Chất chuẩn là gì chất đối chiếu là gì năm 2024

Trên thị trường ngày nay xuất hiện nhiều chế phẩm đông dược và xu hướng sử dụng những loại thuốc có nguồn gốc từ dược liệu ngày càng tăng. Do đó, thị trường dược liệu ngày một sôi động, nhưng chất lượng dược liệu đang là một vấn đề nhức nhối của cả cộng đồng. Các phương pháp kiểm nghiệm thô sơ như dựa vào hình dạng, màu sắc… có thể dẫn đến những kết luận sai lầm. Nhiều phương pháp hiện đại đã được ứng dụng để kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu và các chế phẩm, trong đó yêu cầu đầu tiên là phải có chất chuẩn. Song, thực tế, nước ta còn gặp khó khăn trong việc phân tích, kiểm nghiệm do thiếu các chất chuẩn cần thiết.

Vậy chất chuẩn là gì?

Chất chuẩn (standard substances) hay chất chuẩn đối chiếu (reference standards) là chất cần thiết để đánh giá các nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm … theo các quy trình đã xác định nhằm đảm bảo kết quả phân tích đạt độ chính xác, đáng tin cậy.

Hiện nay có nhiều loại chất chuẩn khác nhau trên thị trường.

  • Chất chuẩn dược điển: là chuẩn gốc (primary) được thiết lập theo kiến nghị của ủy ban chuyên gia về kỹ thuật cho các chế phẩm dược phẩm, được sử dụng chủ yếu trong các thử nghiệm, phân tích hóa học và vật lý, được mô tả chi tiết trong dược điển hoặc các chuyên luận dự thảo, có thể dùng để hiệu chuẩn các chuẩn thứ cấp.
  • Chuẩn gốc hay chuẩn sơ cấp (primary): là các chất chuẩn được thẩm định đầy đủ và được thừa nhận rộng rãi, có chất lượng phù hợp trong điều kiện quy định và có giá trị được chấp nhận mà không phải so sánh với chất khác.
  • Chất chuẩn dược điển bao gồm: chuẩn dược điển quốc tế, chuẩn dược điển châu Âu, chuẩn dược điển Anh, chuẩn dược điển Mỹ, chuẩn dược điển Nhật… Dược điển Việt nam có đề cập đến chất đối chiếu (Mục 2.5, Phụ lục 2, trang PL-105), trong đó có quy định chính thức đơn vị phân phối là Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm Thuốc TP. HCM.
  • Chuẩn làm việc (working standards) hay chuẩn thứ cấp (secondary standards): gồm các chất chuẩn sinh học hay hóa học được thiết lập trên các nguyên liệu được chuẩn hóa so với các chất chuẩn gốc hay bằng phương pháp phân tích có độ chính xác cao để cung cấp rộng rãi cho các phòng kiểm nghiệm thuốc, được dùng để định tính, định lượng, đánh giá hoạt lực, xác định độ tinh khiết của thuốc, nguyên liệu và thành phẩm. Chuẩn thứ cấp là một chất có độ tinh khiết và chất lượng được thiết lập bằng cách so sánh với một chất chuẩn gốc, được dùng làm chất chuẩn đối chiếu cho các phân tích thường ngày của phòng thí nghiệm.
  • Chuẩn cơ sở hay chuẩn của nhà sản xuất: là các chất được sản xuất và thiết lập bởi cơ sở hay nhà sản xuất theo các quy trình và các tiêu chí của cơ sở. Chất chuẩn cơ sở được tinh khiết hóa, mô tả đầy đủ và xác định rõ cấu trúc (IR, UV, MNR, MS…), thường được sử dụng cho các chất hóa học mới (New Chemical Entity - NCE) chưa có chuyên luận.

