Một sức mạnh của nền văn hóa việt nam năm 2024

Mặc dù đã được đặt ra từ lâu nhưng trước những đổi thay và yêu cầu mới của đất nước, việc xây dựng các hệ giá trị đang là việc làm cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị…Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới thực chất là hiện thực hóa khát vọng và các mục tiêu tốt đẹp của toàn dân tộc. Để những khát vọng, những ước nguyện tốt đẹp này trở thành “mạch nguồn” cuộn chảy hết sức tự nhiên trong cuộc sống, tạo thành sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn xây dựng và phát triển đất nước cần phải triển khai đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân… Đặc biệt, để đưa những hệ giá trị vào cuộc sống bên cạnh việc “xây” là quan trọng nhất, chúng ta cần đặc biệt quan tâm tới việc “chống” lại những thói hư tật, xấu, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội… Đây được ví như một cuộc chiến khổng lồ, trường kỳ, nhiều gian nan, thử thách…

Để làm rõ hơn điều này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xin giới thiệu Loạt bài “Xây dựng hệ giá trị: Cuộc chiến khổng lồ chống lại những thói hư tật xấu”.

Bài 1: Xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước

(ĐCSVN) - Việt Nam luôn được biết đến là một đất nước của tinh thần đấu tranh bảo vệ hoà bình, độc lập, con người Việt Nam dũng cảm, kiên trung… Hôm nay, Việt Nam đang đứng trong thời kỳ mới, dứt khoát chúng ta phải có một nền văn hóa đặc trưng truyền thống của Việt Nam và nền văn hóa đó hội nhập quốc tế. Việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam chính là tạo nền tảng, sức mạnh nội sinh để dân tộc trường tồn và phát triển, để đến giữa thế kỷ chúng ta đạt được mục tiêu là nước phát triển có thu nhập cao và hướng tới phồn vinh, hạnh phúc.

Một sức mạnh của nền văn hóa việt nam năm 2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, “sức mạnh mềm” ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định quốc gia.

Bền bỉ mục tiêu phát triển văn hóa, con người

Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt. Nổi bật là những cuộc đấu tranh vĩ đại dựng nước và giữ nước, là sự lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, là những cuộc chiến đấu kiên trì vô song để chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa, tồn tại trong nhiều thế kỷ của chế độ phong kiến từ buổi đầu cho đến giữa thế kỷ XIX. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…

Chính nền tảng lịch sử hào hùng cùng nền văn hiến, truyền thống hòa hiếu và nhân nghĩa là những nhân tố “mềm” góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Đó là một sự thật lịch sử, không thể phủ nhận và những giá trị cao đẹp, bền vững trong quá khứ đó luôn được bảo vệ, phát huy để nó không chỉ là di sản nhằm chiêm ngưỡng mà phải trở thành sức mạnh nội sinh trong phẩm giá, nhân cách con người Việt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, “sức mạnh mềm” ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định quốc gia, tăng cường hội nhập quốc tế cũng như phát huy vị thế, tầm ảnh hưởng của quốc gia đó trên thế giới. Thực tế chỉ ra rằng, một đất nước càng có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, càng duy trì và phát huy được sự đoàn kết xã hội, ổn định chính trị trật tự và an toàn xã hội thì càng có cơ hội hòa nhập mà không hòa tan trong bối cảnh toàn cầu hóa. Và một đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì càng có nhiều điều kiện và cơ hội củng cố những giá trị truyền thống. Chính vì vậy, khi dân tộc ta bước vào thời kỳ quá độ với muôn vàn thử thách để vươn tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam nhằm phát huy “sức mạnh mềm” đã được Bác Hồ cũng như Đảng ta nhiều lần đề cập đến trong các văn kiện, nghị quyết…

Một sức mạnh của nền văn hóa việt nam năm 2024
Trong thời đại mới, các giá trị đạo đức truyền thống càng phải được gìn giữ, phát huy và đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Từ Đại hội VIII (1996) Đảng ta đã yêu cầu phải: “Hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội mới phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại”. Đại hội X của Đảng (năm 2005) một lần nữa nhấn mạnh: “Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đến Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Trong tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và ban hành Nghị quyết số 33 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã xác định một trong những mục tiêu quan trọng đầu tiên phải thực hiện là: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.

