Đánh giá điểm trúng tuyển đại học

Điểm trúng tuyển tiệm cận ngưỡng tuyệt đối

Theo thông báo của Học viện Ngoại thương, nhóm ngành lấy điểm cao nhất là Kinh tế, Kinh tế quốc tế với 28,4 điểm ở tổ hợp A00. Năm nay, điểm trúng tuyển các ngành của trường không chênh lệch nhau nhiều, mức điểm thấp nhất là 27,5 của tổ hợp A00 (nhóm ngành Luật). Tại Học viện Ngân hàng, ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường là Luật Kinh tế với 28,05 điểm, cao hơn năm 2021 là 0,5 điểm. Hai ngành học lấy điểm chuẩn thấp nhất là ngành Kế Toán (liên kết quốc tế) và Quản trị kinh doanh (liên kết quốc tế) với cùng 24 điểm.

Tuy nhiên, ngành hot nhất của mùa tuyển sinh năm nay chính là Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng… Đây là lần đầu tiên những khối ngành này đứng vào tốp đầu điểm trúng tuyển cao. Điểm chuẩn vào các ngành này ở mức cao kỷ lục, thí sinh đạt hơn 29 điểm với khối C00 mới có thể đỗ. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Đông phương học, cùng lấy 29,95 điểm. Kế tiếp, ngành Báo chí khối C00 với 29,90 điểm.

Theo chia sẻ của GS,TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Báo chí học luôn luôn nằm trong top 5 các ngành điểm trúng tuyển cao nhất của trường những năm trở lại đây. Bởi vậy, trường không bất ngờ trước kịch bản được dự báo từ trước. Năm nay, trường dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành Báo chí học hệ đại trà, trong đó dành 25 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chỉ tiêu còn lại cho các phương thức tuyển sinh khác. Trong khi đó, trường nhận được 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành Báo chí học bằng khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Còn lại các tổ hợp khác, số nguyện vọng không nhiều. Như vậy, tỷ lệ chọi vào ngành Báo chí học năm nay rất cao,  khoảng 1 chọi hơn 500 thí sinh.

Không chỉ Báo chí học, năm nay nhiều ngành học cũng nhận được khối lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lớn như: Quan hệ công chúng 2.100 nguyện vọng, lấy điểm chuẩn 29,95 điểm bằng ngành Đông Phương học và Hàn Quốc học; Khoa học quản lý gần 2.000 nguyện vọng, điểm chuẩn 29 điểm. Các ngành khối C vốn ít hấp dẫn nhưng điểm chuẩn khá cao như Tôn giáo 25,5 điểm, Nhân học 26,75 điểm. Ngành Hán Nôm 27,5 điểm...

Trong khi đó, các mã ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn chung có mức điểm chuẩn cao. Trong số 42 mã ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ một số ít ngành có mức điểm chuẩn dưới 20, hầu hết các mã ngành đều có mức điểm chuẩn từ 22 điểm trở lên. Những mã ngành khác cũng phải đạt từ 25 đến 28,5 điểm (thang điểm 30) mới đỗ.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc các trường tuyển sinh bằng các phương thức khác khiến chỉ tiêu dành cho tuyển sinh theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT rất ít, dẫn đến mức điểm chuẩn tiệm cận ngưỡng tuyệt đối của nhiều trường. Việc này khiến tuyển sinh bằng điểm thi THPT không mấy hiệu quả.

Tránh “lạm phát” điểm trúng tuyển

Để tránh điểm chuẩn cao ngất ngưởng, trong danh sách công bố điểm chuẩn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 5 chương trình chỉ tuyển theo điểm đánh giá tư duy, không sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Những chương trình này đều thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất. Một số ngành tuy điểm chuẩn phương thức đánh giá tư duy không cao nhưng điểm chuẩn phương thức dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT khá cao, như Hệ thống thông tin quản lý (26,54 điểm), Toán tin (26,45 điểm), Kỹ thuật ô tô (26,41 điểm), Kỹ thuật cơ điện tử (26,33 điểm).

PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay: 5 chương trình này có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 thì điểm chuẩn những chương trình này có thể “chạm trần”. Việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ. Điều đó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc, vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm các em không đủ cao.

So với năm 2021, trong khi một số ngành của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh điểm trúng tuyển tăng nhiều như Tự động hóa (từ 17 điểm lên 21 điểm), Công nghệ sinh học (từ 16,5 lên 21 điểm), An toàn thông tin (từ 16 lên 22,5 điểm)... thì nhiều ngành điểm chuẩn giảm như Công nghệ thực phẩm giảm 1,5 điểm, Quản trị kinh doanh giảm 0,75 điểm. Lý giải về việc này, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho hay việc giảm là do chỉ tiêu tăng hơn năm 2021. Cùng với đó mộ số ngành điểm chuẩn giảm là do thí sinh biết năm ngoái điểm  cao nên sợ không trúng tuyển vì vậy không đăng ký. Tương tự, những ngành điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn nên thu hút nhiều thí sinh đăng ký. Những ngành thuộc nhóm công nghệ thông tin đang “nóng” là do nhu cầu của các doanh nghiệp rất lớn trong khi nguồn cung thiếu.

Ngay khi kết thúc lọc ảo, nhiều trường công bố điểm trúng tuyển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã có văn bản gửi các trường hướng dẫn việc tuyển sinh. Theo đó, khi công bố điểm trúng tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển, các trường phải công bố điểm trúng tuyển kèm theo thang điểm xét tuyển và thông tin tiêu chí phụ. Các trường phải cập nhật chính xác danh sách thí sinh trúng tuyển vào Hệ thống phần mềm hỗ trợ tuyển sinh chung trước 17 giờ ngày 17-9 và chịu trách nhiệm về tính chính xác của danh sách thí sinh trúng tuyển được cập nhật vào Hệ thống.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, trường hợp thí sinh trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm nhưng đăng ký sai phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển đã được các cơ sở đào tạo đưa vào danh sách lọc ảo thì các trường vẫn phải giữ nguyên thông tin về phương thức xét tuyển hoặc mã tổ hợp mà thí sinh đã đăng ký, đồng thời, các trường bổ sung thêm thông tin (ở cột ghi chú: “xét tuyển dựa trên phương thức, tổ hợp mà thí sinh đã được thông báo trúng tuyển có điều kiện theo phương thức xét tuyển sớm”).

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, khi có đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại sai sót về thông tin (khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, điểm xét tuyển, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển...), các trường phải chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo có liên quan để giải quyết theo quy định bảo đảm quyền lợi chính đáng của thí sinh.

 

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