Yêu cầu về chất chuẩn

Dù là chuẩn khu vực, chuẩn quốc gia hay chuẩn làm việc đều phải tuân theo một nguyên tắc chung về thiết lập, bảo quản và phân phối như sau:

  • Nguyên liệu được sử dụng thiết lập chất chuẩn phải có độ tinh khiết cao (đối với hợp chất hóa dược > 95%), được lựa chọn từ các lô nguyên liệu sản xuất thuốc có chất lượng cao, có tính đồng nhất và được cung cấp từ các nguồn đáng tin cậy (các nhà sản xuất gốc).
  • Việc đánh giá mức độ phù hợp của một nguyên liệu dự kiến thiết lập chuẩn phải được tiến hành rất cẩn thận, phải cân nhắc tất cả số liệu thu được từ các phép thử và nên áp dụng nhiều phương pháp phân tích khác nhau để đánh giá so sánh.
  • Các nhà sản xuất chất chuẩn có uy tín thường xây dựng một quy trình cụ thể, chặt chẽ để thẩm định chất chuẩn của mình.

Phạm vi sử dụng chất chuẩn

Chất chuẩn đối chiếu được sử dụng trong các phạm vi sau đây:

  • Thẩm định phương pháp (method validation).
  • Xác định phương pháp (method veryfication).
  • Xác định độ không đảm bảo đo (measurement uncertainty)
  • Chuẩn định (calibration).
  • Kiểm tra chất lượng (quality control)
  • Đảm bảo chất lượng (quality assurance)
  • Nghiên cứu (nhất là trong nghiên cứu dược liệu để xác định các chất, theo dõi độ ổn định thuốc …)

Trong thực tế các chất chuẩn được sử dụng nhiều trong kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm (thuốc, thực phẩm chức năng, thực phẩm, hàng hóa …)

Trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất chuẩn đối chiếu thường được dùng trong các thử nghiệm:

  • Định tính bằng các phương pháp phân tích dụng cụ (hồng ngoại, tử ngoại …).
  • Thử nghiệm giới hạn tạp chất (SKLM, GC, HPLC…).
  • Định lượng bằng các phương pháp dụng cụ (UV, HPLC).
  • Định lượng bằng các phương pháp sinh học (Ví dụ: thử hoạt độ kháng sinh).
  • Dùng trong các thử nghiệm các dạng thuốc (Ví dụ: thử độ hòa tan).
  • Thử nghiệm có sử dụng các thuốc thử đặc biệt hay hiếm (Ví dụ: các thử nghiệm hoạt tính enzym).
  • Các thử nghiệm khác có quy định trong các chuyên luận dược điển

Vai trò của ISO trong thiết lập chất chuẩn

ISO là tên viết tắt của Tổ chức Quốc tế về tiêu chuẩn hóa (International Organization for Standardization), được thành lập vào năm 1946 và chính thức hoạt động vào 23/02/1947. Việt Nam chính thức gia nhập từ năm 1977 và là thành viên thứ 71 của ISO.

Để xây dựng quy trình thiết lập và chứng nhận chất chuẩn, các đơn vị điều chế chất chuẩn chủ yếu dựa vào ba bộ ISO Guide 31, 34 và 35 làm cơ sở:

  • ISO Guide 31 (2000) cung cấp các chỉ dẫn cần thiết giúp nhà sản xuất chất chuẩn soạn thảo giấy chứng nhận phân tích một cách rõ ràng, ngắn gọn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
  • ISO Guide 34 (2000) đưa ra các yêu cầu mà nhà sản xuất cần phải đáp ứng, đồng thời hướng dẫn làm thế nào để đáp ứng các yêu cầu này. Nhìn chung, hướng dẫn này đưa ra các mô hình cho thử nghiệm tính đồng nhất, độ ổn định và xác định hàm lượng của nguyên liệu thử nghiệm.
  • ISO Guide 35 (2006) được xem như một ứng dụng của hướng dẫn xác định độ không đảm bảo đo (Guide to the Expression of Uncertainty in MeasuremenT - GUM). ISO Guide này hướng dẫn chi tiết về cách xác định độ không đảm bảo đo và và cách đánh giá độ đồng nhất lô, độ ổn định trong quá trình thiết lập chất chuẩn.

Sáng chế về chất chuẩn phát triển mạnh trong thời gian gần đây

Năm 1967: Sáng chế đầu tiên đề cập tới chất chuẩn trong kiểm nghiệm huyết thanh.

