Học sinh học yếu kém nguyên nhân từ đâu

Trong những năm qua, có một thực trạng là càng ngày tính đa dạng, phân hóa về trình độ học sinh trong các lớp càng tăng. Do đó, làm cách nào để có thể giúp cho học sinh khai thác tối đa bài giảng của thầy, cô, nhất là đối với học sinh yếu. Ở các em có sự khác biệt về: khả năng tiếp thu bài,phong cách nhận thức,… so với những học sinh khác, và do có sự lựa chọn khối thi nên sự cố gắng và duy trì học tập thường xuyên của các em với bộ môn này có nhiều trở ngại lớn.

I. NGUYÊN NHÂN:

1. Từ học sinh:

- Học sinh không hứng thú học tập bộ môn: Khác với các môn khác, môn Hóa học có nhiều khái niệm trừu tượng, kiến thức liền mạch, đòi hỏi học tập thường xuyên liên tục do đó học sinh tiếp thu kiến thức ngày càng khó khăn và thiếu hụt.

- Học sinh học yếu môn toán, lý khó có khả năng tiếp thu kiến thức môn Hóa học do đó sợ môn Hóa và không ham thích học Hóa. 

 - Một số em lười học, thiếu sự chuẩn bị chu đáo bà học dẫn tới không nắm được các kĩ năng cần thiết trong việc học và vận dụng vào việc giải quyết các dạng bài tập Hóa học.

- Một số em thiếu  tìm tòi, sáng tạo trong học tập, không có sự phấn đấu vươn lên, có thói quen chờ đợi lười suy nghĩ hay dựa vào giáo viên, bạn bè hoặc xem lời giải sẵn trong sách giải một cách thụ động.

2. Từ giáo viên:

Chưa thực sự quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh trong cả lớp mà chỉ chú trọng một số em học khá, giỏi; giáo viên chưa thật tâm lý, chưa động viên khéo léo kịp thời đối với những tiến bộ của học sinh dù nhỏ.

Chưa cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức với rèn luyện kỹ năng làm bài tập, kĩ năng tính toán, kĩ năng thực hành Hóa học.

Chưa tạo được không khí học tập thân thiện. Giáo viên chưa phối kết hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.

Việc kiểm tra, đánh giá chưa nghiêm túc, chưa có tác dụng khích lệ học sinh trong học tập, thậm chí còn tạo điều kiện cho học sinh chây lười.

Chưa tổ chức được các buổi ngoại khóa, những hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh tham gia.

3. Từ phụ huynh học sinh và xã hội:

Học sinh là con em nhân dân lao động, nghèo ít có điều kiện đầu tư việc học cho con cái.

Một số phụ huynh không quan tâm đến việc học của con em, coi việc học tập của con em họ là của thầy cô, của nhà trường.

Sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với internet với các dịch vụ vui chơi, giải trí hấp dẫn đã lôi cuốn các em.

II. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP:

1.Tạo hứng thú sự yêu thích bộ môn qua việc thấy được tầm quan trọng của Hóa học trong đời sống, trong thực tiễn khoa học kĩ thuật...Qua việc giải thích các hiện tượng tự nhiên xảy ra trong đời sống và trong sản xuất.

VD: - Tại sao khi cơm bị khê, ông bà ta thường cho vào nồi cơm một mẫu than củi ?

Giải thích: Do than củi xốp, có tính hấp phụ nên hấp phụ hơi khét của cơm làm cho cơm đỡ mùi khê.

  • Câu tục ngữ: “ Nước chảy đá mòn” mang ý nghĩa hóa học gì?

Giải thích: Thành phần chủ yếu của đá là CaCO3. Trong không khí có khí CO2 nên nước hòa tan một phần tạo thành axit H2CO3. Do đó xảy ra phản ứng hóa học :

Khi nước chảy cuốn theo Ca(HCO3)2, theo nguyên lí dịch chuyển cân bằng thì cân bằng sẽ chuyển dịch theo phía phải. Sau một thời gian nước đã làm cho đá bị bào mòn dần.

  • Tại sao khi nấu, xào thịt, đậu phụ không nên cho muối ăn (chứa NaCl) vào quá sớm?

Giải thích: Vì trong đậu, thịt chứa protein (protit), vốn có tính keo khi gặp những chất điện ly mạnh, sẽ bị ng­ưng tụ thành những  “óc đậu” khi nấu, xào nếu như­ cho muối ăn vào sớm, gây khó khăn cho thẩm thấu vào đậu, thịt và bị đông tụ cứng lại không có lợi cho tiêu hoá…

2. Hỗ trợ bổ sung kiến thức cơ bản cho học sinh yếu kém để các em kịp thời hòa nhập với lớp, cần phân loại để tổ chức giúp đỡ riêng ngoài giờ theo nhóm học sinh. Những lớp có những học sinh tích cực, có phương pháp học vàtự học tốt có thể xây dựng nhóm bạn giúp đỡ

3. Đổi mới phương pháp dạy học.

Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh. Ở mỗi bài dạy cần:    

+ Xác định đúng, đủ mục tiêu bài học theo đặc điểm từng dạng bài.

+ Hệ thống kiến thức đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, cần giúp học sinh nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm của từng bài

+ Đối với các tiết thực hành cần chuẩn bị đồ dùng, Hóa chất và thực hiện các thí nghiệm trước khi lên lớp để bảo đảm các thí nghiêm thành công. Đồng thời dự kiến trước các tình huống thí nghiệm thất  bại xảy ra đối với học sinh để hướng dẫn cho các em làm tốt.

Lồng ghép dạy kiến thức với bổ sung kiến thức cũ cho học sinh và dùng kiến thức mới để soi sáng, củng cố kiến thức mà học sinh đã học trước đó.

Xây dựng hệ thống bài tập trong giờ phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau. Có câu hỏi phát hiện dấu hiệu bên ngoài, có câu hỏi về bản chất , cần có tư duy , so sánh, khái quát tổng hợp cao...

4. Thường xuyên kiểm tra đánh giá học sinh.

Ra đề theo hướng đòi hỏi người học phải hiểu bài, vận dụng kiến thức,  ghi nhớ máy móc nhưng phải phù hợp với đối tượng

Thực hiện nghiêm túc qui trình kiểm tra, trả bài kiểm tra và thời hạn trả bài kiểm tra cho học sinh

Kiểm tra thường xuyên với nhiều dạng bài, nhiều hình thức khác nhau: Bài tập trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra vấn đáp, kiểm tra viết, kiểm tra việc ghi chép, kiểm tra sự chuẩn bị ở nhà, kiểm tra trong giờ dạy lí thuyết, kiểm tra trong giờ thực hành...

Kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của từng học sinh, lấy sự chuyển biến của học sinh để động viên khích lệ học sinh nỗ nực phấn đấu vươn lên trong học tập. Quan trọng hơn là kiểm tra những sai sót, những lỗi mắc phải của học sinh để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sai sót và biện pháp khắc phục

5. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

- Giúp các bậc phụ huynh xác định rõ mục đích cho con đi học: Để con em mình hoà nhập được với xu thế phát triển của xã hội và hơn thế là để con em mình có đủ khả năng để tự tách ra khỏi vòng tay của bố mẹ để tạo dựng một sự nghiệp vững chắc.

Các bậc phụ huynh phải quan tâm quản lý nghiêm giờ giấc học tập của con em mình, thường xuyên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để tìm hiểu việc học tập của con em mình.

III. KẾT LUẬN:      

Để đạt được kết quả tốt trong giảng dạy người thầy phải có niềm say mê, tình yêu thương đối với mọi học trò, tính kiên nhẫn , có niềm tin và không ngại khó. Là giáo viên đứng lớp, được tiếp xúc với các em hàng ngày, hiểu được tâm lí của lứa tuổi học trò, luôn tạo cho các em niềm tin: “ Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Khi các em đã yêu thích môn học rồi thì việc hạn chế được tỉ lệ học sinh yếu kém là không khó.