Vật liệu xây dựng ảnh hưởng tới gì

Vật liệu xây dựng ảnh hưởng tới gì

Thi công công trình đê biển Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Các loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh theo giá xăng dầu cũng như chịu tác động bởi căng thẳng Nga - Ukraine đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công.

Càng làm càng lỗ?

Chỉ trong những ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh 600.000 - 1.400.000 đồng/tấn tùy loại. Các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng cao. Tại một số điểm bán vật liệu xây dựng ở TP.HCM, giá cát đang ở mức 300.000 đồng/m3, tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm, còn gạch ống tăng thêm 100 đồng/viên.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN, ximăng trong nước cũng đang có áp lực tăng giá lớn khi các nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu tăng giá. Theo nhiều nhà thầu xây dựng, giá xăng dầu hiện nay đã tăng khoảng 60% so với hồi đầu năm khiến cho chi phí các ca máy thi công trên các công trường xây dựng bị đội lên rất cao.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khuyến cáo rằng vật liệu xây dựng tăng giá quá cao sẽ làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, kể cả các dự án được chỉ định thầu. 

"Bởi giá vật liệu tăng làm đội giá thành xây dựng, nên nhà thầu nào cũng lo ngại. Các định mức đơn giá cũ trong hồ sơ mời thầu không còn phù hợp với giá cả thị trường", ông Lâm nói.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chi phí thép chiếm 12 - 16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10%, giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng thêm 1%. 

Hơn nữa, đà tăng giá của giá thép có thể chưa dừng lại khi nhu cầu sử dụng thép sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các bộ, ngành, địa phương triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350 ngàn tỉ đồng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hàng loạt công trình xây dựng mới được triển khai.

Một nhà thầu xây dựng đường cao tốc ở phía Bắc cho biết chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 50% chi phí đầu tư dự án đường cao tốc. Do đó, việc vật liệu xây dựng tăng giá là điều mà tất cả các nhà thầu đều không mong muốn. 

"Nếu đà tăng giá không được kiểm soát, càng làm càng lỗ thì sẽ có nhiều nhà thầu phải chấp nhận dừng công trình, chấp nhận chịu phạt tiến độ", vị này nói.

Bù giá để đảm bảo tiến độ công trình?

TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), cho rằng để gỡ vướng cho các nhà thầu thi công dự án đầu tư công, Chính phủ cần ban hành một giải pháp tình huống cho phép bù giá cho nhà thầu thi công các dự án để đạt được mục tiêu kích cầu đầu tư công, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế. 

Trong năm 2007 - 2008, khi giá cả biến động mạnh, lạm phát tăng cao, Chính phủ cũng đã ban hành giải pháp bù giá cho các công trình xây dựng.

"Vì nếu để nhà thầu xây dựng bỏ cuộc sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án đầu tư công, nền kinh tế không hồi phục như kỳ vọng, tác hại sẽ lớn hơn nhiều. 

Vì vậy, Nhà nước đã phải chấp nhận rút hầu bao để hỗ trợ các nhà thầu tiếp tục thi công các công trình, dự án" - ông Hùng nói, nhưng cho rằng để ra được chính sách này thông thường mất khoảng 7-8 tháng nên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ các dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng vật liệu tăng giá đến ngưỡng nhất định thì nhà thầu còn có thể chịu đựng được, nhưng nếu tăng quá cao thì Nhà nước cũng cần xem xét để bù giá cho nhà thầu. 

Tất nhiên, nhà thầu có năng lực tài chính sẽ không thể ngồi chờ Nhà nước bù giá xong mới làm. "Để bảo đảm tiến độ, nhà thầu vẫn phải xoay xở để thi công dự án đúng tiến độ. Nhưng đến khâu thanh toán quyết toán, Nhà nước sẽ xem xét để bù giá lại cho nhà thầu", ông Hoàng đề xuất.

* Ông Nguyễn Thanh Trung (chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á):

Không thể không tăng giá

Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động lập tức đến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp, chưa kể các chi phí nhiên liệu cho sản xuất như khí đốt cũng tăng lên. Một số mặt hàng đã tăng giá chào mới so với tháng 1-2 lên đến 20 - 30%.

Chúng tôi đang sản xuất bằng nguyên liệu dự trữ, nên thời điểm này chưa tác động đến giá thành sản phẩm. Đợt tăng giá nguyên liệu sẽ có độ trễ 1-2 tháng, nên đến tháng 3 và 4 thì giá các sản phẩm sẽ đội giá tương ứng với giá nguyên liệu.

