Nền kinh tế Liên Xô như thế nào sau chiến tranh the giới thứ 2

Để học tốt môn lịch sử, một trong những vấn đề mà đội ngũ thầy, cô và anh chị em học sinh thường trăn trở là: Làm thế nào để người học có thể chủ động trong toàn bộ quá trình học hành và thi cử?

Thông qua chưong trinh tư vấn tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), chúng tôi muốn hướng tới đáp ứng yêu cầu đó, trước mắt là phục vụ anh chị em học sinh tự ôn tập để có thể chủ động trong các kì thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng theo chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành.

Căn cứ vào chương trình môn lịch sử của Bộ Giáo dục và đào tạo, chúng tôi trình hướng dẫn ôn tập từng chương, trong mỗi chương có các mục: 1 – Những mục tiêu cụ thể phù hợp với yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản (thi tốt nghiệp), hoặc phân loại (thi tuyển sinh); 2 – Nội dung tóm tắt; 3 – Một số câu hỏi ôn tập.

Chúng tôi hi vọng, sự hướng dẫn này sẽ giúp các em học sinh ôn tập có hiệu quả, ngoài ra cũng có thể giúp đội ngũ thầy, cô dạy môn lịch sử một tài liệu tham khảo trong việc hướng dẫn học sinh tự học, tự kiểm tra kết quả học tập.

LỊCH SỬ THẾ GIỚI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NĂM 2000

Chương I: Trật tự thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945 – 1949)

A. Mục tiêu ôn tập

– Học sinh trình bày được hoàn cảnh thời gian, địa điểm, thành phần tham dự và những quyết định quan trọng của Hội nghị Ianta và tác động của các quyết định đó đối với sự hình thành trâtị tự thế giới mới.

– Trình bày được sự thành lập, mục đích, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Liên hợp quốc, đánh giá được vai trò của Liên hợp quốc từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

– Phân tích được đặc trưng cơ bản của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai là chia thành hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa do hai siêu cường Liên Xô và Mĩ đứng đầu mỗi phe. Đây là nhân tố chủ yếu chi phối các quan hệ quốc tế và nền chính trị thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

– Giải thích được khái niệm: trật tự hai cực Ianta.

B. Nội dung ôn tập

I. Hội nghị Ianta (2/1945) và những thoả thuận của ba cường quốc.

1. Hoàn cảnh lịch sử:

– Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các nước Đồng minh:

  • Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít
  • Tổ chức lại trật tự thế giới sau chiến tranh
  • Phân chia thành quả giữa các nước thắng trận

– Từ 4/11/2/1945, hội nghị quốc tế được triệu tập tại Ianta (Liên Xô) với sự tham dự của nguyên thủ 3 cường quốc là Liên Xô, Mĩ, Anh nhằm giải quyết các vấn đề trên.

2. Những quyết định quan trọng của Hội nghị

– Đẩy mạnh việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật.

– Thành lập tổ chức Liên hợp quốc nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

– Thoả thuận về việc đóng quân tại các nước nhằm giải giáp quân đội phát xít, phân chia phạm vi ảnh hưởng ở châu Âu và châu Á:

  • Ở châu Âu: quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức, Đông Beclin và các nước Đông Âu; quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm đóng miền Tây nước Đức, Tây Beclin và các nước Tây Âu. Vùng Đông Âu thuộc ảnh hưởng của Liên Xô; vùng Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mĩ. Hai nước Áo và Phần Lan trở thành những nước trung lập.
  • Ở châu Á: Hội nghị chấp nhận những điều kiện của Liên Xô để tham chiến chống Nhật bản: 1- Giữ nguyên trạng Mông Cổ; 2- Trả lại cho Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin và các đảo xung quanh; quốc tế hoá thương cảng Đại Liên (Trung Quốc) và khôi phục việc Liên Xô thuê cảng Lữ Thuận; Liên Xô cùng Trung Quốc khai thác đường sắt Nam Mãn Châu – Đại Liên; Liên Xô chiếm 4 đảo thuộc quần đảo Curin.
  • Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản; ở bán đảo Triều Tiên, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc và quân đội Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới; Trung Quốc cần trở thành một quốc gia thống nhất; quân đội nước ngoài rút khỏi Trung Quốc. Chính phủ Trung Hoa Dân quốc cần cải tổ với sự tham gia của Đảng Cộng sản và các đảng phái dân chủ, trả lại cho Trung Quốc vùng Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ; các vùng còn lại của châu Á vẫn thuộc phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.

