Xe đưa đón học sinh chuyên gia đánh giá

Cuối tháng 8 vừa qua, hình ảnh một chiếc xe ô tô biển số tỉnh Bình Thuận chở quá số người quy định khiến hàng chục em học sinh phải đứng tại các vị trí lên xuống, bám vào cửa, thành xe khi xe đang chạy đã khiến người đi đường lo ngại.

Thực tế, không ít vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đưa đón học sinh đã xảy ra tại các địa phương. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, cần sớm đề ra giải pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình phương tiện này.

Mờ đầu loạt bài “Quản lý dịch vụ xe đưa đón học sinh: không thể cứ bỏ ngỏ” là ghi nhận của phóng viên về những nguy cơ tiềm ẩn, mất an toàn đối với xe đưa đón học sinh.

Xe đưa đón học sinh chuyên gia đánh giá

Xe khách để học sinh đánh đu ngoài cửa xe

Không phải đến bây giờ, vấn đề an toàn giao thông với xe đưa đón học sinh mới được dư luận nêu ra, khi xuất hiện hình ảnh hàng chục học sinh tại Bình Thuận phải đu bám vào cửa xe, vị trí lên xuống.

Trước đó, vào giữa tháng 3/2017, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra vụ TNGT giữa xe chở học sinh và xe tải đang lùi.

Vụ tai nạn làm 3 người tử vong, trong đó có 2 học sinh và 15 em khác bị thương. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ tai nạn do xe đưa đón học sinh không làm chủ được tốc độ nên tông vào xe tải đang lùi trên quốc lộ.

Giữa tháng 3/2018, một vụ TNGT đáng tiếc cũng xảy ra giữa xe đưa đón học sinh với môt cô giáo mầm non tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Vụ tai nạn khiến cô giáo mầm non tử vong tại chỗ.

Nhận định về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và nguy cơ mất an toàn giao thông đối với học sinh khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe đưa đón, trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cho biết, vẫn còn tình trạng chủ phương tiện dùng xe hết hạn đăng kiểm để chở học sinh.

Cụ thể, vào tháng 4/2017, Đội CSGT số 12, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện xe ô tô khách loại 15 chỗ đã hết hạn đăng kiểm gần 10 tháng, nội thất cũ nát, đèn xe vỡ kính, sơn bong tróc nhưng vẫn tiếp tục lưu hành. Tài xế khai, thường lái xe đưa đón học sinh của trường tiểu học Hồng Phong (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) theo thỏa thuận riêng với phụ huynh, giá từ 200.000 – 300.000 đồng/người/tháng.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng nói:

"Phương tiện khi mà đã sử dụng trong một thời gian dài thì tất cả các bộ phận chuyển động, bộ phận phanh, đèn tín hiệu có những cái không đáp ứng được quá trình vận chuyển, do đó, nguy cơ xảy ra TNGT là rất cao. Vì vậy, xe hết niên hạn cần phải được xử lý, cần phải được tịch thu, tiêu hủy".

Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng phòng Chính trị- tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho rằng, bản thân cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng giáo dục và các trường không thể phân biệt phương tiện nào đảm bảo chất lượng, mà chủ yếu căn cứ vào tem kiểm định. Do vậy, việc các cá nhân, doanh nghiệp, chủ xe sử dụng phương tiện quá hạn đăng kiểm hoặc hết niên hạn sử dụng sẽ rất nguy hiểm cho sự an toàn của các em học sinh.

Về phía Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng phòng quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, xe đưa đón học sinh được xếp vào diện xe vận tải hành khách theo hợp đồng. Tuy vậy, do đối tượng tham gia giao thông là học sinh, còn ít tuổi, bị yếu thế so với những hành khách thông thường nên việc sử dụng xe hết niên hạn sử dụng sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT rất cao.

Theo ông Tuyển, điều này chủ yếu xảy ra ở khu vực ngoại thành. Để khắc phục tình trạng này, lực lượng thanh tra giao thông vận tải đã phối hợp với lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý, đồng thời cũng tuyên truyền đến các nhà trường khi ký hợp đồng xe đưa đón học sinh phải đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cũng như được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu xe hợp đồng:

"Chẳng hạn như xe hợp đồng thì phải được cấp phù hiệu xe hợp đồng thì những phương tiện đó đủ điều kiện, vẫn còn niên hạn sử dụng. Vì vậy, các nhà trường đã có việc rà soát đó và tình hình đó hiện nay gần như không còn nữa".

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, trong thực tiễn tham gia giao thông, một số trường hợp lái xe ỷ lại vào việc xe chở học sinh, nên phóng nhanh, vượt ẩu và lấn làn, thậm chí thường xuyên vượt đèn vàng. Điều này vừa mất an toàn vừa ảnh hưởng xấu đến các em học sinh.

Trước thực tế nhiều nguy cơ mất an toàn đang tiềm ẩn với xe đưa đón học sinh như vậy, dư luận đặt câu hỏi: những cơ quan nào quản lý hoạt động của xe đưa đón học sinh và quản lý như thế nào? Những nội dung này sẽ được chúng tôi đề cập trong bài viết tiếp theo.

Nhiều sự cố xảy ra liên quan đến xe đưa đón học sinh trong thời gian qua và trước thực trạng mỗi nơi sử dụng xe mỗi kiểu, đã đến lúc đặt ra câu hỏi có cần xây dựng tiêu chuẩn chung cho xe đưa đón học sinh.

Nhiều xe cũ không có dây an toàn cho HS

Những ngày qua, PV Thanh Niên đã tìm hiểu việc đưa đón học sinh (HS) tại các trường ở TP.HCM...

Tại Trường THCS Lương Định Của (Q.2, TP.HCM), đội xe đưa đón HS là loại xe hợp đồng được nhà trường ký với một đơn vị hợp tác xã bên ngoài. Xe ở đây đa phần là loại 16 chỗ vừa phục vụ loại hình du lịch kèm theo việc đưa đón HS. Các loại xe này gồm đời mới và cũ xen kẽ. Tương tự tại điểm Trường THPT Trần Đại Nghĩa (cơ sở 2, Q.2) cũng sử dụng loại xe 16 chỗ để đưa đón HS. Tại một số nơi như Q.7, Q.Tân Bình, Q.Gò Vấp, một số trường quốc tế sử dụng loại xe đời mới 16 chỗ.

Ông Trần Văn Tình, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, cho biết đội xe đưa đón ở trường thường xuyên gồm 15 xe. Để đảm bảo an toàn cho HS khi sử dụng xe đưa đón, đơn vị phục vụ phải có tư cách pháp nhân, giấy tờ hợp pháp đăng ký với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, không phải vì tư cách pháp nhân rõ ràng mà nhà trường chủ quan. Cho nên mỗi năm trường đề ra thêm những phiên họp thực hiện kế hoạch phối hợp giữa trường cùng với các tài xế. Trong những buổi họp đó, trường cũng yêu cầu xây dựng một số tiêu chí về an toàn trong xe. Ngoài hồ sơ, giấy tờ pháp lý phải đảm bảo đầy đủ cho phía nhà trường. Tài xế sẽ phải tập huấn về kỹ năng kiến thức đảm bảo an toàn từ lúc đón và trả HS về nhà. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên nắm bắt các thông tin từ tài xế và cả HS đi xe.

Tuy nhiên, tại điểm Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (Q.Gò Vấp) vẫn còn sử dụng loại xe Daihatsu đời cũ để đưa đón HS. Loại xe này nhỏ với thùng xe chở HS ở phía sau. Trung bình một xe chở khoảng trên dưới 10 HS, kèm theo một tài xế và một người quản lý đi kèm. Xe được thiết kế với 2 dãy ghế ngồi dọc theo chiều dài thùng xe, HS ngồi đối diện nhau. Khi chỗ quá chật, một số HS phải ngồi trên ghế phụ ở giữa xe. Hầu hết trên xe này không có dây an toàn dành cho HS ngồi ở phía thùng xe.

Chưa có tiêu chuẩn xe đưa đón HS

Một lãnh đạo Đội thanh tra giao thông số 5 TP.HCM cho biết, xe đạt chuẩn đưa đón HS hiện nay chỉ cần tuân thủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường khi đã đăng kiểm đạt yêu cầu. Trong đó bao gồm ghế, đai an toàn, thiết bị chữa cháy, cửa thoát hiểm. Tài xế Nguyễn Hoàng Trung (ngụ Q.2) cho rằng xe chở HS cần phải đạt chuẩn riêng. Tuy nhiên trước mắt phải đạt chuẩn an toàn kiểm định. Nhưng bên cạnh đó để đạt sự an toàn cao còn do ý thức và trách nhiệm của tài xế.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng những vụ việc nóng về xe đưa đón HS gần đây nguyên nhân chính là do sử dụng xe không đảm bảo kỹ thuật, xe quá cũ nát và lỗi chủ yếu nằm ở sai sót của người sử dụng cũng như người quản lý. Do đó cần xác định nguyên nhân chính, sâu xa là do Việt Nam chưa có tiêu chuẩn cho loại xe đưa đón HS. “Hiện nay một số trường đang sử dụng loại xe 12 đến 16 chỗ (mới và cũ) để đưa đón HS và lấy yêu cầu kiểm định an toàn để áp dụng, như vậy là không hợp lý và về lâu dài sẽ tạo thành một tiền lệ là có thể dùng bất cứ loại xe nào để đưa đón HS, miễn là chiếc xe đó đã được đăng kiểm”, PGS-TS Phạm Xuân Mai nhận định.

