Có nên đầu tư vào chứng chỉ quỹ

Tôi năm nay 30 tuổi, chưa lập gia đình, đang sống và làm việc tại TP HCM. Sau nhiều năm đi làm và tích cóp, hiện tôi có một tỷ đồng nhàn rỗi. Tôi đang cân nhắc dùng số tiền này để đầu tư tài chính sinh lời.

Tôi nhắm đến đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ nhưng không biết có nên dồn hết tiền vào một kênh hay là chia đều ra? Mong chuyên gia tư vấn giúp.

Chuyên gia tư vấn:

Với một tỷ đồng, bạn có thể đầu tư vào cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Tỷ lệ phân bổ tài sản tùy thuộc vào khả năng quản lý của bạn.

Nếu thật sự có thời gian, khả năng nghiên cứu thị trường và kinh nghiệm quản lý một danh mục cổ phiếu, khả năng chấp nhận rủi ro tương đối cao (tài sản dao động tăng hoặc giảm 20% mỗi năm) thì bạn có thể phân ra tỷ lệ 50% tiền vào cổ phiếu, phần còn lại bạn mua chứng chỉ quỹ.

Còn nếu bạn chỉ muốn học hỏi thêm về đầu tư chứng khoán, tôi cho rằng có thể đầu tư ở mức 10-20% nguồn tiền đang có. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý, để có kết quả đầu tư cổ phiếu tốt hơn chứng chỉ quỹ, bạn phải làm việc rất nhiều và rất tốt. Đáng nói, không có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ làm được việc này trên thị trường.

Trong trường hợp bạn muốn dồn hết một tỷ đồng vào cổ phiếu, bạn nên dành phần lớn số tiền (trên 50%) vào quỹ chứng khoán để giảm bớt rủi ro. Phần còn lại, bạn nên đầu tư vào cổ phiếu các công ty đầu ngành vì các doanh nghiệp này thường có kế hoạch phát triển bền vững.

Nếu bạn không tự tin hoặc không có kinh nghiệm cũng như thời gian để quản lý danh mục chứng khoán, tốt hơn bạn nên tập trung mua toàn bộ chứng chỉ quỹ.

Ưu và nhược điểm của kênh đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bạn có thể tham khảo thêm:

Cổ phiếu Chứng chỉ quỹ
Ưu điểm

- Là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận tốt về dài hạn

- Có thể mua cổ phiếu của công ty mình yêu thích, quan tâm

- Không phải trả phí quản lý, so với mua chứng chỉ quỹ

- Không cần kiến thức và thời gian mà vẫn đạt được lợi nhuận tốt

- Rủi ro thấp vì danh mục đầu tư của quỹ được phân bố cho nhiều ngành và công ty

- Quỹ được quản lý bởi một đội ngũ chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm

- Có tính thanh khoản cao tương đương với cổ phiếu, trái phiếu

- Là kênh đầu tư thích hợp để tích lũy dài hạn, phát huy tối đa lợi thế của lãi suất kép

Nhược điểm

- Cần thời gian để tìm hiểu thị trường và quản lý danh mục

- Chấp nhận rủi ro cao hơn vì chỉ đầu tư vào một số ít công ty

- Nếu tự đầu tư sẽ bị cảm xúc chi phối, trong đó có lòng tham và sợ hãi. Nhà đầu tư có thể thích cảm xúc này, nhưng điều đó lại ảnh hưởng không tốt đến các quyết định đầu tư

- Phải trả phí quản lý quỹ

- Không tham gia vào việc lựa chọn đầu tư mà giao hoàn toàn cho đội ngũ chuyên gia

- Phải chọn công ty quản lý quỹ uy tín có kinh nghiệm và năng lực đầu tư tốt

Lương Thị Mỹ Hạnh

Giám đốc quản lý tài sản khối trong nước, Dragon Capital Việt Nam

Làm thế nào để xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn và nên chọn kênh nào phù hợp? Môi trường đầu tư tại Việt Nam có thuận lợi cho nhà đầu tư cá nhân?

