Big Five personality traits là gì

Bạn nghĩ có bao nhiêu đặc điểm tính cách (personality traits) tồn tại?Bạn có thể liệt kê bao nhiêu đặc điểm tính cách mà không cần suy nghĩ? Hướng ngoại, thân thiện, tốt bụng, cáu kỉnh, lười biếng, xấu tính.Ta có thể tìm ra rất nhiều từ khác nhau để mô tả tính cách, nhưng liệu mỗi tính từ này có thực sự đại diện cho một đặc điểm tính cách cụ thể không?

Một số nhà tâm lý học đã nỗ lực xác định có bao nhiêu đặc điểm tính cách có thể tồn tại, và các con số ấy đã thay đổi đáng kể từ chuyên gia này đến chuyên gia khác.

Nhà tâm lý học Gordon Allport là một trong những người đầu tiên phân loại đặc điểm tính cách: Năm 1936, ông đã tạo ra một danh sách gồm hơn 4.000 đặc điểm tính cách. Allport đã phân những đặc điểm này thành ba nhóm khác nhau: đặc điểm cơ bản, đặc điểm trung tâm và đặc điểm phụ.

Sau này, nhà tâm lý học Raymond Cattell đã sử dụng một kỹ thuật thống kê được gọi là phân tích nhân tố để rút gọn danh sách ban đầu với khoảng 4.000 đặc điểm của Allport thành 16 “đặc điểm nguồn”. Ông tin rằng 16 đặc điểm cơ bản này là những thứ tác động đến các hành vi thể hiện tính cách.

Nhà tâm lý học Hans Eysenck thậm chí còn rút gọn danh sách các đặc điểm ngắn hơn, chỉ với 3 đặc điểm tính cách. Ông cho rằng hệ thống của Cattell gồm quá nhiều đặc điểm tương đồng. Ban đầu, ông đề xuất rằng tính cách con người được thể hiện chỉ bằng hai yếu tố: hướng ngoại / hướng nội và cảm xúc ổn định / cảm xúc bất ổn. Sau đó, ông đã thêm vào một yếu tố thứ ba, được gọi là nhiễu tâm, liên quan đến xu hướng mắc chứng loạn thần kinh hoặc rối loạn nhân cách chống đối xã hội của một người. 

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lý thuyết của Cattell thì quá phức tạp còn của Eysenck thì có phạm vi quá hạn chế. Cuối cùng, Lý thuyết năm yếu tố (Five-Factor Theory) ra đời để mô tả những đặc điểm thiết yếu, đóng vai trò là nền tảng xây dựng tính cách con người.

Big Five personality traits là gì

Năm đặc điểm chính của tính cách (The Big Five Dimensions of Personality) là gì?

Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng có năm đặc điểm tính cách cốt lõi. Bằng chứng cho lý thuyết này đã được phát triển trong nhiều năm, bắt đầu với nghiên cứu của D. W.  Fiske (1949) và sau đó được mở rộng bởi các nhà nghiên cứu khác bao gồm Norman (1967), Smith (1967), Goldberg (1981), và McCrae & Costa (1987).

Mô hình tính cách 5 yếu tố (Five Factor Model – The Big 5) bao gồm 5 đặc điểm chính: Tận tâm, Dễ chịu, Nhiễu tâm, Cởi mở và Hướng ngoại.

Mô hình này kiểm tra bạn có bao nhiêu phần trăm hay bao nhiêu điểm cho mỗi mặt tính cách trong 5 tính cách đã nêu trên, khác với việc dán nhãn loại tính cách cho mỗi người như MBTI. Nói cách khác, ta xem mặt Hướng ngoại (Extraversion) như là một cây thước đo hai đầu, một đầu hướng ngoại và một đầu hướng nội, chỉ số của bạn có thể nằm giữa, có thể thiên về hướng nội hoặc thiên về hướng ngoại trên cây thước ấy.

