Virus corona phát triển ở nhiệt độ nào năm 2024

Cúm thường xảy ra vào những tháng mùa đông lạnh lẽo, virus noro gây nôn mửa cũng hay xảy ra vào thời điểm này.

Những bệnh khác, chẳng hạn như thương hàn, lại có xu hướng hoành hành điểm vào mùa hè.

Các trường hợp bị sởi giảm trong mùa hè ở vùng khí hậu ôn đới, trong khi ở vùng nhiệt đới, bệnh này xuất hiện ác liệt nhất vào mùa khô.

Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người hiện đang đặt ra câu hỏi liệu chúng ta có thể trông mong Covid-19 cũng hoạt động theo mùa như vậy hay không.

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào khoảng giữa tháng 12/2019, virus này đã lây lan nhanh chóng với số ca nhiễm hiện đang tăng mạnh nhất ở châu Âu và Mỹ.

Nhiều trận bùng phát lớn đã xảy ra ở những vùng có thời tiết mát mẻ, dẫn đến suy đoán rằng căn bệnh này có thể bắt đầu chiều hướng giảm khi mùa hè đến.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng không nên trông chờ quá nhiều vào việc virus sẽ chết dần trong mùa hè.

Và họ thận trọng như vậy là phải.

Virus gây ra dịch bệnh Covid-19 - được đặt tên chính thức là SARS-CoV-2 - là chủng quá mới để có bất kỳ dữ liệu chắc chắn nào về việc diễn tiến dịch sẽ thay đổi theo mùa.

Virus Sars có họ hàng gần gũi với nó đã từng lây lan năm 2003 thì lại nhanh chóng được khống chế, nghĩa là chúng ta có rất ít thông tin về việc liệu Sars diễn tiến như thế nào qua các mùa.

Nhưng có một số manh mối từ các chủng virus corona khác đã lây nhiễm lên con người có thể gợi mở về việc liệu Covid-19 cuối cùng có thể trở thành một dạng bệnh dịch theo mùa hay không.

Virus corona phát triển ở nhiệt độ nào năm 2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Người ta hy vọng rằng với việc nhiệt độ ấm dần lên ở Bắc Bán cầu, các ca nhiễm virus corona sẽ bắt đầu giảm bớt

Một nghiên cứu được thực hiện cách đây 10 năm bởi Kate Templeton, từ Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm thuộc Đại học Edinburgh, Anh, đã phát hiện ra rằng ba chủng virus corona - tất cả đều là thu được từ các bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp tại các bệnh viện và các trung tâm bác sỹ gia đình ở Edinburgh - đều cho thấy "dấu ấn đặc trưng xuất hiện vào mùa đông".

Chịu ảnh hưởng của thời tiết và môi trường?

Có vẻ như những virus này gây lây nhiễm chủ yếu trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 - với mô hình tương tự như đã thấy ở bệnh cúm.

Một chủng virus corona thứ tư, chủ yếu được tìm thấy ở những bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, thì xuất hiện thưa thớt hơn nhiều.

Có những chỉ dấu sớm rằng Covid-19 cũng có thể diễn tiến thay đổi theo mùa.

Sự lây lan của dịch bệnh mới trên khắp thế giới dường như cho thấy chủng virus này ưa thích khí hậu khô ráo và mát mẻ, tuy rằng nó xuất hiện ở các nước có điều kiện khí hậu rất khác nhau, bao gồm cả ở các nước nóng ẩm.

Một phân tích chưa được công bố so sánh thời tiết ở 500 địa điểm trên khắp thế giới, nơi đã xuất hiện các ca bệnh Covid-19, dường như cho thấy mối liên hệ giữa sự lây lan của virus và nhiệt độ, tốc độ gió, và độ ẩm tương đối.

Một nghiên cứu khác chưa được công bố cũng cho thấy nơi có nhiệt độ cao có tỷ lệ mắc Covid-19 thấp hơn, nhưng cần lưu ý rằng nếu chỉ dựa riêng yếu tố nhiệt độ thì sẽ không thể giải thích được cho các biến số toàn cầu về tỷ lệ nhiễm bệnh.

Một nghiên cứu sâu hơn nhưng cũng chưa được công bố dự đoán rằng các nơi có khí hậu ấm và lạnh dễ bị Covid-19 tấn công mạnh nhất hiện nay, thứ đến là các khu vực khô cằn. Các nhà nghiên cứu cho biết các vùng có khí hậu nhiệt đới trên thế giới ít bị ảnh hưởng nhất.

Nhưng do không có dữ liệu thực được thu thập qua các mùa cho nên các nhà nghiên cứu đang phải dựa vào mô hình máy tính để dự đoán những gì có thể xảy ra trong cả năm.