Những câu hỏi trên sẽ được thảo luận tại toạ đàm "Chiến lược đầu tư tài chính cho tương lai thịnh vượng" vào 14h30, ngày 29/7, trên báo điện tử VnExpress.net và Fanpage VnExpress.

Độc giả có thể đặt câu hỏi tại đây.

Sau chương trình, ban tổ chức sẽ dành ít nhất 5 phần quà cho những độc giả có câu hỏi hay nhất gửi về chương trình.

Song hành xu hướng đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam, không dừng lại ở cổ phiếu, các sản phẩm đầu tư cũng trở nên đa dạng hơn, trong đó có chứng chỉ quỹ. Mới đây, SSIAM ra mắt Quỹ Đầu tư tăng trưởng dài hạn Việt Nam (VLGF). Trước đó, công ty quản lý quỹ này cũng có sản phẩm SSIAM VNFin Lead ETF với hiệu suất đầu tư những tháng đầu năm đạt trên 68%.

Dưới đây là cuộc trao đổi ngắn của bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM với VnExpress, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về sản phẩm chứng chỉ quỹ VLGF.

Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Qũy SSI (SSIAM). Ảnh: SSIAM

- VLGF sẽ đầu tư vào cổ phiếu chất lượng ở các nhóm ngành như tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng thương mại, bất động sản, logistic, IT... Bà có thể chia sẻ tiềm năng đầu tư cũng như rủi ro trong giai đoạn hiện tại?

- Thị trường chứng khoán tăng giá tương đối so với thời điểm sụt giảm mạnh bởi diễn biến dịch Covid-19 hồi cuối tháng 3/2020. Nhìn về trung dài hạn, nhóm các cổ phiếu đầu ngành vẫn còn nhiều tiềm năng. Trong một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao như Việt Nam, các doanh nghiệp đầu ngành sau đại dịch sẽ tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu, thậm chí gia tăng vị thế nhờ lấy được thị phần từ các đối thủ trong giai đoạn khó khăn.

Mức vốn hóa hiện tại của các doanh nghiệp đầu ngành trên thị trường còn khá khiêm tốn so với mức vốn hóa của các doanh nghiệp tương tự ở các nền kinh tế trong khu vực đi trước Việt Nam. Ngoài ra, về mặt định giá, mức P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khá rẻ khi so với các nước trong khu vực.

Về VLGF, chiến lược xuyên suốt của quỹ là tập trung vào nhóm ngành, nhóm doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ đà tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm tới. Đây là những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt và định giá hợp lý, nhằm mang lại sự gia tăng giá trị một cách ổn định, bền vững trong dài hạn cho nhà đầu tư.

- Theo bà, việc lựa chọn phân bổ tài sản vào chứng chỉ quỹ VLGF có những ưu điểm gì so với một danh mục đầu tư cụ thể?

- Sản phẩm chứng chỉ quỹ VLGF có một số điểm khác biệt với danh mục đầu tư cụ thể. VLGF có triết lý đầu tư tập trung vào yếu tố giá trị, dài hạn, chú trọng nền tảng cơ bản của doanh nghiệp. Quỹ được quản trị bởi đội ngũ đầu tư chuyên nghiệp của SSIAM, được giám sát độc lập bởi ngân hàng Standard Chartered.

Các cổ phiếu được lựa chọn vào danh mục theo dõi đầu tư của VLGF phải đáp ứng được các tiêu chí khắt khe, như doanh nghiệp thuộc ngành có triển vọng tăng trưởng cao, cấu trúc ngành thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tối ưu, có vị thế tốt trong ngành, cơ cấu sở hữu cân bằng tạo nên hệ thống quản trị tốt, ban lãnh đạo có năng lực, minh bạch và quan tâm giá trị cho cổ đông, đặc biệt định giá phải còn hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, một ưu điểm khác của việc đầu tư vào VLGF là chỉ cần số vốn đầu tư ban đầu khiêm tốn, nhà đầu tư có thể đầu tư trực tiếp vào kênh đầu tư cổ phiếu mà vẫn đạt được sự đa dạng hóa, không tập trung vào một ngành nghề hay cổ phiếu riêng lẻ.

