Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc chiến tranh lạnh là gì
Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc chiến tranh lạnh là gì
Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc chiến tranh lạnh là gì
Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc chiến tranh lạnh là gì
Mục tiêu quan trọng nhất của cuộc chiến tranh lạnh là gì
Trụ sở Liên Hợp QuốctạiNew York (Hoa Kỳ (Ảnh:UN))

Sự ra đời của Liên hợp quốc (LHQ) năm 1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ II. Theo Hiến chương LHQ, các quốc gia đã trao cho Tổ chức này vai trò là trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế để thực hiện các mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia; thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền và phẩm giá con người.

Đến nay, LHQ đã trải qua 75 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập của hành tinh. Vai trò và hoạt động của LHQ được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và từng dân tộc.

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính , nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban kinh tế - xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, LHQ đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Đóng góp lớn nhất của LHQ trong 75 năm qua là đã góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế mà minh chứng rõ nét là LHQ đã triển khai 71 Phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, LHQ đóng vai trò hạn chế trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế do tác động của quan hệ Xô-Mỹ. Tuy nhiên, LHQ đã góp phần giải tỏa cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, chiến tranh Trung Đông năm 1973. Trong những năm 1990, các hoạt động của LHQ đã góp phần chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài như ở Căm-pu-chia, En Xan-va-đo, Goa-tê-ma-la, Mô-dăm-bích. LHQ đã triển khai 74 hoạt động gìn giữ hòa bình ở nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù gặp phải một số thất bại và khó khăn, các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ đã có vai trò quan trọng trong việc lập lại hòa bình, chấm dứt xung đột và hỗ trợ cho tiến trình tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên. Vì những hoạt động kể trên, lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã được trao tặng Giải thưởng Hòa bình Nobel vào năm 1988, sau đó Tổ chức LHQ và ông Tổng Thư ký Kofi Annan được tặng Giải thưởng này vào năm 2001.

LHQ cũng đã thành công trong việc thúc đẩy quá trình phi thực dân hóa. Hiến chương LHQ ngay từ đầu đã đề ra những nguyên tắc định hướng cho những nỗ lực phi thực dân hóa của LHQ, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, và thành lập Hội đồng Quản thác để theo dõi các vùng lãnh thổ không tự quản. Năm 1960, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Tuyên bố về việc trao độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa, năm 1962 thành lập Ủy ban đặc biệt về Phi thực dân hóa để giám sát việc thực hiện Tuyên bố, năm 1990 quyết định giai đoạn 1990-2000 là Thập kỷ quốc tế về xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, và tiếp đó năm 2001 thông qua giai đoạn 2001-2010 là Thập kỷ quốc tế thứ hai về xóa bỏ chủ nghĩa thực dân. Nhờ những nỗ lực đó, 750 triệu người chiếm gần 1/3 dân số thế giới sống ở các vùng lãnh thổ không tự quản vào năm 1945 khi LHQ được thành lập đến nay đã trở thành 80 quốc gia độc lập. Chính những nỗ lực phi thực dân hóa này đã làm thay đổi LHQ với sự gia tăng đáng kể số lượng thành viên từ 51 nước ban đầu lên 193 nước hiện nay.

LHQ đã soạn thảo và xây dựng được một hệ thống các công ước quốc tế về giải trừ quân bị, trong đó có Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (1968), Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (1996), Công ước cấm vũ khí hóa học (1992) và Công ước cấm vũ khí sinh học (1972), Công ước cấm vũ khí hạt nhân (2017) tạo ra khuôn khổ pháp lý cho việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các loại vũ khí này. Mặc dù vậy, nỗ lực của LHQ về giải trừ quân bị vẫn gặp nhiều khó khăn, đôi khi bế tắc, do chạy đua vũ trang còn diễn biến phức tạp cùng với những toan tính chiến lược về quân sự, chính trị và sự bất ổn của môi trường an ninh quốc tế.

Trong lĩnh vực phát triển, LHQ với hệ thống các chương trình, quỹ trực thuộc, các tổ chức chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ gắn với LHQ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.

LHQ đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển. Từ năm 1960, Ðại hội đồng LHQ đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỷ nhằm huy động hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung, nhất là ở các nước đang phát triển; bên cạnh đó, các tổ chức LHQ đã có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức cho các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế của các nước này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ (9/2000), các nhà lãnh đạo thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nhằm xóa bỏ đói nghèo, thúc đẩy giáo dục, bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, bảo đảm bền vững về môi trường, và tăng cường quan hệ đối tác phát triển.

Với việc lãnh đạo các nước thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) vào tháng 9/2015, cộng đồng quốc tế đã đề ra một khuôn khổ hợp tác phát triển cho đến năm 2030 (thay cho các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ) có tính bao trùm và toàn diện hơn, lấy phát triển bền vững là định hướng xuyên suốt gồm ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, thông qua các nỗ lực của LHQ, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người. Năm 1948, Đại hội đồng LHQ thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, đưa ra những quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này đã làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về quyền dân sự và chính trị. LHQ cũng chú trọng việc bảo đảm thực hiện những quyền cơ bản này của người dân trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, vấn đề nhân quyền bị chính trị hóa, lợi dụng cho các mục đích can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia.

