Vị trí địa lý của Bắc Trung Bộ có ý nghĩa đổi với việc phát triển kinh tế xã hội như thế nào

Câu 1. Vị trí, điều kiện tự nhiên của Biển Đông?

Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 30 vĩ Bắc đến 260 vĩ Bắc và từ 1000 kinh Đông đến 1210 kinh Đông; là một trong những biển lớn nhất trên thế giới với 90% chu vi được bao bọc bởi đất liền. Có 9 nước tiếp giáp với Biển Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia, Bru-nây, Ma-lai-xia, Xin-ga-po, Thái Lan, Cam-pu-chia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan. Theo ước tính sơ bộ, Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu dân các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của cả Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Mỹ.

Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, khoáng sản, du lịch, đồng thời đây cũng là khu vực đang chịu sức ép nhiều về bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Biển Đông được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này, sản lượng khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì liên tục trong vòng 15 - 20 năm tới.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, khu vực Biển Đông còn chứa đựng lượng lớn tài nguyên khí đốt đóng băng (băng cháy). Trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai.

Câu 2. Vai trò của Biển Đông đối với thế giới và Việt Nam?

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông -Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng 150 - 200 tàu các loại qua lại Biển Đông. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào tuyến đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po và cả Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua Biển Đông. Biển Đông có những eo biển quan trọng như eo biển Ma-lắc-ca, eo biển Đài Loan là những eo biển khá nhộn nhịp trên thế giới. Do đó, Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa - chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế.

Xét về an ninh, quốc phòng, Biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không chỉ có ý nghĩa trong việc kiểm soát các tuyến đường biển qua lại Biển Đông mà còn có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với Việt Nam.

Nước ta giáp với Biển Đông ở ba phía Đông, Nam và Tây Nam. Các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là một phần Biển Đông trải dọc theo bờ biển dài khoảng 3.260 km, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, với nhiều bãi biển đẹp như Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Cam Ranh, Vũng Tàu... Như vậy, cứ 100 km2 lãnh thổ đất liền có 1 km bờ biển, tỷ lệ này cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới (600 km2đất liền có 1 km bờ biển). Không một nơi nào trên lục địa của Việt Nam lại cách xa bờ biển hơn 500 km.

Việt Nam có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa Biển Đông và hàng nghìn đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa.

Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai. Không chỉ cung cấp nguồn thức ăn cho cư dân ven bờ từ hàng nghìn năm nay, Biển Đông còn tạo điều kiện để phát triển các ngành kinh tế và là cửa ngõ để Việt Nam có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập của nhiều nền văn hoá.

Về kinh tế, Biển Đông tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch...

Ngoài ra, ven biển Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như than, zircon, thiếc, vàng, đất hiếm... trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước.

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở trung tâm Biển Đông, rất thuận lợi cho việc đặt các trạm thông tin, xây dựng các trạm dừng chân và tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền... phục vụ cho tuyến đường hàng hải trên Biển Đông.

 Câu 3. Đặc điểm địa lý cơ bản của các vùng biển Việt Nam?

Việt Nam là một quốc gia biển lớn nằm ven bờ tây Biển Đông. Trong Biển Đông, liên quan tới Việt Nam có hai vịnh (gulf) lớn là vịnh Bắc Bộ ở phía Tây Bắc, rộng khoảng 130.000 km2 và Vịnh Thái Lan ở phía tây nam, diện tích khoảng 293.000 km2. Đây là biển duy nhất nối liền hai đại dương - Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ gió mùa thịnh hành hướng Đông Bắc và Đông Nam. Vì thế, biển Việt Nam gánh chịu nhiều rủi ro thiên tai và sự cố môi trường biển trên Biển Đông, đặc biệt từ các loại dầu tràn và dầu thải không rõ nguồn gốc đưa vào vùng bờ biển nước ta.

Chế độ khí hậu vùng biển Việt Nam khác nhau ở ba miền khí hậu chủ yếu: (i) Miền khí hậu phía bắc từ đèo Hải Vân trở ra, có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, (ii) Miền khí hậu phía nam từ Đà Nẵng vào tới các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, có chế độ khí hậu gió mùa nhiệt đới cận xích đạo với 2 mùa mưa và khô rõ rệt, nhiệt độ luôn cao, (iii) Miền khí hậu Biển Đông có chế độ khí hậu mang tính chất gió mùa nhiệt đới biển. Vùng Biển Đông nói chung và biển Việt Nam nói riêng là khu vực chịu nhiều thiên tai bão, tố, biến đổi khí hậu và có nguy cơ sóng thần. Trung bình hàng năm có khoảng 8 cơn bão đổ bộ vào vùng biển và nội địa Việt Nam và dự báo sóng thần có thể sẽ xuất phát từ các hẻm vực sâu ven bờ tây Phi-lip-pin (Palawan) và chỉ sau 02 giờ sẽ tiếp cận đến bờ biển Nha Trang.

Chế độ hải văn ven bờ cũng biến tính rõ. Chế độ dòng chảy bề mặt và sóng biến đổi theo mùa gió trong năm, cả về hướng chảy và cường độ. Các đặc trưng khí hậu - hải văn nói trên góp phần hình thành các vùng địa lý - sinh thái khác nhau, kéo theo thế mạnh tài nguyên sinh vật và tiềm năng phát triển khác nhau.

Khu vực biển nông thuộc thềm lục địa địa lý (đến độ sâu 200m) chiếm toàn bộ diện tích vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan, vùng biển trước châu thổ sông Cửu Long và thắt hẹp lại ở miền Trung nước ta.

Biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng của Biển Đông, bao gồm vùng nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982).

Hình thế phần đất liền của Việt Nam hẹp chiều ngang (không có nơi nào cách biển trên 500km) với đường bờ biển dài trên 3.260km (không kể bờ các đảo) chạy theo hướng kinh tuyến, kéo từ Móng Cái (Quảng Ninh) ở phía đông bắc xuống tới Hà Tiên (Kiên Giang) ở phía tây nam. Bờ biển Việt Nam khúc khuỷu, nhiều eo, vụng, vũng/ vịnh ven bờ và cứ 20 km chiều dài đường bờ biển lại bắt gặp một cửa sông lớn với tổng số khoảng 114 cửa sông đổ ra biển, chủ yếu từ phía lục địa Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam có hai đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu ven biển là đồng bằng châu thổ sông Hồng ở phía bắc và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long ở phía nam. Lượng nước và phù sa lớn nhất đổ vào Biển Đông hàng năm chính là từ các hệ thống sông của hai đồng bằng này. Bên cạnh việc bổ sung nguồn dinh dưỡng cho biển Việt Nam và Biển Đông, các hệ thống sông này cũng đổ ra biển không ít chất gây ô nhiễm môi trường biển và vùng cửa sông ven biển nước ta.

Câu 4. Việt Nam có bao nhiêu tỉnh, thành phố có biển? Tên các tỉnh, thành phố có biển?   

Về mặt hành chính, hiện nay ở nước ta có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo. Đây là những đơn vị hành chính đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Từ bắc vào nam, 28 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có biển là các tỉnh và thành phố: Quảng Ninh, Tp. Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Tp. Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.

Câu 5. Vài nét cơ bản về các khu vực biển, hải đảo của Việt Nam trên Biển Đông?

Biển, hải đảo nước ta nằm trong Biển Đông bao gồm nhiều khu vực khác nhau, nhưng nổi bật và có những đặc điểm cần chú ý hơn là Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số đảo, quần đảo khác.

1. Vịnh Bắc Bộ

Vịnh Bắc Bộ nằm về phía tây bắc Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển và hải đảo của miền Bắc Việt Nam ở phía tây; bởi lục địa Trung Quốc ở phía bắc; bởi bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam ở phía Đông. Vịnh Bắc Bộ trải rộng từ khoảng kinh tuyến 105036' Đông đến khoảng kinh tuyến 109055’ Đông, trải dài từ vĩ tuyến 21055' Bắc đến vĩ tuyến 17010' Bắc. Diện tích khoảng 126.250 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 310 km và nơi hẹp nhất khoảng 220 km.

Vịnh Bắc Bộ là vịnh tương đối nông, độ sâu trung bình khoảng từ 40 - 50 m, nơi sâu nhất khoảng 100 m; đáy biển tương đối bằng phẳng, độ dốc nhỏ. Thềm lục địa thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam ra biển khá rộng, độ dốc thoải và có một lòng máng sâu trên 70 m gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Bờ vịnh khúc khuỷu và ven bờ có nhiều đảo. Phần vịnh phía Việt Nam có hàng ngàn đảo lớn, nhỏ, trong đó đảo Bạch Long Vĩ diện tích 2,5 km2 cách đất liền Việt Nam 110 km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 130 km. Vịnh Bắc Bộ có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 44 vạn tấn) và tiềm năng dầu khí.

Vịnh Bắc Bộ có hai cửa thông với bên ngoài: Cửa phía Nam ra trung tâm Biển Đông, nơi hẹp nhất rộng khoảng 240 km, cửa phía Đông qua eo biển Quỳnh Châu (nằm giữa bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam) ra phía bắc Biển Đông, nơi hẹp nhất khoảng 18 km.

2. Vịnh Thái Lan

Vịnh Thái Lan nằm ở phía Tây Nam của Biển Đông, được bao bọc bởi bờ biển Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a.

Vịnh Thái Lan có diện tích khoảng 293.000 km2, chu vi khoảng 2.300 km, chiều dài vịnh khoảng 628 km. Đây là một vịnh nông, nơi sâu nhất chỉ khoảng 80 m. Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất của Việt Nam, diện tích 567 km2.

Vịnh Thái Lan có nhiều nguồn lợi hải sản (trữ lượng cá của Việt Nam khoảng 51 vạn tấn) và có tiềm năng dầu khí lớn mà hiện nay các nước liên quan đang tiến hành thăm dò, khai thác.

3. Các đảo và quần đảo

Vùng biển ven bờ Việt Nam có khoảng 2.773 hòn đảo lớn, nhỏ, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ, số còn lại phân bố ở khu vực biển Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nam. Ngoài ra, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông.

Căn cứ vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý, kinh tế, dân cư người ta có thể chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:

- Hệ thống đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đó là các đảo, quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ...

- Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đó là các đảo như: Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc...

- Các đảo ven bờ gần đất liền, có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ để bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà (Hải Phòng), huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) v.v.

Câu 6. Những nét chính về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa?

Quần đảo Hoàng Sa là một quần đảo san hô, phân bố rải rác trong phạm vi từ khoảng kinh tuyến 1110 Đông đến 1130 Đông; từ vĩ tuyến 15045' Bắc đến 17015' Bắc, ngang với Huế và Đà Nẵng, phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, ở khu vực phía Bắc Biển Đông.

Quần đảo Hoàng Sa gồm hơn 37 đảo, đá, bãi cạn, chia làm hai nhóm: nhóm phía Đông có tên là nhóm An Vĩnh, gồm khoảng 12 đảo, đá, bãi cạn; trong đó có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng khoảng 1,5 km2; nhóm phía Tây gồm nhiều đảo xếp thành hình vòng cung nên còn gọi là nhóm Lưỡi Liềm, trong đó có các đảo Hoàng Sa (diện tích gần 1 km2), Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn...

Quần đảo Hoàng Sa là một thế giới san hô với hơn 100 loài đã tạo thành một phần của vòng cung san hô ngầm dọc bờ biển Đông Nam của lục địa châu Á.

Hình thái địa hình các đảo trong quần đảo Hoàng Sa tương đối đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới. Đa số các đảo có độ cao dưới 10m, và có diện tích nhỏ hẹp dưới 1 km2. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 km2. Ngoài các đảo, còn có các cồn san hô, vành đai san hô bao bọc một vùng nước tạo thành một đầm nước giữa biển khơi, có cồn dài tới 30 km, rộng 10 km như cồn Cát Vàng.

Trên đảo Hoàng Sa còn có một trạm khí tượng được chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng và hoạt động từ năm 1938, đến năm 1947 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WVO) công nhận và đặt số hiệu 48860 trong mạng lưới khí tượng quốc tế. Nhiệt độ không khí ờ vùng biển quần đảo Hoàng Sa có giá trị thấp nhất 220 – 240C trong tháng 1, tăng dần đạt cực đại 28,50 – 290C trong tháng 6, 7 và giảm từ từ tới 250C vào tháng 12. Chế độ gió mùa vùng quần đảo Hoàng Sa phức tạp và thể hiện ảnh hưởng của địa hình lục địa Việt Nam và Trung Quốc. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.200 - 1.600 mm, thấp hơn nhiều so với lượng mưa ở quần đảo Trường Sa và các vùng khác trên đất liền. Mưa chủ yếu tập trung vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10 lượng mưa trung bình hàng tháng 100 - 200 mm, đạt 200 - 400 mm trong tháng 10. Lượng mưa trung bình trong mùa đông (từ tháng 11  đến tháng 4) 200  - 300 mm với lượng mưa hàng tháng 20 - 25 mm (tháng 1, 2, 3) và đạt đến 50 mm trong tháng 12 và tháng 4. Độ ẩm tương đối trung bình ở Hoàng Sa là 80 - 85% và hầu như không bị biến động nhiều theo mùa.

Thảm thực vật của quần đảo Hoàng Sa rất đa dạng. Có đảo cây cối um tùm nhưng có đảo chỉ có các cây nhỏ và cỏ dại. Thực vật phần lớn thuộc các loài có nguồn gốc ở miền duyên hải Việt Nam.

Hải sản ở quần đảo Hoàng Sa có nhiều loài quý như: tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, vích, ốc tai voi,... và loại rau câu quý hiếm, rất có giá trị trên thị trường quốc tế.

Câu 7. Quần đảo Hoàng Sa bao gồm những nhóm đảo chính nào?

Quần đảo Hoàng Sa gồm hai cụm đảo chính là nhóm Lưỡi Liềm ở phía tây và nhóm An Vĩnh ở phía đông.

1. Nhóm Lưỡi Liềm: Nhóm đảo này có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phía tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 08 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá.

- Đảo Đá Bắc có tọa độ địa lý 17006 vĩ độ Bắc và 111030,8 kinh độ Đông.

- Đảo Hoàng Sa nằm ở tọa độ 16032 vĩ độ Bắc và 111036,7 kinh độ Đông, có hình bầu dục, độ cao khoảng 9m, diện tích khoảng 0,5 km2, dài khoảng 950m, rộng khoảng 650m, có vòng san hô bao quanh. Tuy không phải là đảo lớn nhất nhưng Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo, có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Trên đảo Hoàng Sa từng có bia chủ quyền của Việt Nam với dòng chữ khắc trên bia: République Française - Royaune d’An Nam - Archipel des Paracels - 1816 - Ile des pattle 1938 (Cộng hòa Pháp -Vương triều An Nam - Quần đảo Hoàng Sa 1816 - đảo Hoàng Sa 1938). Ngoài ra, trên đảo còn có Miếu Bà, một số ngôi mộ của binh lính ra canh đảo bị chết tại đây.

