Nghị luận yêu cái đẹp là thấy ánh sáng

Bài viết

Macxin Gorki từng nói: Văn học là nhân học, tìm đến văn chương con người được tiếp cận với cái đẹp, với những giá trị tư tưởng sâu sắc của người nghệ sĩ đối với cuộc đời, và con người. Văn chương như dòng sữa ngọt lành xoa dịu những đau khổ, những day dứt, dằn vặt trong trái tim con người mỗi khi vấp ngã trên đường đời. Mỗi trang văn được mở ra nhưng những nấc thang đưa con người thoát khỏi những kiếp sống vật vờ để có thể tiếp tục tiến lên phía trước, tìm thấy chính mình, sống vững vàng, bản lĩnh hơn. Vì thế suốt cuộc đời cầm bút của mình, cũng với những trải nghiệm giữa cuộc sống dâu bể, CharlesDuBos đã có nhận định rằng: “Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng.”

Mỗi tác phẩm văn học khi được ra đời đều hướng người đọc đến vẻ đẹp chân, thiện, mĩ, từ bao đời nay văn học đã bồi dưỡng và vun đắp cho con người tình yêu cái đẹp, biết quý mến, nâng niu trận trọng vẻ đẹp. Chính những vẻ đẹp của cuộc sống đời thường khiến cho mỗi chúng ta thêm yêu đời, yêu người. Tư tưởng của người cầm bút cũng được uốn nắn, sắp xếp cho phù hợp với hành trình đi tìm cái đẹp trong cuộc sống. Cái đẹp cứu rỗi thế giới, cái đẹp được phát hiện khiến cho mỗi chúng ta trở nên cao quý hơn, sống có ý nghĩa, mục tiêu trong cuộc đời này. Chúng ta làm sao có thể quên được tình yêu trong sáng, thủy chung trong bài ca dao xưa:

“Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn chùi nước mắt

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn không tắt

Mắt thương nhớ ai

Mắt ngủ không yên

Đêm qua em những buồn phiền

Lo vì một nỗi không yên một bề”

Cái đẹp trong bài ca dao trên chính là tình yêu thương chân thành, thủy chung của cô gái dành cho chàng trai, tình yêu ấy được thể hiện thông qua hình ảnh khăn, chiếc khăn ấy giản đơn nhưng chất chứa bao nỗi niềm, bao hi vọng chờ chàng trai trở về của cô gái. Hình ảnh ngon đèn không tắt cũng diễn tả nỗi nhớ khắc khoải khôn nguôi của cô gái, ngọn đèn ấy cứ thắp sáng mãi, cháy mãi vì một tình yêu thủy chung chờ đợi không dứt. Cái đẹp ở đây là cái đẹp chờ đợi trong tình yêu, là sự chờ đợi có phần vô vọng, mỏng manh. Tuy nhiên cao hơn tất cả đó là tình yêu chân thành, giản dị của cô gái dành cho chàng trai, tình yêu ấy xuất phát từ trái tim bỏng cháy khát khao yêu đương, khát khao được gần gũi sẻ chia cùng chàng trai. Có lẽ đó đó chỉ là nỗi tương tư của riêng cô gái, chàng trai không thể nào biết được và thấu hiểu được nhưng cô gái vẫn yêu và tin, vẫn đắm say mãnh liệt với tình yêu của mình.  Bài ca dao giản dị nhưng chất chưa biết bao tình cảm, bao nỗi niềm của con người, những người lao động bình dân vẫn có những phút giây hạnh phúc và đầy tâm trạng như thế. Cái đẹp trong bài ca dao đủ sức lay động trái tim người đọc, khiến người đọc cảm nhận được tình yêu chân thành của người lao động xưa.

