Sở chỉ huy tiền phương là gì

Di tích là tiệm phở Bình, số 7 đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng), phường 8, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đó là căn nhà phố: 1 trệt, 3 lầu và 1 sân thượng. Mặt bằng tầng trệt có diện tích: 4m x 19m nở hậu, giữa có cầu thang bằng đá rửa. Phần trệt dùng làm tiệm phở, theo thiết kế bếp nấu chiếm nửa hành lang mặt tiền. Bên trong bố trí bàn ăn thực khách, chừa lối đi ở giữa. Cách ly nhà bếp, nhà vệ sinh, hồ nước với phòng thực khách có thang lầu dẫn lên tầng 1,2,3. Mỗi tầng được chia làm 2 phòng: phòng phía trước (có diện tích 3m x 3,5m) và phòng phía sau (có diện tích 3m x 4m). Một thang sắt bắc lên sân thượng. Mỗi lầu đều có hàng ba phía trước có kích thước 1,2m x 4m che chắn bên ngoài bằng tấm sáo trúc.

Giữa năm 1966, ông Nguyễn Văn Trí (Hai Đô) thủ trưởng đơn vị "Bảo Đảm" Biệt động thành chỉ đạo mua căn nhà này và giao cho ông Ngô Toại, một chiến sĩ trong đơn vị. Ông Ngô Toại sinh năm 1910 tại làng Đông Cao, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Năm 16 tuổi (1926) ông vào làm công nhận dệt, nhận công tác giao liên cho cách mạng. Sau đó ông thoát ly, sát cảnh với Vệ Quốc Đoàn chiến đấu, rồi bị Pháp bắt giam tại nhà máy chai Nam Định. Ông trốn khỏi tù, cùng vợ vào Nam năm 1951 ...

Tiệm phở nằm trong trung tâm dân cư, rộng thoáng, khách ăn tương đối đông nên đơn vị biệt động dùng làm cơ sở liên lạc, tiếp nhận tài liệu. Ba chiến sĩ trong đội biệt động cũng được bố trí trong vai người giúp việc tại tiệm phở. Từ năm 1967, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ đến trú tại tiệm phở Bình công tác hoặc hội họp vài ngày. Khoảng một tháng trước Tết Mậu Thân, ông Hai Trí đến tiệm phở chỉ thị cho ông Ngô Toại gấp rút dự trữ lương thực cho khoảng 100 người dùng trong 1 tháng. Chấp hành mệnh lệnh, ông Ngô Toại tích trữ một số lương thực, thực phẩm (lương khô, đồ hộp, gà, vịt sống ...).

Thời gian này, một trung đội nữ lần lượt đến từng người, bí mật trụ lại tại phòng phía sau lầu 1 tiệm phở. Đây là các chiến sĩ của nhiều đơn vị như: điện đài, y tế, giao liên ... thuộc Sở chỉ huy Tiền phương phân khu 6. Những chiến sĩ khác, sau đó cũng đến lẻ tẻ, mỗi ngày vài người bằng xe gắn máy, vespa, xe đạp, đi bộ ... Càng đến gần ngày cao điểm, càng có nhiều cán bộ chỉ huy đến tiệm phở nghiên cứu tình hình, kiểm tra như:

Ngô Thanh Vân (Ba Đen), Nguyễn Văn Trí (Hai Độ), Nguyễn Lập Hòa (Chỉ huy phó), Phạm Văn Bảy (Bảy Bôn), Nguyễn Huy Xích (Bảy thợ may), Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Ba Khâm ... Thị Sang (vợ Ba Tiến), Ngô Duy Trinh, Nguyễn Văn Tăng (sau năm 1975 được phong Anh hùng quân đội), Ba Phong (sau năm 1975 được phong Anh hùng quân đội), Phạm Học (nhiếp ảnh), Ba Tường, Vũ Bá Tài, Ba Hương (sau này công tác trường Đảng Nguyễn Văn Cừ), Chu Minh Phúc, Ba Khoác, Phan Thanh Thường, Cung, Phạm Văn Trụ, Bảy Thuận, Goòng, Tư Ngàn (Quận), Hưng (liên lạc), Bảy Bạch, chị Sương, chị Lan, chị Sáu Xây (y tá), Năm Tâm, Tư Tị, Năm Nhỏ, Ba Mai, Thu, anh Kiểu (bí danh 13), chị Bông, Nguyễn Thị Lích, ông Bích (Bảo Con), Uút Nhỏ, Bảy Truyền, Quận (Tư Ngân), Bảo (liên lạc), cô Thương, chị Ba Tý, Bích (liên lạc), Sáu Phước (quân báo) và khoảng 20 chiến sĩ xuất phát từ Bàu Mây (Suối Sâu), huyện Trảng Bàng - Tây Ninh cơ sở của anh Phạm Văn Tá (tức Tư Râu) và nhà chị Võ Thị Cương.

Cô Hai Sang mặc áo tím, là ám hiệu đứng trước cửa tiệm phở Bình, để đón các chiến sĩ từ các nơi đến, sau đó ông Ngô Toại sẽ bí mật đưa các chiến sĩ lên lầu. Khoảng 10 giờ sáng ngày 29 Tết, tiệm phở Bình đã có hơn 40 cán bộ, chiến sĩ, trong số đó có người che bớt tiếng ồn ào trên lầu. Đúng 19 giờ cùng ngày, ông Ba Tam Tư Chu - Tham mưu trưởng Phân khu 6 đến kiểm tra lương thực, quân số và yên tâm ra đi.