3. Nhận xét:

– Thực chất của Hội nghị Ianta là sự phân chia khu vực đóng quân và khu vực ảnh hưởng giữa các nước thắng trận, có liên quan tới hoà bình, an ninh và trật tự thế giới về sau.

– Những quyết định quan trọng của Hội nghị và những thoả thuận sau đó trở thành khuôn khổ của trật tự thế giới mới (trật tự hai cực Ianta). Theo đó, thế giới được chia thành hai phe do hai siêu cường đứng đầu mỗi phe, đối đầu gay gắt trong gần 4 thập niên, làm cho quan hệ quốc tế luôn trong tình trạng phức tạp, căng thẳng.

II. Sự thành lập Liên hiệp quốc

1. Sự thành lập:

– Đầu năm 1945, khi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, các nước đồng minh và nhân dân thế giới có nguyện vọng gìn giữ hoà bình, ngăn chặn chiến tranh thế giới.

– Tại Hội nghị Ianta (2/1945), ba cường quốc Liên Xô, Mĩ, Anh nhất trí thành lập một tổ chức quốc tế nhằm gìn giữ hoà bình, an ninh thế giới.

– Từ ngày 25/4 đến 26/6/1945, đại biểu 50 nước họp tại Xan Phranxicô (Mĩ) thông qua bản Hiến chương và tuyên bố thành lập tổ chức Liên hợp quốc. Ngày 24/10/1945, với sự phê chuẩn của Quốc hội các nước thành viên, bản Hiến chương chính thức có hiệu lực.

2. Mục đích:

Hiến chương là văn kiện quan trọng nhất của Liên hợp quốc nêu rõ: Mục đích của Liên hợp quốc là duy trì hoà bình, an ninh thế giới, phát triển các quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

3. Nguyên tắc hoạt động:

– Tôn trọng quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

– Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước.

– Không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào.

– Giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

– Chung sống hoà bình và sự nhất trí giữa năm nước lớn (Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp và Trung Quốc)

4. Các cơ quan của Liên hợp quốc

Hiến chương còn quy định bộ máy tổ chức của Liên hợp quốc gồm 6 cơ quan chính như: Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Ban thư kí, Hội đồng kinh tế xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế.

5. Vai trò của Liên hợp quốc

– Là diễn đàn quốc tế vừa hợp tác và đấu tranh nhằm duy trì hoà bình và an ninh thế giới.

– Có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ tranh chấp và xung đột ở nhiều khu vực, nhiều quốc gia, tiến hành giải trừ quân bị, hạn chế chạy đua vũ trang, nhất là các loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt; có nhiều cố gắng trong việc giải trừ chủ nghĩa thực dân.

– Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế, giúp đỡ các dân tộc về kinh tế, văn hoá, giáo dục… Liên hợp quốc còn có nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ các dân tộc kém phát triển, các nước đang phát triển về kinh tế, văn hoá, giáo dục, nhân đạo…

– Tuy nhiên, bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng có những hạn chế, không thành công trong việc giải quyết xung đột kéo dài ở Trung Đông, không ngăn ngừa được việc Mĩ gây chiến tranh ở I-rắc…

– Để thực hiện tốt vai trò của mình, Liên hợp quốc đang tiến hành nhiều cải cách quan trọng, trong đó có quá trình cải tổ và dân chủ hoá cơ cấu của tổ chức này.

