Tieêu chuẩn ia wa và nguyễn đình hưng là gì

Vậy là bắt đầu của dân tộc Việt không có rồng Lạc, tiên Âu gì hết. Sống ở thời đại văn minh thì hãy nhìn sự vật ở mức độ bình thường dù rằng cứ tưởng đó là tầm thường. Để khỏi sống bằng ảo tưởng, hoang tưởng, khỏi phải lừa mình, dối người, gồng xác lên gân che giấu mặc cảm tự ti lâu dài đến trở thành bản chất tập thể, khó tẩy xoá. Những con người sống trên vùng đất nay là Việt Nam, cũng như tất cả những ai khác trên đời này, cũng phải bắt đầu từ thấp lên cao, từ tối tăm ra chỗ sáng sủa, chèn lấn huỷ diệt tập thành theo với hoàn cảnh và thời cơ thúc đẩy, chuyện thật bình thường mà sao có lúc, có người tưởng chừng không thể nào hiểu nổi.

Vậy là bắt đầu trên phần đất nay là Việt Nam, hay nói rộng hơn, trên phần đất Đông Dương, Ấn-đọ-Chi-na khi chưa có các tên đó, những con người nguyên thuỷ đến, sống như họ đã lưu lạc tới, sinh ra, không cần biết rằng nhiều ngàn vạn năm sau sẽ được dò hỏi, phân loại, xếp hạng những gì là Mongoloid, Negritos, Indonesian… có lúc còn tranh cãi. Ngay cả khi mới có chữ viết để ghi chép thì dòng dõi của họ, hay của những người khác đến lấn chiếm, cũng được gọi tên tuỳ thuộc vào kẻ “có chữ” mà không có ý kiến của họ. Tiếp giáp với kẻ có chữ phương Bắc thì họ là Man / Nam Man, chi li hơn, là Lạc, là Hùng, là Việt, là Chiêm, Phù Nam… (theo lối đọc, viết “quốc ngữ” ngày nay), phần lớn với cách biểu hiện chứng tỏ có một chút gì mù mờ lúc khởi đầu mà nay đành chỉ còn là thắc mắc. Từ phía tây, muộn hơn, họ được gọi với các tên Yavana/Yuon, Kamvuja/Kambudesa, Kirita, Randaiy (Rhade?), Mada (Mạ?)… cho đến khi tiếp xúc với một tập đoàn văn minh đòi hỏi nhiều chi tiết chính xác hơn với những dò hỏi tận tình tại chỗ, dẫn đến hàng loạt tên 54 tộc người được công nhận, riêng trong nước Việt Nam ngày nay. Bởi sự mù mờ của thời tiền sử, phải nhờ vào lối tiếp cận quá khứ theo chuyên ngành, các học giả còn chia người theo nhóm ngôn ngữ austroasiatic / Nam Á, austronesian / Nam Đảo, theo tập họp đặc trưng vật chất phát hiện mà có những nền văn hoá Hoà Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, chưa kể đến những tên gọi chi li hơn theo đà phát hiện tiếp theo, hay theo với kiến thức, tâm thức người, chủ thể đặc trách, tác động đến chuyên môn đó.

Bắt đầu ngay khi có ghi chép, trên phần đất nay là Việt Nam đã có tác động của hai nền văn hoá lớn đương thời để nổi lên, với thời gian xê xích không là quan trọng của thời mù mờ trì trậm xưa, có ba trung tâm tạo hình cho ba tập đoàn càng lúc càng rõ dạng. Phía Bắc, những người Lạc/Việt dưới sự đô hộ của nhà Hán, phía Nam có sự xuất hiện của tập họp, tên được gọi là Phù Nam theo nhân chứng Hán nhưng lại mang nguồn gốc phát xuất phối hợp của địa phương và lưu dân từ bán đảo Ấn. Ở giữa, một bộ phận dân bản xứ chịu quyền đô hộ của người Hán nhưng sinh hoạt lại mang nặng sự riêng biệt tại chỗ, hải đảo như chứng tỏ ở văn hoá khảo cổ Sa Huỳnh, ở tên những người nổi dậy: Khu Liên (Riên) ghi bằng Hán ngữ mà còn giữ âm vang kurung (thủ lãnh) của ngôn ngữ Nam Á. Nhân dịp người chủ quản suy yếu họ đã nổi dậy, tách ra (137, 190) thành lập bộ phận riêng được gọi là Lâm Ấp. May mắn đã đến với thành phần cuối đường thuộc địa này bởi vì như sẽ thấy, một bộ phận dân của “vua Đen” phía bắc, trên vùng Nghệ Tĩnh ngày nay, đã trỗi dậy mà không thành công (722). Cái thế bị chèn lấn, ảnh hưởng của phần đất giữa này của hai cực Hoa Ấn sẽ xuất hiện càng rõ rệt hơn với thời đại lịch sử về sau.

Từ khi có những nghiên cứu của người phương Tây về vùng đất nằm giữa hai khối Ấn Độ, Trung Hoa, các chữ Ấn hoá, Hoa hoá đã gây những cuộc tranh luận học thuật để rồi dần dần có sự công nhận vai trò của các dân tộc bản xứ Đông Nam Á trong sự lập thành quốc gia, văn minh của họ, nhất là khi họ giành lại được quyền độc lập, thoát khỏi sự cai trị của các quốc gia chủ thể những học giả kia. Tuy nhiên không thể vì đó mà quên được ảnh hưởng của hai nền văn minh Ấn Hoa trên vùng lục địa hải đảo này. Tự ái của tập thể, sự ương ngạnh của người cầm quyền một thời đại không thể là yếu tố xoá bỏ được những gì đã xảy ra.

Vậy thì ngoài sự xa cách khởi đầu, vùng đất được Chu Ứng, Khang Thái đến vào khoảng năm 250 đó đã nhiều phần liên hệ với biển, với phía tây nên ảnh hưởng Ấn Độ được rõ nét với các phong tục ghi lại hay trên các kiến trúc thờ tự, di vật của văn hoá Óc Eo (tên của địa điểm thuộc tỉnh An Giang ngày nay). Lâm Ấp từ chối mà mang ảnh hưởng Hán, vì phải chống đối nó cho sự tồn tại của mình nên rõ ràng dễ tiếp nhận ảnh hưởng Ấn Độ theo với vị trí gần cận, hay với phong trào thương mại biển mà địa thế nhô ra trên biển Đông / Giao Hải đã dành sẵn cho nó. Cuộc sống như thế hẳn là nhộn nhịp nhưng không được hiểu biết nhiều, bởi nó đã tách rời khu vực thuộc địa Giao Chỉ có truyền thống ghi chép của quyền lực Hán, cái ưu thế mà phần đất rủi ro còn lại sẽ được may mắn nhận lãnh.

Trước khi nhà Hán chiếm lĩnh phần đất này thì Triệu Đà, viên tướng li khai của đế quốc Tần, đã cho thấy bằng chứng về các nhóm dân bản xứ mang tên Lạc, Việt, Âu với ảnh hưởng quan niệm Hán về người chủ tể: “Có kẻ ở trần mà cũng xưng Vương”. Vì thế đã có tên một nước Việt chen vào lịch sử tranh chấp quyền bính của tộc Hoa Hạ từ thế kỉ V tCn., cái tên “việt” còn lưu lại với hai lối viết chữ Hán nhưng cũng là dấu ấn lịch sử để Triệu Đà vin lấy, mở nước cho mình, tạo dựng một quá khứ có oai danh khác cho các tập họp dựng nước về sau bắt chước theo, trong đó có những kẻ kế tục quyền bính từ chính những người sinh sống ở trung châu sông Hồng (tên mới ngày nay) thuộc Giao Chỉ Bộ của nhà Hán.

Một ngàn năm Bắc thuộc (nói tròn) đã khuôn nắn những con người ở đây theo thời gian để tạo dựng một xã hội khác hẳn lúc đầu. Đầu tiên là những Lạc hầu, Lạc tướng, chủ nhân các trống đồng mang hình ảnh khắc vạch (khác với nhóm Điền Việt có trống đính khối tượng) đã chịu nhập vào người chủ Hán một khi tránh được sự huỷ diệt hay lưu đày. Không thể biết gì về biến động dân cư bản thổ, hay gần cận, trong vùng nhưng hẳn là vẫn có như từng được ghi nhận cho đến gần đây. Thấy chứng cớ nhiều nhất, bởi vì có sự đồng dạng tộc hệ, là sự nhập cư của những người từ phía Bắc thuộc liên hệ chính trị, văn hoá, chủng tộc với người cai trị. Tất nhiên họ giữ được sự trên trước đối với dân bản thổ nhưng không tránh khỏi khuynh hướng địa phương hoá, như có thể thấy trên cấp cao nhất với cảnh Triệu Đà ngồi chồm hổm, với mả Triệu Văn Vương có tường vách mang dấu hiệu khắc vạch như trên trống Đông Sơn. Con cháu họ thay đổi theo với chừng mực nghiêng về gốc gác cũ nếu chính quyền còn vững, hay mau chóng tìm cách hoà nhập với nơi ở mới khi chính quyền suy yếu, đến có thể tự xưng là dân bản thổ khi thuộc địa tan biến. Dân bản thổ lúc đầu, hay người nhập cư từ vùng lân cận, qua thời gian cũng phải thay đổi, chịu đựng theo tổ chức của người cầm quyền đến từ một trung ương xa lơ xa lắc nào đó, đang hiện diện ở hai trung tâm trên vùng đồng bằng với tên “quận”: Giao Chỉ, Cửu Chân (sau thêm Nhật Nam). Nhưng dù bị cưỡng ép hay chịu tuân phục, những người cầm đầu các tộc nhóm địa phương cũng theo kịp sinh hoạt được dắt dẫn để chen chân vào các cấp bực cai trị, từ thấp lần mò lên cao, có khi gần đến tột đỉnh để gây tham vọng tranh quyền, hay ít ra cũng thay thế được địa vị của những người cai trị cũ phải ra đi.

Người Hán (gọi chung cho tập thể phương Bắc) cũng đem đến cho thuộc địa phương Nam hình thức tổ chức chính trị, xã hội theo cách họ được đào luyện và hoàn thiện qua thời gian với các triều đại. Tính chất cai trị chặt chịa bằng đàn áp và sinh hoạt thu hút đã khiến cho các thủ phủ, quận/huyện lị trở thành đỉnh cao của văn minh trong vùng, làm điểm ngưỡng vọng để cho kẻ nào nắm quyền ở đó đương nhiên được hưởng sự quy tụ, thần phục, trước khi bị thực tế quyền lực của kẻ ở vùng khác tước đoạt. Từ rất sớm, thuộc địa phương Nam của người Hán có hai, rồi ba quận nhưng quận Giao Chỉ / châu Giao trên vùng đồng bằng rộng lớn, trù phú trở thành quạn/châu trung tâm, ở đó lị sở từ địa điểm Liên Lâu / Luy Lâu, Long Uyên / Long Biên trên sông nhỏ tiến dần ra sông lớn với tên Tống Bình, La Thành, Đại La trở thành thủ phủ của chung thuộc địa An Nam Đô Hộ vào lúc cuối giai đoạn chiếm đóng. Cho nên từ khi trung ương Nam Triều của người Hán không đủ sức bao quát thuộc địa thì thấy có các hào trưởng, thủ lãnh địa phương tranh chiếm địa điểm Đại La để làm Tiết độ sứ (danh xưng quyền lực trung ương đương thời) trước khi bị người khác đuổi đi: họ Khúc và Nam Hán, rồi họ Dương, họ Kiểu, họ Ngô, né tránh với Đinh, Lê nơi hang hốc Hoa Lư trước khi trở về với họ Lí vững bền mà thành Thăng Long, Đông Kinh / Tonkin…

Quyền lực tập trung dẫn đến nhu cầu tiếp xúc rộng lớn khiến phát sinh một thứ ngôn ngữ chung ngoài ý định của người cầm quyền, bởi vì họ đã có chữ Hán – một thứ văn tự chung để nhà cầm quyền dùng làm phương tiện kết hợp cai trị thật thuận tiện trên một vùng đất quá lớn, bao gồm nhiều dân tộc, nhiều tiếng nói khác nhau. Nhà ngữ học ngày nay cố tìm nguồn gốc tiếng Việt, nhận định trên sự liên quan của các tập đoàn hiện tại mà cho rằng có thể là từ những nhóm người vùng (đại khái) Quảng Bình, Thanh Nghệ, Thượng Lào “do sự hấp dẫn của nền văn minh lúa nước”, đi vào trung châu sông Hồng, phối hợp với dân tại chỗ mà hình thành tiếng nói chung. Song không những không thể tìm ra dấu vết dòng di cư đó mà cũng khó hiểu tại sao những người sống trên vùng heo hút, rõ ràng được công nhận là lạc hậu kia, lại có thể mang ảnh hưởng vào tiếng nói của vùng văn minh sang cả được. Có vẻ cái nhóm ngôn ngữ proto Việt Chứt có 2 500 năm tuổi đó, cũng chỉ là một hệ thống khoa học của nhà ngữ học thấy ra, khi làm việc định hình tiếng nói của các dân tộc cùng mang một khung ngữ pháp vào thời gian xác định kia. Bởi vì dấu vết tiêu cực là báo cáo của Tiết Tổng (231) về việc không có tiếng nói chung ở Giao Chỉ, dấu vết tích cực là bằng chứng của Trương Tịch (thế kỉ VIII) gặp “Nhật Nam tăng” cuối đường thuộc địa, nói “Man ngữ”, không có vẻ là của một khu vực hạn hẹp trên phủ Đô hộ An Nam của đế quốc Đường đương thời. Ta cũng biết Lê Hoàn dùng song ngữ, nghĩa là có tiếng nói riêng với dân chúng, quần thần: “Man ngữ” vùng kinh đô Hoa Lư Ninh Bình, có thể là chung với dân đất Thanh Hoá phía nam, trung châu phía bắc, các nơi nương tựa và tổ quán của ông. Ông giao tiếp với sứ thần bằng Hoa ngữ, chắc là quan thoại vùng Ngô Việt. Tiếng Việt hẳn phải phát xuất ngay tại vùng thuộc địa theo nhu cầu tiếp xúc chung như ta đã nói, không cần phải từ đâu đến. Nó sẽ còn giữ lại một số từ gốc của các tập đoàn xưa cũ rồi được làm giàu thêm với tiếng Hán Việt của các nho sĩ chuyển qua như ta còn thấy các nho sĩ cuối mùa nho học, đầu thế kỉ XX còn sử dụng cho tầng lớp mình: “Vọng chi bất tợ”/ ngó sao chẳng giống (ai / cái gì hết!), khi nhân sĩ Quảng Nam chê lén cái đầu không búi tóc của Thành Thái. Lại cũng thường xuyên thấy trong các bản tuồng hát bội của thế kỉ XIX, các bản văn tế đình, lời phù thuỷ, trong các bài hát nói được Huình Tịnh Của sưu tầm. Lối nói này có lẽ đã được sử dụng ngay từ khởi đầu mà chứng cớ của thế kỉ XII là ở lời phẩm bình chính trị: “Ngô Phụ quốc thị lồn, Lê Đô quan thị cứt” được sử gia ghi lại, dễ thấy là xác thực vì không xa thực tế biến động, cũng như tâm tình bức xúc tự nhiên. Lối nói có người cho là ba rọi ấy còn thấy xuất hiện gần cùng một cấu trúc, trong lời nhà nho ngạc nhiên thấy cái đầu không búi tóc của Phan Châu Trinh: “Cửu bất kiến quân, quân dĩ trọc”. Từ khởi đầu có một tiếng nói riêng, nền độc lập đem lại sự phát triển tiếp tục khiến loại man ngữ kia trở thành chủ thể trong vùng, đi theo với tập đoàn quyền lực ngự trị ở đây mà lan xa về phía nam.

Tuy nhà cầm quyền nào cũng muốn quyền uy của mình được lan đến mọi hang cùng ngõ hẻm nhưng chuyện đời vẫn là lực bất tòng tâm. Chính quyền thuộc địa Giao Chỉ từng khoe khoang vai trò vương hoá của các thái thú Tích Quang, Nhâm Diên vào đầu Công nguyên nhưng lại cũng Tiết Tổng cho biết ảnh hưởng Hán chỉ ở quanh các lị sở, không thâm nhập được các vùng xa. Ngay như vấn đề giá thú dẫn đến quan niệm tông phả mà người Hán hãnh diện thì vùng Mê Linh của Giao Châu, Đô Lung của Ái Châu vẫn còn tục levirat, phong tục dây dưa mãi đến thời VN DCCH, còn thấy rơi rớt trong việc đặt tên họ cho gái, trai khác nhau, làm rối rắm vấn đề hộ tịch trong vùng (Nguyễn Duy Hinh 2005). Quyền lực “trung ương” không lan khắp cũng chứng tỏ có những thành phần thủ lãnh địa phương độc lập, hay chỉ chịu sự ràng buộc lỏng lẻo / “ki mi” cho nên khi các lãnh tụ địa phương lên nắm quyền, họ phải liên kết với nhau bằng sự kết tập liên minh mà hình thức thông thường vẫn là các cuộc thông hôn giữa những tộc đoàn, có khi mang dấu vết riêng biệt chủng tộc, được gọi là “quốc”, không thấy chênh lệch địa vị. Người cầm quyền các nhóm địa phương vẫn xuất hiện qua nhiều thế kỉ, trong TT, dưới danh vị “thủ lãnh”, rõ rệt từ thời Lí với các tranh chấp biên giới phía bắc, kéo dài đến thời các tập đoàn phụ giúp nhóm Lê Lam Sơn quản lí vùng trung châu.

Cho nên không lấy làm lạ về tình hình đã xảy ra với bộ phận tách rời thuộc địa trước. Trong tiến trình thành lập nước Champa, dấu vết riêng biệt “vùng” xuất hiện lâu dài với hai nhóm Cau, Dừa nam và bắc. Thực tế địa hình chia cắt cũng cho thấy, trong lúc một thế lực vùng nổi bật vào thời kì mang danh “vua của các vua Champa” thì vẫn còn những tập nhóm địa phương chen vào tranh chấp, đi tìm viện trợ từ nước ngoài (Cambodge, Đại Việt) hay tôn giáo khác (Hồi). Từ những khác biệt có bằng cớ cũ, gần đây với ảnh hưởng của các trí thức Chàm xuất hiện qua các biến cố 1954-75, người ta lại nhấn mạnh đến một nước Chàm liên kết đậm nét với những tộc đoàn Tây Nguyên. Tuy nhiên nếu vin vào các ông vua Chàm, con các bà hoàng người Bru, Koho… hay với sự hiện diện các tháp trên Tây Nguyên, nếu dựa vào bằng cớ của thế kỉ XX về những người (Mọi) Hạ trên vùng biển Khánh Hoà, thì tình hình chắc cũng giống như Đại Cồ Việt có hai ông vua gốc Chàm để cho người nay có thể gán thêm một tên Campapura cho Hoa Lư. Hay cũng giống như có ai nhắc đến tập nhóm Chàm tù binh đông đảo phức tạp trên đất Đại Việt quanh Thăng Long, tồn tại riêng biệt sinh động đến hơn ba thế kỉ, quấy đảo triều đình chủ nô, xây tháp Trung Hoa mà mang hồn Ấn Độ, luồn lọt dáng hình Siva vào lời xưng tụng ông hoàng Trần Ích Tắc tranh chấp ngôi vua chông chênh của nhà Trần vừa tạo dựng.

Tình hình chung mang tính cốt lỏi, là bộ phận dân (các) nước Champa dưới đồng bằng đông đảo có đặc tính chủng tộc, nhất là tiếng nói riêng biệt, có sinh hoạt tiếp xúc với bên ngoài trên trường giao thương quốc tế, tạo dựng được một hệ thống chính trị, văn hoá có bằng chứng vật chất, để lại dấu ấn qua thời gian. Thành quả đó dựa vào nền tảng ý thức Ấn Độ, mang đậm tính tôn giáo nên sinh hoạt quy tụ quanh các đền tháp được xây cất theo tin tưởng đó, tạo ra ý niệm lãnh vực đất đai là của các thần bảo trợ, do đó không mang tính cách lãnh địa liên kết bao trùm. Champa, cũng như Cambodge đồng dạng kế tục Phù Nam, không hề có một bản đồ cho đất nước mình. Đất đai nghèo cực, sinh hoạt biển bất thường, kể cả việc cướp biển, cũng là một thế yếu khác trước bộ phận đồng dạng xa xưa thoát khỏi quyền lực chủ cũ mà đậm tính chất chủ, lấy cái ưu thế đó mà tràn lấn, bành trướng… Các vùng mang ảnh hưởng Ấn với tính chất thần thuyết tôn giáo đè nặng, tuy thất thế về mặt chính trị nhưng lại có những xây cất bền vững, lưu dấu vết nhiều hơn so với của những người chiến thắng họ: những tháp Chàm ở Mĩ Sơn, dọc Miền Trung, chưa kể các di tích khuất lấp trên vùng đất phía Nam (Óc Eo), trên cao nguyên (Cát Tiên)…

Sự tranh chiến giữa hai phần thuộc địa của phương Bắc nay đã trở thành độc lập vẫn có dáng dấp cũ, không là điều phải lấy làm lạ. Phần phía bắc mang danh xưng, niên hiệu của thủ lãnh lấy từ các “trung ương” cũ, cả tên nước cho riêng mình hay mang tính quốc tế (Đại [Cồ] Việt, An Nam) cũng không thoát nền nếp đó. Ngô Quyền hẳn lấy quân lính, binh thuyền đánh thắng Nam Hán là từ lực lượng có sẵn của Đại La. Các cuộc tấn công xuôi nam của Lê, Lí vẫn mang tính cách của các thứ sử Đàn Hoà Chi (436), Lưu Phương (605)… với cái khác là ngoài việc cung cấp nhân vật, tài lực cấp thời cho Hoa Lư, Thăng Long lại còn phát sinh các phó sản không toan tính trước từ một tập họp dị chủng phức tạp đem lại ảnh hưởng sâu xa, lâu dài trên phần đất của kẻ thắng trận. Tuy nhiên chiến tranh khu vực giữa những thành phần không chênh lệch nhiều về lực lượng cũng nảy sinh các vấn đề riêng tiếp theo. Giới hạn khả năng điều hành khu vực khiến không có những trận đánh quyết định chiếm đất mà chỉ có các thành quả cướp bóc từng thời điểm, từng giai đoạn như Lí được nhường hai châu Ô, Lí mà không giữ được. Cách trở địa hình khiến cho kẻ thực hiện sự lấn lướt mang tính khai thác chiếm đóng là một người có gốc xa hơn Thăng Long về phía Nam: Hồ Quý Li. Và cũng để vượt qua cách trở địa hình, các trận chiến phải phụ thuộc vào mùa gió trước khi yếu tố này được nâng lên tầm mức chiến lược với một lực lượng thuỷ quân khác, cao cấp hơn ở thế kỉ XVIII. Tuy nhiên từ sự hiểu biết về địa lí các vùng tận biên giới Chiêm Miên của họ Hồ mà ta đoán rằng họ này đã có dịp tiếp xúc với các tập đoàn Hồi Giáo để mua sắm trang bị các “hoả pháo” cho quân đội mình khiến cho Hồ Nguyên Trừng thoát nạn và làm quan triều Minh.

Thắng bại ngã ngũ với vương triều Lê mới của nước Việt, từ căn bản lực lượng hùng mạnh của tập đoàn Mường Thái Thanh Hoá, kết hợp các thủ lãnh thiểu số đi xuống trung châu, đánh thắng quân Minh đô hộ khắc nghiệt mà chưa đủ thời gian để vững chân. Khuất lấp dưới ngọn bút của sử quan triều đại vẫn cho thấy có một cuộc di chuyển lớn lao của các tộc đoàn rừng núi tràn ngập dưới đồng bằng. Lại cũng như tình hình hậu thuộc địa trước xa, sự quản trị đất nước Việt lần này cũng phải nhờ đến khuôn thức tổ chức của kẻ xâm lược phương Bắc. Lê Thánh Tông mượn thể thức của nhà Minh ít nhiều gì cũng để lại khi phải ra đi, áp dụng để xoa dịu đám văn quan trung châu bất mãn, đè ép đám binh tướng vùng cao trong chiến thắng, tuy đã bớt kiêu căng qua tranh chấp nội bộ nhưng vẫn còn thế lực tiềm tàng với các thực tế chức vụ quản lĩnh, thủ lĩnh đặt để nhằm đền đáp công lao liên minh. Tổ chức đem lại ổn định, dân số tăng gia rõ rệt đủ cho Thánh Tông “bắt lính” đánh thắng quân dưới quyền Trà Toàn “giống nòi rất đông… như ổ kiến” trên đất Chà Bàn, có chiến luỹ Cổ Lũy bị miệt thị là “hang cầy cáo”.

Ý thức quốc gia, dân tộc lớn của Đại Việt mang tính độc tôn trong vùng, rõ rệt từ thế kỉ XV với Hoàng triều Quan chế của Lê Thánh Tông, át hẳn quan niệm tông tộc khu vực của Lí, Trần. Tính chất Hoàng đế điền chủ của Lí mang tính chủ thể một liên minh mà mình là đơn vị lớn, thấy rõ ngay trong chiến tranh với Tống có cả già trẻ lớn bé đi theo đánh trận (để chia chiến lợi phẩm). Tuy nhiên quyền lực dàn trải trên 200 năm cũng khiến người dưới ý thức về một vùng riêng biệt, khi bị đe doạ mất chủ quyền, lộ ra trong than thở của Lê Văn Hưu, nơi lời khẳng khái của Trần (Lê) Bình Trọng. Ý thức đó không có trong tập đoàn sông nước Trần (xem Hịch tướng sĩ, thái độ Trần Ích Tắc). Cho đến khi chiếm được đất Lí, bỏ thuyền lên điện 20 năm sau, Trần Thái Tông mới nhận ra để buộc dân gọi vua là “quốc gia”.