- Đảo Hữu Nhật nằm về phía nam và cách đảo Hoàng Sa 3 hải lý, ở tọa độ 16030,3 vĩ độ Bắc và 111035,3 kinh độ Đông, dáng đảo hình tròn, đường kính 800m, độ cao 8m, diện tích 0,6 km2, có vòng đai san hô bao ngoài, giữa là vùng biển lặng.

- Đảo Duy Mộng nằm về phía đông nam đảo Hữu Nhật và phía đông bắc đảo Quang Hòa ở tọa độ 16027,6 vĩ độ Bắc và 111044,4 kinh độ Đông, do san hô cấu tạo thành, bãi san hô nằm xa đảo nhô lên khỏi mặt nước khoảng 4 m, có hình bầu dục, diện tích 0,5 km2.

- Đảo Quang Hòa nằm ở tọa độ 16026,9 vĩ độ Bắc và 111042,7 kinh độ Đông, do san hô cấu tạo thành, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, diện tích gần 0,5 km2, trên đảo có nhiều cây cối, xung quanh đảo là một bãi san hô màu vàng nhạt nhô ra rất xa đảo, nối với một số đảo nhỏ khác thành đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây.

- Đảo Quang Ảnh nằm ở tọa độ 16027 vĩ độ Bắc và 111030,8 kinh độ Đông do san hô cấu tạo thành, độ cao 6 m. Chung quanh đảo là bờ biển có nhiều đá ngầm sắc nhọn rất nguy hiểm, tàu lớn không thể thả neo gần đảo mà phải neo ở ngoài khơi, muốn vào phải sử dụng thuyền nhỏ. Đảo có hình bầu dục, diện tích khoảng 0,7 km2.

- Đảo Bạch Quy nằm ở tọa độ 16003,5 vĩ độ Bắc và 111046,9 kinh độ Đông, với độ cao 15m thì đây là đảo có độ cao lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa.

- Đảo Tri Tôn nằm ở tọa độ 15047,2 vĩ độ Bắc và 111011,8 kinh độ Đông, nằm ở gần bờ biển Việt Nam nhất, có nhiều hải sâm, ba ba. San hô ở đây phát triển mạnh và đa dạng.

Ngoài ra, nhóm Lưỡi Liềm còn có một số đảo nhỏ, mỏm đá và bãi như: Đảo Ốc Hoa, đảo Ba Ba, đảo Lưỡi Liềm, đá Hải Sâm, đá Lồi, đá Chim én, bãi Xà Cừ, bãi Ngự Bình, bãi ngầm Ốc Tai Voi...

2. Nhóm An Vĩnh

Nằm ở phía đông, bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Tây, đảo Hòn Đá.

- Đảo Phú Lâm nằm ở tọa độ 16050,2 vĩ độ Bắc và 112020 kinh độ Đông, là đảo quan trọng nhất của cụm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa. Đảo có chiều dài 1,7 km, chiều ngang 1,2 km.

- Đảo Linh Côn có tọa độ 16040,3 vĩ độ Bắc và 112043,6 kinh độ Đông, cao khoảng 8,5 m, trên đảo có nước ngọt. Vùng san hô bao quanh đảo kéo dài về phía Nam đến 15 hải lý.

- Đảo Cây nằm ở tọa độ 16059 vĩ độ Bắc và 112015,9 kinh độ Đông.

- Đảo Trung (còn gọi là đảo Giữa) nằm ở tọa độ 16057,6 vĩ độ Bắc và 112019,1 kinh độ Đông.

- Đảo Bắc nằm ở tọa độ 16058 vĩ độ Bắc và 112018,3 kinh độ Đông.

- Đảo Nam nằm ở tọa độ 16057,0 vĩ độ Bắc và 112019,7 kinh độ Đông.

- Đảo Đá nằm ở tọa độ 16050,9 vĩ độ Bắc và 112020,5 kinh độ Đông, diện tích 0,4 km2.

Ngoài ra, nhóm An Vĩnh còn có nhiều mỏm đá, cồn cát và bãi như: Đá Trương Nghĩa, đá Sơn Kỳ, đá Trà Tây, đá Bông Bay, bãi Bình Sơn, bãi Đèn Pha, bãi Châu Nhai, cồn Cát Tây, cồn Cát Nam, Hòn Tháp, bãi cạn Gò Nổi, bãi Thủy Tề, bãi Quang Nghĩa.

Câu 8. Những nét chính về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Trường Sa?

Quần đảo Trường Sa nằm cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 hải lý về phía Nam, bao gồm hơn 100 đảo, đá, bãi ngầm, bãi san hô, nằm rải rác trong phạm vi biển, khoảng từ vĩ tuyến 6030’ Bắc đến 12000’ Bắc và khoảng từ kinh tuyến 111030’ Đông đến 117020' Đông. Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) khoảng 250 hải lý, cách điểm gần nhất của đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng gần 600 hải lý và cách đảo Đài Loan khoảng 960 hải lý.

Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Độ cao trung bình trên mặt nước khoảng 3 - 5m. Quần đảo Trường Sa được chia làm tám cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao khoảng 4 - 6m lúc thủy triều xuống); Ba Bình là đảo rộng nhất (0,6 km2). Ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm như Sinh Tồn Đông, Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Ken Nan, Đá Lớn, Thuyền Chài. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo, đá, cồn, bãi ở quần đảo Trường Sa chỉ khoảng 3 km2 nhỏ hơn tổng diện tích của quần đảo Hoàng Sa (10 km2) nhưng lại trải ra trên một vùng biển rộng gấp hơn nhiều lần quần đảo Hoàng Sa.

Trên đảo Trường Sa và Song Tử Tây có đài khí tượng ngày đêm theo dõi và thông báo các số liệu về thời tiết ở vùng biển này cho mạng lưới quan trắc khí tượng thế giới và trên một số đảo có đèn biển của Tổng Công ty Bảo đảm hàng hải Việt Nam như đảo Song Tử Tây, đảo An Bang, đảo Đá Tây.

Trên các đảo có nhiều loại cây xanh như phong ba, phi lao, bàng vuông và một số loại dây leo cỏ dại. Chất đất trên các đảo của quần đảo Trường Sa là cát san hô, có lẫn những lớp phân chim lẫn mùn cây có bề dày khoảng 5 - 10 cm. Một số đảo trong quần đảo có nước ngầm như đảo Song Tử Tây, đảo Song Tử Đông, đảo Trường Sa. Nguồn lợi hải sản ở quần đảo Trường Sa rất phong phú, đặc biệt có loại vích là động vật quý hiếm, cá ngừ đại dương có giá trị kinh tế cao. Không chỉ có trữ lượng tài nguyên khá lớn, đa dạng mà quần đảo Trường Sa còn có vị trí quân sự chiến lược quan trọng án ngữ phía Đông Nam nước ta.

Điều kiện tự nhiên và khí hậu vùng này rất khắc nghiệt: nắng gió, giông bão thường xuyên, thiếu nước ngọt, nhiều đảo không có cây. Một số hiện tượng thời tiết cũng diễn biến khác với trong đất liền. Khí hậu ở quần đảo Trường Sa có thể chia làm hai mùa: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm rất lớn vào khoảng hơn 2.500 mm. Hiện tượng dông trên vùng biển quần đảo này rất phổ biến, có thể nói quanh năm, tháng nào cũng có dông và là nơi thường có bão lớn đi qua, tập trung vào các tháng mùa mưa.

Câu 9. Những nhóm đảo chính của quần đảo Trường Sa?

Quần đảo Trường Sa được chia thành 8 nhóm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4 - 6m lúc thủy triều xuống); Ba Bình là đảo rộng nhất (0,6 km2).

1. Nhóm đảo Song Tử gồm đảo Song Tử Đông, Song Tử Tây, bãi Đá Bắc, bãi Đá Nam, bãi cạn Đinh Ba, bãi cạn Núi Cầu. Hai hòn đảo (Song Tử Đông và Song Tử Tây) nằm ở cực Bắc của quần đảo Trường Sa, ngang vĩ độ với Phan Rang (Ninh Thuận). Trên đảo có những cây cao trung bình, nhiều phân chim có thể chế biến thành phân bón, vòng quanh hai đảo này về phía đông và nam chừng 5 hải lý có nhiều mỏm đá ngầm. Rong biển mọc nhiều ở đây.

Song Tử Đông có hình dáng hơi tròn, diện tích 12,7 ha, dài 900 m, rộng 250 m, cao độ 3 m, có nhiều bãi cát và san hô xung quanh, nhiều cây cối. Song Tử Tây hình lưỡi liềm, nhỏ hơn Song Tử Đông, dài 700 m, rộng 300 m, có nước ngọt, có một vườn dừa và nhiều cây nhỏ. Có tháp ra-đa thời Việt Nam Cộng hòa.

2. Nhóm đảo Thị Tứ nằm ở phía Nam nhóm đảo Song Tử, gồm đảo Thị Tứ và các bãi đá (Hoài An, Tri Lễ, Cái Vung, Xu Bi, Vĩnh Hảo).

Đảo Thị Tứ hình bầu dục, rộng 550 m, dài 700 m, có giếng nước ngọt. Trên đảo có các loại cây: mù u, bàng, nhiều cây leo chằng chịt. Quanh đảo có nhiều bãi đá ngầm và rong biển.

3. Nhóm đảo Loại Ta nằm ở phía đông nhóm đảo Thị Tứ, gồm đảo Loại Ta và cồn san hô Lan Can (hay An Nhơn), đá An Lão, bãi Đường, bãi An Nhơn Bắc, bãi Loại Ta Bắc, bãi Loại Ta Nam, đảo Dừa và đá Cá Nhám. Đảo hình tròn, đường kính 300 m, cao khoảng 2 m, trên đảo có nhiều cây lớn. Vòng quanh đảo có nhiều bãi cát trắng tạo nên phong cảnh đẹp, có giếng nước ngọt nhưng rất nước.

4. Nhóm đảo Nam Yết nằm ở phía nam nhóm đảo Loại Ta, gồm đảo Nam Yết, đảo Sơn Ca, đảo Ba Bình, bãi Bàn Than, đá Núi Thị, đá Én Đất, đá Lạc, đá Gaven, đá Lớn, đá Nhỏ, đá Đền Cây Cỏ.

Nam Yết là hòn đảo cao nhất của quần đảo, lớn thứ hai sau đảo Ba Bình, ở phía Nam của nhóm đảo, hình chữ C, dài khoảng 700 m, rộng 250 m, cao khoảng gần 5 m. Trên đảo có nhiều loại cây và nhiều giống cây cỏ có gai vùng nhiệt đới. Quanh đảo có vòng san hô và bãi đá ngầm.

Đảo Sơn Ca có hình giống chữ C, dài 391 m, rộng 156 m, cao 3 m.

Đảo Ba Bình được xem là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thấp hơn đảo Nam Yết một chút.

Nhìn chung nhóm đảo này có điều kiện sinh hoạt tốt. Phía Tây Nam nhóm Nam Yết có đá Chữ Thập, đây là chỗ cao nhất của một bãi cạn dài 25 km, rộng tối đa 6 km.

5. Nhóm đảo Sinh Tồn nằm ở phía nam nhóm đảo Nam Yết, gồm đảo Sinh Tồn và đá Sinh Tồn Đông, đá Nhạn Gia, đá Bình Khê, đá Ken Nan, đá Tư Nghĩa, đá Bãi Khung, đá Đức Hòa, đá Ba Đầu, đá An Bình, đá Bia, đá Văn Nguyên, đá Phúc Sỹ, đá Len Đao, đá Gạc Ma, đá Cô Lin, đá Nghĩa Hành, đá Tam Trung, đá Sơn Hà.

6. Nhóm đảo Trường Sa nằm ở phía nam và tây nam của cụm Sinh Tồn, trải dài theo chiều ngang, gồm đảo Đá Lát, Trường Sa, đảo Đá Đông, đảo Trường Sa Đông, đảo Phan Vinh (Hòn Sập) và đá Châu Viên, đá Tốc Tan, đá Núi Le, đá Tiên Nữ. Đảo lớn nhất là đảo Trường Sa, có dạng hình tam giác cân mà đáy hơi chệch về phía bắc. Nhóm đảo không có cây lớn, nhiều nhất là nam sâm, có dược tính, các loại rau sam, muống biển. Có loại chim hải âu trắng, sơn ca, chim én. Có giếng nước ngọt song lại có mùi tanh của san hô.

7. Nhóm đảo An Bang nằm phía nam nhóm đảo Trường Sa gồm có đảo An Bang, bãi Đất, bãi Đinh, bãi Vũng Mây, bộ Thuyền Chài, bãi Trăng Khuyết, bãi Kiệu Ngựa, và đá Ba Kè, đá Hà Tần, đá Tân Châu, đá Lục Giang, đá Long Hải, đá Công Đo, đá Kỳ Vân, đá Hoa Lau.

An Bang là đảo duy nhất giống như một cái túi, đáy nằm ở phía đông và miệng thắt lại ở phía tây. Đảo tương đối nhỏ và dài, chỉ rộng 20 m lúc nước ròng.

8. Nhóm đảo Bình Nguyên nằm ở phía đông gồm đảo Bình Nguyên, đảo Vĩnh Viễn, đá Hoa, đá Đích-kin-xơn, đá Đin, đá Hàn Sơn, đá Pét, đá Vành Khăn, cồn san hô Giắc-xơn, bãi Cỏ Mây, bãi cạn Suối Ngà, đá Bốc Xan, bãi cạn Sa Bin, đá Hợp Kim, đá Ba Cờ, đá Khúc Giác, đá Bá, đá Giò Gà, đá Chà Và, bãi Mỏ Vịt, bãi cạn Nam, bãi Nâu, bãi Rạch Vang, bãi Rạch Lấp, bãi Na Khoai. Đảo Vĩnh Viễn dài chừng 580 m, cao khoảng 2 m. Đảo Bình Nguyên thấp hơn, hẹp bề ngang.

Câu 10. Khái quát về các nguồn tài nguyên quan trọng ở các vùng biển của Việt Nam trong Biển Đông?

1. Tài nguyên sinh vật

Biển Đông có nguồn tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, có đến hơn 160.000 loài, gần 10.000 loài thực vật và 260 loài chim sống ở biển. Trữ lượng các loài động vật ở biển ước tính khoảng 32,5 tỷ tấn, trong đó, các loại cá chiếm 86% tổng trữ lượng.

Vùng biển Việt Nam có hơn 2.458 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Các loài động vật thân mềm ở Biển Đông có hơn 1.800 loài, trong đó có nhiều loài là thực phẩm được ưa thích, như: mực, hải sâm,...

Chim biển: Các loài chim biển ở nước ta vô cùng phong phú, gồm: hải âu, bồ nông, chim rẽ, hải yến,..

Ngoài động vật, biển còn cung cấp cho con người nhiều loại rong biển có giá trị. Đây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và là nguồn dược liệu phong phú. Biển nước ta có khoảng 638 loài rong biển. Các loại rong biển dễ gây trồng, ít bị mất mùa và cho năng suất thu hoạch cao nên sẽ là nguồn thực phẩm quan trọng của loài người trong tương lai.

2. Tài nguyên phi sinh vật

Dầu khí là tài nguyên lớn nhất ở thềm lục địa nước ta, có tầm chiến lược quan trọng. Đến nay, chúng ta đã xác định được tổng tiềm năng dầu khí tại bể trầm tích: Sông Hồng, Phú Khánh, Nam Côn Sơn, Cửu Long, Mã Lai - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây. Trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn quy dầu. Ngoài dầu, Việt Nam còn có khí đốt với trữ lượng khai thác khoảng 3.000 tỷ m3/năm. Trữ lượng đã được xác minh là gần 550 triệu tấn dầu và trên 610 tỷ m3 khí. Trữ lượng khí đã được thẩm lượng, đang được khai thác và sẵn sàng để phát triển trong thời gian tới vào khoảng 400 tỷ m3.

Ngoài ra, vùng biển nước ta nằm gọn trong phần phía Tây của vành đai quặng thiếc Thái Bình Dương, có trữ lượng thiếc lớn, và tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng của các nguyên tố hiếm, có triển vọng băng cháy lớn.

3. Tài nguyên giao thông vận tải

Lãnh thổ nước ta có đường bờ biển chạy theo hướng Bắc - Nam dọc theo chiều dài đất nước, lại nằm kề trên các tuyến đường biển quốc tế quan trọng của thế giới, có những vụng sâu kín gió là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông vận tải biển và mở rộng giao lưu với bên ngoài.

Biển Đông được coi là con đường chiến lược về giao lưu và thương mại quốc tế giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, ở cả bốn phía đều có đường thông ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương qua các eo biển. Từ các hải cảng ven biển của Việt Nam thông qua eo biển Ma-lắc-ca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, Châu Âu, Châu Phi; qua eo biển Basi có thể đi vào Thái Bình Dương đến các cảng của Nhật Bản, Nga, Nam Mỹ và Bắc Mỹ; qua các eo biển giữa Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia, Xin-ga-po đến Ôtx-trây-lia và Niu Di Lân... Hầu hết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều có các hoạt động thương mại hàng hải rất mạnh trên Biển Đông. Trong tổng số 10 tuyến đường biển lớn nhất trên thế giới hiện nay, có 5 tuyến đi qua Biển Đông hoặc có liên quan đến Biển Đông.

4. Tài nguyên du lịch

Bờ biển dài có nhiều bãi cát, vịnh, hang động tự nhiên đẹp là tiềm năng về du lịch lớn của nước ta.

Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát bờ biển tạo nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng, nhiều vụng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như di sản thiên nhiên Hạ Long được UNESCO xếp hạng.

Hệ thống gần 82 hòn đảo ven bờ có diện tích trên 01 km2, trong đó 24 đảo có diện tích trên 10 km2 (l0 - 320 km2), cách bờ không xa là những hệ sinh thái đảo hấp dẫn. Ở đây không khí trong lành, nước biển trong và sạch, bãi cát trắng mịn.

Các thắng cảnh trên đất liền nổi tiếng như Phong Nha, Bích Động, Non Nước... Các di tích lịch sử và văn hoá như Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Tháp Chàm, nhà thờ đá Phát Diệm,. .. phân bố ngay ở vùng ven biển.

Các trung tâm kinh tế thương mại, các thành phố du lịch nằm ven biển hoặc cách bờ biển không xa như Hạ Long, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên, Hà Nội, Sài Gòn,... Hệ thống đường bộ, đường xe lửa xuyên Việt và liên vận quốc tế chất lượng cao được xây dựng dọc bờ biển. 

Câu 11. Tiềm năng dầu khí ở vùng biển Việt Nam?

Nước ta có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn và cũng là nơi có triển vọng dầu khí lớn. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Việt Nam đã được bắt đầu triển khai ở miền võng Hà Nội và trong An Châu từ những năm 1960 với sự giúp đỡ của Liên Xô. Ở thềm lục địa phía nam, công việc này được các công ty nước ngoài như Mobil, Pecten,... tiến hành từ những năm 1970. Năm 1975, mỏ khí Tiền Hải "C" (Thái Bình) được phát hiện và đưa vào khai thác từ năm 1981. Dựa trên kết quả nghiên cứu địa chất -địa vật lý đã xác định được 7 bồn trầm tích có triển vọng chứa dầu khí ở thềm lục địa nước ta. Đó là bồn trũng sông Hồng, bồn trũng Phú Khánh, bồn Cửu Long, bồn Nam Côn Sơn, bồn Mã Lai - Thổ Chu, bồn Tư Chính - Vũng Mây và nhóm bồn Trường Sa - Hoàng Sa. Các mỏ dầu khí ở nước ta được phát hiện và khai thác từ lòng đất dưới đáy biển khu vực thềm lục địa phía Nam, nơi có độ sâu 50 - 200 m nước và trong tầng cấu trúc địa chất sâu trên 1.000 m đến trên 5.000 m. Một số mỏ ở bồn trũng Cửu Long (được xem là bồn có chất lượng tốt nhất) như Bạch Hổ và mỏ Đại Hùng ở bồn trũng Nam Côn Sơn là những mỏ có chứa dầu cả ở đá móng. Mỏ Bạch Hổ cũng được xem là trường hợp ngoại lệ chứa dầu trong đá móng (chứa khoảng 80% dầu di chuyển từ nơi khác đến trong hệ thống khe nứt đá móng).

Nguồn dầu khí đã thăm dò, khảo sát của Việt Nam có trữ lượng tiềm năng khoảng trên 4 tỷ m3 dầu quy đổi và gần đây mở rộng tìm kiếm đã phát hiện một số mỏ mới cho phép gia tăng trữ lượng dầu khí của Việt Nam. Trong 5 năm (2006 - 2010) có 12 phát hiện dầu khí mới, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 333 triệu tấn quy dầu, riêng năm 2010 có 7 phát hiện dầu khí mới, gia tăng trữ lượng đạt 43 triệu tấn quy dầu.

Hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại 6 mỏ ở thềm lục địa phía nam: Bạch Hổ, Đại Hùng, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc và PM3 (Bunga Kekwa). Sản lượng dầu thô khai thác ở nước ta tăng hàng năm 30% và ngành dầu khí nước ta đã đạt mốc khai thác tấn dầu thô thứ 1 triệu vào năm 1988, thứ 100 triệu tấn vào ngày 13/2/2001. Ngày 22/10/2010 đã khai thác tấn dầu thô thứ 260 triệu. Năm 1997 khai thác/thu gom đạt 1 tỉ m3 khí đầu tiên, năm 2003 khai thác/thu gom m3 khí thứ 10 tỷ. Và đến năm 2010 sản lượng khí khai thác/thu gom cộng dồn đạt 64 tỉ m3. Năm 1994, sản lượng khai thác đạt 7 triệu tấn dầu thô và giá trị xuất khẩu khoảng 1 tỉ USD; năm 2001, sản lượng khai thác đạt 17 triệu tấn dầu thô, đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD; thu gom và đưa vào bờ 1,72 tỉ m3 khí đồng hành, cung ứng cho các nhà máy điện Phú Mỹ, Bà Rịa và nhà máy chế biến khí Dinh Cố. Tổng sản lượng khai thác năm 2003 đạt 17,6 triệu tấn dầu và hơn 3 tỷ m3khí, năm 2009 đạt 16,3 triệu tấn dầu, 6 tỷ m3 khí, đóng góp GDP xuất khẩu trên 7 tỷ USD. Năm 2010, đưa 3 mỏ dầu khí mới vào khai thác. Tổng sản lượng khai thác quy dầu năm 2010 là 24,34 triệu tấn, khai thác dầu thô đạt 15 triệu tấn, khai thác khí đạt 9,40 tỷ m3. Mức tăng trưởng như vậy đã đưa ngành dầu khí trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và luôn đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với việc khai thác dầu, hàng năm phải đốt bỏ gần 1 tỉ m3 khí đồng hành, bằng số nhiên liệu cung cấp cho một nhà máy điện tuabin có công suất 300 mW. Để tận dụng nguồn khí này, Chính phủ đã cho xây dựng một Nhà máy điện khí Bà Rịa và đưa vào hoạt động năm 1996. Nhà máy lọc dầu đầu tiên cũng đã được khẩn trương xây dựng và đưa vào hoạt động ở Dung Quất (Quảng Ngãi).

Phương hướng cơ bản sắp tới là đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí trên thềm lục địa và vươn ra xa, đi xuống sâu hơn; xác định các cấu trúc có triển vọng và xác minh trữ lượng công nghiệp có khả năng khai thác; tiếp tục đưa các mỏ mới vào khai thác. Trong giai đoạn 2011 - 2015 phấn đấu gia tăng trữ lượng dầu khí từ 130 - 140 triệu tấn dầu quy đổi.

Câu 12. Tiềm năng trữ lượng hải sản của vùng biển Việt Nam?

Vùng biển Việt Nam là một trong những khu vực có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới và có tính đa dạng sinh học cao. Theo một số công trình nghiên cứu đã công bố, ở vùng biển Việt Nam có khoảng 2.458 loài cá thuộc 206 họ và nhiều loài hải sản khác ngoài cá, trữ lượng nguồn lợi hải sản biển nước ta ước tính khoảng 4,18 triệu tấn (không tính trữ lượng mực, tôm biển, các loài động vật đáy và rong biển sống ở vùng triều ven bờ).

Trong những năm qua, ngành thủy sản đã phát triển nhanh chóng và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tổng sản phẩm thủy sản không ngừng gia tăng, đặc biệt là sản lượng khai thác: năm 1986 sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 0,8 triệu tấn, năm 1995 là 1,19 triệu tấn, năm 2005 là 1,99 triệu tấn và năm 2007 là 2,06 triệu tấn. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu từ khai thác thủy sản cũng không ngừng gia tăng: năm 2000 giá trị xuất khẩu từ khai thác thủy sản đạt 14.737 tỷ đồng, năm 2005 đạt 22.771 tỷ đồng và năm 2007 đạt 28.687 tỷ đồng.

Những năm gần đây, việc gia tăng cường lực khai thác cùng với sự cải tiến kỹ thuật, phương tiện khai thác ngày càng hiện đại, hiệu quả đánh bắt cao hơn đã làm cho nguồn lợi hải sản giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là ở vùng biển ven bờ. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2005, khoảng 36 chuyến điều tra, nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi hải sản bằng các phương pháp khác nhau đã được thực hiện ở các vùng biển Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nguồn lợi hải sản giữa các mùa và giữa các năm biến động khá lớn. Nhìn chung, năng suất đánh bắt hải sản ở mùa gió Tây Nam cao hơn so với mùa gió Đông Bắc và năng suất khai thác ở vùng biển xa bờ cao hơn so với vùng biển ven bờ. Ngư trường khai thác hải sản trong mùa gió Đông Bắc có xu thế dịch chuyển về phía Nam so với các ngư trường trọng điểm ở mùa gió Tây Nam. Trữ lượng nguồn lợi hải sản trên toàn vùng biển Việt Nam ước tính gần đây khoảng 5,0 triệu tấn và khả năng khai thác bền vững khoảng trên 2,3 triệu tấn/năm. Nguồn lợi cá nổi nhỏ chiếm khoảng 51%, cá nổi lớn chiếm khoảng 21%, cá đáy và hải sản sông đáy chiếm khoảng 27% tổng trữ lượng nguồn lợi. Ngoài ra, đến nay đã xác định được 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi, cũng như các bãi tôm quan trọng ở vùng biển gần bờ thuộc vịnh Bắc Bộ và vùng biển Tây Nam Bộ.

Đặc trưng nổi bật nhất về mặt nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta là quanh năm đều có cá đẻ, nhưng thường tập trung vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 7. Cá biển nước ta thường phân đàn nhưng không lớn: đàn cá nhỏ dưới 5 x 20 m chiếm 84%, đàn cá lớn cỡ 20 x 500 m- chỉ chiếm 0,1% tổng số đàn cá. Chính vì thế, nghề cá nước ta là "nghề cá đa loài" và là nghề cá nhỏ gắn bó chặt chẽ với sinh kế của người dân ven biển và trên các đảo ven bờ. Tiềm năng nguồn lợi hải sản như vậy đã cung cấp tiền đề quan trọng, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia có tiềm năng phát triển thủy sản vững mạnh. Thời gian qua, khoảng 80% lượng thủy sản khai thác đã được cung cấp từ vùng biển ven bờ và vùng nước lợ ven biển, đã đáp ứng một lượng protein quan trọng cho người dân. Năm 2011, khai thác thủy sản biển đạt trên 2,0 triệu tấn, cùng với nuôi trong nước lợ và cá tra, basa đã góp phần đưa ngành thủy sản nước ta đạt mốc kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 6,0 tỷ USD.

Câu 13. Tiềm năng về năng lượng bờ biển của Việt Nam?

Biển có tầm quan trọng đặc biệt đối với chế độ và diễn biến thời tiết khí hậu ở nước ta. Biển Việt Nam là biển "hở", lại nằm trọn trong vành đai nhiệt đới Bắc bán cầu nơi nhận được lượng bức xạ mặt trời trực tiếp nhiều nhất so với các vành đai khác trên Trái đất. Vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, sức gió mạnh và khá ổn định trong năm. Sự biến đổi hoàn lưu khí quyển theo mùa dẫn đến các hệ thống thời tiết cơ bản lần lượt hình thành và hoạt động: mùa hạ và mùa thu là mùa bão, mùa đông và mùa xuân là thời kỳ gió mùa Đông Bắc. Vùng biển Việt Nam và Biển Đông nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều trung tâm tác động quy mô hành tinh quan trọng nhất: cao áp lạnh lục địa châu á, cao áp nhiệt đới Thái Bình Dương, các áp thấp nóng và rãnh gió mùa phía Tây. Chính vì thế, ở Biển Đông và ven bờ Việt Nam gió được xem là một nguồn tài nguyên (mặt lợi ích) của nước ta, đặc biệt trong việc phát triển năng lượng gió (phong điện) ở vùng ven biển và trên các hải đảo.

Nằm trong vùng nhiệt đới, nắng nóng, nên ngoài nguồn năng lượng gió, nước ta còn có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Hiện nay năng lượng mặt trời ở nước ta đã bắt đầu được khai thác, sử dụng cho cuộc sống dân sinh trên một số hải đảo và vùng ven biển.

Ngoài ra, nước ta còn có tiềm năng về năng lượng biển (sóng, dòng chảy và thủy triều) - một nguồn năng lượng sạch, tái tạo trong tương lai. Là một vùng biển hở, chịu tác động mạnh mẽ của gió mùa, kéo theo là hai mùa sóng và dòng chảy mạnh theo hướng đông bắc và đông nam, nên khả năng tận dụng năng lượng sóng biển và dòng chảy biển là rất quan trọng về lâu dài, đặc biệt ở khu vực ven biển miền Trung. Các dạng năng lượng thủy triều tiềm năng ở nước ta cần chú ý khai thác là: năng lượng thủy triều ở khu vực ven bờ Quảng Ninh - Hải Phòng, nhưng ở quy mô nhỏ vì biên độ thủy triều nơi đây chỉ khoảng 4-5 m.

Câu 14. Tiềm năng băng cháy của vùng biển Việt Nam?

Băng cháy là một loại khí hydrate (gas hydrate, methane hydrate) tồn tại dưới dạng hỗn hợp rắn, trông bề ngoài giống băng hoặc cồn khô, có thể trong suốt hay mờ đục, dạng tinh thể màu trắng, xám hoặc vàng. Băng cháy bao gồm khí hydrocarbon (chủ yếu là methan) và nước, được hình thành trong điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp nên có khả năng bay hơi trong điều kiện bình thường như băng phiến.

Khi nguồn năng lượng truyền thống như than đá, than bùn, dầu khí,... ngày càng cạn kiệt thì băng cháy với trữ lượng lớn gấp hơn hai lần trữ lượng năng lượng hóa thạch đã biết được xem là nguồn năng lượng có hiệu suất cao, sạch và là năng lượng thay thế tiềm tàng trong tương lai. Chính vì thế, băng cháy đã thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia biển, quốc đảo trên thế giới. Tuy nhiên, băng cháy có thể là một yếu tố góp phần gây biến đổi khí hậu toàn cầu do khả năng "tự bốc hơi" trong điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường và có thể là một dạng tai biến địa chất (geohazard). Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo điều nói trên sẽ xảy ra trong tương lai nếu các quốc gia hành động thiếu trách nhiệm khi sử dụng công nghệ lạc hậu trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác, bảo quản và sử dụng băng cháy.

Biển Đông là một trong 4 khu vực ở Đông Á có tiềm năng về băng cháy, nhưng cũng chỉ đạt cỡ trung bình của thế giới sau các vịnh Mexico và Nankai.

Ở Việt Nam, gần đây mới có một số công trình nghiên cứu tổng quan về băng cháy trên cơ sở hồi cố các tài liệu đã có. Thông qua các tài liệu địa chất - địa vật lý, địa hóa khí các trầm tích và các tiền đề khác ở thềm lục địa và vùng biển sâu của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác nhiều năm với nước ngoài (chủ yếu với Nga, Mỹ), các nhà địa chất đã nhận định biển nước ta cũng có triển vọng lớn về băng cháy. Vì thế, Chính phủ rất quan tâm và năm 2010 Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 796/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrate ở các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam". Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thực hiện chương trình này thông qua hợp tác với các nước có kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến.

Câu 15. Những bãi biển du lịch nổi tiếng Việt Nam?

Do bờ biển khúc khuỷu, nhiều cung bờ xen kẽ các mũi nhô đá gốc, nên từ Bắc vào Nam, nước ta có rất nhiều những bãi cát biển (bãi biển) tuyệt đẹp, nổi tiếng và đã trở nên quen thuộc với du khách trong và ngoài nước. Trong số khoảng hơn 100 bãi biển ở nước ta có khoảng 26 bãi biển đẹp (dài, rộng, thoải, cát trắng mịn, nước biển trong sạch, nằm ở nơi cảnh quan xung quanh đẹp, không có cá dữ và sinh vật gây hại,...).

Một số bãi biển đẹp ở các tỉnh, thành phố ven biển có thể kể là: Trà Cổ (Quảng Ninh), Quan Lạn (Quảng Ninh), Thanh Lân (Quảng Ninh); Cát Cò (Hải Phòng), Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), Cửa Hội (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Đá Nhảy (Quảng Bình), Cửa Tùng (Quảng Trị), Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận), Cà Ná (Ninh Thuận), Mũi Né (Bình Thuận), Bãi Trước (Vũng Tàu), Bãi Sau (Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang),... Bên cạnh đó còn có các bãi biển đẹp, nổi tiếng thu hút du khách thuộc các đảo Cát Bà (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)...

Bãi biển là yếu tố rất quan trọng đối với phát triển du lịch biển ở một xứ sở nhiệt đới, đặc biệt là các bãi biển nhỏ nhưng gắn với các hải đảo hoang sơ, các vụng biển tĩnh lặng như ở quần đảo Cát Bà (Hải Phòng). Mỗi bãi biển đều có những nét đẹp và lợi thế riêng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Nằm trong vùng nhiệt đới ấm nóng quanh năm, nên vùng ven biển và hải đảo nước ta quanh năm chan hòa ánh nắng mặt trời, cùng với các bãi cát trắng, mịn trải dài ven sóng, biển xanh mênh mông nước ta rất có lợi thế phát triển du lịch "3S" (sun, sea, sand). Vì thế, việc quy hoạch sử dụng hợp lý và quản lý hiệu quả các bãi biển sẽ góp phần duy trì được lợi thế trong phát triển du lịch biển, đảo bền vững.

Câu 16. Vai trò quan trọng của môi trường biển đối với đời sống con người?

Nhờ có 71% diện tích biển và đại dương bao phủ bề mặt mà môi trường Trái đất có những điểm khác cơ bản so với các hành tinh khác trong hệ Mặt trời. Biển và đại dương được các nhà khoa học công nhận là cội nguồn của sự sống trên Trái đất. Không có biển và đại dương, cuộc sống như được biết hôm nay có thể không tồn tại (Seibol và Berger, 1989). Bởi lẽ, biển và đại dương có nhiều chức năng quan trọng liên quan tới sự sống của Trái đất. Nó hoạt động với tư cách là một "cỗ máy điều hoà nhiệt độ" và "cỗ lò sưởi" khổng lồ có tác dụng điều chỉnh cân bằng các cực từ nhiệt độ thịnh hành trên Trái đất và làm dịu các ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết như mưa bão, lũ, lụt, khô hạn,... Thiếu biển và đại dương, các đại lục sẽ trở thành các sa mạc khô cằn, môi trường sống của loài người trên Trái đất sẽ khắc nghiệt hơn.

Trong bối cảnh loài người đang phải đối mặt và nỗ lực ứng phó với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu, thì biển và đại dương một lần nữa lại chứng tỏ vai trò quan trọng toàn cầu của nó. Hiện nay, đại dương và biển có khả năng thu và lưu giữ được 30% lượng CO2thừa trong nhóm khí nhà kính từ bầu khí quyển của Trái đất và nếu làm cho đại dương lành mạnh hơn thì khả năng này tiếp tục tăng lên.

Câu 17. Những  yếu tố chủ yếu gây ô nhiễm môi trường biển?

Theo các nhà nghiên cứu, quan hệ qua lại phức tạp giữa các tác động của con người thường làm "nhiễu" khiến cho ta khó phân biệt các tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển. Một cách đơn giản, tác động của con người đối với môi trường biển có thể được phân chia thành các nhóm chính như sau:

- Từ lục địa mang ra: Các hoạt động phát triển trên đất liền, đặc biệt trên các lưu vực sông như đô thị hóa, phát triển các khu công nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản nước lợ, các khu dân cư, khai khoáng,... Các chất thải không qua xử lý đổ ra sông suối và cuối cùng "trăm sông đều đổ về biển cả". Lượng thải từ đất liền ra biển ở nước ta chiếm khoảng 50-60%.

- Từ trên biển: Các hoạt động trên biển như hàng hải, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, phát triển cảng và nạo vét đáy biển, du lịch biển, thăm dò và khai thác khoáng sản biển (chủ yếu dầu, khí), nhận chìm tàu và các sự cố môi trường biển khác (tràn dầu, thải dầu, đổ dầu cặn bất hợp pháp, đổ thải phóng xạ, hóa chất độc hại,...).

- Từ không khí đưa xuống: Các hoạt động tương tác biển - khí cũng kéo theo hiện tượng lắng các chất gây ô nhiễm xuống biển. Loại này khó theo dõi và quản lý vì thường phát tán trên diện rộng.

- Từ đáy biển đưa lên: Chủ yếu ở những khu vực có hoặc chịu ảnh hưởng của các hoạt động địa động lực mạnh như động đất, núi lửa, sóng thần,...

Để thuận tiện trong đánh giá, người ta chia các tác động môi trường ra thành các tác động trường diễn (mức độ thấp, thời gian dài) và cấp diễn (thời gian ngắn, tác động nhanh mạnh). Tác động trường diễn bao gồm sự xâm nhập của một chất độc hoặc một yếu tố do con người gây ra, thường là liên tục và ở mức độ tương đối thấp, gây ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường tiềm năng, từ từ và lâu dài. Thí dụ: việc xả các chất dinh dưỡng vào biển bắt nguồn từ nước thải. Tác động cấp diễn biểu hiện khi hoạt động xả thải xảy ra trong thời gian ngắn, có thể gây ra hiệu ứng rõ ràng, song nó sẽ giảm dần theo thời gian. Tràn dầu là một thí dụ theo kiểu này: thoạt đầu, dầu thường có tác động thảm hoạ đối với các hệ sinh thái và các nơi sinh cư (habitat) ở biển, nhưng chúng có thể sẽ được cải thiện sau khi dầu đã tràn hết.

Trong thực tế, ô nhiễm có thể phát sinh từ một nguồn, ở một địa điểm nhất định (đơn nguồn hoặc rõ nguồn gốc, point source) hoặc từ nhiều nguồn, ở những địa điểm khác nhau (đa nguồn hoặc không rõ nguồn gốc, non-point). Trong một số trường hợp, ô nhiễm phát sinh từ một nguồn, như từ một ống cống hoặc từ miệng cống nước thải của một nhà máy. Khi đó, nồng độ của chất gây ô nhiễm (contaminant) hoặc cường độ tác động (thí dụ: nhiệt độ ở gần miệng cống nhà máy điện) sẽ phải giảm dần trên khoảng cách xa dần so với điểm nguồn. Bản chất của sự giảm như vậy phụ thuộc vào tính chất lý - hoá của chất gây ô nhiễm hoặc yếu tố dòng chảy và môi trường trầm tích, cũng như tốc độ xâm nhập của chất hoặc yếu tố gây ô nhiễm. Trong trường hợp như vậy, việc xác định và quản lý tương đối đơn giản, bởi vì cơ quan quản lý có thể tìm ra nguồn phát sinh và theo dõi được quy mô không gian của tác động đó. Ngược lại, các tác động kiểu đa nguồnthì hoàn toàn không thể gán cho một địa điểm phát sinh nào cả. Thí dụ khá rõ về kiểu đa nguồn là: nước chảy sau khi mưa làm các độc chất và chất dinh dưỡng bắt nguồn từ phân bón sau đó có thể bị cuốn vào biển trên một dải bờ khá rộng, không rõ nguồn xuất phát từ đâu. Trong trường hợp này, hoạt động quản lý sẽ khó hơn nhiều vì khó xác định rõ ràng nguồn phát thải về mặt địa lý.

Câu 18. Các biện pháp bảo vệ môi trường biển?

Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên: Trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, các Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng, luôn đan xen giữa lợi ích trước mắt và lâu dài theo đúng nghĩa của nó. Đây là nguồn tài nguyên tái tạo, là nền tảng đối với phát triển bền vững các ngành kinh tế sinh thái (ecosystem-based economy) của đất nước. Cho nên, có thể nói sự "trường tồn của biển cả" sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên biển.

Giảm thiểu suy thoái và ô nhiễm môi trường biển và vùng ven biển: Chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn Đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường (2004) liên quan tới quy định các hành vi huỷ hoại môi trường bị nghiêm cấm trong các điều 14 - 16, 20 - 29,... áp dụng cho vùng biển.

Quản lý tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo: thông qua áp dụng và thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên cơ quan, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan (stakeholder) và quản lý không gian biển (marine spatial management) dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái (ecosystem-based approach). Mục đích chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là: đảm bảo phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hoá) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa nhà nước, lĩnh vực tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương, cũng như giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành trong quá trình khai thác sử dụng các hệ thống tài nguyên - môi trường biển, ven biển và hải đảo.

Tăng cường kiểm soát môi trường biển và vùng ven biển: Phương thức này bao gồm các công cụ pháp lý liên quan đến hệ thống kiểm tra, kiểm soát, cưỡng chế thực thi (kiểm soát liên ngành), chủ yếu như: tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường hoặc ô nhiễm, các loại giấy phép và biện pháp kiểm soát sử dụng đất ven biển và mặt nước biển và hải đảo.

Quan trắc - cảnh báo môi trường: Tiến hành quan trắc định kỳ và lập lại để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời cảnh báo để xử lý và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia, gần đây Chính phủ đang đầu tư xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển bằng Rada tích hợp (18 trạm dọc biển, đảo).

Các công cụ kinh tế và chính sách: Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.

Thực tế cho thấy các quy định xử phạt của Việt Nam còn nhiều khác biệt và chồng chéo. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường biển còn chưa được đề cập đến. Các mức độ vi phạm đã cố gắng chi tiết hoá nhưng chưa đầy đủ, mức độ xử phạt còn thấp và còn thiếu qui định về sử dụng các công cụ pháp lý - kinh tế như những biện pháp hữu hiệu để kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm biển. Cho nên cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường biển.

Tham vấn của các bên liên quan và tuyên truyền: Về bản chất, tài nguyên biển - ven biển thuộc loại tài nguyên chia sẻ (shared resources) cho nên việc sử dụng nó làm gia tăng mâu thuẫn lợi ích giữa các cộng đồng hưởng dụng các hệ thống tài nguyên này. Vì thế, cần một giải pháp quan trọng là phải tranh thủ càng nhiều càng tốt sự tham vấn của các bên liên quan và lôi cuốn được khả năng tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động quản lý môi trường biển và ven biển. Vấn đề này thực hiện đơn lẻ ở từng khu vực, chưa đại trà.

Thúc đẩy tiến trình xây dựng "Thương hiệu biển Việt Nam": xây dựng hướng dẫn xác định và cấp chứng chỉ xanh cho các vùng biển, ven biển, hải đảo", cũng như "Nhãn sinh thái biển cho các sản phẩm và dịch vụ kinh tế biển",... Triển khai thường xuyên hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân địa phương về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo. Tổ chức hàng năm Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (l - 7/6) và hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6). Xây dựng và truyền thông điệp về ý thức biển cả của dân tộc Việt Nam qua câu nói bất hủ của Bác Hồ (1959): "Biển cả của ta do nhân dân ta làm chủ!".

Phần hai

HỎI – ĐÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CÁC QUYỀN VÀ BẢO VỆ CÁC QUYỀN CỦA VIỆT NAM TRONG BIỂN ĐÔNG

Câu 19. Trong Biển Đông hiện nay đang tồn tại những loại tranh chấp gì?

Trước hết, theo quan điểm của Việt Nam và căn cứ vào nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa được xác lập phù hợp với Công ước này.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số nước đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, và, do việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 của các nước ven biển nằm bên bờ Biển Đông khác nhau, nên đã hình thành các khu vực biển và thềm lục địa chồng lấn cần được tiến hành phân định giữa các bên liên quan.

Từ thực tế đó, hiện tại trong Biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu:

- Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

- Tranh chấp trong việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển liền kề hay đối diện nhau ở xung quanh Biển Đông.