Sở chỉ huy Tiền phương - Phân khu 6 (Đặc khu Sài Gòn - Gia Định) quyết định dùng tiệm phở Bình làm trụ sở tập kết các chiến sĩ, cán bộ để truyền đạt mệnh lệnh trong cuộc Tổng tiến công và Nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ông Nguyễn Văn Tri, người được phân công phụ trách Sở chỉ huy Tiền phương đã báo cáo tình hình, động viên, bố trí công việc cho anh chị em tại đây, trao đổi với các cụm, rà soát lại các hầm ém vũ khí và các hợp đồng nhận vũ khí. Đêm mùng 1 Tết Mậu Thân (ngày 30 tháng 1 năm 1968), Chính ủy Phân khu 6 - Võ Văn Thạnh (Ba Thắng) - từ cơ sở bị mật nhà ông Nguyễn Nông số 241/5 Bạch Đằng (Bình Thạnh) đến Sở chỉ huy (tiệm phở Bình) số 7 Yên Đổ.

Khoảng 20 giờ 30 phút, Ba Thắng mời một số cán bộ chỉ huy cụm vào phòng khách, nơi có đặt bộ sa - lon gỗ trong phòng phía trước lầu 2. Căn phòng không rộng nhưng tương đối an toàn, kín đáo. Một số cán bộ, chiến sĩ khác đứng, ngồi bên ngoài phòng chờ đợi. Đúng 23 giờ kém 15 phút, đồng chí Ba Thắng nhân danh Chính ủy Sở chỉ huy Tiền phương - Phân khu 6, trịnh trọng đọc lời hiệu triệu của Uủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông nhắc lại lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", phổ biến giờ "G", phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xung kích tiến công các mục tiên đầu não Mỹ - Ngụy ở Sài Gòn.

Giờ hành động đã điểm. Lợi dụng quan cảnh nhộn nhịp của người đi lễ trên đường phố, các cán bộ, chiến sĩ lần lượt rời tiệm phở. Tư Tăng (cụm trưởng cụm 4 biệt động) đi bộ ra đầu đường Hai Bà Trưng gọi xích lô máy đến nhà may Quốc Anh số 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi đóng quân của đội 4 có nhiệm vụ tấn công Đài phát thanh. Đơn vị tấn công tòa Đại sứ Mỹ do Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy cũng rời tiệm phở, triển khai phương án tác chiến.

Sáng mùng 3 Tết, tình hình căng thẳng. Ngã tư Yên Đổ Hai Bà Trưng địch dựng chốt chặn bằng rào kẽm gai di động và bao cát chồng lên, trên bố trí súng đại liên. Căn nhà của một tên tướng Mỹ nằm xéo tiệm phở Bình tăng cường nhiều lính rằn ri. Có nhiều tên leo lên lầu chỉa súng về hướng phở Bình. Bọn chúng chặn hai đầu phố, ngăn người và xe qua lại. Bên trong tiệm phở được báo động. Một số cán bộ chưa kịp rời tiệm phở lập tức hủy các tài liệu.

Nhiều toán lính gồm quân cảnh sát dã chiến từ nóc nhà bên cạnh tràn vào sân thượng, tìm mọi cách đột nhập vào lầu 2 tiệm phở. Phía dưới, một số lính dù và bộ binh đập cửa xông vào. Cô Hải (con gái ông Ngô Toại) chạy lên lầu báo tin "cảnh sát đến" tức thì bị nhiều tên cảnh sát xông đến chĩa súng bắt nằm xuống. Chúng túa lên lầu, bắt mọi người nằm úp mặt xuống gạch, rồi chia nhau lục soát khắp ngõ ngách trong tiệm phở.

Mười ba người rơi vào tay địch gồm: Phạm Văn Bảy (Bảy Bôn), Nguyễn Huy Xích (Mười Tâm), Phan Thanh Thường (Ba Thường), Chu Minh Chúc, Hưng (trinh sát), chị Tư Uù, Sáu Xây (y tá), chị Mai, chị Nguyệt, cô Diệp, cô Bông, ông Ngô Toại (chủ tiệm phở) và Nguyễn Kim Bạch (rể ông Ngô Toại). Tại đây, ngay đêm đó, hai chiến sĩ: Phạm Văn Bảy và Nguyễn Huy Xích đã hy sinh sau khi chịu đựng những đòn tra tấn dã man của địch. Ngày hôm sau, chúng đến tiệm phở bắt tiếp vợ và con gái ông Toại đưa về Tổng Nha Cảnh sát khai thác.

Ông Toại sa vào tay giặc, địch lột hết quần áo, trói chặt chân vào ghế rồi dùng gậy đánh, đổ nước đầy miệng, xịt dầu lên tóc đốt ... Ông chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn một mực không khai báo, không nhận là cơ sở biệt động. Địch đày ông ra Côn Đảo, lại tiếp tục tra tấn đủ trò, nhưng ông vẫn giữ tròn lòng trung với cách mạng cho đến ngày được trao trả tại Lộc Ninh (1973). Và hiện nay ông Toại vẫn trong vai chủ tiệm phở cùng gia đình tiếp tục kinh doanh.

Di tích lịch sử số 7 Lý Chính Thắng là niềm tự hào của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai Ngụy quyền. Nơi đây toát lên ý chí chiến thắng, thể hiện một niền tin mãnh liệt của những người chiến sĩ luôn xốc tới trước làn tên mũi đạn kẻ thù. Hàng trăm đoàn khách và cá nhân nước ngoài đã đến viếng thăm và ghi lại cảm nghĩ thán phục người Việt Nam yêu nước.

Di tích đã được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử qua quyết định số 1288 - VH/QĐ ngày 16/11/1988.

lichsuvietnam.vn