Sân khấu hóa những vấn đề xã hội nhân dân năm 2024

Từ rất lâu rồi cha ông ta đã cùng nhau lập ra những chiếu chèo để biểu diễn phục vụ nhân dân ở đồng bằng Bắc Bộ. Trước và sau ngày đất nước thống nhất, ở khu vực phía nam cũng có nhiều gánh hát do các nghệ sĩ tự lập nên và đi biểu diễn khắp mọi nơi, cả nông thôn và thành thị.

Các chiếu chèo, gánh hát ngày xưa được hình thành từ sự đam mê của nghệ sĩ, nghệ nhân, được nảy mầm trên mảnh đất màu mỡ là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người lao động, trở thành món ăn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Phải chăng những gì cha ông ta đã làm chính là điều mà hôm nay chúng ta đặt tên là "Xã hội hóa sân khấu"? Như vậy có nghĩa là: vấn đề xã hội hóa trong thời đại hôm nay về bản chất thì không có gì mới, cái sự không mới này lại đang làm đau đầu các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật, các thành phần tham gia sáng tạo nên mỗi tác phẩm sân khấu.

Xã hội hóa sân khấu là một bài toán khó chưa có đáp số, thậm chí chưa tìm ra phương pháp để giải mã trong đời sống sân khấu hiện nay. Chúng ta chỉ có thể giải phóng sự bế tắc này bằng chính thực trạng đang có và những nguyên nhân dẫn đến thực tế đời sống sân khấu đương đại. Chỉ cần đánh giá, nhìn nhận ở hai trung tâm văn hóa, kinh tế xã hội lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội; cũng đủ phác họa nên bức tranh toàn cảnh về xã hội hóa hoạt động sân khấu ở nước ta hiện nay.

TP Hồ Chí Minh là địa bàn có nhiều đơn vị sân khấu xã hội hóa, hoạt động theo phương thức, phong cách khác nhau. Sự khác nhau ấy đã phần nào nói lên tính năng động của các lãnh đạo đơn vị và các nghệ sĩ.

Trong khi sân khấu chuyên nghiệp cả nước lâm vào tình trạng khủng hoảng người xem thì một số địa chỉ sân khấu xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên đỏ đèn, thu hút một lượng người xem không nhỏ ở nhiều đối tượng khác nhau. Sự có mặt, không khí tiếp nhận, thưởng thức nghệ thuật của khán giả đã làm tan tảng băng trong nhận thức của nhiều người từng đánh giá khán giả đang quay lưng lại sân khấu. Thực tế cho thấy, khán giả không bao giờ quay lưng lại sân khấu, khán giả xa sân khấu bởi vì những chủ thể sáng tạo chưa tìm được con đường đưa sản phẩm nghệ thuật tới công chúng, chưa có những tác phẩm phù hợp với nhu cầu thưởng thức của nhiều đối tượng.

Ðất nước ta đã trải qua hơn hai mươi năm đổi mới. Ðảng và nhân dân ta đã có những thành tựu to lớn về mọi mặt, làm thay đổi đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của cả dân tộc về diện rộng và chiều sâu, về mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Thành phố Hồ Chí Minh là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng.

Hiện thực là thế..., nhưng tại sao những hiện thực ấy, những con người làm thay da đổi thịt cho thành phố mang tên Bác, những giá trị, những mẫu người điển hình, những thành tựu mà chính con người ở mảnh đất này làm nên vì lợi ích của nhân dân, trong đó có cả nỗi đau, khát vọng, ý chí quyết tâm... lại không được diễn tả trên các sàn diễn xã hội hóa ở TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua.

Nếu ai đó có hỏi: Thị hiếu của khán giả TP Hồ Chí Minh có cần những vở diễn diễn tả những vấn đề nêu trên không? Xin trả lời ngay là họ rất cần. Khán giả đang khao khát nghệ thuật sân khấu phản ánh những hình tượng con người mới đã làm thay đổi diện mạo đời sống xã hội trong thời kỳ đổi mới, khao khát sân khấu lý giải nhiều vấn đề nóng bỏng và bức xúc đang diễn ra giữa cuộc sống mà toàn xã hội phải trăn trở, quan tâm... Ðược như vậy thì diện mạo sân khấu ở TP Hồ Chí Minh mới làm tròn các chức năng của nghệ thuật sân khấu. Trách nhiệm vẫn thuộc về các nghệ sĩ đã, đang và sẽ tham gia hoạt động sân khấu ở TP Hồ Chí Minh.

Những năm trước đây, ở thủ đô Hà Nội có nhiều nghệ sĩ thuộc các đơn vị công lập đứng ra làm bầu, tổ chức biểu diễn hài kịch phục vụ nhân dân bằng hình thức lưu diễn. Mô hình này sớm tan rã bởi phương thức hoạt động manh mún, chụp giật và ngẫu hứng.

Tính đến thời điểm này, ở thủ đô Hà Nội chỉ có hai đơn vị sân khấu xã hội hóa trực thuộc Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đang hoạt động có tư cách pháp nhân và các diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ.

Có thể nói, đời sống sân khấu xã hội hóa ở thủ đô Hà Nội đang là cánh đồng không mấy ai cày xới gieo trồng. Có thể tìm thấy mấy nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự trì trệ trong công tác xã hội hóa sân khấu ở Hà Nội như sau:

Thứ nhất, ở Hà Nội không có nghệ sĩ sân khấu tự do, các nghệ sĩ ở đơn vị nghệ thuật công lập có khả năng, muốn hoạt động xã hội hóa nhưng bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ, trách nhiệm phải hoàn thành do đơn vị giao phó. Những nghệ sĩ được đào tạo trong trường không xin được việc thì giải nghệ, chuyển đi làm việc khác. Ðối tượng này không đủ trí tuệ, tài năng, vật lực để cùng nhau hoạt động xã hội hóa sân khấu.

Thứ hai, bản thân các nghệ sĩ sáng tạo đang bị bế tắc trong nhận thức, đánh giá, phân tích nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng miền bắc hôm nay. Sự bế tắc này làm cho các nghệ sĩ lúng túng về phương pháp sáng tạo và phương thức hoạt động.

Thứ ba, hầu hết các nghệ sĩ sân khấu ở Hà Nội đều biên chế hoặc hợp đồng trong các đơn vị nghệ thuật công lập, được Nhà nước bao cấp về lương, các chế độ bảo hiểm và kinh phí dàn dựng tác phẩm. Bầu sữa ngọt ngào của chế độ bao cấp đang tạo nên sức ỳ rất lớn đối với tập thể và các nghệ sĩ, làm giảm sút sức sáng tạo và tính năng động. Chẳng mấy ai dại dột lại bỏ nguồn bao cấp, lao vào thương trường nghệ thuật để nếm mùi cay đắng khi mà chưa nhìn thấy vinh quang.

Thực tế đời sống sân khấu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: chỉ có đẩy mạnh xã hội hóa mới thay đổi diện mạo nghệ thuật sân khấu, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân. Ðã đến lúc nghệ thuật sân khấu phải đổi mới, sự đổi mới bắt đầu từ thực tiễn, từ nhận thức của các nhà quản lý nghệ thuật và nghệ sĩ sáng tạo, bằng những giải pháp khả thi tầm chiến lược nhưng không mang tính áp đặt.

Trong xu thế hội nhập, muốn hay không chúng ta cũng phải sớm triển khai xã hội hóa các đơn vị công lập. Ðến một thời điểm nào đó, Nhà nước chỉ bao cấp cho một số lượng không nhiều các đơn vị nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, Chèo, Cải lương.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để dần xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật công lập? Bản thân các đơn vị nghệ thuật công lập phải xây dựng đề án xã hội hóa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và đơn vị. Cục Nghệ thuật biểu diễn, các Sở văn hóa thông tin xây dựng đề án xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật trực thuộc mang tính khả thi trên cơ sở thực tiễn. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đạo thực hiện triệt để các đề án khả thi, tránh tình trạng sáp nhập, rượu cũ, bình mới để tạo ra một số đơn vị nghệ thuật tổng hợp thập cẩm như nhiều tỉnh đã làm; như thế không phải là xã hội hóa mà còn gây ra những tác hại rất lớn.

Nhà nước cần tạo điều kiện cơ sở vật chất trong quá trình xã hội hóa các đơn vị công lập như: Ðịa điểm biểu diễn cố định, âm thanh, ánh sáng, phương tiện kỹ thuật, rồi cắt từng phần, tiến tới cắt hết nguồn kinh phí bao cấp. Có như vậy mới tạo điều kiện, động lực thúc đẩy tính năng động, sáng tạo của tập thể nghệ sĩ, gắn đời sống của họ vào sức lao động của chính mình. Bên cạnh đó phải tạo được sự bình đẳng về quyền lợi cho nghệ sĩ giữa khối công lập và xã hội hóa, có những hình thức khen thưởng xứng đáng cho tập thể, cá nhân đóng góp tích cực và hiệu quả trong tiến trình xã hội hóa sân khấu.

Khi xã hội hóa các đơn vị công lập, người lãnh đạo giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, lãnh đạo các đơn vị công lập được xã hội hóa phải là những người thật sự có tâm, có tài, được chính nghệ sĩ bầu lên thì mới gắn kết được tập thể nghệ sĩ trong sáng tạo, hoạt động nghệ thuật.