Kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trường Tiểu học

9-4-FILE-TEXT-RUBRIC-DANH-GIA-1.docx-1Tải xuống
9-5-TRUONG-HOP-NGHIEN-CUU-THCS.docxTải xuống

Hoạt động 10: Hướng dẫn xây dựng kế hoạch sử dụng CSVC, TB&CN theo năm học của đơn vị công tác gắn với yêu cầu thực hiện CTGDPT 2018

Yêu cầu cần đạt

Sau khi hoàn thành nội dung học tập của hoạt động 10, học viên có thể:

  • Xác định được các loại kế hoạch phát triển CSVC, TB&CN trong dạy học và giáo dục học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  • Khái quát được các nội dung cơ bản của mỗi loại kế hoạch phát triển CSVC, TB&CN của nhà trường gắn với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  • Học viên hoàn thành câu hỏi tự luận cho nội dung học tập.

Hướng dẫn học tập

Học viên thực hiện các nhiệm vụ học tập sau:

  • Nghiên cứu tài liệu đọc, infographic và video về Các kế hoạch mua sắm, sửa chữa, bổ sung, tiếp nhận và sử dụng CSVC, TB&CN gắn với yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở trường Trung học cơ sở.
  • Tìm hiểu khung gợi ý về mẫu kế hoạch phát triển CSVC, TB&CN trong dạy học và giáo dục học sinh tại trường Trung học cơ sở.
  • Học viên trả lời câu hỏi tự luận cho nội dung học tập.

INFOGRAPHIC

Kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trường Tiểu học

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CƠ SỞ VẬT CHẤT, THIẾT BỊ VÀ CÔNG NGHỆ TRONG DẠY HỌC VÀ GIÁO DỤC HỌC SINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

Xuất phát từ kết quả điều tra cơ bản CSVC, TB&CN của nhà trường và đối chiếu với các Thông tư quy định của Bộ Giáo dục Đào tạo về CSVC, TB&CN đáp ứng triển khai thực hiện CTGDPT 2018, Hiệu trưởng cần xác định rõ các nội dung cụ thể của kế hoạch phát triển CSVC, TB&CN gắn liền với kế hoạch giáo dục của nhà trường. Trong đó cần lưu ý đến 3 kế hoạch sau:

Kế hoạch khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ

a. Mục tiêu:

Kế thừa, khai thác tối đa chức năng và sử dụng CSVC, TB&CN đang có, không để xảy ra tình trạng lãng phí, thất thoát, không có hiện tượng cố ý làm hư hỏng. Sử dụng và bảo quản CSVC, TB&CN cần tiến hành song song để đảm bảo hiệu quả lâu dài, hợp lý của CSVC, TB&CN phục vụ dạy học, giáo dục đáp ứng triển khai CTGDPT 2018.

b. Hoạt động và kết quả cần đạt:

Đảm bảo 0,6 phòng/lớp, xóa bỏ phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp, sắp xếp thời khóa biểu giờ học trong lớp, giờ học ngoài trời/trải nghiệm/phòng chức năng/phòng bộ môn, phù hợp.

Nhà trường có thể vận dụng mô hình 5S trong khai thác, sử dụng, bảo quản CSVC, TB&CN. Mô hình 5S là viết tắt của Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), Shitsuke (Sẵn sàng).

Kế hoạch phát triển cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trường Tiểu học

Sàng lọc: Là xem xét, phân loại, chọn lựa và loại bỏ CSVC, TB&CN không cần thiết tại nơi làm việc. Những vật dụng, thiết bị, nguyên vật liệu, đồ dùng hỏng không/chưa liên quan, không/chưa cần thiết cho hoạt động tại một khu vực sẽ phải được tách biệt ra khỏi những thứ cần thiết sau đó loại bỏ hay chuyển đi. Chỉ có đồ vật cần thiết mới để tại nơi làm việc. Sàng lọc thường được tiến hành theo tần suất định kỳ.

Sắp xếp: Sắp xếp là hoạt động bố trí CSVC, TB&CN hợp lý sao cho dễ nhận biết, dễ lấy, dễ trả lại. Bất kỳ CSVC, TB&CN nào cũng có vị trí quy định riêng và có ký hiệu nhận biết rõ ràng. Sắp xếp là hoạt động cần được tuân thủ triệt để.

Sạch sẽ: Là giữ gìn vệ sinh tại nơi làm việc, CSVC, TB&CN hay các khu vực xung quanh nơi làm việc để đảm bảo môi trường, mỹ quan. Đây cũng là hoạt động cần được tiến hành định kỳ.

Săn sóc: Săn sóc được hiểu là việc duy trì định kỳ và chuẩn hóa 3S đầu tiên (Seri, Seiton và Seiso) một cách có hệ thống. Để đảm bảo 3S được duy trì, ta có thể lập nên những quy định chuẩn nêu rõ phạm vi trách nhiệm 3S của mỗi cá nhân, cách thức và tần suất triển khai 3S tại từng vị trí. S4 là một quá trình giúp ý thức tuân thủ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh được rèn dũa và phát triển.

Sẵn sàng: Sẵn sàng thể hiện ý thức tự giác tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tại nơi làm việc và học tập của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Mô hình 5S có thể được vận dụng trong khai thác, sử dụng CSVC, TB&CNhục vụ dạy học, giáo dục để tạo kết quả quản trị CSVC, TB&CN tốt nhất trong nhà trường theo hướng tinh gọn, tiết kiệm, hiệu quả.

Dựa vào mục tiêu của kế hoạch giáo dục và điều kiện CSVC, TB&CN, nhà trường sẽ xác định những hoạt động cụ thể để khai thác, sử dụng, bảo quản CSVC, TB&CN hiện có của nhà trường đáp ứng triển khai CTGDPT 2018 trong năm học 2021-2022 và kết quả cần đạt tương ứng:

Khai thác, sử dụng cơ sở vật chất

  • Đảm bảo số lượng 0,6 phòng/lớp, được trang bị đầy đủ: Bàn, ghế học sinh đúng quy cách và đủ chỗ ngồi cho học sinh; bàn, ghế giáo viên; bảng lớp; hệ thống đèn và hệ thống quạt; Phòng học bộ môn Âm nhạc; Phòng học bộ môn Mỹ thuật; Phòng học bộ môn Công nghệ; Phòng học bộ môn Vật lí, Phòng học bộ môn Hoá học, Phòng học bộ môn Sinh học; Phòng học bộ môn Tin học; Phòng học bộ môn Ngoại ngữ; Phòng đa chức năng. Đối với những trường ở vùng khó khăn, phòng học thiếu, phòng tạm nhiều, chưa có điều kiện xây mới, Nhà trường cần có kế hoạch sắp xếp thời khóa biểu, tổng vệ sinh và bố trí bàn ghế của phòng học, khai thác phòng bộ môn, sắp xếp lại học sinh các lớp, chấp nhận sĩ số các lớp trên có thể cao một chút so với quy định. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, gom các điểm trường để tập trung đầu tư CSVC, TB&CN, với chủ trương dồn dịch các điểm trường trong năm học 2020-2021 (năm cuối cùng trước khi chuyển sang thực hiện chương trình giáo dục mới), Bộ Giáo dục Đào tạo yêu cầu khi sáp nhập điểm trường nhỏ về trường chính phải đảm bảo đầy đủ các phòng chức năng phục vụ dạy học, có sân chơi, sân tập thể dục, thư viện Trong đó, các trường sáp nhập liên cấp (Tiểu học, Trung học cơ sở) phải bố trí khu học tập riêng biệt do đặc thù việc tổ chức dạy học hai cấp học khác nhau. Vì vậy, cơ sở giáo dục cần có kế hoạch khai thác, sử dụng phòng học một cách hợp lý.
  • Đáp ứng các phòng học chức năng: Nhà trường có kế hoạch sắp xếp, bố trí lại các phòng, tận dụng sân trường để tổ chức các hoạt động giáo dục
  • Đáp ứng cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng ngiệp và nội dung giáo dục địa phương: Đối với những trường có khuôn viên, sân trường hẹp, không đủ điều kiện sân bãi để thực hiện các giờ giáo dục thể chất; hoặc thiếu thiết bị dạy học, công nghệ thì thực hiện việc hợp tác các trường trên cùng địa bàn.
  • Đối với cơ sở vật chất bên ngoài nhà trường: Nhà trường cần liên hệ với lãnh đạo các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ các chủ đề dạy học tích hợp thông qua trải nghiệm, tổ chức Hoạt động giáo dục (Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục địa phương) như Di tích lịch sử văn hoá địa phương; Làng nghề; Nhà văn hoá thôn xã, khu dân cư; Nông trại giáo dục (Edufarm); Danh lam thắng cảnh; Công viên, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất; Trung tâm thể thao dưới nước