Nghị luận yêu cái đẹp là thấy ánh sáng

Ảnh minh họa

Trở lại với văn học lãng mạn, chúng ta sẽ được thấy những cây bút nổi bật đó là Thạch Lam, Nguyễn Tuân, là những nhà thơ mới lãng mạn… những tác giả này dốc sức, dốc lòng để tạo nên những tác phẩm truyền vẻ đẹp văn chương đến cho người đọc. Chúng ta không thể nào quên hình ảnh chị em Liên và An trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Hai chị em mong muốn được thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn, tăm tối ở phố huyện để hướng về một cuộc sống tràn đầy mơ ước, tràn ngập ánh sáng được gợi nhắc qua hình ảnh chuyến tàu đêm. Do đó, dù đêm đã khuya nhưng hai chị em vẫn cố để đợi chuyến tàu đêm đi qua, chuyến tàu ấy như động lực sống, mục tiêu sống của hai chị em  với khát khao thay đổi cuộc sống hiện tại. Người đọc trân trọng ước mơ và khát vọng ấy của hai chị em Liên An, tác giả Thạch Lam đã rất tinh tế khi miêu tả một cách tỉ mỉ, chi tiết những biến chuyển tinh vi trong tâm trạng của nhân vật Liên. Liên cảm nhận được sự nghèo đói bủa vây xung quanh mình, em thấy xót thương cho những đứa trẻ con nhà nghèo đang nhặt nhạnh những thanh tre, thanh nứa trên mặt đất. Liên cảm thấy mình tù túng khi hàng ngày phải chứng kiến những kiếp sống mỏi mòn, lay lắt ở phố huyện đó là kiếp sống của cụ Thi điên, là kiếp sống qua ngày của mẹ con chị Tí, là gánh phở tạm bợ của bác Siêu…. tất cả hình ảnh những con người vật vờ trong cuộc sống ấy đã thôi thúc Liên phải có ước mơ, hi vọng trong cuộc sống, và ước mơ, hi vọng ấy Liên gửi cả vào chuyến tàu đêm- hình ảnh khơi gợi những kí ức đẹp đẽ của Liên khi em còn sống ở Hà Nội. Cái đẹp mà chúng ta có thể cảm nhận ở nhân vật Liên và An đó là khát khao muốn đổi thay cuộc đời, khát khao muốn bứt khỏi phố huyện nghèo nàn tăm tối để hướng về một cuộc sống rực rỡ ánh sáng, một cuộc sống văn minh, đầy ước mơ, hoài bão. Thạch Lam miêu tả diễn biến tâm trang của hai chị em Liên, An cũng là một cách tác giả gửi đến người đọc thông điệp đó là chúng ta hãy thấu hiểu, hãy cứu rỗi những tâm hồn ngây thơ của các em nhỏ, các em cần sống trong một thế giới đủ đầy, tràn ngập ước mơ và hi vọng.

>> Xem thêm:  Tuần 13 - Tóm tắt văn bản tự sự

Nguyễn Tuân là một người nghệ sĩ suốt đời săn lùng cái đẹp, ông nhìn thấy cái đẹp không chỉ hiển hiện ở những khung cảnh kì vĩ, mà còn tiềm ẩn ở những con người bình dị. Chữ người tử tù là một tác phẩm thể hiện tài năng và bút lực của Nguyễn Tuân, ông tìm thấy vẻ đẹp thiên lương trong sáng ở những nhân vật mà nhìn bề ngoài tưởng chừng như vô cảm, lạnh lùng đó là quản ngục và thầy thơ lại. Quản ngục người nắm quyền sinh sát trong tay, có thể xử tử bất cứ kẻ tử tù nào nhưng lại chùng tay trước Huấn Cao – bởi đây là con người có tài năng, có nhân cách thiên lương cao đẹp. Khi được biết Huấn Cao bị giải đến nhà lao của mình, quản ngục đã biệt đãi Huấn Cao rất hậu hĩnh, mặc dù bị Huấn Cao đuổi ra khỏi phòng giam nhưng quản ngục vẫn giữ nguyên thái độ biệt đãi của mình đối với ông Huấn. Điều quản ngục muốn có trên đời này chính là chữ viết của Huấn Cao, bởi ông quan niệm: “Chữ của ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông mà treo là có được báu vật trên đời”. Nét chữ nết người, nhìn qua nét chữ người ta có thể đánh giá được một con người, cũng từ nét chữ của Huấn Cao đã khơi lên tính cách lương thiện ở quản ngục. Trong nhà giam nhiều cạm bẫy, cái ác hoành hành không trừ một ai, ngay chính quản  ngục cũng bị vấy bẩn ít nhiều, nhưng là người có học, là người biết phân biệt cái xấu, cái ác, quản ngục biết đâu là thiên lương trong sáng để mình có thể theo học, và việc Huấn Cao bị giam vào ngục tù là một cơ hội để quản ngục có thể bày tỏ tấm lòng mình với Huấn Cao.

Nguyễn Tuân đã xây dựng nên một quản ngục biết trọng cái tài, biết yêu mến vẻ đẹp thanh thoát của những con chữ từ người tử từ, và nhà văn so sánh: “đây là thanh âm trong treo chen vào giữa bản đàn mà mọi nhạc luật đều  hỗn loạn, xô bồ”. Bằng con mắt tinh đời, nhà văn đã phát hiện những tấm lòng lương thiện hướng đến cái đẹp dù họ phải sống trong cảnh tù ngục tăm tối, hàng ngày phải tiếp xúc với cái ác, cái xấu xa. Cái đẹp ở đây đã bắt nguồn từ cái ác và chiến thắng cái ác, khiến cho cái ác bị đè bẹp không thương tiếc, trong tác phẩm Cảnh cho chữ là cảnh tượng xưa nay chưa từng có, một cảnh đẹp được dựng lên từ chốn tăm tối, ngục tù, giữa khung cảnh: “Tường đầy mạng nhện, đất bữa bãi phân chuột, phân gián” đó là hình ảnh : “Một người tù cổ đeo gông , chân vướng xiềng đang dậm tô những nét chữ trên vuông lụa trắng tinh” và hình ảnh thầy thơ lại và quản ngục thì run run bưng chậu mực để người tử tù sáng tạo nên cái đẹp. Vị thế của những nhân vật đã có sự thay đổi, ngưởi tử tù chờ ngày lên pháp trường đã trở thành người sáng tạo cái đẹp, còn những kẻ nắm quyền hành trong tay là quản ngục và thơ lại trở thành những người nhận lãnh cái đẹp. Câu chuyện Chữ người tử tù, đã khiến chúng ta bừng ngộ về cái đẹp, cái đẹp trong tác phẩm này đủ sức mạnh thức tỉnh lương tri con người, khiến họ tự nhận thức được chính bản thân mình và thay đổi. Nguyễn Tuân hẳn là một nhà văn đã dày công nghiên cứu và với bút lực dồi dào ông đã tạo nên một trong những tác phẩm để đời, mang lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim độc giả.

