Ảnh hưởng của tpp đến thị trường tài chính việt nam

Sự phát triển và ổn định của thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong thời kỳ hội nhập. Trải qua 15 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải quan không ít thăng trầm trước những tác động trên thị trường tài chính toàn cầu.

Đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam đang trên đà hội nhập nên càng trở nên “nhạy cảm” với những biến động trên thị trường thế giới. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết ngày 5/10 đã thổi một luồng gió mới vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

1. TÌM HIỂU VỀ TPP

1.1 Sơ lược về TPP

Ảnh hưởng của tpp đến thị trường tài chính việt nam

TPP được xem là một hiệp định của thế kỷ 21 vì phạm vi rộng lớn cũng như mức độ hội nhập sâu rộng của thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như cả những vấn đề chính sách môi trường, lao động, sở hữu trí tuệ. TPP hiện bao gồm 12 thành viên là Mỹ, Brunie, Chile, New Zealand, Singapore, Úc,Malaysia, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Việt Nam. Các nước Hàn Quốc, Colombia, Costa Rica,Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và nhiều nước khác cũng đang có ý định tham gia vào TPP.

 Dân số của 12 quốc gia thành viên TPP là khoảng 800 triệu người, gấp đôi so với thị trường Liên minh Châu Âu (EU), đóng góp 40% vào tăng trưởng GDP toàn cầu, và chiếm 1/3 tổng kim ngạch toàn cầu. Do đó, đây sẽ là một thị trường tiềm năng với tất các các nước thành viên, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển như Việt Nam hòa nhập, phát triển và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Các thỏa thuận quốc tế trong Hiệp định bao gồm các lĩnh vực: Cạnh tranh, hợp tác và xây dựng năng lực, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, thuế, thương mại điện tử, môi trường, dịch vụ tài chính, chi tiêu công của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, lao động, pháp luật, giải quyết tranh chấp, khả năng xâm nhập thị trường của hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, chuẩn vệ sinh hàng hóa, rào cản kỹ thuật với thương mại, viễn thông, nhập cảnh tạm thời với doanh nhân, dệt may và quần áo, bồi thường thiệt hại trong thương mại.

Có thể thấy về phạm vi, TPP mở rộng hơn so với các hiệp định BTA, AFTA, và trong WTO, về cả thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn có các vấn đề phi thương mại như mua sắm chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, các cam kết trong TPP là rất sâu rộng, toàn diện và sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước thành viên.

Mục đích chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Thoạt nhìn có thể thấy, các quốc gia sẽ được hưởng lợi khi đưa sản phẩm của mình sang thị trường rộng lớn của 11 quốc gia thành viên còn lại, với thuế suất thấp hơn hoặc bằng 0%. Tuy nhiên, sự cạnh tranh sản phẩm giữa các quốc gia cùng những yêu cầu chặt chẽ về quy tắc xuất xứ hàng hóa, hay những yêu cầu về lao động, sở hữu trí tuệ,… sẽ tạo ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam theo đó cũng sẽ có những cơ hội và thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập sau khi Hiệp định này được ký kết.

1.2 Bản chất của TPP

Được gọi là hiệp định thương mại tự do, song về bản chất TPP giống như một thỏa thuận để “quản lý” các mối quan hệ thương mại và đầu tư của các nước thành viên của các tập đoàn, doanh nghiệp hùng mạnh nhất trong mỗi nước thành viên. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng từ những vấn đề chính trong các vòng đàm phán.

Chẳng hạn như trước đó, New Zealand không đồng ý ký hiệp định vì cách thức quản lý sản phẩm bơ sữa của Canada và Mỹ. Úc không nhất trí với cách quản lý thương mại về đường của Mỹ và Mexico. Và Mỹ thì cũng không hài lòng về cách Nhật Bản quản lý thương mại về gạo,…

Thương mại tự do phát triển mạnh là do sự phân trung (decentralization) hoàn toàn trong chính sách thương mại. Một quốc gia có tự do thương mại là quốc gia đã triển khai thực hiện tự do thương mại đơn phương, nghĩa là hoàn toàn để người tiêu dùng cá nhân hoặc doanh nghiệp quyết định liệu họ có muốn kinh doanh với nhà cung cấp nước ngoài. Chẳng hạn một thợ may quần áo phải mua vải, chỉ may, cúc,… từ các nhà cung cấp trong hoặc ngoài nước. Và hầu hết người đó sẽ chọn phương án kinh tế nhất.

