Nhà nước là gì khi nào nhà nước ra đời năm 2024

Nhà nước được sinh ra từ đâu? Nhà nước là sản phẩm nhân tạo hay là sản phẩm tự nhiên? Đã có nhiều luận thuyết khác nhau về nguồn gốc ra đời của nhà nước. Việc lý giải đúng đắn về bản chất, vai trò, đặc điểm và chức năng của nhà nước cũng gắn liền với việc làm rõ nguồn gốc của nhà nước.


1. Quan niệm của các học thuyết phi Mác Xít

Từ thời kỳ cổ đại, trung đại đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về sự ra đời của nhà nước, trong đó có một số học thuyết tiêu biểu như:

1.1. Thuyết thần học

Các nhà tư tưởng theo thuyết thần học cho rằng: Thượng đế là người sắp đặt trật tự xã hội, nhà nước là do Thượng đế sáng tạo ra để bảo vệ trật tự chung, do vậy, quyền lực nhà nước là vĩnh cửu và con người có bổn phận phục tùng quyền lực nhà nước đại diện là các học giả như J.Calvin, J.Althisius…

1.2. Thuyết gia trưởng

Quan điểm thuyết này cho rằng nhà nước ra đời là kết quả phát triển của gia đình và quyền gia trưởng, là hình thức tổ chức tự nhiên của cuộc sống con người; vì vậy cũng như gia đình, nhà nước tồn tại trong mọi xã hội, quyền lực nhà nước về bản chất cũng giống như quyền lực gia trưởng của người đứng đầu gia đình (đại diện là các học giả như Aristote, Bodin, More…).

1.3. Thuyết bạo lực

Quan niệm nhà nước xuất hiện trực tiếp từ việc sử dụng bạo lực của thị tộc này đối với một thị tộc khác, mà kết quả là thị tộc chiến thắng “đặt ra” một hệ thống cơ quan đặc biệt là Nhà nước để nô dịch kẻ chiến bại (đại biểu của thuyết này có Hume, Gumplowicz, E.Đuyring…). Bên cạnh đó, có một số quan niệm khác về nhà nước như Quan niệm nhà nước là tổ chức của những siêu nhân có sứ mạng lãnh đạo xã hội (học giả Phorreder, Lipeto Zaziki…) hoặc quan điểm nhà nước “siêu trái đất” cho rằng nhà nước là sản phẩm thử nghiệm của nền văn minh ngoài trái đất…

1.4. Thuyết khế ước xã hội

Vào khoảng thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, xuất hiện các quan điểm mới về sự ra đời của Nhà nước, hầu hết cho rằng nhà nước là sản phẩm của khế ước xã hội (hợp đồng) do các cá nhân trong xã hội không có nhà nước tạo ra. Mặc dù có sự khác nhau khi lý giải về nội dung của khế ước, song các học thuyết đều xuất phát từ luận đề chung là nguồn gốc nhà nước xuất phát từ khế ước xã hội. Trong số đó, tiêu biểu là thuyết Khế ước xã hội, ra đời vào khoảng thời gian trước và sau các cuộc cách mạng tư sản ở châu Âu với mục đích chống lại sự độc đoán, chuyên quyền phong kiến và nhu cầu thiết lập sự bình đẳng cho tầng lớp tư sản.

Theo đó, nhà nước được xem là sản phẩm của “khế ước xã hội” (hợp đồng) được thỏa thuận và ký kết giữa các thành viên trong xã hội, nhà nước có trách nhiệm phục tùng các lợi ích của mọi thành viên trong xã hội. Trường hợp nhà nước không đảm bảo thực hiện các trách nhiệm của mình trong khế ước, các quyền tự nhiên bị vi phạm thì nhân dân có quyền lật đổ nhà nước và ký kết khế ước mới (tiêu biểu là các nhà tư tưởng Thomas Hober, John Locke, J.J.Rousseau). Học thuyết khế ước xã hội đã tạo tiền đề rất quan trọng cho thuyết dân chủ cách mạng hình thành và phát triển nhằm lật đổ ách thống trị của đế chế phong kiến, vì vậy học thuyết này có giá trị lịch sử nhất định.

Có thể thấy, các học thuyết phi Mác Xít do nhiều nguyên nhân khác nhau, đều chưa giải thích đúng đắn về nguồn gốc nhà nước và pháp luật.

Mặt khác, nguồn gốc nhà nước vẫn được lý giải theo phương pháp luận của chủ nghĩa duy tâm, coi nhà nước được lập ra theo ý muốn, nguyện vọng chủ quan của các bên tham gia khế ước mà không giải thích được cội nguồn vật chất và bản chất giai cấp của nhà nước

Nhà nước là gì khi nào nhà nước ra đời năm 2024
Hình minh họa. Nguồn gốc của nhà nước là gì?


2. Học thuyết Mác – Lênin về nguồn gốc nhà nước

Với quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin đã chứng minh một cách khoa học rằng nhà nước là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, nó xuất hiện một cách khách quan, là sản phẩm của đời sống xã hội khi xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định, trong xã hội xuất hiện chế độ tư hữu và phân chia thành các giai cấp đối kháng.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, xã hội cộng sản nguyên thuỷ là xã hội chưa có giai cấp, chưa có nhà nước và pháp luật. Sự ra đời của nhà nước nảy sinh chính từ quá trình phát triển và tan rã của xã hội đó.

Cơ sở kinh tế của xã hội cộng sản nguyên thuỷ được đặc trưng bằng chế độ sở hữu chung về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động với trình độ thấp kém của lực lượng sản xuất. Quyền lực trong xã hội là quyền lực do toàn xã hội thực hiện. Hệ thống quản lý còn rất đơn giản, lúc này quyền lực xã hội chưa tách khỏi xã hội mà gắn liền với xã hội, hòa nhập với xã hội, phục vụ cho cả cộng đồng.

Như vậy, trong xã hội cộng sản nguyên thủy đã có quyền lực, nhưng đó là thứ quyền lực xã hội, được tổ chức và thực hiện trên cơ sở những nguyên tắc dân chủ thực sự, phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng.

Theo học thuyết Mác – Lênin, nguồn gốc ra đời của nhà nước gắn với hai yếu tố cơ bản:

2.1. Yếu tố kinh tế

Lịch sử loài người đã trải qua ba lần phân công lao động xã hội và dẫn đến sự tan rã của xã hội cộng sản nguyên thủy. Lực lượng sản xuất phát triển không ngừng, công cụ lao động được cải tiến, con người ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về thế giới, đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong lao động, đòi hỏi từ sự phân công lao động tự nhiên phải được thay thế bằng phân công lao động xã hội.

– Phân công lao động xã hội lần thứ nhất: Chăn nuôi tách khỏi trồng trọt và làm xuất hiện chế độ tư hữu. Nhờ lao động, bản thân con người cũng phát triển và hoàn thiện. Con người đã thuần dưỡng được động vật và do đó đã làm xuất hiện một nghề mới – nghề thuần dưỡng và chăn nuôi động vật. Chăn nuôi phát triển rất mạnh và dần dần trở thành một nghề độc lập tách ra khỏi ngành trồng trọt. Bên cạnh ngành chăn nuôi, ngành trồng trọt cũng có những bước phát triển mới, năng suất lao động tăng nhanh, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, do đó, đã xuất hiện những sản phẩm dư thừa. Đây chính là mầm mống sinh ra chế độ tư hữu. Sự phát triển mạnh mẽ của nghề chăn nuôi và trồng trọt đặt ra nhu cầu về sức lao động nên những tù binh trong chiến tranh được giữ lại làm nô lệ để bóc lột sức lao động.

