Văn hóa gốc du mục là gì

Du Mục Và Nông Nghiệp

vinhhalong1
11 năm trước
X

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Đã hiểu!
Quảng cáo

Du Mục Và Nông Nghiệp

Những ý tưởng sau đây phần lớn là dựa vào những điều mà tác giả TRẦN NGỌC THÊM ghi lại trong cuốn tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, cộng thêm những gợi ý của tác giả Đào Văn Dương, Thường Nhược Thuỷ trong đạo sống Việt, tác giả Trần Duy Nhiêm trong Định Hướng số 37

Phần Dẫn Nhập

Các nền văn hoá hiện đại dù đang thuộc giai đoạn văn minh nào (nông nghiệp, công nghiệp hay thậm chí hậu công nghiệp cũng đều không thoát ra ngoài hai loại hình văn hóa cơ bản:

Văn hoá gốc du mục và văn hoá gốc nông nghiệp. Điển hình cho loại văn hóa gốc nông nghiệp là các nền văn hoá phương Đông, chính xác hơn là văn hoá ĐÔNG NAM, Đông Nam Á (bao gồm vùng đất phía Nam song Dương Tử); còn điển hình cho loại văn hóa gốc du mục là các nền văn hoá phương TÂY (chính xác là Tây Bắc châu Âu miền Bắc Trung Quốc).

Có ba điểm trong THỰC TẠI mà mọi người đều chấp nhận:

1. THIÊN NHIÊN (hay TỰ NHIÊN) có trước loài người;

2. Chỉ có MỘT LOÀI NGƯỜI và có NHIỀU DÂN TỘC;

3. LOÀI NGƯỜI phải nương tựa vào THIÊN NHIÊN để sinh sống.

Do đó, LOÀI NGƯỜI hay NHÂN LOẠI CÓ LIÊN HỆ MẬT THIẾT VỚI thiên nhiên. Nói rõ hơn, THIÊN NHIÊN có trước LOÀI NGƯỜI nên THIÊN NHIÊN có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống con người.

Từ ngàn năm xưa tới nay và mai sau nữa, quá trình sống của loài ngừơi là quá trình vừa đấu tranh với thiên nhiên, vừa nương tựa vào thiên nhiên để sống còn.

Người luôn luôn bị thiên nhiên tấn công về cả hai mặt thể chất và tinh thần. Về thể chất, người bị thiên nhiên tấn công bằng khí hậu thời tiết, thiên tai, (bão tố, lụt lội, động đất, ). Về tinh thần, người bị thiên nhiên tấn công bằng THÚ TÍNH đánh đuổi NHÂN TÍNH.

Thiên nhiên có thể tàn sát Người; ngược lại, Người không thể huỷ diệt thiên nhiên, mà phải tìm cách hợp tác với thiên nhiên, thong nhất với thiên nhiên. Người đã chuyển sang vị thế CHỦ ĐỘNG đối với thiên nhiên, để thiên nhiên phải phục vụ con người. Nói cách khác, người đã chuyển thế ĐỐI LẬP của thiên nhiên sang thế hợp tác nghĩa là thực hiện sự THỐNG NHẤT THIÊN NHIÊN VỚI CON NGƯỜI (Luật Đối Lập Thống Nhất).

Đời sống con người rất phức tạp, an vui hay khổ cực tuỳ theo thể chế chính trị và sự phát triển kinh tế xã hội, nơi con người sinh sống.

Đời sống con ngươi đã biến đổi rất nhiều, từ hái lượm, săn bắt đến nông nghiệp, thương nghiệp, rồi công nghiệp đến kỹ nghệ. Đời sống các sắc dân tuy khác nhau rất nhiều, nhưng tất cả đều thuộc về hai gốc: DU MỤC và NÔNG NGHIỆP (dẫn theo G.S Đào Văn Dương).

HAI LOẠI HÌNH VĂN HÓA: Văn hóa Du Mục và văn hóa Nông Nghiệp.

Văn hóa là sản phẩm của con người và tự nhiên. Vì thế nguồn gốc của mọi sự khác biệt sâu xa về văn hóa là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý khí hậu) và xã hội (lịch sử kinh tế) tạo nên.