Trong năm 2021, giá sản phẩm đầu ra đã đội lên so với trước dịch khoảng 40%, sau đó hạ nhiệt và hiện giảm khoảng 15 - 20% so với cao điểm. Nhưng với mức tăng mạnh của nguyên liệu như hiện nay, giá sản phẩm lại tăng lên. (NGỌC HIỂN)

Vật liệu xây dựng ảnh hưởng tới gì
10 ngày, thép 3 lần tăng giá

BẢO NGỌC

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, với lĩnh vực công trình giao thông đường bộ, Bộ Xây dựng sẽ giao cho Cục Kinh tế xây dựng và các cơ quan chuyên môn cùng với cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT, UBND các địa phương trong việc tổ chức xây dựng các định mức còn thiếu hoặc sửa đổi các định mức chưa phù hợp.

Nhằm kịp thời phục vụ yêu cầu cấp bách trong đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ GTVT rà soát, đánh giá xem xét sự tương đồng về các điều kiện áp dụng định mức ở các công trình đã thực hiện và quyết định ban hành áp dụng cho các dự án thành phần thuộc dự án.

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá các nguyên, nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại ở mức cao đã khiến giá thép bị đẩy lên cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 – 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn.

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh, đối với các địa phương, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp quản lý của nhà nước tại địa phương nhằm kiểm soát và tránh hiện tượng tăng giá từ các nguyên nhân đầu cơ, thổi giá.

Trước đó, ngày 10/5/2021, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Bộ Xây dựng đã thành lập Tổ theo dõi thông tin thị trường giá xây dựng, bất động sản, dịch vụ hạ tầng đô thị để kịp thời tổng hợp, báo cáo các nội dung đánh giá về diễn biến giá vật liệu xây dựng và dự báo các kịch bản trong trường hợp biến động giá vật liệu làm cơ sở tham mưu các cơ chế, chính sách và công tác điều hành của Chính phủ.

Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội cho thấy, một số loại vật liệu xây dựng liên tục tăng giá, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh. Cụ thể, xi măng đã tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 – 15%, cát tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm. Trong đó, thép xây dựng cũng liên tục tăng giá mạnh và chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt.

"Bộ Xây dựng luôn chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu, phân tích khoa học các vấn đề, cũng như làm rõ thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương để cùng nhau tháo gỡ sớm nhất", Thứ trưởng Minh nói.

Theo Thứ trưởng Minh, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, tham mưu cho bộ giải pháp để kịp thời tháo gỡ. Các giải pháp phải đồng bộ đồng, bộ thống nhất theo quy định pháp luật.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng ghi nhận nhiều loại tăng giá chóng mặt trong đó phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng giá khoảng 10 - 20% so với thời điểm cuối năm 2021. Riêng giá thép tăng 7 lần từ đầu năm đến nay.

Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina, thép Thái Nguyên, thép Miền Nam… rơi vào khoảng 18.000 – 19.000 đồng/kg.

Theo giá thép cập nhật đến ngày 28/3/2022, thép Pomina có giá bán ở mức 19.430 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và 19.630 đồng/kg đối với thép thanh vằn D10 CB300.

Kinh doanh thua lỗ

Theo số liệu khảo sát từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, thời gian qua, không chỉ sắt thép tăng đến 40% mà gần như tất cả loại vật liệu xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều “leo thang”. Những biến động về giá vật liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN xây dựng. Trong tình trạng hiện nay, nhiều DN khó tìm việc, nhưng lại không dám nhận việc vì lo đối phó với tình trạng "bão giá” VLXD.

Vật liệu xây dựng ảnh hưởng tới gì
Giá thép, nguyên liệu tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các DN ngành xây dựng. Ảnh: Phạm Hùng

Tổng Giám đốc Phục Hưng Holdings Trần Hồng Phúc cho biết, đối với những công trình dân dụng và công nghiệp xây thô hoàn thiện mặt ngoài, giá thép chiếm khoảng 25 - 30% giá thành. Từ đầu năm đến nay, giá thép tăng tới 30%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến biên lợi nhuận do chi phí quản lý chiếm tối đa 10% giá trị công trình, mà riêng giá thép ngốn tới 9% lợi nhuận. Do đó một số công trình của DN đang chịu lỗ khi không đàm phán được với chủ đầu tư để điều chỉnh giá.

Ở tình trạng tương tự, Giám đốc CP kỹ thuật và giải pháp công trình ITSPRO Bùi Văn Dũng cho hay, hiện công ty cũng lâm vào cảnh phải bù lỗ bởi giá thép liên tục biến động. Với việc VLXD vẫn ở mức cao khiến DN gặp khó khăn khi đưa ra giá chào thầu, quá trình đàm phán vì thế bị kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với những công trình đã nhận hợp đồng thì đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng.