Trong lĩnh vực tăng cường luật pháp quốc tế, LHQ đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, do quá trình hình thành và phát triển của LHQ phản ánh bối cảnh và so sánh lực lượng trên thế giới, chịu tác động của lợi ích các quốc gia, bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính và huy động nguồn lực, nên hiệu quả hoạt động của LHQ trên nhiều lĩnh vực còn hạn chế, chưa đáp ứng được với những thay đổi và thách thức toàn cầu mới cũng như những biến chuyển về so sánh lực lượng bên trong LHQ, nhất là việc gia tăng số lượng thành viên, trong một số trường hợp hoạt động không hiệu quả, thiếu minh bạch, bị lợi dụng và áp dụng tiêu chuẩn kép để gây sức ép và can thiệp. Những thách thức chính LHQ đang gặp phải là:

Thách thức đối với uy tín của tổ chức. Cuộc chiến ở Nam Tư năm 1999 và cuộc chiến I-rắc năm 2003 phần nào cho thấy sự bất lực của LHQ trong vai trò giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Những hành động đơn phương của một số nước, phớt lờ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ đã làm cho vai trò của tổ chức này bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những bê bối liên quan đến chương trình đổi dầu lấy lương thực và những vụ việc lạm dụng tình dục và buôn bán trẻ em của một số lính gìn giữ hòa bình LHQ đã tác động tiêu cực đối với uy tín và hoạt động của tổ chức này.

Thách thức trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế sau chiến tranh lạnh. Môi trường quốc tế có sự đan xen giữa mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, phạm vi và sự liên quan của các mối đe dọa cũng ngày càng rộng và khó tách biệt. Đến nay, nhiều điểm nóng vẫn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, vấn đề chạy đua vũ trang và phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, chủ nghĩa ly khai, cực đoan... ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh thế giới.

Hiệu quả hoạt động của LHQ không như kỳ vọng do cùng lúc phải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng lớn; thiếu nguồn lực cần thiết (do các nước lớn cắt giảm đóng góp) cho các hoạt động phát triển, trong khi các thách thức phải giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như đói nghèo, nợ nần, chênh lệch phát triển, suy thoái môi trường sống, bùng nổ dân số, các loại bệnh, dịch nguy hiểm, hoạt động tội phạm xuyên quốc gia... ngày càng lớn. Liên hợp quốc với tư cách là tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cần phát huy vai trò của mình trong việc giải quyết những thách thức đó nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển tiến bộ trên toàn cầu.

Trước tình hình đó, việc cải tổ Liên hợp quốc một cách toàn diện và có hệ thống, phù hợp với tình hình quốc tế mới là một yêu cầu cấp thiết khách quan. Cho đến nay, các thành viên đều nhất trí là LHQ cần được cải tổ nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả và dân chủ hoá. Cải tổ LHQ bao gồm 3 nội dung chính: Cải tổ bộ máy LHQ (ĐHĐ, HĐBA, Hội đồng Kinh tế Xã hội - ECOSOC...); Cải tổ Ban Thư ký và phương thức làm việc của LHQ; Cải tổ hệ thống phát triển LHQ.

Về cải tổ bộ máy của LHQ: Đa số các nước, nhất là các nước đang phát triển, muốn cải tổ để cân bằng hơn quyền lực của các cơ quan chính của LHQ, qua đó có sự cân bằng hơn trong việc xác định ưu tiên giữa các mục tiêu của LHQ với các nội dung cụ thể là: Làm sống động vai trò của Đại hội đồng; Cải tổ hoạt động của Ủy ban Kinh tế - Xã hội; và Cải tổ Hội đồng Bảo an. Cải tổ HĐBA là vấn đề phức tạp nhất, được thảo luận nhiều nhất nhưng đến nay đạt ít kết quả nhất. Các nước đã thống nhất cần cải tổ HĐBA để tăng tính dân chủ, tính đại diện, thể hiện tương quan lực lượng hiện tại song còn nhiều khác biệt về 2 vấn đề cốt lõi là mở rộng thành viên thường trực và quyền phủ quyết.

Cải tổ Ban Thư ký, phương thức làm việc của LHQ: Mục tiêu là khắc phục tình trạng quan liêu, cồng kềnh, kém hiệu quả, tham nhũng... trong hoạt động của LHQ. Báo cáo tháng 11/2006 (Delivering as one) của Nhóm tư vấn cấp cao của TTK về cải tổ hệ thống LHQ đã được nhiều nước ủng hộ. Bên cạnh đó, từ năm 2005, Chi-lê, Nam Phi, Thuỵ Điển và Thái Lan đã triển khai Sáng kiến 4 nước (4NI) về tăng cường năng lực quản lý của LHQ, đặc biệt là Ban Thư ký.

Tái định vị hệ thống phát triển LHQ là sáng kiến của Tổng Thư ký đưa ra và được các nước đồng thuận thông qua tại Đại hội đồng LHQ (2018) nhằm cải tổ Hệ thống phát triển LHQ, tăng cường năng lực của LHQ nhằm hỗ trợ các nước thành viên trong các hoạt động phát triển, đặc biệt là thực hiện các Mục tiêu phát triển vững (SDGs), trong đó đáng chú ý có việc tăng cường vai trò của hệ thống Điều phối viên thường trú LHQ tại các nước và cải tổ cách tiếp cận khu vực.

Có thể nói, sau 75 năm tồn tại và phát triển, LHQ đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, có thất bại nhưng thành tựu của LHQ là nổi bật. LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. Sự lớn mạnh của LHQ chính là nhờ ở mục tiêu đúng đắn của tổ chức phù hợp với nguyện vọng hòa bình, độc lập, phát triển và tiến bộ xã hội của các dân tộc./.

Minh Anh