Chuyện về cải cách ruộng đất

Ngày thứ ba của cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 tại Bảo tàng lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội), lượng người đến tham quan đông hơn cả ngày khai mạc. 150 hiện vật được trưng bày trên diện tích 230 m2. Một phần ba số hiện vật thể hiện hình ảnh nông thôn Việt Nam trước cuộc cải cách. Đó là hai mảng đối lập nhau về cuộc sống của địa chủ và bần cố nông. Trung tâm cuộc triển lãm là những tài liệu về chủ trương thực hiện cải cách, nêu sai lầm và sửa chữa sai lầm của Đảng. Phần lớn không gian còn lại thể hiện thành quả của cuộc cải cách.

Nhiều cụ già 70-80 tuổi đến để vừa xem triển lãm, vừa hồi tưởng quá khứ một thời không dễ quên.

Chuyện về cải cách ruộng đất

Nhiều người cao tuổi sống trong thời kỳ cải cách ruộng đất đến triển lãm, chia sẻ những câu chuyện họ từng chứng kiến. Ảnh: Hoàng Phương.

Nhìn những hiện vật, ông Nguyễn Hoành (76 tuổi) kể, thời niên thiếu ông theo gia đình tản cư từ Hà Nội về Nông Cống (Thanh Hóa) sống thời gian khá dài. Chứng kiến công cuộc cải cách kéo dài "chấn động" cả vùng quê, ông Hoành nhận xét: "Đó là thời kỳ của cuộc đấu tố ở nông thôn, không khí hết sức ngột ngạt".

Cậu bé Hoành mới 12 tuổi khi ấy được chứng kiến cảnh người nông dân háo hức lúc được chia ruộng, người người hăng hái với khẩu hiệu cổ động nâng cao sản xuất. Ngược lại, địa chủ vùng nông thôn bị đấu tố, tịch thu tài sản chia cho dân cày. Mỗi lần có địa chủ bị đấu tố là người lớn, trẻ con trong làng đi xem rất đông.

"Cải cách đã đem lại ruộng đất cho nông dân, địa chủ bị xóa bỏ. Nhưng trong quá trình thực thi, nhiều nơi nóng vội, mắc sai lầm. Sau này, Trung ương nhận ra khuyết điểm đó nên sửa sai. Tôi tưởng những tư liệu đó sẽ được trưng bày trong cuộc triển lãm này, nhưng không thấy nên khá hụt hẫng", ông Hoành nói và cho rằng tư liệu đó nên trưng bày để cho nhân dân biết Đảng đã sửa sai, rút kinh nghiệm như thế nào.

Đứng cạnh gian triển lãm nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất, ông Nguyễn Dương Tý (72 tuổi) chăm chú ngắm nhìn. Mấy chục năm rồi ông mới lại được nhìn thấy những sập gụ, áo the, tay gẩy thuốc phiện của địa chủ đối lập với nhà tranh vách đất, quần áo vá chằng vá đụp của người nông dân. Vốn người Tân Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh), gia đình ông Tý thuộc thành phần bần nông, khi chia ruộng nhà ông được vài sào, sau này lại nhập vào hợp tác xã.

Tài sản chia cho gia đình nghèo như nhà ông Tý được tịch thu từ những nhà giàu trong làng và từ thực dân chiếm giữ trước đó. "Mỗi lần nghe tiếng kẻng, thầy u tôi lại ra đình họp đấu tố. Lũ trẻ chúng tôi chạy theo sau, làm nhiệm vụ gõ trống, hô vang khẩu hiệu", ông Tý trầm giọng kể.

Chuyện về cải cách ruộng đất

Ông Nguyễn Dương Tý (72 tuổi) chăm chú xem lại những khoảnh khắc củacuộc cải cách ruộng đất.Ảnh: Hoàng Phương.

Bên cạnh đó nhiều câu chuyện buồn cũng được các cụ già tóc bạc, da mồi kể lại. Lớp con cháu tuổi trung niên, thanh niên đứng xung quanh, chăm chú lắng nghe.

