Sức mạnh của đạo đức cách mạng

1. Quan điểm về vai trò của đạo đức cách mạng

a. Đạo đức là gốc, là sức mạnh của người cách mạng

– Hồ Chí Minh cho rằng, đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người cũng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông.

Trong tác phẩm Sửa đối lối làm việc (1947), Hồ Chí Minh viết:

“Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo.”

– Người cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc vì, nếu không có đạo đức sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, sự nghiệp cách mạng vô cùng khó khăn, gian khổ nó đòi hỏi phải sự hy sinh rất lớn. Đạo đức cách mạng tạo ra sức mạnh về ý chí, nghị lực cho người cách mạng từ đó mới hoàn thành được những nhiệm vụ cách mạng đặt

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (1958), Hồ Chí Minh viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.

VD: Trong kháng chiến, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm, tra tấn hết sức dã man nhưng nhất quyết không đầu hàng, đó là do họ có sức mạnh của đạo đức cách mạng

– Người cách mạng phải lấy đạo đức làm gốc, nếu không có đạo đức sẽ không được quần chúng nhân dân tin tưởng từ đó không lãnh đạo được nhân dân. Người cách mạng khi có đạo đức cách mạng sẽ tạo được niềm tin cho quần chúng, được quần chúng quý mến, kính trọng.

Hồ Chí Minh nói: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”.

– Đạo đức cách mạng tạo nên bản lĩnh, khí chất cho người cách mạng. Người cách mạng có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…, khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn.

b. Đạo đức là nền tảng tinh thần của xã hội

– Đạo đức trở thành nhân tố quyết định của sự thành bại của mọi công việc, phẩm chất mỗi con người. Đạo đức có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp đổi xã hội cũ thành xã hội mới và xây dựng thuần phong mỹ tục.

Hồ Chí Minh quan niệm, “Việc nước lấy Đoàn thể làm cốt cán. Việc Đoàn thể lấy cán bộ làm cốt cán. Cán bộ lấy đạo đức làm cốt cán”

– Đạo đức, với những chuẩn giá trị có tác dụng chi phối đời sống tinh thần của xã hội. Là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội. Đạo đức góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội.

Trong xã hội, sự suy thoái đạo đức trong mỗi con người và xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội. Hồ Chí Minh nhắc lại lời Mạnh Tử: “Ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”. Chính vì vậy, Người thường nhắc lại tinh thần của V.I.Lênin: Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại.