Bên nhượng quyền là gì

Mục lục bài viết

  • 1.Pháp luật
  • 2.Định nghĩa nhượng quyền thương mại
  • 3.Điều kiện đối với bên nhượng quyền và bên nhận quyền
  • 4.Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại
  • 5.Chuyển giao quyền thương mại

1.Pháp luật

Việt Nam về nhượng quyền thương mại quốc tế Ngày 12/7/1999, Bộ khoa học, công nghệ và môi trường (nay là Bộ khoa học và công nghệ) của Việt Nam đã ban hành Thông tư số 1254/1999/TTBKCNMT hướng dẫn Nghị định của Chính phủ số 45/1998/NĐ-CP về chuyển giao công nghệ, trong đó thuật ngữ ‘cấp phép đặc quyền kinh doanh’, nghĩa là ‘nhượng quyền thương mại’ (‘franchise’), lần đầu tiên được đề cập trong một văn bản quy phạm pháp luật. Tại Thông tư này, mặc dù chưa có định nghĩa nào về nhượng quyền thương mại, nhượng quyền thương mại có thể được hiểu là một hợp đồng chứa đựng các điều khoản liên quan tới việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu gắn liền với sản phẩm hoặc bí quyết kinh doanh. Cách quan niệm này chỉ đơn thuần là sự kết hợp giữa li-xăng nhãn hiệu với việc mua bán sản phẩm hoặc bí quyết kinh doanh, và rõ ràng điều này hết sức xa lạ với khái niệm nhượng quyền thương mại ở các nước phương Tây, và phản ánh sự hiểu biết chưa đầy đủ về nhượng quyền thương mại ở Việt Nam lúc đó. Ở đây đã có sự nhầm lẫn giữa nhượng quyền thương mại và chuyển giao công nghệ. Được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ, theo Thông tư số 1254/1999/TT-BKCNMT, nhượng quyền thương mại chỉ được coi như một dạng chuyển giao công nghệ mà không phải là cách thức tổ chức kinh doanh riêng biệt. Khoảng một thập niên sau khi nhượng quyền thương mại xuất hiện ở Việt Nam và cũng là khoảng sau 6 năm được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ, như là một phần của tiến trình hiện đại hoá pháp luật chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, Việt Nam đã ban hành quy định pháp luật riêng biệt về nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Luật riêng về nhượng quyền thương mại) nhằm tạo dựng khuôn khổ cho sự phát triển vững chắc của lĩnh vực này ở Việt Nam. Luật riêng về nhượng quyền thương mại bao gồm Mục 8 Chương VI Luật thương mại 2005 (sau đây gọi tắt là Luật Thương mại), Nghị định của Chính phủ số 35/2006/NĐCP ngày 31/3/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định 35), Thông tư của Bộ thương mại số 09/2006/TT-BTM ngày 25/5/2006 hướng dẫn đăng kí hoạt động nhượng quyền thương mại (sau đây gọi tắt là Thông tư 09) và Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính số 106/2008/QĐ-BTC ngày 17/11/2008 về việc quy định mức thu, nộp, quản lí và sử dụng lệ phí đăng kí hoạt động nhượng quyền thương mại. Luật riêng về nhượng quyền thương mại áp dụng đối với tất cả các hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, được thực hiện bởi thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài (Điều 1 và Điều 2 Nghị định 35). Luật riêng về nhượng quyền thương mại nhìn chung tuân theo mô hình pháp luật rất quen thuộc - đó là quy định nghĩa vụ cung cấp bản giới thiệu nhượng quyền thương mại kết hợp với các yêu cầu về tiêu chuẩn thực thi và đăng kí nhượng quyền ở mức độ vừa phải.

2.Định nghĩa nhượng quyền thương mại

Luật thương mại bao gồm định nghĩa tổng quát về nhượng quyền thương mại tại Điều 284: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh. Nghị định 35 tiếp tục làm rõ: nhượng quyền thương mại bao gồm ‘nhượng quyền thương mại tổng thể’ - ‘master franchising’ (các quyền được bên nhượng quyền trao cho bên nhượng quyền thứ cấp được phép cấp lại quyền thương mại cho bên nhận quyền thứ cấp), và ‘hợp đồng phát triển khu vực’ - ‘franchise development contracts’ (các quyền được bên nhượng quyền trao cho bên nhận quyền được phép thành lập nhiều hơn một cơ sở của mình để kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại trong phạm vi một khu vực địa lí nhất định) (Điều 3). Nghị định 35 ngăn cấm việc bên nhận quyền thứ cấp cấp lại quyền thương mại đó (Điều 3).

3.Điều kiện đối với bên nhượng quyền và bên nhận quyền

Theo quy định của Nghị định 35, bên nhượng quyền phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm; Đã đăng kí hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền; Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định pháp luật. Chỉ có duy nhất một yêu cầu tiên quyết cho bên nhận quyền - đó là phải có đăng kí kinh doanh ngành nghề phù hợp với đối tượng của quyền thương mại (Điều 6 Nghị định 35). Yêu cầu về 1 năm hoạt động: Nghị định 35 yêu cầu các nhà nhượng quyền, cả nước ngoài lẫn Việt Nam, phải hoạt động ít nhất là 1 năm trước khi nhượng quyền vào Việt Nam hoặc nhượng quyền cho một thương nhân Việt Nam khác (khoản 1 Điều 5 Nghị định 35). Trong trường hợp thương nhân Việt Nam là bên nhận quyền sơ cấp từ bên nhượng quyền nước ngoài, thì thương nhân Việt Nam đó phải kinh doanh hệ thống được nhượng quyền ít nhất 1 năm trước khi cấp lại quyền thương mại (khoản 1 Điều 5 Nghị định 35). Hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh nhượng quyền: Bất kì hàng hoá hoặc dịch vụ nào đều có thể được nhượng quyền với điều kiện là: (i) Hàng hoá, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; và (ii) Trong tường hợp hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Danh mục hàng hoá, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, thì doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh sau khi được cơ quan quản lí ngành cấp giấy phép kinh doanh, giấy tờ có giá trị tương đương, hoặc có đủ điều kiện kinh doanh (Điều 7 Nghị định 35). Nhà nhượng quyền nước ngoài phải đối mặt thêm với một hạn chế. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên hoạt động mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá chỉ được thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại đối với những mặt hàng mà doanh nghiệp đó được kinh doanh dịch vụ phân phối theo cam kết quốc tế của Việt Nam (khoản 2 Điều 2 Nghị định 35).

