Dịch chồi cỏ hại mía do nguyên nhân nào

Lây lan nhanh, gây hại mạnh

Theo điều tra, bệnh "chồi cỏ" xuất hiện rải rác từ năm 2005, tại vùng nguyên liệu của Công ty liên doanh mía đường Nghệ An Tate&Lyle. Năm 2006 và 2007, bệnh xuất hiện rải rác nhưng phạm vi gây hại rộng hơn. Ðến năm 2008, bệnh lây lan nhanh. Thống kê đến tháng 10-2008, bệnh xuất hiện trên gần 5.000 ha  mía,  chiếm một phần năm tổng diện tích mía của Nghệ An, trong đó hơn 1.200 ha có hơn 50% số khóm nhiễm bệnh.

Trước mức độ nguy hiểm của bệnh, Cục BVTV đã cử đoàn công tác đến Nghệ An tìm hiểu và triển khai các biện pháp diệt trừ. Vừa trở về từ Nghệ An, đồng chí Khương Quang Việt, Trưởng phòng quản lý sinh vật gây hại rừng cho biết, đến nay, bệnh chồi cỏ đã chính thức lây lan ra diện tích mía ở Thanh Hóa. Ðã có thông tin một số vùng mía của Hòa Bình xuất hiện bệnh này, Cục BVTV sẽ khẩn trương điều tra...

Chồi cỏ trên mía là bệnh lần đầu tiên xuất hiện tại Nghệ An. Ðầu tháng

10-2008, Viện BVTV thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã khảo sát, lấy mẫu và xác định tác nhân gây bệnh. Kết quả cho thấy, chồi cỏ hại mía là do Phytoplasma (một dạng trung gian giữa vi-rút và vi khuẩn) gây nên. Cây mía bị bệnh thường đẻ nhánh nhiều, lá mầu vàng nhạt, chồi phát triển yếu ớt và đa phần là các chồi vô hiệu. Ðối với các cây mía đã có lóng thì phát triển còi cọc, nảy nhiều chồi từ các mầm  nằm giữa các lóng mía. Bệnh lây lan nhanh qua con đường nhân giống vô tính từ các cây đã bị bệnh được sử dụng làm giống; các giống khác nhau  thì khả năng bị bệnh khác nhau. Môi giới truyền bệnh chồi cỏ trên mía là do rầy. Viện BVTV đã kết luận: Ðây là bệnh cực kỳ nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh, mức độ gây hại trầm trọng, chưa có giống mía nào kháng bệnh...

Kết quả kiểm tra mía nhiễm bệnh tại các nông trường Cờ Ðỏ, Tây Hiếu 1, Tây Hiếu 3, lâm trường Nghĩa Ðàn cho thấy một ha mía nhiễm bệnh hơn 50% số dảnh thường giảm 30 tấn mía nguyên liệu. Các giống mía như MY 5514, ROC 10, F 156 chiếm 80% diện tích mía trong vùng đều nhiễm bệnh rất nặng. Ðặc biệt, giống mía mới Lâm Viên vừa nhập nội từ tháng 12-2007, chỉ sau một năm có 100% số cây nhiễm bệnh.

Giải pháp nào dập dịch?

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh chồi cỏ, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống bệnh chồi cỏ trên mía do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng ban và tổ tư vấn kỹ thuật do trưởng phòng kỹ thuật của Sở làm tổ trưởng để trực tiếp triển khai công việc phòng trừ bệnh. Kết hợp với tư vấn của Cục BVTV và trên cơ sở nghiên cứu, đề xuất của Viện BVTV, ngành nông nghiệp Nghệ An đã đề ra các biện pháp xử lý: Ðối với 1.968 ha mía bị nhiễm nhẹ (dưới 20% số dảnh, nếu chăm sóc tốt, hạn chế bệnh lây lan  thì khả năng vẫn cho 80% năng suất so với bình thường. Vì vậy, diện tích này sau khi thu hoạch vụ ép 2008-2009, thì đào gốc toàn bộ những cây bị bệnh để tiêu hủy (chôn hoặc đốt), tiến hành chăm sóc để mía phát triển cho thu hoạch vụ tới.

Ðối với  2.905 ha mía bị bệnh nặng và trung bình (nhiễm 20-50% số dảnh), là diện tích không thể tiếp tục chăm sóc vì khả năng giảm năng suất cao. Diện tích này sau khi thu hoạch vụ ép 2008 - 2009 phải xử lý hủy gốc để trồng lại bằng giống sạch bệnh. Liên doanh mía đường Nghệ An Tate& Lyle cần xử lý diện tích này như sau: Trồng lại 1.905 ha vụ xuân 2009. Cần gom cây bị bệnh tiêu hủy xong trước ngày 30-1-2009, sau đó cày lật gốc phơi khô thu gom tàn dư, cỏ dại, ngọn mía trên đồng ruộng để tiêu hủy. Sau đó làm đất trồng mía xuân bằng giống mía sạch bệnh lấy từ vùng không bị nhiễm bệnh; Trồng 1.000 ha mía vụ thu để luân canh.

Sau khi thu hoạch mía, cho cày lật gốc, rũ đất phơi khô, gom đốt cùng với các tàn dư cỏ dại, ngọn mía trên đồng ruộng, sau đó sản xuất một vụ đậu, lạc rồi trồng mía vào vụ thu (lấy giống từ vùng không nhiễm bệnh). Những diện tích đến thời kỳ hủy gốc trồng lại theo kế hoạch trồng lại hằng năm, phải kiểm tra nếu có hiện tượng "chồi cỏ" thì phải trồng bằng giống chuyển từ vùng sạch bệnh để dân trồng. Ðiều tra sự có mặt của rầy xanh (được xem là đối tượng môi giới truyền bệnh) để tổ chức phun trừ. Ban Chỉ đạo phòng dịch chồi cỏ cũng đã đề xuất Nhà nước hỗ trợ UBND tỉnh Nghệ An 18,235 tỷ đồng phục vụ công tác dập dịch, trong đó hỗ trợ mua giống sạch bệnh để trồng lại 14,5 tỷ đồng (dự kiến hết 29 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp và nông dân sẽ đóng góp 50%). Còn lại là hỗ trợ thuốc diệt trừ rầy xanh và kinh phí hỗ trợ tuyên truyền, huấn luyện cho nông dân.

Theo Phó Cục trưởng Cục BVTV Lê Mậu Toàn, Cục đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ba lớp tập huấn cho các tỉnh trồng mía về bệnh chồi cỏ hại mía và biện pháp phòng trừ cho cán bộ kỹ thuật của các tỉnh trồng mía trong cả nước; xây dựng 10 mô hình trồng mía an toàn và tiến hành điều tra sự phân bố của bệnh chồi cỏ trên mía tại các vùng trồng mía tại Việt Nam; Ðề nghị Bộ giao Viện BVTV triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ về bệnh chồi cỏ trên mía.

RÕ ràng, thiệt hại của dịch chồi cỏ gây ra trên mía đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất mía đường của Nghệ An và trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng mía. Tuy nhiên, thiệt hại này sẽ được hạn chế hơn, nếu như ba, bốn năm trước, ngay từ khi bệnh chồi cỏ xuất hiện, ngành BVTV và tỉnh Nghệ An có biện pháp ngăn chặn quyết liệt.

                       Bảo Trung