Khai thác, sử dụng thiết bị và công nghệ

  • Khai thác, sử dụng triệt để các thiết bị hiện có trong nhà trường, tránh sử dụng lãng phí. Hàng năm nhà được được tiếp nhận thiết bị giáo dục nhưng thực tế nhiều thiết bị không được giáo viên sử dụng đến. Chính vì vậy cần rà soát lại nhu cầu sử dụng của giáo viên, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao ý thức và kỹ năng sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học đúng cách, đúng nơi và đúng chỗ.
  • Nhà trường cần xây dựng kế hoạch sử dụng CSVC, TB&CN cho từng môn học, từng hoạt động giáo dục cho mỗi khối lớp. Hiệu trưởng cùng Tổ chuyên môn nghiên cứu CTGDPT của các môn học để lập ra kế hoạch sử dụng cho từng môn học, từng hoạt động giáo dục của mỗi khối lớp (số lần sử dụng, số giờ sử dụng) để có sự chuẩn bị thiết bị và công nghệ trước khi bước vào năm học. Tổ trưởng chuyên môn và giáo viên kiêm nhiệm có thể lập thời gian biểu sử dụng CSVC, TB&CN cho từng tuần cho từng khối lớp.
  • Thư viện trường là bộ phận không thể thiếu trong việc giáo dục văn hóa, tri thức, phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong quá trình dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng CTGDPT. Chính vì vậy, nhà trường nên có kế hoạch tổ chức quản lý, sắp xếp để tiện cho việc khai thác, sử dụng TB&CN một cách hiệu quả và khoa học: hệ thống thông tin lưu trữ khai thác, hệ thống TB&CN đang có, kế hoạch bổ sung phù hợp TB&CN, góc/phòng chức năng
  • Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho nhân viên thiết bị, thí nghiệm; bồi dưỡng giáo viên đứng lớp để sử dụng được thiết bị dạy học theo yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa.
  • Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng và bảo quản CSVC, TB&CN phục vụ dạy học, giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên và nhân viên, trong đó chú trọng đến các thiết bị thí nghiệm đặc thù như hoá chất, các thiết bị hiện đại như phần mềm ứng dụng, máy móc kỹ thuật, thiết bị nghe nhìn trên lớp học; Cách thức bảo quản các thiết bị dễ hư hỏng, dễ vỡ.
  • Khuyến khích giáo viên linh hoạt sáng tạo, tiết kiệm, hiệu quả CSVC, TB&CN; phát huy ứng dụng Công nghệ thông tin hiệu quả; tích cực sưu tầm, tự làm đồ dùng dạy học; cải tiến phương pháp dạy học của giáo viên
  • Các trường Trung học cơ sở được trang bị phòng máy tính, tuy nhiên chỉ nhằm mục đích cho học sinh thực hành môn tin học hoặc ứng dụng trong công tác lưu trữ, quản lí hồ sơ nhân sự hay trợ giúp việc thi cử. Thực tế đã bỏ phí rất nhiều tiềm năng của máy tính, chưa khai thác hết những ứng dụng Công nghệ thông tin phục vụ dạy học, giáo dục.
  • Nhà trường tiến hành khai thác những phần mềm miễn phí hoặc liên kết với các trường trên địa bàn để cùng nhau phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học và giáo dục.
  • Đối với các phần mềm hiện đại và có bản quyền, nhà trường có thể liên kết với các công ty Công nghệ để được chia sẻ và hỗ trợ hướng dẫn cách thức sử dụng.
  • Khai thác sử dụng các phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho các môn học, ác phần mềm multimedia dạy học, phầm mềm trò chơi dạy học Toán, Tiếng Anh; Ứng dụng quản lý quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; Ứng dụng hỗ trợ xếp thời khóa biểu; Ứng dụng soạn bài giảng điện tử (authoring tools); Ứng dụng mô phỏng, phần mềm thí nghiệm ảo; Ứng dụng học tập trực tuyến (e-learning); Kho tài liệu, giáo án, bài giảng, học liệu điện tử. Các ứng dụng hỗ trợ dạy học và kiểm tra, đánh giá khác; Khai thác kho học liệu số, bài giảng e-learning, phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học,..).

Cán bộ quản lý trường Trung học cơ sở cần tạo điều kiện cho giáo viên, nhân viên phụ trách thư viện, thiết bị tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học do Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức

c. Thời gian thực hiện:

Được triển khai hàng năm, thời gian triển khai thực hiện cả năm học, theo từng kỳ, từng quý, từng tháng.

d. Phân công phụ trách

Hiệu trưởng của nhà trường là người chỉ đạo thực hiện, Tổ chuyên môn, giáo viên, Tổng phụ trách Đội và giáo viên kiêm nhiệm sẽ là người trực tiếp tham gia xây dựng và chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch khai thác, sử dụng CSVC, TB&CN của nhà trường.

e. Kinh phí:

Theo quy định nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường (nếu có).

Kế hoạch sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ

a. Mục tiêu:

  • Trên cơ sở những điểm cần chú ý về yêu cầu, quy định CSVC, TB&CN trong dạy học, giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cơ sở giáo dục không phải thay mới toàn bộ mà cần được bổ sung những thiếu hụt về CSVC, TB&CN kịp thời phục vụ dạy học, giáo dục, đặc biệt ưu tiên cho lớp 6 (năm học 2021-2022).
  • Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa theo định kỳ và đột xuất (nếu hư hỏng): phòng học, bàn ghế; các phòng chức năng, bếp ăn cho học sinh bán trú, các công trình nhà vệ sinh; trang thiết bị, môi trường học tập, thư viện, sân chơi, bãi tập, công trình phục vụ nội dung sinh hoạt dưới cờ và các tiết học ngoài trời; phòng thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm, máy tính, internet,để thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo CTGDPT 2018.

b. Hoạt động và yêu cầu cần đạt:

  • Nhà trường lập kế hoạch và thực hiện việc sửa chữa, bảo trì CSVC, TB&CN theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình đã hết niên hạn sử dụng, không bảo đảm an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
  • Hiệu trưởng chỉ đạo, bàn giao cho cán bộ phụ trách thiết bị xây dựng kế hoạch sửa chữa, duy tu, nâng cấp CSVC, TB&CN dạy học, giáo dục của nhà trường. Trong quá trình xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo, sửa chữa CSVC, TB&CN, nhà trường cần lưu ý những điểm sau:

Sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất

  • Tham mưu với Ủy ban Nhân dân cấp Tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan và phối hợp kiểm tra việc lập thiết kế cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp theo các tiêu chuẩn thiết kế trường học (TCVN) và Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) như: TCVN 8794:2011 Trường trung học Yêu cầu thiết kế, đặc biệt liên quan đến an toàn sinh mạng có QCXDVN 05:2008/BXD (Nhà ở và công trình công cộng An toàn sinh mạng và sức khỏe) và QCXDVN 06:2010/BXD (an toàn cháy cho nhà và công trình): Phòng học, nhà vệ sinh, phòng chức năng, nhà bếp
  • Có kế hoạch ngắn hạn hoặc dài hạn, có mục tiêu cho từng giai đoạn để hoàn thiện dần CSVC, TB&CN của nhà trường. Hoạt động này đòi hỏi tốn nhiều tiền của, công sức. Vì vậy, Hiệu trưởng cần có phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Phải kết hợp kinh phí nâng cấp, cải tạo, sửa chữa của nhà nước và nguồn huy động từ cộng đồng (Đoàn thể, cha mẹ học sinh) trong nâng cấp, cải tạo, sửa chữa CSVC, TB&CN của nhà trường.
  • Ưu tiên nâng cấp, cải tạo ngay các công trình đã quá niên hạn sử dụng, dựa vào thực trạng để làm dự án trình lên cấp trên phê duyệt. Chọn lựa phương thức xây dựng thích hợp, phù hợp với các điều kiện của địa phương (địa hình, tính chất cơ lý của đất, khí hậu, diện tích mặt bằng, khả năng khai thác và cung cấp nguyên vật liệu, tập quán sinh hoạt và truyền thống văn hóa của địa phương).
  • Những trường chưa có điều kiện xây mới phòng học, phòng chức năng hoặc cải tạo lớn, cần tập trung vào việc sửa chữa và bảo trì, kiên cố hóa từng phần để tiếp tục sử dụng. Đặc biệt nên quan tâm đầu tư cải tạo lại các phòng chức năng của thư viện tạo thành một không gian học tập năng động tích hợp để hỗ trợ học tập, đáp ứng mọi nhu cầu học tập và giảng dạy nhằm phát triển năng lực cho học sinh.
  • Đối với cơ sở giáo dục tại các quận nội thành thuộc thành phố lớn đông dân cư nếu thiếu phòng học, nhưng lại quá khó khăn trong việc bố trí quỹ đất để xây thêm phòng học, tùy từng trường hợp cụ thể lập phương án nâng tầng các công trình hiện có bảo đảm đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành; sau khi thực hiện nâng tầng các công trình phải bố trí các phòng học và các phòng phục vụ trực tiếp học sinh ở các tầng thấp theo quy định, các khu hiệu bộ, khu hành chính, phòng làm việc của cán bộ, giáo viên được bố trí tại tầng cao.
  • Đối với các trường học thiếu quỹ đất, không đủ phòng học chức năng, sân tập cần xem xét để có thể liên hệ với địa phương nơi trường đóng để sử dụng sân vận động của xã, sân tập của trung tâm văn hoá xã, nhà văn hoá xã, phường, hoặc các trường trong cùng 1 địa bàn có thể sử dụng chung phòng học chức năng; Hoặc có phương án sử dụng thảm cỏ nhân tạo trên một số khu vực của sân trường tạo sân tập linh hoạt, an toàn cho học sinh; Thuê bể bơi thông minh để tổ chức dạy cho học sinh

