Kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh

Thứ 5, 17.03.2022 | 10:33:17

Hiện nay, việc học sinh sử dụng Internet, mạng xã hội (MXH) vừa để học tập, giao lưu vừa giải trí đã trở nên phổ biến, do đó, việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng MXH an toàn cho học sinh thời gian qua được các trường học trên địa bàn tỉnh quan tâm.

Cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Trường hiện có hơn 600 học sinh. Qua khảo sát, 100% học sinh nhà trường có tài khoản MXH. Để định hướng và trang bị kỹ năng giao tiếp trên MXH cho học sinh, nhà trường đã thành lập câu lạc bộ (CLB) truyền thông nội trú, cử giáo viên phụ trách và xây dựng trang fanpage chính thống. Các em học sinh tham gia CLB là lực lượng nòng cốt tuyên truyền và theo dõi, phát triển trang fanpage, cập nhật những thông tin chính thống, bổ ích… thường xuyên sinh hoạt, tuyên truyền giáo dục văn hóa ứng xử trên MXH cho bạn bè.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh

Học sinh Trường THPT Bắc Sơn tham gia hoạt động ngoại khóa về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục

Tương tự, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn có 31 lớp với trên 1.400 học sinh thì hiện nay, 100% học sinh đều sử dụng điện thoại thông minh và sử dụng các trang MXH như: zalo, facebook, instagram… Do đó, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên định hướng học sinh cảnh giác với những trang thông tin phản động, đăng tin sai sự thật những video, clip lừa đảo, bịa đặt, nói xấu, kích động bạo lực… Khi phát hiện mâu thuẫn cá nhân giữa các em trên MXH, nhà trường đã tư vấn, giải thích rồi yêu cầu các em xóa bỏ bình luận với lời lẽ thô tục, thiếu văn hóa gây mất đoàn kết…

Chia sẻ về việc sử dụng Internet và MXH, em Hoàng Văn Tuấn Vũ, lớp 10D5, Trường THPT Bắc Sơn cho biết: Thời gian học tại trường, nhà trường, thầy cô đều nhắc nhở chúng em về văn hóa ứng xử khi sử dụng các trang MXH, thận trọng khi đăng tải những thông tin, hình ảnh của cá nhân. Từ đó, chúng em ý thức hơn và chỉ sử dụng MXH để giao lưu, trò chuyện, kết bạn với bạn bè cùng trang lứa, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống, khai thác tư liệu phục vụ học tập và học trực tuyến…

Thực tế với vai trò của mình, các trường học trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép nội dung giáo dục khai thác sử dụng Internet an toàn, lành mạnh vào chương trình Tin học từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số. Đặc biệt, ở khối lớp 12, các nội dung giáo dục nhận thức và tự bảo vệ mình trên môi trường mạng đã được cụ thể hóa hơn qua các nội dung bài học như: phân tích được ưu và nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo qua các ví dụ cụ thể; phân tích được tính nhân văn trong ứng xử ở một số tình huống tham gia thế giới ảo…

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để giúp học sinh phòng tránh các hành vi lệch chuẩn, tiêu cực trên không gian mạng, thời gian qua, sở đã chỉ đạo các nhà trường chú trọng giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng Internet và MXH an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, sau khi triển khai Quyết định 3296/QĐ-BGDĐT năm 2018 của Bộ GD&ĐT về phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến năm 2025”, đến nay, 100% trường phổ thông đều lồng ghép nội dung này vào những bộ môn: tin học, công nghệ, giáo dục công dân, giúp các em học sinh hiểu hơn về an ninh mạng, biết cách phòng, chống những hành vi, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 443 trường từ cấp tiểu học đến trường chuyên nghiệp với trên 152.000 học sinh, sinh viên. Bởi vậy, ngoài việc giáo dục học sinh, các nhà trường cần tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tạo ra  môi trường hoạt động lành mạnh, bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh. Cùng với đó, cần kết hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: nhà trường – gia đình – xã hội trong phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật trên mạng Internet đối với học sinh.

HOÀNG TÙNG/baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/487200-chu-trong-trang-bi-ky-nang-su-dung-internet-mang-xa-hoi-an-toan-hieu-qua-cho-hoc-sinh.html

Môi trường mạng mang đến cho học sinh, sinh viên (HSSV) nhiều lợi ích về học tập, giải trí, nhưng việc dành nhiều thời gian trên các nền tảng ảo khiến các em phải đối mặt với rủi ro. Giáo dục cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng mạng xã hội (MXH) hiệu quả sẽ giúp các em tránh được mặt trái của việc sử dụng MXH.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh

Sử dụng mạng xã hội đúng mục đích sẽ mang lại giá trị tích cực, hiệu quả cho các em học sinh

Những mối nguy hại tiềm ẩn

Em Dương Nhật Khả Tú, học sinh lớp 12A6, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Truyền thông, Trường THPT Nguyễn Thái Học, thành phố Vĩnh Yên kể lại câu chuyện của các bạn học sinh trong trường mình với hệ lụy từ MXH: “Ngay sau khi bạn N.M.H đăng tải hình ảnh của mình lên trang cá nhân facebook, một tài khoản khác có tên N.N.L đã để lại bình luận trêu đùa về hình ảnh của H. Bất bình với bình luận của bạn, sau khi tan học H đã gọi thêm người đợi L bên ngoài cổng trường và trực tiếp “cảnh cáo” bạn, việc cảnh cáo này đã gây thương tích cho L". Theo Tú, cách hành xử của H và L bắt nguồn từ những việc rất nhỏ khi sử dụng MXH.