Ý thức quốc gia lớn của Lê tạo được một sự hoà hợp, cưỡng bách đám dân chúng phức tạp dưới quyền thành một khối bắt đầu mang dạng đồng nhất cao cấp, chịu ràng buộc bởi các luật lệ mang tính phổ cập chứ không phải chỉ là sự tương nhượng, ép buộc qua những cọ xát tập nhóm. Các khác biệt tập nhóm mang tính chủng tộc từng lúc phải mất đi với sự phối hợp Miền Trên (Lí và phụ thuộc) Miền Dưới (Trần và liên minh sông nước) trong chiến đấu chống Nguyên Mông. Cuối Trần thêm có lệnh cấm nói tiếng Chiêm, Lào hẳn khiến làm biến mất các tập nhóm tù binh Chàm xưa còn lại, và các con cháu những dòng Thái: Trịnh Quốc, Ngưu Hống, riêng biệt với Cử Long đi sâu dưới đồng bằng Thanh Nghệ. Ngược lại, quyết định cũng khiến các tập họp bên lề trung châu như nhóm Mường Thái Thanh Hoá, dễ chen vào biến động toàn vùng. Ngôn ngữ Việt trở thành chủ thể khiến con cháu Lê nói tiếng Việt ở Thăng Long trở về tế lễ ở Lam Kinh, phải khấn tiếng Thái ông bà mới hiểu. Ông chúa Thái xuống đồng đã buộc thần dân bỏ vết tích cũ, rút gọn tên đa âm thành nhị âm là nhiều nhất, như thói quen mới của ông và con cháu ông. Cho nên có thể nói người dân Đại Việt là “dân nói tiếng Việt” (K.W. Taylor), và điều này trở thành điểm thống nhất xuyên suốt trong tiến trình lịch sử tiếp nối. Tổ chức của Lê Thánh Tông theo Minh đến độ giết cả cận thần từ hồi luân lạc, chìm lấp, đã đem lại sự cố kết từ trên với một ông “quốc tổ” – của vua, rồi sẽ được hiểu là của nước, đến cơ sở hành chính cấp căn bản là làng xã, mang biểu tượng chung là cái đình làng với ông thần phù hộ vừa vặn với tập thể nhỏ dân chúng nói tiếng Việt nơi ấy. Cái tế bào xã hội mang vừa đủ dạng thế tục, thần thánh ấy thật gọn nhẹ để di chuyển, rồi sẽ tồn tại trên đất lạ mà không phải mất nhiều bản sắc.

Nhưng cũng bởi sự tranh chiến kéo dằng dai qua nhiều thế kỉ trên những vùng đất dài nên có thể nói có những tập nhóm dân Việt, chông chênh giữa các thế lực Thăng Long và Vijaya, phải sống theo thực tế quyền lực trút đổ lên đầu mình, nghĩa là cũng trải qua trong một đời, hay nhiều thế hệ phải chuyển đổi qua lại tiếng nói, phong tục mà sống. Họ thành những nhóm địa phương mang dạng thế lực vùng, khuất lấp trong sử mà người tinh ý vẫn có thể nhận ra qua các dòng chữ tránh né hay ghi chép hời hợt. Dân xứ Nghệ từng bị sử quan chê là phản phúc, dân Tân Bình, Thuận Hoá bị tố cáo là huà theo quân Chế Bồng Nga, còn lớp người được Hồ Quý Li đẩy vào xa trong cuộc lấn chiếm có tổ chức cuối thế kỉ XIV, lại phải “chụm chân mà kêu than”, chịu “khốn khó” dưới các lệnh khắc nghiệt của Trà Toàn. Với kết quả cuối cùng, những con cháu tù binh Chàm trên đất Bắc có thể đã đem thể thức vần điệu lục bát của họ chuyển nhuần nhuyễn sang tiếng Việt, bởi vì không thể thấy dạng hình văn thể này từ gốc Hán tuy có người đã gắng gượng moi vài câu kinh Dịch ra làm chứng. Lục bát của văn thần Đàng Trong, với tiếp xúc ngắn ngủi hơn nên vụng về hơn của danh thần Lê Trịnh cũng là một minh chứng khác. Các chùa Bà Đanh / Bà Banh chuyển dạng thành những tên Bà Già, Bà Ả, Thiên Phúc, có những họ Trà, họ Chế, họ Ma… trên các tỉnh Miền Trung, được quan chức Pháp thấy cả ở Nghệ An nhưng không ai nghĩ đến các “dân Trời” của Lê Thánh Tông có lúc phải bỏ cúng tế ông bà, thành hoàng để theo chân các đoàn người lên tháp hành lễ Katê, múa bóng! Nói gì ngay đến những dấu vết Chiêm Thành trên đất Lí Lê mà tính chất Khổng Nho đã che lấp những ảnh hưởng của tầng lớp tù binh trên hai trăm năm ở đó, những dấu vết chỉ được hé lộ chút ít với thời đại văn minh mà vẫn còn phải chật vật tỏ bày. Bởi vì không ai chỉ rõ có bao nhiêu phong tục, sinh hoạt mà dân miền núi, thiểu số đã đem xuống đồng bằng, cải biến sinh hoạt nơi đây trước khi theo dòng tiến triển chung của thời gian? Họ Phan Huy đầy danh vọng với khoa cử, quan chức khi còn là Phan Văn đã lộ ra dấu vết thầy mo lãnh đạo của một tập họp thiểu số “phiên” trên vùng Hải Tây Đạo của triều đình Thăng Long. Tục séc-pùa mang đầy tính chất ma thuật nơi cỗi gốc đã theo chân họ Nguyễn quang vinh đến tận phía nam đất nước, mang dạng “tân tiến” hơn mà vẫn còn níu kéo quá khứ phù thuỷ trong tục sắc-bùa Đạo giáo.

Và như đã thấy, khả năng quản lĩnh đất nước yếu kém đã phát sinh hai kinh: Đông và Tây Đô cuối thế kỉ XIV thì với sự bành trướng về nam của Đại Việt tất yếu cũng dẫn đến sự phân chia Đàng Ngoài, Đàng Trong. Thế là người-nói-tiếng-Việt lại có thêm nhân số. Họ Nguyễn mang một trung tâm Việt vào Nam đã đem lại cho Việt Nam về sau một nửa lãnh địa chỉ trong vòng hai trăm năm. Vương quốc Chàm lay lắt không cản trở được một tập nhóm từ khởi đầu chỉ là đi tìm đất sống, đến chỗ giành được quyền lực tranh bá đồ vương khiến cả tập họp Khmer, dân thiểu số trên vùng Cửu Long, Đồng Nai cũng bị đe doạ. Trong khi đế quyền Angkor khai thác vùng Biển Hồ tương đối bình lặng nên không đủ khả năng xoay chuyển trên lưu vực Cửu Long còn dữ dội khiến tập nhóm Khmer nơi này chỉ dồn tụ trên các giồng đất sông biển thì lưu dân Việt có lưu vực Đồng Nai nhỏ hơn, vừa vặn cho những kinh nghiệm đối phó với thiên nhiên dữ dội trên các vùng Thuận Quảng, để rồi từ đó bung rộng ra. Tàn binh Minh, thường dân Thanh tuông chạy dưới biến loạn trên đất nước họ, thường cố tạo cho mình một lí tưởng để giữ gìn riêng biệt nơi đất mới nhưng gặp họ Nguyễn đang lấn lướt nơi đây, đang tự coi mình là chủ dân “Hán” chính cống, nên đành phải chịu làm một loại dân Hán khác: “Đường nhân”, thần dân của các ông chúa đất mới này. Thay thế chính quyền Chiêm tiếp nhận vùng đất có ưu thế thương mãi, chúa Nguyễn mời gọi thương nhân Hoa, Nhật thành lập Hội An, có cửa Cách Thử thay thế Chiêm Thành Cảng để các giáo sĩ đến học tiếng Việt ở Nước Mặn (Bình Định), Thanh Chiêm (Quảng Nam) dạy cho ông Alex. de Rhodes tập thành tự điển “quốc ngữ”. Dấu hiệu thiên trọng thuỷ quân ở các đơn vị chiến đấu được gọi là “thuyền” nên họ có thể tiến ra biển lớn, thăm dò khai thác các Bãi Cát Vàng / Hoàng Sa.

Trong lúc các ông Ốc nha / Okya thay mặt vua Miên ở Phnom Penh, quản lĩnh một vùng dân bản xứ theo lối cống nạp, không thể hiểu tại sao phải trưng tuyển dân binh có hạn kì, sao phải đo đạc đất ruộng phân minh thì đám dân lang bạt từ phương Bắc kia cung cấp cho họ Nguyễn hơn cả sự mong ước, không chỉ là sự điều hành ruộng đất, cửa biển tàu bè mà cả kiến thức đương thời của Trung Hoa, những kiến thức mang tính thực dụng, hiện đại không có trên đất Đông Kinh. Họ chịu làm tướng cực nhọc cầm quân, đi thi làm quan cho chúa, buôn bán, khai phá đất đai, lấy người đồng hương cũ mới, lấy cùng chủng tộc, lấy Miên / Phiên dân, lấy “Mọi” / Man dân không nề hà, rốt cục lại cũng phát sinh một lớp người Việt mới, góp phần khai thác một vùng tuy còn chừa tiềm năng cho người Pháp đến sau nhưng cũng đủ sung túc, giàu có làm đất phát nghiệp trung hưng cho họ chúa Phú Xuân lên ngôi, ngự trị trên một đất nước chưa từng lúc nào lớn hơn.

Thế nhưng cũng với thực tế tràn lấn chiếm lĩnh của các thế lực trên cao đó mà phát sinh những tồn tại khác, khuất lấp hơn, thường hay bị né tránh. Sự hạn chế của một quyền lực trung ương vững vàng theo với khả năng tổ chức diện địa, có thêm phần nguyên cớ ý thức hệ vay mượn để tổ chức lãnh thổ, khiến có những xung đột mang tính khu vực, lẫn lộn chủng loại, tuỳ thời điểm, yếu tố nào thiên lệch vào lúc phát xuất. Đã thấy hình thức liên minh biển với gia tộc mở rộng ở Bình Than, liên minh đồng biển ở Diên Hồng. Thấy ông vua Trần ngồi đánh bạc với các nhà giàu có thể đoán là con cháu triều trước (Đình Bảng, Lí), là gốc tù binh nắm giữ ruộng đất mà thoát địa vị đó nhờ chủ cũ thất thế (dân Quốc Oai). Sự xung đột hai vùng Kinh, Trại dẫn đến hai kinh đô Đông, Tây chia bớt danh vọng Thăng Long, kéo dài ra với Kiêu binh thời Trung hưng, ít nhiều gì cũng còn lưu dấu vết phân rẽ chủng tộc khởi đầu nơi tính khu vực Đông/Tây Việt trong tranh chấp Mạc, Lê Trịnh. Bên trong khu vực lớn, ông Quốc tổ của vua còn bị ông thần gần bên tranh cướp bè gỗ đưa về xây đền Hùng của ông. Trên thừa tuyên thứ 13 Thuận Quảng, các hào tộc không kiêng nể quan chức của triều đình, tổ chức tấn công các thế lực thù địch được phái đến, như với Nguyễn Hoàng lúc khởi đầu. Lịch sử Đàng Trong cũng là tiến trình bào mòn các xung đột tập nhóm cũ, mới trong vùng. Đất nước thống nhất tạo dựng một trung tâm phân phát quyền lực có tác động lan toả đồng tâm, vẫn phát sinh lời nhận định phê phán mỉa mai: “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết”. Gia Long làm chủ nước mà phải phân trần với người dưới về sự không phân biệt Nam, Bắc. Sự phân biệt lắng đọng, sẽ chuyển qua tay chủ nhân một nền văn minh khác rồi “trở về với dân tộc” ngày nay, trở về với đầu mối kinh đô xưa, tranh giành quyền sở hữu tên nước (Việt Nam) mới – cho là có từ thế kỉ XIV, cho thấy dai dẳng một nỗi hậm hực “mất Thăng Long” đã gây ra sự căm thù nhà Nguyễn, làm nền tảng chính nghĩa cho sự thống nhất đất nước trong thế kỉ XX, với những lễ hội tốn kém để chứng minh cho sự hiện diện trường tồn qua thời gian.

Sự thu nhận ý thức hệ Nho Giáo cho tổ chức cai trị đất nước cũng mang lại hình thức chia cách khác. Văn chương phát xuất từ tầng lớp nho sĩ đầy tính chất ca tụng viễn mơ về danh vọng của tầng lớp mình, gợi sự ước muốn thành đạt từ những người đứng ngoài, những kẻ háo hức ngày nay nhưng lại không cho thấy những sự thật không mấy vui về con đường gian khổ trước mắt những người đồng thời. Họ chỉ là những “tay biên chép ở nhà trong” quản lí ruộng đất, trông coi kho thóc, kho lụa cho ông hoàng đế điền chủ Lí. Họ có thể là con cháu những hào tộc độc lập nhưng về với chúa lớn thì chỉ là “người trong nhà” / “thằng bé biên chép” của vương hầu Trần, có làm quan thì nếu không lấy của nhà ra phục vụ để đổi chức tước (Phạm Ngũ Lão), cũng chỉ lãnh một ít lương nhà nước (Đinh Củng Viên), không bằng một anh bị thiến không biết chữ (Hán) nhưng được trông coi cơ ngơi Thiên Trường của chủ (Lê Tông Giáo). Khả năng “biết chữ” cũng là hãnh diện cho nho sĩ quan chức, khiến cho họ hay “nói chữ”, vung vẩy văn chương hoa hoè, biện biệt lí thuyết cao vời thật nhiều mà phần phát hiện cụ thể, sáng tạo thì rất ít. Sự nghiệp Lê Quý Đôn cũng có phần rất lớn là từ việc gom thẻ, chép lời người xưa, chắc có ảnh hưởng không nhỏ đến tận lớp hậu sinh ngày nay. Thế mà từ ưu thế trí thức, quyền chức có giới hạn ấy, nhà nho vẫn tự đặt họ ở địa vị cách biệt với dân chúng bên dưới nặng nề sinh hoạt bản xứ (mẫu hệ lan đến tầng lớp cầm quyền, “dâm từ” là phổ biến…), nên tạo ra trong xã hội sự kiêu ngạo một phía và sự ganh ghét chối bỏ phía kia. Sử ghi lại (1305) trường hợp Trần Cụ có mối hận với làng Cửu Liên, hẳn là làng gốc, vì thấy ông vẫn phải đi về dù đã thề không chạm đất làng! Ông Trần Quốc Vượng (Dạm dài đất nước 2006) có nhiều bằng chứng khác, của thời hưng thịnh văn học về sau. Sự xung đột đó làm nổi bật tính chất kiêu ngạo không phải chỉ cá nhân mà là của tập thể văn thân, nho sĩ lấy từ niềm kiêu hãnh vương hoá, kì thị Di Man nơi cỗi gốc, đem ra áp dụng trong nước mà vẫn không thể cải đổi được thân phận của tầng lớp mình.

Tình trạng trí thức và người cầm quyền không phát sinh từ một gốc đã hiện diện trong suốt lịch sử Đại Việt. “Trí thức” bị chủ đè nén không vươn lên được mà lại kiêu ngạo với dân đen, lằng nhằng không lớn không nhỏ nên không có dịp bày tỏ ý thức sáng tạo nào, đành chịu bằng lòng sống với tình trạng làng nhàng của xứ sở, tự bản thân thấy chủ đích “bảng vàng bia đá” còn lại theo sự may mắn của thời thế, hay bị đục bỏ theo oai vũ sấm sét của triều đình, cũng đã là đầy đủ cho ước mơ. Vì thế lại thấy có sự cách biệt của những người sống ở đồng bằng với những người nơi rừng núi, những người chưa nói tiếng Việt của “Hán nhân”. Đó là sự phân biệt giữa người trên vùng trung châu Đàng Ngoài với các tập đoàn thiểu số nhà sàn “trâu đeo mõ, chó leo thang” được gọi là Thổ, Mường, Mán… Đó là cách nhìn những tù binh Chàm bắt được từ phía “tây”, tên gọi những phiên liêu để được mang họ Kim, hay lâu dần thành họ Phan. Đó là nguồn gốc hình thành luỹ Trấn Man dọc theo Quảng Ngãi, Bình Định chia cắt Mọi Đá Vách và dân “Hán”, dấu vết của sự cách biệt tranh chấp qua chiến tranh trường kì mà phần thắng không phải lúc nào cũng ở phía dân Trời. Đó là dấu vết kết thành địa danh của những Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Man… Trấn Tây Thành trên đường lấn chiếm của Lê, Nguyễn.

Tuy nhiên không phải chỉ có sự lấn lướt về mặt chính quyền mà không có tiếp nhận ngược lại. Với thời cận đại, lớp người Khmer Phiên dân bị vòng tròn quyền bính Phú Xuân thu làm thần dân, đã tiếp xúc với những nhà sư Việt Hoa phái Lâm Tế cũng đang phát triển nhiệm vụ hoằng pháp trên đất Đàng Trong, từ Sài Gòn xuống châu thổ Cửu Long. Sự tương hợp một chừng mực của hai nhánh Đại, Tiểu thừa tuy gây cạnh tranh nhưng hẳn cũng khiến sự giao tiếp giữa hai khối dân dễ dàng hơn, so với sự đối kháng Việt Chiêm. Thế là có sự tiếp nhận ý tưởng đảo lộn ghê gớm của các thần Tevoda để nói về một thời thượng nguơn sắp đến, thay thế cho thời hạ nguơn đang tàn, đúng vào lúc chúa Nguyễn trên đà phát triển tột đỉnh đang muốn tìm danh hiệu cho mình, cho vùng đất mình cai quản không phụ thuộc vào Đông Kinh xa vời nữa. Thế là có tuyên xưng vương hiệu, cải cách xứ sở của Nguyễn Phúc Khoát nhưng lại không ngăn chận được sự đòi hỏi thay đổi đã thành hình, âm ỉ rồi bùng phát với “loạn” Tây Sơn, xô đổ cả vương triều cũ kĩ Lê Trịnh, tưởng chừng có thể đặt tương quan thiên triều phiên thuộc – cũng cũ kĩ, lên một căn bản mới.

Ý thức vương hoá vay mượn đăt để trên trước đối với các dân tộc yếu kém, ngược lại cũng gây hệ luỵ với các vương triều Việt khi phải tuỳ thuộc vào đường hướng vương hoá từ phương Bắc. Trong thế yếu về binh lực và thấp thỏi về sinh hoạt, họ phải chịu sắc phong của các triều đại Trung Quốc, từ đó là hệ luỵ kéo dài cả ngàn năm, không những không dứt ra được mà còn ẩn khuất trì níu nặng nề, có thể mượn một danh hiệu y chứng hiện đại để nói về một thứ Hội chứng phiên thuộc lấp ló đâu đó, chỉ chờ được dịp là bùng ra. Vui thì được làm Quốc vương một nước An Nam, buồn thì chỉ là Đô thống sứ của một Ti, năn nỉ mãi được lên cấp thì vẫn phải lạy một tờ giấy đóng dấu son khác! Ông vua ngang ngạnh muốn tránh cũng không thể thẳng thừng từ chối mà lại nại cớ ngã ngựa đau chân. Lâu dần lạy thành thói quen, chỉ có thể kìm chút tự ái, lấy sĩ diện bằng việc tranh chấp lạy bao nhiêu, kiểu nào theo cách “của ta”. Bản chất cai trị là áp bức nhưng có phải sự thua thiệt với bên ngoài đã khiến cho tầng lớp cầm quyền tìm cách đền bù bằng sự tai ác với dân chúng bên trong, cũng là một cách che lấp cái uy thế mỏng manh của mình? Tuy có nghi ngờ sử Nguyễn che giấu nhưng chắc chắn Gia Long không thể lạy chiếu Càn Long trên đất Bắc Thành giữa hào quang chiến thắng, giữa các tướng từng phải lạy vợ ông mỗi lúc ra quân nhưng rõ ràng Tự Đức đã phải quỳ mọp lạy chiếu, dù đã ép sứ đi thêm đoạn đường đến Phú Xuân. Tội nghiệp cho chút thành quả đạt được trong giao tiếp với phương Bắc. Bởi vì không phải chỉ từ áp lực bên ngoài mà còn có cả sự thần phục lâu ngày đến thành sức ép vô thức từ bên trong: Khi Gia Long muốn tiếp nhận sắc phong ở biên giới (không để thần dân thấy sự thua thiêt của mình) thì nhóm Phan Huy Ích “từng quen đi sứ Bắc” lại cho rằng “xưa nay chưa từng có như thế”.

Uy thế phương Bắc sa sút chưa được nhận rõ nhưng cũng đã bị chuyển hướng qua các nước phương Tây từ xa đem lại, không những với các trang bị vật chất gợi ước muốn cho tầng lớp trên mà còn có cả một sinh hoạt tinh thần, thu hút đám dân chúng cùng khổ bên dưới ngóng chờ sự cứu rỗi qua tôn giáo mới, tạo nên một nền tảng quần chúng mới phải chịu đựng bức bách từng thời điểm mà càng lúc càng vững mạnh. Điều tiếng di man trong giai đoạn này vẫn có đấy nhưng chỉ xuất hiện từng chặp, khi khách phương xa không đền đáp đủ cho chủ nhân vùng đất. Hai họ Trịnh Nguyễn trong những năm dài tranh chấp đã đồng thời hưởng lợi và chịu luỵ khi muốn lôi kéo phe phía từ những con người xa lạ ấy. Và tác động từ phương Tây tuy chưa sâu đâm nhưng lại có phần nghiêng ảnh hưởng trên phần đất phía nam. Trong lúc Trịnh loay hoay với rối loạn nội bộ từ các “phong trào nông dân khởi nghĩa” thì Nguyễn chịu đựng những quấy đảo của thương nhân trong ngoài, lớn nhỏ: những “Minh dân” 1679 trên vùng Tiền Giang, nhóm Mạc Cửu kéo theo tranh chấp với Xiêm, những “Thanh nhân” xúi giục Phiên vương Chàm lay lắt, hay tự mình làm giặc… Quan trọng nhất là những thương nhân sinh hoạt bên rìa đồng bằng rừng núi, thu lợi từ sản phẩm các nguồn sông suối, được tăng giá trị thặng dư theo hoạt động của tàu thuyền Tây phương ngang dọc trên các biển trong vùng. Thế là có một vương triều các lái Tây Sơn, dũng mãnh theo bản chất mới mà không được tiếp sức để thành hình một hệ thống vượt thoát khỏi sức ép của truyền thống khu vực. Rốt lại hệ thống cũ vẫn thắng, với sự tiếp nhận vừa đủ các yếu tố mới, để thêm nanh vuốt cho Nguyễn Ánh thống nhất đất nước.

Hệ thống chính trị xã hội của phương Đông mà Nguyễn Ánh không thể rời bỏ được, càng thêm sức mạnh hỗn độn khi ông phải tiếp nhận một nước An Nam của nhà Lê lớn bằng đất nước của ông, đông hơn dân của ông mà lại thấm nhuần tinh thần Á Đông căn bản đậm nét hơn dân vùng của ông. Ông chịu để họ phô trương uy thế tinh thần trước đám thần tử lổn nhổn đủ thứ hạng, vốn chỉ có một niềm kiêu hãnh là biết sử dụng súng đạn trong khi thời chiến tranh bức thiết đã trôi qua. Chỉ gần hai mươi năm sau, khách ngoại quốc đến Gia Định đã thấy ra tình trạng vũ khí mới bỏ lăn lóc, hư hỏng ở nơi khởi nghiệp của triều đại mới. Gia Long đem lại một tên nước riêng cho quốc gia của mình, không phụ thuộc vào sự ban cấp phương Bắc nhưng vẫn phải cúi đầu chịu thụ phong theo lời chỉ dẫn của các nho thần quen thuộc giao tiếp về hướng đó. Minh Mạng chê dân Gia Định ít học (Nho) nhưng cũng hoảng lên vì thấy dân khoa bảng mới cũ của đất cựu Lê tràn ngập triều đình, tuy có người nhận ra rằng họ đỗ nhiều chỉ vì có thầy dạy cách thi cử thành công (tiếp nối Vũ Thạnh, Nguyễn Đình Trụ) chứ không phải vì giỏi dang – họ chỉ học sách đến thế kỉ XIII là nhiều nhất. Thế mà với áp lực đó, để tránh xa sự đe doạ từ tôn giáo mới, Minh Mạng lại nhiệt thành khuyến khích học Nho đến mức độ chê cả thầy Minh, Thanh. Một chính quyền chuyên chế mang dạng tập trung, mở rộng biên cương ra cả ngoài biển, thanh toán quá khứ chiến tranh, chia tỉnh, huỷ bỏ chức vụ Tổng trấn hai đầu Nam Bắc, xoá sổ nước Đại Việt, giải quyết tàn dư Lê triều, động đến cả hệ thống tộc đoàn thiểu số cai trị biên cương từ lâu vẫn giữ một chừng mực thế tập. Quan lại triều đình thay thế các tộc trưởng Nùng, Mường… mở rộng quyền lực, củng cố thế tập trung của Huế.

