Cái đẹp trong Cánh đồng bất tận

Cái đẹp trong Cánh đồng bất tận
Phóng to
Nhà văn nguyễn Ngọc Tư

_________________

Tôi bằng tuổi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cũng ở miền quê, nhưng tuổi thơ của tôi quá êm đềm nên tôi không đồng cảm với điều nhà văn mô tả. Tôi không thích vợ tôi đọc truyện này vì không biết có khi nào cô ta nghĩ rằng những người chú, những người cậu của cô ta cũng có phần tính cách giống người cha trong truyện (?). Vì thực tế họ đang làm những việc như làm ruộng, cấy lúa mướn, nuôi vịt, chăn bò để mưu sinh. Ở phần cuối tác phẩm, tôi không thích nhìn cảnh người con gái bị đám thanh niên kia vùi dập bên cạnh sự bất lực của người cha dù ông ta đã cố gắng hết sức mình. Tôi không tin rằng đám thanh niên kia lại có thể làm như vậy một cách độc ác và đầy thú tính.

Ở nhà, vợ tôi đang đọc truyện ấy và tôi dặn nhà tôi cứ đọc đi, khi đến phần cuối thì đừng đọc nữa và nếu có đọc thì không được phản ứng hoặc bình luận ngay. Tôi nhớ có lần đọc một bài bình luận văn học về tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao (rất xin lỗi vì tôi được học ở cấp III nhưng tôi lại quên mất). Nhà phê bình nói rằng tác giả Nam Cao đã không định hướng tích cực cho nhân vật mà để cho nhân vật quay trở lại đúng ngay lối mòn của thế hệ trước và lún mãi vào trong lối mòn không lối thoát.

Tôi thấy “Cánh đồng bất tận” ra đời trong thế kỷ 21 mà cũng vấp phải tính tiêu cực như thế. Khác nhau chỉ là thế hệ tiếp theo nữa khi những đưa con tên Thương, tên Nhớ ra đời, nhưng có chắc chúng sẽ ra đời và có được nuôi nấng, dạy dỗ đúng mực trên cánh đồng bất tận ấy không? Mỗi lần gặp tác phẩm mà tôi thích, tôi đọc đi đọc lại ba đến năm lần trong một ngày, nhưng với “Cánh đồng bất tận” thì tôi không dám đọc lại phần cuối của tác phẩm.

Văn chương có chức năng giáo dục và định hướng, điều này đúng nhưng chưa đủ. Văn chương còn là cuộc sống, là thế giới quan của con người. Văn chương ngoài "bổn phận" phải đề cao cái tốt, bài trừ cái xấu như ông nói, nó còn viết về hiện thực cuộc sống. Không phải tất cả các tác phẩm văn học đều viết về một "vườn hoa với lá cỏ xanh ngọc" hay "những khoảng trời màu hồng".

"Cánh đồng bất tận" chỉ viết về một góc nhỏ trong chiếc bánh lớn đau khổ của những kiếp người bất hạnh. Cuộc đời tôi trải qua phần lớn ở miền sông nước, và những số phận lênh đênh đau đớn hơn thế tôi cũng đã từng gặp. Ta không thể viện cớ vì tác phẩm đề cập đến cái xấu nhiều quá mà trù dập nó. Lí do đơn giản chỉ vì nó quá phũ phàng hay sao?

Người ta cho rằng tác phẩm hoàn toàn không có ý nghĩa giáo dục, vậy tôi sẽ phải hiểu như thế nào về việc hai đứa trẻ trong truyện, cho dù có một người mẹ nhẫn tâm nhưng có khi nào chúng thôi không nhớ đến bà?…

Người ta mỉa mai rằng Nguyễn Ngọc Tư chỉ mới học xong lớp 11 thì không đủ tư cách và khả năng viết truyện mà quên mất nhà văn Kim Lân, tác giả của truyện ngắn "Vợ nhặt" cũng chỉ mới học xong bậc tiểu học. Những ý kiến của tôi có lẽ gay gắt, nhưng tôi không thể ngồi yên nhìn người ta trút hết bực dọc vào một tác phẩm mà mình yêu thích.

Tác phẩm tuy thể hiện toàn là bi kịch và những sự đầy phũ phàng, không ai muốn những sự việc đó luôn hiện diện trong cuộc sống, nhưng tôi lại thấy trong tác phẩm đầy tính nhân văn vốn có mà bao người đọc đã từng mong đợi. Đó là tình yêu và sự yêu thương vẫn nảy sinh khi con người sống trong cảnh không còn yêu thương. Tôi không hiểu sao người ta lại lên án tác phẩm này chỉ vì lý do nó nói về cái không tốt.

Tôi cũng cảm thấy thật hạnh phúc khi Việt Nam có một cây bút khỏe như Nguyễn Ngọc Tư. Tôi mong được nhìn thấy cô tiếp tục thể hiện tài năng của mình để viết về các vấn đề của cuộc sống đương đại. Hãy đừng đi theo bất cứ con đường nào đã có (vì như thế độc giả sẽ không nhận ra cô nữa), mà hãy mở con đường mới cho riêng mình. Đừng bận tâm nếu có một số người không đồng tình với bạn, miễn là bạn vẫn thể hiện tình yêu cuộc sống còn tràn đầy trong tác phẩm của bạn.

Khi đọc "Cánh đồng bất tận", chính tôi cũng không thấy hay lắm, nhưng sáng nay đọc báo tôi rất ngạc nhiên trước thông tin tác giả sẽ bị "phê phán nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải lấy cái đẹp cái tốt của xã hội đang xây dựng mà phát triển..." tôi vô cùng ngạc nhiên.