Thầy giáo Đỗ Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học cho biết: “Hiện nay, 100% học sinh, giáo viên trong trường đều sử dụng điện thoại thông minh và các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram…

Có thể nhận thấy, ngoài tác dụng như một công cụ để giải trí, kết nối với bạn bè, người thân... MXH còn là nguồn tài nguyên và công cụ hỗ trợ hiệu quả giúp trao đổi công việc, học tập và rèn luyện kỹ năng sống. Nếu sử dụng đúng mục đích, MXH sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, MXH cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến người sử dụng, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến tâm lý học sinh. Sử dụng quá nhiều MXH, khiến nhiều em mất tập trung trong học tập. "Nghiện" MXH còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý, tình cảm, hình thành cho các em lối sống ảo, tự kỷ. Nhiều trường hợp học sinh vì thiếu văn hóa ứng xử trên MXH dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường và một số hệ lụy khác”.

Trên MXH, hằng ngày, hằng giờ đều đăng tải nhiều thông tin về các vấn đề xã hội, có thông tin bổ ích, song cũng không thiếu những thông tin giật gân, sai sự thật, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa ứng xử trên MXH cho giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh rất quan trọng.

Cô giáo Nguyễn Thị Nha Trang, Chủ nhiệm CLB Truyền thông Trường THPT Nguyễn Thái Học cho biết: “Trong bối cảnh bùng nổ mạng internet như hiện nay, MXH đã tác động mạnh mẽ đến giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh, vì vậy, các trường học không thể đứng ngoài cuộc. Thay vì ngăn cản học sinh tham gia MXH, nhà trường đã tiếp cận học sinh để giáo dục các em có việc làm đúng, có cách ứng xử phù hợp.

Chúng tôi thành lập CLB truyền thông trong nhà trường, xây dựng trang Fanpage chính thống, các em học sinh tham gia CLB là lực lượng nòng cốt tuyên truyền và theo dõi, phát triển trang Fanpage. CLB cập nhật những thông tin chính thống, bổ ích, xây dựng nền tảng MXH văn minh…

Thường xuyên chia sẻ thông tin và phản bác những luận điệu sai trái, câu chuyện chưa đúng sự thật để học sinh hiểu, có sự tiếp nhận thông tin chuẩn mực hơn. Chính những bức hình, clip kèm câu chuyện hay đã có sức lan tỏa tích cực đến học sinh trong trường”.

Tăng cường quản lý, giáo dục HSSV trên môi trường mạng

Với vai trò của mình, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền giáo dục và hướng dẫn HSSV các kỹ năng sử dụng internet, MXH an toàn, lành mạnh, hữu ích; trang bị một số biện pháp tự bảo vệ bản thân trước những luồng thông tin không chính thống, chưa được kiểm duyệt.

Các chủ trương đó đã được cụ thể hóa thành nội dung chương trình học. Nội dung giáo dục khai thác sử dụng internet an toàn, lành mạnh được triển khai vào chương trình Tin học từ lớp 3-12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số.

Trong giáo dục THPT, ngay từ lớp 10, các em đã được tiếp cận một số vấn đề như nêu được một số vấn đề liên quan đến các quy định của pháp luật, đạo đức, văn hóa khi việc giao tiếp qua môi trường mạng trở nên phổ biến, ví dụ minh họa sự vi phạm bản quyền thông tin và sản phẩm số.

Đến lớp 12, các nội dung giáo dục nhận thức và tự bảo vệ mình trên môi trường mạng đã được cụ thể hóa hơn qua các nội dung bài học như phân tích được ưu và nhược điểm về giao tiếp trong thế giới ảo qua các ví dụ cụ thể; phân tích được tính nhân văn trong ứng xử ở một số tình huống tham gia thế giới ảo...

Mới đây, Bộ GDĐT đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với HSSV trên môi trường mạng đến năm 2025”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Sở GDĐT các tỉnh, thành và cơ sở giáo dục triển khai giải pháp bài bản, đồng bộ nhằm tăng cường và phát huy hiệu quả công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục HSSV trên môi trường mạng.

Việc tuyên truyền Luật An ninh mạng, sử dụng MXH văn minh, hiệu quả cho HSSV là cần thiết và quan trọng, giúp nâng cao sự hiểu biết, nhận thức; nâng cao văn hóa ứng trên MXH cho HSSV cũng như phòng tránh những hành vi vi phạm và những rủi ro khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

Qua đó giúp các em có thể tự bảo vệ mình và tuyên truyền cho người thân, bạn bè biết được rõ hơn về lợi ích và mặt trái của MXH, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Bài ảnh: Bích Huệ