Bành trướng lấn lướt thì cũng phải có nhường bước thoả hiệp. Nguyễn rời bỏ sự hãnh diện riêng biệt: “Nhà ta phát xuất từ Ô Châu” để lập gia phả lôi ông Nguyễn Bặc của họ Đinh, ông Nguyễn Nộn cuối Lí đầu Trần vào làm ông tổ nhà mình, kèm thêm những nhân vật có thể là thật với chức vụ bịa đặt mà chừa ông Nguyễn Trãi (tội thần triều Lê) để người sau, với thời gian xoa dịu, sẽ đem vào tiếp! Ở tầng cấp công tột đỉnh, họ cho lập miếu Lịch đại Đế vương với nhân vật Hoa Việt bát nháo, hồn ma vật vờ phù thuỷ, theo thời gian, trở thành thần thiêng kinh truyện nhưng tất cả đều mang tính văn hoá khu vực phương Đông, để Tự Đức gắng gượng lấy tự tín, đẩy các ông Kinh Dương Vương vào địa vị thứ yếu lịch sử, từ đó tách ra ông Quốc tổ Hùng Vương mở đầu mang uy thế, địa vị to lớn đến ngày nay, tưởng chừng không thể nào suy suyển. Tình hình quay trở về “truyền thống” đó làm nổi lên ý thức khinh miệt di man xưa cũ nay mang dạng Dương Di, làm cản trở những ý muốn đổi thay, dù là từ trên bậc cao của quyền bính. Rốt lại thì chỉ có những tương quan lực lượng cụ thể là giải quyết được mâu thuẫn mà thôi.

Người Pháp vẫn hãnh diện với thuộc địa Đông Dương còm cõi của mình, bởi vì dù sao cũng có được một vùng đất ở châu Á xa xôi để cạnh tranh kịp thời với các nước khác đang xâu xé con rồng Trung Hoa bẹnh hoạn. Ông thiên tử không lo nổi thân mình thì phiên thần phải lọt vào tay người khác không phải là điều đáng ngạc nhiên. Lịch sử Pháp thuộc ở Việt Nam chỉ là một giai đoạn của sự tranh chấp Đông Tây ở cuối đường phát triển của các nước châu Âu trên đà kĩ nghệ hoá. Vì vậy phải coi đây là cả một sự đảo lộn to lớn: một cuộc “cách mạng”, nếu hiểu theo nguyên ngữ của từ “đổi mạng trời”. Người Pháp khi chặn ra một thuộc địa Đông Dương cho mình đã làm tách phần đất đó ra khỏi thế giới cũ, thế giới của vương mệnh Trung Hoa, của hệ thống thần quyền phương Đông, để đưa vào sinh hoạt tư bản chủ nghĩa đang muốn chiếm lĩnh toàn thế giới. Hiệp ước Fournier 1884 rồi Thiên Tân 1985 giữa đại diện Pháp và Thanh triều đã cắt đứt tương quan Thiên triều / thuộc quốc giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam kéo dài cả ngàn năm. Sự đổi thay trên cam kết quốc tế đó được cụ thể hoá bằng những cuộc đo đạc, xác định đường biên giới rành rẽ giữa hai nước Trung Việt, rồi tiếp theo là những xác định biên giới Việt với các thành phần khác bên trong thuộc địa. Một bộ mặt đất nước mới mang tính định lượng không phải là không có lợi cho Việt Nam trong tình cảnh mất chủ quyền: các quản binh, nhà thám hiểm Pháp tách ra khỏi ảnh hưởng Lào Miên, mang lại một vùng Cao nguyên cho Trung Kì khiến trường luỹ Trấn Man của nhà Nguyễn trở thành hoang phế; thực lực hải quân Pháp đẩy biên giới phía đông đến sát Philippin, Mã Lai gây tranh chấp với người Anh, Tây Ban Nha trên các nhóm đảo họ cho lính Thủ hộ Nam Kì (tổ chức Garde civile locale) trấn đóng, không hề có trong ý tưởng của vua quan nhà Thanh, Trung Hoa.

Tất nhiên sự cách biệt quá quắt về thực lực quân sự mà Nguyễn Bá Nghi chứng kiến đã là yếu tố quyết định trong suốt tiến trình xâm lăng nhưng tính chất lí tưởng trong việc bảo vệ tôn giáo của họ từ những nhân vật của Phái đoàn truyền giáo riêng biệt Pháp, cùng sự chần chừ trong chiếm lĩnh cũng đưa lại nét riêng biệt cho từng thành phần thuộc địa của họ. Đất Nam Kì chiếm đóng đầu tiên có diện tích nhỏ, đủ cho tham vọng của một toán thực dân tiền phong, ít nhiều gì cũng hành động vượt trên toan tính của chính quốc. Nam Kì như Trịnh Hoài Đức vẽ ra còn mang tính chất dân cư xôi đậu Đông Nam Á, có trải qua những biến loạn, đánh dẹp của triều đình Huế cũng không mang sự kết tập chặt chẽ của một khối quần chúng làm e dè kẻ xâm lăng. Đứng ngoài nhìn chiến trận là những tập họp người Thanh đến ở ào ạt mà triều đình chưa gom góp được, là những người Miên còn hằn dấu chống đối gây nên sự tan rã Trấn Tây Thành, chưa kể nhóm giáo dân bị bức đạo sẵn sàng hợp tác với người mới. Chống với người Pháp, có binh tướng triều đình từ xa phái tới, còn dân binh cố kết với chủ quyền đất nước chỉ là những thành phần khai thác đồn điền, cũng vẫn là những tập họp đang chiếm đất! Với kinh nghiệm từ các thuộc địa Bắc Phi, người Pháp phải cần giữ lại ở Việt Nam / Đại Nam một tầng lớp cai trị bản xứ mà quyền hành tuỳ thuộc vào khả năng sâu sát của các viên chức được phái đến theo từng tình thế. Nam Kì là đất trực trị, chỉ được giữ lại hàng tổng xã bản xứ, để những nhân vật cai trị lớp trên không còn là “quan” mà chỉ là viên chức, với danh xưng có hơi hướng Đàng Cựu: Huyện, Phủ, Đốc phủ sứ. Bắc, Trung Kì còn vua, quan nguyên vẹn với hệ thống cũ nhưng vua mờ mịt ở Bắc hơn ở Trung cho nên quan Bắc cũng chỉ là viên chức của ông Thống sứ, chưa kể toàn hệ thống cũng chỉ mang dáng dấp quản trị hành chính là căn bản, dưới quyền những ông Công sứ đầu tỉnh, và nằm ngoài cả hệ thống cai trị mới về kinh tế, tài chính, thương mại… của người Pháp đăt để.

Tình hình cai trị như thế khiến cho người dân ở tầng cấp thấp trong xã hội, ở vùng đất cách xa các thành phố, thị trấn – điểm mới của thời thuộc địa, còn giữ lại những tâm tình, sinh hoạt truyền thống mang tính chống đối chính quyền, ngay trên cả những đổi thay mà họ hưởng thụ trong thời mới, dù muốn hay không. Cho nên các tập họp chống đối được Sở Mật thám Đông Dương ghép chung vào nhóm từ “hội kín”, thật không oan uổng, vì mang dạng thần quyền và có khuynh hướng thần quyền đủ cung bực. Cơ sở của hội kín không đánh mất trong thời gian khai triển qua nhiều danh xưng, là từ các nhóm Hoa dân lưu vong, nổi bật là Thiên Địa Hội có pha thêm màu anh chị của tập họp thành phố, thị trấn mà cũng lộ ra hơi hướng biển: hải tặc. Chính dạng đề kháng văn hoá nằm trong các cuộc vận động độc lập đã có sức mạnh đáng kể, khiến cho những hình thức kết hợp kiểu “Pháp Việt đề huề” đã bị đẩy về phía phục vụ thực dân đế quốc, không chừa lối cho những vân động tiến về phía văn minh mới mang tính công khai, vốn chỉ được coi là những ép uổng về phía người cai trị khác màu da. Các phong trào Cần vương, Văn thân giương cờ Bình Tây đi theo Sát Tả, với ý thức giữ lại ông vua của khuôn mẫu quá khứ (với dạng quá khứ ám ảnh, có lúc là loại trừ nhà Nguyễn). Những người phản kháng coi sự khai thác thuộc địa là hành động tội ác của đế quốc đối với dân nước, dù rằng có khi họ chống đối chỉ vì họ không muốn thay đổi, vì sự đổi thay đem lại bất lợi cho họ. Mọi ý thức bảo thủ, thù hận được bào chữa bằng tiêu chí cao nhất: giành độc lập cho Tổ quốc. Cứ thế mà tinh thần ái quốc được nâng đỡ mạnh mẽ trong vô thức, cùng lúc với một ý thức kì thị Di Man còn sót lại, qua thời gian được làm mới, giấu kín dưới những dạng hình khác.

Con đường giành độc lập là con đường lấy lại bản thân, nhưng dù sao cũng phải bao gồm những nhân tố mới được tạo thành theo với thời gian chung đụng giữa bị trị và thực dân. Sự kết hợp ép uổng khiến quá khứ được dựng dậy, tô vẽ thêm từ cả hai phía. Trong những lời than vãn kêu khóc của Phan Bội Châu có nhóm từ “con Rồng cháu Tiên”, “con cháu Lạc Hồng”… gợi được sự cách biệt với hiện tại tủi nhục. Lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc chưa phải e dè nhắc nhở nên Bà Trưng, Bà Triệu… được gán ghép với nhân vật ngày nay để có nhân vật Ấu Triệu của cụ Phan đưa ra so sánh. Trên vùng biên giới có Nguyễn Ái Quốc / Hồ Chí Minh vấn vương câu chuyện Sách ước của thần Tản Viên, đăt vài câu vè về vua Hùng, rồi sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cho thế hệ nghiên cứu cổ sử nước nhà vào thời độc lập. Nhưng người Pháp cũng đâu có chịu kém.

Khung trí nhớ của con người vẫn thường là ngắn cho nên trong khi Ngô Sĩ Liên đem Hùng Vương vào sách, đặt vào phần Ngoại kỉ là để “dĩ nghi truyền nghi”, thì các sử quan của Tự Đức lại chỉ bắt đầu từ quyển sách có quá khứ 300 năm đó, viết bởi các danh thần dưới đời một ông vua của tột đỉnh văn minh, để coi sự hiện diện của ông Quốc Tổ là đương nhiên, không thể bàn cãi. Họ không thắc mắc sao ông Quốc tổ chỉ có một tên kèm với các thứ hạng ngẫu nhiên 3, 6, 18, cả tình cờ ngớ ngẩn: 13. Có chịu khó thêm trâu ma rắn thần thì bằng lòng với hai thuỵ hiệu từ Nguyễn Bính vẽ ra (1572). Thế mà với người Pháp chịu o bế dân thuộc địa thì sẽ có tên đủ 18 ông vua. Chỉ vì với nhu cầu cần cứu Mẫu quốc, họ đã cho con rồng An Nam uốn mình phun bạc Đông Dương, đem so sánh hình ảnh chiếc phi cơ của “quan ba tàu bay Đỗ Hữu Vị” như con Rồng văn minh phun lửa giết bọn man di Nhật Nhĩ Man! Cần nâng cao uy thế triều đình cũ trong lúc lực lượng giữ thuộc địa phải căng mỏng vì ảnh hưởng trước/sau Thế chiến I, người ta cho xây dựng đền Hùng Phú Thọ, đặt ngày lễ 10 tháng 3 âm lịch (1917) cũng như tổ chức biểu diễn tế đàn Nam Giao (1917)… Ngày sau Tổng thống Ngô Đình Diệm không chịu có ngày Quốc lễ 10 tháng 3 âl. hẳn là vì ông cựu Thượng thư biết cái ngày đó có gốc tích từ đâu mà ra. Thế chiến II với phong trào thể thao Ducouroy, có các khẩu hiệu “(Cần Lao, Gia Đình) Tổ quốc” của Thống chế Pétain cũng gợi sự bao dung cho đất nước An Nam, có các tranh cổ động khắc cảnh cạu bé Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau với nhóm trẻ mục đồng Hoa Lư thổi kèn tây, cảnh Trần Hưng Đạo phá trận Bạch Đằng, Hai Bà Trưng báo thù chồng, Bà Triệu cưỡi voi bành vàng nghênh ngang như Bà Thánh Jeanne d’Arc phất cờ! Thế là đủ cho Tản Đà than vãn “nước bốn ngàn năm”, cho phong trào Hướng Đạo nói chuyện Lễ hội đền Hùng, và tập thể tác giả Hoàng (Huỳnh) Mai Lưu nổi lên với những bài thơ nhạc yêu nước ồn ào ở Hà Nội, mời gọi dân Nam Kì đi thăm đất Bắc. Đây lại là thời điểm khởi đầu cho ý tưởng huênh hoang về nguồn gốc dân tộc xuyên qua hai luồng quen thuộc, một của nhà nước như sẽ thấy với chính phủ Hồ Chí Minh, và một của cá nhân Kim Định với thuyết Việt nho, đã phát triển ra ngoài nước với người di tản, và thật ngược đời, được giấu diếm ngóc đầu dậy trong nước không người cản trở, đã xuất hiện trên giảng đường Đại học tạo nên phe nhóm khoa bảng, trên tạp chí chuyên ngành phồn tạp… khó cãi, vì mang một chừng mực đồng dạng với thời đại, với của nhà nước.

Quá khứ trở về trong tâm cảm những con người mới sẽ dẫn dắt hành động cứu nước trượt dài trong vô thức trên vết mòn cũ. Rõ ràng người dân thuộc địa thấy tự mình không đủ sức chống đối với kẻ cai trị. Phan Bội Châu đã làm một thứ Thân Bao Tư khác, một thời gian ở Nhật. Phan Châu Trinh cũng phải vịn vào Hội Nhân Quyền và cả sự bao dung của viên chức thuộc địa. Các đảng viên cộng sản Việt núp bóng đảng Cộng Sản Pháp, và Nguyễn Ái Quốc đi Liên Xô, để cuối cùng khởi đầu danh vọng vang lừng trên biên giới Trung-Việt! Trong sự dẫn dắt của một chủ nghĩa cho là của tương lai, người cộng sản Việt hiểu qua sự hướng dẫn của vang vọng quá khứ về một chủ nghĩa đại đồng mới học từ phương Bắc, thế là hình ảnh di man chống đối, đã và sẽ trở lại trong đầu óc khi họ nắm chính quyền, với những cán bộ trong nước hay trở về nước, lún sâu vào khung cảnh và nhân tâm “truyền thống” được đề cao trong chiến đấu. Và như đã thấy, chiến đấu đến mức độ làm rúng động thế giới chỉ vì có sự phối hợp của chủ nghĩa dân tộc mang tính kì thị di man không khoan nhượng, và ước vọng xoay đổi thế giới đầy kiêu căng, có sự tiếp sức nhân lực, kĩ thuật của một thành phần nhân loại không nhỏ. Nhưng tiến trình chiến đấu không phải là không tạo ra những xoay đổi khác chực chờ. Các nhà lãnh đạo kháng chiến, từ địa vị những tù nhân, nhân viên cấp thấp thuộc địa… lúc đầu chỉ lấy niềm kiêu hãnh cứu nước làm điểm tựa chiến đấu, qua thời gian có yểm trợ vật chất, tinh thần vượt biên giới, chống đối được với những thế lực to lớn nên tự nâng tầm ước vọng cao quá khả năng lúc chưa vay mượn, để không lường trước được sự hụt hẫng hồi sau. Nhưng dù sao thì chiến thắng cuối cùng cũng đưa Việt Nam vào quyền lực không tranh cãi của tập họp Đảng được xây dựng bền chặt qua chiến tranh, theo với tính chất của tổ chức, lại dồn vào một tập nhóm nhỏ tạo thành qua chèn lấn tranh chấp hay thoả thuận chia chác với nhau.

Trở về với truyền thống dân tộc là nhắc nhở một quá khứ Việt Nam chia xẻ văn minh Á Đông với chủ thể Trung Hoa mà cũng là quá khứ chịu luỵ, có khi chịu nhục vì người khổng lồ phương Bắc đó. Về mặt lí thuyết, người Cộng sản Việt hiểu các ông Mác, Ănghen, Lênin như là anh học trò nhỏ đọc tiếng Tây! Muốn dễ dàng hơn thì cứ nhìn người bạn Trung Quốc mà làm. Cũng là lặp lại, giống như những người lớp trước họ học Mạnh-đức-tư-cưu, Lư-thoa qua Tân thư! Cho nên ông Đặng Xuân Khu lấy tên Trường Chinh khi làm Tổng bí thư, đeo đuổi Cải cách ruộng đất, không bỏ tên đó đến khi chết, kéo theo cả một tầng lớp người không bỏ lí thuyết xã hội chủ nghĩa theo ông hiểu, cho đến khi thấy “không đổi mới là chết”, nghĩa là chỉ đổi thay khi thấy phải mất bản thân, mất công lao thu tóm suốt cuộc đời.

Lại trở về với nội bộ dân nước. Khi các lãnh tụ khoe rằng chính “Đảng” đã lãnh đạo đất nước, với “nhân dân một lòng theo Đảng… đánh thắng bao đế quốc sừng sỏ” thì họ cũng có lí một phần. Về mặt dân chúng, ý thức cương cường chống đối người ngoại quốc đã che lấp được nỗi tủi nhục dưới sự áp bức của người trong nước, chưa kể đó là thói quen ngàn đời trỗi dậy trước thực tế phải chịu đựng dai dẳng. Bởi vì suốt thời kì thành lập nước từ 1945, chỉ có Đảng Cộng Sản với nhiều tên đổi màu da cắc ké, mới là kẻ điều hành đất nước, có số đông dân chúng ủng hộ và tuân phục. Nếu muốn sử dụng ngôn từ chính trị của họ, thì chuyện các đảng, các mặt trận, hiến pháp, chính phủ… học từ hồi chịu làm dân thuộc địa, nghe từ đám dân của các “chế độ thực dân kiểu mới”, từ khách vãng lai tình cờ đưa đẩy, từ người đi xa đem về như một thứ quà kiến thức, tất cả có được thu dụng cũng chỉ là những hình thức chiến thuật trên con đường tiến chiếm và giữ gìn quyền lực của Đảng mà thôi.

Vẫn phải nhắc chuyện ông Trần Độ từ chiến khu trở về, trông thấy dân chúng từng che chở ông lại khúm núm trước y quan con người cách mạng, nay là quan chức nắm quyền. “Đảng xuống lịnh…”, “Bác” đã “nói”, đã “dạy”… cho thấy con người thuần phục ngàn năm cũ đã trở về, dễ dàng chịu tuân thủ bởi vì chính người ban phát chân lí, nắm vận mạng họ là người của dân tộc, mang phần tâm tính xưa cũ như của đất nước hồi nào. Nghĩa là, nếu mơn trớn vỗ về thì cũng đủ ngọt ngào viện dẫn mà trở mặt quyền uy thì không có sấm sét nào hơn. Tận xa cùng phía nam, người ta nghe Đảng xuống lịnh khởi nghĩa, che giấu thằng Tư, anh Ba (nguyên thứ bực hội kín) Uỷ viên… Đảng trong hầm bí mật sau hè, và cũng từ chối ruộng chia “Của người ta ai lại lấy kì dậy” từ những người “du côn” đồng chí của ông Bộ trưởng Ung Văn Khiêm, nhưng chống đối mất đất thì có xúm lại tự thiêu tập thể như 12 tăng ni chùa Dược Sư ở Phụng Hiệp (Cần Thơ, 2-11-1975), cũng không ai đoái hoài! Tính chất “du côn” thành thật thú nhận kia, được áp dụng tiếp trong cách hành xử giữ an ninh thời nắm quyền, trấn áp “phản động” để bảo vệ Đảng, tỏ lộ một dáng hình quyền lực lạ lùng, khác biệt với của thời văn minh hiện đại, vì thu tóm cả hai mặt: chính quyền công khai và thảo khấu. Những người kia chết đi để khỏi nghe lời Mai Chí Thọ bảo thẳng Thích Quảng Độ (đại khái): “Theo chúng tôi thì cái gì cũng được hết, mà chống đối thì chỉ có chết mà thôi”. Lời nói chứng minh bằng việc cô lập Trí Quang, lưu đày Huyền Quang, để ông cựu Tăng thống này chết mòn trong chùa nhỏ trong khi đăng cai tổ chức tưng bừng Lễ hội Phật giáo thế giới có một cựu thiền sư tử tù cũ của Đảng chủ trì, và với tiền bạc thời mới khoa trương bằng hệ thống chùa Bái Đính không thể nào hoành tráng hơn.

Sự nhẫn nhục chịu đựng của người dân từ thực tế sát thân phải đối phó, được vuốt ve bằng những lí tưởng cao vời che lấp tủi hổ, trở thành thói quen của một nếp sống có quá khứ tiếp tay như thế, đã khiến người bên ngoài không hiểu nổi. Các đảng viên cấp thấp không hi vọng gì nhiều với thành quả thấy ở người trên cao, chỉ có chút ảo tưởng được dặn bảo là thành phần ưu tú của dân tộc, mà thực tế phải chịu đựng là những kềm kẹp của họp hành thúc bách, học hành vẩn vơ, phải sống theo mẫu đạo đức giai cấp, dân tộc gì đó với những màn phê bình khắc nghiệt, dai dẳng thế mà vẫn tỏ ra là thành phần cốt cán giữ yên xóm làng, phường khóm… trong từng động tĩnh khuất lấp hàng ngày, hay dàn ra đường phố trong tính “nhân dân” khi cần biểu dương lực lượng: “Biểu tình là việc của nhà nước… Đã có Đảng lo…” (tháng 6-2011). Khung trời kiến thức, tâm ý của họ chỉ có một tổ chức được gọi là Đảng, phải được tuân phục và bảo vệ, không thể là thứ gì khác. Cực nhọc không đủ bù với sự che chắn mỏng manh của Luật Bát nghị thời đại mới, đặt riêng họ làm thành phần không phải chịu pháp luật chung – họ chỉ phải ra toà sau khi bị khai trừ Đảng. Thế mà họ cũng không tìm cách vượt thoát, chỉ vì ngay bên ngoài cái khung đó là cả một thế giới xa lạ, không dung chứa họ, mang tính đe doạ còn hơn khung cảnh cũ nên họ an tâm lặp lại những điều được dạy bảo, ít ra là trong những buổi hội họp, ở chốn đông người. Hội-kín-Đảng của thời mới không mất tính chất thần thánh cũ bởi vì đã có Đảng, Tổ chức viết-hoa, thay thế cả ngay trong những khẩu hiệu không giấu diếm: Mừng Đảng, mừng Xuân / (Ba/Năm/Bảy mươi năm) đời ta có Đảng… Vị thế đó cho phép người lãnh đạo coi việc hưởng đăc quyền là đương nhiên, còn người dưới cũng không thắc mắc. Quyền uy làm cách biệt người lãnh đạo với dân-chúng-không-phân-biệt khiến cho không thể tái diễn câu chuyện thần tiên ngày xưa về anh Văn Ba nhờ cậy Toàn quyền Đông Dương can thiệp khi Khâm sứ Trung Kì không tìm ra người cha Phó bảng lưu lạc để chuyển lương thuỷ thủ của anh! Cho nên không lấy làm lạ rằng tính chất kềm kẹp của thời hội kín đi theo chiến đấu, chiến thắng, khi mở rộng đến tầm mức quốc gia trong liên hệ với thế giới, đã khiến cho đất nước mang nếp sống bình lặng một cách khủng khiếp lạ thường.

Đảng lãnh đạo đã thành công. Trong quá khứ, người ta quen với học vấn phương Tây, thấy có những hành động chính trị xoay đổi liền nhắc đến Machiavelli với tiêu chí rút gọn: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Cũng như, chịu ảnh hưởng macxít mà không biết, người ta cho rằng cứ để Đảng đổi mới kinh tế thì sẽ có biến chuyển chính trị theo kiểu “huỷ thể”… Rốt lại ảo tưởng cho rằng tầng lớp tư sản tạo ra trong đổi mới kinh tế sẽ làm đổi thay đường lối của Đảng đã không xuất hiện, vì các lí thuyết gia không tính được rằng ở phương Đông ngày xưa, quan lại và thương nhân có chèn lấn giành giật là để chia quyền, thủ lợi chứ không huỷ diệt nhau, trừ phi động đến quyền lợi căn bản. Thương nhân làm giàu, đút lót, mua ruộng rồi cũng cho con cháu học hành đỗ đạt làm quan, bóc lột thế hệ tiếp theo chứ không lo kiến thiết một xã hội tư bản! Với thời mới, họ đã tìm ra phương thức Quốc doanh để nắm chắc lợi và quyền, lớn và vững hơn cả người xưa. Cả khi các cơ quan truyền thông chịu nghe lời “một Tổng biên tập”, tuy có phần là theo phép tắc “dân chủ tập trung” nhưng phần khác, thật ra họ cũng thủ lợi phía khác qua những hình thức kinh doanh bên lề, phối hợp uy thế từ ngành chính hiệu. Các lãnh tụ Đảng đã hành động như người thuộc sách vở Xuân Thu Chiến Quốc, của những kẻ ngày xưa tìm cách tiến thân với bất cứ giá nào, với bất cứ ông chủ nào, không chừa sự giẫm đạp lên bất cứ tiêu chuẩn đạo lí thông thường nào. Đúng ra thì nhìn trình độ học vấn khi xuất thân của các lãnh tụ, ta thấy chắc họ cũng không thuộc lịch sử của giai đoạn tranh chiếm Tiên Tần kia nhưng với với mớ kiến thức Thành chung, Tú tài Pháp họ cũng có thể vận dụng hiểu biết từ trong gia đình khoa bảng, theo truyền thống kể “truyện xưa tích cũ”, để đem ứng dụng vào đời sống chính trị những giai thoại nghe được từ sự tranh chiếm địa vị Tướng quốc của các Tô Tần, Trương Nghi, Thương Ưởng… Thêm vào đó là những cách ứng xử mưu mô ranh vặt nơi chốn đình trung, xóm làng ẩn khuất, được nâng cấp khi phải đối phó trốn chạy người cai trị, chuyển qua tình trạng chống đối ngang hàng có thời cơ hiếm hoi, đã đưa họ đến thành công.