Người ta cảm thấy dễ dàng ghi nhớ The Big 5 hơn khi sử dụng từ viết tắt OCEAN (Openness – Cởi mở, Extraversion – Hướng ngoại, Agreeableness- Dễ chịu, Neuroticism – Tâm lý bất ổn).

Năm loại tính cách chính này thường được mô tả như sau:

Sự cởi mở – Openness

Nét tính cách này có các điểm tiêu biểu như trí tưởng tượng và sự sáng suốt. Những người mà chỉ số đặc điểm này cao có xu hướng có nhiều sở thích. Họ tò mò về thế giới, về người khác, khát khao học hỏi những điều mới và thu hút bởi những trải nghiệm mới lạ.

Những người có chỉ số Cởi mở cao thường mạo hiểm và sáng tạo hơn. Những người có chỉ số Cởi mở thấp thường có lối sống xưa cũ và gặp khó khăn khi tiếp cận với những tư duy trừu tượng.

Chỉ số cao

• Rất sáng tạo

• Sẵn sàng thử những điều mới

• Tập trung giải quyết những thách thức mới lạ

• Thoải mái khi nghĩ về các khái niệm trừu tượng

Chỉ số thấp

• Không thích thay đổi

• Không thích những điều mới

• Chống lại những ý tưởng mới

• Trí tưởng tượng kém

• Không thích các khái niệm hay lý thuyết trừu tượng

Tận tâm – Conscientiousness

Các đặc điểm tiêu biểu của nét tính cách Tận tâm bao gồm mức độ thấu đáo cao, khả năng kiểm soát những mong muốn hay hành động bốc đồng tốt và hành vi hướng đến mục tiêu rõ ràng. Những người có chỉ sốTận tâm cao thường có tổ chức và chú ý đến tiểu tiết. Họ lập kế hoạch trước, suy nghĩ về cách hành vi của họ ảnh hưởng đến người khác và luôn lưu tâm đến thời hạn kết thúc công việc.

Chỉ số cao

• Dành thời gian chuẩn bị

• Hoàn thành các công việc quan trọng ngay lập tức

• Chú ý đến từng chi tiết

• Thích có một lịch trình đã định

Chỉ số thấp

• Không thích cấu trúc và lịch trình

• Làm mọi thứ lộn xộn và không chăm sóc chu đáo công việc

• Không trả lại hoặc đặt đồ vật về chỗ cũ

• Trì hoãn các nhiệm vụ quan trọng

• Không hoàn thành nhiệm vụ cần thiết hoặc được giao

Hướng ngoại – Extraversion

Tính Hướng ngoại đặc trưng bởi sự kích động, hòa đồng, nói nhiều, quyết đoán, có nhiều biểu cảm và thường bộc lộ cảm xúc. Những người có tính Hướng ngoại cao là người cởi mở và có xu hướng nạp được năng lượng từ việc tiếp xúc với các tình huống xã hội. Ở bên cạnh người khác giúp họ cảm thấy tràn đầy sinh lực và phấn khích.

Những người ít hướng ngoại (hoặc hướng nội) có xu hướng dè dặt và ít năng lượng hơn trong các môi trường xã hội. Các sự kiện xã hội có thể khiến họ kiệt sức. Những người hướng nội thường cần một khoảng thời gian đơn độc và yên tĩnh để “nạp lại năng lượng”.

Chỉ số cao

• Thích trở thành trung tâm của sự chú ý

• Thích bắt chuyện

• Thích gặp người mới

• Có quan hệ rộng với bạn bè và người quen

• Dễ dàng kết bạn

• Cảm thấy tràn đầy năng lượng khi ở gần người khác

• Nói trước khi nghĩ kĩ về điều nào đó

Chỉ số thấp

• Thích cô đơn

• Cảm thấy kiệt sức khi phải giao lưu nhiều

• Gặp khó khăn khi bắt chuyện

• Không thích tán gẫu

• Suy nghĩ kỹ mọi thứ trước khi nói

• Không thích trở thành trung tâm của sự chú ý

Dễ chịu – Agreeableness

Đặc điểm tính cách này gồm các thuộc tính như sự tin tưởng, lòng vị tha, sự tử tế, tình cảm và các hành vi xã hội khác. Những người có tính Dễ chịu cao có xu hướng hợp tác trong khi những người có tính Dễ chịu thấp có xu hướng cạnh tranh và thậm chí là thao túng người khác.

