1 m2 trật cần bao nhiêu xi măng?

Định mức xây tô 1m2 tường cần bao nhiêu vật liệu? Là một câu hỏi rất đơn giản đối với các kỹ sư xây dựng hay những người hành nghề nhiều năm trong ngành xây dựng. Nhưng đối với những người làm ngành nghề khác lần đầu xây cho gia đình một ngôi nhà thì lại không đơn giản. Trong bài viết chúng ta cùng đi tìm hiểu cách tính, những lưu ý khi tính định mức để có thể tính được định mức chính xác nhất. Phục vụ trong việc quản lý vậy tư cũng như dễ dàng hơn trong việc mua vật tư đúng và đủ.

NỘI DUNG

1. Định mức xây tô 1m2 tường là gì?

Xây tường và tô tường (trát tường) là hạng mục chính trong xây nhà, chiếm một tỷ trọng lớn vật liệu. Vậy nên khi nắm rõ định mức xây tường và tô tường sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quản lý vật tư trong xây dựng. Cũng như là cơ sở để lập dự toán trước khi xây dựng một cách dễ dàng.

Hơn nữa, khi bạn nắm rõ được định mức xây tô 1m2 tường, bạn có thể dễ dàng hơn trong việc mua vật tư trong quá trình thi công. Bởi chúng ta không thể nhập một lần toàn bộ vật tư để xây cho cả ngôi nhà được, như vậy sẽ không hiệu quả. Mà chúng ta sẽ nhập nhiều lần theo tiến độ thi công để vừa đảm bảo hiệu quả trong việc trông coi, bố trí kho bãi và phân bổ được dòng chi phí hợp lý.

2. Các vật liệu cần thiết để xây 1m2 tường

Đối với hạng mục tường ngày nay có thể được xây dựng từ rất nhiều loại vật liệu khác nhau. Có thể là bê tông cốt thép, hay xây bằng gạch đất nung, gạch không nung, hoặc có thể được làm từ các tấm cemboard, tấ thạch cao,…. Tuy nhiên, hiện nay trong xây nhà, đặc biệt là nhà phố, biệt thự thì xây tường bằng gạch đất nung (gạch đỏ truyền thông) được sử dụng phổ biến nhất. Nên trong phạm vị bài viết này chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu định mức xây tô 1m2 tường gạch đất nung (gạch ống).

Đối với hạng mục xây tường gạch thì chúng ta cần các vật liệu chính như: Gạch ống (gạch đất nung); Cát xây dựng; Xi măng (ngày xưa còn dùng bằng vôi); Nước; và một số các vật liệu phụ khác tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ dùng đến. Và bây giờ, chúng ta cũng tìm hiểu và tính toán định mức xây 1m2 tường cần bao nhiêu: Gạch ống, xi măng, cát xây dựng và nước sạch.

3. Định mức xây tô 1m2 tường

Đối với hạng mục xây tường sẽ bao gồm các vật liệu chính như: gạch xây (gạch ống); Cát xây dựng; Xi măng và nước sạch. Hay gom gọn là gạch ống và vữa xây. Định mức xây 1m2 tường là 61 viên gạch, 0,036m3 vữa cho tường 110 và 121 viên gạch, 0,074m3 vữa cho 1m2 tường 220.

Xem thêm>> Xây 1m2 tường cần bao nhiêu viên gạch

3.1. Định mức xây 1m2 tường

 Như vậy để xây tường gạch ống với kích thước viên gạch 20×9,5×5,5cm, vữa M75 xi măng PC30. Chúng ta sẽ cần một lượng vật liệu như sau:

  • Gạch ống: tường 110 cần 61 viên gạch; tường 220 cần 121 viên gạch.
  • Xi măng: 10,7 kg đối với tường 110 và 21,8 kg đối với tường 220
  • Cát xây dựng: 0,04 m3 cho tường 110 và 0,08 m3 cho tường 220
  • Nước sạch: 9,5 lít cho tường 110 và 19,1 lít cho tường 220

3.2. Định mức trát 1m2 tường

Với hạng mục tô tường (trát tường) chúng ta chỉ cần đến vữa tô. Hỗn hợp vữa sẽ bao gồm: Cát xây dựng, xi măng, nước sạch và có thể có thêm phụ gia trong nhữn trường hợp đặc biệt. Tường thường được tô với chiều dày vữa khoảng 2cm. Như vậy để tô 1m2 tường chúng ta cần 0,02 m3 vữa khi tô một mặt và 0,04 m3 vữa khi tô hai mặt. Như vậy với vữa M75 xi măng PC30, lượng vật liệu cần là:

  • Xi măng: 6,4 kg tô một mặt và 12,8 kg tô hai mặt
  • Cát xây dựng: 0,0218 m3 tô một mặt và 0,0436 tô hai mặt
  • Nước sạch: 5,2 lít nước tô một mặt và 10,4 lít nước tô hai mặt