Lề lối tiến thân mang tính hội kín (dù không được thừa nhận) của Đảng làm nảy nở ra những chuyện thâm cung bí sử thời mới, dụ khị hay doạ dẫm phổng tay trên tình nhân của lãnh tụ, những chuyện con rơi con rớt, con bất hợp pháp mà hợp pháp lộ ra ở tình trạng nối nghiệp khác họ mà đồng tông, chuyện chèn lấn tranh đoạt đưa người lên tột đỉnh quyền hành, đẩy người đến chỗ sa cơ thất thế, loại trừ tàn nhẫn, di hại đến đời sau, như khi con cái ngoại hôn của Lê Duẩn lo sợ cho an ninh bản thân lúc ông Tổng bí thư qua đời. Sự việc nổi bật lên khi có sự đối chiếu liên quan đến vùng sinh hoạt. Gia đình ông Lê Đức Thọ phải lo lắng giữ vệ sinh cho mả ông Trưởng ban Tổ chức Đảng trong khi anh em ông Diệm, Nhu vẫn lặng lẽ yên nghỉ trong nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi râm mát trước khi bị cậu bé Lê Văn Tám huyền thoại của phe chiến thắng đuổi đi.

Tính khép kín riêng biệt đã đem lại sự hạn chế về kiến thức cần thiết cho việc lãnh đạo. Từ bí thư tổ Đảng, thôn xã, khóm phường (trùm nhỏ) lên bí thư huyện, bí thư tỉnh (đã là trùm một phương), lên tột đỉnh (Tổng) bí thư nước thì con đường thu nhận kiến thức hẳn là không nhiều nhặn gì mấy. Không lấy làm lạ là vẫn thấy xuất hiện trên cấp bực quốc gia những cách hành xử xa lạ với thế giới hiện đại nói chung. Với thời đại thống nhất yên bình thì tình hình kia cũng có phần không thể nào khác hơn những lúc thăng quan tiến chức của thời xưa. Một bộ phận lớn cán bộ vẫn là những ông quan trầy trật trên bước thang danh vọng, chừa chỗ cho bậc cuối cùng, với chữ nghĩa thời đại là tuân phục tính chất Dân chủ tập trung. Nói như lời thú nhận thực thà của ông cựu Trưởng ban Khoa Giáo Nguyễn Khoa Điềm: “Có chi mô!” khi được hỏi về tình trạng tiếp thu kiến thức bên ngoài ở nhóm người lãnh đạo cao cấp. Ông bí thư Phú Yên trong thời kì hơi đổi mới, có chút áy náy liền chịu núp bóng làm nhân viên một phái đoàn thương mại được mời đi ngoại quốc, và bị báo chí (Đảng) móc moi, chê trách. Đó là bằng chứng về một người lãnh đạo tự nhận ra sự xa rời với thế giới bên ngoài nhưng quyền lực độc tôn của Đảng đã không cho phép bên ngoài chỉ dẫn, dù là sau đó thì ra tay thực hiện, lúc trừng phạt xong tên phản động nào đã rủi ro lên tiếng.

Cho nên công cuộc Đổi mới sau 1975, tách rời cơn mê muội xã hội chủ nghĩa là của các lãnh tụ nhỏ phía Nam, nơi tiếp xúc với “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” ở Sài Gòn. Cuộc đổi mới được nhạo báng: “Lấy lại cái cũ bị thù ghét” thật ra là một cuộc đảo chính nội bộ, cũng cho thấy một tình hình khác của chế độ Đảng trị. Những người thực hiện đổi mới khởi đầu, khi nhớ lại, đã dùng ý niệm “phá rào cản”, “xé rào”, “đột phá tư duy”… nhẹ nhàng kể lể công tích muộn màng mà không dám tỏ ý phạm thượng đối với ông Tổng bí thư Lê Duẩn còn ngồi đó, nhăn nhó “không muốn nghe chuyện khó khăn, tiêu cực…” cùng với ông Tổng bí thư nhiều lần khác, Trường Chinh, được dắt tận tay, chỉ tận chỗ thành quả đổi mới lén lút để thuận tình không trách phạt bóng hình ông Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phú nữa… “Công trình sư” đổi mới thật ra là các chuyên viên VNCH cũ, những người ra Bắc nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắn nhủ: “Ra chơi thôi chớ đừng bắt chước họ (?) làm bậy, dân rên lắm!” (Không biết ông Thủ tướng làm việc gì ở chức vụ đó?) Đổi mới đúng là làm lén, trái với nghị quyết của Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước, vậy mà được tiến hành. Đây là một chứng tích về lề lối cai trị mới, xuyên suốt của Đảng trị, có khi lại được coi là thể hiện sự linh động, sáng suốt của Đảng, mặc kệ những tác hại trước đó. Thế nhưng không phải ai trong Đảng cũng “phá rào” được. Thành uỷ Hồ Chí Minh có thể đem ghe thuyền ra điểm zero trên biển nhận hàng mua lén qua tay thương nhân Chợ Lớn, Hongkong nhưng huyện uỷ Bình Đại (Bến Tre) làm vậy thì bị cảnh cáo, còn tỉnh uỷ viên Minh Hải buôn bán lén với Lào chỉ bị tù treo trong lúc cựu dân biểu Dương Văn Ba của VNCH, cố vấn chui, bị tù chung thân, không nói ra nhưng chắc với tội âm mưu phá hoại chế độ XHCN từ bên trong! Vì Đổi mới phát sinh trong tình trạng bất đắc dĩ như thế nên con đường hội nhập của Việt Nam vào thế giới mới thật là khó khăn, cực nhọc, quanh quất có khi đến mức độ kì quái…

Một chút thời gian bị bắt buộc lạc lối – 80 năm không là gì so với 1 000 năm – vẫn phải để cho người ngoại quốc, gần nhất lại là một nguời gốc Hoa (Li Tana), nhận ra tính khác biệt của Đàng Trong để cho lịch sử Việt Nam mang tính dồi dào sinh đọng hơn, trong khi sử gia quốc nội vẫn nhiệt thành theo hướng dẫn của nhà cầm quyền tuyên xưng vương hoá Kinh Việt, nói về một tính dân tộc đơn sắc, vẽ vời thêm với ông Quang Trung phía Nam, có tiên cảm về sứ mạng thống nhất đất nước, chống xâm lăng! Mà sự hãnh diện chiến thắng rồi cũng phải tàn lụi nhanh chóng với sự đe dọa dẫn đến chiến tranh trên biên giới phía Bắc, với sự lùi bước ở Kampuchia có 180 000 quân sa lầy ở đấy, dù vẫn với cách thức can thiệp từ trên chóp bu chính quyền nước sở tại, như việc bắt Tổng bí thư được dàn dựng Pen Soven nhốt ở nhà cầu Tổng Y viện Cộng hoà (cũ), giống y Minh Mạng cho bắt Công chúa Ang Mei / Ngọc Vân xưa!

Thế mà khi Đổi mới “thành công” người ta lại quên những khích động khác, cứ tưởng là không ăn nhập gì với sự phủ nhận tính chân lí của chế độ vốn được cho là nền tảng của chiến thắng vừa qua. Phong trào vượt biên đem lại cho từ điển thế giới nhóm từ Boat People / Thuyền Nhân, với thảm cảnh ăn thịt người (1982) vang vọng vào văn chương (Elisabeth D., L’Ogre capitaine, petit roman pour la jeunesse 1987) không phải chỉ là “vì Chính phủ không lo được cho (dân Miền Nam) một li cà phê sữa mỗi buổi sáng” như lời ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tuyên bố. Sự đóng góp của thế giới để giải quyết vấn đề, những thùng hàng dồn dập gởi về Việt Nam dù được nặn bóp cả từ cây kem đánh răng, cũng vẫn là những tín hiệu giải đáp đến từ thế giới to rộng hơn cho những người cầm quyền “dân tộc” say đắm kinh sách mới, cứ tưởng có thể xoay đổi dân chúng, lịch sử theo ý mình bằng một thứ mê muội còn dư vang đến nay qua những lời huênh hoang về “tính cách dân tộc riêng biệt”, về “đường lối phát triển của riêng ta”, không cần biết gì đến những cách ứng xử hợp với thời đại chung. Li cà phê sữa buổi sáng ngày nay đã có không thể đến từ các tổ chức công hữu, hợp tác hoá là điều hiển nhiên được chứng minh.

Tuy nhiên Đổi mới, qua cơn lo sợ mất Đảng đầu tiên, lại cho những thế hệ cầm quyền tiếp theo thấy ra mình là một ông địa chủ lớn đến mức độ kinh hoàng, với quyền hành không ai tranh cãi, được làm chủ vài chục triệu mẫu đất rừng núi sông suối biển cả, mang giá trị tăng tiến tột bực trong giao tiếp với bên ngoài. Loại giá trị thặng dư đó của thời mở cửa đã sản sinh những tỉ phú kinh doanh địa ốc, nháo nhào đào bới tài nguyên mà mù tịt sự tàn phá môi trường. Họ là lớp người vốn chỉ biết “đi làm Cách mạng”, sống thực tế bằng tiêu chuẩn phân phối của binh trạm hay hợp tác xã mà được nuôi dưỡng với lời kinh nhật tụng “Đất nước ta rừng vàng biển bạc”, nay hiển nhiên lại thấy rừng biển rơi vào tay… Thế là với danh nghĩa phát triển, họ cho thuê trên rừng khuất lấp không màng đến an ninh tổ quốc, dụ hoặc đồng thời với cưỡng bức theo cung cách đánh/đàm đắc thế trong chiến tranh, để giành đất với nông dân, tạo ra khuất lấp vô vàn vụ Ninh Thạnh Lợi (1927) của thời mới, mới nhất là vụ Tiên Lãng (Hải Phòng 1-2012), hay sắp xảy ra với các nông dân Nông trường Sông Hậu, sau khi lãnh đạo dọn đường kết tội nhân vật khai sáng cũ để chuẩn bị bước thu hồi cuối cùng.

Cai trị tất nhiên phải cần đến trí thức. Ngoài những trí thức xuất thân cựu thuộc địa, được ca tụng vì nhu cầu dàn mặt chính trị mà không làm gì hơn với cái chức tượng trưng, cũng có những trí thức góp phần vào kháng chiến ở những vị trí cần thiết cho chiến thắng có các tay thư lại mới đua nhau tô vẽ, bốc cao hơn thực tế rất nhiều. Đã nói, trí thức Việt từ bản chất, thành phần xuất thân, mãi mãi chỉ được coi là tay sai. Dù là với thời mới được nhẹ nhàng ghép theo lời thân thương: Con em Công Nông, họ vẫn phải được chỉ bảo tận tình đến từng cách viết văn, lí luận, làm việc nghiên cứu… trong một khuôn khổ chỉ định có lúc không cần giấu diếm. Chưa đủ cho người cầm quyền, cả từ địa phương, xác định tính chất “phản động” của một tác phẩm, kết tội “tiết lộ bí mật (lịch sử) quốc gia” của một nghiên cứu, người ta còn muốn làm luật để duy trì kỉ cương. Chút văn từ “phản biện” được trí thức thời mới dùng để rửa mặt cho tầng lớp mình vẫn không được vượt quá lằn mức “cãi lại”.

Nhưng vẫn phải cần đến trí thức mà không có cách nào khác hơn, là lấy lớp trí thức được Đảng ra tay đào tạo để cai trị, vì không thể nghe lời Lí Quang Diệu cho các công thần về vườn được. Họ là cả một thế giới làm nên chiến thắng, đủ sức đe doạ cả Lê Đức Thọ khi ông “lệch hướng” tán thưởng bài thơ “phản động” của Phạm Thị Xuân Khải, dám chê bai hiện thực (1986). Thế cho nên có những lớp học bổ túc, tại chức với những chuyện khôi hài cười ra nước mắt trong thời kì còn vướng víu tinh thần nhạo báng, nảy nở bởi quá khứ VNCH chưa phai lạt để có điều so sánh. Rồi cũng qua, để tới lớp người mới nữa của các trường Đại học, Cao đẳng chuyên môn mở ra theo nhu cầu “ra biển lớn”, theo sự cần thiết ghìm giữ tình trạng thất nghiệp của thanh niên vào trường học, cả từ nhu cầu địa phương cạnh tranh mở trường lấy danh, nhận tiền phân cấp của trung ương hay chia phần từ các trường dân lập rồi tư thục rối mù, đến mức cả thứ trưởng cũng chen vào cướp đoạt.

Người ta than vãn về tình trạng xuống cấp của giáo dục nhưng với loại giáo dục “cơm chấm cơm” của Miền Bắc vào Nam sử dụng giáo trình 3, 40 năm cũ rồi tiếp theo, của các nhà giáo VNCH tự nâng cấp cho bắt kịp đời mới “làm giàu” mà vẫn còn thấy hãnh diện có lí, thì không thể nào khác được. Nó chỉ là tình trạng Việt Nam hoá / “dân tộc hoá” / “bảo tồn truyền thống dân tộc” sau chiến tranh chống đối ngoại xâm, thế tất phải kéo theo dạng phủ nhận văn hoá từ phía kia tuy không thể dứt bỏ được. Trí thức Miền Bắc bị bó rọ trong quan điểm duy vật lịch sử pha chế tinh thần dân tộc vốn không có nhiều sách vở bên ngoài, nên khi vào Miền Nam tiếp xúc với tài liệu mới – dù là qua bản dịch, tha hồ vồ vập như khi ba hoa về cấu trúc luận, ngập ngừng với lí thuyết hiện sinh chính tông. Tiếp xúc với lập luận khác trong khi thực tế bào mòn lối văn từ cả vú lấp miệng em, người ta lặng lẽ quên chuyện Quang Trung thống nhất đất nước rồi nhường bước cho Nguyễn Ánh mà còn giữ sĩ diện cho tập thể chiến thắng, với vai trò người anh hùng ưa thích dọn đường cho tên vua phong kiến thừa hưởng vinh quang. Thế rồi, chỉ vì chìm ngập quá lâu trong sự theo đuôi, chưa từng nghĩ đến chuyện sáng tạo, người ta lại giấu diếm “làm mới” cả những loại kiến thức tồi tệ của Miền Nam như lí thuyết Kim Định mà không thấy ngượng ngùng… Tư tưởng dân tộc quá khích từng được thúc đẩy trong chiến tranh nay có thêm đà nở rộ đến tầm mức quốc gia mà không mặc cảm, vì thêm những dạng hình tân tiến có tiền bạc ngập tràn bào chữa: phong thuỷ, ngoại cảm và các hội hè đình đám thúc đẩy bởi các đồng ngoại hối du lịch, che lấp nguyện vọng thăng quan tiến chức đưa đẩy với cõi thiêng liêng. Con đường “tìm về dân tộc” trong ước mơ, thực hiện bằng súng đạn rốt lại vẫn có một chút gì giông giống với thế kỉ XIX.

Rồi cũng giống như thời Đàng Cựu, giống ông quan, nhà khoa bảng có danh phận trí thức Cử nhân, Tiến sĩ, Phó bảng, kể cả có lúc là Trạng nguyên… ngoài việc vặn vẹo câu cú trong trường thi, chết đi giỏi lắm là để lại các sáng tác dạy con cháu, điểm vài bài thơ, câu đối thù tạc, đưa tiễn, điếu tang… Cái làng nhàng kiến thức đó xuất hiện lại ở thời đại ngày nay, với những dự định khoanh vùng to tát lập bia Tiến sĩ thời hiện đại, bị la ó nhưng vẫn là ước mong của những nhà lãnh đạo thủ đô Hà Nội mở rộng để cạnh tranh diện tích với Thành phố Hồ Chí Minh mà thu hút đầu tư, nâng mặt bằng giá trị đất đai. Và cũng đủ cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thấy mình có dân khoa bảng điều hành qua chủ trương “chuẩn hoá” lập “khung cán bộ có bằng cấp tương đương chức vụ”, nên giải tán nhóm Cố vấn của các thủ tướng trước, và ra lệnh kiểm soát các tập họp trí thức ngoài luồng. Một Viện Cơ mật của thời mới cũng là đủ rồi. Không kể đến hơn 600 tờ báo và các cơ quan truyền thông khác, sự thụt lùi thảm hại của tờ báo Tuổi Trẻ (Tp. Hồ Chí Minh) là minh chứng cho thế hệ sôi nổi sau chiến tranh được đi vào “định hướng” dân tộc, định hướng “xã hội chủ nghĩa” khiến cho một người con của Lê Duẩn, dù được hưởng ưu thế, cũng phải lên tiếng phàn nàn. Và do đó, thành phần thiểu số chính trị, tộc đoàn, lại có phần cũng như ngày xưa, đi tìm vây cánh, tìm sự an ủi tinh thần ở đạo giáo, khuất lấp trong nước với nhóm Hoà Hảo không quốc doanh, với các ông đạo mới kiểu Ân Đàn Đại Đạo / Hội Đồng Công Luật Công Án Bia Sơn vừa bị phác giác (5-2-2012), với sự tiếp nhận các tông đồ của Thanh Hải Vô Thượng Sư từ Mĩ không còn xa lạ, và những người tu theo Pháp Luân Công từ Trung Hoa quen thuộc, vẫn thấy tập luyện lẻ loi an lành trên công viên Tp. Hồ Chí Minh khi không có lệnh ra toà, chắc là để vừa lòng đàn anh… Nhưng với thời thế mới thì ước vọng ít tuyệt vọng hơn, là ở người xa: Tin Lành, Công Giáo, báo hiệu một sự dồn nén nổ bùng mới. Có sự “trở lại đạo” của những người chống đối, có sự bền bỉ tìm ơn phước không thấy ở đời này của những tập nhóm dân tộc thiểu số bị bỏ rơi… Và tuy đã thấy có những “thắng lợi” khuất lấp của giáo dân vài địa phương, có những buổi cầu nguyện hiệp thông với nạn nhân tranh đấu do nhà thờ tổ chức nhưng Đảng vẫn còn vững vàng qua các biến động ở Hà Nội, Đà Nẵng… buộc được Giáo hội Công Giáo địa phương lùi bước bằng những nhóm “quần chúng tự phát”, đối chọi với bổn đạo thời mới “vác thánh giá” chờ chực làm Thánh tử đạo cho ngày sau.

Tính nhất thể hoá, nói theo lối văn minh của chủ trương Đảng trị trên đường tìm kiếm sự đồng nhất Đảng và Nhà nước, càng lúc càng đạt được đỉnh cao để Đảng vượt qua những khó khăn, nhấn chìm những đổ vỡ khác. Đất nước thông thương với thế giới, dù lẹt đẹt đàng sau cũng hưởng lây được tình trạng phát triển chung, để người dân chịu bằng lòng với cuộc sống khi không có cách nào thoát khỏi sự hướng dẫn chung. Sự đồng tình thụ động đó làm thui chột những bất bình, ngăn cản tiếp viện cho những phản đối vốn là thường tình ở những xứ sở khác. Sự đè nén chính trị có chuyển qua các bất ổn xã hội thì người dân vẫn chịu đựng được, vì “đã quen rồi”. Một bộ phận lớn dân chúng chưa quen phải phủ nhận chế độ do chính mình nồng nhiệt tạo dựng hay được thừa hưởng thành quả từ đó. Trên phần đất còn nhiều khác biệt, với kiến thức thấp kém của người lãnh đạo không cần giấu diếm, người ta áp dụng phương thức tập thể lãnh đạo theo cách chia một chừng mực tự trị địa phương (dù có khi dẫn đến lộng hành) với các ông bí thư tỉnh là uỷ viên trung ương Đảng, với sự chia quyền trên cấp cao cho những người xuất thân từ các vùng miền lớn: Tổng bí thư là của Miền Bắc, Chủ tịch nước của Miền Trung (hay ở “phía Nam”), Thủ tướng của Miền Nam.

Điều thể hiện dấu vết quá khứ đó, dù có là một sự khôn ngoan chính trị thì cũng đè nặng lên đường hướng phát triển của quốc gia theo một cách thế không đáng hãnh diện mấy. Hai ông Chủ tịch nước từng tỏ lộ sự bất lực của mình, nghĩa là sự kém thế của địa phương mình: Tôn Đức Thắng (“Tao cũng sợ bọn nó”), Nguyễn Minh Triết (lặp lại lời thầy cò văn học ngớ ngẩn). Trương Tấn Sang như người tị nạn ở đất Bắc vì mắc cái rớp Năm Cam. Ông thủ tướng được lấy từ một vùng cho là có khuynh hướng phóng khoáng thì cũng không thoát khỏi những kềm kẹp của thực tế chính trị chung để lợi dụng thăng tiến cho bản thân. Có đem văn chương xu phụ rổn rảng ra kêu gào tình tự dân tộc thì cuộc chiến vừa qua cũng vẫn là thắng lợi của phần phía Bắc, đã đưa đến một tình trạng Nam tiến tràn ngập chưa từng có trong lịch sử, mang cả cây cối như cây hoa sữa nồng nặc “mùi thơm” trên các tỉnh Miền Trung, tràn lên Tây Nguyên, xuống đến Trà Vinh, lấn lướt khiến dân Nam Kì chịu phận đàn em mà vẫn ấm ức. Nghe Lê Văn Tám của địa phương bị đánh đổ để chứng minh cho tinh thần trung thực của sử học thời đại có Đảng mà không dám đề cập tới Phan Đình Giót, La Văn Cầu. Lũ “con cháu mấy đời hoang” không thường nghe nhắc “Ta nhớ người xưa, ôi Nguyễn Hoàng”, không thể đòi lại tên đường, tên trường đã bị Tổng Bí thư Trần Phú, uỷ viên Đệ Tam Quốc tế Lê Hồng Phong chiếm đoạt nên cầy cục vận động một phong trào Thế kỉ XXI nhìn lại Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, nhà Nguyễn… để có những tên trường nơi khuất lấp hơn, hay né tránh chen vào nơi ở mới những Nguyễn Ư Dĩ, Nguyễn Phúc Nguyên… khá khuất lấp.

Sự tràn lấn còn đe doạ diệt vong cho cả những tập thể xa khuất trên Tây Nguyên, những người dù đã mất tiếng Man/Mọi/Thượng vẫn không được đối xử khá hơn. Những nhóm di dân 1954 vào các khu trù mật, dinh điền tuy làm nổi lên phong trào FULRO nhưng chưa đủ làm xáo trộn phần đất này như tình trạng không ai ngăn chặn được bàn tay Đảng sau 1975, lúc đầu với những cuộc di dân khai hoang vỡ hoá kiểu truyền thống: “Đấy, cứ vào mà chặt, bao nhiêu thì nhiêu , để lấy đất làm ruộng, trồng khoai”. Rồi văn minh hơn, với rừng cà phê đưa mức sản xuất chỉ sau Brazil, với mỏ bauxit đứng hàng thứ ba (?) trên thế giới. Tê giác tuyệt giống, voi nhà tàn tạ không có voi rừng kế tục mà còn bị săn đuổi cả những nhúm lông đuôi. Cồng chiêng bị đem ra rao bán dù cũng có những tổ chức hội thảo xin được bằng cấp UNESCO, thực hiện được tính cách vừa phô trương chính sách vừa thoả mãn tính hiếu danh truyền thống. Công thần các tộc thiểu số trong cuộc chiến được Đảng hoá, chỉ còn chờ chết để được ma chay rình rang.