Môi trường sống ở phương TÂY (chính xác là Tây Bắc Âu châu và miền Bắc Trung Quốc) là xứ lạnh, với khí hậu khô ráo, tạo nên những đồng cỏ mênh mông, thực vật khó sinh trưởng, thích hợp cho chăn nuôi theo bầy đàn.

Môi trường sống ở phương ĐÔNG (chính xác hơn là Đông Nam Á châu, miền Nam Trung Quốc) là xứ nóng, mưa nhiều, ẩm, gió mùa, tạo nên những sông dài rộng với các vùng đồng bằng trù phú, sông rạch chằng chịt, thích hợp cho việc trồng trọt.

Sau thời kỳ lâu dài sống bằng hái lượm và săn bắt, những người cư ngụ tại xứ lạnh, khí hậu khô ráo với những đồng cỏ rộng lớn, chuyển sang sống bằng chăn nuôi theo bầy đàn: cách sống du mục.

Còn những người cư ngụ tại xứ nóng, mưa nhiều, ẩm, gió mùa, có nhiều đồng bằng chuyển sang cách sống trồng trọt, lối sống nông nghiệp: cách sống định cư.

Cách sống Du Mục

Tài sản của dân du mục là đàn súc vật. Súc vật ăn cỏ, ăn hết cỏ, không thể ngồi đợi cho cỏ mọc, phải đi tìm bãi cỏ khác. Vì thế nghề chăn nuôi theo bầy đàn dẫn đến nếp sống du cư, vừa đi vừa ở, nay đây mai đó, lang thang trên các đồng cỏ, không bao giờ ở một chỗ nhất định.

Súc vật di chuyển phải được điều động có kỷ luật, với đánh đập la hét, loại bỏ những con vật yếu đuối, bệnh tật. Điều đó giải thích tính khắc nghiệt trong quan hệ giữa người với người tại Tây phương cũng như miền Bắc Trung Quốc. Cách sống đó bắt buộc dân du mục thường xuyên chém giết nhau để chiếm đoạt từng bãi cỏ, từng vũng nước .

Nếp sống đó dần dần đã rèn luyện cho dân du mục tính hiếu chiến, thích cưỡng đoạt với óc độc tôn độc hữu.

Dân du mục thường xuyên di động (du cư) phải tổ chức thế nào để di chuyển gọn gàng, nhanh chóng; lối sinh hoạt đó rèn luyện cho dân du mục não trãng trọng động.

Những kinh nghiệm của kỷ luật và kỹ thuật chăn nuôi theo bầy đàn chuyển hóa vào tâm thức, biến thành môi trường văn hóa tinh thần. Trên cơ sở đó, văn hóa du mục phát sinh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở phương Tây và miền Bắc Trung Quốc. Dân tộc Hán xem các dân tộc khác là hạ đẳng (Bắc địch, Nam man, Đông di, Tây nhung). Họ cho rằng họ là dân tộc con trời, có nhiệm vụ vương hóa các dân tộc khác trong quá trình chiếm đoạt đất đai của các dân tộc láng giềng để hình thành một Trung Quốc rộng lớn như hiện nay.

Chính cái nhìn đoàn lũ với óc độc tôn độc hữu đã rèn luyện cho người Trung Quốc chủ nghĩa bành trướng (hội chứng đại Hán), hun đúc cho người Tây phương tinh thần tôn giáo độc thần với chủ trương văn minh hoàn vũ mà sau này được thay thế bằng chính sách toàn cầu hóa.

Vai trò của chăn nuôi trong việc tạo thành cá tính người Tây phương thể hiện trong Thánh kinh. Không nơi nào khác mà thần thánh lại mang hinh dáng của người chủ chăn (không thể có hình ảnh người chủ chăn trong huyền thoại Việt Nam).

Nghề chăn nuôi ở Tây phương phổ biến đến mức trong Thánh kinh, từ cừu được nhắc tới trên 5000 lần, tín đồ được gọi là con chiên.

