Tam thời hệ niệm là gì năm 2024

  1. Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự. Bản này phổ biến nhất, thường dùng thay thế cho nghi thức Diệm Khẩu, chủ yếu lấy kinh Di Đà làm kinh văn phúng tụng trong cả ba thời. Hiểu theo nghĩa hẹp, “tam thời” là buổi sáng, chính ngọ và buổi chiều, tức là trong suốt một ngày thường luôn hệ niệm tưởng nhớ đến Phật. Hiểu theo nghĩa rộng, Tam Thời chỉ hết thảy thời. Hệ Niệm là thân – khẩu – ý đều nương theo văn nghĩa kinh Di Đà chuyên lòng chú tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, không còn nghĩ gì khác.
  1. Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Phật Sự Phạm Nghi: Cũng chia thành ba thời, nhưng dùng hai kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ để trì tụng. Thời thứ nhất tụng cuốn Thượng của kinh Vô Lượng Thọ (bản Ngụy dịch, tức bản dịch của ngài Khang Tăng Khải), thời thứ hai tụng cuốn hạ của Vô Lượng Thọ Kinh, thời thứ ba tụng Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh. Giữa thời thứ nhất và thời thứ hai có kèm theo nghi thức Cúng Ngọ. Giữa thời thứ hai và thời thứ ba lễ A Di Đà Sám Nghi. Các phần khai thị, tán Phật, sám hối, phát nguyện, hồi hướng đều giống như loại thứ nhất.

DẪN NHẬP

Lần đầu tiên mạt nhân được biết đến Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm là vào năm 2001 trong kỳ Phật Thất mùa Đông tại Tịnh Tông Học Hội Dallas. Do không biết tiếng Quan Thoại nên chúng tôi không nghe ra các âm thanh tụng niệm để theo kịp khóa niệm; nhờ đó, chúng tôi có dịp thong thả đọc từng trang Tam Thời Hệ Niệm và nhận thấy đây là một tác phẩm vô cùng quý giá cho Tịnh nghiệp hành nhân.

Thoạt nhìn, dễ hiểu lầm đây chỉ là một thứ khóa tụng nhằm hồi hướng cho các vong linh sau khi Phật thất viên mãn. Thế nhưng, càng đọc kỹ, càng thấy mỗi một lời khai thị trong bản pháp sự khoa nghi này đúng là kim chỉ nam cho người tu Tịnh Độ. Càng đọc, chúng tôi càng nhận thấy tư tưởng của Trung Phong quốc sư qua những lời khai thị hoàn toàn nhất quán với tư tưởng của lịch đại tổ sư Tịnh tông. Dường như, trong các trước tác, ngài Ngẫu Ích chịu ảnh hưởng của ngài Trung Phong rất nhiều, nhưng do kiến văn thô lậu, hữu hạn, chúng tôi không dám đoan chắc điều này. So với tác phẩm Tịnh Độ Sám Nguyện của ngài Tuân Thức, ý nghĩa, văn chương, khai thị, thứ tự tác pháp của Tam Thời Hệ Niệm đều vượt trội. Nhất là trong pháp sự này, đối tượng quy kính hoàn toàn chuyên nhất nơi Tây Phương Tam Thánh, không lễ bái quá nhiều danh hiệu thập phương chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn Tăng như trong Tịnh Độ Sám Nguyện, khiến tư tưởng “nhất tâm chuyên niệm, hồi hướng phát nguyện vãng sanh” của Tịnh tông càng được củng cố mạnh mẽ, người hành trì cũng dễ chú tâm hơn. Đã từ lâu mạt nhân mang tâm nguyện phiên âm, chuyển ngữ pháp sự khoa nghi này, nhưng đành bó tay vì văn chương của ngài Trung Phong quá cô đọng, hầu như không cách nào gượng dịch được.

May mắn sao! Mùa Thu năm nay (2004), chúng tôi tìm được bản Giảng Ký về khoa nghi pháp sự này của lão pháp sư Tịnh Không trên trang nhà Hoa Tạng Phật Giáo Đồ Thư Quán. Xin trân trọng diễn nôm, với tâm nguyện giúp cho những hành nhân Tịnh tông có thêm tài liệu làm kim chỉ nam hòng củng cố chí thú nhất tâm chuyên niệm, hồi hướng vãng sanh. Chúng tôi hoàn toàn tâm đắc lời Hòa Thượng Tịnh Không khai thị: Ngoài năm kinh một luận Tịnh Độ, mỗi hành nhân Tịnh Độ nên thường đọc đi đọc lại pháp sự này, tùy văn nhập quán để phần nào thể hội ý chỉ “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”; để từ đó, sự lý viên dung, sự sự vô ngại, niệm niệm chẳng rời A Di Đà Phật.