Câu 20. Nguyên tắc pháp lý về quyền thụ đắc lãnh thổ trong luật pháp và thực tiễn quốc tế?

Trong lịch sử phát triển lâu dài của luật pháp quốc tế, những nguyên tắc và quy phạm pháp luật xác định chủ quyền lãnh thổ đã được hình thành trên cơ sở của thực tiễn quốc tế, trong đó có các phương thức thụ đắc lãnh thổ mà các bên tranh chấp thường dựa vào để bảo vệ cho quan điểm pháp lý của mình, đó là:

- Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc "quyền phát hiện".

- Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc "chiếm hữu thật sự".

- Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc "kế cận địa lý".

1. Phương thức thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc "quyền phát hiện" hay còn được gọi là "quyền ưu tiên chiếm hữu"; theo đó, dành "quyền ưu tiên chiếm hữu" một vùng lãnh thổ cho một quốc gia nào đã phát hiện ra nó đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế nguyên tắc này không giúp xác định được chủ quyền cho một quốc gia đã tuyên bố phát hiện ra vùng lãnh thổ đó đầu tiên. Bởi vì, người ta không thể xác định được một cách cụ thể thế nào là phát hiện đầu tiên, ai là người đã phát hiện trước, lấy gì để ghi nhận hành vi phát hiện đó... Vì vậy, việc phát hiện này về sau được bổ sung thêm nội dung là phải để lại dấu tích cụ thể trên vùng lãnh thổ mới được phát hiện. Với sự bổ sung này, nguyên tắc "quyền ưu tiên chiếm hữu" được đổi thành nguyên tắc "chiếm hữu danh nghĩa". Tuy vậy, nguyên tắc "chiếm hữu danh nghĩa" vẫn không giải quyết được một cách cơ bản những tranh chấp phức tạp giữa các cường quốc đối với các "vùng đất hứa", đặc biệt là những vùng lãnh thổ ở châu Phi và các hải đảo nằm cách xa đất liền hàng trăm, hàng ngàn hải lý... Bởi vì người ta không thể lý giải được "danh nghĩa" hay "danh nghĩa lịch sử" cụ thể là gì, được hình thành từ bao giờ và đã tồn tại như thế nào? Vì vậy, trong thực tế nguyên tắc này đã không còn được sử dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cho dù hiện tại vẫn còn một số quốc gia vẫn cố tình bám lấy nó để bảo vệ cho những yêu sách lãnh thổ vô lý của mình, nào là chủ quyền lịch sử "danh nghĩa lịch sử", nào là "đã phát hiện, khai thác, đặt tên, vẽ bản đồ" từ lâu đời...

2. Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc "chiếm hữu thật sự":

Vì những lý do nói trên, năm 1885 Hội nghị về châu Phi giữa 13 nước châu Âu và Hoa Kỳ và sau khóa họp của Viện pháp luật quốc tế Lausanne (Thụy Sỹ) năm 1888, nguyên tắc "chiếm hữu thật sự" đã được thống nhất sử dụng rộng rãi để xem xét giải quyết các tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc này là:

- Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành.

- Việc chiếm hữu phải được tiến hành trên một vùng lãnh thổ vô chủ (Res-Nullius) hay trên một vùng lãnh thổ đã bị bỏ hoang (derelicto).

- Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình một cách hiệu quả, thích hợp với những điều kiện tự nhiên, dân cư ở trên vùng lãnh thổ đó.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền phải hòa bình, liên tục rõ ràng; dùng vũ lực để xâm chiếm là phi pháp, không được thừa nhận.

Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này nên mặc dù Công ước Saint Gemlain ngày 10 tháng 9 năm 1919 đã tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin 1885 vì thế giới không còn "đất vô chủ" nữa, các luật gia, các Cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền đối với các hải đảo: chẳng hạn Tòa án trọng tài thường trực quốc tế La Haye tháng 4 năm 1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; phán quyết của Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc tháng 11  năm 1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous; Tòa án thường trực quốc tế đã ra phán quyết về vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Mai-lai-xia và In-đô-nê-xia năm 2002...

3. Quyền thụ đắc lãnh thổ theo nguyên tắc "kế cận địa lý": một số quốc gia đã dựa vào sự kế cận về vị trí địa lý để bảo vệ cho yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình, họ thường nói vùng lãnh thổ này ở gần lãnh thổ của họ hoặc nằm trong vùng biển, thềm lục địa của họ, nên "đương nhiên" thuộc chủ quyền của họ. Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lập luận này không được thừa nhận như là một nguyên tắc pháp lý. Bởi vì, có rất nhiều vùng lãnh thổ nằm sát ngay bờ biển của nước này nhưng vẫn thuộc chủ quyền của nước khác và không hề có sự tranh chấp nào xảy ra...

Câu 21. Thực trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vị trí chiếm đóng của các bên tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?  

1. Đối với quần đảo Hoàng Sa:

Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XX (năm 1909), mở đầu là sự kiện Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy 3 pháo thuyền ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, đổ bộ chớp nhoáng lên đảo Phú Lâm, sau đó phải rút lui vì sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp với tư cách là lực lượng được Chính quyền Pháp, đại diện cho nhà nước Việt Nam, giao nhiệm vụ bảo vệ, quản lý quần đảo này.

Năm 1946, lợi dụng việc giải giáp quân đội Nhật Bản thua trận, chính quyền Trung Hoa Dân quốc đưa lực lượng ra chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Dân quốc bị đuổi khỏi Hoa lục, họ phải rút luôn số quân đang chiếm đóng ở quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1956, lợi dụng tình hình quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ và trong khi chính quyền Nam Việt Nam chưa kịp tiếp quản quần đảo Hoàng Sa, CHND Trung Hoa đã đưa quân ra chiếm đóng nhóm phía Đông quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1974, lợi dụng quân đội Việt Nam Cộng hòa đang trên đà sụp đổ, quân đội viễn chinh Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, CHND Trung Hoa lại huy động lực lượng quân đội ra xâm chiếm nhóm phía Tây Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.

Mọi hành động xâm lược bằng vũ lực nói trên của CHND Trung Hoa đều gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân đội Việt Nam Cộng hòa và đều bị Chính phủ Việt Nam Cộng hòa, với tư cách là chủ thể trong quan hệ quốc tế, đại diện cho Nhà nước Việt Nam quản lý phần lãnh thổ miền Nam Việt Nam theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, lên tiếng phản đối mạnh mẽ trên mặt trận đấu tranh ngoại giao và dư luận.

2. Đối với quần đảo Trường Sa:

a. Trung Quốc: Đã tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ những năm 30 của thế kỷ trước, mở đầu bằng một công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi cho Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định "các đảo Nam Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc".

Năm 1946, quân đội Trung Hoa Dân quốc xâm chiếm đảo Ba Bình. Năm 1956, quân đội Đài Loan lại tái chiếm đảo Ba Bình.

Năm 1988, CHND Trung Hoa huy động lực lượng đánh chiếm 6 vị trí, là những bãi cạn nằm về phía tây bắc Trường Sa ra sức xây dựng, nâng cấp, biến các bãi cạn này thành các điểm đóng quân kiên cố, như những pháo đài trên biển.

Năm 1995, CHND Trung Hoa lại huy động quân đội đánh chiếm đá Vành Khăn, nằm về phía Đông Nam quần đảo Trường Sa. Hiện nay họ đang sử dụng sức mạnh để bao vây, chiếm đóng bãi cạn Cỏ Mây, nằm về phía Đông, gần với đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Như vậy, tổng số đá, bãi cạn mà phía Trung Quốc đã dùng sức mạnh để đánh chiếm ở quần đảo Trường Sa cho đến nay là 7 vị trí. Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình là đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa và mở rộng thêm 1 bãi cạn rạn san hô là bãi Bàn Than.

b. Phi-líp-pin: Bắt đầu tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bằng sự kiện Tổng thống Quirino tuyên bố rằng quần đảo Trường Sa phải thuộc về Phi-líp-pin vì nó ở gần Phi-líp-pin.

Từ năm 1971 đến năm 1973, Phi-líp-pin đưa quân chiếm đóng 5 đảo; năm 1977-1978, chiếm thêm 2 đảo; năm 1979, công bố Sắc lệnh của Tổng thống Marcos ký ngày 11 tháng 6 năm 1979 gộp toàn bộ quần đảo Trường Sa, trừ đảo Trường Sa, vào trong một đơn vị hành chính, gọi là Kalayaan, thuộc lãnh thổ Phi-líp-pin. Năm 1980, Phi-líp-pin chiếm đóng thêm 1 đảo nữa nằm về phía Nam Trường Sa, đó là đảo Công Đo... Đến nay, Phi-lip-pin chiếm đóng 9 đảo, đá trong quần đảo Trường Sa.

c. Mai-lai-xia: Mở đầu bằng sự việc Sứ quán Mai-lai-xia ở Sài Gòn, ngày 03 tháng 02 năm 1971, gửi Công hàm cho Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa hỏi rằng quần đảo Trường Sa hiện thời thuộc nước Cộng hòa Morac Songhrati Mead có thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa hay Việt Nam Cộng hòa có yêu sách đối với quần đảo đó không? Ngày 20 tháng 4 năm 1971, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa trả lời rằng quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, mọi xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở quần đảo này đều bị coi là vi phạm pháp luật quốc tế.

Tháng 12 năm 1979, Chính phủ Mai-lai-xia xuất bản bản đồ gộp vào lãnh thổ Mai-lai-xia khu vực phía Nam Trường Sa, bao gồm đảo An Bang và Thuyền Chài đã từng do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ.

Năm 1983-1984, Mai-lai-xia cho quân chiếm đóng 3 bãi ngầm ở phía Nam Trường Sa là Hoa Lau, Kiệu Ngựa, Kỳ Vân. Năm 1988, họ đóng thêm 2 bãi ngầm nữa là Én Đất và Thám Hiểm. Hiện nay, Ma-lai-xia đang chiếm giữ 5 đảo, đá, bãi cạn trong quần đảo Trường Sa.

d. Brunây: Tuy được coi là một bên tranh chấp liên quan đến khu vực quần đảo Trường Sa, nhưng trong thực tế Bru-nây chưa chiếm đóng một vị trí cụ thể nào. Yêu sách của họ là ranh giới vùng biển và thềm lục địa được thể hiện trên bản đồ có phần chồng lấn lên khu vực phía Nam Trường Sa.

Câu 22. Phương thức thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là gì?

Phương thức thụ đắc lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là theo nguyên tắc chiếm hữu thật sự. Việt Nam đã chính thức tuyên bố rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, và nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình.

Câu 23. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa như thế nào?

Nhà nước phong kiến Việt Nam suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:

Nhà nước Đại Việt thời chúa Nguyễn: Chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của đội Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.

Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn: Trong thời gian từ 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ được từng khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình.

Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré, căn cứ xuất phát của Đội Hoàng Sa.

Năm 1775, Phường Cù Lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn xin cho phép đội Hoàng Sa và đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, chính quyền Tây Sơn được củng cố một cách hoàn chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa, chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra còn có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trong Biển Đông.

Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận việc nội trị, vẫn tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 7 năm 1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa: Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa (theo Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12).

Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) vua Gia Long quyết định: "sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình"... (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, q.50, tờ 6a).

Sang đời Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện...

Năm 1833, 1834, 1836, Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ... mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, "Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc... ".

Như vậy, suốt từ thời chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa, kiêm quản đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp,... hiện đang được lưu trữ tại các Cơ quan lưu trữ nhà nước.

Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn: "Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa" (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư); "Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh" (Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. 

Câu 24. Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn 1945 – 1975?

Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, không còn ràng buộc vào Hiệp định Pa-tơ-nốt 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Theo Hiệp định ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp dựng lên chính quyền thân Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu; tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1949, Tổ chức khí tượng thế giới (OMM: Organisation Mondiale de Meteorologie) đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm, số hiệu 48859, Trạm Hoàng Sa số hiệu 48860, Trạm Ba Bình số hiệu 48419.

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Hạ Long trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại, tháng 4, Hoàng thân Bửu Lộc, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.

Ngày 14 tháng 10 năm 1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Bảo Đại.

Từ ngày 5 tháng 9 đến ngày 8 tháng 9 năm 1951, Hội nghị San Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết Hòa ước với Nhật. Tại phiên họp toàn thể mở rộng, ngày 5 tháng 9, với 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận, đã bác bỏ đề nghị của ngoại trưởng Gromưcô (Liên Xô cũ) về việc tu chỉnh khoản 13 của Dự thảo Hòa ước, trong đó có nội dung: Nhật thừa nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam.

Ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: "et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les gennes de discorde, nous affirmons nó droits sur les iles de Spratley et de Paracel qui de tout temps ont fait partie du Vietnam". Không một đại biểu nào trong Hội nghị có bình luận gì về tuyên bố này. Ngày 8 tháng 9 năm 1951, Hòa ước với Nhật được ký kết. Điều 2, Đoạn 7 của Hòa ước đã ghi rõ: "Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Sprathly" (khoản f).

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết đã công nhận một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) làm giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa 2 miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thằng từ bờ biển ra ngoài khơi (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam.

Tháng 4 năm 1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa, đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc và Phi-líp-pin tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối: Ngày 24 tháng 5 và ngày 8 tháng 6 năm 1956, Việt Nam Cộng hòa ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa luôn luôn là một phần của Việt Nam và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam.

Ngày 22 tháng 8 năm 1956, Tàu HQ04 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ bảo vệ quần đảo trước hành động xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Đài Loan và Phi-líp-pin.

Ngày 20 tháng 10 năm 1956, bằng Sắc lệnh 143/VN, Việt Nam Cộng hòa đã đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy.

Năm 1960, Việt Nam Cộng hòa đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng 1 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa; ngày 27 tháng 6 năm 1961, bổ nhiệm ông Hoàng Yêm giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa. Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Việt Nam Cộng hòa sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam. Ngày 11 tháng 4 năm 1967, Việt Nam Cộng hòa ban hành Nghị định số 809-NĐ-DUHC cử ông Trần Chuân giữ chức phái viên hành chính xã Định Hải (Hoàng Sa), quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Ngày 21 tháng 10 năm 1969, bằng Nghị định số 709-BNV-HCĐP-26 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa sáp nhập xã Định Hải (quần đảo Hoàng Sa) vào xã Hòa Long, quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam.

Ngày 13 tháng 7 năm 1971, tại Hội nghị ASPEC Manila, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Tổng trưởng Nội vụ Việt Nam Cộng hòa ký Nghị định 420-BNV-HCĐP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Từ 17 tháng 01 đến 20 tháng 01 năm 1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm phía Tây, quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đã chiến đấu quả cảm, nhiều binh sỹ đã anh dũng hy sinh, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không cản phá được hành động xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên trên mặt trận ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế: ngày 19  tháng 01 năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc.

Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiện này:

- Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc.

- Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.

- Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.

Ngày 01 tháng 02 năm 1974, Việt Nam Cộng hòa tăng cường lực lượng đóng giữ, bảo vệ quần đảo Trường Sa trong tình hình Trung Quốc tăng cường sức mạnh tiến hành xâm chiếm lãnh thổ mà theo nhận định của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu: "Trung cộng sẽ đánh Trường Sa và xâm chiếm bằng vũ lực giống như Hoàng Sa, có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của Mỹ" .