Ở Trung Quốc, Quản Trọng, nhân vật nôi tiếng thời Xuân Thu chiến quốc cũng coi dân như đàn súc vật. Ông đã đặt căn bản việc cai trị dân của một vị vua như công việc của mục phu tức là người chăn chiên hay chăn mục súc. Thiên thứ nhất, quyển một của Quản Tử Thư là MỤC DÂN, có nghĩa là chăn dân. Chính vì trọng động nên văn hoá Tây phương đã chuyển biến nhanh. Con đường chuyển biến từ du mục đến nông nghiệp đi qua thương nghiệp: ban đầu là du mục, trong khi lang thang từ nơi này sang nơi khác, người ta nhận ra sự khác biệt về giá cả vì vậy họ chuyển sang mô hình kết hợp du mục + buôn bán. Khi hàng hóa dồi dào và thấy buôn bán có lợi hơn chăn nuôi, người du mục từ bỏ chăn nuôi và chuyển sang thương nghiệp. Nhưng thương nghiệp thì phải có kho bãi, phải có nơi gặp gỡ để trao đổi hang hóa. Và thế là cuộc sống định cư hình thành, dân số tăng lên; các khu định cư buôn bán các kho bãi, chợ búa sẽ phát triển thành đô thị.

Để phục vụ cho đô thị và có hang hóa mang trao đổi lấy sản phẩm nông nghiệp về nuôi sống đô thị, đồng thời với sự phát triển khoa học sản phẩm của tư duy phân tích, một xã hội công nghiệp được hình thành (dẫn theo Trần Ngọc Thêm).

Trong khi đó, ở miền Bắc Trung Quốc con đường chuyển biến từ du mục đến nông nghiệp trồng khô (văn minh Hoàng Hà), không giống như ở Tây phương (sẽ trình bày ở phần sau).

Lối Sống Nông Nghiệp

Sống bằng nghề chăn nuôi theo bầy đàn (du mục) là lối sống du cư trọng động. Trái lại, lối sống nông nghiệp là lối sống bắt buộc người dân phải định cư, định canh, trọng tĩnh.

Trồng cây xuống thì phải chờ cho nó lớn lên, ra hoa, kết trái để rồi thu hoạch. Đó là chưa kể đến những loại cây lâu năm, phải chờ đợi 3 4 năm hoặc lâu hơn nữa mới thu hoạch được. Nông dân bắt buộc phải sống yên ở một nơi cố định, không thể di chuyển đi nơi khác được: đó là lối sống định cư định canh.

Mặt khác, với nông dân, cây cối mọc tự nhiên, không cần phải đánh đập la hét; việc bón phân, làm cỏ, tát nước, v.v không cần đụng chạm đến cây lúa; người ta chỉ đụng đến cây lúa khi gặt hái.

Nông dân sống định cư ổn định lâu đời với ngôi nhà, cái bếp, luống rau, ao cá, thửa ruộng, mảnh vườn. Điều đó giải thích tính hiếu hòa trong quan hệ giữa người với người trong nền văn hóa nông nghiệp.

Nếp sống định cư ổn định lâu dài đã rèn luyện cho người nông dân não trạng trọng tĩnh.

NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HÓA DU MỤC VÀ VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP

Hai lối sống (du mục nông nghiệp) và hai não trạng (trọng động trọng tĩnh) tạo thành những nét đặc trưng theo từng thành tố của văn hóa du mục và văn hóa nông nghiệp. Đi sâu vào những nét đặc trưng đó, ta nhận thấy chúng liên quan chặt chẽ với nhau, cho phép từ cái nọ suy ra cái kia, từ đó suy ra tất cả các đặc trưng của mỗi nền văn hóa.

1/ Đối với thiên nhiên.

Trong cách ứng xử với môi trường sống (tự nhiên) hình thành hai thái độ khác nhau. Dân du mục, nếu thấy nơi này không thuận tiện, họ có thể dễ dàng đi nơi khác, không quan tâm đến thiên nhiên (địa lý, khí hậu thời tiết).