Dấu vết sông Gianh với sự đoạt chiếm hai kinh đô sau 1975, tuy làm cho Huế ngỡ ngàng nhưng khiến “Miền Trung” chỉ còn là phía nam đèo Hải Vân thôi. Ông Võ Chí Công còn hãnh diện vì công tích vào sinh ra tử nhưng ông Trần Đức Lương quả là “đẻ bọc điều”. Sự phát triển của phần phía Nam, nhất là phần cuối chỉ có nghĩa là một sự cung phụng cho phần phía Bắc hãnh diện cố giữ “nếp nhà”, “truyền thống”, “tính dân tộc xã hội chủ nghĩa”… thực tế là ghìm phát triển nên cũng góp phần đẩy lớp di dân tự do, cuối thế kỉ XX tràn ngập các thành phố phía nam, hay lén lút phá rừng trên núi đồi phía tây. Vét cạn kiệt than đá ở Quảng Ninh cho Trung Quốc thì người ta cào bới bauxit trên Tây Nguyên, bùn đỏ có lan tràn thì ngập lưu vực Đồng Nai chứ không đổ xuống đồng bằng sông Hồng. Lập vài nhà máy nguyên tử (biết rằng) không an toàn thì đặt ở xứ Ninh Thuận của Chàm cũ chứ không trên đất Hà Nội để hưởng nguồn điện lực văn minh gần gũi. Cho mãi đến năm 2009, một chuyên viên còn cho thấy sự phân phối chênh lệch không che giấu về nghiên cứu (83/14 đề tài) dành cho các trường Hà Nội so với các trường Huế, Cần Thơ, và Sài Gòn, nơi được coi là hãnh diện mang tên người sáng lập đất nước hiên tại. Cả vùng đồng bằng Cửu Long cung cấp đến 90% lượng lúa gạo xuất khẩu mà không được hoàn trả đúng mức, khiến cho mực sống của dân chúng chỉ được đứng vào hàng trên vùng Tây Bắc (thượng du Miền Bắc). Việc điều chỉnh các quan điểm chính trị về nhân vật, sự kiện xảy ra ở phần đất phía Nam thật là chật vật, có khi phản ứng chống đối lại đùn đẩy cho thành phần kiên định bảo thủ ở địa phương cho có vẻ công bình, dân chủ mà thật mang tính chất quyết định nếu không có quyền lợi phía Bắc chen vào. (Ví dụ vấn đề nhà Nguyễn). Có phải đàn áp dân chúng thì việc thi hành ở phía Nam cũng thực hiện dễ dàng, suôn sẻ hơn vì vướng vất ưu thế chống “nguỵ” đâu đó. Chỉ nhìn vào tình hình biểu tình trong các tháng 6-8/2011 ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là thấy dấu vết rơi rớt bạn thù ở nơi nào rồi. Có nghĩa là đường hướng điều hành lãnh đạo vẫn đến từ phía Bắc theo đúng vị trí dành cho Tổng bí thư. Cho đất nước giẫm trên vết mòn cũ được mở thành đại lộ thênh thang, tít tắp mù khơi.

Với thời mới thì sức mạnh vẫn có dáng dấp đạo lí kèm theo. Cho nên tuyên truyền về Hùng Vương cao rao từ ông Chủ tịch đầu tiên, được phụ hoạ khoa học đeo theo trống đồng Đông Sơn bao phủ khắp nước, với sao bản khu đền Nghĩa Lĩnh ở Đà Lạt, với các đền Hùng nằm ở các tỉnh, có khi cố gắng kèm theo đền Quốc mẫu Âu Cơ tận Đất Mũi Cà Mau, hình như là từ một miếu Bà Thiên Hậu của đám người Hoa phỉnh nịnh địa phương, khôn ngoan cầu đất sống! Các ông vua Hùng chính thức không những có thêm niên hiệu, mà 98 “lang” đầu tiên (Lang Liêu có tên rồi!) cũng được vẽ tên đẹp đẽ trong sách Bộ Giáo dục dạy thành phần lãnh đạo tương lai. Quốc tổ, Quốc mẫu đội mũ Đường tăng, ông vua Hùng ngự trong Kim Điện hoành tráng của khu vui chơi ở Bình Dương mang dáng truyện tích phim ảnh Trung Quốc (Lục địa, Hongkong, Đài Loan), có các nhân vật đứng đầu nước, không thiếu một ai, đến chiêm bái, gộp cả Đại sứ Mĩ M. Michalak như cầu chứng quốc tế. Với sự ép uổng chèo kéo, chắc là cuối cùng Phú Thọ cũng lãnh được bằng UNESCO để có sự chuẩn nhận là Đất Tổ của dân tộc. Vậy là bởi thiếu một lí thuyết chính trị mà chưa có thể bỏ giáo trình mac-lênin nhồi nhét cho học trò, đảng viên vì còn cần phải gắn bó với công tích mới đây, người ta mơ hồ xây dựng một chủ nghĩa Huyết thống tập thể cho tính chính nghĩa của thời thống nhất mới. Cho nên dù là hết chiến tranh, với những đầu óc mang đầy tính truyền thống địa phương như thế, con đường hướng về phương Bắc xa là dĩ nhiên, dù mới có xung đột nổ bùng, xung đột mang hãnh diện ban đầu nhưng càng về lâu càng thấy thấm đòn bất ngờ. Nhất là với tầng lớp thừa hưởng sự sung túc của hậu chiến, thay thế lớp người dày dạn cực nhọc trong chiến tranh.

Mơn trớn vỗ về và cúi đầu tuân phục, giận dữ mắng nhiếc và giả lả làm thân là chuyện muôn đời của hai nước Trung Việt. Điều đó không thể nào không trở lại trong thời kì có “tiến trình vương hoá mới (1949-?)” xảy ra trong cuộc chiến giành độc lập, với thời kì xoay đổi “gió Đông thổi bạt gió Tây” trên tầm diện địa toàn cầu. Hết chiến tranh, cái thế dựa dẫm đa phương chấm dứt, sự chọn lựa thiên lệch đã thành hình, gió Đông trở thành gió Bấc lạnh căm căm, triền miên để quá khứ trỗi dậy thúc đẩy hành động đã trở thành tự nhiên. Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh khi bị Nguyễn Huệ xua đuổi, Quang Toản cũng gởi sứ bộ qua Thanh khi bị Nguyễn Ánh truy bức, rồi đến Tự Đức đang khó khăn nhiều năm với dư đảng Thái Bình Thiên Quốc mà cũng mời quân Thanh đối phó với quân Pháp. Trước hoàn cảnh đe dọa mất địa vị, bản thân tinh thần dân tộc không còn chỗ đứng thì lại được tính chất đồng văn ngày xưa – thêm tình đồng chí ve vản bây giờ, mời gọi phân bua cho hành động cầu viện, có di chứng kì thị Di Man “chống diễn biến hoà bình” vơ vào chính nghĩa cho sự kết hợp. Đã nói: “Giữ chính quyền còn khó hơn…”, mà đã chiếm chính quyền bằng bất cứ giá nào thì đương nhiên cũng phải giữ chính quyền với bất cứ giá nào, huống là nay đã có thêm quyền lợi thủ đắc to lớn có triển vọng vô chừng không thể đánh mất, để tưởng tượng ra thảm cảnh “nằm gầm cầu Thăng Long” một khi bị hất cẳng, như nhà lãnh đạo đã tiên liệu cho tầng lớp mình.

Cho nên cũng là chuyện thường tình khi Liên Xô trên đà sụp đổ, dù bị pháo biên giới sẵn sàng nhả đạn, người ta kéo nhau qua Thành Đô cầu hoà (1990). Những người chủ trương cũng thật là kẻ tiêu biểu của tình thế: ông Đỗ Mười níu kéo thời ân tình xã hội chủ nghĩa say đắm thà mất đất cho bạn chứ không đành để cho nguỵ, tư bản chiếm đoạt, kết hợp đúng cơ hội với ông Nguyễn Văn Linh, người một lúc sau năm 1986, hăng hái “cần làm ngay” để rồi thấy nguy cơ của đổi mới là làm đánh mất công tích lao khổ mấy mươi năm của mình, của Đảng. Tuy nhiên về mặt thực tế, đây là một chiến thuật đúng đắn, có nền tảng tồn tại dài lâu khiến cho những kẻ muốn tranh chiếm quyền hành, vốn không cần đến tiếng nói của dân chúng, thấy có thể vượt qua được các sự kèn cựa bên trong tập thể chóp bu bằng cách hướng sự vận động ngay từ Bắc Kinh xa. Và thấy thành công. Trong thời gian xung đột biển Đông nổ bùng vì người anh lớn chèn ép thái quá, gây những cuộc biểu tình tưởng chừng không còn có thể xảy ra ở đất nước này, quan sát viên ngoại quốc đã đoán là tình hình sẽ dịu đi vì có Tổng bí thư thân với Trung Quốc, với một bộ sậu cai trị mới trình làng, biểu lộ một quyền lực không suy suyển bên trong, chấp nhận cầu thân không màng tăm tiếng!

Các lãnh tụ đã không phải cô độc trong hành động cứu Đảng như thế. Quang Trung, Nguyễn Ánh cả hai đều mới chiến thắng mà phải cầu hoà, cầu phong chỉ vì lớp sĩ phu Bắc Hà các ông nhờ cậy chỉ thấy có mỗi một con đường đó. Người ta nhắc đến “bài học lịch sử” thâm nhiễm từ trong cốt tuỷ mà không thấy rằng lịch sử là chuyện của quá khứ mà tương lai thì nằm trong tay người hiện tại, cho nên không thể có bài học lịch sử nào phải lặp lại hết. Ấy thế mà người ta vẫn nhắc: “Từ ngày xưa, ta vẫn phải cầu phong…” Và nhà ngoại giao viện dẫn tục ngữ ca dao quen thuộc trong vùng của thời xưa cũ, áp dụng cho đời mới: “Một câu nhịn là chín câu lành / Lạt mềm buộc chặt”… để biện minh cho cách hành xử thậm thụt ở tương quan quốc gia, dù thật là lạc lõng với thế giới ngày nay. “Đảng”, tự bản chất, và qua chiến tranh cũng chưa từng biết được một đường lối ngoại giao giữa quốc gia với quốc gia thì hành xử như thế không phải là chuyện xa lạ.

Chưa nói đến sự đe doạ tổng thể, cả miền Bắc (rồi vào tận tột cùng phía Nam) rõ là đang tiêu thụ hàng hoá Trung Quốc như một cách thế hối lộ triều cống, đang sống trở thành thói quen theo các cơn sổ mũi, ấm đầu, dở chứng tinh nghịch của các tỉnh bên kia biên giới. Sự lệ thuộc kinh tế thật không cần giấu diếm, nói gì đến lệ thuộc tinh thần. Hãy nhìn các dãy phố treo đèn lồng đỏ trên vài tỉnh Miền Bắc vào dịp Tết, ngày kỉ niệm, theo lệnh phát xuất từ chính quyền địa phương để thấy kẻ nội thù đông đúc êm dịu bên mình. Sự sợ hãi có cái thân tình nằm bên trong nên che lấp được sự phân vân. Việc xoá bỏ các dấu tích “chống Tàu” trong quá khứ, thực hiện từ bên trên làm cho anh công an xã coi việc nể nang người công nhân nước bạn quậy phá xóm làng chỉ là làm đúng chủ trương của thời mới, không thấy là chạm đến quyền uy ngày thường của anh để anh khỏi nặng tay như khi dẫn đến tai vạ chết người dân cùng nước.

Rõ là không phải chỉ nhà ngoại giao bị kềm hãm với quá khứ. Các tay làm ăn trong nước, ngay cả trước thời vào WTO, cũng thấy giao thiệp với người Trung Hoa là theo được một nền nếp quen thuộc, là thuận lợi hơn với các công ti Âu Mĩ phải chịu nhiều ràng buộc pháp luật, có tính cả điều khoản đạo lí kinh doanh, như đã thấy với các công ti Nhật Bản, Australia. Thời đại mới, chính trị không còn là thống soái miễn là không phạm đến quyền uy của Đảng, nhất là với tình trạng có các cơ quan chủ quản mà sự yếu kém năng lực quản lí còn là do bởi sự khích động tiền bạc thu tóm, đi theo với tính bẩn chật bòn rút có gốc rễ từ trong quá khứ xa, thật xa. Các nhà kinh doanh Hongkong, Đài Loan đắc thế ở phía Nam, núp bóng các nhân vật Việt, cơ sở Việt bao chiếm công việc, thu tóm tài nguyên đâu có cần phải giương cao cờ đỏ, sao tua chùm! Có sẵn đất để các thầy cò xúi giục cho mướn nên không biết, và không cần tạo dựng cơ sở cho nền kĩ nghệ nội địa để vượt thoát giai đoạn vét của nhà ra ăn. Sợ mất quyền lực nên chỉ để tư nhân góp phần nuôi sống chế độ qua chừng mực nuôi sống bản thân họ, được sao hay vậy, chừa tổng lực cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước chủ đạo nằm dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng với kiến thức như đã biết. Vì thế, vì không thực chất nên tàu Vinashin chưa “ra biển lớn” đã chìm, chưa kể là biển Đông đã bị ngăn chận với 9 hải lí được chỉ định, khiến tầng lớp lãnh đạo né tránh, nhẫn nhịn không che giấu, thẳng tay đàn áp phản ứng bên trong dù biết là có hại cho uy tín của mình. Có những ngăn chận hội bàn về biển đảo. Trong các trưng bày biểu diễn hội lễ đã không thấy bóng dáng Hoàng Sa, chỉ còn Trường Sa gượng gạo. Họ “sợ” thấy rõ nhưng chút máu mặt hiện lại nhờ sự thúc đẩy của quần chúng, lại phải chuyển qua trấn áp để dành ưu tiên cho sự tồn tại (may ra) vững bền của Tổ chức. Hai thực thể Triều đình và Đất nước của truyền thống vẫn còn đó để có những ứng xử co rút, dùng dằng, bất chợt phản ứng… xuất hiện trên xứ sở Việt Nam của tình thế độc lập, hậu thống nhất.

Đây không phải là định mệnh, mà là chặng đường lịch sử của con người Việt Nam cụ thể thời hiện đại, tạo dựng ra. Và thế kỉ XXI đã khác. Đã qua rồi, thế hệ (19)75 hồ hởi phấn khởi hay ngậm ngùi cay đắng, tất cả nay chỉ còn là vang bóng gượng gạo. Đường cầu vượt sông, xuyên núi, lấn biển. Thành phố ngợp người với các cao ốc muốn cạnh tranh ở tầm mức thế giới nhưng cũng còn chừa chỗ cho danh xưng “dinh” của các Thị uỷ, Tỉnh uỷ với cờ phướn ngập đường, phần phật tung bay đầy uy thế. Thế hệ hiện tại hưởng thành quả 1975 với Mercedes, cellphone, internet… đã định hình khá rõ, rõ ràng thờ ơ với các vấn đề chính trị dù vẫn còn dáng dấp hiện diện qua các biến động năm 2011 của các tân cựu hương chức, trưởng họ, trưởng ngõ và tuần đinh Đại Việt trên đất Đại làng Hà Nội (Lady Borton), thủ đô của Triều đại Đảng cường ngạnh vững vàng bám trụ. Sự xoay chiều Đổi mới thu thập kĩ thuật phương Tây, trong tình thế của sự ru ngủ hãnh diện “trở về với dân tộc / truyền thống”, đã làm đà cho “tiến trình vương hoá mới” có cơ sở vững chắc thêm. Chút ảnh hưởng từ phía đối ứng di man chỉ là dấu vết phản ứng theo “lề trái”, chìm lấp trong xầm xì, lạc loài trên mạng toàn cầu, đẩy đưa một tình hình chuyển biến về một xã hội dân sự tiến triển rất chậm chạp và cực nhọc, đổ tội tình xuống đầu một vài cá nhân lạc loài, nhiệt thành hứng chịu. Trong khi đó một nước Trung Hoa lớn mạnh, tự phụ với nền văn minh cổ truyền của mình, muốn tìm thêm dạng mới, một thứ Pax Sinica vương hoá mới có hướng vọng toàn cầu, mở rộng ngay ở vòng trong với chủ trương “một nước ba chế độ” thì cũng cần giữ một đàn em ngoan ngoãn bất định ở vòng ngoài, như đã có một đàn em ươn ngạnh ngông nghênh phía đông bắc. Cho nên, có thể là về lâu về dài vì bị ép đến kiệt lực, sẽ chỉ mất / buông bỏ “các bãi chim ỉa” chứ nước không mất đâu, bởi vì nếu có đe doạ mất thì sẽ có tận lực chống đánh. Sự lấn lướt của Trung Quốc vốn cũng là một yếu tố giữ gìn quyền lực, tiêu cực là mong mỏi các nước liên quan (Mĩ, Đông Nam Á) thấy động chen vào, tích cực là dân chúng vẫn phải né tránh chuyện xô đổ Đảng. Sẽ vẫn còn ghế ngồi ở Liên Hiệp Quốc để lên tiếng, còn cờ để phất, còn dân chúng để vuốt ve và trấn áp, còn ban bệ chính quyền cho lịch sử đang đi tới… Phần còn lại vẫn sẽ đủ cho cuộc sống làng nhàng, vất vưởng có thứ bậc để mà hãnh diện với nhau, như ngày xưa. Vì thế chỉ e là phải nhẫn nhịn tuỳ thuộc dài lâu dù có những trái chứng bất chợt. Cũng như ngày xưa.

sau Tết Nhâm Thìn 2012

SÁCH BÁO THAM KHẢO

Phần Một

Borri, Cristophoro, Xứ Đàng Trong năm 1621, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. TP. HCM 1997. Có lẽ vì ảnh hưởng “thời thế” mà người ta đã sử dụng một bản gốc quá sơ lược. Có thể xem một bản khác cũng dễ tìm, nơi BAVH 1931/3-4.

Chu Thuấn Thuỷ, Kí sự đến Việt Nam năm 1657 (bản dịch An Nam cung dịch kỉ sự của Vĩnh Sính), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, H. 1999.

Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch, chú, Nxb. Thuận Hoá, Huế 2001.

Đại Việt sử kí toàn thư, Bốn tập, bản dịch và nguyên văn, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1993.

Đại Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, Đinh Khắc Thuân đối chiếu, chỉnh lí, Nxb. Thuận Hoá 2005. Khác với bản dịch 1960, điều nổi bật rõ rệt của bản in lần này là có kèm theo nguyên văn chữ Hán, chỉ tiếc là người chỉnh lí không chịu giữ nguyên cách trình bày theo bản văn cổ mà lại xếp các trang theo lối tân thời bây giờ trong khi không thể đổi cách thu xếp các dòng chữ bên trong trang (từ trên xuống dưới, rồi trở lên đầu từ phải sang trái) nên gây lúng túng cho người đọc. Không hiểu từ đâu có cảm hứng “cải cách” này bởi vì đã thấy xuất hiện đều đặn trong trong các bản văn cổ của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học cũng như nơi bản in lại An Nam chí lược của Nxb. Lao Động và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây 2009, từ bản dịch của Viện Đại học Huế 1961.

Dampier, W., Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Hoàng Anh Tuấn dịch, chú, Nxb. Thế Giới, H. 2006.

Đặng gia phả hệ toản chính thực lục và Đặng gia phả kí tục biên, Ngô Thế Long dịch, Nxb. Thế Giới 2006.

Hà Tiên trấn Hiệp trấn, Mạc thị gia phả, Hà Tiên – Kiên Giang, Nguyễn Văn Nguyên dịch và chú thích, Nxb. Thế Giới 2006.

Hồ Nguyên Trừng, “Nam Ông mộng lục” trong Nam Ông mộng lục và các truyện khác, Nxb. Văn học, H. 2001. Cũng có in trong Thơ văn Lí Trần tập III.

Hồng Đức thiện chính thư, Nguyễn Sĩ Giác phiên dịch, Vũ Văn Mẫu đề tựa, Nam Hà Ấn quán, Sài Gòn 1959.

Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, quyển nhất, Lê Mạnh Liêu dịch, tập nhì Đàm Duy Tạo dịch, Bộ QGGD xb., Sài Gòn 1963, 1965.

Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa Học, H. 1964.

Lê Quý Đôn, Vân Đài loại ngữ, Trần Văn Giáp dịch, Nxb. Văn hoá Thông tin, H. 2006.

Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch Viện Đại học Huế 1961. Như đã nói, hiện có bản mới 2009.

Lí Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, bản dịch của Lê Hữu Mục 1960, Cơ sở xuất bản Đại Nam in lại ở Hoa Kì, không năm.

Lê triều chiếu lịnh thiện chính, Nguyễn Sĩ Giác dịch, Nhà in Bình Minh, Sài Gòn 1961.

Ngô Cao Lãng, Lịch triều tạp kỉ, Hoa Bằng, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1995.

Ngô Thì Chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Ngô Tất Tố dịch, Tự Do tái bản, Sài Gòn 1958. Có các bản dịch mới hơn nhưng không tiếp cận được.

Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ & Nguyễn Thúy Nga dịch, chú, giới thiệu, Nxb. Hội Nhà Văn 2003.

Phan gia công phả, Gia Thiện – Hà Tĩnh, Nguyễn Ngọc Nhuận dịch và chú giải, Phan Huy Lê hiệu đính, Nxb. Thế giới 2006.

Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch Ba tập, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1992.

Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, bản dịch Viện Sử Học, H. 2009.

Quốc sử quán Nguyễn, Đại Nam thực lục (tiền biên và chính biên), Mười tập, Nxb. Giáo Dục, từ 2002.

Quốc sử quán Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (tiền biên và chính biên), Bốn tập. Nxb. Thuận Hoá 1993. Đáng lưu ý, trong các sách dịch từ chữ Hán chuyển qua chữ quốc ngữ, việc coi sóc in ấn không được kĩ lắm (cả trong sách của Bộ GD xuất bản) nên phát sinh những sai sót mà phải có chữ Hán kèm theo thì mới tránh được lầm lạc. Mỗi một dấu của chữ Việt ngày nay là thêm hay bớt một chữ, mang nghĩa hoàn toàn khác mà người ta hình như không quan tâm lắm, ví dụ đã thấy nơi sách của một sử gia được tán tụng, có tên Đỗ THÀNH Nhân thay vì Đỗ THANH Nhân!

Quốc sử quán Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, 5 tập, bản dịch Viện Sử Học Việt Nam, Nxb. Thuận Hoá 2006.

Quốc triều hình luật (Hình luật triều Lê), Lưỡng Thần Cao Nãi Quang dịch, Nhà in Nguyễn Văn Của, Sài Gòn 1956.

Tavernier, Jean-Baptiste, Tập du kí mới và kì thú về Vương quốc Đàng Ngoài, Lê Tư Lành dịch, Nxb. Thế Giới, 2005.

Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái, Lê Hữu Mục dịch, Nxb. Khai Trí. Sài Gòn 1961.

Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn Quốc gia – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, [Ngô Thì Sĩ] Đại Việt sử kí toàn thư tiền biên, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1997.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, Ba tập, Nxb. Văn Học 2001. Cũng như các tập cùng loại, sách này có tính cách bề thế, công phu, với bản chữ Hán kèm theo nhưng có rất nhiều khuyết điểm về mặt nghiên cứu vì những sơ hở phương pháp học, nhất là vì vướng phải tinh thần bảo thủ chặt chẽ của người chủ trương khiến cho đến thế kỉ XXI mà đọc vẫn tưởng như ở những năm 60 của thế kỉ XX.

Trương Như Tảng with David Chanoff and Doan Van Toai, A Vietcong Memoir, Harcourt Brace Jovanovitch Publishers, San Diego, New York 1985.

Vũ Đình Hoè, Thanh Nghị, Hồi kí, Nxb. Văn học, H. 2000.

Phần Hai

Barker, R. Allan, Dr., The Historical Cash Coins of Việt Nam, Part I: Official and Semi-Official Coins, Singapore 2004.

Chandler, D., A History of Cambodia, 2nd edition, Silkworm Books, Bangkok 1993.

Chiêm Toàn Hữu, Văn hoá Nam Chiếu Đại Lí (bản dịch), Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2004.

Coedes, G., Les peuples de la péninsule indochinoise, Dunod, Paris 1962.

Commerce et navigation en Asie du Sud-Est (XIVe-XIXe siècle), Nguyên Thê Anh – Yoghiaki Ishizawa eds., L’Harmattan, Paris 1999.

Đào Duy Anh, Chữ nôm, nguồn gốc – cấu tạo – diễn biến, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1975.

Đào Duy Anh, Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội 2003.

Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ quốc ngữ (1620-1659), Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn 1972.

Fairbank, John King, China, a New History, Harvard University Press, Cambridge Massachusetts, London 1992.

Groslier, Bernard Phillippe, Indochine – Carrefour des arts, Ed. A. Michel, Paris 1961.

Guillemot, Francois, “Trực diện với cái chết và nỗi đau: vấn đề Thanh niên Xung phong trong chiến tranh Việt Nam (1950-1975)”, Talawas blog, tháng 4-2010.

Hà Văn Tấn – Phạm Thị Tâm, Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông – Thế kỉ XIII, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1975.

Hồ Sơn Diệp, Trí thức Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, 1945-1954, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2003.

Hall, Kenneth, R., Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia, University of Hawaii Press, Honolulu 1985.

Higham, Ch., The Bronze Age of SEA, Cambridge University Press 1996.

Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Thiếu Hương, Nguyễn Đại Phúc, Đặc khảo về hát sắc bùa, Trung tâm Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh xb. 2000.

Inrasara, Văn học Chăm. Khái luận – Văn tuyển, Nxb. Văn hoá Dân tộc 1994.

Inrasara, Ariya, Nxb. Văn Nghệ 2006.

Inrasara, Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố Chăm, Nxb. Văn hoá Dân tộc 2006.

Jacques, Roland, Les misionnaires portugais et les débuts de l’Eglise catholique au Viet-nam – Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kì đầu của Giáo hội Công giáo Việt nam, Bilingue, tome I, Định Hướng Tùng thư, 2004.

Khuất Đẩu, Những tháng năm cuồng nộ, Thư Ấn Quán (Mĩ) xuất bản, 2009. Tuy đề là “truyện dài” nhưng là thuật lại diễn biến rất sát với thực tế xảy ra ở một vùng quê hương Bình Định của tác giả, qua hai cuộc chiến tiếp nối 1945-1975. Tính chất của một địa phương khuất lấp cho ta thấy những sự kiện thật thà, trần trụi thường là được tô vẽ ồn ào ở những trang sách của các địa phương lớn, nói về các nhân vật lớn.

La frontière du Vietnam – Histoire des frontières de la péninsule indochinoise, L’Harmattan, Paris 1989.