4.Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại

Bên nhượng quyền phải cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền và bản giới thiệu nhượng quyền thương mại ít nhất 15 ngày làm việc trước khi kí kết hợp đồng nhượng quyền thương mại, ‘nếu các bên không có thoả thuận khác’ (khoản 1 Điều 8 Nghị định 35). Nghị định 35 quy định Bộ thương mại (nay là Bộ công thương) có trách nhiệm quy định và công bố các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, và các nội dung này đã được ban hành tại Phụ lục III - Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của Thông tư 09. Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại phải bao gồm một ‘cảnh báo’ cho bên dự kiến nhận quyền phải nghiên cứu kĩ lưỡng (và đưa ra lời khuyên đối với bên nhận quyền cần tìm kiếm các tư vấn độc lập, thảo luận với những nhà nhận quyền khác và tham gia các khoá đào tạo). Bên dự kiến nhận quyền đòi hỏi phải có một loạt các thông tin cụ thể về các chủ đề sau đây: Thông tin chung về bên nhượng quyền; Nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ và IPRs; Chi phí ban đầu mà bên nhận quyền phải trả; Các nghĩa vụ tài chính khác của bên nhận quyền; Đầu tư ban đầu của bên nhận quyền; Nghĩa vụ của bên nhận quyền phải mua hoặc thuê những thiết bị để phù hợp với hệ thống kinh doanh do bên nhượng quyền quy định; Nghĩa vụ của bên nhượng quyền; Mô tả thị trường của hàng hoá/dịch vụ được kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại; Hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu; Thông tin về hệ thống nhượng quyền thương mại; Báo cáo tài chính của bên nhượng quyền; Phần thưởng, sự công nhận sẽ nhận được hoặc tổ chức cần phải tham gia. Cùng với bản giới thiệu nhượng quyền thương mại, Nghị định 35 còn yêu cầu bên nhượng quyền phải ‘thông báo ngay cho tất cả các bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại của bên nhận quyền’ (khoản 2 Điều 8) Trong trường hợp nhượng quyền thương mại thứ cấp, bên nhượng quyền thứ cấp phải cung cấp cho bên nhận quyền thứ cấp không chỉ bản giới thiệu nhượng quyền thương mại mà còn là thông tin về bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình, nội dung của ‘hợp đồng nhượng quyền thương mại tổng thể’ (‘master franchising agreement’), và cách thức xử lí hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp, trong trường hợp chấm dứt ‘hợp đồng nhượng quyền thương mại tổng thể’ (khoản 3 Điều 8). Nghị định 35 cũng yêu cầu việc tiết lộ thông tin của bên nhận quyền: Bên dự kiến nhận quyền phải cung cấp cho bên nhượng quyền các thông tin mà bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lí để quyết định việc trao quyền thương mại cho bên dự kiến nhận quyền (Điều 9).

5.Chuyển giao quyền thương mại

Bên nhận quyền được chuyển giao quyền thương mại cho bên dự kiến nhận quyền khác khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:

– Bên dự kiến nhận chuyển giao đáp ứng các quy định tại Điều 6 của Nghị định này;

– Được sự chấp thuận của Bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình (sau đây gọi tắt là Bên nhượng quyền trực tiếp).

Bên nhận quyền phải gửi yêu cầu bằng văn bản về việc chuyển giao quyền thương mại cho Bên nhượng quyền trực tiếp. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Bên nhận quyền, Bên nhượng quyền trực tiếp phải có văn bản trả lời trong đó nêu rõ:

– Chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền;

– Từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền và nêu rõ lý do.

Bên nhượng quyền trực tiếp chỉ được từ chối việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền khi có một trong các lý do sau đây:

– Bên dự kiến nhận chuyển giao không đáp ứng được các nghĩa vụ tài chính mà bên dự kiến nhận chuyển giao phải thực hiện theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

– Bên dự kiến nhận chuyển giao chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn lựa chọn của Bên nhượng quyền trực tiếp;

– Việc chuyển giao quyền thương mại sẽ có ảnh hưởng bất lợi lớn đối với hệ thống nhượng quyền thương mại hiện tại;

– Bên dự kiến nhận chuyển giao không đồng ý bằng văn bản sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của Bên nhận quyền theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;

– Bên nhận quyền chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với Bên nhượng quyền trực tiếp, trừ trường hợp bên dự kiến nhận chuyển giao cam kết bằng văn bản thực hiện các nghĩa vụ đó thay cho Bên nhận quyền.

– Bên chuyển giao quyền thương mại mất quyền thương mại đã chuyển giao. Mọi quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền thương mại của Bên chuyển giao được chuyển cho Bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trong thời hạn 15 ngày nêu trên, nếu Bên nhượng quyền trực tiếp không có văn bản trả lời thì được coi là chấp thuận việc chuyển giao quyền thương mại của Bên nhận quyền.

Luật Minh Khuê( sưu tầm và biên tập)