Kế thừa và phát triển các quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng qua các kỳ Đại hội và các Hội nghị Trung ương về lĩnh vực văn hóa trước đây, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Triển khai nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ngày 29/11/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ Hội thảo quốc gia: “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Hội thảo đã huy động đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trong cả nước; thống nhất cao với nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư; khẳng định hệ giá trị con người Việt Nam cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo; hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; hệ giá trị văn hóa gồm 4 giá trị nền tảng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; hệ giá trị quốc gia gồm 9 giá trị cơ bản: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Có thể nói đây là những giá trị tốt đẹp, tiêu biểu, cốt lõi, là khát vọng, là mục tiêu cao nhất mà toàn dân tộc đang hướng đến. Mối quan hệ trong 4 hệ giá trị vô cùng mật thiết, trong cái nọ có cái kia, cái này chế định và tác động tích cực đến cái kia, bổ sung cho nhau tạo nên cốt cách con người, văn hóa, đất nước Việt Nam, chúng là bộ “gen di truyền” của Việt Nam được chắt lọc, trao truyền, xây dựng, phát triển qua các thế hệ.

Như vậy, sự nghiệp đổi mới của đất nước đã đi được một chặng đường dài gần 37 năm, kéo dài hơn 4 nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta luôn trăn trở về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Điều đó cho thấy đây là vấn đề cốt lõi, trọng yếu và cũng là vấn đề rất khó khăn, phức tạp cần có sự thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Cho tới hôm nay, xây dựng, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới luôn là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa chiến lược để định hướng tư tưởng, suy nghĩ, lối sống và ý thức về bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân trước cộng đồng và xã hội; bồi đắp những giá trị mới, tạo sức mạnh và sức đề kháng cho văn hóa dân tộc chống lại những âm mưu đồng hóa và thôn tính của kẻ thù.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng khẳng định rằng: “Nhiệm vụ nghiên cứu, xác định và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam đã được Đảng ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện từ nhiều năm qua và nhận được sự quan tâm, đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các cơ quan báo chí, truyền thông cả nước. Đến nay, việc xác định, công bố và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ đã hội tụ những cơ sở về chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc; những nội dung cốt lõi của hệ giá trị Việt Nam cũng đã được hình thành, xác định ngày càng rõ nét và đang nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao. Vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung chuẩn bị triển khai đồng bộ, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí, truyền thông, tạo sức lan tỏa sâu rộng để từng giá trị thấm sâu vào đời sống, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”.

Một sức mạnh của nền văn hóa việt nam năm 2024

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là tập trung chuẩn bị triển khai đồng bộ, huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, các cơ quan báo chí, truyền thông, tạo sức lan tỏa sâu rộng để từng giá trị thấm sâu vào đời sống, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Chắt lọc tinh hoa, tạo lập hành trang "soi đường" để phát triển đất nước

Chúng ta đang sống trong thời kỳ của những biến động dữ dội trên phạm vi toàn cầu. Những biến động ấy rất khác nhau, gây ra những hệ lụy và tạo nên những giá trị khác nhau. Việt Nam đang và sẽ tiếp tục có nhiều biến động, do chúng ta chủ động tạo ra để phát triển, hay những biến động ngoài ý muốn của chúng ta. Điều dễ dàng nhận thấy nhất là khi hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, khách quan, bên cạnh những thách thức đặt ra thì quá trình hội nhập cũng tạo điều kiện cho nước ta mở rộng giao lưu giữa các nền văn hóa, sáng tạo ra giá trị mới, trực tiếp bổ sung, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời kiểm chứng tính bền vững của giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước...

Tuy nhiên, những mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tạo ra những rào cản lớn cho việc xây dựng và hiện thực hóa những giá trị tốt đẹp. Những kẽ hở trong quản lý, điều hành kinh tế, xã hội… đã tạo điều kiện cho những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, là mầm mống cho những cái ác, cái xấu phát triển, tạo môi trường dung dưỡng các biểu hiện phản giá trị, phi văn hóa, ảnh hưởng đến đạo đức, giá trị, niềm tin của xã hội. Nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp bị “đứt gãy”, những biểu hiện xuống cấp đạo đức, băng hoại lối sống, tha hóa nhân cách, tình trạng tham nhũng, tiêu cực… có chiều hướng gia tăng, tạo thành tấm gương xấu, ảnh hưởng đến đạo đức, giá trị, niềm tin của xã hội. Đây không chỉ là lực cản mà còn là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị trong xã hội.

