Đánh giá chuẩn giáo viên tiểu học

Ông Nguyễn Văn Em (Hậu Giang) có bằng đại học sư phạm chuyên ngành Tâm lý giáo dục do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cấp. Trong 34 năm công tác, ông đã đạt nhiều thành tích như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và có giấy chứng nhận quản lý trường tiểu học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II V.07.03.07.

Theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, bằng đại học của ông không đạt nên ông phải chuyển xuống chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III. Ông Em hỏi, trường hợp ông áp dụng như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Điểm b, Khoản 1, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học là: Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học; trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Bằng đại học sư phạm chuyên ngành Tâm lý giáo dục không phải là bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với việc giảng dạy chương trình giáo dục cấp tiểu học. Do đó, ông Nguyễn Văn Em thuộc đối tượng chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học.

Khoản 3, Điều 9 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT quy định: Trường hợp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) nên bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Thông tư này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng II (mã số V.07.03.28) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng. 

Vì vậy, ông Nguyễn Văn Em được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) là đúng quy định.

Nếu ông thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP thì ông đăng ký với cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để tham gia đào tạo.

Trường hợp không thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo.

Chinhphu.vn


  • Quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên tiểu học được quy định tại Điều 10 Quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học ban hành kèm theo Quyết định 14/2007/QĐ-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo ban hành như sau:

    1. Định kỳ vào cuối năm học, hiệu trưởng nhà trường tiến hành tổ chức đánh giá, xếp loại giáo viên tiểu học. Cụ thể như sau:

    a) Căn cứ vào nội dung từng tiêu chí, yêu cầu của Chuẩn, giáo viên tự đánh giá, xếp loại theo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8, Điều 9 của văn bản này;

    b) Tổ chuyên môn và đồng nghiệp tham gia nhận xét, góp ý kiến và ghi kết quả đánh giá vào phiếu đánh giá, xếp loại của giáo viên. Đối với những tiêu chí có điểm 4 hoặc đạt điểm 9 phải được ít nhất 50% số giáo viên trong tổ khối tán thành. Đối với những tiêu chí có điểm từ 3 trở xuống hoặc đạt điểm 10 phải được ít nhất 50% số giáo viên trong trường tán thành;

    c) Hiệu trưởng thực hiện đánh giá, xếp loại:

    - Xem xét kết quả tự đánh giá, xếp loại của giáo viên và những ý kiến đóng góp của tổ chuyên môn; khi cần thiết có thể tham khảo thông tin phản hồi từ học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng về giáo viên đó;

    - Thông qua tập thể Lãnh đạo nhà trường, đại diện Chi bộ, Công đoàn, Chi đoàn, các tổ trưởng hoặc khối trưởng chuyên môn để đánh giá, xếp loại;

    - Trường hợp cần thiết có thể trao đổi với giáo viên trước khi quyết định đánh giá, xếp loại để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của giáo viên;

    - Ghi nhận xét, kết quả đánh giá, xếp loại từng lĩnh vực và kết quả đánh giá, xếp loại chung vào phiếu đánh giá, xếp loại của giáo viên;

    - Công khai kết quả đánh giá giáo viên trước tập thể nhà trường.

    d) Trong trường hợp chưa đồng ý với kết luận của hiệu trưởng, giáo viên có quyền khiếu nại với hội đồng trường. Nếu vẫn chưa có sự thống nhất, giáo viên có quyền khiếu nại để cơ quan có thẩm quyền tổ chức khảo sát, kiểm tra và đánh giá lại.

    2. Trong trường hợp giáo viên được đánh giá cận với mức độ tốt, khá hoặc trung bình, việc xem xét nâng mức hay giữ nguyên dựa trên sự phấn đấu của mỗi giáo viên, hiệu trưởng nhà trường quyết định những trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm về quyết định đó;

    3. Trong quá trình đánh giá, xếp loại cần xem xét một cách hợp lý đối với giáo viên dạy nhiều môn học và giáo viên dạy một môn học.

    - Ngoài ra, nội dung quy định tại Điều này còn được hướng dẫn bởi Mục II, Mục III Công văn 616/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2010 và Mục II, III, IV Công văn 10358/BGDĐT-GDTH năm 2007.

    Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên tiểu học. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 14/2007/QĐ-BGDĐT.

    Trân trọng!