Tuy nhiên, hiệp định thương mại tự do TPP cũng như các hiệp định khác lại đưa ra quyết định không phải theo ý của mỗi cá nhân công dân, mà theo ý của những nhà lập pháp chính phủ và các nhà đàm phán, những người đưa ra quyết định vì lợi ích của nhà nước và lợi ích được ưa chuộng. Đây là lý do tại sao nông dân tại Mỹ, New Zealand hay Úc lại phản đối TPP.

Có thể lấy ví dụ về thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ trong TPP. Các điều khoản thỏa thuận của TPP vẫn chưa được công bố chính thức, song theo thông tin từ trang Wikileaks, TPP tăng thời hạn bản quyền và sáng chế. Các loại thuốc sẽ được bảo hộ lâu hơn nhiều so với thời hạn 20 năm như hiện nay. Thời hạn bảo hộ cho các tác phẩm sẽ được tăng từ 70 năm kể từ ngày tác giả chết hiện nay lên 95 hoặc 120 năm. Hệ quả trước mắt có thể thấy là giá thuốc sẽ tăng, người dân khó tiếp cận hơn với các loại thuốc, cũng như nông sản hay thực phẩm, đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu.

Với các điều khoản bản quyền trong TPP, các hành vi copy, lưu trữ tạm thời các thông tin được bảo hộ cũng sẽ bị coi là vi phạm bản quyền. Điều này đi ngược với thực tế và cách thức vận hành của công nghệ hiện nay. Hiện tại để truyền tải và hiển thị nội dung số một cách hiệu quả, các công nghệ nền đều phải copy và lưu trữ tạm thời các đoạn nội dung lên thiết bị của người dùng.

Ví dụ dễ thấy nhất là công nghệ buffering khi xem video trên Youtube, máy tính của người dùng sẽ phải lưu 1 đoạn ngắn các đoạn video để quá trình xem có thể liên tục và không bị đứt đoạn. Hay để người dùng không phải tải lại trang web khi nhấn nút back trên trình duyệt, thì trình duyệt phải lưu thông tin về những trang web đã xem qua vào 1 bộ nhớ đệm, để khi nhấn back có thể hiển thị ngay lập tức, tiết kiệm thời gian cho người dùng. Với cách áp dụng mới này, gần như điều luật Dùng hợp lý (fair use) sẽ không còn chút tác dụng nào nữa.

Về khía cạnh này, người được hưởng lợi nhiều nhất chính là những tập đoàn, những quốc gia nắm trong tay phần lớn các nội dung bản quyền.

TPP tối đa hóa lợi ích của các tập đoàn Mỹ, nhưng lại không đứng nhiều về lợi ích của đa số người dân Mỹ. Với một nước nhỏ như Việt Nam thì dù muốn hay không, cũng khó tránh khỏi việc sẽ phải chấp nhận đi theo một xu hướng nào đó. Có thể thấy các thỏa thuận của Mỹ nhằm tạo ra “thương mại quản lý”, là sân chơi của các doanh nghiệp hùng mạnh của mỗi quốc gia. Trên bất kỳ đấu trường nào cũng vậy, người mạnh sẽ là người chiến thắng. Coi TPP là hiệp định thương mại tự do, nhưng liệu có công bằng giữa các quốc gia?

2. NHỮNG ẢNH HƯỞNG CƠ BẢN ĐẾN NỀN KINH TẾ

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 55 trên thế giới với tổng GDP khoảng $186 tỷ, đứng thứ 11 về GDP trong 12 nước thành viên. Mức thuế quan trung bình của nước ta là 9.5%, cao nhất trong số các nước thành viên TPP. Mức độ giới hạn trao đổi thương mại trong ngành dịch vụ được Ngân hàng thế giới chấm 41.5 điểm (mức điểm 1 là mức độ thoáng nhất và mức điểm 100 được xem là hoàn toàn ngăn cấm việc trao đổi mậu dịch), quốc gia có sự quản lý lĩnh vực dịch vụ chặt chẽ thứ 2 trong TPP. Quy định bảo vệ sáng chế của Việt Nam nằm ở mức 3.43 điểm (trên thang điểm 5). Vì vậy có thể thấy nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức mới để có thể đáp ứng được các điều kiện của TPP.

Theo thống kê của Bộ tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu từ các nước trong TPP chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu, xuất khẩu chiếm 39%, gần 32% vốn FDI của Việt Nam đến từ các nước thành viên TPP. Do đó TPP sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động thương mại nội khối.