– Đến năm 2006, Liên hợp quốc có 192 quốc gia thành viên. Từ tháng 9/1977, Việt Nam là thành viên 149 của Liên hợp quốc.

III. Sự hình thành hai hệ thống xã hội đối lập*

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trên thế giới diễn ra nhiều sự kiện quan trọng với xu hướng hình thành hai phe: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa – đối lập gay gắt với nhau về chính trị và kinh tế.

– Về chính trị:

  • Mĩ, Anh và Pháp tiến hành hợp nhất các khu vực chiếm đóng của mình; thành lập Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức (9/1949). Tháng 10/1949, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức ra đời. Trên lãnh thổ nước Đức hình thành hai nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau.
  • Trong những năm 1945 – 1947, các nước Đông Âu tiến hành nhiều việc quan trọng như: xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ v.v..

– Về kinh tế:

  • Sau chiến tranh, Mĩ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (còn gọi là “Kế hoạch Mácsan”), nhằm viện trợ các nước Tây Âu khôi phục kinh tế, đồng thời tăng cường sự chi phối của Mĩ đối với các nước này. Nhờ đó, nền kinh tế các nước Tây Âu phục hồi nhanh chóng.
  • Chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới. Năm 1949, Hội đồng tuơng trợ kinh tế được thành lập. Thông qua đó, sự hợp tác về chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước Đông Âu ngày càng được củng cố, tăng cường hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, ở châu Âu xuất hiện sự đối lập về chính trị và kinh tế giữa hai khối: Tây Âu tư bản chủ nghĩa và Đông Âu xã hội chủ nghĩa.

C. Câu hỏi ôn tập

Câu 1. Nêu những quyết định quan trọng của Hội nghị Ianta (2/1945) và phân tích hệ quả của những quyết định đó.

Câu 2. Trình bày sự thành lập, mục đích, nguyên tắc hoạt động và vai trò của Liên hợp quốc.

Câu 3. Nêu những biểu hiện của sự xác lập hai hệ thống xã hội đối lập trên thế giới trong thời gian 1945 – 1949.

Xem tiếp bài 2: Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 – 1991), Liên bang Nga (1991 – 2000)

____________

* Phần này thuộc Chương trình nâng cao

NGUYỄN VĂN TOÀN (Tổng hợp)

Tinh thần tự cường

Trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917, nước Nga lạc hậu hàng chục năm so các nước phát triển khác. Hầu như tất cả ngành công nghiệp chủ yếu của Nga nằm trong tay tư bản nước ngoài và ngay từ năm 1890, tư bản nước ngoài chiếm tới 47% vốn đầu tư ở Nga. Trên thực tế, vào năm 1914, dù là một đất nước chiếm một phần sáu diện tích thế giới nhưng tổng sản lượng công nghiệp của nước Nga chỉ chiếm 4% tổng sản lượng công nghiệp toàn cầu.

Trong bài “Gửi nông dân nghèo” viết năm 1903, lãnh tụ V.I.Lenin đã từng khẳng định: “Phương sách duy nhất để làm cho nhân dân lao động hết cùng khổ là thay đổi, từ dưới lên trên, chế độ hiện nay trên toàn quốc và lập chế độ xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt đối với giai cấp công nhân, Lenin khẳng định: “Đến khi đó, của cải sẽ tăng lên còn rất nhanh chóng hơn nữa, vì công nhân lao động cho bản thân mình, sẽ làm tốt hơn là làm cho bọn tư bản, ngày lao động sẽ ngắn hơn, tình cảnh của công nhân sẽ khá hơn, tất cả đời sống của họ sẽ hoàn toàn thay đổi”.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, nước Nga Xô-viết ra đời, bắt đầu thực thi “Sắc lệnh ruộng đất”. Nông dân đã nhận được miễn phí hơn 150 triệu ha ruộng đất từ giai cấp địa chủ, được xóa tiền nợ. Một vấn đề quan trọng nhằm cải thiện đời sống nhân dân lao động là cần phải nâng cao năng suất lao động. Như V.I.Lenin nhận định: “Công nhân tự nguyện tự giác, liên hợp với nhau, sử dụng 
kỹ thuật hiện đại thì mới có thể tạo ra năng suất lao động cao hơn”.