Cần những giải pháp hỗ trợ

Một số liệu khác từ Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong năm 2021, trên tổng số hơn 2.000 DN xây dựng chỉ có một số ít đạt doanh thu từ 75 – 80% kế hoạch, số còn lại bị giảm ít nhất 50% doanh thu hoặc chỉ đạt từ 10 – 20% kế hoạch. Những con số thống kê đã chỉ ra rõ khó khăn của DN xây dựng, cùng với đó phải gồng gánh các khoản nợ do phụ thuộc vào khả năng thanh toán của chủ đầu tư... Không phủ nhận đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế nói chung, ngành xây dựng nói riêng. Nhưng ngoài yếu tố khách quan, không thể không nhắc tới lý do chủ quan, trong khi các bộ, ngành T.Ư đang “loay hoay” tìm kiếm giải pháp nhằm ổn định giá cả cho thị trường VLXD, thì một số địa phương vẫn chưa thực sự xắn tay vào việc để sớm khắc phục khó khăn cho DN xây dựng.

Cụ thể, tại Văn bản số 959/BXD-KTXD của Bộ Xây dựng gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư mới đây, đề cập đến tình hình giá cả nhiên liệu, VLXD chủ yếu đang có nhiều biến động, xu thế tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư xây dựng, nhưng vẫn còn một số địa phương chưa xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý; Công bố chậm, chưa bám sát diễn biến hoặc sát với giá thị trường; Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số VLXD chủ yếu… “Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của những chủ thể liên quan, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân ở các dự án” - văn bản nêu rõ.

Nhằm ứng phó với tình hình “báo giá” VLXD, hầu hết DN lớn đều phải bỏ ra khoản kinh phí lớn để đặt mua vật liệu ngay sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư làm dự trữ. Đồng thời tập trung siết chặt hoạt động sản xuất tại công trường nhằm giảm thiểu hao hụt vật liệu, tăng năng suất lao động rút ngắn thời gian thi công. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng đủ tiềm lực tài chính để mua dự trữ, đồng thời việc dự trữ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới rủi ro.

“Chúng tôi cho rằng, để đối phó với tình trạng VLXD tăng giá đột biến trong thời gian tới, DN xây dựng cần chủ động đặt hàng với nhà cung cấp vật liệu. Nhưng cũng phải ký và đàm phán với chủ đầu tư trong hợp đồng thi công xây dựng phải có điều khoản về điều chỉnh giá, trượt giá hoặc phương án xử lý khi giá vật liệu nếu xảy ra biến động lớn” - Tổng Giám đốc Phục Hưng Holdings Trần Hồng Phúc nói.

Về góc độ quản lý Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi hợp đồng xây dựng, quy định rõ trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư, vì DN xây dựng khi dự thầu có tới vài bảo lãnh, còn chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách lại không có gì đảm bảo. Thời điểm hiện tại, công trình giảm hơn 40% so với năm 2019, do vậy số đầu việc của ngành xây dựng giảm mạnh.

“Chúng tôi mong muốn Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020. Quy định này gây ách tắc cho khoảng 400 dự án ở cả TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Đồng thời cơ quan chức năng cần sớm thực hiện biện pháp đối phó với cơn "bão" tăng giá nguyên vật liệu, thúc đẩy việc sửa các luật, giảm bớt chồng chéo, khơi thông nguồn cung cho thị trường bất động sản, đây là giải pháp tích cực để hỗ trợ DN xây dựng” - ông Nguyễn Quốc Hiệp nhìn nhận.

Theo đánh giá, việc ký và đàm phán là tương đối khó vì hiện nay các chủ đầu tư thường chỉ muốn ký hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng đơn giá cố định. Vì vậy, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: Bộ Xây dựng, Công Thương, Tài chính... cần thực hiện giải pháp hỗ trợ giá xăng dầu, chính sách miễn giảm thuế cho DN, kích cầu thị trường bất động sản…

Một trong những nội dung đáng chú ý là hiện nay Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã chính thức có hiệu lực thi hành, sẽ tác động tích cực đến hoạt động xây dựng. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần được nhanh chóng hướng dẫn để áp dụng triển khai vào thực tế.

"Cơ quan quản lý công trình chuyên ngành, địa phương cần chủ động thực hiện chủ trương rà soát, tháo gỡ theo thẩm quyền. Công bố kịp thời chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình trên địa bàn; theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá VLXD, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường." Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

"Hiện nay, chi phí vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất chiếm khoảng 70 - 80% trong một công trình nên việc biến động như vậy là quá lớn. Nếu như không có sự hài hoà về mặt lợi ích, không có sự chia sẻ rủi ro giữa chủ đầu tư và nhà thầu, việc thua lỗ của các DN xây dựng là không tránh khỏi." - Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Đinh Hồng Kỳ