4. Những lưu ý khi trộn vữa xây tô tường

  • Tiến hành trộn đều cát và xi măng theo tỷ lệ đã chọn trước cho đến khi đồng nhất. Sau đó cho nước sạch vào từ từ và trộn đều cho đến khi đạt được hỗn hợp vữa có độ nhão vừa phải (cảm nhận theo kinh nghiệm). Hạn chế việc trộn vữa quá nhão sẽ khó khăn trong việc tô tường.
  • Nếu vữa quá khô sẽ khó thi công, không điều chỉnh viên gạch được, nhanh bị đông cứng. Nếu cần phải điều chỉnh hoặc đặt lại viên gạch thì vữa sẽ mất độ kết dính. Và vữa sẽ bị khô quá nhanh sau khi xây, không đủ thời gian để xi măng thủy phân trong quá trình đông kết, nên sẽ ko đạt được cường độ tốt nhất.
  • Nếu quá nhão thì gạch xây mạch vữa sẽ bị chảy xệ, không giữ vững được vị trí viên gạch cần đặt. Vữa quá ướt khi tô cũng sẽ bị chảy xệ thậm chí sẽ không thể thi công được.
  • Thời gian cho phép sử dụng vữa sau khi trộn không quá 1h, nếu để lâu quá vữa sẽ bị đông kết 1 phần và không đảm bảo cường độ sau này.

5. Những lưu ý khi xây tường

  • Gạch xây từng hàng phải phẳng mặt, tường gạch xây phải đảm bảo thẳng đứng theo lực nén tác dụng từ trên xuống vì khối xây gạch chịu nén là chính. Tuyệt đối xây tường gạch không được để nghiêng vừa mất thẩm mỹ vữa không đảm bảo về chịu lực của bản thân bức tường và của toàn bộ ngôi nhà.
  • Xây tường gạch không được trùng mạch vữa, do đó các mạch vữa của lớp xây tiếp giáp không được trùng mà phải lệch nhau ít nhất ¼ chiều dài viên gạch cả về phương ngang cũng như phương dọc.
  • Xây từ dưới lên trên, tường chính xây trước, tường phụ xây sau, xung quanh xây trước, trong xây sau. Để đảm bảo không gian thi công được thông thoáng và thoải mái nhất.
  • Phải tưới đều nước cho gạch đạt độ ẩm tốt nhất để đảm bảo gạch không hút nước của vữa. Giúp vữa đông kết đạt cường độ tốt nhất.
  • Bề mặt tiếp giáp của tường gạch xây với cột hoặc giằng, dầm cần vẩy 1 lớp hồ dầu lên tường, cột để đảm bảo độ liên kết tốt nhất, đối với cột cần được khoan cấy thêm dâu thép.
  • Để đảm bảo cho tường thẳng và phẳng thì trong quá trình xây phải giăng dây nhợ cẩn thận trước khi xây. Và thường xuyên thả quả dọi kiểm tra lại tường xây. Khi xây tường gạch phải đảm bảo nguyên tắc “trên ăn dây, dưới ăn mí”
    Trên ăn dây: có nghĩa là cạnh trên của viên gạch phải theo sát dây căng, vị trí của dây căng thường cao hơn cạnh viên gạch nửa lằng một ít để cho dây có thể rúng động tự do để đảm bảo độ thẳng, khi bị võng cũng dễ phát hiện.
    Dưới ăn mí: có nghĩa là cạnh dưới của viên gạch phải thẳng đều với cạnh trên của viên gạch ở lớp dưới.
  • Đối với tường 20 thì các bạn xây 5 hàng dọc thì có 1 hàng ngang để liên kết hai hàng gạch với nhau. Nếu tường xây là tường bao bên ngoài mà xây bằng gạch ống thì hàng qoay ngay nên xây bằng gạch đặc để đảm bảo khả năng chống thấm tốt nhất.
  • Chân tường nên được ốp gạch thẻ để đảm bảo chống thấm và vững chắc vì tiếp xúc ẩm.
  • Khi xây chú ý định vị chính xác các vị trí cửa,… và chừa những lỗ trống trên tường để lắp dựng cửa, lam gió, đường điện, ống nước……sau này.
  • Sau khi khối xây vừa xong thì hạn chế các lực va chạm để khối xây đạt cường độ từ từ, tránh những rung động để khối xây được ổn định và liên kết tốt nhất.
  • Nếu xây tiếp lên tường cũ thì cần phải vệ sinh sạch tường cũ trước và tưới ẩm mặt tiếp xúc của tường cũ với tường mới trước khi xây tiếp.
  • Khi xây phải biết chọn viên gạch đúng đúng vị trí cần xây cho phù hợp, hạn chế việc chặt gạch lành. Khi cầm viên gạch trong tay cần phải xoay viên gạch xem mặt nào đẹp, vuông vắn thì đặt phía ngoài. Những thợ nề lâu năm có kinh nghiệm, thường mỗi lần nhặt một viên gạch là nhanh trí chú ý ngay hai viên xây tiếp theo, định trước là sẽ đặt viên nào ở vị trí nào. Vì vậy họ nhặt gạch rất chính xác, xây tườg rất đều và đẹp.
  • Khi xây viên gạch phải đặt thật bằng phẳng, rải vữa đều, không nên một bên dày, một bên mỏng làm cho viên gạch bị nghiêng, vữa được vuốt nghiêng vào trong. Đặt viên gạch lên vữa xong thì gõ 1 lực vừa phải đủ để vữa được tản đều và tiếp xúc kín với mặt gạch. Đối với những thợ có kinh nghiệm thì tất cả các công tác này sẽ cân đối và hoàn hảo. Viên gạch khi xây xong sẽ nằm đúng vị trí, đúng cao độ, vạch vữa đều vừa đủ bám hết mặt gạch và không bị xệ mạch. Cho ra sản phẩm một bức tường gạch xây đều, đẹp và phẳng.