc mà người có nghĩa vụ phải tự giác thực hiện. Tuy nhiên, điều này cũng không mang tính chất tuyệt đối, bởi trong thực tế, nghĩa vụ dân sự có thể không được thực hiện do yếu tố chủ quan hoặc khách quan, từ đó đặt ra yêu cầu về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự từ góc độ lý luận cho đến thực tiễn pháp luật Việt Nam.

Ví dụ về các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng

Dịch vụ Luật sư tư vấn pháp luật qua điện thoại: 1900.6568

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật dân sự năm 2015.

Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

1. Khái quát về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự?

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là nội dung được hiểu ở hai mặt:

Về mặt khách quan, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là những quy định của pháp luật cho phép các chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo đảm cho nghĩa vụ đó được thực hiện, đồng thời xác định và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên trong các biện pháp đó.

Về mặt chủ quan, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là việc thỏa thuận giữa các bên, qua đó đặt ra các biện pháp tác động mang tính chất dự phòng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.

Trong pháp luật thực định Việt Nam không có điều khoản nào đưa ra khái niệm các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Điều 292 Bộ luật dân sự chỉ đưa 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (bổ sung 2 biện pháp so với Bộ luật dân sự năm 2005, bao gồm:  Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản.

Xem thêm: Nghĩa vụ dân sự là gì? Quy định chung về nghĩa vụ dân sự

Có thể hiểu, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là các biện pháp được ghi nhận trong Bộ luật dân sự, do các bên thỏa thuận áp dụng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ, đồng thời ngăn ngừa và khắc phục những hậu quả xấu do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ gây ra.

Đặc điểm của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ phái sinh từ nghĩa vụ được bảo đảm, luôn gắn liền với một nghĩa vụ được bảo đảm cụ thể, được xác lập sau hoặc đồng thời với việc xác lập nghĩa vụ đó. Ví dụ: A và B thiết lập hợp đồng vay tiền điều này làm phát sinh nghĩa vụ trả tiền nợ gốc đã vay và tiền lãi phát sinh khi đến hạn thanh toán của B. Để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ này A và B thỏa thuận ký kết hợp đồng thế chấp (hoặc bảo lãnh) sau khi đã ký kết hợp đồng tín dụng hoặc đưa vào trong hợp đồng vay tiền một điều khoản về biện pháp thế chấp (hoặc bảo lãnh) để bảo đảm cho nghĩa vụ trên.

Thứ hai, phạm vi bảo đảm của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, có thể là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ. Đặc điểm này được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 293, Bộ luật dân sự: “Nghĩa vụ có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.”.

Về nguyên tắc phạm vi bảo đảm của các biện pháp bảo đảm không vượt quá phạm vi nghĩa vụ đã được xác định trong nội dung của quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm; dù trong thực tế người có nghĩa vụ đưa ra một tài sản có giá trị lớn hơn nhiều lần giá trị của nghĩa vụ để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Vì mục đích cuối cùng của việc bảo đảm đó cũng chỉ là để người mang nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi đã xác định.

Thứ ba, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có tính chất dự phòng, chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ xảy ra. Trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm đã được thực hiện một cách đầy đủ thì không cần áp dụng biện pháp bảo đảm đó.

Thứ tư, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ sự thỏa thuận giữa các bên. Các biện pháp
bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đương nhiên phát sinh bên cạnh nghĩa vụ chính; không phải bên cạnh hợp đồng mua bán là hợp đồng đặt cọc hay bên cạnh hợp đồng vay tiền là các hợp đồng thế chấp, cầm cố, bảo lãnh…

2. Quy định của pháp luật về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự?

2.1. Chủ thể trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như đã nói ở trên là phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên. Thông thường, bên bảo đảm là bên có nghĩa vụ dân sự và bên nhận bảo đảm là bên có quyền đối ứng với nghĩa vụ của bên bảo đảm. Trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể có sự liên quan của người thứ ba, ví dụ như biện pháp bảo lãnh, ký quỹ,…

Xem thêm: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là gì? Quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự?

Căn cứ vào các biện pháp bảo đảm cụ thể, bên bảo đảm bao gồm: bên cầm cố, bên thế chấp, bên đặt cọc, bên ký cược, bên ký quỹ, bên mua trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên bảo lãnh, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở trong trường hợp tín chấp, bên có nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.

Bên nhận bảo đảm bao gồm: bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp, bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược, bên có quyền trong ký quỹ, bên bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bên nhận bảo lãnh, tổ chức tín dụng trong trường hợp tín chấp, bên có quyền trong hợp đồng song vụ đối với biện pháp cầm giữ.

2.2. Tài sản bảo đảm.

Tài sản bảo đảm là đối tượng của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự, theo đó tài sản bảo đảm phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 295 Bộ luật dân sự, cụ thể:

– Một là, tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu. Đây là điều kiện đầu tiên khi muốn bên bảo đảm muốn thực hiện quyền bảo đảm của mình với tư cách là chủ sở hữu, bên bảo đảm có quyền tác động tới tài sản, sử dụng, định đoạt nó một cách hiệu quả và có mục đích hợp pháp.

– Hai là, tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được. Việc mô tả có thể do hai bên tự thực hiện, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một tài sản bảo đảm, trường hợp tài sản bảo đảm là bất động sản, động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải phù hợp với thông tin trên Giấy chứng nhận. Đồng thời, tài sản bảo đảm là quyền tài sản thì thông tin được mô tả theo thỏa thuận phải thể hiện được tên, căn cứ pháp lý phát sinh quyền tài sản.

– Ba là, tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai. Trong đó, tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch. (Khoản 1, Điều 108); tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: Tài sản chưa hình thành hoặc tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch. (Khoản 2, Điều 108). Đối với tài sản hiện có, thường là đối tượng của biện pháp cầm cố, cầm giữ, đặt cọc,..còn tài sản hình thành trong tương lai thường là đối tượng của biện pháp thế chấp.

– Bốn là, giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm. Mặc dù pháp luật quy định giá trị tài sản có thể nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm, nhưng trên thực tế các tài sản bảo đảm đều có giá trị bằng và thường là lớn hơn, điều này hoàn toàn hợp lí, tránh những hao mòn giá trị nhất định trong quá trình bảo đảm do cơ chế thị trường.

2.3. Hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba

Đây là nội dung cực kỳ quan trọng, là quy định có ý nghĩa bảo vệ quyền lợi cho bên nhận bảo đảm, theo đó, khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán.

Xem thêm: Đặc điểm của nghĩa vụ dân sự? Lấy ví dụ về nghĩa vụ dân sự?

Về nguyên tắc: Biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật. Đối với các biện pháp bảo đảm phải đăng ký (theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận, theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm), thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Nếu biện pháp bảo đảm không phải đăng ký thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm.

Hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký quỹ.

Như vậy, có thể thấy, thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba là có sự khác nhau trong các trường hợp nhất định và trong các biện pháp bảo đảm khác nhau. Hiệu lực đối kháng là một nội dung phức tạp, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ và có sự phân tích sát hơn.