Dùng dữ liệu để suy đoán về tính chất hoạt động theo mùa của Covid-19 dựa trên những chủng virus corona đặc hữu - tức là các loại virus đã lây nhiễm phát tác trong cộng đồng dân chúng được một thời gian - là điều mang tính thách thức. Chưa kể đến việc là các loại virus đặc hữu có thể hoành hành theo mùa vì một số lý do, mà các lý do đó lại không xuất hiện trong đại dịch Covid-19 này.

Đại dịch diễn biến khác dịch bệnh thông thường

Các trận đại dịch thường không theo mô hình diễn tiến theo mùa như thường thấy ở các bệnh thông thường.

"Chúng tôi hy vọng cuối cùng thì Covid-19 sẽ trở thành đặc hữu," Jan Albert, giáo sư kiểm soát bệnh truyền nhiễm, chuyên về virus tại Viện Karolinska ở Stockholm, nói.

"Nếu như nó không mang tính mùa vụ thì đó quả là điều vô cùng ngạc nhiên. Câu hỏi lớn là liệu độ nhạy cảm của virus này với các mùa trong năm có ảnh hưởng đến khả năng lây lan của nó trong bối cảnh đại dịch hay là không. Chúng tôi không biết một cách chắc chắn, nhưng chúng tôi cho rằng có lẽ là có."

Do đó, chúng ta cần thận trọng khi sử dụng những gì đã biết về diễn tiến phát tác theo mùa của các loại virus corona khác để đưa ra dự đoán về đại dịch Covid-19 hiện nay.

Nhưng tại sao các chủng virus corona lại hoạt động theo mùa, và tại sao điều đó lại đem đến niềm hy vọng cho đợt bùng phát bệnh dịch hiện nay?

Các loại virus corona cùng thuộc về một họ virus được gọi là "virus có màng bọc".

Điều này có nghĩa là chúng được phủ trong một lớp màng bọc lipid, được biết đến là lipid hai lớp, với các protein nhô ra trông như những cái gai của vương miện. Chính những cái gai này đã gợi ý tên gọi của chúng - corona theo tiếng Latin có nghĩa là vương miện.

Virus corona phát triển ở nhiệt độ nào năm 2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Hiện tại có khá ít nghiên cứu xem xét tác động của thời tiết đối với Covid-19

Nghiên cứu về các loài virus có màng bọc khác cho thấy rằng lớp màng mỡ này làm cho virus nhạy cảm hơn trước nhiệt độ cao so với các loại virus không có màng bọc.

Trong điều kiện thời tiết lạnh, lớp màng mỡ cứng lại ở trạng thái giống như cao su, tựa như chất béo từ thịt sau khi nấu chín để nguội sẽ đông lại, giúp bảo vệ virus lâu hơn khi nó ở bên ngoài cơ thể vật chủ.

Hầu hết các virus có màng bọc đều có chiều hướng thể hiện tính chất hoạt động theo mùa rõ rệt là do đặc thù này.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng Sars-Cov-2 có thể tồn tại tới 72 giờ trên các bề mặt cứng như nhựa và thép không gỉ ở môi trường có nhiệt độ từ 21-23 độ C (70-73F) với độ ẩm khoảng 40%.

Việc virus Covid-19 chính xác là hoạt động như thế nào ở những môi trường có nhiệt độ và độ ẩm khác là điều vẫn phải được thử nghiệm thêm, song nghiên cứu về các virus corona khác cho thấy chúng có thể sống sót hơn 28 ngày tại nhiệt độ 4 độ C.

Một chủng virus corona có họ hàng gần gũi với Covid -19, vốn đã gây ra dịch Sars năm 2003, cũng đã được xác định là sống sót tốt nhất trong điều kiện khô, mát.

Ví dụ, virus Sars vương bám trên bề mặt nhẵn vẫn sống và lây lan trong năm ngày ở nhiệt độ từ 22-25 độ C với độ ẩm tương đối 40-50%. Nhiệt độ và độ ẩm càng cao, thời gian sống của virus càng ngắn.

"Khí hậu đóng vai trò vì nó tác động đến sự ổn định của virus trong môi trường bên ngoài cơ thể con người, sau khi chúng bị văng ra do người mang virus ho hoặc hắt hơi," Miguel Araújo, nhà nghiên cứu ảnh hưởng của thay đổi môi trường đối với đa dạng sinh học tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia ở Madrid, Tây Ban Nha, nói.

"Khoảng thời gian virus có thể sống ổn định trong môi trường bên ngoài càng dài thì khả năng lây nhiễm cho người khác càng cao và lan rộng thành dịch. Tuy là Sars-Cov-2 đã nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới, nhưng các khu vực xảy ra số lượng ca lây nhiễm lớn chủ yếu là những nơi có thời tiết khô, mát."

Các mô hình máy tính của ông dường như phù hợp với thực tế bùng phát dịch trên toàn thế giới, với số lượng các ca bệnh cao nhất đều nằm ngoài các vùng nhiệt đới.

Araújo tin rằng nếu Covid-19 có độ nhạy tương tự với nhiệt độ và độ ẩm, thì ta có thể suy đoán là các trường hợp nhiễm virus corona sẽ bùng phát vào những thời điểm khác nhau tại các vùng khác nhau trên thế giới.

"Cũng là hợp lý khi chúng ta trông đợi là hai loại virus này sẽ có cách thức hoành hành tương tự nhau," ông nói. "Nhưng đây không phải là một phương trình chỉ có một biến số. Virus lây lan được từ người sang người. Càng nhiều người tập trung ở một địa điểm và họ càng tiếp xúc nhiều với nhau chừng nào thì sẽ càng có nhiều ca nhiễm chừng đấy. Hành vi của con người chính là điều then chốt để lý giải sự lây lan của virus."

Một nghiên cứu từ Đại học Maryland chỉ ra rằng virus đã lây lan hầu hết ở các thành phố và khu vực trên thế giới, nơi có nhiệt độ trung bình khoảng 5-11 độ C (41-52F) và độ ẩm tương đối thấp.

Nhưng cũng đã có một số lượng đáng kể các ca lây nhiễm ở các vùng nhiệt đới. Một phân tích gần đây về sự lây lan của virus ở châu Á bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Harvard cho thấy đại dịch virus corona này sẽ ít nhạy cảm với thời tiết hơn so với sự hy vọng của nhiều người.

Họ kết luận rằng sự phát triển nhanh chóng của các ca lây nhiễm ở các tỉnh khô và lạnh của Trung Quốc, như Cát Lâm và Hắc Long Giang, cùng với tốc độ lây truyền ở các vùng nhiệt đới, như Quảng Tây và Singapore, cho thấy sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm vào mùa xuân và mùa hè sẽ không làm giảm các ca lây nhiễm.

Virus corona phát triển ở nhiệt độ nào năm 2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và mô hình máy tính cho thấy Covid-19 ít có khả năng sống sót trong điều kiện ấm áp và ẩm ướt

Điều này là do sự lây lan của virus phụ thuộc nhiều vào khả năng sống sót nó trong môi trường bên ngoài.

Và đây là yếu tố dẫn đến tính chất theo mùa của dịch bệnh cần được phân tích trên nhiều góc độ.

Đối với một dịch bệnh như Covid-19, con người là tác nhân làm lây lan virus và do đó, việc có những thay đổi trong hành vi của con người cũng có thể dẫn đến việc làm thay đổi tỷ lệ lây nhiễm.

Ví dụ như các trường hợp bệnh sởi ở châu Âu có xu hướng trùng với thời điểm diễn ra các học kỳ và giảm trong các ngày lễ khi trẻ em được nghỉ, không đến trường nên không lây truyền virus cho nhau.

Số lượng di chuyển khổng lồ của người dân Trung Quốc vào dịp trước sau Tết Nguyên đán (Mùng một Tết âm lịch năm nay rơi vào ngày 25/1/2020) cũng được cho là đã đóng vai trò chính yếu trong việc làm lan truyền Covid-19 ra khỏi Vũ Hán đến các thành phố khác ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Tác động của thời tiết với sức khỏe con người

Thời tiết cũng có thể can thiệp vào hệ thống miễn dịch của con người, khiến chúng ta dễ bị nhiễm trùng hơn.

Có một số bằng chứng cho thấy lượng vitamin D trong cơ thể chúng ta có thể có ảnh hưởng đến việc chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào đối với các bệnh truyền nhiễm.

Vào mùa đông, cơ thể chúng ta tạo ra ít vitamin D hơn vì hiếm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chủ yếu là do chúng ta dành nhiều thời gian hơn trong nhà và quấn kín trong quần áo chống lại không khí lạnh.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy thuyết này không giải thích được cho sự thay đổi theo mùa được ghi nhận ở các bệnh như cúm.

Có nhiều ý kiến tranh cãi về việc liệu thời tiết lạnh có làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta hay không - một số nghiên cứu cho thấy điều đó, nhưng những người khác thấy lạnh thực sự có thể làm tăng số lượng tế bào bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi bị nhiễm trùng.

Tuy nhiên, có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy độ ẩm có thể có tác động lớn hơn, khiến ta dễ bị tổn thương trước bệnh tật.

Khi không khí đặc biệt khô, người ta cho rằng nó sẽ làm giảm lượng chất nhầy bao phủ phổi và đường khí quản của chúng ta. Chất tiết dính này tạo thành một lớp bảo vệ tự nhiên chống lại nhiễm trùng và khi chất nhầy ít hơn, chúng ta dễ bị nhiễm virus hơn.