Những năm gần đây, ở Việt Nam nhiều nhà khoa học tập trung vào các nghiên cứu điều chế chất chuẩn, ví dụ như:

  • Lữ Thị Kim Chi, Vũ Thị Ngọc Dinh, Nguyễn Ngọc Vinh (2017), Phân lập và thiết lập chất chuẩn vitexin từ cây lạc tiên (Passiflora foetida Linn.), Tạp chí Dược học, 57(3).
  • Trần Việt Hùng, Phạm Văn Kiền, Bùi Quốc Thái, Đoàn Cao Sơn, Nguyễn Tiến Đạt, Bùi Hồng Cường (2017), Nghiên cứu chiết xuất, phân lập và tinh chế monotropein từ Ba kích là nguyên liệu thiết lập chuẩn, Tạp chí dược học, 57 (5).
  • Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Lê Phan Kim Trang, Phạm Đông Phương (2016), Phân lập và thiết lập chất chuẩn acid clorogenic, Tạp chí Dược học, 56 (11).
  • Hoàng Thị Tuyết Nhung (2012), Nghiên cứu chiết xuất và tinh chế Conessin, Kaempferol, Nuciferin từ dược liệu làm chất chuẩn đối chiếu, Luận án tiến sỹ dược học, Trường Đại học Dược Hà Nội.
  • Lữ Thị Kim Chi, Nguyễn Ngọc Vinh (2012), Phân lập và thiết lập chất chuẩn phyllanthin từ cây diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum et Thonn), Tạp chí dược học, 52 (6).
  • Thái Nguyễn Hùng Thu, Nguyễn Thái An, Hoàng Lan Nhung, Hoàng Thị Tuyết Nhung (2010), Nghiên cứu chiết xuất tinh chế Kaempferol từ đơn lá đỏ để làm chất đối chiếu trong kiểm nghiệm, Tạp chí dược học, 408
  • Đỗ Thị Thanh Thủy (2008), Nghiên cứu thiết lập chất chuẩn Emodin từ Đại hoàng phục vụ công tác kiểm tra chất lượng thuốc, Luận văn thạc sỹ dược học, Trường Đại học Dược Hà Nội.

Trung tâm Khoa học và công nghệ dược Sài Gòn đã đăng ký với Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án: “Điều chế chất chuẩn đối chiếu phục vụ kiểm nghiệm chất lượng dược liệu và đông dược”. Kết quả đã chiết xuất, phân lập, điều chế được 10 chất chuẩn từ dược liệu gồm acid oleanolic, asiaticosia, berberin clorid, curcumin I, damnacanthal, diosgenin, mhesperidin, ginsenosid-Rb1, ginsenisod-Rg1 và majonoisid-R2. 10 chất chuẩn này đã được thẩm định, đánh giá chất lượng bởi ba phòng thí nghiệm độc lập, đạt tiêu chuẩn GLP/ISO.

Chất chuẩn đối chiếu là gì?

Chất chuẩn (standard substances) hay chất chuẩn đối chiếu (reference standards) là chất cần thiết để đánh giá các nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm … theo các quy trình đã xác định nhằm đảm bảo kết quả phân tích đạt độ chính xác, đáng tin cậy.

Khái niệm chất chuẩn là gì?

Chất chuẩn là một loại chuẩn đo lường đặc biệt có độ đồng nhất và ổn định nhất định đối với một hoặc một số thuộc tính. Chất chuẩn được sử dụng để hiệu chuẩn, kiểm định thiết bị, phương tiện đo, đánh giá phương pháp đo hoặc để xác định giá trị về thành phần, tính chất của vật liệu hoặc chất khác.

Chuẩn thứ cấp là gì?

Chuẩn thứ cấp là một chất có độ tinh khiết và chất lượng được thiết lập bằng cách so sánh với một chất chuẩn gốc, được dùng làm chất chuẩn đối chiếu cho các phân tích thường ngày của phòng thí nghiệm.

Chuẩn tập là gì?

Chuẩn tạp chất là giải pháp cho phân tích và định danh tạp chất, kiểm soát chất lượng thuốc trong quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm.