Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành

Chi tiết câu hỏi

Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/2/2020 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2022 và hiện chưa có thông tư thay thế. Tôi xin hỏi, kinh phí quản lý, sử dụng chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán của đơn vị các khoản chi phục vụ công tác quyết toán xử lý như thế nào? Đơn vị có thể chi sửa chữa kho để có chỗ đựng hồ sơ quyết toán, bảo quản lưu trữ hồ sơ từ nguồn thu phí thẩm tra quyết toán không?

Trả lời

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Căn cứ Điểm b, Khoản 2, Điều 20 Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/2/2022 quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước:

"b) Nội dung chi cho công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán gồm:

- Chi hỗ trợ trực tiếp cho công tác thẩm tra quyết toán, phê duyệt quyết toán;

- Chi trả cho các chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra quyết toán dự án trong trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán ký kết hợp đồng theo thời gian với các chuyên gia hoặc thuê tổ chức tư vấn.

- Chi công tác phí, văn phòng phẩm, dịch thuật, in ấn, hội nghị, hội thảo, mua sắm máy tính hoặc trang thiết bị phục vụ công tác thẩm tra và phê duyệt quyết toán;

- Các khoản chi khác có liên quan đến công tác thẩm tra quyết toán, phê duyệt quyết toán".

Như vậy, trước thời điểm Thông tư số 10/2020/TT-BTC hết hiệu lực thi hành, chi phí thẩm tra phê duyệt quyết toán để phục vụ cho công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành được sử dụng theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 20 nêu trên.

Ngày 11/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán.

Theo đó, tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 96/2021/TT-BTC đã bãi bỏ Thông tư số 10/2020/TT-BTC ngày 20/2/2020 của Bộ Tài chính về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn nhà nước. Thông tư số 96/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP và Thông tư số 96/2021/TT-BTC quy định công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.

Do đó, sau thời điểm Thông tư số 10/2020/TT-BTC hết hiệu lực thi hành, trường hợp dự án sử dụng vốn đầu tư công, đề nghị đơn vị thực hiện quản lý, sử dụng chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 46 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP và Thông tư số 96/2021/TT-BTC.

Ông Phan Việt Hiếu (TPHCM) công tác trong lĩnh vực tư vấn kiểm toán quyết toán dự án và tư vấn thẩm tra quyết toán. Theo quy định kiểm toán báo cáo quyết toán tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP:

"3. Kiểm toán báo cáo quyết toán:

  1. Các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công khi hoàn thành phải kiểm toán báo cáo quyết toán trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán (trừ dự án thuộc danh mục bí mật Nhà nước). Các dự án sử dụng vốn đầu tư công còn lại, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư dự án xem xét, quyết định đấu thầu kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo quyết toán. Chủ đầu tư tổ chức đấu thầu kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và ký kết hợp đồng kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng. Chủ đầu tư, nhà thầu kiểm toán độc lập và các đơn vị có liên quan thực hiện theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này".

Tại Khoản 12 Điều 4 của Luật Đấu thầu 2013 giải thích: "Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế".

Ông Hiếu hỏi, trường hợp người có thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư dự án đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án (có gói thầu kiểm toán độc lập) và dự toán/tổng dự toán có chi phí cho nội dung kiểm toán báo cáo quyết toán thì chủ đầu tư tổ chức lựa chọn nhà thầu kiểm toán độc lập theo đúng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt và ký kết hợp đồng kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng hay người có thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư dự án xem xét, quyết định đấu thầu kiểm toán độc lập bằng một văn bản riêng?

Về hình thức lựa chọn nhà thầu kiểm toán độc lập bắt buộc là đấu thầu (đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế) hay có thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác, ví dụ như chỉ định thầu rút gọn… (nếu đủ điều kiện áp dụng)?

Về quyết toán dự án hoàn thành các dự án đầu tư sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, Điều 1 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP chỉ đề cập đến quản lý, thanh toán vốn đầu tư công; quyết toán vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước; quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành.

Vậy, việc quyết toán dự án hoàn thành các dự án đầu tư chỉ sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2020/TT-BTC hay thực hiện theo quy định nào?

Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Về việc đấu thầu kiểm toán độc lập, tại Điểm a Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, quy định như sau:

"3. Kiểm toán báo cáo quyết toán:

  1. Các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công khi hoàn thành phải kiểm toán báo cáo quyết toán trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán (trừ dự án thuộc danh mục bí mật Nhà nước). Các dự án sử dụng vốn đầu tư công còn lại, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt đầu tư dự án xem xét, quyết định đấu thầu kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo quyết toán.

Chủ đầu tư tổ chức đấu thầu kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu và ký kết hợp đồng kiểm toán theo đúng quy định của pháp luật về hợp đồng".

Tại Khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định:

"12. Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế".

Đồng thời, tại Mục 1 Chương II Luật Đấu thầu đã quy định cụ thể hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (gồm: Đấu thầu rộng rãi (Điều 20), Đấu thầu hạn chế (Điều 21), Chỉ định thầu (Điều 22), Chào hàng cạnh tranh (Điều 23), Mua sắm trực tiếp (Điều 24), Tự thực hiện (Điều 25), Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Điều 26), Tham gia thực hiện của cộng đồng (Điều 27)).

Do vậy, liên quan đến việc đấu thầu (trong đó có đấu thầu kiểm toán độc lập), đề nghị ông Hiếu căn cứ vào quy định của pháp luật về đấu thầu để thực hiện.

Về nội dung liên quan đến quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng quy định:

"52. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 137 như sau:

"1. Việc thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý vốn đầu tư. Việc thanh toán, quyết toán các dự án sử dụng vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về đầu tư công. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các đơn giá, khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán, quyết toán trong hồ sơ thanh toán, quyết toán".

Tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định:

"Điều 35. Quyết toán vốn đầu tư xây dựng

1. Dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng hoặc dừng thực hiện vĩnh viễn khi cấp có thẩm quyền có văn bản dừng hoặc cho phép chấm dứt thực hiện dự án.

… 10. Thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư:

  1. Đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt quyết toán các dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công và các dự án thành phần sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công;
  1. Đối với các dự án còn lại, người quyết định đầu tư là người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoặc ủy quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành;
  1. Đối với dự án PPP thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư".

Tại Luật Đầu tư công số 39 quy định:

"Điều 81. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính

4. Chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công".

Như vậy, theo các quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư công hiện hành, Bộ Tài chính chỉ được giao hướng dẫn hoặc trình cấp thẩm quyền quy định quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công và Bộ Tài chính đã chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Do vậy, việc quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành của các dự án sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công (nếu có), đề nghị ông Hiếu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Trường hợp có vướng mắc, đề nghị ông làm việc với Bộ Xây dựng (cơ quan chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP) để được hướng dẫn thực hiện theo quy định.