So với 12 quốc gia thành viên TPP, Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ trọng xuất khẩu so với GDP ở mức 86%. Do đó, khi 18,000 dòng thuế được dỡ bỏ giữa các nước thành viên, quốc gia phụ thuộc xuất khẩu như Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, cần đánh giá chính xác và thực tế mức độ tác động của TPP lên các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

2.1 Về thương mại hàng hóa, dịch vụ

Các sản phẩm của Việt Nam sẽ có cơ hội xuất hiện trên thị trường của 11 nước thành viên TPP với thuế quan rất thấp hoặc thậm chí là bằng 0%. Tuy nhiên, lợi ích của các ngành sẽ không giống nhau, ví dụ như đối với thủy hải sản, da giày, dệt may, đồ gỗ, vốn được được hưởng ưu đãi thuế 0% hoặc gần 0% từ các hiệp định tự do thương mại với một số nước thành viên TPP như Brunei, Singapore, Malaysia, Úc và New Zealand (cả tại Mỹ dù chưa có thỏa thuận tự do hóa nào). Do đó TPP cũng sẽ không thay đổi đáng kể quan hệ thuế quan của Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Những lợi thế từ thuế quan có thể sẽ bị triệt tiêu nếu vấp phải các điều kiện khác về tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật, yêu cầu về môi trường và lao động. Phải nhìn nhận một thực tế khách quan là thuế quan không phải là rào cản duy nhất khiến hàng xuất khẩu Việt Nam khó thâm nhập thị trường nước ngoài. Nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng những yêu cầu trên là ưu tiên hàng đầu.

Ví dụ nếu hàng hóa Việt Nam không đáp ứng được quy định về hàm lượng xuất xứ nội khối (tỷ lệ nội địa hóa phải đạt từ 55% tổng giá trị trở lên, doanh nghiệp chỉ được phép nhập tối ta 45% nguyên vật liệu từ các nước ngoài khối để sản xuất ra một sản phẩm, kể cả chi phí gia công) thì sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan và có sự phân biệt đối xử đối với hàng hóa nguồn khác nhau, trong khi đó khâu xác định rõ nguồn gốc các thành phần cấu tạo nên sản phẩm tại Việt Nam vẫn làm chưa tốt.

Về dịch vụ, thực tế ngành dịch vụ của Việt Nam chưa phát triển đủ mạnh để có thể vươn ra các thị trường nước ngoài (ngoại trừ một số dự án đầu tư về viễn thông sang Lào, Mozambique, …). Hơn nữa ngành dịch vụ của nhiều quốc gia hầu hết đều đã mở cửa khá rộng, nên TPP cũng không đem lại nhiều lợi ích lắm về mặt này.

2.2 Lợi ích đối với thị trường trong nước

Với thuế nhập khẩu thấp hơn, nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào sẽ rẻ hơn cho các doanh nghiệp sản xuất, tạo lợi thế về chi phí sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh về giá.

Người tiêu dùng được hưởng hàng hóa và dịch vụ với chất lượng tốt hơn, nhiều sự lựa chọn, giá thành cạnh tranh.

2.3 Những thay đổi về luật pháp, cơ chế

TPP đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải cách để đưa Việt Nam thực sự trở thành nền kinh tế thị trường (trợ cấp, bảo hộ), kèm theo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và người lao động. Đây đều là những cải cách mà Việt Nam nên tiến hành từ lâu, nếu muốn phát triển bền vững. Do đó TPP là cơ hội và là động lực để Việt Nam đẩy mạnh những cải cách đó.

2.4 Bất lợi khi tham gia TPP

Tham gia TPP đồng nghĩa Việt Nam phải mở cửa hơn nữa thị trường trong nước cho các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đặt các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay vốn nhạy cảm với biến động (nông dân), vào thế khó khi phải đương đầu với các doanh nghiệp lớn mạnh từ cả các nước phát triển.

Hàng hóa trong nước vốn đã phải chịu sự cạnh tranh rất gay gắt sau một loạt các hiệp định tự do hóa thương mại, mà điển hình là ACFTA với Trung Quốc. Đặc biệt là ngành hàng nông sản đặc biệt nhạy cảm và người nông dân là nhóm dễ chịu tổn thương trong tiến trình hội nhập. Ví dụ gần đây về đùi gà Mỹ nhập khẩu giá 20,000/kg, rẻ bằng 1/3 so với giá gà trong nước là hồi chuông cảnh báo cho thấy rất rõ những tác động tiêu cực TPP và hội nhập.