Mặt khác, trong quá trình phát triển, khoảng cách về sáng tạo và hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với miền xuôi… còn chênh lệch nhiều, khiến cho việc thực thi, lan tỏa các hệ giá trị này gặp nhiều khó khăn. Trong kỷ nguyên số, các thế lực thù địch ngày càng sử dụng triệt để không gian mạng lợi dụng các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… để tuyên truyền, chống phá chế độ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sự chống phá của các thế lực thù địch đã, đang tác động khó lường đến tư tưởng, niềm tin, định hướng giá trị của nhân dân. Bên cạnh đó, những yếu kém trong xây dựng văn hóa và phát triển giáo dục, khoa học…. hiện nay, cũng là những trở ngại căn bản trong việc xây dựng các giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam…

Khác với các nguồn lực tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên truyền thống khai thác sử dụng nhiều thì cạn kiệt, nếu chủ thể này sử dụng thì các chủ thể khác không còn để sử dụng. Nguồn lực các hệ giá trị là nội sinh, nếu không dùng sẽ bị lu mờ, bị hao mòn và mất đi sức mạnh, cạn kiệt dần. Nếu càng dùng càng được bổ sung, phát triển, thì càng thêm mạnh mẽ càng có tác động sâu rộng, càng được khơi dậy, càng bùng lên mãnh liệt. Càng nhiều người khai thác, sử dụng, nguồn tài nguyên đó càng trở nên giàu có hơn, các thế hệ dùng không cạn, khai thác không thể hết, ngày càng nảy nở, phồn thịnh, phát triển. Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình, đều có những đặc trưng chung như vậy. Chính vì vậy, Đại hội XIII đã xác định chúng ta phải xây dựng đồng thời cả 4 hệ giá trị này là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để chấn hưng văn hóa, tạo động lực và nguồn lực để phát triển đất nước nhanh, mạnh và bền vững. Việc xây dựng 4 hệ giá trị này sẽ tạo ra một cơ sở rất vững chắc để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Một sức mạnh của nền văn hóa việt nam năm 2024
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, “sức mạnh mềm” ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững ổn định quốc gia.

Nếu chúng ta xây dựng được 4 hệ giá trị này thì văn hóa sẽ thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của đất nước trên con đường phát triển. Và chính những hệ giá trị này sẽ tạo nên tầm vóc của văn hóa, để văn hóa có thể thực sự “soi đường cho quốc dân đi”. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập, hệ giá trị còn đóng vai trò là “tài sản, nguồn vốn” quan trọng để trên cơ sở đó chúng ta chủ động, tiếp nhận những giá trị mới, những tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời là cơ sở để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với ban bè quốc tế.

Các nhà khoa học cũng nhiều lần khẳng định, sự tiến bộ về vật chất không phải lúc nào và ở đâu cũng đem đến hạnh phúc cho con người nếu không có hệ giá trị định chuẩn để nuôi dưỡng đời sống tinh thần của xã hội theo hướng chân - thiện - mỹ. Việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam đóng góp một vai trò hết sức quan trọng để định hướng, dẫn dắt, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội. Vì vậy, xây dựng các hệ giá trị chính là làm rõ bản chất cốt lõi không chỉ của nền văn hóa mà chúng ta xây dựng mà còn thể hiện bản chất của chế độ chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là cơ sở để củng cố niềm tin, xây dựng môi trường tinh thần lành mạnh cho phát triển bền vững đất nước.

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đối với chặng đường phát triển sắp tới của đất nước, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đảng ta cũng xác định đây là một trong những khâu đột phá chiến lược của đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới. Nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là vấn đề hệ trọng, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Nhiệm vụ này được hoàn thành sẽ tạo nên một hệ điều tiết, “ngọn hải đăng” đảm bảo định hướng, tạo nền tảng thống nhất ý chí và hành động; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc ta”.

Như vậy, việc chúng ta xác định, xây dựng và đưa các hệ giá trị vào cuộc sống ở thời điểm này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với chặng đường phát triển sắp tới của đất nước nhằm củng cố và chấn hưng nền văn hóa, coi đó là những chuẩn mực để soi rọi và định hướng sự phát triển cho mỗi cá nhân và cả dân tộc. Hệ giá trị Việt Nam sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn dân tộc hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp chúng ta xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc... như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra và đây cũng chính là khát vọng cháy bỏng của toàn dân tộc đang hướng đến.