Thông tư hướng dẫn dự toán lập quy hoạch 2023 năm 2024

Tôi đang làm trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng, hiện nay một số đơn vị cũng như cơ quan nhà nước tính toán và thẩm định dự toán lập quy hoạch theo Thông tư 20/2019/TT-BXD về hướng dẫn xác định chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị cụ thể như tại Bảng 10 thì chi phí lập quy hoạch cứ công trình có diện tích dưới 10ha đều có giá là 148,8 triệu đồng, (vì thông tư không nêu rõ số tiền/ha như thông tư 05/2017) còn diện tích từ 10ha đến 20ha thì mới tính trung bình. Tôi hỏi tính như vây có đúng không? Nếu tại Thông tư số số 05/2017 thì hướng dẫn cụ thể hơn, chẳng hạn cũng tại Bảng 10 thì còn ghi rõ là 12,4 triệu/ha cho mức <10ha.

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 20/2019/TT-BXD, định mức chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị của các đồ án quy hoạch có quy mô nhỏ hơn quy mô được quy định tại Thông tư này được xác định bằng định mức của đồ án có quy mô nhỏ nhất được quy định. Trường hợp việc xác định chi phí quy hoạch theo định mức quy định tại Thông tư này chưa phù hợp, thì chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được xác định bằng cách lập dự toán theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 20/2019/TT-BXD.

Việc xác định chi phí lập đồ án quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo định mức quy định tại Bảng số 10 Phụ lục 1 Thông tư số 20/2019/TT-BXD phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng xã, đảm bảo các nội dung đồ án quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn quy định tại Điều 19 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 32/2023/TT-BTC hướng dẫn việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, bao gồm cả nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân để lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt công bố, điều chỉnh quy hoạch.

Thông tư số 32/2023/TT-BTC áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ lập, thẩm định, quyết định, hoặc phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ.

Về nguyên tắc thực hiện, Thông tư nêu rõ, các nhiệm vụ, dự án quy hoạch phù hợp với Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 61/2022/QH15 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ điều kiện để bố trí kinh phí và triển khai thực hiện.

Các cơ quan, tổ chức được giao thực hiện các dự án quy hoạch và các nhiệm vụ quy định tại Điều 7 Luật Quy hoạch khi triển khai nhiệm vụ có trách nhiệm quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền và chấp hành chế độ công khai ngân sách theo quy định hiện hành.

Việc mua máy móc, thiết bị, dịch vụ nhằm phục vụ trực tiếp cho hoạt động quy hoạch thực hiện theo quy định pháp luật về đấu thầu và ngân sách nhà nước. Trường hợp dịch vụ trong hoạt động quy hoạch thuộc danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thì việc sử dụng kinh phí thực hiện theo quy định pháp luật về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công và pháp luật về giá...

Tại Thông tư số 32/2023/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định một số mức chi, cụ thể: Chi công tác phí, hội nghị, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ hội nghị; Chi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC; Chi nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động quy hoạch thực hiện theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/01/2023 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ...

Liên quan đến lập dự toán, đối với nhiệm vụ quy hoạch, dự án quy hoạch do các Bộ, cơ quan Trung ương thực hiện thì: Hàng năm căn cứ chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm của Bộ Tài chính; quyết định phê duyệt nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền; khối lượng nhiệm vụ quy hoạch, dự án quy hoạch cần thực hiện trong năm kế hoạch; định mức kinh tế - kỹ thuật quy hoạch và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, các đơn vị lập dự toán kinh phí chi tiết theo các nhiệm vụ quy hoạch, dự án quy hoạch báo cáo các Bộ, cơ quan trung ương để tổng hợp vào dự toán năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với nhiệm vụ quy hoạch, dự án quy hoạch do địa phương thực hiện thì: Hằng năm căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm của Bộ Tài chính; hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền về lập dự toán ngân sách ở các cấp địa phương; quyết định phê duyệt nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền; khối lượng nhiệm vụ quy hoạch, dự án quy hoạch thực hiện trong năm kế hoạch; định mức kinh tế - kỹ thuật quy hoạch và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, các đơn vị lập dự toán kinh phí chi tiết theo các nhiệm vụ, dự án quy hoạch báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương để tổng hợp vào dự toán năm kế hoạch gửi cơ quan Tài chính tổng hợp vào dự toán chi ngân sách báo cáo Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

Ngoài ra, tại Thông tư số 32/2023/TT-BTC, Bộ Tài chính còn quy định cụ thể về giá trong hoạt động quy hoạch; phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí; Kiểm soát chi và thanh toán qua Kho bạc Nhà nước.