Joseph Stalin, người kế tục sự nghiệp của V.I.Lenin từng chỉ rõ: “Biến nước Nga từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp có thể tự lực sản xuất thiết bị cần thiết, đưa nước ta từ một nước nhập khẩu thiết bị thành một nước chế tạo được các thiết bị ấy. Đó là điều bảo đảm sự độc lập kinh tế của nước ta và không phụ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa”. Từ tinh thần đó, Liên Xô quyết tâm trở thành một quốc gia tự cường. 

Trong 13 năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô đứng đầu là Joseph Stalin, Liên Xô đã xây dựng được 9.000 xí nghiệp lớn, trang bị kỹ thuật hiện đại, nhiều ngành công nghiệp mới quan trọng đã ra đời. So năm 1913, đến năm 1940, sản lượng công nghiệp của Liên Xô tăng hơn 12 lần; tỷ trọng công nghiệp đã chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân (hơn ba phần tư tổng sản lượng); sản lượng của ngành chế tạo máy tăng 35 lần; sản lượng điện tăng 24 lần…

Nếu năm 1913, tổng sản lượng công nghiệp của nước Nga đứng hàng thứ năm trên thế giới (sau Mỹ, Anh, Pháp và Đức) thì đến năm 1937, sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã vượt lên đứng hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Mỹ). Tỷ trọng công nghiệp của Liên Xô trong sản lượng công nghiệp thế giới đã lên đến 14%. Trong lịch sử, để trở thành một nước công nghiệp, nước Anh cần 200 năm, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm, trong khi Liên Xô chỉ cần 18 năm để hoàn thành về cơ bản quá trình công nghiệp hóa của mình. Đây là tốc độ công nghiệp hóa nhanh nhất mà thế giới từng ghi nhận. Thế và lực của Liên Xô tăng lên nhanh chóng trên trường quốc tế.

Cũng từ nền tảng thành tựu nói trên, Liên Xô đã đứng vững trong cuộc chiến tranh Vệ quốc (1941-1944). Sau chiến tranh, dưới sự chỉ đạo của quyết định “Về những biện pháp cấp bách khôi phục kinh tế ở các vùng được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của phát-xít” của Joseph Stalin, đến cuối năm 1945, Liên Xô đã khôi phục được 7.500 nhà máy và xí nghiệp, hàng nghìn nông trường quốc doanh và hợp tác xã.

Thời kỳ 1945 - 1953 là giai đoạn mà niềm phấn khởi, tự hào của người dân Liên Xô dâng cao khi nền kinh tế đã được hồi phục và phát triển nhanh chóng. Thu nhập quốc dân từ năm 1940 đến năm 1950 tăng 64%. Năm 1954, Liên Xô là quốc gia đầu tiên có nhà máy điện nguyên tử. Hai sự kiện này đặt dấu chấm hết cho sự độc quyền về vũ khí hạt nhân của Mỹ. Thủ tướng Anh Winston Churchill (1874-1965) cũng phải đành thừa nhận: “Stalin đã tiếp nhận một nước Nga đi giày cỏ và để lại một nước Nga với vũ khí hạt nhân”.

Trở thành siêu cường

Sau khi Joseph Stalin mất (năm 1953), Liên Xô tiếp tục đi theo con đường tự cường. Đặc biệt, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev (1906 -1982) đã tiến hành cải cách kinh tế và áp dụng những cải cách này trong kế hoạch 5 năm lần thứ VIII (1965 - 1969). Kết quả đạt được của kế hoạch 5 năm lần thứ VIII rất khả quan khi sản lượng công nghiệp tăng 50%, 1.900 xí nghiệp công nghiệp mới được xây dựng; chưa bao giờ nông nghiệp được cung cấp nhiều máy móc như giai đoạn này. Các kế hoạch 5 năm giai đoạn 1970 - 1985, Liên Xô tiếp tục thu được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, đến năm 1972, tổng sản lượng công nghiệp của Liên Xô đã tăng 321 lần so năm 1922 (năm Liên Xô thành lập), thu nhập quốc dân cũng tăng tới 112 lần.

Trong thập niên 70 thế kỷ 20, Liên Xô được lợi rất lớn từ nguồn thu do xuất khẩu dầu mỏ đem lại và cũng là một trong nguồn lực chính giúp Liên Xô nâng cao phúc lợi của người dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, mở rộng ảnh hưởng quốc tế. Cụ thể, năm 1975, Liên Xô sản xuất được 490 triệu tấn dầu thô và vượt Mỹ - vốn là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới thời đó. Cũng trong giai đoạn này, Liên Xô có nền khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ với nhiều ngành khoa học đứng hàng đầu thế giới, điển hình như khoa học vũ trụ. Công nghệ sản xuất ở Liên Xô cũng được chú trọng đổi mới và phát triển. Chính vì thế, Liên Xô phát triển khá ổn định, đổi mới nhanh chóng, thực hiện cơ giới hóa và điện khí hóa; ngành chế tạo máy luôn giữ vai trò chủ đạo và đứng hàng đầu thế giới.

Về mặt quốc phòng, đến giữa những năm 70 thế kỷ 20, Liên Xô đã đạt thế cân bằng về chiến lược trong lĩnh vực vũ khí với phương Tây. Chi phí quốc phòng của Liên Xô năm 1974 đạt con số 105 tỷ USD, vượt Mỹ (85 tỷ USD). Về lực lượng quân sự, khối Warsaw (khối Hiệp ước Warsaw, Liên Xô tham gia khối này) đã vượt lên khối NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương).

Vào đầu những năm 80 thế kỷ 20, cứ năm người lao động ở Liên Xô thì có một người tốt nghiệp đại học hoặc các trường kỹ thuật. Nhịp độ phát triển của ngành đại học và trung học của Liên Xô đã vượt xa các nước tư bản. Số sinh viên của Liên Xô lớn gấp hai lần số sinh viên của 15 nước châu Âu cộng lại. Mạng lưới thư viện và các hoạt động thông tin tư liệu không ngừng được mở rộng để phục vụ hệ thống giáo dục quốc dân và nâng cao dân trí. Năm 1983, Liên Xô đã có 134 nghìn thư viện công cộng với hơn hai tỷ đầu sách.

Về đối ngoại, Đảng và Nhà nước Xô-viết đã thực hiện chính sách nhằm mục tiêu chủ yếu và phương hướng cơ bản gồm: Bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; loại trừ nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình và an ninh chung; mở rộng việc hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa; phát triển quan hệ hữu nghị, bình đẳng với các nước tư bản chủ nghĩa trên cơ sở chung sống hòa bình, hợp tác thiết thực, cùng có lợi...

Nhà kinh tế học Mỹ Wassily Leontief, người đoạt Giải Nobel Kinh tế năm 1973, từng ca ngợi nền kinh tế kế hoạch của Liên Xô do đã đạt được bước đại nhảy vọt về công nghiệp trong những năm 30 thế kỷ 20. Leontief nhận định, vì có nền kinh tế kế hoạch mà Liên Xô đã nhanh chóng phục hồi sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), cho rằng nhờ nền kinh tế kế hoạch đã giúp Liên Xô đạt được tốc độ tăng trưởng tương đương Mỹ, thậm chí còn vượt cả Tây Âu vào thập niên 70 và đầu thập niên 80 thế kỷ 20.