Ngành dịch vụ được xem là một bất lợi của Việt Nam khi đứng trước các ông lớn lâu đời trong ngành trên thế giới (nhất là Mỹ), nên Việt Nam tỏ ra khá dè dặt trong việc mở cửa khu vực này.

TPP bao gồm các quy định khá chặt chẽ về môi trường, lao động (tiêu chuẩn ILO) và ràng buộc về cạnh tranh, phòng vệ thương mại, các biện pháp hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật, … Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn khi phải sửa đổi pháp luật, xây dựng cơ chế mới, chi phí thực thi tốn kém, ví dụ như thay đổi công nghệ nuôi trồng, kiểm soát thú ý chặt chẽ trong chăn nuôi, …

Một vấn đề khá nhức nhối ở Việt Nam hiện nay là vấn đề sở hữu trí tuệ, mà Mỹ lại tỏ ra khá cứng rắn về chuyện này. Thắt chặt hơn về bản quyền sẽ gây khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp và cả người tiêu dùng (hàng hóa đắt hơn).

Một điều nữa khiến nhiều nhà hoạch định chính sách lo lắng, đó là phải mở cửa thị trường mua sắm công. TPP có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tài khóa thông qua chi tiêu công (đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo “việc làm” cho các công ty trong nước), khi các doanh nghiệp trong nước khó có cửa để thắng được các công ty nước ngoài trong các buổi đấu thầu lớn. Mặt tích cực cũng có, liên quan đến minh bạch hóa thị trường này và cải thiện chất lượng mua sắm công của chính phủ, nhất là khi nhiều dự án của Việt Nam đều trao cho nhà thầu Trung Quốc, mà chất lượng lại “rất khó nói”.

Tuy nhiên, TPP sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam cải thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính minh bạch hơn, gọn gàng hơn. Lợi ích từ những cam kết này là rất lớn và lâu dài cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Nhìn chung, dù mang đến nhiều thách thức, nhưng không thể phủ nhận rằng TPP là cơ hội “ngàn năm có một” để Việt Nam tạo nên tên tuổi và thay đổi hình ảnh, hàng hóa “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới, là thời cơ để Việt Nam có thể dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc nguyên vật liệu thô từ thị trường Trung Quốc, là cơ hội giúp chính phủ minh bạch hơn, hỗ trợ phát triển kinh tế theo hướng thị trường đúng nghĩa.

3. TÁC ĐỘNG TỚI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Hiệp định TPP tác động hai chiều tới toàn bộ nền kinh tế, do đó cũng sẽ có những tác động đan xen tới thị trường chứng khoán.

3.1 Đánh giá chung

Theo World Market Indices, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 4.57% trong vòng 6 tháng tính đến cuối tháng 9/2015, trở thành thị trường tăng mạnh thứ hai trong bảng xếp hạng về chỉ số thị trường thế giới. Quyết định nới room chứng khoán đã và đang là động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu niêm yết đạt trên 300,000 tỷ đồng và bằng khoảng 31.1% GDP, tăng 9.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vốn hóa của thị trường trái phiếuđạt trên 80,000 tỷ đồng, chiếm 8% GDP.

Trong tuần từ 05-09/10/2015, khi hiệp định TPP chính thức được ký kết, thị trường chứng khoán Việt Nam ngay lập tức phản ứng tích cực với thông tin này. Chỉ số VN-Index đã tăng mạnh 4.56%, lên mức 588.02 điểm; HNX-Index cũng gia tăng tích cực với 3.19%, đạt 80.75 điểm. Trong khi đó, chỉ số VS100 tăng 5.98%, lên 166.74 điểm; VN30 tăng 4.28%, lên 605.6 điểm.

Dòng tiền nhanh chóng chảy vào nhóm cổ phiếu các ngành được cho là hưởng lợi từ TPP như Dệt may (Đầu tư thương mại Thành Công – TCM, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, GMC), Thủy sản (Thực phẩm Sao ta – FMC, Thủy sản Hùng Vương), Gỗ (Công ty Cổ phần chế biến gỗ Đức Thành– GDT, Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Trường Thành – TTF), Logistics (Công ty cổ phần tập đoàn container Việt Nam – VSC, Công ty cổ phẩn cảng Cát Lái – CLL)… Nhóm các cổ phiếu ngành tài chính như Bảo hiểm, Ngân hàng cũng khởi sắc.

Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 8/10, khối ngoại bất ngờ mua ròng 804 tỷ đồng, thanh khoản thị trường đạt khoảng 3,700 tỷ, cao hơn mức thanh khoản trung bình trong tháng 9 là 2,008 tỷ đồng. Trong năm 2015, riêng dòng vốn M&A vào Việt Nam đã đạt $1.5 tỷ tính theo giá trị thương vụ, và nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng $256 triệu, cao gấp 1.4 lần của cả năm 2014.

Tính từ năm 2008 đến nay, số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 37%, bình quân tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn chiếm khoảng 18% tổng giá trị giao dịch, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ lượng cổ phiếu tại các công ty niêm yết tương đương khoảng 23% vốn hóa toàn thị trường.

Có thể thấy khối ngoại sẽ là động lực quan trọng hỗ trợ thị trường khi TPP được ký kết, bởi hội nhập sẽ thu hút dòng vốn từ các nước ngoài đổ về Việt Nam. Môi trường đầu tư hiệu quả sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa.

Tuy nhiên, những diễn biến tích cực vừa qua trên thị trường chứng khoán là do tâm lý lạc quan của giới đầu tư khi hiệp định TPP được kí kết tại Atlanta. Thực chất, TPP chưa được quốc hội Mỹ và các nước thông qua, chưa có hiệu lực chính thức, chưa tác động gì đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nên đà tăng của các nhóm cổ phiếu kể trên không phản ánh được sức khỏe nội tại của các doanh nghiệp, mà chủ yếu là do tâm lý hưng phấn của giới đầu tư. Do đó, đà khởi sắc này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Về lâu dài trong tiến trình hội nhập, chuyển động của các cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh và năng lực thực sự của các doanh nghiệp.

Sau khi đàm phán kết thúc, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên TPP thực hiện việc rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và các biểu cam kết thực hiện đúng kết quả đàm phán. Dịch thuật (đối với các quốc gia không nói tiếng bản địa là tiếng Anh) và công bố rộng rãi hiệp định. Đồng thời, đại biểu Quốc hội, người dân và Doanh nghiệp sẽ có thời gian để nghiên cứu hiệp định. Sau khi ký kết, Việt Nam thực hiện quy trình thông qua hiệp định TPP theo đúng quy định của Pháp luật từng nước, thời gian mất từ 18 tháng tới 2 năm. Vì vậy, từ giờ đến lúc TPP chính thức có hiệu lực, các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng cần phải chuẩn bị “dọn đường” cho dòng vốn ngoại chảy vào, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của TPP.

Hiệp định TPP mở cửa kết hợp với Nghị định 60 có hiệu lực sẽ khuyến khích dòng vốn ngoại mới chảy mạnh vào các doanh nghiệp Việt Nam, như doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản, kho vận, khu công nghiệp,… qua việc mua cổ phiếu các doanh nghiệp này hoặc các hoạt động M&A. Vì vậy lĩnh vựcngân hàng, là nơi luân chuyển dòng tiền sẽ được hưởng lợi gián tiếp.

Bên cạnh đó, nhóm ngành xây dựng cũng được đánh giá là có tiềm năng do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, bến bãi,… nhằm phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu tăng lên.

9 tháng đầu năm, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được $9.65 tỷ, tăng 8.4% với cùng kỳ năm 2014. Các lĩnh vực đầu tư chủ chốt bao gồm Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất với 737 dự án đầu tư đăng ký mới và 346 dự án tăng vốn, chiếm 66.3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đó là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, kinh doanh bất động sản. Có thể kể đến một số dự án đầu tư lớn được cấp phép trong tháng 9 như Dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, Dự án công ty Sam Sung Display Vietnam, Dự án Cty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương, Dự án Cty TNHH Hyosung Đồng Nai,..

3.2 Kịch bản trong ngắn hạn với thị trường chứng khoán Việt Nam

Sự tăng điểm trên các chỉ số tổng thể là sự hưng phấn và có phần đầu tư sớm khi mà hiệp định TPP chưa chính thức có hiệu lực và thậm chí chưa được công bố đầy đủ các thông tin. Điều này dẫn đến thực trạng chúng ta phân tích thị trường bằng những thông tin ít “chất lượng”.