Vậy thì văn học mất đi tính dự báo rồi còn đâu? Nếu tất cả tác phẩm văn học trên đất nước ta đều phản ánh cái tốt, mặt phải của vấn đề, nói quá về cái tốt thì không bao lâu sao chúng ta sẽ sống trong ảo tưởng là xã hội chúng ta đã quá tốt đẹp, không còn phải phát triển, sửa đổi hay vươn lên chi nữa, lúc đó chúng ta sẽ ra sao? Đọc cái xấu, biết cái xấu để mà tránh đó chính là cách giáo dục con người, dĩ nhiên là với một độ tuổi nhất định, đã đủ kiến thức để nhận định đúng sai.

Tác phẩm "Cái đêm hôm ấy đêm gì" cũng đã từng bị phản ứng, và đến tận hôm nay chúng ta được biết tác giả đã phản ánh đúng, đã mơ đến một xã hội tươi đẹp như chúng ta hôm nay, có điều đáng tiếc là do hoàn cảnh lúc ấy nên không được ai quan tâm, và chúng ta có lỗi về điều đó. Tôi không so sánh "Cánh đồng bất tận" với "Cái đêm hôm ấy đêm gì" vì quá chênh lệch nhau, nhưng hai tác phẩm đều có điểm tương đồng ở chỗ là bị phê phán khi nêu lên cái xấu và chính tác phẩm "Cái đêm hôm ấy đêm gì" phải đến hôm nay mới được những người trẻ tuổi như tôi đọc đến.

Hãy đọc lại tâm sự của Nguyễn Ngọc Tư khi CĐBT lên báo: “Tôi cũng bàng hoàng, khi viết. Tôi thường tự hào về trí tưởng tượng của mình nhưng thấy chóng mặt, ngộp thở với chi tiết có thật mà tôi nghe được, giữa đời. Tôi thú nhận là đã sao chép cuộc sống, bởi tưởng tượng chỉ là trò bỏ đi. Nhưng xin các bạn đừng ngạc nhiên, tôi chưa từng tưởng tượng chuyện con người lại tra tấn bằng cách bắt lươn sống chui vào cửa mình người phụ nữ, đá thốc vào bụng người đang mang thai... nhưng những ai đi qua chiến tranh không hề thấy lạ. Tôi cảm giác khi cái ác lên ngôi trong phần con, phần người chết ngắc...” (TT 21-11-2005).

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã quen với việc đọc truyện kết thúc có hậu (qui luật nhân quả). Bản thân tôi khi đọc "Cánh đồng bất tận" xong cũng cảm thấy hụt hẫng vì các số phận kết thúc không có hậu. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đó là một thực tế mà bấy lâu chúng ta thường vờ như không biết, không thấy... Tôi rất ủng hộ Nguyễn Ngọc Tư vì đã dám miêu tả lên bức tranh của cuộc sống, trong xã hội mọi việc có thể xảy ra (ai nghĩ ông Bùi Tiến Dũng... vậy mà...) thì tại sao những tình tiết trong truyện là không thể xảy ra, không có thật? Tôi rất mong Nguyễn Ngọc Tư sẽ sớm có nhiều tác phẩm mới.

"Cánh đồng bất tận" là một tác phẩm văn học hay, mới. Tác giả có lối diễn đạt cô đọng, súc tích. Đánh giá phản động là chụp mũ. Tôi thấy không có chi tiết nào có thể coi là phản động. Là tác phẩm văn học, tác giả có quyền hư cấu. Xin đừng quy chụp cho một nhân tài mới nổi. Đánh giá không đúng sẽ giết chết tài năng. Cần phải tổ chức một cuộc trao đổi thẳng thắn công khai trên báo. Như vậy độc giả có điều kiện bày tỏ quan điểm của mình. Ý kiến của độc giả là phản ảnh trung thực nhất.

Đằng sau những hiện thực trần trụi mà Nguyễn Ngọc Tư đưa ra, chẳng phải là tình yêu quê hương vẫn đầy ắp trong những người chăn vịt lang thang đó sao? Chẳng phải là con người vẫn yêu thương, đùm bọc nhau, như những đứa trẻ với cô gái điếm đấy sao? Và trên hết, nhân vật trong tác phẩm vẫn thật nhân hậu, biết yêu thương, biết tha thứ và khao khát một cuộc sống không thù hận. Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển tải rất tốt những ý tứ, những mong mỏi đó đến với người đọc qua "Cánh đồng bất tận". Như thế mà còn gọi là "không hướng đến chân thiện mỹ"?

Còn nếu nói đến chữ "dục" trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư thì theo tôi, cách viết của nhà văn này chẳng có gì đáng phê phán. Nó sạch sẽ vô cùng so với cách viết của một tác giả nữ ở miền Bắc. Đã lâu lắm văn học Việt Nam mới có được một tác phẩm viết tốt đến thế, vậy mà tác giả lại bị "kiểm điểm" .

Nhân đây, tôi mong tòa soạn, nếu có thể, xin cho tôi địa chỉ e-mail của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Là một người cùng tuổi với nhà văn, tôi đã mong được làm bạn với nhà văn lâu nay, nhưng ngại viết thư tay (tôi có địa chỉ). Nay, tôi rất muốn được viết tthư an ủi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong lúc này. Mong rằng chị ấy không chao đảo và luôn vững bước trên con đường văn học của mình. Hy vọng chúng tôi, những người đọc, sẽ còn được thưởng thức nhiều tác phẩm tuyệt vời của chị!