- Hiệu suất của nhiều quỹ mở đang khá tốt nhưng số đông nhà đầu tư vẫn còn khá lạ lẫm với CCQ, bà có chia sẻ gì về điều này?

- Là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp sản phẩm đầu tư mới cho nhà đầu tư, chúng tôi thấy rõ sự phát triển của loại hình quỹ mở ở thị trường Việt Nam trong các năm qua, thể hiện qua tổng số tài sản quản lý (AUM) và số lượng nhà đầu tư gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, so với quy mô hiện tại và tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam, mức độ phổ cập của sản phẩm đầu tư này vẫn còn khá khiêm tốn.

Thứ nhất, có thể do kênh phân phối của thị trường chưa phổ biến. Hiện các chứng chỉ quỹ chủ yếu chỉ được phân phối qua công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán, kênh phân phối qua ngân hàng mới chỉ bắt đầu. Ngoài ra, cũng có thể do một số nhà đầu tư chưa nhìn nhận được đầy đủ các lợi ích khi đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ. Một bộ phận nhà đầu tư chưa có nhiều trải nghiệm với thị trường, lại có thiên hướng chỉ nhìn theo hướng lợi nhuận cao, chưa ý thức được đầy đủ mức rủi ro tương ứng đằng sau mức lợi nhuận đó.

Đầu tư một danh mục hiệu quả đòi hỏi cá nhân phải luôn tìm hiểu thông tin về nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và ngành đang đầu tư. Khối lượng công việc này nghe thì đơn giản nhưng thực chất rất lớn.

Đối với sản phẩm quỹ mở thì chiến lược đầu tư của quỹ đã được hình thành ngay từ khi thành lập và các nhà quản lý của Quỹ sẽ phải thực thi theo đúng chiến lược đó. Quan trọng hơn, nhà đầu tư không cần quá nhiều vốn vẫn có thể tham gia. Hiện nay nhiều quỹ đã có chương trình đầu tư định kỳ. Các nhà đầu tư có thể bỏ tiền thêm hàng tháng để đầu tư. Thay bằng uống 10 cốc trà sữa một tháng, bạn có thể để tiền đó tiết kiệm đầu tư và tích luỹ cho sau này.

- Bà có dự báo gì về sản phẩm chứng chỉ quỹ thời gian tới?

- Cùng với tốc độ gia tăng quy mô nhanh chóng của thị trường chứng khoán Việt Nam, việc sử dụng chứng chỉ quỹ là một kênh đầu tư sẽ ngày càng phổ biến trong danh mục đầu tư của người dân, cũng như sản phẩm gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại trước đây.

Thống kê của chúng tôi, từ đầu năm ngoái tới nay số lượng nhà đầu tư tham gia chứng chỉ quỹ ước tính đã vượt hơn 200.000 nhà đầu tư. Số lượng quỹ mở bao gồm cả ETF cũng đã lên tới trên 51 quỹ. Nếu tính về tổng tài sản quản lý mới chỉ tầm 6% GDP. So với các thị trường lân cận thì con số vẫn còn nhỏ. Do đó, chúng tôi nghĩ sẽ còn rất nhiều dư địa để ngành quản lý quỹ tăng trưởng trong thời gian tới, đặc biệt khi quỹ hưu trí tự nguyện được triển khai nhiều hơn.

- Theo bà, cách đơn giản nhất để tham gia cơ chế giao dịch chứng chỉ quỹ mở cho nhà đầu tư mới là gì?

- Nhà đầu tư chỉ cần mở tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở tại đại lý phân phối của quỹ, sau đó điền giấy đăng ký mua với số tiền mong muốn, và phiếu xin ý kiến nhà đầu tư cho giai đoạn IPO. Chi tiết đối với quy trình đăng ký mua trong giai đoạn IPO, nhà đầu tư có thể tham khảo trên website chính thức của quỹ.

An Nhiên