Lề lối sinh hoạt đó dẫn đến tâm lý coi thường thiên nhiên. Đồng cỏ, nguồn nước mới là bận tâm của dân du mục. Họ không coi trọng thiên nhiên, có tham vọng chinh phục, chế ngự thiên nhiên, coi thiên nhiên như kẻ thù. Vấn đề của con người không phải là chinh phục, chế ngự hay chiến thắng mà là sống hòa hợp, hài hòa có ý thức với thiên nhiên.

Còn những sắc dân nông nghiệp nếp sống định cư tìm kiếm sự ổn định lâu dài (tinh thần trọng tĩnh). Nông dân, nhất là nông dân trồng lúa nước (dân Việt, dân Đông Nam Á) sống phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Qua những yếu tố thời tiết, nắng mưa, giông bão v.v, người nông dân có tâm lý tôn trọng tìm cách thích nghi với thiên nhiên. Sống hòa hợp với thiên nhiên là điều bận tâm, mong muốn của cư dân thuộc các nền văn hóa nông nghiệp trọng tĩnh (Việt Nam, Đông Nam Á, miền Nam Trung Quốc).

Mỗi thái độ có hai mặt hay (tích cực) mặt dở (tiêu cực) riêng của nó. Tôn trọng thiên nhiên có cái hay là giữ gìn được môi trường sống tự nhiên nhưng có cái dở là khiến con người trở nên rụt rè, e ngại với thiên nhiên.

Coi thường thiên nhiên có cái hay là khuyến khích con người dũng cảm đối mặt thiên nhiên, chịu khó tìm tòi, khuyến khích khoa học phát triển mạnh, đời sống vật chất của con người mỗi ngày mỗi cải thiện, tiện nghi vật chất đầy đủ nhưng khuyết điểm cũng không phải là ít. Cái dở là huỷ hoại môi trường sống mà phá hoại thiên nhiên có nghĩa là phá hoại chính đời sống của con người.

2/ Liên hệ giữa người và người.

Dân gốc du mục hằng ngày điều động đàn súc vật đến những bãi cỏ, di chuyển luôn luôn, coi trọng những người khỏe mạnh, tháo vát. Lề lối sinh hoạt đó tạo cho người chăn nuôi theo bầy đàn (dân du mục) tinh thần trọng sức mạnh, trọng võ (thiên về quân sự), trọng nam giới (khinh nữ).

Dân gốc nông nghiệp, sống định canh định cư ổn định lâu dài nên ưa tĩnh, sống yên vui trong xóm làng với cái nhà, ao cá v.v . Nông dân xây dựng nếp sống đổi công, nay người mai ta, tương trợ lẫn nhau để gặt hái được kết quả tốt đẹp trong việc cày cấy, trồng trọt. Do đó, đời sống nông nghiệp ổ định hơn đời sống dân du mục. Lề lối sinh hoạt đó rèn luyện cho dân nông nghiệp nếp sống trọng tình nghĩa (một bồ cái lý, không bằng một tí cái tình), tôn trọng sự bình đẳng giữa nam và nữ, phân công hợp tác trong nông vụ, trong gia đình. Tôn trọng thiên nhiên nên xây dựng nếp sống hòa hợp với thiên nhiên.

3/ Về mặt nhận thức.

Hai hoại hình văn hóa du mục và nông nghiệp tạo nên hai kiểu tư duy trái ngược nhau.

Nghề nông, nhất lá nghề trồng lúa nước (Việt Nam Đông Nam Á) sống phụ thuộc vào thiên nhiên rất nhiều, không phải chỉ chịu ảnh hưởng vào những sự riêng lẻ mà tất cả cùng một lúc; trời, đất, mưa, gió, nước, trông trời, trông đất, trông mây, trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm .

Nắng quá cũng nguy mà không nắng cũng nguy, mưa quá cũng chết mà không mưa cũng chết. Nếp sống nông nghiệp đưa đến lối tư duy tổng hợp. Cái nhìn thảo mộc, cách nhìn mọi sự trong tổng thể dẫn đến nếp suy nghĩ biện chứng.