Ngày 02 tháng 7 năm 1974, tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3 của Liên Hợp quốc tại Caracas, đại biểu Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa bằng vũ lực và khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này là không tranh chấp và không thể chuyển nhượng.

Ngày 14 tháng 02 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Câu 25. Việt Nam thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường sa từ năm 1975 đến nay?

Ngày 05 tháng 4 năm 1975, Bộ Tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo Trường Sa.

Từ ngày 13 đến 28 tháng 4 năm 1975, các lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.

Ngày 05 tháng 6 năm 1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 02 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25 tháng 4 năm 1976, đã quyết định đổi tên nước là CHXHCN Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Ngày 12 tháng 5 năm 1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khắng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách trắng: chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 12 năm 1981, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố "Sách trắng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam".

Ngày 12 tháng 11  năm 1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam.

Ngày 09 tháng 12 năm 1982, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Quyết định số 193-HĐBT thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11 tháng 12 năm 1982, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày 28 tháng 12 năm 1982, Quốc hội khóa 7 nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh.

Ngày 11  tháng 4 năm 2007, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký Nghị định số 65-NĐ/CP quyết định thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa:

- Thị trấn Trường Sa, gồm đảo Trường Sa Lớn và phụ cận.

- Xã Song Tử Tây, gồm đảo Song Tử Tây và phụ cận.

- Xã Sinh Tồn, gồm đảo Sinh Tồn và phụ cận.

Năm 1988, CHND Trung Hoa đã huy động lực lượng vũ trang đánh chiếm các bãi cạn phía tây bắc quần đảo Trường Sa. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp quốc và gửi các Công hàm tố cáo và phản đối CHND Trung Hoa đã đánh chiếm các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi.

Tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam công bố Sách trắng "Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế".

Ngày 01 tháng 7 năm 1989, tỉnh Phú Khánh được tách làm hai tỉnh: Phú Yên và Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 23 tháng 6 năm 1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngày 01 tháng 01 năm 1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng.

Ngày 25 tháng 4 năm 2009, Thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch UBND Huyện Hoàng Sa...

Cho đến nay, ngoài những hoạt động kể trên, Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Câu 25. Trường Sa và Hoàng sa được ghi chép khá kỹ trong một số thư tịch cổ và được thể hiện rõ ràng trong các châu bản (văn bản quản lý hành chính nhà nước của triều đình nhà Nguyễn). Tên một số bộ sách và các châu bản tiêu biểu?

Trường Sa, Hoàng Sa được ghi chép khá kỹ trong khá nhiều tư liệu cổ. Có thể kể ra một số tài liệu lịch sử, địa lý tiêu biểu như:

- Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo gồm 4 quyển, nhiều bản đồ và chú giải được biên soạn vào khoảng năm 1630 đến 1653, xác nhận việc Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa để quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII.

- Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, viết tại Phú Xuân (Huế) khi ông được vua Lê - chúa Trịnh phái đi trấn nhậm Thuận Hóa, Quảng Nam vào năm 1776. Bộ sách gồm 6 phần viết về xứ Đàng Trong, nhất là xứ Thuận Hóa và xứ Quảng Nam từ thế kỷ XVIII trở về trước, thời gian chúa Nguyễn trị vì, trong đó miêu tả khá chi tiết về quần đảo Hoàng Sa. Các sử thần trong Quốc sử quán triều Nguyễn khi biên soạn bộ sách Đại Nam thực lục tiền biên đã sử dụng lại nhiều tài liệu trong bộ Phủ biên tập lục.

- Một số bộ sử khác của triều Nguyễn, như:

+ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ là bộ sách do triều thần nhà Nguyễn vâng mệnh vua ghi chép những việc làm của triều đình thuộc lục bộ, trong đó có đoạn chép về việc lập miếu, dựng bia, trồng cây ở Hoàng Sa và khảo sát, đo vẽ bản đồ toàn bộ khu vực (về cơ bản cũng giống như Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu).

+ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là bộ bách khoa thư lớn nhất của thế kỷ XIX, gồm 49 quyển được hoàn thành vào năm 1821 có phần Dư địa chí chép về bãi Hoàng Sa và đội Hoàng Sa cũng giống như trong sách Phủ biên tạp lục.

+ Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý - lịch sử của Nguyễn Thông, có đoạn chép về Vạn lý Trường Sa, nói về đặc điểm địa lý, tự nhiên và dấu tích của người Việt Nam trên đảo Hoàng Sa. Ngoài ra, ông còn nói khá cụ thể về đội Hoàng Sa, như việc tuyển đinh tráng các xã An Vĩnh, An Hải, thời gian tồn tại của đội Hoàng Sa...

+ Châu bản triều Nguyễn (các văn bản hành chính có bút phê của Vua vào thế kỷ XIX) hiện được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Hà Nội) có nhiều bản tấu của đình thần bộ Công và một số cơ quan khác, chỉ dụ của các vua về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn. Đặc biệt, trong tài liệu châu bản triều Nguyễn có một số châu bản thời Minh Mệnh (1820 - 1840), Thiệu Trị (1841 - 1847) đề cập chi tiết tới nhiều sự kiện liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và chủ quyền của Việt Nam.

+ Đại Nam nhất thống chí là bộ sách địa lý chính thức của triều Nguyễn, gồm 28 tập với 31 quyển, do Quốc Sử quán triều Nguyễn thời Tự Đức biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882. Hoàng Sa, Trường Sa được nói đến trong quyển 8.

+ Nam Hà tiệp lục của tác giả Lê Đàn là cuốn sách chép sử thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, từ gốc tích đến năm Gia Long thứ 3 (1804). Tác giả đã miêu tả khá nhiều về Hoàng Sa. Ngoài ra, trong sách cũng cung cấp nhiều tư liệu ghi chép ở Đàng Trong về Hoàng Sa khá phong phú, như trong đoạn nói về việc hàng năm có 18 chiếc thuyền ra Hoàng Sa để thu nhặt hóa vật ở đây. NamHà tiệp lục đã cung cấp thêm một tư liệu lịch sử minh chứng chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn.

Câu 26. Vài nét về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải?

Suốt trong ba thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XIX, một tổ chức của nhà nước, đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải (do đội Hoàng Sa kiêm quản), là bằng chứng hùng hồn có giá trị pháp lý về sự xác lập chủ quyền của Đại Việt ở Đàng Trong đối với Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa ra đời ở Cửa biển Sa Kỳ và Cù Lao Rẻ thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một tổ chức nhà nước, vừa mang tính chất dân sự, vừa mang tính chất quân sự; vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng quản lý nhà nước ở Biển Đông, ra đời từ đầu thời chúa Nguyễn.

Đứng đầu đội Hoàng Sa là một "cai đội", những thành viên trong Đội được gọi là "lính". Đó là những quân nhân đi làm nhiệm vụ do Vua, Chúa ban.

Thời Chúa Nguyễn, mỗi năm lấy 70 suất đinh để thực hiện những nhiệm vụ của đội Hoàng Sa. Số lượng 70 suất là số lượng các biệt cho một đội dân binh như đội Hoàng Sa.

Sử sách Việt Nam và của cả Trung Quốc đều chép đội Hoàng Sa được thành lập vào đầu thời chúa Nguyễn. Hải ngoại ký sự (Trung Quốc) viết năm 1696, chép thời Quốc Vương trước đã có những hoạt động của đội "Hoàng Sa" và Phủ biên tạp lục viết năm 1776, chép "Tiền Nguyễn Thị". Đại Nam thực lục tiền biên (1821) chép "Quốc sơ trí Hoàng Sa". Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686), đã đề cập đến các hoạt động của đội Hoàng Sa. Phủ biên tạp lục cũng như các tài liệu khác đều cho biết đội Hoàng Sa khi trở về đất liền vào tháng 8 âm lịch vào cửa Eo hay Tư Hiền rồi nộp sản vật tại chính dinh ở Phú Xuân. Thời chúa Nguyễn Phúc Lan mới bắt đầu dời chính dinh đến Kim Long vào năm Dương Hoà nguyên niên (1635) và thời chúa Nguyễn Phúc Tần mới dời qua Phú Xuân.

Đội Hoàng Sa đã hoạt động kể từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần đến hết thời kỳ chúa Nguyễn, cả thảy 7 đời chúa, gần một thế kỷ rưỡi. Phong trào Tây Sơn nổi dậy, chúa Nguyễn chạy vào đất Gia Định thì đội Hoàng Sa đặt dưới quyền kiểm soát của Tây Sơn mà trong tài liệu còn lưu giữ tại nhà thờ họ Võ, phường An Vĩnh, Cù Lao Rẻ, đã cho biết năm 1786 (tức niên hiệu Thái Đức năm thứ 9), dân Cù Lao Ré đã xin chính quyền Tây Sơn cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại. Đến những năm cuối cùng của Tây Sơn, hoạt động của đội Hoàng Sa cũng bị ảnh hưởng, nên đến vua Gia Long (1803) mới cho đội Hoàng Sa hoạt động trở lại.

Về lịch hoạt động ngoài đảo, theo những tài liệu như Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí..., hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Riêng theo Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư hay Toàn tập An Nam lộthì lúc đi vào thời điểm cuối Đông, không nói thời gian về; theo Phủ biên tạp lục có bản đồ thường đi vào tháng giêng âm lịch đến tháng 8 về.

Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa còn được giao nhiệm vụ kiêm quản đội Bắc Hải, một tổ chức được lập ra để thực tế nhiệm vụ trên khu vực quần đảo Trường Sa. Đội Bắc Hải được thành lập sau đội Hoàng Sa vào khoảng trước năm 1776. Địa bàn hoạt động của đội Bắc Hải chủ yếu là ở khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực biển Côn Sơn, Hà Tiên...

Phủ biên tạp lục, quyển 2, của Lê Quý Đôn đã ghi chép về đội Bắc Hải như sau:

"Họ Nguyễn còn thiết lập đội Bắc Hải. Đội này không định trước bao nhiêu suất. Hoặc chọn người thôn Tứ Chính thuộc phủ Bình Thuận, hoặc chọn người làng Cảnh Dương, lấy những người tình nguyện bổ sung vào đội Bắc Hải. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi và chỉ thị sai phái đội ấy đi làm nhiệm vụ".

"Những người được bổ sung vào đội Bắc Hải đều được miễn nạp tiền sưu cùng các thứ tiền lặt vặt, như tiền đi qua đồn tuần, qua đò".

"Những người trong đội đi thuyền câu nhỏ ra xứ Bắc Hải, Cù lao Côn Lôn và các đảo thuộc vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi mồi, hải ba, đồn ngư (cá heo lớn), lục quý ngư, hải sâm".

Các sử sách được viết vào thế kỷ XIX như Đại Nam thực lục tiền biên, soạn xong năm 1844, Đại Nam nhất thống chí, soạn xong năm 1882, cũng đã ghi nhận về hoạt động của đội Bắc Hải.

32. Vài nét về Lễ Khao lề thế lính. Nghi lễ này được tổ chức ở đâu? Trong thời gian nào? Ý nghĩa của nghi lễ này?

Vào thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức "đội Hoàng Sa" lấy người từ xã An Vĩnh huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi làm nhiệm vụ quản lý, khai thác Hoàng Sa, thu lượm hàng hóa của các tàu mắc cạn, đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp và còn đo vẽ, trồng cây và dựng mốc trên hai quần đảo. Trước khi những người lính Hoàng Sa chuẩn bị xuống thuyền, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính. Lễ này được tổ chức vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm để cầu cho người ra đi được bình an trên dặm dài sóng nước. Ngày nay, cũng vào tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và nhân dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đều tổ chức Lề Khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Buổi lễ diễn ra với các nghi thức cúng tế như: thổi kèn ốc, tái hiện hình ảnh các hùng binh ra khơi, thả thuyền nan và hình nhân xuống biển hướng tới quần đảo Hoàng Sa... đã trở thành một nghi lễ truyền thống nhằm giữ gìn bản sắc quê hương, tri ân đến những người con đất Việt qua các thế hệ đã không quản khó khăn, thậm chí hy sinh cả tính mạng mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giáo dục con cháu lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng như ý thức sâu sắc về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Hàng năm, ngư dân trên đảo Lý Sơn vẫn thường xuyên tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nghi thức truyền thống này không chỉ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương tỉnh Quảng Ngãi mà còn thu hút sự chú ý của đông đảo nhân dân trong cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Do tính chất và ý nghĩa của nó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được nhà nước quyết định nâng cấp trở thành lễ hội cấp quốc gia và đình làng An Vĩnh, nơi diễn ra lễ hội này đã được công nhận là Di tích Văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Câu 27. Vài nét về một số bản đồ cổ tiêu biểu thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ của Việt Nam?

Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm và công bố nhiều bản đồ cổ đáng tin cậy của Việt Nam cũng như của các nhà truyền giáo, hàng hải phương Tây thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, từ năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã ra lệnh điều tra hình thế sông núi thuộc địa phương để vẽ thành bản đồ, hai lan nhà vua giao cho bộ Hộ quy định những chi tiết do các quan địa phương tiến dâng để lập thành địa đồ toàn vẹn ảnh thổ Đại Việt. BộHồng Đức bản đồ được hoàn thành vào cuối năm 1469, được bổ sung nhiều lần về sau, gồm bản đồ cả nước và các địa phương, trong đó có các vùng biển, đảo, đã ghi lại khá toàn diện hình ảnh của quốc gia Đại Việt ở cuối thế kỷ XV. Tiếp đó, khoảng năm 1686, Đỗ Bá Công Đạo (người Nghệ An) biên soạn bộ Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư có đoạn mô tả về quần đảo Hoàng Sa (Bãi cát Vàng) được cho là dựa trên cơ sở trích từ tập Hồng Đức bản đồ. Trong hai bộ bản đồ này đều có vẽ một bãi cát dài nằm ở ngoài biển kéo từ cửa Đại Chiêm qua cửa Sa Kỳ đến Sa Huỳnh có ghi rõ là Bãi cát Vàng.

Đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX), việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa do một cơ quan quản lý hành chính cấp Nhà nước là bộ Công phụ trách, thực hiện. Tháng 3 năm Bính Tý (1816), vua Gia Long lệnh cho thủy quân phối hợp với đội Hoàng Sa đi ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình. Đến thời Minh Mạng (1820-1840), việc phái thủy quân ra Hoàng Sa đo thủy trình và vẽ bản đồ được xúc tiến đều đặn hàng năm. Ví như năm 1834, vua Minh Mạng cử đội trưởng giám thành Trương Phúc Sĩ cùng 20 thủy binh ra Hoàng Sa vẽ bản đồ. Tiếp đó, năm 1837, thủy quân triều Nguyễn đi Hoàng Sa đã vẽ thành bản đồ 12 hòn đảo. Năm 1838, thủy quân triều Minh Mạng đã vẽ được một bản đồ chung tổng thể về Hoàng Sa. Đặc biệt, năm 1834, triều đình Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng đã hoàn thiện và công bố chính thức bản đồ quốc gia gọi là Đại Nam nhất thống toàn đồ. Bản đồ này đã thể hiện chi tiết bờ biển và hải đảo của Việt Nam, trong đó ghi rõ chủ quyền của Việt Nam bao gồm cả vùng quần đảo giữa Biển Đông.