Sửa chữa, bảo trì thiết bị và công nghệ

  • Sửa chữa, nâng cấp các bộ máy vi tính, ti vi, máy chiếu của nhà trường đã cũ của nhà trường;
  • Các tổ kết hợp với bộ phận thiết bị của trường rà soát lại những thiết bị hư hỏng, xuống cấp, kém chất lượngtiến hành nâng cấp, sửa chữa.
  • Tiến hành tổng vệ sinh, thay vỏ bọc bìa các tài liệu, sách đã cũ, nhàu nát trong thư viện trường
  • Hiện nay, nền tảng Công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng dạy học, giáo dục liên tục ra đời và cập nhật các phiên bản mới. Do vậy, nhà trường Trung học sơ sở cần định kì thu thập, cập nhật các ứng dụng, phầm mềm giáo dục với các phiên bản mới, hiện đại phục vụ dạy học, giáo dục học sinh.
  • Cơ sở giáo dục Trung học cơ sở khuyến khích giáo viên, tác giả sách giáo khoa chủ động khai thác, lựa chọn nguồn tài nguyên ở các kho học liệu số (chủ yếu trên Intenet) rất phong phú, đa dạng và phần lớn là miễn phí để biên soạn giáo án và sách giáo khoa; khuyến khích giáo viên chủ động khai thác, lựa chọn nguồn tài nguyên ở các kho học liệu số (chủ yếu trên intenet) rất phong phú, đa dạng và phần lớn là miễn phí để biên soạn giáo án và sách giáo khoa.
  • Nhà trường chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị nghe nhìn kết nối Internet tại các phòng học, phòng bộ môn, nâng cấp đường truyền wifi, internet của nhà trường

c. Thời gian thực hiện:

Tùy theo hiện trạng và nhu cầu về CSVC, TB&CN của nhà trường để đáp ứng thực hiện CTGDPT 2018, nhà trường sẽ xác định thời gian thực hiện theo định kỳ từng năm học hoặc theo từng chu kỳ 3-5 năm.

d. Phân công phụ trách:

Người chủ trì, xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo trì CSVC, TB&CN là Hiệu trưởng của nhà trường và kế toán, giáo viên kiêm nhiệm.

Hiệu trưởng: Hiệu trưởng chỉ đạo, bàn giao cho cán bộ phụ trách thiết bị xây dựng kế hoạch sửa chữa, duy tu, nâng cấp CSVC, TB&CN dạy học, giáo dục của nhà trường. Trong quá trình xây dựng kế hoạch nâng cấp, cải tạo, sửa chữa CSVC, TB&CN; Tham mưu các cấp có thẩm quyền, Chỉ đạo chung, phê duyệt kế hoạch

Kế toán trường: Giám sát tài chính, ký duyệt chứng từ thanh toán; Theo dõi hạn mức kinh phí và công tác thanh, quyết toán trong đầu tư mua sắm; Tham mưu cho Hiệu trưởng

Giáo viên kiêm nhiệm: Tham mưu, lập danh sách CSVC, TB&CN cần mua sắm đáp ứng yêu cầu cho năm học tới (ưu tiên lớp 6 và thực hiện CTGDPT 2018)

e. Kinh phí:

Xác định mức kinh phí cần để sửa chữa, bảo trì CSVC, TB&CN theo từng năm học và cho từng chu kỳ 3-5 năm từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau: Kinh phí ngân sách nhà nước cấp, kinh phí thường xuyên; Nguồn viện trợ, tài trợ, dự án trong và ngoài nước do nhà nước quản lý; Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi của đơn vị sự nghiệp công lập; Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định. Việc sử dụng nguồn kinh phí phải đảm bảo thực hiện theo các thông tư, nghị định hiện hành về tài chính của các cơ sở giáo dục.

Kế hoạch mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ

a. Mục tiêu:

  • Mua sắm bổ sung CSVC, TB&CN còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học, không phải mua sắm lại toàn bộ, nhằm đáp ứng thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6 theo lộ trình và theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Đào tạo về thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ, tin học, bàn ghế học sinh
  • Kế hoạch mua sắm, bổ sung CSVC, TB&CN cần phải tính đến trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nhằm phục vụ dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

b. Hoạt động và kết quả cần đạt:

Dựa vào mục tiêu của kế hoạch đầu tư, mua sắm, tiếp nhận CSVC, TB&CN, nhà trường sẽ xác định những hoạt động mua sắm và kết quả cần đạt tương ứng. Kế hoạch mua sắm, bổ sung CSVC, TB&CN phục vụ dạy học, giáo dục ở trường Trung học cơ sở đáp ứng triển khai CTGDPT 2018 theo lộ trình cần quan tâm đến các nội dung cơ bản như:

Mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất:

Tùy vào điều kiện, nhà trường sẽ có kế hoạch, lộ trình đầu tư mua sắm cơ sở vật chất mới cho nhà trường, ưu tiên lớp 6 để đáp ứng thực hiện CTGDPT 2018 trong năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo như:

  • Đảm bảo tối thiểu số lượng 0,6 phòng/lớp; được trang bị đầy đủ: Bàn, ghế học sinh đúng quy cách và đủ chỗ ngồi cho học sinh; bàn, ghế giáo viên; bảng lớp; hệ thống đèn và hệ thống quạt; Phòng học bộ môn Âm nhạc; Phòng học bộ môn Mỹ thuật; Phòng học bộ môn Công nghệ; Phòng học bộ môn Vật lí, Phòng học bộ môn Hoá học, Phòng học bộ môn Sinh học; Phòng học bộ môn Tin học; Phòng học bộ môn Ngoại ngữ.
  • Xác định nhu cầu xây dựng mới phòng học, phòng chức năng, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, khu đông dân cư, các khu công nghiệp.

Mua sắm, bổ sung thiết bị và công nghệ

Hàng năm, các cơ sở giáo dục được Nhà nước trang bị thiết bị dạy học nhưng cơ sở giáo dục vẫn phải mua sắm mới để đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động và giáo dục. Cán bộ quản lý dựa vào kết quả kiểm kê CSVC, TB&CN vào cuối năm học, số thiết bị sẽ được nhà nước cấp phát và đối chiếu với nhu cầu sử dụng CSVC, TB&CN trong năm học mới đáp ứng triển khai CTGDPT 2018 theo lộ trình để có kế hoạch mua sắm CSVC, TB&CN của nhà trường:

  • Đầu tư, mua sắm, tiếp nhận bộ sách giáo khoa mới: Tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của nhà trường, để đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh khối lớp 6 trong năm học 2021-2022, đối với trường Trung học cơ sở có điều kiện thuận lợi, nhà trường tổng hợp nhu cầu mua sách giáo khoa của học sinh trong năm học mới; công khai số lượng sách giáo khoa và thông báo cho phụ huynh học sinh của nhà trường. Đối với những trường khó khăn, vùng núi, vùng biển, nhà trường cần phải xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí mua sách giáo khoa của Nhà nước hoặc huy động cộng đồng để mua đủ bộ sách giáo khoa cho học sinh khó khăn hoặc có chính sách cho học sinh mượn sách giáo khoa.
  • Mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu của từng môn học: Cơ sở giáo dục cần rà soát lại CSVC, TB&CN hiện có, chỉ mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu và sắp xếp lại cho phù hợp với các môn học, không phải mua sắm lại toàn bộ. Việc mua sắm bổ sung cũng sẽ tính đến việc trang bị các thiết bị hiện đại, ứng dụng Công nghệ thông tin trong dạy học.
  • Đối với những thiết bị dạy học không nằm trong danh mục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp dạy và học, nhiệm vụ đặc thù, cần căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, quy mô trường/lớp, số lượng học sinh, nguồn kinh phí và khả năng khai thác sử dụng máy móc, thiết bị để xác định số lượng, chủng loại để đầu tư mua sắm.
  • Đối với việc dạy và học ngoại ngữ, chỉ mua sắm thiết bị hiện đại khi hội đủ các điều kiện: bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để lắp đặt thiết bị; Có giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn; Thiết bị phải phù hợp và đồng bộ với với nội dung chương trình, khả năng sử dụng của giáo viên, nhân viên thiết bị, thí nghiệm và phải được tập huấn, hướng dẫn sử dụng; Phải có nguồn học liệu điện tử và các chương trình để giảng dạy trên thiết bị này; Phù hợp điều kiện kinh phí hiện có và khả năng nhân rộng mô hình cho các cơ sở giáo dục khác.
  • Nếu hạ tầng kỹ thuật phục vụ dạy học qua internet, truyền hình (wifi, phần mềm, mạng inernet, LMS ) của nhà trường đã quá cũ hoặc thiếu thì cán bộ quản lý có kế hoạch đầu tư nâng cáp đường truyền wifi, internet mới để đảm bảo thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh.
  • Nhà trường khuyến khích các nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh tự làm thiết bị dạy học, vừa đáp ứng nhu cầu dạy và học, vừa nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh. Đổi mới chương trình giáo dục sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm, vì vậy, việc mua sắm CSVC, TB&CN cũng thực hiện theo đúng lộ trình của đổi mới chương trình và sách giáo khoa, khi áp dụng chương trình mới ở lớp nào thì mới đầu tư, trang bị CSVC, TB&CN cho lớp đó và được thực hiện cuốn chiếu theo từng năm học, không mua sắm dồn dập cùng một lúc.

Lưu ý: Nhà trường cần làm hồ sơ tiếp nhận và ghi và sổ CSVC, TB&CN của nhà trường theo quy định hiện hành tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Các thành viên làm công việc tiếp nhận cần kiểm tra kĩ các thiết bị, số lượng và thông số kĩ thuật đảm bảo trùng khớp với danh sách các vật dụng được giao/được cấp; kí nhận theo quy định; thực hiện thủ tục nhập tài sản; hoàn thiện hồ sơ quản lí tài sản của trường.

c. Thời gian thực hiện:

Dựa trên thống kê nhu cầu sử dụng và hiện trạng CSVC, TB&CN, nhà trường dự tính thời điểm bắt đầu các hoạt động cụ thể trong mua sắm, bổ sung CSVC, TB&CN dài hạn và hàng năm theo hướng hiện đại (ưu tiên lớp 6 và lộ trình cho những năm tiếp theo).

d. Phân công phụ trách:

Hiệu trưởng: Chỉ đạo chung, tham mưu các cấp có thẩm quyền, phê duyệt kế hoạch, nhà thầu

Kế toán trường: Giám sát tài chính, ký duyệt chứng từ thanh toán; Theo dõi hạn mức kinh phí và công tác thanh, quyết toán trong đầu tư mua sắm; Tham mưu cho Hiệu trưởng

Giáo viên kiêm nhiệm: Tham mưu, lập danh sách CSVC, TB&CN cần mua sắm đáp ứng yêu cầu cho năm học tới (ưu tiên lớp 6 và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018).

e. Kinh phí:

Nguồn kinh phí của kế hoạch mua sắm, bổ sung CSVC, TB&CN từ nhiều nguồn ngân sách khác nhau. Vì vậy, kế hoạch đầu tư mua sắm CSVC, TB&CN thực hiện công khai, theo trình tự, thủ tục do pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan quy định.

10-5-KHUNG-KE-HOACH-GOI-Y.docxTải xuống
Rate this post