Do đó chúng ta có các kịch bản chính cho thị trường như sau:

3.2.1 TPP bị phản đối gay gắt hoặc không được Quốc hội Mỹ thông qua

Điều này là hoàn toàn có thể xảy ra khi tại các nước như Mỹ, từ chính khách cho đến người dân đều có một lực lượng phản đối TPP rất đông đảo. Người dân Mỹ và nhiều doanh nghiệp thì lo lắng vào việc họ sẽ phải đóng nhiều loại thuế hơn khi chính phủ dỡ bỏ rất nhiều loại thuế nhập khẩu, rồi đến hiệp hội công đoàn lo lắng về vấn đề việc làm, do lo ngại không cạnh tranh được nhiều mặt hàng đến từ các nước có nhân công giá rẻ cũng như nguyên liệu đầu vào rẻ sẽ khiến các lĩnh vực này khó có chỗ đứng. Còn về phía chính khách thì họ cũng chỉ ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như cơ chế “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước” gọi tắt là ISDS sẽ khiến chính phủ Mỹ bị kiện bởi các doanh nghiệp ở nước ngoài nhiều hơn. Hay các vấn đề xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra và nhiều ứng viên tranh cử đều không muốn thông qua hiệp định TPP, trong đó có bà Hillary Clinton hay Martin O’Malley.

Ứng viên Donald Trump cũng không muốn TPP được ký kết. Đảng Cộng hòa vốn ủng hộ việc giao thương tự do hiện vẫn chia rẽ trong vấn đề TPP. Đối với Hoa Kỳ, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Từ giờ cho đến lúc có Tổng thống mới vào tháng 2/2017, nhiều “bất ngờ” vẫn có thể xảy ra.

Trong khi các Quốc hội còn lại dường như nhất trí 100%, Canada có khó khăn đôi chút nhưng kỳ bầu cử ngày 19/10 sẽ ngã ngũ.

Số phận của TPP tại Úc và New Zealand cũng gặp đôi chút khó khăn. Đảng Lao động New Zealand, hiện không thuộc thành phần của chính phủ, cũng bất mãn về một điều khoản của TPP cấm đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực đất đai và nhà ở.

Chile cũng là một nước khác mà TPP sẽ vấp phải sự chống đối lớn tại quốc hội, vì những quan ngại về thuốc men với giá cả phải chăng.

Hiện cũng chưa rõ liệu TPP có được thông qua tại Nhật Bản hay không. Những quyết định đáng kể của chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực nông nghiệp sẽ khiến một số nhóm nông gia chống đối việc thông qua thỏa thuận.

Tại Malaysia, nhà lập pháp đối lập Charles Santiago đã chỉ trích TPP là “một trong các thỏa thuận thương mại nguy hiểm nhất khi xét về vấn đề thuốc men với giá cả phải chăng, nhất là tại các nước đang phát triển.” Ông cho biết chính phủ Malaysia đã cam kết sẽ chỉ hành động sau khi TPP nhận được chấp thuận tại quốc hội. Nhưng chính phủ Malaysia có quyền thông qua hiệp định kể cả đa số các nhà lập pháp phản đối TPP.

Quốc hội Việt Nam dường như sẽ 100% thông qua, vì các nhà lãnh đạo nước ta viếng thăm Mỹ đều bày tỏ mong muốn gia nhập liên minh kinh tế của 12 quốc gia chiếm tới 40% GDP thế giới. Hơn nữa ở Việt Nam, Quốc hội không bao giờ bỏ phiếu chống Đảng.

Nếu TPP không được chính phủ Mỹ thông qua thì đó sẽ là điều khiến hiệp định TPP “thất bại”, đi ngược lại kỳ vọng của giới đầu tư hiện nay. Chưa kể đến những hệ lụy chính trị, sự thất bại của hiệp định TPP cũng được coi là sự thất bại của Tổng thống Obama, sẽ dẫn đến niềm tin của giới đầu tư sụp đổ về một khối liên minh kinh tế hội nhập và phát triển. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến sự rút vốn ồ ạt ở các ngành cũng như các doanh nghiệp đã được đầu tư trước đó nhằm đón đầu TPP. Đặc biệt các ngành Dệt may (TCM, TNG, GMC), Thủy sản (FMC, VHC), Gỗ (GDT, TTF), Logistics (VSC, CLL)… và nhóm các cổ phiếu bảo hiểm, ngân hàng.

TPP không được thông qua sẽ khiến động lực đầu tư bị giảm đi đáng kể, khi mà TPP vốn được coi là liều thuốc kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo cơ hội thay đổi toàn diện về thể chế, chính sách, cơ sở hạ tầng…

Để phòng tránh rủi ro này, chúng ta cần nghiên cứu kỹ hiệp định TPP và chờ đón các thông tin từ các nước đóng vai trò chủ chốt trong TPP để có thể đưa ra đánh giá tiến độ cũng như khả năng được thông qua của hiệp định này. Cùng với đó, khi chúng ta đầu tư nên chia vốn ra thành nhiều dòng nhỏ, sử dụng mỗi dòng nhỏ đó để tư ở mỗi giai đoạn khác nhau và nên đầu tư giá trị chứ không lướt sóng do những “con sóng” này sẽ bị phụ thuộc rất nhiều vào các thông tin từ những nguồn không chính thống và kém chất lượng.