Từ thế kỷ XVI, các nhà hàng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông, được gọi là "Pracel", "Paracel", hoặc "Paracels", thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong Bản đồ Thế giới của Mercator xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan) năm 1606 gọi vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Champa) hay Phía Capaa (Đảo của Champa).

Trong Bản đồ do Bartholomeu Lasso vẽ năm 1590 và 1592 - 1594, in trong cuốn sách Les Portugains sur les côtes du Vietnam et du Cămpa của P.Y.Manguin in tại Paris (Pháp) năm 1972, hay tấm Bản đồ nổi tiếng do Van Langren vẽ năm 1598 được in trong cuốnIconographie Historique de l’Indochine của P.Boudet và A.Masson, tại Paris năm 1931 thể hiện đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quang Nam) đến cửa biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là "Costa da Pracel" (Bờ biển Hoàng Sa). Như thế tức là đã từ rất lâu, các nhà hàng hải phương Tây đã coi các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong thuộc lãnh thổ Việt Nam lúc đó.

Trong số các bản đồ của giáo sĩ và thương nhân phương Tây liên quan đến vùng quần đảo giữa Biển Đông, nổi tiếng bậc nhất có thể kể đến An Nam Đại quốc họa đồ của Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838, được cho là một tài liệu phản ánh những hiểu biết sâu sắc và chính xác của người phương Tây từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX về mối quan hệ giữa quần đảo Hoàng Sa và nước Đại Việt mà tác giả gọi là An Nam Đại Quốc. Tấm bản đồ này khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.

Mặt khác, nhiều bản đồ của Trung Quốc và các nước phương Tây cũng thể hiện cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ giới hạn đến cực Nam của đảo Hải Nam.

Câu 28. Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra đời như thế nào?

Các quy ước có tính quốc tế liên quan đến biển đã hình thành từ rất sớm, ngay trong thời kỳ cổ đại. Đến thế kỷ XIII, một số nguyên tắc về luật biển đã xuất hiện và phổ biến ở Bắc Âu, Địa Trung Hải. Vào thế kỷ XVII, Luật Biển bắt đần được khái quát, tổng kết một cách có hệ thống.

Hội nghị quốc tế đầu tiên về Luật Biển được Hội Quốc liên triệu tập năm 1930 tại La Hay (Hà Lan) để bàn luận, xây dựng các quy định quốc tế về quy chế lãnh hải, chống cướp biển và các nguyên tắc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của biển. Do có nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia tham gia hội nghị về chiều rộng lãnh hải nên Hội nghị La Hay 1930 chưa đạt được kết quả cụ thể nào.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), Liên Hợp quốc được thành lập để giữ gìn hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và giải quyết các vấn đề quốc tế. Năm 1958, Liên Hợp quốc triệu tập Hội nghị lần thứ nhất về Luật Biển tại Genève (Thụy Sĩ). Hội nghị này đã thông qua 4 công ước quốc tế đầu tiên về luật biển là: Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp; Công ước về Biển cả; Công ước về đánh cá và bảo tồn tài nguyên nguyên sinh vật của biển cả; và Công ước về Thềm lục địa.

Ngày 15/3/1960, Liên Hợp quốc tiếp tục triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ II tại Genève (Thụy Sĩ). Nhưng do có nhiều bất đồng nên hội nghị này đã không đạt được kết quả nào đáng kể.

Đến năm 1973, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã được chính thức triệu tập. Qua 9 năm thương lượng (từ năm 1973 đến 1982) với 11 khóa họp, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua các công ước mới về Luật Biển ngày 30/4/1982 với 130 phiếu thuận, 04 phiếu chống, 17 phiếu trắng và 02 nước không tham gia bỏ phiếu. Ngày 10/12/1982, 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển tại Montego Bay (Jamaica).

Đến tháng 1/1996 đã có 108 nước phê chuẩn, Công ước có hiệu lực từ ngày 16/1/1994.

Quá trình soạn thảo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trải qua 2 giai đoạn cơ bản là giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn đàm phán trong hội nghị, xây dựng liên tục nhiều bản dự thảo Công ước, cho đến lễ ký kết Công ước diễn ra từ ngày 07/12/1982 đến ngày 10/12/1982 tại Montego Bay (Jamaica).

Câu 29. Những nội dung chính của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982) được 107 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, ký kết tại Montego Bay (Jamaica) ngày 10/12/1982. Công ước bao gồm 17 phần, 320 điều khoản, 9 phụ lục và 4 nghị quyết. Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Hiện nay đã có 162 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước.

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là một văn kiện quốc tế tổng hợp toàn diện bao quát được tất cả những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương thế giới, xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia (có biển cũng như không có biển, phát triển hay đang phát triển) về nhiều mặt như an ninh, bảo vệ, nuôi trồng, khai thác tài nguyên, giao thông liên lạc, nghiên cứu khoa học, công nghệ... đối với các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia cũng như đối với các vùng biển nằm ngoài phạm vi thuộc quyền tài phán quốc gia. Công ước cũng đã đặt ra trình tự và thủ tục giải quyết các tranh chấp trên biển giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình. Công ước thể hiện sự cố gắng lớn của cộng đồng quốc tế để điều chỉnh tất cả các khía cạnh liên quan đến biển, tài nguyên biển và việc sử dụng biển, tạo nên một trật tự thế giới mới cho việc quản lý và sử dụng biển của nhân loại.

Câu 30. Vai trò và ý nghĩa của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là một công ước tiến bộ thể hiện sự thoả hiệp mang tính toàn cầu có tính đến lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới. Công ước không chấp nhận bảo lưu mà đòi hỏi phải tham gia cả gói (package deal) theo nguyên tắc "nhất trí" (consensus). Nếu phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia phải có trách nhiệm ràng buộc và thực hiện toàn bộ các điều khoản của Công ước.

Công ước được coi là một trong những thành tựu có ý nghĩa nhất trong lĩnh vực luật pháp quốc tế của thế kỷ XX và Công ước đã tạo ra một trật tự pháp lý mới trên biển, tương đối công bằng và được thừa nhận rộng rãi.

Ngay sau Lễ ký kết Tổng Thư ký Liên Hợp quốc đã đánh giá "Công ước là văn bản pháp lý có ý nghĩa nhất của thế kỷ này", còn Chủ tịch Hội nghị Liên Hợp quốc lần thứ III về Luật Biển, ông Tommy TB Koh, gọi Công ước là "Bản Hiến pháp cho Đại dương".

Câu 31. Khái niệm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được hiểu như thế nào trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

- Chủ quyền là quyền làm cho tuyệt đối của quốc gia độc lập đối với lãnh thổ của mình. Chủ quyền của quốc gia ven biển là quyền tối cao của quốc gia được thực hiện trong phạm vi nội thủy và lãnh hải của quốc gia đó.

- Quyền chủ quyền là các quyền của quốc gia ven biển được hưởng trên cơ sở chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, cũng như đối với những hoạt động nhằm thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó vì mục đích kinh tế, bao gồm cả việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu, gió...

- Quyền tài phán là thẩm quyền riêng biệt của quốc gia ven biển trong việc đưa ra các quyết định, quy phạm và giám sát việc thực hiện chúng, như: cấp phép, giải quyết và xử lý đối với một số loại hình hoạt động, các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển, trong đó có việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo các thiết bị và công trình nghiên cứu khoa học về biển; bảo vệ và gìn giữ môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia đó.

Quyền chủ quyền có nguồn gốc từ chủ quyền lãnh thổ trong khi quyền tài phán là hệ quả của quyền chủ quyền, có tác dụng hỗ trợ tạo ra môi trường để thực hiện quyền chủ quyền được tốt hơn. Bên cạnh đó, trong khi chủ quyền và quyền chủ quyền chỉ được thực hiện trên vùng lãnh thổ mà quốc gia có quyền thì quyền tài phán có không gian mở rộng hơn, tới những nơi mà quốc gia đó không có chủ quyền (ví dụ quyền tài phán áp dụng trên tàu thuyền có treo cờ của một quốc gia nhất định đang hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia khác).

Câu 31. Khái niệm đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải? Đặc điểm đường cơ sở của Việt Nam?

Đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và là ranh giới phía ngoài của nội thủy, do nước ven biển quy định trên cơ sở phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đường cơ sở là căn cứ để xác định phạm vi, chiều rộng của lãnh hải và các vùng biển khác như vùng tiếp giáp, vùng đặc quyển kinh tế, thềm lục địa.

Theo quy định tại điều 5 và điều 7 của Công ước, các quốc gia ven biển (không phải là quốc gia quần đảo) có hai loại đường cơ sở là đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.

Đường cơ sở thông thường là ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển, ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển hoặc ở nơi mà bờ biển cực kỳ không ổn định do có sự hiện diện của các châu thổ hoặc các đặc điểm tự nhiên khác thì áp dụng phương pháp đường cơ sở thẳng tức là phương pháp nối liền các điểm thích hợp để có thể sử dụng để vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Đường cơ sở thằng được áp dụng trong ba trường hợp sau đây: Ở những nơi bờ biển khúc khuỷu, bị khoét sâu và lồi lõm; ở những nơi có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển; ở những nơi có các điều kiện thiên nhiên đặc biệt gây ra sự không ổn định của bờ biển như sự hiện diện của các châu thổ.

Tuy vậy, đường cơ sở thẳng phải đáp ứng hai điều kiện quy định trong Công ước, đó là "tuyến các đường cơ sở thẳng không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển" và các vùng biển ở bên trong các đường có sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy" (khoản 3 điều 7).

Căn cứ theo Công ước, căn cứ theo địa hình bờ biển Việt Nam, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Ngày 12/11/1982, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo đó, "đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam là đường thẳng gãy khúc nối liền các điểm có toạ độ ghi trong phụ lục kèm theo Tuyên bố này".

Điều 8 của Luật  Biển Việt Nam quy định "Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn".

Thực hiện Điều này, thời gian tới đây chúng ta cần tiếp tục công bố bổ sung đường cơ sở thẳng trong vịnh Bắc Bộ và những khu vực khác.

Câu 32. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có những vùng biển nào?

Việt Nam là một quốc gia ven biển với hơn 3.260 km đường bờ biển. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Phạm vi và chế độ pháp lý các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam được quy định chỉ tiết trong Luật Biển Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Câu 33. Quy định về nội thuỷ của Việt Nam?

Theo điều 9 và 10 của Luật Biển Việt Nam 2012, nội thủy của Việt Nam là vùng nước tiếp giáp với bờ biển ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Theo quy định thì nội thủy bao gồm cửa sông, vũng vịnh, cửa biển và vùng nước ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển. Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền. 

Câu 34. Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong nội thủy Việt Nam phải chấp hành những quy định gì?

Tàu thuyền, máy bay nước ngoài khi hoạt động trong vùng nội thủy của Việt Nam là đang ở trong lãnh thổ Việt Nam, cho nên phải tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến các hoạt động trong vùng nội thủy của Việt Nam như: việc cấp phép bay, lưu thông hàng hải, phân luồng lạch đi lại, quy định của các cảng biển... cũng như những quy định khác về an ninh, quốc phòng, trật tự công cộng, kiểm dịch, y tế, hải quan,...

Câu 35. Chiều rộng và chế độ pháp lý của lãnh hải Việt Nam?

Điều 11 Luật Biển Việt Nam (2012) khẳng định lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam".

Điều 12 Luật Biển Việt Nam cũng quy định rõ chế độ pháp lý lãnh hải Việt Nam như sau:

1. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

2. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.

4. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

Câu 36. Quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải được hiểu như thế nào? Quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: "... tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển".

Công ước quy định thế nào là "đi qua" và thế nào là "đi qua không gây hại". Theo đó, có thể hiểu là với điều kiện không gây ra các hành động gây hại, đe doạ hòa bình, an ninh trật tự của quốc gia ven biển, các loại tàu thuyền nước ngoài (kể cả tàu quân sự) được quyền đi qua vô hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển mà không cần phải xin phép, không bị cản trở, không bị thu lệ phí và không bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên Công ước cũng quy định: "Ở trong lãnh hải, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác buộc phải đi nổi và treo cờ quốc tịch" (điều 21) và "nếu một tàu chiến không tôn trọng các luật và quy định của quốc gia ven biển có liên quan đến việc đi qua trong lãnh hải và bất chấp yêu cầu phải tuân thủ các luật và quy định đó đã được thông báo cho họ, thì quốc gia ven biển có thể đòi chiếc tàu đó rời khỏi lãnh hải ngay lập tức" (điều 30).

Ngoài ra, quốc gia ven biển cũng được phép đề ra các luật và quy định liên quan đến việc đi qua không gây hại (điều 21, 22) và có thể thi hành các biện pháp cần thiết để ngăn cản mọi việc đi qua có gây hại (điều 25).

Việt Nam đã tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ngày 25/7/1994 và tôn trọng quyền đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải theo đúng quy định của Công ước.

Luật Biển Việt Nam quy định "Đi qua không gây hại trong lãnh hải" tại Điều 23 và "Nghĩa vụ khi thực hiện quyền đi qua không gây hại" tại Điều 24. Theo đó, việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển". Việc đi qua của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải Việt Nam bị coi là gây phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn xã hội nếu tàu thuyền đó tiến hành bất kỳ một hành vi nào sau đây: Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; Đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác; thực hiện các hành vi trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế được quy định trong Hiến chương Liên Hợp quốc; Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào; Thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam; Tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện bay lên tàu thuyền; Phóng đi, tiếp nhận hay xếp phương tiện quân sự lên tàu thuyền; Bốc, dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với quy định của pháp luật Việt Nam về hải quan, thuế, y tế hoặc xuất nhập cảnh; Cố ý gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; Đánh bắt hải sản trái phép; Nghiên cứu, điều tra, thăm dò trái phép; Làm ảnh hường đến hoạt động của hệ thống thông tin liên lạc hoặc của thiết bị hay công trình khác của Việt Nam; Tiến hành hoạt động khác không trực tiếp liên quan đến việc đi qua.

"Khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về nội dung: An toàn hàng hải và điều phối giao thông đường biển, tuyến hàng hải và phân lượng giao thông; Bảo vệ thiết bị và hệ thống bảo đảm hàng hải, thiết bị hay công trình khác; Bảo vệ đường dây cáp và ống dẫn; Bảo tồn tài nguyên sinh vật biển; Hoạt động đánh bắt, khai thác và nuôi trồng hải sản; Gìn giữ môi trường biển, ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển; Nghiên cứu khoa học biển và đo đạc thủy văn; Hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh".

Câu 37. Phạm vi và chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012?

