Hướng dẫn đi đèo Bảo Lộc

Mình thường hay dùng xe máy để đi xa và quãng đường mình hay đi nhất là Di Linh - Sài Gòn, cũng như ngược lại. Trên đường mình đi thì có 2 đèo là đèo Chuối và Bảo Lộc, nhưng bài viết sẽ chia sẻ nhiều về đèo Bảo Lộc vì đây là một đèo dài tới 10 km, cùng với nhiều khúc cua, mật độ xe cao.

Chuẩn bị và tính toán thời gian


Trước hết việc đi đường xa, thì việc đầu tiên các bạn cần chuẩn bị đó là sức khỏe thật tốt, ăn uống đầy đủ, ngủ sớm, đồ dùng như áo khoác, găng tay, bảo hiểm,... phải được chuẩn bị thật kĩ càng. Việc thứ hai đối với những đường có đèo thì các bạn phải tính tới việc khi tới đèo nên là khi trời vẫn còn sáng, vì đi đêm rất nguy hiểm, đường đèo có rất ít đèn và tối, nếu đi tối bạn còn bị các xe ngược chiều khác chiếu thẳng đèn vào mắt gây lóa. Ví dụ:
  • Nếu bạn đi từ Di Linh đến đèo Bảo Lộc thì quãng đường là khoảng 50 km nên bạn chỉ cần mất khoảng 1 tiếng để di chuyển, nên dù bạn đi từ 3 giờ hoặc 4 giờ chiều thì vẫn có thể qua đèo khi trời còn sáng.
  • Ngược lại nếu bạn di chuyển từ Sài Gòn đi Di Linh thì quãng đường từ Sài Gòn tới đèo Bảo Lộc khoảng 140 km bạn cần mất từ 4 tới 5 tiếng (tùy tốc độ mỗi người, có dừng chân nghỉ nhiều hay không) thì việc bạn xuất phát lúc 3, 4 giờ chiều thì chắc chắn khi bạn lên đèo lúc đó trời đã tối. Nên nếu muốn qua đèo Bảo Lộc trước khi trời tối cỡ 5 giờ chiều chẳng hạn thì bạn nên xuất phát ít nhất 12 giờ trưa. Thêm nữa, nếu bạn đi Đà Lạt thì thời gian di chuyển sẽ tăng thêm khoảng 3 tiếng, trước khi tới Đà Lạt bạn còn phải qua đèo Prenn nên bạn phải đi sớm hơn nữa để kịp qua đèo trước khi trời tối.
Cách vượt xe khác khi ở trên đèo

Hướng dẫn đi đèo Bảo Lộc
  • KHÔNG vượt xe khác, nhất là đối với xe tải lớn, xe 45 chỗ ở những khúc cua, vì những lúc như vậy tầm nhìn của bạn sẽ bị che khuất.
Hướng dẫn đi đèo Bảo Lộc
  • NÊN vượt những đoạn đường thẳng, không bị khuất tầm nhìn, ngoài những khúc cua thì đèo cũng có những đoạn đường thẳng dài, đó là những đoạn thích hợp để bạn vượt xe khác. Bạn cũng nên tính toán thời gian, ví dụ một chiếc xe 45 chỗ dài 10 mét chạy với tốc độ 20 km/h, còn bạn đi với tốc độ 40 km/h thì khi đó trong 1 giây bạn đi nhanh hơn xe 45 chỗ khoảng 6 mét nên muốn vượt bạn phải mất khoảng 2 giây, cộng với thời gian quyết định vượt để tăng tốc xe thì bạn mất khoảng 4 - 5 giây. Chắc nhiều bạn nói vượt thì vượt chứ sao tính nhẩm thời gian vậy được, nhưng đèo là một dạng đường đặc biệt khi nó có nhiều khúc cua, ngoặt nên việc thời gian bạn đi theo sau xe khác với một tốc độ chậm sẽ giúp bạn biết được vận tốc xe trước mặt của bạn đang chạy là bao nhiêu. Và khi đã quyết định vượt thì phải dứt khoát, một là vượt, hai là tiếp tục đi phía sau chứ đừng có chuyện đang vượt được nửa chừng lại giảm tốc không vượt nữa. Đặc biệt, khi vượt bạn PHẢI bật xi nhan để ra hiệu cho xe phía trước biết để có thể họ nhường đường, giảm tốc cho bạn vượt.
Hướng dẫn đi đèo Bảo Lộc
  • NÊN đi phía sau xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ, thứ nhất đi sau những xe này thấp nên bạn sẽ không bị khuất tầm nhìn, thứ hai là khi đi sau thì các xe ngược chiều sẽ không thể nào vượt ẩu vì bạn luôn có các xe này làm vật cản, mình đã bị nhiều lần các xe 45 chỗ ngược chiều vượt xe khác mà bị ép hản sát vô hàng rào rồi, thứ ba là việc các xe này di chuyển với tốc độ nhanh chứ không chậm sẽ giúp bạn không cảm thấy khó chịu, nhưng nên nhớ phải giữ khoảng cách an toàn để nếu xe chạy phía trước có né hay tránh gì đó thì bạn vẫn có thể phản ứng kịp.
  • KHÔNG NÊN đi sau xe tải, container, những xe có kích thước lớn, vì rất có thể bạn sẽ bị rơi vô điểm mù của các xe này, cũng như bị khuất tầm nhìn, ngoài ra khi leo đèo mình đã nhiều lần thấy các xe này bị tắt máy và khựng lại giữa chừng, ngoài ra khói bụi, còi to hay tốc độ di chuyển chậm cũng gây ra sự khó chịu. Nếu gặp phải các xe lớn như vậy các bạn có thể chọn cách dừng chân nghỉ hoặc quyết tâm vượt an toàn như mình chia sẻ ở trên.
  • KHÔNG dừng lại ven đường đèo để chụp hình, vẫn biết đèo có khung cảnh rất đẹp, hùng vĩ nên việc bạn muốn chụp hình cũng bình thường nhưng việc làm đó rất nguy hiểm như một trò chơi cảm giác mạnh nhưng không có bảo hiểm vậy, tốt nhất cứ quan niệm rằng an toàn là trên hết hãy di chuyển qua đèo an toàn rồi muốn làm gì thì làm.
Hướng dẫn đi đèo Bảo Lộc
  • CHÚ Ý các biển báo ở trên đéo như những khúc ngoặt liên tiếp, khúc cua lớn, đặc biệt đèo Bảo Lộc nếu mưa to vẫn có lở đá và bạn cũng sẽ gặp các biển báo như cẩn thận đá lở hay đường trơn trượt. Ngoài ra nếu đi chậm thì bạn nên đi sát về bên phải, tránh trường hợp đi chậm mà còn đi ra giữa đường làm cản trở xe khác.
  • CHÚ Ý xăng còn đủ hay không? Đầu hay cuối đèo đều có cây xăng nên trước khi chạy vô đèo bạn nên kiểm tra bình xăng, xuống đèo thả dốc không nói nhưng khi leo đèo bạn sẽ tốn xăng hơn đi đường thẳng nên việc kiểm tra là rất cần thiết.
Trên đây là những kinh nghiệm của mình khi đi đèo Bảo Lộc, các bạn cũng nên dùng những cách của mình khi di chuyển qua các đèo khác. Đi xe máy là một trải nghiệm thú vị, đáng để thử nhưng vấn đề an toàn vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Nếu lần đầu đi xa bạn nên đi với người đã có kinh nghiệm về cung đường đó để được hướng dẫn, ngoài ra việc kiểm tra xe trước khi đi là cực kì quan trọng. Chúc các bạn những ngày cuối năm tham gia giao thông thật an toàn, nếu bạn có kinh nghiệm đi đường đèo hoặc đi xa thì có thể chia sẻ thêm nhe.