Chỉ số cao

• Quan tâm đến người khác

• Cảm thấy đồng cảm và lo lắng cho người khác

• Thích giúp đỡ và đóng góp vào hạnh phúc của người khác

• Hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ

Chỉ số thấp

• Không quan tâm đến cảm giác của người khác

• Ít quan tâm đến vấn đề của người khác

• Xúc phạm và coi thường người khác

• Thao túng người khác để đạt được thứ họ muốn

Nhiễu tâm –Neuroticism

Nhiễu tâm là một đặc điểm đặc trưng bởi sự buồn bã, ủ rũ và không ổn định về cảm xúc. Những người có chỉ số đặc điểm này cao thường trải qua việc thay đổi tâm trạng, lo âu, cáu kỉnh và buồn bã. Những người có chỉ số thấp trong đặc điểm này có xu hướng ổn định và mạnh mẽ hơn về mặt cảm xúc.

Chỉ số cao

• Trải qua nhiều căng thẳng

• Lo lắng về nhiều thứ khác nhau

• Dễ bực bội

• Tâm trạng thay đổi thất thường

• Gặp khó khăn để hồi phục sau những sự kiện căng thẳng

Chỉ số thấp

• Ổn định về mặt cảm xúc

• Đối phó tốt với căng thẳng

• Hiếm khi cảm thấy buồn hoặc chán nản

• Không lo lắng nhiều

• Rất thoải mái

Các yếu tố ảnh hưởng đến The Big 5

Nghiên cứu cho thấy rằng ảnh hưởng của sinh học và môi trường đều nắm vai trò trong việc hình thành tính cách của chúng ta. Các nghiên cứu song sinh (twin study) cho thấy cả yếu tố bẩm sinh và sự nuôi dưỡng đều đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển của mỗi đặc điểm trong số 5 đặc điểm tính cách chính.

Một nghiên cứu về Yếu tố di truyền và môi trường của 5 đặc điểm tính cách chính đã quan sát trên 123 cặp sinh đôi cùng trứng và 127 cặp sinh đôi khác trứng. Kết quả cho thấy khả năng di truyền của mỗi đặc điểm (trait) là 53% đối với tính cách hướng ngoại, 41% đối với tính dễ chịu, 44% đối với sự tận tâm, 41% đối với bất ổn tâm lý và 61% đối với tính cởi mở.

Các nghiên cứu dọc (longitudinal study) cũng cho thấy rằng những người trong độ tuổi trưởng thành có kết quả test The Big 5 tương đối ổn định. Một nghiên cứu trên những người trưởng thành trong độ tuổi lao động cho thấy rằng tính cách có xu hướng ổn định trong khoảng thời gian 4 năm và sẽ có chút thay đổi do các biến cố trong cuộc sống.

Các nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng sự trưởng thành có tác động đến The Big 5. Khi có tuổi, họ có xu hướng trở nên ít hướng ngoại hơn, ít bất ổn tâm lý hơn và ít cởi mở hơn với trải nghiệm. Mặt khác, tính dễ chịu và tận tâm, có xu hướng tăng lên khi mọi người già đi.

—————————

Nguồn:

1.Kendra, C. (2020, Tháng Mười hai 14). How many personality traits are there. Truy xuất từ: https://www.verywellmind.com/how-many-personality-traits-are-there-2795430#how-many-personality-traits-exist

2.Kendra, C. (2021, Tháng Hai 20). The Big Five Personality Traits. Truy xuất từ: https://www.verywellmind.com/the-big-five-personality-dimensions-2795422#are-the-big-five-traits-universal

——————————–

Người thực hiện: CTV Thanh Thảo

Người edit: Lê Minh Khuê