La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn (1908-1996), Hữu Ngọc – Nguyễn Đức Hiền sưu tập, biên soạn, Nxb. Giáo Dục, H. 1998; tập I: Con người và trước tác (Phần I); tập II: Trước tác (Phần II: Lịch sử); tập III: Trước tác (phần III: Văn học).

Lại Nguyên Ân, Phan Khôi – Tác phẩm đăng báo 1929, Nxb. Đà Nẵng – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây 2005.

Lê Thành Khôi, Histoire du Viet Nam des origines à 1858, Sudestasie1982.

Lê Trung Hoa, Họ và tên người Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội 2005.

Lê Trung Hoa, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ và tiếng Việt văn học, Nxb. Khoa học Xã hội 2005.

Li Tana, Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỉ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ 1999.

Li Tana, “A View from the Sea: Perspectives on the Northern and Central Vietnamese Coast”, Journal of Southeast Asian Studies, 37(1), February 2006, pp. 83-102, The National University of Singapore 2006.

Lương Ninh, Lịch sử Vương quốc Champa, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội 2004.

Lương Ninh, Vương quốc Phù Nam – Lịch sử và văn hoá, Viện Văn Hóa & Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2005.

Lý Chánh Trung, Một thời đạn bom, một thời hoà bình, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai 2005. Dù là loại “tuyển tập”, dấu vết còn lại cũng cho thấy “một thời thành thực ngây thơ” để cho Nguyễn Văn Linh khen “Lý Chánh Trung là một người cộng sản không Đảng”, và một thời rụt rè giác ngộ để cũng ông Tổng bí thư mắng là “kẻ cơ hội” khi thấy Liên Xô tan rã, đòi Đảng thôi dạy Mácxít trong trường học.

Maybon, Charles B., Những người châu Âu ở nước An Nam, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb. Thế Giới, 2006.

Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, Viện Văn Hoá & Nxb. Văn hoá Thông tin, H. 2004.

Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Đại Việt, Viện Văn Hoá & Nxb. Văn hoá Thông tin 2005.

Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam, Quốc hiệu và cương vực qua các triều đại, Nxb. Trẻ 2007.

Nguyễn Đình Lê, Lịch sử Việt Nam 1954-1975, Nxb. Giáo Dục Việt Nam 2010. Với áp lực của thời đại trên lớp sử gia công chức, quyển sách cũng nhắc đến tên hai thực thể tương đương: Việt Nam Cộng hoà và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng có gắng gượng lắm thì cũng chỉ đến thế mà thôi. Các bước tiến triển của lịch sử được trình bày trong thời gian đó vẫn không qua cái khung được vẽ trong Văn kiện Đảng, của các bài học thấy thường xuyên sau 1975, do đó các sự biến chính trị, kinh tế, xã hội… chen vào trong sách dù của thế giới, dù của VNCH cũng vẫn lổn nhổn không hồn vía, không cho thấy có tác động gì trong tình thế chung của đương thời, của tương lai gần, ngoài lí do hiện diện để giải thích chiến thắng 1975. Mà điều này thì lại không cần một quyển sử mới của Hà Nội.

Nguyễn Đình Tư, Non nước Ninh Tbuận, Nxb. Thanh Niên 2003.

Nguyễn Kỳ Phong, Từ điển chiến tranh Việt Nam, Nhà sách Tự Lực xb., Garden Grove, CA 2009.

Nguyễn Ngọc San. Tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, Nxb. Đại học Sư phạm, 2003.

Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1979.

Nguyễn Thế Anh, Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, bản in lần thứ nhì, Nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn 1951.

Nguyễn Thế Anh, Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ, Nxb. Văn Học tái bản, Hà Nội 2008.

Nguyễn Văn Huyên, Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, “Góp phần nghiên cứu văn hoá Việt Nam”, tập 1, Nxb. Khoa Học & Xã Hội, H. 2003; tập 2: “Văn minh Việt Nam” (1939).

Nguyễn Văn Trung, Tập họp rải rác những thu gom tài liệu thời chiến tranh, các hồi kí của tác giả về tình hình đương thời trong đó có sự tham gia của tác giả. Chúng tôi cũng được sao hay vậy, như thói quen trong tình thế của riêng mình.

Nhà Bảo tàng Đồng Nai, Lịch sử Cù lao Phố, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai 2007.

Nhiều tác giả, Đại cương lịch sử Việt Nam, Ba tập. Nxb. Giáo Dục, H. 2000.

Nhiều tác giả, Lịch sử Việt Nam, Nxb. Trẻ, Tp. HCM. Dự định gồm 6 tập, đến giữa năm 2007 thấy xuất hiện ba tập và có vẻ không có kết thúc. Hình như đây là một dự tính viết lịch sử Việt Nam khác với trung ương nhưng cuối cùng đuối sức.

Nhiều tác giả, Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 2004.

Nhiều tác giả, Những vấn đề lịch sử Việt Nam, Nguyệt san Xưa & Nay, Nxb. Trẻ, 2001.

Nhiều tác giả, “Đêm trước” Đổi mới, Báo Tuổi Trẻ – Nxb. Trẻ, Tp. HCM. 2006.

Nhiều tác giả, Bài thơ gây chấn động dư luận & “Đêm trước” Đổi mới, Báo Tiền Phong – Nxb. Thông Tấn, H. 2006.

Papin, Philippe, Việt Nam, Hành trình một dân tộc, (nguyên tác: Việt Nam – Parcours d’une nation), Nguyễn Khánh Long dịch, Toronto 2001.

Phạm Hồng Tung, Nội các Trần Trọng Kim – Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2009.

Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử (1862-1945), in lần thứ hai, Tủ sách Sử học, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hoá, S. 1971.

Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries, David G. Marr and A.C. Milner eds, Singapore 1986.

Taylor, K.W. The Birth of Vietnam, Berkeley 1983.

Tchang, Mathias, Synchronismes chinois – Chronologie complète et concordance avec l’ère chrétienne de toute les dates concernant l’histoire de l’Extrême-Orient (Chine, Japon, Corée, Annam, Mongolie, etc.), 2357 av. J.C. – 1904 apr. J.C., Imprimerie de la Mission Catholique, Chang-Hai 1905.

Tập bản đồ hành chính Việt Nam, Nxb. Bản Đồ, H. 2003

The Cambridge History of Southeast Asia, Vol. I, From Early Times to c. 1500, Nicolas Tarling ed., Cambridge University Press 1999.

Thơ văn Lí Trần, tập II, quyển Thượng, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1989

Thơ văn Lí Trần, tập III, Nxb. Khoa học Xã hội, H.1978.

Tô Hoài, Ba người khác, Nxb. Đà Nẵng, 2007. Sách mượn danh “tiểu thuyết”, có lẽ một phần để tránh né tự ái người cầm quyền tuy khác thế hệ nhưng cùng một xuyên suốt quyền lực, do đó vẫn dính dáng tới trách nhiệm về biến động cải cách ruộng đất được vẽ lại ở đây. Phần khác cũng có lẽ chính là sự tự phủ nhận quá khứ của tác giả vì Tô Hoài cũng từng tham gia tích cực vào biến cố với vai trò Đội phó đội cải cách, Chánh toà án đội, và tiếp theo cũng từng được hưởng nhiều ưu thế dành cho nhân vật trong giới văn nghệ phục vụ tích cực cho chế độ.

Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hoá Thông tin tái bản, H. 1999.

Trung tâm nghiên cứu Khảo cổ học, Một số vấn đề khảo cổ học ở Miền Nam Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 2004.

Trương Hữu Quýnh, Chế độ ruộng đất ở Việt Nam – Thế kỉ XI-XVIII, Nxb. Khoa học Xã hội, tập I: Thế kỉ XI-XIV, 1982, tập II: Thế kỉ XV-XVIII, 1983.

Tsuboi, Yoshiharu, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, (bản dịch của Nguyễn Đình Đầu và ctv.), Hội Sử học Việt Nam, H. 1993. Đến 2011 sách đã có 4 lần xuất hiện ở Việt Nam.

Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Bắc), Nxb. Khoa học Xã hội 1978.

Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Nam), Nxb. Khoa học Xã hội 1984.

Viện Văn học, Hoàng đế Lê Thánh Tông – nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1998.

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nguyễn Quang Hồng chủ biên, Nxb. Khoa học Xã hội, H. 1993

Wheeler, Ch., “Re-thinking the Sea in Vietnamese History: Littoral Society in the Integration of Thuận Quảng, Seventeen-Eighteen Centuries, Journal of Southeast Asian Studies, 37(1), February 2006, pp. 123-153, The National University of Singapore 2006.

Whitmore, John K., “The Rise of the Coast: Trade, State and Culture of Early Đại Việt”, Journal of Southeast Asian Studies, 37(1), February 2006, pp. 103-122, The National University of Singapore 2006.

Võ Bá Cường, Chuyện tướng Độ, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội 2007.

Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày (hồi kí chính trị của một người không làm chính trị), Văn Nghệ xb. California 1997.

Cũng từng tham khảo bài viết từ các tâp họp có định kì hay không mà người viết may mắn có dưới tay:

Khảo cổ học,

Nam Bộ, đất và người,

Nghiên cứu Huế.

Nghiên cứu Lịch sử,

Những phát hiện Khảo cổ học mới, năm..,

Xưa và Nay,

Riêng biệt: CD-ROM Bulletin des Amis du Vieux Hue.

Lại cũng phải kể thêm các bài, sách của Tạ Chí Đại Trường liên hệ đến những vấn đề riêng biệt về sử Việt Nam, xuất hiện bất thường nơi này nơi nọ.

SÁCH DẪN

Đáng lẽ là phải xếp những mục từ theo đề tài nhưng không kham nổi thôi đành ghi đơn giản vậy.

A Adam, E. A Nỗ / Chao Anou Ả Rập adhipati Ái Châu Ái Tử akayat Alexandre VI (Giáo hoàng) Amaravati An Dương Vương An Giang An Khê An Lộc An Lộc Sơn An Nam, A Nam / Hà Nam, An Nam chí, An Nam chí lược, An Nam sử lược, An Nam Đô hộ phủ / Phủ Đô hộ An Nam, An Nam Đô thống sứ (ti), An Nam Quốc Vương, An Nam Phó Quốc Vương annamite An Tây An Tôn An Tượng Angkor, Angkor Borei, Angkor Thom, Angkor Vat Ang Mei / Quận chúa Ngọc Vân Ang Sor / Sô Anh (người, xứ) / Hồng Mao Antonius Pius Ao bà Om ariya Ân/Thương Ân đàn Đại Đạo / Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn Ấn, Ấn Độ, Ấn Độ Giáo Ấn-độ-Chi-na Ấp Chiến lược Ấp Đời mới / Ấp Dân sinh Âu, Âu Châu (người, xứ) Âu Lạc Aubaret Ấu Triệu Auriol, V. Aurousseau, L. Australia Austroasiatic/ique Autronesian/en

B Ba (sông) Ba Bình Ba Cụt (Lê Quang Vinh) Ba Đích Lai / Indravarman V Ba Điểm Ba Lạt Ba Phủ Ba Tơ Bá Đa Lộc, Pierre Joseph Georges Pigneau (de) Béhaine, Pedro, Pe-to-(r)lo Bà Ả Bà La Môn Bà Chúa Ngựa Bà Chúa Xứ Bà Banh / Bà Đanh Bà Điểm Bà Già (chùa, thôn) Bà Mađalêna Bà Maria Bà Rịa Bà Tấm / Po Nrop Bà Tím Bà Tranh / Po Thot Bà Triệu Babut, E. Bạc Liêu Bắc Hà, Nam Hà Bắc Kì Bắc Kinh / Yên Kinh Bắc Lệ Bắc Ninh Bắc Sơn (Văn hoá) Bắc Thành Bắc Thuận Bách Khoa Bách Việt Bạch Đằng Bạch Hạc Bạch Liêu Bạch Long Vĩ Bạch Mã / Bạch Mã Thái giám Bạch Sa (cồn) Bạch Xuân Nguyên Badravarma Bái Trời/Nhật / Bái Ân Bajaraka (Mặt trận) Balaha Bai Debare / Plei Bocan / Catlin / Chung Mĩ Ban Kan Luang Ban Mê Thuộc / Buôn Ma Thuột Bàn Lân / blaang (bằng lăng?) Bàn Than (đá) Bàn Văn Nhị (Cờ Trắng) Bana Bạng (cửa) Bàng Hà Bánh Ít (tháp) Banteay Bảo (Đô đốc, Đại Đô đốc) Bảo Đại Bảo Định (rạch) Bảo Lạc Bảo tàng Quang Trung Baron, Samuel bắp/ngô Barizy, L. / Ba-la-di Barrow, Jh. Batavia/Jakarta Batumriachia Bayon Bê Mi Thuế Bế Khắc Thiệu Beau, P. Bento Thiện Bến Hải Bến Nghé / Kas Krobei Bến Súc Bhadresvaravarman / Bạt đa la thư la bạt la / Ba đơ rét va ra vác man Bí Cai Bia Út Bích Câu kì ngộ kí Bích Quan / Quan Bích Biên Hoà Biển Hồ Bình Dương Bình Giã Bình Đa Bình Định (địa phương), (thành trì) Bình Khang Bình lệ (phép) Bình Nam đồ Bình Ngãi / Boh Pălriya Bình Nguyên Lộc Bình Than Bình Thuận Bình Xuyên Blao / Bảo Lộc Bolaert (Cao uỷ) Bonard (Đô đốc) Boat People Bố Cái / Vua Cái Đại Vương Bố Chính (Nam), (Bắc) Bố Đa La Bố Điền Bố Đông / Kim Trung Liệt Bố Hải Khẩu / cửa Bố Bồ / Bồ Đào Nha, vua Bồ Bộc (chùa) Bối Lí Bồn Man / Mường Bồn / Mọi Chum / Cổ Bồn Man Bombo (sóc) Borri, Ch. Bouet (Thiếu tướng) Bowyear, Thomas Bùi Bá Kì Bùi Chu Phát Diệm Bùi Dương Lịch Bùi Đắc Tuyên Bùi Hành Lập Bùi Nguyên Hựu Bùi Phổ Bùi Quang Chiêu Bùi Quốc Hưng Bùi Tá Hán Bùi Thế Đạt Bùi Thị Mè Bùi Thị Xuân Bùi Văn Khuê Buôn Chu Bửu Dưỡng (Lm.) Bửu Lộc Bửu Sơn Kì Hương

C Ca Da ca trù cá Ông (tục thờ) / cá voi cá sấu Cà Mau Cà Tráp / Choah? Cả (đèo) Cả (sông) các lái Cách Mạng Quốc Gia (nhật báo) Cách mạng Tân Hợi (Trung Hoa) Cách mạng tháng Mười (Nga) Cách mạng tháng Tám Cai Lậy Cải cách ruộng đất Calcutta Cam Lộ Campapura Canada (Kiểm soát đình chiến) Cầm (họ); Cầm Bành, Cầm Lạn, Cầm Quỳ Cẩm Sa Càn Long Canh Hãn (xã) / Cảnh Hàng Cánh đồng Chum Cao Bằng Cao Biền, Cao Vương Cao Đài Cao Hồng Lãnh Cao La Hâm Sâm Cao Lỗ Cao Man / Cao Miên , Cao Miên kỉ lược Cao Triều Phát Cao Tự Thanh cáp Duồng Caravelle (nhóm chính trị) cargo-cult cát bá / cổ bối / cát bối / kapok Cát Hanh Long Catinat (tàu chiến) Catroux (Toàn quyền) Cau (thị tộc) Cauchechina, (Basse, Haute) Cochinchine Cauchigu / Giao Chỉ quốc cày Tịch điền Cần Giờ Cần Lao Nhân Vị (đảng) / Công Nông Chánh Đảng Cần vương Câu Chiêm Câu Tiễn Cầu Kiệu Cầu ngư (lễ) Cầu Sơn Cedar Fall (Hành quân) Cơ mật (viện) Cố Du / Phú Hoài Nhân / Marchand (giáo sĩ) Cố Khải Chi Cồ Quốc Cổ Hoành (giáp) Cổ Loa (thành); (trống) Cổ Luỹ Cổ Pháp Cổ Trai Coedès, G. Commerce d’Inde en Inde Côn Lôn / Côn Đảo Côn Man Côn Nường (c/chúa) Cồn Tiên Cờn (cửa) Công dư tiệp kí Công sứ, Khâm sứ, Thống sứ Công tào Công ti Đông Ấn Cọng hoà Nhân dân Trung Quốc Cộng Sản An Nam, Đông Dương, Việt Nam (đảng) Courbet (Đô đốc) Crawford, Jh. Cù lao Phố Cù Mông Củ Chi (địa đạo) Cường Để, Kì Ngoại hầu Cử Long Cứu Quốc Quân Cửu Chân Cửu Đức (thái giám) Cửu Long Cựu Châu Cựu Đường thư

Ch Chaigneau, J.B. / Ba Nê Ô Nguyễn Văn Thắng Chà Bàn thành Hoàng Đế Chà Và / Chà Bà / Đồ Bà Champa, Ciampa, Chamba, Chàm, (tù binh), Chăm, Chăm H’roi, Chăm Bà La Môn / Cam / Cam Jat, Cam Cuh (thiêu) / Cam Kaphir (vô đạo), Cam Bini / Chăm Bà Ni Chân Bôn / Chantaboun Chân Lạp Chân Tín (Lm.) Chao Praya Chất Đa Tư Na / Sitrasena / Mahendravarman Châu Ấn thuyền Châu/Chu Diên Châu Đạt Quan Châu Đốc Châu Lâm (viện) / Phúc Lâm (chùa) Châu muội nương (Đậu) Châu Tâm Luân Châu (Chu) Văn Tiếp Chế Bồng Nga Chế Chí Chế Củ Chế Đa Da Chế độ Lưỡng đầu Lê Trịnh Chế Mạn Chế Mân Chế Mỗ/mỗ Chế Sơn Nô Chevreuil (giáo sĩ) Chey Chetta Chí Hoà Chí Linh Chiêm / Chiêm Thành; Kẻ Chiêm Chiên Đàn (Chandra) Chiên Đàn (tháp) Chiến Quốc Sách Chiến tranh Lạnh Chiến tranh Lí Tống Chiếu bình Phục Lễ Chiite Chinh phụ ngâm (khúc) Chợ Lớn Chợ Quán Chu (Tổng đốc) Chu An Chu Ân Lai Chu Bá Chu Bỉnh Khuê Chu Đậu Chu Lai Chu Khẩu Điếm Chu Kình Chu Nhai Chu Thuấn Thuỷ Chu Trang Vương Chu Tử Chu Tử / Chu Văn Bình (nhà văn) Chu Ứng Chủ đô Chúa Bầu/Biều Chúa Chổm Churu/Ch’ru Chư phiên chí chữ nôm (truyện, thơ), quốc ngữ, quốc ngữ (la tinh) Chun Do Hoan Chương Dương Chương trình Phát triển Sinh hoạt Học đường (CPS) Claeys, J.Y.

D Dã Tượng / “voi rừng” Dạ Lang Dạ Xoa Vương Dân Chủ (đảng) dân số Dân Tôn Tử (Trần Văn Vi) Dâu Diên Hồng Diên Khánh Diên Ninh Diễn Châu Diệp Mậu Diệp Văn Kì Dóng/Gióng, Đống/Đổng dòng Tên (Jésuite) Dốc Chùa Du ca Dục Đức Duy Tân (vua) Duy Tân (phong trào) Dư địa chí Dừa (thị tộc) Dựng Tú Dương Anh Nhĩ Dương Bạch Mai Dương Cát Lợi Dương Chủ tướng / “tam kha” / Tam Kha / Bình Vương Dương Diên/Đình Nghệ Dương Huy Dương Khuê Dương Kinh Dương Long Dương Minh Châu (chiến khu) Dương Ngạn Địch (binh Long Môn) Dương Nhật Lễ Dương Quỳnh Hoa Dương Thái hậu Dương Thu Hương Dương Tiến Lộc Dương Tố Dương Tuệ Dương Tự Hưng Dương Tự Minh Dương Văn An Dương Văn Ba Dương Văn Đức Dương Văn Minh Dưỡng Chân

Đ Đa Bang Da Cruz, Joan Đa Cương / Tinh Cương / Long Hưng / ấp Biển Đa Gia Li Đa Giá Thượng Đá Trắng (núi) Đà Giang Đà Nẵng Đà Rằng Đài Loan Đại Châu Đại Điên Đại Đồng Đại đồng (chủ nghĩa) Đại Hoàng (sông, tập nhóm) Đại học Đông Dương đại la (thành), Đại La Đại Lại Đại Làng Đại Lào Đại Lí Đại Lộc Đại Nam (nước), Đại Nam hoạ quốc toàn đồ, Đại Nam liệt truyện tiền biên, chính biên; Đại Nam thực lục tiền biên, chính biên Đại Ngu Đại Tần Đại Trị Đại Vân Đại Việt, Đại Cồ Việt, Đại Việt Quốc Vương, Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư / Toàn thư / TT, Đại Việt sử lược Đại Việt Duy Dân / Dân Chính / Quốc Dân / Quốc xã (đảng) Dak Son Đam Manh Đàm (thôn, họ) Đàm Dĩ Mông d’Amaral, Gaspar Dampier, W. Đan Gia Đàn Hoà Chi Đản / Đản Gia Lão / Đan, Soisang-yan / Thuỷ Sinh Nhân Đàng Cựu Đàng Ngoài, chương XII Đàng Trên Đàng Trong, chương XII Đanh (thôn Bắc Ninh), Đanh Xá, Đinh Xá (thôn xã Hà Nam) Đăng Châu Đặng Chất Đặng Dung Đặng Huấn Đặng Như Mai Đặng Tất Đặng Tiến Đông Đặng Tiểu Bình Đặng Trần Côn Đăng Trần Thường Đặng Văn Chân Đặng Thuỳ Trâm Đào Cam Mộc Đào Duy Anh Đào Duy Từ Đào Hoàng Đào Thịnh Đào Trí Phú đảo chính 9-3-1945, 11-11-1960, 1-10-1960 đạo (Đinh, Tiền Lê) (Hậu Lê) “đạo”, Thiên Chúa Giáo, Giáo hội La Mã Đạo Dung Đạo Giáo d’Amedo Đạt Lỗ Hoa Xích Dayot, Jean Marie / Đa Đột Đáy (sông) Đập Đá Đầu Bào / Đồng Bào (giặc) de Forcan, Alexir Olivier / Lê (Nguyễn) Văn Lăng De Genouilly, Rigauld De la Baume (giáo sĩ) De Lattre de Tassigny De Puynamel, Alexis Olivier / Ô Li Vi / Ông Tín De Rhodes, Alex. Đê, Eđê, Rhade đê điều Đệ Tam Quốc tế Đệ Tứ Quốc tế Đèo Cát Hãn deva raja Di Pina, F. Địa Lí Điền (Văn minh), Điền Việt điền nhi “điền Tây” Điện Phi (tàu) điện phủ Điện Biên Phủ Điều Khiển (dinh) Đinh (họ) Đinh Bàng Đức Đinh Bộ Lĩnh / Tiên Hoàng Đinh Công Trứ Đinh Công Tuyết Đinh Điền Đinh Đạo Đinh Kiến Đinh Liễn / Khuông Liễn Đinh Lộc Đinh Phiên Đinh Toàn/Tuệ/Triển, Vệ Vương Đính Noa Tăng Noa (Đại đức) đình làng Định Phiên Định Viễn Đò Mè / Doumea Đọ (núi) Đoàn Công tác Đặc biệt Miền Trung Đoàn kết (binh) Đoàn Nhữ Hài Đoàn Thượng Đoàn Trưng Đoàn Văn Toại Đô Dương Dohamide Đô hộ (phủ), Đô Hộ (nước) / Đô Quốc Đô Lỗ Đô Lung Đô Lương Đô uý Đô sát viện Đồ Gia Bạt Ma Đồ Sơn Đỗ (họ) Đỗ Anh Hàn Đỗ Anh Sách Đỗ Anh Triệt Đỗ Anh Vũ / Đỗ Thái uý Đỗ Cảnh Thạc Đỗ Chiêu Linh (thái hậu) Đỗ Chú Đỗ Động Giang Đỗ Giản Đỗ Hưng Đỗ Hữu Phương Đỗ Hữu Vị Đỗ Hưng Viễn Đỗ Nhạc Đỗ Pháp Thuận Đỗ Quang Chính Đỗ (Năng) Tế Đỗ Thanh Nhân Đỗ Thích Đỗ Thiện Đỗ Thủ Trừng Đỗ Tồn Thành Đỗ Trình Thoại Đỗ Tuệ Độ Đỗ Tùng Đỗ Tử Bình Đỗ Văn Dự Đỗ Viện Đốc phủ sứ Đọi (núi) Đội Sơn Đội Cung Đôn Vương đồn điền Đông Du Đông Dương Đông Hán, Đông Hán Đại Vương Đông Kinh (Nam Chiếu) Đông Kinh, Đông Đô, Đông Quan, Trung Đô Đông Kinh Nghĩa Thục Đông Phố, Đông Phố Đại Vương Đông Sơn (quân) Đông Sơn (Văn minh) Đông Việt Doumer (cầu, Toàn quyền P.) Đống Đa Đống Quất Đồng Cổ Đồng Dương / đồng Giàng/yang Đồng Đậu Đồng Khánh Đồng Khởi Đồng Nai, Đạ Đờng (sông) Đồng Tháp, đồng/ Đồng Tháp Mười, bia Đồng Tuyên Đồng Xoài động/đồng/Đồng (họ) Doudart de Lagrée Dubois, E. Dupuis, J. Đường An Đường (triều đại), Đường nhân Đường Đức Tông Đường, Nguyễn (thôn) Đường Trung Tông

E Emmanuel / Mãn Noài Engels, F. Eo (cửa) Eisenhower, D.