Cái mà nông dân quan tâm không phải là tập hợp các yếu tô riêng lẻ mà là những mối quan hệ qua lại giữa các yếu tố: được mùa lúa, úa mùa rau; thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa.

Tổng hợp là bao quát được mọi yếu tố, còn biện chứng là chú trọng đến mối quan hệ giữa các yếu tố.

Tư duy tổng hợp và biện chứng là đặc trưng của văn hóa gốc nông nghiệp trọng tĩnh mà nông nghiệp trồng lúc nước là điển hình (Việt Nam Đông Nam Á).

Ngược lại, đối tượng của nghề chăn nuôi theo bầy đàn không tản mạn mà tập trung vào đàn súc vật. Hàng ngày quan sát nhận xét từng con vật, chọn lọc, loại bỏ các con vật yếu đuối, bệnh tật. Mỗi lần làm thịt con vật, mổ xẻ vật ra, tách rời các bộ phận. Thói quen đó dần dần chuyển hóa vào tâm thức, biến thành môi trường văn hóa tinh thần. đó chính là đầu mối của lối tư duy phân tích. Suy nghĩ theo lối phân tích là chìa khóa chia mọi yếu tố cấu thành ra từng phần biệt lập, riêng lẻ. Nói cách khác, phân tích để thấy ra các yếu tố cấu thành của cái toàn thể.

Đối tượng quan tâm ở đây là tập trung vào chính các bộ phận riêng lẻ. Cho nên phân tích kéo theo suy tư siêu hình vượt qua cái hữu tình, cụ thể, vật chất để đi đến việc trừu tượng hóa những cái cụ thể thành khái niệm (dẫn theo Trần Duy Nhiên).

Tư duy phân tích và siêu hình chính là đặc trưng của văn hóa trọng động gốc du mục mà Tây phương và miền Bắc Trung Quốc là điển hình. Tư duy phân tích và siêu hình là cơ sở cho sự hình thành và phát triển của khoa học. Khoa học hình thành, phát triển theo con đường thực nghiệm, khách quan, lý tính.

Trái lại, lối tư duy tổng hợp và biện chứng với cái nhìn bao quát mọi yếu tố không có điều kiện cho việc hình thành những ngành khoa học chuyên sâu nhưng bù vào đó, nó lại là cơ sở cho việc hình thành một nền ĐẠO HỌC. Đó là hệ thống những tri thức nhận biết được bằng con đường kinh nghiệm, chủ quancảm tính.

Tư duy phân tích và siêu hình là cơ sở cho sự hình thành và phát triển của KHOA HỌC theo nghĩa phương Tây của từ này. Khoa học hình thành theo con đường thực nghiệm, khách quan, lý tính. Một tư tưởng sẽ được coi là khoa học khi nó: a) được biện giải, lập luận một cách chặt chẽ, lý tính; b) kiểm tra được bằng thực nghiệm. Để được hai tiêu chuẩn ấy, việc nghiên cứu khoa học bao giờ cũng phải giới hạn đối tượng nghiên cứu, cô lập nó ra khỏi các đối tượng liên quan (kể cả người nghiên cứu), xem xét nó như bằng cặp mắt của người khác (khách quan). Tính chặt chẽ và sức thuyết phục của khoa học từ đó mà ra. Tuy nhiên, do phương pháp khoa học bao giờ cũng giới hạn đối tượng cho nên cái đúng của khoa học chỉ là đúng trong phạm vi những giới hạn ấy (ví dụ, các định lý toán học được chứng minh một cách chặt chẽ trong phạm vi của một hệ thống tiên đề không được chứng minh), bởi vậy, khoa học chỉ là những cố gắng đi gần đến chân lý bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật (Lenin 1981). Tức là, khoa học có nhược điểm là bao giờ cũng có phần sai lầm. Xuất hiện một nghịch lý: chính vì luôn chứa sai lầm cho nên khoa học phát triển rất nhanh (tư tưởng trước nên mới có tư tưởng thay thế nó).