Như vậy, sau lần phân công lao động xã hội thứ nhất, chế độ tư hữu đã xuất hiện, xã hội đã phân chia thành người giàu, người nghèo, chế độ hôn nhân thay đổi từ chế độ quần hôn sang chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

– Phân công lao động xã hội lần thứ hai: Thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp. Việc tìm ra kim loại, đặc biệt là sắt, và chế tạo ra các công cụ lao động bằng sắt đã tạo ra cho con người khả năng có thể trồng trọt trên những diện tích rộng lớn. Nghề dệt, nghề chế tạo kim loại, nghề thủ công khác dần dần được chuyên môn hóa làm cho sản phẩm phong phú hơn, thủ công nghiệp tách ra khỏi nông nghiệp. Xã hội có nhiều ngành nghề phát triển nên càng cần sức lao động thì số lượng nô lệ làm việc ngày càng tăng và trở thành một lực lượng xã hội. Sự phân công lao động lần thứ hai đã đẩy nhanh quá trình phân hóa xã hội, làm cho sự phân biệt giữa kẻ giầu người nghèo, giữa chủ nô và nô lệ ngày càng sâu sắc, mâu thuẫn giai cấp ngày càng tăng.

– Phân công lao động xã hội lần thứ ba: Xuất hiện tầng lớp thương nhân và nghề thương mại. Nền sản xuất đã tách các ngành sản xuất riêng biệt với nhau, các nhu cầu trao đổi và sản xuất hàng hóa ra đời, thương nghiệp phát triển, sự xuất hiện tầng lớp thương nhân đã đẩy nhanh sự phân chia giai cấp, làm cho sự tích tụ và tập trung của cải vào trong tay một số ít người giầu có, đồng thời thúc đẩy sự bần cùng hóa của quần chúng và sự tăng nhanh của đám đông dân nghèo.

Như vậy, do sự phát triển của lực lượng sản xuất dẫn đến xuất hiện những yếu tố mới làm đảo lộn đời sống thị tộc, phá vỡ cuộc sống định cư của thị tộc. Tổ chức thị tộc dần dần không còn phù hợp.

2.2. Yếu tố xã hội

Ba lần phân công lao động đã làm xuất hiện chế độ tư hữu, xã hội phân chia thành các giai cấp đối lập nhau, luôn có mâu thuẫn và đấu tranh gay gắt với nhau để bảo vệ lợi ích của giai cấp mình. Xã hội mới này đỏi hỏi phải có một tổ chức đủ sức dập tắt các cuộc xung đột công khai giữa các giai cấp và giữ cho các cuộc xung đột giai cấp ấy trong vòng trật tự có lợi cho những người có của và giữ địa vị thống trị. Mặt khác, để bảo vệ lợi ích vật chất của mình, giai cấp thống trị trong xã hội đã tạo lập một tổ chức, bộ máy có sức mạnh quyền lực rất lớn trong xã hội, đó chính là nhà nước.

Trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, có thể khái quát thành bốn hình thức xuất hiện nhà nước điển hình sau đây:

– Hình thức xuất hiện nhà nước Athen. Nhà nước Athen ra đời ở Hy Lạp và ra đời trực tiếp từ sự đối lập giai cấp trong xã hội thị tộc.

– Hình thức xuất hiện nhà nước Roma. Nhà nước Roma là kết quả đấu tranh của giới bình dân chống lại giới quý tộc Roma, sau khi hình thành nhà nước Roma thì giới bình dân lại hòa hợp với giới quý tộc.

– Hình thức xuất hiện nhà nước Giecmanh. Nhà nước Giecmanh được hình thành do nhu cầu quản lý những vùng lãnh thổ mới chiếm được từ tay đế chế La Mã sau chiến thắng của người Giecmanh đối với người La Mã.

– Hình thức xuất hiện nhà nước ở phương Đông cổ đại. Các nhà nước ở phương Đông ra đời tương đối sớm, trong điều kiện chế độ tư hữu phát triển rất chậm chạp và yếu ớt, sự phân hóa xã hội diễn ra chưa thật sâu sắc. Hầu hết các nhà nước ở phương Đông xuất hiện do nhu cầu chinh phục thiên nhiên, chủ yếu là khai khẩn đất đai, thủy lợi và chống ngoại xâm. Sự phân hóa xã hội chỉ trở nên gay gắt khi nhà nước được hình thành.

Như vậy, nhà nước đã xuất hiện một cách khách quan, là sản phẩm của một xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định. Nhà nước là một hiện tượng xã hội – lịch sử, có quá trình xuất hiện, tồn tại, phát triển và tiêu vong