3.2.2 TPP được chấp thuận ở tất cả các nước và sẽ có hiệu lực trong 2 năm sau đó.

 Bất chấp các vấn đề được nêu ra ở kịch bản 1 về việc TPP hoàn toàn có khả năng không được thông qua, thì chúng ta cần thấy người bảo vệ TPP lớn nhất là tổng thống Mỹ, Barack Obama đã cho thấy sự khôn ngoan khi đẩy việc kết thúc bỏ phiếu thông qua hiệp định này vào quý 1 năm 2016, khi chiến dịch bầu cử Tổng thống chưa kết thúc.

Trong trường hợp được thông qua, điều này sẽ giúp tháo gỡ nút thắt cho các nhà đầu tư đang chờ đợi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, và lúc này dòng vốn sẽ được đẩy vào các thị trường đầu tư ở mức rất lớn, từ Bất động sản, trái phiếu, công phiếu, cho đến thị trường chứng khoán. Các ngành sẽ được hưởng lợi đầu tiên sẽ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mà Việt Nam coi là mũi nhọn trong hiệp định TPP. Nhưng đây chỉ là ngắn hạn vì thực tế tâm lý giao dịch ở thị trường chứng khoán Việt nam, phần lớn là ngắn hạn, trong khi phải cần đến ít nhất là 2 năm thì hiệp định này mới có hiệu lực, và với “thói quen” thích lướt sóng thì khó có thể đảm bảo được yếu tố chất lượng trong sự tăng điểm trong các ngành này. Điều đó còn chưa tính đến yếu tố, những ngành này thực tế không có quá nhiều sự thay đổi về mặt lợi ích như nhiều nhà đầu tư nhìn nhận, khi mà từ trước đến nay những mảng thủy hải sản, da giày, dệt may, đồ gỗ khi xuất khẩu sang nhiều nước trong TPP cũng đã có thuế gần như bằng 0%.

Những ngành chúng ta có thể hướng đến là những ngành dịch vụ về tài chính và bất động sản du lịch, bất động sản sản xuất, vận tải và xây dựng.

Ở mảng tài chính, chúng ta cần hiểu sự đi lên của thị trường chứng khoán sẽ giúp các ngân hàng giải quyết được phần nào bài toán nợ xấu mà hầu hết các ngân hàng đang gặp phải hiện nay có thêm vốn từ cổ phiếu. Các công ty chứng khoán sẽ có cơ hội thoát khỏi tình trạng ảm đạm trong nhiều năm qua, khi sự kích thích kinh tế và cải cách được thể hiện rõ nét, điều đó sẽ giúp niềm tin đầu tư sẽ được gia tăng, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Với ngành bất động sản chúng ta có thể thấy rõ với mục tiêu trở thành nước xuất khẩu lớn chúng ta cần quy hoạch các khu công nghiệp, khu dành cho các công nhân viên, chuyên gia… từ các khu công nghiệp. Đây sẽ là động lực đầu tư rất lớn vào ngành này.

Từ sự phát triển trong lĩnh vực bất động sản thì mảng xây dựng và vận tải sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn.

3.3 Rủi ro

Ở mỗi ngành khác nhau chúng ta lại gặp phải những rủi ro khác nhau.

Với lĩnh vực tài chính chúng ta thiếu thị trường chứng khoán phái sinh. Điều này làm thị trường chứng khoán ở Việt Nam giảm đi tính đa dạng, mất kênh quản lý rủi ro cơ bản. Các sản phẩm chứng khoán phái sinh khá phổ biến ở các thị trường tài chính phát triển, nhưng lại còn mới mẻ ở Việt Nam.

Hội nhập TPP, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ phải hội nhập theo. Dòng tiền đầu tư từ nước ngoài sẽ chảy nhiều vào thị trường chứng khoán phái sinh thay vì sản phẩm chứng khoán truyền thống. Trong giai đoạn 2012- 2014 khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thị trường trái phiếu Chính phủ hoạt động rất hiệu quả với tỷ lệ thành công đạt 120% so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ thành công trung thầu khi phát hành lần đầu đạt 100%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2015 khi nền kinh tế phát triển tích cực hơn thì tỷ lệ phát hành trái phiếu Chính phủ thành công chỉ đạt 47% so với cùng kỳ năm 2014 tương đương với khoảng 72,000 tỷ đồng, đạt chưa được 1/3 kế hoạch năm. Đây là cơ sở có thể cho rằng, dòng tiền thay vì đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì sẽ đổ vào các kênh đầu tư khác. Thị trường chứng khoán phái sinh phát triển sẽ là kênh thu hút một nguồn vốn lớn.