Ngược lại, ở lối tư duy tổng hợp và biện chứng, sự chý ý bị phân tán, không có điều kiện cho việc hình thành những ngành khoa học chuyên môn sâu, nhưng bù vào đó lại là cơ sở cho việc hình thành một nền ĐẠO HỌC đó là hệ thống những tri thức thu được bằng con đường kinh nghiệm, chủ quan, cảm tính. Vì tiếp cận đối tượng một cách tổng hợp nên phải xem xét nó trong sự tồn tại tự nhiên, trong sự liên hệ tự nhiên với con người (kể cả người nghiên cứu), nên xem xét nó bằng con mắt của chính mình (chủ quan). Vì luôn đặt mình trong liên hệ với đối tượng nghiên cứu và với tự nhiên nên phải dùng trực giác, cảm tính. Vì chủ quan và cảm tính nên mỗi người tiếp nhận luôn luôn phải kiểm tra tính xác thực của kết luận bằng kinh nghiệm của chính mình. Do không được biện luận, chứng minh nên trí thức đạo học có nhược điểm là sức thuyết phục thấp, nhưng bù lại, nó bao giờ cũng được diễn dạt ngắn gọn, súc tích tính thâm thuý của đạo học từ đó mà ra. Thêm vào đó, do được hình thành một cách tự nhiên (không bị giới hạn đối tượng) và được kiểm chứng bằng kinh nghiệm của nhiều thế hệ nên tính đúng của đạo học thường khá cao. Chính vì vậy mà tư tưởng phương Đông cổ truyền hàng ngàn đời nay ít có gì thay đổi.

(Trần Ngọc Thêm Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb thành phố HCM, năm 2001, tr.41 &42).

Về mặt tổ chức Cộng đồng

Về mặt tổ chức cộng đồng, chúng ta xem xét trên hai phương diện: nguyên tắc tổ chức cộng đồng và cách tổ chức cộng đồng.

Nguyên tắc tổ chức cộng đồng

Về mặt nguyên tắc tổ chức cộng đồng, chúng ta nhận thấy vì sống ổn định lâu dài với nhau, nên lối sống trọng tĩnh làm nảy sinh nguyên tắc trọng tình, trọng văn và trọng nữ.

Tiến trình canh tác lúa nước được chia ra nhiều công đoạn. Một gia đình khó có thể thực hiện tốt đẹp được. Do đó, dân trong thôn xóm, làng xã giúp đỡ lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm, qua nếp sống đổi công / vần công, nay người mai ta; cày bừa, cấy lúa, làm cỏ, tát nước, bón phân, chống lụt, cứu cạn v.v .

Nếp sống nông nghiệp trồng lúa nước tạo điều kiện thuận lợi khiến con người thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Tình thương nảy nở tự nhiên trong gia đình đã lan ra đồng ruộng, trong xóm làng. Đó là đầu mối cho việc xây dựng nếp sống hài hòa / hòa thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu: một bồ cái lý không bằng một tí cái tình. Hài hòa với thiên nhiên (trời trong biển lặng mới yên tấm lòng). Lối sống trọng tình cảm, tất yếu dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng nữ.

Người Việt Nam chỉ độ 5% người Việt đi học chữ Nho hàng ngàn năm nay đầu óc đã quá quen với văn hóa KHỔNG MẠNH nên ngỡ rằng tổ tiên mình xem người nữ kém người nam. Đa số người Việt (95%) được nuôi dưỡng, trưởng thành trong lòng văn hóa Việt trong xã thôn tự trị từ ngày xưa cho đến ngày nay vẫn coi trọng người nữ (nội tướng, cầm chìa khóa, giáo dục con cái v.v). Trong ngôn ngữ còn giữ lại nhiều dấu vết của giá trị người nữ: con dại cái mang. Những gì quan trọng đều gọi là cái, sông cái, ngón cái, chữ cái; chữ cái trong tiếng Việt Nam cổ có nghĩa là mẹ. Và tinh thần trọng nữ ấyvẫn còn tiềm ẩn nơi những cặp chữ như: vợ chồng, thuận vợ thuận chồng, nhất vợ nhì trời v.v .