Chức năng của văn học là hướng người đọc đến cái thiên lương trong sáng, để người đọc tự nhận thức được bản thân mình và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Văn học có các chức năng: thẩm mĩ, giáo dục, giải trí, nhận thức trong đó chức năng hướng con người đến cái đẹp cái cao thượng là chức năng chủ yếu, bởi văn học ra đời nhằm phản ánh cuộc đời, giúp con người sống và có định hướng đúng đắn trong cuộc đời. Vì thế định hướng tư tưởng cho người đọc trong văn học là điều cần thiết. Một tác phẩm hay là một tác phẩm phải giúp cho con người phân biệt được cái ác, cái thiện giúp con người tự hình dung được bản thân mình đang ở vị trí nào trong cuộc đời, và khiến cho họ có những cách ứng xử đúng đắn với mọi người. Văn học là tư tưởng, và nhà văn phải là người nghệ sĩ lão luyện trong việc định hình tư tưởng cho người đọc hướng người đọc đến những điều tích cực trong cuộc sống. Tác phẩm văn chương có thể phản ánh cái xấu xa, cái độc ác những đằng sau cái độc ác xấu xa kia có thể thức tỉnh con người sống có ích có ý nghĩa trong cuộc đời. Bởi vậy mỗi tác phẩm văn chương ra đời đều phải đặt cái đẹp lên hàng đầu, cái đẹp thức tỉnh nhận thức con người, cái đẹp khiến con người sống có mục tiêu, định hướng trong cuộc đời, và cái đẹp giúp con người tránh được cái xấu, cái ác và cái đẹp giúp con người tạo ra những tư tưởng đúng đắn. Qua mỗi trang viết của mình nhà văn đều mong muốn độc giả thấu hiểu những tư tưởng mà mình đem lại cho họ, để người đọc có dịp được suy ngẫm, trò chuyện cùng tác giả đồng thời có những góc nhìn mới về tác phẩm để góp ý cho tác giả. Do đó trong văn học cái đẹp thực sự rất quan trọng bởi nó định hướng tư tưởng cho độc giả, hướng tư tưởng của độc giả đến ánh sáng nhân văn, tích cực. Cái chết của Rô mê ô và Giu li ét khiến người đời đau lòng, thương xót nhưng trong cái chết ấy lại xuất hiện cái đẹp, đó là hóa giải hận thù giữa hai dòng họ Môngtagiu và Capiulet, cái chết ấy đem lại nhân văn, giá trị cho người đọc, giả sử nếu một trong hai nhân vật trên không chết, không hi sinh mình vì tình yêu thì chắc gì hận thù giữa hai dòng họ đã được hóa giải và cái xấu vẫn cứ đeo bám suốt toàn bộ tác phẩm. Bởi vậy văn học đem đến cho người đọc những trải nghiệm bất ngờ, những thú vui không phải ai cũng biết.

Tác phẩm văn chương kinh điển sở dĩ tồn tại được là nhờ tác giả đó biết tạo nên cái đẹp, và vinh danh cái đẹp cho người đọc cảm nhận và thấu hiểu, chính vì thế văn chương mới trở nên có giá trị, ý nghĩa. Bởi vậy: “Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sang”. Khi tiếp cận một tác phẩm văn học chúng ta phải tiếp cận từ góc độ cái đẹp, phát hiện những chi tiết độc đáo, đặc sắc mà tác giả đã dựng nên, đồng thời xem kĩ những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật để có thể hiểu ý đồ của tác giả. Chung quy lại mỗi tác phẩm văn chương đều nhằm mục đích chia sẻ những thông điệp tư tưởng mà tác giả muốn người đọc hiểu và có thể sống tốt hơn trong cuộc đời, đặc biệt sống là chính mình và có những đóng góp hữu ích cho xã hội, cộng đồng.

Hoàng Bạch Diệp

>> Xem thêm:  MS380 - Nghị luận xã hội về lòng nhân ái