Việt Nam có thể sản xuất xe chuyên dùng đưa đón HS

Theo đề xuất của PGS-TS Phạm Xuân Mai, xe đưa đón HS ngoài các tiêu chuẩn an toàn của một chiếc ô tô còn phải có ghế ngồi, bậc lên xuống, cửa sổ, có thông số nhân trắc học phù hợp độ tuổi, vóc dáng, cơ thể HS, và được hỗ trợ bằng những thiết bị nhằm tránh bỏ quên HS hay hạn chế các tai nạn trên xe như té ngã. Xe cần được trang bị những thiết bị hỗ trợ giúp tài xế hay giáo viên hướng dẫn có thể kiểm soát được những hành vi của HS trong xe, ví dụ thiết bị “Child Check Mate” (kiểm tra trẻ em) như trên School Bus của nước ngoài. Trẻ nhỏ vốn hay nghịch ngợm, nhiều lúc không tự chủ, nên những hệ thống như camera theo dõi, máy quét kiểm soát là rất cần thiết, giúp người lái xe luôn nắm được toàn bộ tình hình trên xe.

Nhiều loại xe nước ngoài được trang bị hệ thống kiểm tra số lượng hành khách trên xe khi xe đã dừng lại; trường hợp còn sót người, xe sẽ tự động cảnh báo. Loại xe này ngoài cửa thoát hiểm bên hông còn bố trí thêm cửa thoát hiểm bên trên trong trường hợp khẩn cấp. Xe đặc thù chở HS nên yếu tố nhận diện cũng quan trọng không kém. Dù không phải là xe ưu tiên nhưng cần được thiết kế riêng để nhìn là nhận ra xe đưa rước HS. Ngoài ra, xe phải được sơn màu nổi bật với tín hiệu rõ ràng, chẳng hạn ở các nước là màu vàng đậm (màu dễ nhận biết nhất từ xa) với hệ thống còi đèn tín hiệu cần thiết.

Kính xe không được dùng màu đen để người trong và ngoài xe có thể dễ giao tiếp với nhau. Ngoài ra, xe cần có một hệ thống cảnh báo đặc biệt để trong trường hợp bất trắc người bên trong xe đó vẫn có thể được những người xung quanh phát hiện và nhanh chóng can thiệp. “Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất những loại xe chuyên dùng đưa đón HS với những tiêu chuẩn như trên. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, trước hết Bộ GTVT nên kết hợp với Bộ GD-ĐT để xây dựng và ban hành những tiêu chuẩn xe đưa đón HS một cách cụ thể và có những quy định bắt buộc các trường phải dùng loại xe này”, PGS-TS Phạm Xuân Mai nói.

Bộ GD-ĐT lại có công văn nhắc nhở

Liên quan đến vụ HS bị ngã văng khỏi ô tô trên đường đi học tại Đồng Nai và ô tô chở HS trên đường đến trường bất ngờ bốc cháy ở Bình Dương, Bộ GD-ĐT lại phát đi công văn nhắc nhở lần 1 về việc yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả triển khai tăng cường giải pháp bảo đảm an toàn HS khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng ô tô.

Công văn yêu cầu: “Để có đầy đủ dữ liệu về thực trạng công tác trên báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT (chưa nộp báo cáo) chỉ đạo các trường phổ thông trên địa bàn kiểm tra, rà soát, báo cáo tổng hợp thực trạng về việc sử dụng dịch vụ đưa đón HS bằng ô tô theo các yêu cầu tại công văn đã ban hành ngày 16.8”.

Các đơn vị tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở GTVT và cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tiếp tục kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định pháp luật và hợp đồng vận chuyển đối với các cơ sở giáo dục và đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức đưa đón HS bằng xe ô tô...

Được biết, hiện chỉ mới 8 tỉnh, thành báo cáo Bộ GD-ĐT về quản lý xe đưa đón HS.

Tuệ Nguyễn

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn cho HS

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở GD-ĐT đã triển khai các nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông cho HS sử dụng xe đưa đón.

Theo đó, các trường tiến hành rà soát việc sử dụng xe hợp đồng đưa đón HS, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đầy đủ các quy định an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái. Chấm dứt hợp đồng đối với các đơn vị, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông đã được xác định trong hợp đồng đưa đón HS bằng ô tô.

Lãnh đạo Sở cũng lưu ý, hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo an toàn cho HS khi tổ chức đưa đón HS bằng ô tô. Sở GD-ĐT sẽ phối hợp cùng Sở GTVT thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn toàn giao thông đối với các đơn vị trường học có thực hiện việc hợp đồng với các đơn vị, sử dụng xe đưa rước HS trong năm học 2019 - 2020 và các năm học tiếp theo.