Trái lại, nguyên tắc tổ chức cộng đồng của dân Tây phương và miền Bắc Trung Quốc vì sống du cư nên lối sống trọng động làm nẩy sinh nguyên tắc trọng lý, trọng sức mạnh, trọng tài, trọng võ và kéo theo trọng nam khinh nữ. Ở Tây phương, người nữ khi lấy chồng, không còn mang họ của gia đình. Cựu ước xem phụ nữ đồng hạng với nô lệ, với gia súc và với đồ vật sở hữu của người đàn ông.

Nói đến đàn bà, KHỔNG TỬ tỏ ra khinh bỉ: Chỉ có hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán (Luận ngữ, Dương Hóa 25). Đối với đạo đức KHỔNG MẠNH thì nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô và đời sống của người nữ chỉ là cái bóng của người nam với nguyên tắc tam tòng (ở nhà theo cha, có chồng theo chồng, chồng chết theo con).

Cách thức tổ chức Cộng đồng

Lối sống trọng tình đưa đến hình thức tổ chức cộng đồng một cách linh hoạt, luôn luôn thích nghi với hoàn cảnh để sống hài hòa với mọi người: ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ở sông thì chảy, ở ao thì ngưng. Nếp sống thuận vợ thuận chồng trong gia đình và hài hòa trong xóm làng coi nhau như bát nước đầy là hơn, chín bỏ làm mười càng làm cho lối sống linh hoạt trở nên đậm nét hơn, và là cơ sở đưa đến tính hiếu hòa trong quan hệ giữa người với người trong xã hội nông nghiệp.

Qua lịch sử chúng ta nhận thấy mỗi khi nước ta thắng người Trung Hoa xong thì lại chịu triều cống để giữ hòa khí. Đó là cái nhẫn của người trí để người dân sống trong thanh bình. Nếp sống tình làng nghĩa xóm này đưa đến một lối tổ chức xã hội mà mọi người được xem là bình đẳng với nhau, ngôn ngữ ngày nay gọi là dân chủ.

Một học giả phương Tây, ông Paul Mus đã nhận xét: Làng Việt Nam là một cơ cấu kỳ diệu trong đó người ta sống bình đẳng; đó là một tổ chức cai trị tuyệt vời. Điều đó thấy từ ngày xưa nền dân chủ sơ khai nền dân chủ làng xã đã xuất hiện trước nền quân chủ. Từ sinh hoạt dân chủ đó, mỗi người coi trọng tập thể cà cộng đồng hơn.

Sự phức tạp của kỹ thuật trồng lúa nước đòi hỏi nông dân phải có một tinh thần kỷ luật tự giác và công tác cao, cũng như phải có ý thức trách nhiệm chung. Sơ xảy một chút để ruộng thiếu nước hoặc úng nước là có thể đưa đến mất mùa, đói kém.

Trong trường hợp cần chống hạn hoặc phòng lụt, dân làng phải dốc toàn lực, sát cánh đối phó ngày đêm dưới sự điều động của những người có kinh nghiệm trong làng. Ý thức cộng đồng từ đó manh nha, đặt cơ sở phát triển cho ý thức dân tộc vốn đã nhen nhúm trong sự gắn bó của nông dân với ruộng đất làng mạc. Ý thức cộng đồng và nếp sống đổi công, nay người mai ta, có đi có lại trong tinh thần công bằng là đạo người ta ở đời đã rèn luyện cho người nông dân tinh thần dân chủ . Đó là nền dân chủ làng mạc.

Như vậy có thể nói một trong những đặc trưng quan trọng của nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước là tâm lý coi trọng tập thể, cộng đồng.

Trái lại, tư duy phân tích của văn hóa trọng động gốc du mục (cách thức chăn rèn súc vật) dẫn đến cách tổ chức cộng động theo khuôn phép. Cuộc sống du cư đòi hỏi con người luôn luôn phải sống có tổ chức, phải tuân thủ kỷ luật chặt chẽ. Đó là đầu mối dẫn đến sự hình thành một nếp sống theo pháp luật với tính tổ chức cao.