Bà Phạm Thị Mai (62 tuổi), quê Song Lãng (Vũ Thư, Thái Bình) nhớ mãi chuyện của người bạn học. Bạn bà vốn là con địa chủ bị đấu tố. Ruộng đất, nhà cửa chia cho những gia đình bần cố nông trong làng. Ngày đi học, khi bạn bè cùng trang lứa nói chuyện, chơi với nhau thì người bạn ấy ngồi lặng lẽ không dám gần ai. "Sau này, chúng tôi vào đại học nhưng cậu ấy thì không bởi trong lý lịch ghi là thành phần địa chủ dù lực học rất khá. Bạn xuống Hải Phòng làm công nhân, giờ cuộc sống cũng được gọi là tạm ổn định", bà Mai thở dài. Theo bà, chính sách cho những gia đình bị oan sai còn chưa được thực hiện đầy đủ.

Chỉ lên bức ảnh nông dân được chia lại ruộng đất, đằng sau là khẩu hiệu "Địa chủ hết đời, nông dân vạn đại", người đàn ông 74 tuổi quê Diễn Châu (Nghệ An) chia sẻ, giá như nó được sửa lại là "Địa chủ hết thời, nông dân vạn đại" với ý nghĩa khẳng định sự chấm dứt một thời kỳ áp bức của địa chủ nông thôn với nông dân thì sẽ hay hơn. Không muốn nhắc lại khoảng thời gian buồn đau của gia đình khi ông, cha đều bị đem ra đấu tố, ông ví "thời kỳ 1953-1956 như trận lũ quét qua nông thôn Việt Nam".

Nhiều người đến triển lãm có nhận xét gian trưng bày "Sai lầm và sửa chữa sai lầm" còn quá ít hiện vật. Toàn bộ 150 hiện vật chỉ như một nét chấm phá trên bức tranh lớn về cuộc cải cách ruộng đất thời bấy giờ. Trong cuốn sổ ghi cảm nghĩ của Bảo tàng lịch sử Việt Nam, ông Phạm Trung viết: "Tôi chưa thỏa mãn với những thông tin, hình ảnh, ánh sáng và cách trưng bày. Rất tiếc khi có cơ hội lại không được cung cấp thêm những hiểu biết chân thực về lịch sử, một giai đoạn đau buồn của dân tộc".

Chuyện về cải cách ruộng đất

Năm 1956, những sai lầm trong cải cách ruộng đất được phát hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nói rõ thắng lợi và sai lầm của cuộc vận động. Ảnh: Quý Đoàn.

Có mặt tại buổi triển lãm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc nói về cuộc cải cách ruộng đất 1946-1957 thời gian này là việc làm đáng ghi nhận. Ông không bất ngờ khi thấy nhiều người dân đến xem triển lãm bởi đó chính là thước đo cho thấy mối quan tâm và sự đòi hỏi rất cao của người dân với những điều cần nói thẳng, nói thật của lịch sử. "Với những vấn đề này, chúng ta không nên né tránh để ít nhất nhân dân không nghi ngờ về quá khứ", nhà sử học nói.

Cải cách ruộng đất thời kỳ 1946-1957được tiến hành qua bagiai đoạn:

Giai đoạn 1 năm 1946-1949: Thực hiện tịch thu ruộng đất của đế quốc, Việt gian chia cho dân cày.Giai đoạn 2 năm 1950-1953: Cắt giảm địa tô, bãi bỏ khoản tiền thuê ruộng, hoãn nợ cho nông dân, đánh thuế nặngvới địa chủ.Giai đoạn 3 năm 1954-1957: Giai đoạn này thực hiện ở miền Bắc, phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất triệt để bằng các hình thức như hiến ruộng đất, chia ruộng cho tầng lớp cố nông, bần nông, trung nông, tầng lớp dưới.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (tháng 10/1956), Bộ Chính trị đã nêu lên một số sai lầm có tính nguyên tắcdo không bám sát thực tế, chủ quan, nóng vội dẫn đến nhiều xáo trộn, oan sai...Từ đó, Trung ương Đảng đã đưa ra các yêu cầu chấn chỉnh sửa sai, khôi phục danh dự, xét lại án sai, bù đắp... cho những người bị oan.

Hoàng Phương