Vì vậy, hiệp định TPP sẽ mở đường cho thị trường này phát triển, là cơ hội để Việt Nam nhanh chóng triển khai và vận hành các sản phẩm phái sinh, thu hút thêm dòng vốn nước ngoài.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 5/5/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thị trường này hoạt động và phát triển, góp phần thúc đẩy sự ổn định, phát triển vững chắc của thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và thu hẹp dần khoảng cách giữa thị trường chứng khoán Việt Nam với thế giới. Tuy nhiên ước tính phải đền đầu năm 2017 thị trường chứng khoán phái sinh mới được vận hành. Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ có đạt được mục tiêu đề ra hay không, khi mà trước đó cũng có thông tin sẽ đưa vào hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2016.

Còn với mảng ngân hàng, sự đi lên của thị trường chứng khoán sẽ đẩy thị trường vốn đi lên nhanh chóng. Lịch sử cho thấy chúng ta chưa có một công cụ quản lý vốn hiệu quả khi lượng vốn tăng đột biến. Điều này có thể dẫn đến gia tăng lạm phát cho kinh tế vĩ mô, và bản thân các ngân hàng sẽ dễ dàng bị đẩy vào thế vỡ nợ.

Trong lĩnh vực xây dựng, chúng ta cần xác định phải đối đầu với các nhà thầu nước ngoài như Trung Quốc. Với nền kinh tế đang dần thị trường hóa như ở Việt Nam, thì các nhà đầu tư nước ngoài hay bản thân những nhà đầu tư trong nước họ chỉ quan tâm đến tính hiệu quả, chi phí và chất lượng. Vậy thì rõ ràng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nên quan tâm đến sự cạnh tranh này và đây là rủi ro rất lớn.

Lĩnh vực bất động sản chúng ta nhìn thấy một vấn đề liên quan mật thiết đến ngành ngân hàng và chính sách kinh tế vĩ mô là lãi suất. Phần lớn các dự án bất động sản lớn đều cần lượng vốn lớn và xuất phát từ hệ thống ngân hàng và từ việc đầu tư cổ phiếu. Nếu trong trường hợp lãi suất cho vay tăng lên cùng với sự đầu cơ quá sớm có thể dẫn đến thua lỗ. Việc đẩy bong bóng bất động sản là “thói quen” của nhiều tập đoàn bất động sản ở Việt Nam và điều này chắc hẳn đã được các tập đoàn kinh tế nước ngoài họ tính đến và có kế hoạch cụ thể để đối phó. Nên vẫn có nguy cơ lớn cho thị trường bất động sản vỡ bong bóng trong mảng sản xuất và du lịch.

4. KẾT LUẬN

TPP sẽ tác động nhiều vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, nhưng đó là khi chính phủ các nước cùng thông qua, và giai đoạn chờ đợi các thủ tục mang tính chất hành chính là lúc thị trường chứng khoán sẽ sôi động nhất. Nhờ có các dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn hơn, các thương vụ mua bán sát nhập diễn ra nhộn nhịp hơn, và nhiều dự án mới tại các khu công nghiệp được thi công triển khai. Đó là khi niềm tin của nhà đầu tư được đẩy lên mức rất cao. Nhưng đó cũng là lúc chúng ta phải nhìn vào tính hiệu quả của các doanh nghiệp mà mình đầu tư vào các mã cổ phiếu của họ. Thực tế đã chứng minh “bội thực” vốn đã từng đẩy thị trường chứng khoán bị thổi bong bóng lên quá cao, và rồi rơi xuống từ chính niềm tin của nhà đầu tư. Chúng ta cần thay đổi dần tư duy đầu tư, hãy cập nhập tin tức chính thống với chất lượng cao hơn là loại tin tức “rỉ tai”. Cần quan tâm đến công cụ quản lý rủi ro, quản trị vốn, quản trị thời gian trong đầu tư để có thể tránh những mất mát do sự thiếu hiểu biết.

Bài nghiên cứu của Nhóm IF24h

Link: http://if24h.com/tpp-nhung-kich-ban-cua-thi-truong-chung-khoan-viet-nam/