F Falacci, O. Ferry, J. Fonda, J. FULRO

G Gandhi, M. Garaudy, R. Gia Định, Gia Định Báo, Gia Định thành thông chí Gia Lâm Gia Long Gia Miêu / Gia Miêu Ngoại trang / Bái Trang Gia Ninh gia thần Gia Tô (đạo) Già Nàng Giác Hoàng Giải Phóng (xứ uỷ) Giải Tấn Giám ban, nội giám Giạm/ Dạm (chùa, cột đá) Giản Định Đế Giản Phố Trại Giản Tu công Oánh/Dinh Gianh (sông) Giao (tế) Giao Châu, Giao Châu ngoại vực kí Giao Chỉ, Giao Chỉ Quận Vương, Giao Hải giao long thuồng luồng Giao tử vụ Giáo Hiến Giáo phường giáp, quản giáp giông / kì nhông giồng Giồng Phệt Gò Mun Gò Sành Goa Guiness (kỉ lục) Gươm (hồ)

H Hà Công Phụ Hà đê sứ Hà Huy Tập Hà Lan, Olane ,“Hoà Lan” (đạo) Hà Mẫu Độ Hà Nội Hà Ngại Hà Thành thất thủ (vè) Hà Thị Cầu Hà Tiên Hà Tĩnh Hà Văn Tấn Hạ/(mọi) Hạ Hạ Long (vịnh) (thoả ước) Hai Bà (Trưng) Trưng Trắc Trưng Nhị Hải Dương Hải Lăng Hải Nam Hải Tây đạo Hải Vân Hàm Nghi Hàm Tử Hán (người, triều đại, chữ), Tây Hán, Đông Hán, Hán thư Hán nhân, dân (người Việt) Hàn Triệu Hang Hùm Hàng Gòn Hạng Lang / Chàng Lớn Hành khiển hào trưởng / hào sĩ Harivarman I, Harvarman II, Harivarman IV Harmand (Bác sĩ) Harrimand W.A. Hát cửa đình (tiền) Hầu Nhân Bảo Hậu (sông) Hậu thổ Heger (phân loại) Hi Lạp Hịch tướng sĩ Hiến chương Vũng Tàu Hiện Đại Hiệp định Genève (Việt Pháp, Trung lập Lào) Hiệp định Paris Hiệp Hoà Hiệu Khả Hình thư họ, tông phả Hoa (người) Hoa Anh Hoa Lang đạo Hoa Lư Hoa văn cáo thị Hoá Châu Hoà Bình Hoà Hảo (làng, Phật Giáo) Hoà ước Fournier, Hoà ước Giáp Tuất, Hoà ước Harmand, Hoà ước Nhâm Tuất, Patenôtre, Hoà ước Thiên Tân Hoả Xá / Hoả Quốc Hoài Đức Hoài Nhơn Hoài Nam khúc Hoan Châu, Hoan Châu kí Hoàn Vương Hoàng (sông) Hoàng (họ) Hoàng bà Hoàng Bôi Hoàng Cao Khải Hoàng Công/Văn Chất Hoàng Công Kì Hoàng Công Lí Hoàng Công Phụ Hoàng/Huỳnh Diệu Hoàng đế điền chủ Hoàng Đình Ái Hoàng Đình Bảo Hoàng Động (man) Hoàng Hạ (trống) Hoàng Hoa Thám / Đề Thám Hoàng Lê nhất thống chí Hoàng Nghĩa Hiền Hoàng Ngũ Phúc Hoàng Phủ Ngọc Phan, Hoàng Phủ Ngọc Tường Hoàng Phùng Cơ Hoàng Quốc Việt Hoàng Quỳnh (Lm.) Hoàng Sa / Tây Sa Hoàng Sào “Hoàng thành Thăng Long” Hoàng Thị Châu Hoàng Thọ Hoàng Thuỵ Năm (Đại tá) Hoàng triều Luật lệ Hoàng triều Quan chế Hoàng tử Cảnh Hoàng Sùng Anh, Cờ Vàng Hoàng Văn Hoan Hoàng Xuân Hãn hoành đầu (tiền thưởng) Hoành Sơn Hoằng Tháo Hô (Đô đốc), Hô Hổ hầu Homo sapiens Hồ (thành, An Nghiệp) Hồ Chí Minh (chủ tịch, giải thưởng, thời đại) Hồ Đồ Hồ Đồng Hồ Hán Thương Hồ Hữu Nhựt Hồ Hữu Tường Hồ Hựu Hồ Nguyên Trừng Hồ Quý Li Hồ Sĩ Dương Hồ Tôn tinh Hồ Tông Thốc/Xác Hồ Văn Mai Hồ Văn Ngà Hồ Văn Nghị Hồ Văn Vạn Hồ Xá Hồ Xuân Hương Hổ trướng khu/xu cơ Hồi, Hồi Giáo, Hồi Hột Hồi Lương Hội An Hội đồng Cải cách Giáo dục Hội đồng Hàng tỉnh Hội đồng Quân nhân Cách mạng Hội đồng Tư vấn Bắc Kì, Trung Kì Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Hội Nhân Quyền Hội Thừa Sai Paris, Hội Truyền giáo Ngoại quốc Pháp Hỗn Điền / Hỗn Hội Hồng (sông) Hồng Bàng Hồng Bảo Hồng Châu Hồng Đức Hồng Đức quốc âm thi tập Hồng Hiến Hồng Phúc Hốt Tất Liệt, Nguyên Thế Tổ Hợp Phố Hua Panh Huế, trà Huế Huệ Đức Vương Huình Tịnh Của Hung Nô Hùng: Vương (nhân vật, thời đại, đền, hệ thống), tướng, hầu, điền, Hùng Vương dựng nước Huyền Khê Huyền Quang (Tăng thống) Huyền Trân Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) Huỳnh Cự Huỳnh Minh Huỳnh Tấn Huỳnh Tấn Mẫm Huỳnh Tấn Phát Huỳnh Văn Nghệ Huỳnh Văn Tiểng Huỳnh Thúc Kháng Hưng Hoá Hưng Nguyên Hưng Phúc / Phước Hưng Hưng Thạnh (tháp) hương, hương ấp quan, hương chức, hương ước, ngôi hương ẩm

I Ia Drang I Bih Aleo I-nê-xu / Ignatio Ibn Batutah Ieng Sary Ignesico Văn Tín Indrapura Indravarman IV, Indravarman V Inrasara Islam Issara/la Issarak / Khmer Tự Do Itu Aba / Ba Bình

J Java Jaya Harivarman / Chế Bì La Bút Jaya Paramesvaravarman II Jaya Shinhavarman II / Sạ Đẩu Jayashinhavarman IV / Harijit / Chế Mân Johnson, L.B. (Tổng thống) Junction City (Hành quân) Junfa

K Kambudesa/Kampujâs/Camboye/Cambodia/Cambodge/Kamphuchia Karnow, E. Katê (lễ) Kaudinya Kiều Trần Như Kauthara Kẻ Chợ / Cachu Kelantan Kennedy, R.F. Kéo Lèng Khe Sanh Khmer Khmer Krom Kiên Thành Kiển Thành / thành Kén Kiểu Công Hãn Kiểu/Kiều Công Tiện Kiểu Hiền Kiểu Quốc (Lương) Kim Định Kim Lân Kim Ổ Kim Sa / sông Dương Tử Kim Sơn Kim Thành Kinh (người) Kinh Ấp Kinh Bắc Kinh Cựu Kinh phủ Kiritas Kissinger, H. Koffler, Jh. Koho Koshichang Kra krek

Kh Khả Lam Khai nguyên (tiền) Khái Hưng (Trần Khánh Giư) Khải Định Khang Thái và Chu Ứng khao giáp Khánh Hoà Khắc Xương / Cung Vương Khâm Châu Khâm định Việt sử thông giám cương mục / Cương mục Khoá hư lục Khoái Châu Khổng Tử “khởi nghĩa nông dân” Khu Dinh điền Khu Liên/“riên” / kurung Khu Trù mật Khu Túc (ông) Khù / Guru Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Mĩ Khuyến nông Khương Công Phụ, Khương Công Phục Khương Mĩ Kim Trang (Yeng Sary)

L La Cochinchine francaise La Cloche Fêlée Lady Borton La Hai La Lutte La Mã, Đông La Mã La Ngai / Jaya Shimhavarman V La Rivière de Tonkin la thành, La Thành La Văn Cầu lá buông (giấy) Lã Thuần Dương Lạc: Vương, hầu, tướng, dân, điền, (chim) Lạc Biên Lạc Hoá (phủ) Lạc Tân Vương Lafont (Thống đốc) Lai Châu Lại Giang Lam (sông) Lam Sơn, Lam Kinh, Lam Sơn thực lục Lam Sơn 719 (Hành quân) / Deway Canyon II Lâm Văn Tết Landes Lan Khai Lan Kham Deng Lan Xang / xứ Triệu Voi Langbiang / Lâm Viên Lang Chánh Lang Tủng Lãng Bạc Lạng Sơn lánh/lính, lánh tráng / lính tráng Lao Bảo Lao Động Việt Nam (đảng) Lào Ai Lao Lão Qua Lạy xác (tục thờ Ông Bà) Lâm Ấp, Lâm Ấp kí Lâm Duy Hiệp/Phát/Nghĩa Lâm Văn Phát Lập Bạo Lập Giáo (Hoàng hậu) lập hậu Le Brun / Cai đội Thạch Oai hầu Le Myre de Vilers Leaky, R. Lefèbre (giáo sĩ) Lenin, Vl. Les Kosem Lévêque (Khâm sứ) levirat / tục “nối ruột” Lê (họ) Lê Anh Tông / Bang Lê Anh Tuấn Lê Anh Xuân Lê Bá Li Lê Bá Minh Lê Bá Ngọc Lê Bằng Lê Bôi Lê Bổng Lê Cảnh Tuân Lê Cập Đệ Lê Cơ Lê Chất Lê Chiêu Thống Lê Chiêu Tông Lê Duẩn Lê Duy Hoán Lê Duy Lương Lê Duy Mật Lê Duy Thanh Lê Duy Vĩ (Thái tử) Lê Đắc Ninh Lê Đình Chính Lê Đình Lí Lê Đức Thọ Lê Hi Lê Hiến Tông Lê Hiển Tông Lê Hoàn / Đại Hành Lê Hồng Phong Lê Hữu Bôi Lê Khắc Sinh Nhật Lê Khuyển Lê Lai Lê Lăng Lê Long Đĩnh / Ngoạ Triều Lê Long Mang / Nam Quốc Vương Lê Long Việt / Nam Phong Vương / Trung Tông Lê Lợi / Thái Tổ Lê Lương Lê Minh Xưởng Lê Năng Trường Lê Ngã Lê Ngọc Bình Lê Nhân Tông / Bang Cơ Lê Niệm Lê Phi Thừa Lê Phụng Hiểu Lê Quý Đôn Lê Tắc/Trắc Lê Tần / Phụ Trần Lê Tung Lê Tương Dực / “vua Lợn” Lê Thạch Lê Thái Tông / Nguyên Long Lê Thánh Tông / Tư Thành Lê Thần Tông Lê Thọ Vực Lê Trang Tông / Ninh Lê Trọng Thứ Lê Trừ Lê Uy Mục / “vua Quỷ” Lê Văn An Lê Văn Duyệt Lê Văn Đức Lê Văn Hảo Lê Văn Hưu Lê Văn Khôi / Nguyễn Hựu Khôi Lê/Tạ Văn Phụng Lê Văn Quân Lê Văn Tám Lê Văn Viên (con LVKhôi) Lê Xuân Chuyên Lễ tiết Trần Lệ Khai Li Tana Lí (tộc, họ, triều đại) Lí Anh Tông Lí Bí/Bôn Lí Bồ / Khai Quốc Vương Lí Cao Tông Lí Công Bình Lí Chánh Trung Lí Do Độc Lí Đạo Thành Lí Đông A Lí Giác Lí Hiến Lí Hộ (Đô hộ) Lí Hoảng / Nhật Quang Lí Huệ Tông / Sảm Lí Khai Ba Lí Khuê Lí Nguyên Cát Lí Nguyên Khải Lí Nhân Nghĩa Lí Nhân Tông Lí Ông Trọng Lí Phật Tử Lí Phục Man Lí Quang Diệu Lí Sùng Phúc Lí Tài (Hòa Nghĩa quân) Lí Tắc Lí Tư Lí Tử Tấn Lí Tự Tiên Lí Thái Tổ / Công Uẩn Lí Thái Tông Lí Thánh Tông Lí Thần Tông Lí Thiên Bảo Lí Thúc Hiến Lí Thường Kiệt / “thằng Cặt” Lí Thượng Cát / “thằng Cứt” Lí Tích Lí Tiên Lí Trác Lí Trần Quán Lí Triều Tiên Lí Trường Nhân Lí Văn Quang Lí Xuân Lị Nhân Lía, vè chàng Lía, thơ Văn Doan Lịch sử Đàng Ngoài Lịch triều hiến chương loại chí Lịch triều tạp kỉ Liêm Châu Liên Hiệp Quốc Liên Xô Liễu Hạnh Vân Cát Thần nữ Liễu Thăng linga Linh/Linh Vương Lĩnh Nam Lĩnh Nam chích quái Lĩnh ngoại đại đáp Lisbonne Lỗ Hạnh Lỗ Khê lộ ông Lộ Văn Luật Lokesvara / Quan Âm lồn cứt Long (Đô đốc), Mưu Long Biên / Long Uyên Long Đỗ Long Giao Long Hồ Lonnol Lovek Long Xuyên Lonnol Luang Prabang Luông Pha Bang Lục Đầu Lung Leng Luro Luy Lâu luỹ: Luỹ Thầy / Trường Dục, An Náu, Trường Sa, Trấn Ninh Lũng Nhai Lư Tổ Thượng Lữ Phương Lương / Hậu Lương Lương Đăng Lương Giang Lương Nguyên Bưu Lương Nhữ Hốt Lương Ninh Lương Thạc Lương Thế Vinh Lương Văn Chánh Lương Xá Lưu Ẩn Lưu Cơ Lưu Cung Lưu Diên Hựu Lưu Hằng Tín Lưu Hữu Phương / Huỳnh Minh Siêng Lưu Kế Tông Lưu Khánh Đàm Lưu Nhân Chú Lưu Phương Lưu Tống (triều đại) Lưu Vĩnh Phúc, Cờ Đen Lữ Đường Lữ Tống Lý Đông A / Nguyễn Ngọc (Hữu) Thanh

M Macao, Mã Cao Ma Linh Ma Sa Ma Vân Trường Mã (sông) Mã Đoan Lâm Mã Lai Mã Lai Á / Malaysia mã tà / matamata Mã Viện Mạ, “vương quốc Mạ” Mạc (họ, nhiều họ) MAACV / Bộ Tư lệnh Quân viện Việt Nam Mạc Cảnh (Kính) Huống Mạc Cửu Mạc Đăng Dung Mạc Đỉnh Chi Mạc Hiền Mạc Hiển Tích Mạc Kính Chỉ Mạc Kính Cung Mạc Kính Điển Mạc Kính Khoan Mạc Mậu Hợp Mạc Ngọc Ỷ Mạc Thiên Tứ Mai Cầu Mai Chân Mai Thúc Loan / Thúc Yên / Thành Lập / Hắc Đế, Vua Đen Mai Vạn Long Mai Xá Mái Đá Nguờm Malacca / Mãn Thích Gia Malleret, L. Man (cao, thượng, hạ) Man Nương Mang (đèo), Mang Giang/yang, Cửa Trời Mansfield, M. Mao Trạch Đông Marchand (Lm.) Marco Polo Marcus Aurelius Marini (giáo sĩ) Martin Luther King Jr. Marx, K. Maspéro, H. Mắm (tháp) Mặt trận Giải Phóng Dân Tộc Cao Nguyên, Mặt trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam Mặt trận Liên Tôn Chống Cộng Mặt trận Quốc Gia Thống Nhứt (1946) Mặt trận Việt Minh Mân, Mân Việt Mân Thít Mâu Du Đô Mật Tông Mekong Menam Menras A., (Hồ Cương Quyết) Meru Mê Linh Michalak, M. (đại sứ) Miche (Gm.) Mĩ / Hoa Kì Mĩ Lai / Sơn Mĩ Mĩ Lương Mĩ Sơn Mĩ Tho Mị Nương, Mị Châu Miến, Miến Điện Minh (người, triều đại) Minh Hương Minh đạo (hiệu tiền) Minh kinh Minh Mạng Minh Nghĩa (vệ) Minh Thành Tổ Mnong Mọi, Mọi hoang, Mọi thuộc, Kẻ Mọi Mọi Xoài / Mỗi Xuy Mọi Đá Vách Mộc Châu / Mường Mộc Mộc Thạnh Mộc trụ Thần xà Môn-Khmer Môn Lai Phù Tử, Thôn Ba Hú, Bô Kha Đáo Mông Cổ Mông Kha Montesquieu Morelli, Phúc Châu Mounier, E. Mùa Hè Đỏ Lửa Mukha/Mecca Mười hai / Thập nhị Sứ quân Mường Mường Thái (tập họp)

N Naga Nam Bộ, Nam Kì, Nam Kì tự trị Nam Chiếu Nam Chưởng Nam Dương, Indonesia Nam Giao Nam Hán Nam Kinh Nam Phong tạp chí Nam Phương (thiền phái) Nam Phương Hoàng hậu Nam Quan, Trấn Nam Quan, Mục Nam Quan “Nam Quốc sơn hà…” Nam Sách Nam tiến Nam triều Bắc triều Nam triều công nghiệp diễn chí Nam Việt, Nam Việt Vương, Nam Việt Đế, Nam Việt chí Napoléon III Nàng Tía Nặc Chân Nặc Nộn / An Non Nặc Ông Chân / Ramiathipdei Nặc Ông Đài / Bô Tâm Nặc Thu Nậm U nậu, nẫu Nậu Lạt Đinh Navarre (tướng) New Zeeland Ninh Bình Ninh dân thông bảo Ninh Thuận Ninh Xá Nịnh Trường Chân Nixon, R. Nội (đạo) Nội các Nội thư gia nội thuộc / ngoại thuộc Nông trường Sông Hậu Nông Văn Vân Norodom Nùng Tồn Phúc Nùng Trí Cao Nước Mặn (cửa, vùng), Chiêm Thành cảng / Sri Banoi / Vinaya / Thi Lị Bì Nại Tì Ni / Kẻ Thử / Cách Thử “nước Stiêng”

Ng Nga Lạc Nga Vương Ngân Già Ngân hàng Đông Dương Nghênh Phúc Nghệ An, Ngean Nghi Dân Nghi Vệ Nghiêm Kế Tổ Nghị quyết Vịnh Bắc Việt Nghĩa khuyến giáo dân tân cựu ca Ngọc Hồi Ngọc Lũ Ngọc Ma Ngọc Tháp Ngọc Tú Ngọc Vạn / Ang Cuv / Đam Sat Ngô (nước) Ngô Bá Thành (Bà) / Phạm Thị Thanh Vân Ngô Bệ Ngô Chân Lưu / Khuông Việt Đại sư Ngô Đình Diệm Ngô Đình Nhu Ngô Đức Đệ Ngô Đức Kế Ngô Gia Tự Ngô Kha Ngô Lí Tín Ngô Lợi Ngô Mân Ngô Ngọc Lâm Ngô Nhật Khánh / An Vương Ngô Quyền, Ngô Tiên Chủ Ngô Sĩ Liên Ngô Thế Lân Ngô Thì Nhiệm, Ngô Thời Nhiệm Ngô Thì Sĩ Ngô Thuận Đế Ngô Tòng Châu Ngô Tôn Quyền Ngô Vương Toại Ngô Xương Ngập / Thiên Sách Vương Ngô Xương Văn / Nam Tấn Vương Ngô Xương Xí Ngô Xử Bình Ngột Lương Hợp Thai Ngũ Đại nguồn Nguyên (triều đại), Nguyên sử Nguyên Phong Nguyễn (họ dân, chúa, vua) Nguyễn Ái Quốc / Nguyễn Tất Thành Nguyễn An Ninh (nhân vật, Hội kín) Nguyễn (Phúc) Ánh Nguyễn Bá Nghi Nguyễn Bá Xuyến Nguyễn Bảo (nhân vật, Tiểu triều) Nguyễn Bảo Hoá / Tô Nguyệt Đình Nguyễn Bặc Nguyễn Biểu Nguyễn Bính Nguyễn Bình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Cao Kỳ Nguyễn Chế Nguyễn Chích Nguyễn Công Hãng Nguyễn Công Trứ Nguyễn Cư Trinh Nguyễn Cửu Quý Nguyễn Cửu Thông Nguyễn Cửu Vân Nguyễn Danh Phương / Quận Hẻo Nguyễn Diên Nguyễn Du Nguyễn Du Dịch Nguyễn Duy Hinh Nguyễn Duy Trinh Nguyễn Đa Phương Nguyễn Đại Nguyễn Đại Phạp Nguyễn Đăng Thịnh Nguyễn Đăng Vân Nguyễn Đê Nguyễn Đính / Trần Vàng Sao Nguyễn Đình Chiểu Nguyễn Đình Đầu Nguyễn Đình Tán Nguyễn Đình Tân Nguyễn Đình Trụ Nguyễn Đức Trung Nguyễn Đức Xuyên Nguyễn Gia Phan Nguyễn Gia Thiều Nguyễn Hải Thần Nguyễn Hàng Nguyễn Hiến Lê Nguyễn Hiền Nguyễn Hoàng Nguyễn Hoằng Dụ Nguyễn (Văn) Huệ, Đức ông Tám, Bắc Bình Vương, Quang Trung Nguyễn Huỳnh Đức / Huỳnh Đức Nguyễn Hữu Cảnh/Kính Nguyễn Hữu Cầu / Quận He Nguyễn Hữu Chỉnh Nguyễn Hữu Dật Nguyễn Hữu Đang Nguyễn Hữu Hào Nguyễn Hữu Huân / Thủ khoa Huân Nguyễn Hữu Thận Nguyễn Hữu Thọ Nguyễn Hữu Thuỵ Nguyễn Hữu Tiến Nguyễn Khản/Lệ Nguyễn Khánh Nguyễn Khắc Tuyên Nguyễn Khoa Chiêm Nguyễn Khoa Điềm Nguyễn Khoa Thuyên Nguyễn Khoan Nguyễn Kim, Huân Tĩnh công Nguyễn Kim Phẩm Nguyễn Liễu Nguyễn (Phúc) Long Nguyễn (Văn) Lữ, “Bảy”, Đức ông Bảy, Pháp sư / Đại pháp sư…, Đông Định Vương Nguyễn Lương Bằng Nguyễn Mại Nguyễn Minh Triết Nguyễn Nghiễm Nguyễn Ngọc Lan (Lm.) Nguyễn Ngọc Nhựt Nguyễn Ngọc San Nguyễn Ngọc Tương Nguyễn (Văn) Nhạc, Biện Nhạc, Thư Nhạc,Yin Yac, Thượng sư / Thầy cả, Thái Đức Đế, Trung Ương Hoàng Đế Nguyễn Nhữ Cái Nguyễn Nộn Nguyễn Phan Nguyễn Phan Long Nguyễn Phi Khanh Nguyễn Phu Nguyễn Phú Trọng Nguyễn Phúc Anh Nguyễn Phúc Chu / Quốc Chúa Nguyễn Phúc Cự Nguyễn Phúc Dương, Hoàng tôn Dương, Tân Chính Vương, “quân Hoàng tôn” Nguyễn Phúc Hiệp Nguyễn Phúc Khoát Võ Vương Nguyễn Phúc Kiều Nguyễn Phúc Lan / Chúa Thượng Nguyễn Phúc Luân Nguyễn Phúc Nguyên / Chúa Sãi Nguyễn Phúc Quang Nguyễn Phúc Quân Nguyễn Phúc Tần / Chúa Hiền Nguyễn Phúc Thái / Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thụ Nguyễn Phúc Thuần, Duệ Tông Nguyễn Phúc Tĩnh Nguyễn Phúc Văn Nguyễn Phúc Vinh / Hữu Vinh Nguyễn Quang Bích Nguyễn Quang Tiền Nguyễn Quang Toản, Cảnh Thịnh, Bảo Hưng Nguyễn Quốc Trinh (1623) (Nguyễn) Quốc Trinh, Bồi tụng Nguyễn Quý Cảnh Nguyễn Quyền Nguyễn Quyện Nguyễn Rỗ Nguyễn Sĩ Cố Nguyễn Siêu Nguyễn Sơn / Vũ Nguyên Bác Nguyễn Sư Hồi Nguyễn Tạo Nguyễn Tăng Minh Nguyễn Tấn Dũng Nguyễn Thái Bình Nguyễn Thái Học Nguyễn Thánh Huấn Nguyễn Thân Nguyễn Thận / đạo Mục Nguyễn Thế Chuẩn Nguyễn Thế Chung Nguyễn Thế Truyền Nguyễn Thi Nguyễn Thị Bình Nguyễn Thị Đồng Nguyễn Thị Lộ Nguyễn Thị Ngọc Vịnh Nguyễn Thị Thuyết / Bà Bổi Nguyễn Thiếp Nguyễn Thông Nguyễn Thung Nguyễn Thuyên Nguyễn Thủ Tiệp Nguyễn Thường Nguyễn Thường Xuân Nguyễn Tiến Lãng Nguyễn Tiến Lâm Nguyễn Trãi Nguyễn Tri Phương Nguyễn Triều Vân Nguyễn Triệu Hồng Nguyễn Trung Ngạn Nguyễn Trung Trực Nguyễn Trực Nguyễn Trương Hiệu Nguyễn Trường Tộ Nguyễn Tuyển Nguyễn Tường Tam, Tự Lực Văn Đoàn, Phong Hoá, Ngày Nay Nguyễn Uông Nguyễn Ư Dĩ Nguyễn Văn Bé (dũng sĩ diệt Mĩ) Nguyễn Văn Bông Nguyễn Văn Bột Nguyễn Văn Cừ Nguyễn Văn Duệ Nguyễn Văn Dụng Nguyễn Văn Hinh Nguyễn Văn Huyên Nguyễn Văn Hưng Nguyễn Văn Kiên Nguyễn Văn Lang Nguyễn Văn Nghĩa Nguyễn Văn Ngũ / giặc Du Bao Nguyễn Văn Sâm Nguyễn Văn Tạo Nguyễn Văn Tâm Nguyễn Văn Thành Nguyễn Văn Thinh Nguyễn Văn Thiệu Nguyễn Văn Tồn Nguyễn Văn Trắm/Chắm Nguyễn Văn Trung Nguyễn Văn Trương Nguyễn Văn Tường Nguyễn Văn Xuân (triều Nguyễn) Nguyễn Văn Xuân (Thủ tướng) Nguyễn Viên Nguyễn Viết Thứ Nguyễn Vỹ Nguyễn Xí Nguyễn Xuân Nguyệt Ấn người khổng lồ “người Java” Ngưu Hống Ngự sử đài