Dưới mỗi câu trong chánh văn trong pháp sự khoa nghi, chúng tôi tạm dịch thành đôi dòng tiếng Việt để phô bày phần nào huyền nghĩa của chánh văn. Vì sức học quá hạn hẹp, thiếu hẳn văn tài, lời văn vụng về, thô kệch, què quặt, không thông suốt, chúng tôi không dám gọi đây là bản dịch, mà chỉ gọi là “bản chuyển ngữ”. Để người đọc tiện theo dõi, chúng tôi tự tiện đánh số chia khoa mục và đặt tiểu đề. Do nguyên cảo là một bản ghi chép trung thực lời Hòa Thượng giảng trong nhiều ngày, nên có những đoạn được Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại đôi ba lần. Khi chuyển ngữ, chúng tôi vẫn giữ nguyên như thế, không tỉnh lược, ngõ hầu người đọc có thể tưởng tượng như đang trực tiếp tham dự pháp hội giảng kinh của Hòa Thượng.

Trong khi đang dịch nháp bài giảng này, chúng tôi thấy có những vị thiện tri thức khác cũng đang dịch băng giảng, nên chúng tôi đã bỏ dở, không làm nữa, nhưng rồi nuối tiếc, nên đành chuyển ngữ tiếp cho đến khi hoàn thành cảo bản vào cuối năm 2005. Do nghĩ bản chuyển ngữ này là việc làm dư thừa, coi như một tài liệu chỉ dành riêng cho chính mình học hiểu Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự, chúng tôi giữ nguyên hình thức mộc mạc, trúc trắc của nó để đăng tải trên trang nhà Di Đà Nguyện Hải (niemphat.net), vì nghĩ sẽ chẳng ai bận tâm đọc nó sau khi đã có băng giảng được lưu hành. Cho tới cuối năm 2010, trong một cuộc điện đàm, sư huynh Đức Phong đã có nhã ý muốn ấn hành bài giảng này để giúp cho những đồng tu cao tuổi, khó thể đọc lâu trên Internet, có thể thuận tiện tra cứu khi cần thiết, dễ dàng đánh dấu chương nào, phần nào cần thiết để đọc đi đọc lại từng phần lời giảng, suy ngẫm hòng thấu hiểu để thực hành hạnh “tùy văn nhập quán” như lão pháp sư Tịnh Không đã ân cần chỉ dạy. Vâng lời từ huấn của sư huynh Đức Phong, chúng tôi tu chỉnh, điều chỉnh cách chấm câu chưa hợp lý, ghi thêm chánh văn tiếng Hán, diễn nôm một số từ ngữ Hán Việt không phổ biến, cũng như nhuận sắc cho lời văn đỡ thô vụng, quê kệch hơn, cũng như sửa lỗi chánh tả. Dẫu đã cố gắng hết sức, nhưng tài cùn, trí cạn, thiếu hẳn sự tu trì, kiến thức chắp vá, lơ mơ, chắc chắn sẽ có những sai sót không thể nào tha thứ được trong bản chuyển ngữ ngô nghê này, ngưỡng mong các liên hữu xa gần sẽ rộng lòng từ bi lân mẫn chỉ giáo, phủ chính.

Nếu việc làm liều lĩnh này của chúng tôi có công đức nào thì xin hồi hướng công đức ấy lên bổn sư thượng Giải hạ Thắng, trụ trì chùa Bửu Quang quận 7, Sài Gòn, chư tổ sư hoằng truyền Tịnh tông Việt Nam và Trung Hoa, lịch đại tổ tiên, phụ mẫu, tông thân quyến thuộc, cũng như các liên hữu Vạn Từ, Minh Tiến, Huệ Trang, Đức Phong luôn nâng đỡ, khuyến khích chúng tôi mỗi khi “chân chùn, gối mỏi, ngã lòng, lười nhác”. Nguyện do công đức này, tất cả Tịnh nghiệp hành nhân trong cõi Sa Bà này và mười phương thế giới đều cùng được viên thành chí nguyện, cùng hội ngộ nơi Tây Phương Cực Lạc; tất cả chúng sanh trong mười phương nghiệp đạo đều thoát chốn u đồ, đồng sanh Tịnh Độ.

Trọng Đông năm 2010, Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch

.