Một nghiên cứu gây kinh ngạc do các nhà khoa học ở Trung Quốc thực hiện cho thấy có mối quan hệ giữa bệnh Covid-19 gây chết người và điều kiện thời tiết.

Họ đã tiến hành xem xét gần 2.300 ca tử vong ở Vũ Hán, Trung Quốc và tham chiếu tới độ ẩm, nhiệt độ và mức độ ô nhiễm vào thời điểm tử vong.

Mặc dù điều này vẫn chưa được công bố trên một tạp chí học thuật nào, song nghiên cứu của họ cho thấy tỷ lệ tử vong thấp hơn vào những ngày có độ ẩm cao và nhiệt độ cao.

Phân tích của họ cũng cho thấy rằng vào những ngày mức chênh lệch giữa nhiệt độ tối đa và tối thiểu cao thì mức độ tử vong thường là cũng cao hơn.

Nhưng nghiên cứu này phần lớn cũng dựa trên mô hình máy tính, vì vậy độ chính xác của mối quan hệ này, và liệu nó sẽ được lặp lại ở các nơi khác trên thế giới hay không, vẫn còn phải tìm hiểu thêm.

Khả năng miễn nhiễm đối với Covid-19

Vì virus gây ra đại dịch Covid-19 là chủng mới nên sẽ rất hiếm ai đó có khả năng miễn dịch chống lại nó cho đến khi người ta bị nhiễm và sau đó hồi phục.

Điều này có nghĩa là virus sẽ lan truyền, lây nhiễm và gây bệnh theo cách không giống như virus đặc hữu.

Việc đi lại bằng đường hàng không là con đường chính mà virus đã lây lan cực nhanh ra khắp thế giới, Vittoria Colizza, giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Y Dược của Pháp, nói.

Nhưng một khi nó bắt đầu lan rộng trong một cộng đồng dân cư thì nguyên nhân là do sự tiếp xúc gần gũi với những người mang mầm bệnh.

Ngừng tiếp xúc trực tiếp giữa mọi người sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm. Đây chính xác là những gì mà nhiều chính phủ đã và đang cố gắng thực hiện với lệnh phong tỏa các khu vực công cộng trên khắp thế giới.

Virus corona phát triển ở nhiệt độ nào năm 2024

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 phát sinh vào những tháng hè thì hiếm có khả năng là nó sẽ biến mất hoàn toàn; nó sẽ quay trở lại vào thời điểm khác trong năm

"Không có bằng chứng nào cho thấy Covid-19 sẽ diễn tiến theo mùa cả," Colizza nói. "Yếu tố hành vi cư xử của con người cũng đóng một vai trò trong dịch bệnh."

Nhưng bà cảnh báo vẫn còn quá sớm để biết liệu các biện pháp được đưa ra có đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus hay không. "Chính tự thân việc giảm tiếp xúc sẽ làm giảm một phần tỷ lệ nhiễm bệnh, bởi các môi trường lây lan đã bị giảm đi."

Và nếu như dịch bệnh Covid-19 thực sự suy yếu đi trong những tháng tới thì đó có thể vì một số lý do - các biện pháp phòng ngừa như cách ly nguồn lây nhiễm và đóng cửa các hoạt động dịch vụ đang phát huy tác dụng; khả năng miễn dịch ngày càng tăng trong cộng đồng; hoặc cũng có thể là do hiệu ứng theo mùa, như các mô hình của Albert nêu ra.

"Nếu như có lý do hiệu ứng theo mùa thì nó có thể sẽ che giấu đi tác động thực sự của hai lý do kia," Albert cảnh báo. "Ở các nước áp dụng biện pháp phong toả nghiêm ngặt thì sẽ không có nhiều người bị phơi nhiễm với virus, cho nen tôi sẽ không ngạc nhiên gì nếu như chúng ta phải chứng kiến một làn sóng bệnh dịch thứ hai, xảy ra vào mùa thu đông."

Ngay cả khi Covid-19 hoạt động theo mùa thì nó vẫn khó mà biến mất hoàn toàn trong những tháng hè như một số người nói. Nhưng việc có các số ca nhiễm bệnh giảm xuống sẽ đem tới cho chúng ta một số thuận lợi.

"Các bước mà chúng ta đang thực hiện để áp chế đỉnh dịch thì tốn kém về mặt kinh tế, nhưng giúp chúng ta cầm cự với đại dịch cho đến mùa hè," Albert nói.

"Nếu dịch bệnh này hoạt động theo mùa thì các bước đó sẽ giúp cho hệ thống y tế kéo dài được thời gian để đối phó."

Nhất là trong một thế giới đang vật lộn để đối phó với số lượng ca nhiễm gia tăng vùn vụt như hiện nay, có lẽ đó sẽ là khoảng thời gian vàng chúng ta cần có.