Nh Nha Hầu Nha Trang Nhà Bè Nhà nước / Quốc gia, Quốc chủ (Vua) Nhâm Diên Nhân Dân Nhân Văn Giai phẩm (vụ án) Nhất binh Nhật, Nhật Bản Nhật Bản Đại Quốc Vương (đảo chính 9-3-1945) cầu Nhật bản / Lai Viễn Kiều Nhật Lệ Nhật Nam, Nhật Nam tăng Nho Giáo Nho sĩ Nhồi (làng) Như Hồng Nhữ Đình Toản

O Óc Eo (Văn hoá) Ô Châu, Ô Lí/Rí Ô Châu cận lục Odendh’al Ô Mã Nhi Ốc Nha / Okya Odoric de Pordenone Ôn Như Hầu (vụ án phố) “ông Nghè” Ong Vangsaraja / Ung Minh Ta Điệp Oudong

P Palembang Palei Thươn (Hậu Sanh) Pandanan (Philippin) Panduranga / Panran, Phan Rang Paramesvari Paramesvaravarman Paris, M.C. Parmentier, H. Pasquier (Toàn quyền) Pathet Lào Pellerin (Gm.) Pelliot, P. Pen Soven Pétain, P. Petit Laos (Bồn Man) Pha Ngum Phát triển Sắc tộc (Bộ) Phạm (họ Thái), (họ Tây Sơn) Phạm Chí / Phạn Chí Phạm Chiên Phạm Chuỳ/Trĩ Phạm Bạch Hổ / Phòng Át Phạm Công Trị Phạm Công Trứ Phạm Dao Phạm Dật Phạm Duy (nhạc sĩ) Phạm Dương Mại Phạm Đăng Hưng Phạm Đình Chi Phạm Đình Hổ Phạm Đình Trọng Phạm Hạp Phạm Hồ Đạt Phạm Hoàng hậu Phạm Hùng (Chàm) Phạm Hùng (CS) Phạm Huy Thông Phạm Hữu Lễ Phạm Hữu Nhật Phạm Hữu Tâm Phạm Khắc Hoè Phạm Kính Ân Phạm Ngạn Phạm Ngọc Chúc Phạm Ngọc Thảo Phạm Ngũ Lão Phạm Phật Phạm Quỳnh (Mạc) Phạm Quỳnh (Nguyễn) Phạm Sư Man Phạm Sư Ôn Phạm Tầm Phạm Thành Đại Phạm Thế Căng Phạm Thị Thuỳ Vinh Phạm Thị Xuân Khải Phạm Thị Yên Phạm Văn Phạm Văn Điển Phạm Văn Đồng Phạm Văn Hưng Phạm Văn Nghị Phạm Văn Sâm Phạm Văn Sĩ Phạm Văn Xảo Phạm Vấn Phạm Xuân Ẩn Phạm Võ Phan (họ) Phan Bá Vành Phan Bội Châu Phan Châu Trinh Phan Đình Giót Phan Đình Phùng Phan Hâm Phan Hiển Đạo Phan Huy Ích Phan Huy Quát Phan Huy Thực Phan Kế Toại Phan Khắc Sửu Phan Khôi Phan Kiệt Phan Lâm Phan Lân Phan Liêu Phan Ma Lôi Phan Mãnh Phan Mĩ Phan Ngạn Phan Phu Tiên Phan Quang Đán Phan Rí Phan Thanh Giản Phan Thị Lương Phan Thiết Phan Thúc Trực Phan Trần Chúc Phan Trung Phan Xích Long / Phan Phát Sanh / Nguyễn Văn Lạc Phàn Tiếp phản chiến Mĩ Phao Sơn Pháp (người, xứ), Phú Lãng Sa Pháp Loa Pháp Luân Công Phật Giáo/đạo, Phật Vương, “Phật”, giặc Phật Phật Mã Phật Thệ Phiên, phiên dân Phiên An Phiên lễ Phiên Trấn Philastre, P. phnom, bnam, Phnom Penh Phong Châu Phong Khê Phong Sa Lỵ Phong thần Phò Lê (làng) Phố/Phú Hài Phố Hiến, Phố (Vạn) Lai Triều Phú Chánh Phú Hoà Phú Lâm Phú Lợi (đầu độc) Phú Lương Phú Thọ Phú Yên Phú Xuân Phù Đổng (hương, thần) Phù Lê Phù Li Phù Nam, Phù Nam Đại Vương, Phù Nam kí Phủ biên tạp lục phụ tử liên danh ví dụ: Pen Saloth có các con Loth Suong (anh), Saloth Roeumh (gái) và Saloth Sar (em) nổi danh với tên hiệu Pol Pot Phúc, Hồ Phi Phúc Phúc Châu Phúc Kiến Phục Quốc (đảng, quân) Phùng (họ) Phùng An Phùng Chân Phùng Hưng Phùng Lộc Phùng Nguyên Phùng Tá Chu Phùng Trí Năng Phương cơ Phường/Thợ Đúc Pleime Pignon, L. Po Aly Po Binosur / Po Bil Thuôr Po Nagar / Tháp Bà Po Rayak/Riyak Po Rome, vua Mê Po Yan Dari Po Sah Po Yan Ino Nưga Poivre, H. Pondichéry pơtao/bôtao Prabhasadarma / Phạm Trấn Long pramana (đơn vị hành chính) Praya Bodin Proh (di tích)

Q Quan Âm Quan Da Quách Kình Nhật Quách Hữu Nghiêm Quách Ngang/Mão Quách Phúc Thành Quách Quỳ Quách Thị Trang Quách Thịnh Ích/Dật Quách Tuấn (Lí Thường Kiệt) quan điền quản lãnh Quang Thuận Quảng Châu (cảng, đơn vị hành chính), Quảng châu kí, Quảng Đông, Quảng Tây Quảng Nam, “nước Quảng Nam” Quảng Ngãi Quảng Nguyên Quảng Trị Quảng Yên/Ninh Quắc Hương quân điền Quần Ngựa “quận” Quế hải ngu hành chí Quế Lâm Quốc Gia Độc Lập (đảng) Quốc hội VN DCCH quốc thần, quốc tính (Lê) (Nguyễn), hệ tính (Nguyễn) Quốc/Lê triều hình luật, luật Hồng Đức Quy Hợp Quy Ninh Quy Nhơn Quý Huyện / Tống Sơn Quý Hương / Bái Trang / Gia Miêu / Gia Miêu Ngoại trang Quỳnh Lâm

R Rama I Ramayana Ran Ran Rạch Gầm Xoài Mút Rạch Giá Retord (Gm.) Rheinart (Ksứ) Rivière, H. Roh Tae Woo Rossard, Antonio Vicenti Roubaud, R. Rusk, D.

S Sa Đec Sa Huỳnh (Văn hoá) Sạ Đẩu (Chàm) Sạ Đẩu (Lào)/P’ot’isarat Sai Chakrap’at Sailendra Sài Gòn, Prey Kor Sài Thung Sãi Vãi Sách (sắc tộc) / sách Sắc bùa / nậu Sắc bùa Salwen Sambhuvarman / Phạm Chí / Phạn Chí Samrong Sen Sầm Nghi Đống Sầm Nứa, Sầm Thượng, Sầm Hạ San Francisco (hội nghị) Sankah Sáng Tạo Sarraut, A. Satyavarman shaman thầy mo Sharpa (buôn) Siem Reap Sihanouk N., Sihanoukville Shiite Singapore/pour / Hạ Châu Siva/Civa Sĩ Nhiếp Soái phủ Sài Gòn Sóc Trăng Soma Song tinh (truyện) Sòng (đền), Sùng Sơn sông Bé / Đạ Glung, Sông Bé Shinhapura Sơn Nam (nhà văn) Sơn Nam, Sơn Nam Hạ Sơn Ngọc Minh Sơn Ngọc Thành Sơn phòng (Nha) Sơn Tây Sơn Tinh Thuỷ Tinh Sơn Vi (Văn hoá) Spellman (Hồng y) Spratley / (đảo) Trường Sa Sri Mara Stieng Sukarno Sultan Sùng Hiền hầu Sùng Thiện Diên Linh Sunni Suryavarman I Suryavarman II Sử kí Đỗ Thiện, Tư Mã Thiên

T Tá (Chàm) Tá Quốc (Hoàng hậu) Tạ Quang Cự Tạ Thiên Huân Tạ Thu Thâu Tạ Tri Hiển Tạ Văn Phụng / Lê Duy Phụng Tam Đảo Tam Giác Sắt Tam Giáo Tam Ích Tam phủ / Ưu binh Tam Quốc chí, Tam quốc chí diễn nghĩa Tam ti Tam Vương (loạn) Tám Hà Tạm ước 16-9-1946 Taylor, K.W. Tản Viên (núi, thần), Ba Vì Tăng Cổ Tăng lục Tân An Tân Bình Tân Châu Tân Lộc Tân Sở Tân Việt Nam Hội Tây (hồ) Tây Âu Lạc Tây Ban Nha Tây Đô, Tây Kinh Tây Giai Tây Giang Tây Nguyên / Cao nguyên Trung Phần Tây Kết Tây Sơn, “cách mạng Tây Sơn”, quân Ó Tây Việt Tây Vu, Tây Vu Vương Tấn thư Tần Tập san Sử Địa Tập Đình (Trung Nghĩa quân) Tề (loạn) Tề ngôi (cướp biển) Tết Mậu Thân Thomas, A. Tích Quang Tiên Điền Tiên Lãng Tiến quân ca Tiền (sông) tiền: đồng, kẽm, tiền giấy Tiền Hải Tiền Phong (xứ uỷ) Tiếng Dân Tiết độ sứ Tiết Tổng Tin Lành Tín phiếu Tiêu Tư Tiêu Văn Tiểu Đồng Nai Tinh Thiều Tĩnh Hải Quân Toa Đô Toà án Stockholm Toà Bố Toàn Phù Toàn Thắng (hành quân) toát (tiểu, đại) Tô Định Tô Hậu Tô Hiến Thành Tô Lịch (sông) Tố Hữu Tồi Ôi Tôn Đức Thắng Tôn Sĩ Nghị Tôn Thất (họ) Tôn Thất Bật Tôn Thất Dương Kỵ Tôn Thất Dương Tiềm Tôn Thất Thuyết Tonkin/Tonchino/Tonkin/Tonqeen/Tonqium(n) Tông Đản Tống (họ Đàng Trong) Tống (triều đại), dân lưu vong, Nam Tống Tống Bình Tống Cao Tông Tống Cảo Tống Đức Minh Tống Hữu Đại Tống Hữu Thận Tống Huy Tông Tống Khâm Tông Tống Lê Chân Tống Phúc Đạm Tống Phúc Hiệp Tống Phúc Thông Tống Phúc Trị Tống Phúc Trung Tống Sơn, Quý Huyện Tống Sơn Quạn quân, Quận chúa, Tống thị (vợ Nguyễn Phúc Kì), Tống Thiên Vương Tụ Long Tụng Tây hồ Tư Dung Tư Lăng Tư Mã Thiên Tư Tề Tứ Ân Hiếu Nghĩa Tứ Kiệt Tứ Linh Tứ sương quân Tứ trấn / Nhất binh Tức Mặc Từ Bá Tường Từ Chung Từ Diên Húc Từ điển Việt Bồ La Từ Đạo Hạnh Từ Vinh Tự Đức Tuyên Quang Tuỳ (triều đại) Tương Dương Tường Long Tưởng Giới Thạch Tượng (núi) Tượng Lâm, Tượng Lâm Ấp

Th Thác Đông (chủ trương) Thạch Thất Thái (tộc người), Thái Trắng, Thái Lan Thái Bình (tỉnh, niên hiệu) Thái bình hưng bảo (tiền) Thái Bình Thiên Quốc Thái Công Triều Thái Đình Lan Thái Khang Thái Nguyên (xứ, khởi nghĩa) Thái Phiên Thái thú Thái thượng hoàng (Trần, Mạc) Tham biện, Tham biện Chủ tỉnh Tham tụng Thang Thượng, Thang Hạ Thang Trông Thanh (người, triều đại) Thanh Chiêm Thanh Hà Thanh Hải Vô Thượng Sư Thanh Hoá, Tenehoa Thanh Mai Thanh Nghệ Thanh Nghị Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội Thanh Niên Tiền Phong, Thanh Niên Tiền Tuyến Thanh Niên Xung Phong Thanh Trì Thau (Thái tử) “Thánh địa Cát Tiên” Thành Cát Tư Hãn Thăng Long thằng: Cặt/Cứt, Ái, Hàm, Chạy, Tạo, thằng Suy / ông Thân Lợi Thân (họ) Thân Vương ban Thẩm Khuyên Thập bát La Hán Thất Sơn Thập đạo Tướng quân Thầy (chùa) Thầy Cả Dairo The Young Turks Thế Lại Thi Thi Nại Thị Hoả Thị Nghè Thị Tứ / Thitu / Pagasa Thích Đại Sán, Thạch Liêm Hoà thượng Thích Đôn Hậu Thích Quảng Độ Thích Quảng Đức Thích Tâm Châu Thích Trí Quang (Phạm Văn Bồng) Thiên Chúa Giáo Thiên Địa Hội Thiên Đức Thiên Khánh Thiên Mụ Thiên phúc trấn bảo (tiền) thiên táng Thiên Tôn Thiên triều – Phiên thuộc, tâm thức phiên thuộc Thiên Trúc Thiên Trường Thiên tử binh Thiền uyển tập anh Thiết đột Thiết lâm Thiếu Sơn Thiệu Phong Thiệu Trị Thoát Hoan Thomson (Tđốc) Thơ Nam Kì, Thơ tiếp theo Thơ Nam Kì Thu Vật Thủ hộ (lính) Thủ lãnh Thuận Hoá Thuận Lưu Thuận Quảng Thuận Thành Thuận Thành Vương Thục (vua) Thục Phán thuốc lá / thuốc lào, tạm-ba-cô thuộc Thuỷ hoả kí tế Thuỷ Kinh chú “Thuỷ thiên tự” Thuỷ Xá Thuyền Nhân Thư gia thư nhi Thứ sử Thừa Thiên Thương bạc (sở) Thượng (người, xứ) thượng/hạ nguơn Thượng Dương “Thượng tướng”

Tr Trà Kiệu Trà Hương Trà Lai / Jarai, Raglai Trà Lân Trà Toại Trà Toàn Trà Vang/Vinh, trapeang Trai Lang Trại/Kinh Trạng Quỳnh, Nguyễn Quỳnh Trấn Biên (Phú Yên) (Gia Định) Trấn Định (châu) Trấn Man (châu, luỹ) Trấn Ninh (xứ, châu) Trấn Tây Thành Trần (họ, triều đại) Trần Anh Trần Anh Tông Trần Bá Lộc Trần Bá Thọ Trần Bạch Đằng / Trương Quang Triều Trần Bửu Kiếm Trần Cảnh/Bồ, Thái Tông Trần Cảo (đầu Lê sơ) (cuối Lê sơ) Trần Chân Trần Chu Phổ/Tấn Trần Công Ninh Trần Công Xán Trần Cụ Trần Dần Trần Di Ái Trần Doãn Trần Dụ Tông Trần Duệ Tông Trần Đại Luật Trần Đại Thức Trần Đạo Tái Trần Đình Long Trần Đức Hoà Trần Đức Huy Trần Đức Lương Trần Đức Thảo Trần Đức Việp Trần Hiến Tông Trần Húc / Ngự Câu Vương Trần Huy Liệu Trần Ích Tắc Trần Khánh Dư Trần Khát Chân Trần Khắc Chung Trần Kiện Trần Kim Thạch Trần Lãm Trần Lão (lão?) Trần Lăng Trần Liên Trần Liễn Trần Lục Trần Lựu Trần Minh Tông Trần Nam Trung / Trần Lương Trần Nghệ Tông Trần Ngọc Liễng Trần Ngỗi / Giản Định Đế Trần Nguyên Diệu Trần Nguyên Đán Trần Nguyên Đỉnh Trần Nguyên Hãn Trần Nguyên Huy Trần (/Nguyên) Khang / Trần Thiêm Bình Trần Nhân Tông, Giác hoàng Điều ngự Trần Nhật Duật Trần Nhật Hiệu Trần Phế Đế Trần Phó Duyệt Trần Phong Trần Phú Trần Quang Diệu Trần Quang Khải Trần Quang Long Trần Quang Xưởng Trần Quốc Chẩn Trần Quốc Hoàn Trần Quốc Khang Trần Quốc Kiệt Trần Quốc Tảng Trần Quốc Tuấn / Hưng Đạo Vương, Đức Thánh Trần Trần Quốc Vượng Trần Quý Khoáng / Trùng Quang Đế Trần Quý Nha Trần Tấn Trần Thánh Tông Trần Thiên Lại Trần Thủ Độ Trần Thừa Trần Thượng Xuyên / Thắng Tài Trần Tôn Trần Trọng Kim Trần Tuân Trần Tung Trần Tự Khánh Trần Văn Đỗ Trần Văn Giáp Trần Văn Giàu Trần Văn Học Trần Văn Hương Trần Văn Hữu Trần Văn Kỉ Trần Văn Lai Trần Văn Lũ Trần Văn Ơn Trần Văn Thạch (CS) Trần Văn Thành (Đức Cố Quản) Trần Văn Tình Trần Văn Trạc Trần Văn Trung Trần Vàng Sao (Nguyễn Đính) Trần Xá Trần Xuân Trạch Trâu Canh Trâu Tôn Tri Tân tạp chí Triều Tiên / Đại Hàn Triệu (triều đại), Triệu Đà / Vũ Đế, Triệu Mạt / Văn Vương Triệu Nhữ Quát Triệu Quá Triệu Quang Phục / Việt Vương Triệu Tiết Triệu Túc Triệu Xương Trinh Minh Trình (Trần) Nguyên Bá Trình (Trần) Nguyên Đỉnh Trịnh (họ dân, chúa) Trịnh Bách Trịnh Cán Trịnh Căn Trịnh Cối Trịnh Công Năng Trịnh Công Sơn Trịnh Cương/Chù Trịnh Doanh Trịnh Duy Liêu Trịnh Đình Thảo Trịnh Đồ Trịnh Đỗ Trịnh Giác Mật Trịnh Giang/Khương Trịnh Hàng Trịnh Hoài Đức Trịnh Khả Trịnh Khải Trịnh Khắc Phục Trịnh Kì / Đào Quang Huy Trịnh Kiểm Trịnh Lãm / Hoàng Nhân Dũng Trịnh Lệ, Trịnh Lịch, Trịnh Luân, Trịnh Phất Trịnh Quốc (Hoàng hậu) Trịnh Sâm Trịnh Tạc Trịnh Toàn Trịnh Tráng Trịnh Trọng Tử Trịnh Tuy Trịnh Tùng, Bình An Vương Trịnh Xuân Trịnh Viên Trọng Thuỷ Trotsky, L. trống đồng Trúc Lâm Trung lập chế Trung Hậu hầu Trung nghĩa ca Trung Quốc / Trung Hoa, người Hoa Trung hưng (Lê) Trừng Quốc công Trương (họ Lê Bá Ngọc), họ Đàng Trong Trương Bá Cần Trương Bá Nghi Trương Bội Công Trương Chu Trương Công Da/Gia Trương Đăng Quế Trương (Công) Định Trương Hán Siêu Trương Hát Trương Hiển Trương Hống Trương Hữu Quýnh Trương Lập Đạo Trương Ma Ni, (Ni sư) Trương Ma Trương Minh Giảng Trương Như Tảng Trương Phát Khuê Trương Phụ Trương Phúc Loan, “quân Quốc phó” Trương Phúc Phấn Trương Phúc Phượng Trương Quyền Trương Tấn Sang Trương Thị Ngọc Lãnh Trương Tịch Trương Trà Trương Tử Anh Trương Văn Hạnh Trương Văn Hổ Trương Văn Sáng Trương Vĩnh Ký Trường Châu Trường Chinh / Đặng Xuân Khu Trường Giang Trường Kì / Nagasaki Trường Lưu Trường Sa (quần đảo) / Nam Sa Trường Tiền / Tràng Tiền Trường Viễn Đông Bác Cổ / EFEO Tùng Thiện Vương

U U Thant Um Mưrup Ung Bảo Toàn Ung Châu Ung Văn Khiêm Urdurgia Uy (Tư khấu) Uỷ ban Xô viết Nghệ An (phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh) Ưu binh Ứng Phong Ứng Thiên

V Vachet, B. Vannier, P. / Nguyễn Văn Chấn Vạn Gia Bá Vạn Kiếp Vạn Lại Vạn Tượng Vạn Xuân Văn Cao Văn hiến thông khảo Văn Khuông Văn Lang Văn Lương Văn Phong Vân Đồn (Tây Sơn) Vân Đồn (thương cảng) Vân Nam (trống) (tỉnh), Vân Nam Vương Varenne (Toàn quyền) Vauban Versailles (Hiệp ước) Vệ Quốc Đoàn Vị Long Vị Xuyên Vial, P. Viên Kiệu / Vân Kiều Viên ngoại lang Việt (cửa) Việt chí Việt Chứt (ngôn ngữ) Việt điện u linh tập Việt Khê Việt Nam, Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), Việt nam sử lược (Từ Diên Húc), Việt Nam thế chí, Việt sử cương mục Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội / Việt Cách Việt Nam Quốc Dân Đảng / Việt Quốc Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng Việt Nam Quang Phục Hội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân Việt Thường vijaya (đơn vị hành chính) Vijaya (nước, người) Vinh Li Ma Vĩnh Khang Vĩnh Tế Vĩnh Long Vinitaruci / Tì Ni Đa Lưu Chi Viollis, A. Virapura Võ Cạnh Võ Nguyên Giáp Võ Phiến Võ Tánh Võ Thành Minh Võ Văn Kiệt Võ Văn Lượng Võ Xán Voltaire Vọng Các / Bangkok, Công thần Vọng Các Vọng Thê Vũ Chân Vũ Công Đức Vũ Công Tuấn / “BaoTan”, Tiểu Giao Cương Vương Vũ Duy Chí Vũ Đái/”Cứt” Vũ Đình Hoè Vũ Đức Cát Vũ Đức Cung (Long Bình Vương) Vũ Hạnh Vũ Hồng Khanh Vũ Mọng Uyên Vũ Như Tô Vũ Quốc Thúc Vũ Thạnh Vũ thắng (binh) Vũ Thư Hiên Vũ trung tuỳ bút Vũ Văn Dũng, Chiêu Viễn hầu Vũ Văn Mật Vũ Văn Nhậm / Võ Văn Nhiệm Vũ Văn Uyên Vũ Xuân Cẩn Vụ “Gián điệp Bình Định” Vua Lửa, Euil At Vua Núi / Sơn Vương Vua Nước Vũng Long / Neak Luong Vũng Tàu Vương An Thạch Vương Mãng Vương Nhữ Chu Vương Thông

W White, Jh. Woodside, A.

X Xa Khả Tham xã (tiểu, đại) Xã Hội (đảng Pháp, Việt) Xã tắc (thần) Xak Pakei Xiêm La, Tiêm / Tiêm La, “Xiêm”, Xiêm binh Xít-ta-lin Xuân Đài Xuân Lộc (địa điểm, trận chiến) Xuân Thuỷ Xứ Châu

Y Ỷ Lan Yan Pu Nagara Yang Mun Yang Po Ku Vijaya Sri / Đức vua Tôn Quý Thắng lợi Yang Prong Yavana/Youn Yên Báy (xứ, khởi nghĩa) Yên Phi (tàu) Yên Sở Yên Tử Yeng Sary Yersin, A. Yogi Aoyagi Yoni Yuvaraya