Nó đưa đến nếp sống trọng lý . Để duy trì nguyên tắc, kỷ luật, văn hóa trọng động, gốc du mục đưa cách cư xử mà quyền lực tuyệt đối nằm trong tay người cai trị. Đó là đầu mối xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế khắc nghiệt ở Tây phương, thống trị bằng sức mạnh và thanh kiếm kéo dài suốt thời trung cổ và chế độ quân chủ hà khắc ở Trung Quốc thống trị bằng bạo lực cho đến ngày nay với ông vua tân thời Mao Trạch Đông tàn bạo còn hơn Tần Thuỷ Hoàng.

Tư duy phân tích, cách tổ chức cộng đồng theo nguyên tắc, dẫn đến một đặc điểm quan trọng của văn hóa Tây phương gốc du mục là tâm lý trọng cá nhân. Thời trung cổ trở về trước là coi trong cá nhân người cai trị ông vua là con trời thời dân chủ về sau coi trọng tự do cá nhân của mỗi con người.

Mỗi lối sống có cái ưu và nhược điểm riêng của nó. Không phải cứ linh hoạt, trọng tình, dân chủ là tốt; ngược lại, nguyên tắc, trọng lý , trọng võ, quân chủ là xấu. Tất cả đều tương đối, trong tốt có xấu, trong xấu có tốt; nó tuỳ thuộc vào thời gian và không gian.

Mặt khác, ngày nay trên thực tế không có nền văn hóa nào hoàn toàn trọng động (gốc du mục) hoặc hoàn toàn trọng tĩnh (gốc nông nghiệp) do sự phát triển đan cài trong giao lưu văn hóa, do sự khác biệt về các điều kiện tự nhiên và nhất là xã hội (kinh tế lịch sử).

Nhưng với cái nhìn tinh tế, người ta vẫn nhận ra dấu ấn của bản chất gốc du mục hay nông nghiệp của một nền văn hóa hiện đại. Chẳng hạn, ngày nay Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ được tính hiếu chiến với chủ nghĩa bành trướng (hội chứng Đại Hán) và óc độc tôn độc hữu, còn người Tây phương thì thể hiện tính hiếu chiến, óc độc tôn độc hữu trước đây với chiêu bài văn minh hoàn vũ ngày nay thì với chủ trương toàn cầu hóa.

Các đặc trưng vừa phân tích của hai loại văn hóa trọng tĩnh gốc nông nghiệp và văn hóa trọng động gốc du mục có thể tóm gọn như sau:


TIÊU CHÍVH TRỌNG TĨNH

(gốc nông nghiệp)

VH TRỌNG ĐỘNG

(gốc gu mục)

Đặc trưng gốcĐịa hìnhĐồng bằng (ẩm, thấp)Đồng cỏ (khô, cao)Nghề chínhTrồng trọtChăn nuôiCách sốngĐịnh cưDu cưỨng xử với môi trường tự nhiênTôn trọng, sống hòa hợp với thiên nhiênCoi thường, tham vọng chế ngự thiên nhiênLối nhận thức tư duyThiên về tổng hợp và biện chứng (trọng quan hệ); chủ quan, cảm tính và kinh nghiệmThiên về phân tích và siêu hình (trọng yếu tố); khách quan, lý tính và thực nghiệmTổ chức cộng đồngNguyên tắc tổ chức CĐTrọng tình, trọng đức, trọng văn, trọng nữTrọng sức mạnh, trọng tài, trọng võ, trọng namCách thức tổ chức CĐLinh hoạt và dân chủ, trọng cộng đồngNguyên tắc và quân chủ, trọng cá nhânỨng xử với môi trường xã hộiDung hợp trong tiếp nhận; mềm dẻo, hiếu hòa trong đối phóĐộc tôn trong tiếp nhận; cứng rắn, hiếu thắng trong đối phó

Vĩnh Như

Tủ Sách Việt Thường

www.tusachvietthuong.org

Trích trong Cuộc Xâm Lăng Không Tiếng Súng Tủ Sách Việt Thường


Quảng cáo

Share this:

Danh mục: Uncategorized
Thẻ: Gốc văn hóa
Để lại nhận xét