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, vùng tiếp giáp lãnh hải được hiểu là vùng biển nằm ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Vùng biển này hợp với lãnh hải và có chiều rộng tối đa là 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Trong vùng tiếp giáp lãnh hải, quốc gia ven biển có quyền tài phán trong việc ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khoá, y tế hay nhập cư xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình, có quyền tài phán trong việc trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên, xảy ra trên lãnh thổ hay lãnh hải của mình. Ngoài ra, điều 303 của Công ước còn mở rộng quyền của quốc gia ven biển đối với các hiện vật có tính lịch sử và khảo cổ, theo đó, việc lấy các hiện vật từ đáy biển trong vùng tiếp giáp lãnh hải mà không được phép của quốc gia ven biển, sẽ được coi là sự vi phạm các luật và quy định của quốc gia đó trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải của mình.

Điều 13 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định "Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải".

Điều 14 quy định chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam như sau:

1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 của Luật này đối với vùng tiếp giáp lãnh hải.

2. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Câu 38. Phạm vi và chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 quy định: "Vùng đặc quyền kinh tế là một vùng nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải...".

Chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế "không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải" (điều 57).

Vùng đặc quyền kinh tế là một chế định pháp lý mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Công ước. Đây là một vùng biển đặc thù, trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của Công ước.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có những quyền sau:

- Các quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, của vùng nước trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế từ nước, hải lưu và gió.

- Quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của Công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình; Nghiên cứu khoa học về biển; Bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; và các quyền và nghĩa vụ khác do Công ước quy định.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, các quốc gia khác (dù có biển hay không có biển) đều được hưởng quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống dẫn ngầm, cũng như quyền tự do sử dụng biển vào những mục đích khác hợp pháp (khoản 1 điều 58).

Phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định cụ thể: Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Luật Biển Việt Nam quy định chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như sau:

1. Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện:

a) Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhàm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế;

b) Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;

c) Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.

2. Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.

4. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này.

Câu 39. Phạm vi và chế độ pháp lý của thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam 2012?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa thềm lục địa như sau: "thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn".

Tuy vậy, các khoản tiếp theo trong điều 76 của Công ước cũng quy định trong trường hợp khi bờ ngoài của rìa lục địa của một quốc gia ven biển kéo dài tự nhiên vượt quá khoảng cách 200 hải lý, như đã nói ở trên, thì quốc gia ven biển này có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình tới một khoảng cách không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500 mét một khoảng cách không vượt quá 100 hải lý, với điều kiện tuân thủ các quy định cụ thể về việc xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa trong Công ước và phù hợp với các kiến nghị của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa được thành lập theo Phụ lục II của Công ước.

Chế độ pháp lý của thềm lục địa được thể hiện qua các quyền của quốc gia ven biển. Đó là việc thực hiện quyền chủ quyền đối với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa. Ngoài ra, quốc gia ven biển còn có quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa của mình; quyền đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình trên thềm lục địa; quyền bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.

Các quốc gia khác có quyền lắp đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa (điều 79), và cần được sự thoả thuận của quốc gia ven biển.

Quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa là quan trọng nhất, thể hiện ở chỗ:

Quyền này có tính chất đặc quyền, nghĩa là "quốc gia ven biển không thăm dò hoặc không khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thoả thuận của quốc gia đó" (khoản 2 điều 77).

Quyền này tồn tại đương nhiên và ngay từ đầu, quốc gia ven biển không cần phải chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa, và không cần phải tuyên bố.

Phù hợp với các quy định của Công ước, Điều 17 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định: Thềm lục địa Việt Nam là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

Điều 18 Luật Biển Việt Nam quy định rõ chế độ pháp lý thềm lục địa Việt Nam như sau:

1. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên.

2. Quyền chủ quyền quy định tại khoản 1 Điều này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.

3. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.

4. Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.

5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

Câu 40. Khái niệm đảo và các bãi cạn nửa nổi nửa chìm được hiểu như thế nào? Chế độ pháp lý của chúng?

Điều 121 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa "một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước".

Điều 13 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982  định nghĩa "các bãi cạn nửa nổi nửa chìm là các vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước".

Chế độ pháp lý của đảo: Các đảo có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. Các đảo đá "không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".

Chế độ pháp lý của các bãi cạn nửa nổi nửa chìm: Các bãi này đóng vai trò nhất định trong việc vạch đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Khi toàn bộ hoặc một phần bãi cạn nửa nổi nửa chìm ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải; khi nó hoàn toàn ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách vượt quá chiều rộng của lãnh hải thì chúng không có lãnh hải riêng và các đường cơ sở thẳng chỉ được kéo đến hay xuất phát từ các bãi này khi trên đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước và việc vạch các đường cơ sở đó được sự thừa nhận chung của quốc tế.

Câu 41. Khái niệm Quốc gia quần đảo, quần đảo theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã dành một phần (Phần IV), gồm các điều 46, 47, 48, 49, 50, 51, 52, 53, 54, để quy định về phạm vi và chế độ pháp lý của Quốc gia quần đảo và quần đảo. Theo đó, Quốc gia quần đảo là Quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có thể bao gồm một số đảo khác nữa. Còn quần đảo là một nhóm các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước nối giữa và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau chặt chẽ đến mức tạo thành một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử.

Nội dung quan trọng nhất là tại Điều 47, Công ước quy định về Đường cơ sở quần đảo: Quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá nổi xa nhất của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỷ lệ diện tích nước so với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỷ số 1/1 và 9/l. Chiều dài của các đường cơ sở này không vượt quá 100 hải lý; hoặc có thể có chiều dài tối đa là 125 hải lý, nếu có 3% tổng số đường cơ sở bao quanh một quần đảo có chiều dài lớn hơn 100 hải lý; tuyến các đường cơ sở này không được tách xa rõ rệt đường bao quanh quần đảo. Các đường cơ sở này cũng không được kéo đến hay xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi, lúc chìm, trừ trường hợp trên đó có xây các đèn biển hay các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc trừ trường hợp toàn bộ hay một phần bãi cạn ở cách hòn đảo gần nhất một khoảng cách không vượt quá chiều rộng lãnh hải... Với những nội dung này thì rõ ràng Công ước chỉ quy định cách vạch đường cơ sở cho các quần đảo thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển ở cách quốc gia đó một khoảng cách vượt quá chiều rộng lãnh hải thì sẽ phải tuân thủ các quy định tại Phần VIII, Điều 121: Chế độ các đảo.

Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định này của Công ước để vạch đường cơ sở và xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của chúng.

Câu 42. Các nhà giàn DK1 của Việt Nam đã được xây dựng trên các bãi ngầm nằm trong vùng đặc quyền về kinh tế và trên thềm lục địa Việt Nam có theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 không? Phạm vi và quy chế bảo vệ, quản lý các công trình này như thế nào?

Điều 60, Công ước Luật Biển 1982, đã quy định: Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, khai thác và sử dụng: các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 hoặc các mục đích kinh tế khác... Quốc gia ven biển có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó, kể cả quyền tài phán về luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.

Việc xây dựng các đảo nhân tạo và các công trình đó phải được thông báo theo đúng thủ tục, phải có các phương tiện thường trực để báo hiệu sự tồn tại của chúng. Nếu các thiết bị đó đã bỏ hoặc không dùng nữa thì phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn hàng hải...

Quốc gia ven biển có thể lập ra xung quanh các công trình đó những khu vực an toàn có phạm vi không vượt quá 500 m xung quanh chúng tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các công trình và đều phải được thông báo theo đúng thủ tục. Tất cả các tàu thuyền phải tôn trọng các khu vực an toàn đó và tuân theo các quy phạm quốc tế liên quan đến hàng hải trong khu vực gần các công trình và các khu vực an toàn đó.

Tuy nhiên không được xây dựng các công trình nhân tạo và lập các khu vực an toàn xung quanh chúng ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.

Các công trình nhân tạo này không được hưởng quy chế các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự hiện diện của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Việc xây dựng và bảo vệ các công trình nhân tạo trên thềm lục địa cũng phải tuân thủ các quy định nói trên, với những sửa đổi cần thiết về chi tiết (mutatis mutandis).

Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được 15 nhà giàn DKI trên các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam như: bãi Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính, Quế Đường, Vũng Mây, Huyền Trân. Việt Nam đang sử dụng chúng vào những mục đích kinh tế, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển, thăm dò khai thác tài nguyên dầu khí theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam không cố ý biến các bãi cạn này thành các đảo nổi và cố tình gán ghép chúng trở thành một bộ phận của quần đảo Trường Sa. Việt Nam cho rằng mọi hành vi cố ý và gán ghép đó là hoàn toàn sai trái trong việc giải thích và áp dụng Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cần phải lên án, bác bỏ.

Câu 43. Các quốc gia không có biển được hưởng những quyền gì trên biển?

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 dành hẳn một phần (Phần X) và 9 điều (từ điều 124 đến điều 132) để quy định về quyền của quốc gia không có biển đi ra biển và từ biển vào, và tự do quá cảnh. Theo đó, quốc gia không có biển có nghĩa là mọi quốc gia không có bờ biển.

Các quốc gia không có biển có quyền đi ra biển và đi từ biển vào để sử dụng các quyền được trù định trong Công ước, kể cả các quyền liên quan đến tự do trên biển cả và liên quan đến di sản chung của loài người. Vì mục đích ấy, các quốc gia đó được hưởng tự do quá cảnh qua lãnh thổ của các quốc gia quá cảnh bằng mọi phương tiện vận chuyển (khoản 1 điều 125). Việc vận chuyển quá cảnh không phải nộp thuế quan, thuế hay mọi khoản lệ phí khác, ngoài các khoản thuế trả cho các dịch vụ đặc biệt liên quan đến việc vận chuyển đó (khoản 1 điều 127).

Quốc gia không có biển thực hiện quyền đi ra biển thông qua những thỏa thuận tay đôi, phân khu vực hay khu vực với quốc gia quá cảnh. Quốc gia không có biển có quyền có hạm đội treo cờ của mình. Trong các cảng biển, tàu mang cờ của quốc gia không có biển được hưởng sự đối xử bình đẳng như các tàu nước ngoài khác.

Quốc gia quá cảnh là quốc gia có hay không có bờ biển, ở giữa một quốc gia không có biển và biển, mà việc vận chuyển quá cảnh phải đi qua quốc gia đó (tiểu mục mục b, khoản 1 điều 124). Quốc gia quá cảnh có quyền định ra mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng, các quyền và điều kiện thuận lợi được quy định vì lợi ích của quốc gia không có biển và không hề đụng chạm đến các quyền lợi chính đáng của quốc gia quá cảnh.

Ngoài ra, điều 69 của Công ước cũng quy định quốc gia không có biển có quyền tham gia khai thác một phần thích hợp số dư các tài nguyên sinh vật của các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trong vùng một phần khu vực hoặc khu vực, theo một thể thức công bằng, có tính đến các đặc điểm kinh tế và địa lý thích đáng của tất cả các quốc gia hữu quan theo đúng điều này và các điều 61, 62 của Công ước (liên quan đến việc bảo tồn các nguồn lợi sinh vật và khai thác các tài nguyên sinh vật).

Câu 54. Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các tranh chấp trên biển được giải quyết theo các cơ chế nào?

Điều 279 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: "Các quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng Công ước 1982 bằng phương pháp hoà bình theo đúng điều 2 khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp quốc và vì mục đích này, cần phải tìm ra các giải pháp bằng phương pháp hoà bình đã được nêu ở điều 33, khoản 1 của Hiến chương" .

Để thực hiện, các quốc gia có nghĩa vụ tiến hành các cuộc trao đổi về quan điểm, về cách giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hay bằng các phương pháp hoà bình khác; hoặc yêu cầu quốc gia khác hoặc các bên khác đưa vụ tranh chấp ra hoà giải.

Trong trường hợp khi tranh chấp không thể giải quyết được bằng đàm phán, các quốc gia được quyền lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau để giải quyết các tranh chấp có liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước (điều 287): Toà án quốc tế về Luật Biển; Toà án Pháp lý quốc tế; một toà Trọng tài được thành lập theo đúng phụ lục VII (trọng tài); một toà Trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng phụ lục VIII (trọng tài đặc biệt) để giải quyết một hay nhiều loại tranh chấp đã được quy định rõ trong đó.

Tuy nhiên, Điều 298 của Công ước cũng quy định một quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản không chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết nêu trên liên quan đến phân định các vùng biển giữa các quốc gia; các tranh chấp về vịnh hay danh nghĩa lịch sử; các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự; các tranh chấp liên quan đến hành động bắt buộc chấp hành đã được thực hiện trong việc thi hành các quyền thuộc chủ quyền; các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc có trách nhiệm giải quyết.

Câu 45. Các quyền tự do trên biển cả (vùng biển quốc tế)?

Các quyền tự do trên biển cả được quy định tại điều 87 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Trên biển cả, các quốc gia, dù có biển hay không có biển, đều có quyền:

- Tự do hàng hải;

- Tự do hàng không;

- Tự do đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ các quy định của Công ước;

- Tự do xây dựng các đảo nhân tạo và các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép với điều kiện tuân thủ các quy định của Công ước;

- Tự do đánh bắt hải sản với điều kiện tuân thủ các quy định của Công ước về bảo tồn và quản lý các tài nguyên sinh vật của biển cả;

- Tự do nghiên cứu khoa học với điều kiện tuân thủ các phần về thềm lục địa và nghiên cứu khoa học biển của Công ước;

Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện quyền tự do trên biển cả của các quốc gia khác cũng như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quan đến hoạt động trong Vùng.

Câu 46. Phân định biển được hiểu như thế nào? Các nguyên tắc cơ bản trong phân định biển? Lập trường của Việt Nam về vấn đề phân định biển?

Phân định biển là một hoạt động mang tính quốc tế nhằm hoạch định đường biên giới biển (nội thủy, lãnh hải), ranh giới biển (vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) giữa hai hay nhiều quốc gia có bờ biển đối diện hay tiếp giáp nhau thông qua đàm phán, trung gian hoặc các cơ chế tài phán quốc tế khác.

Đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, Điều 15 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định: Khi hai quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại.

Đối với việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Điều 74 và 83 của Công ước 1982 quy định: Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thoả thuận theo đúng pháp luật quốc tế như đã được nêu ở điều 38 của Quy chế Toà án quốc tế để đi tới một giải pháp công bằng.

Như vậy, nguyên tắc cơ bản trong phân định biển là nguyên tắc thỏa thuận và nguyên tắc công bằng.

Khoản 3, Điều 4 Luật Biển Việt Nam 2012 khẳng định: Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Trong thực tiễn phân định biển với các nước có liên quan, lập trường nhất quán của Việt Nam là căn cứ luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tính tới các hoàn cảnh và điều kiện tự nhiên trong khu vực phân định để đạt được một giải pháp công bằng mà các bên đều chấp nhận được.

Câu 47. Vài nét về yêu sách "đường lưỡi bò" (hay "đường 9 khúc đứt đoạn") của Trung Quốc?

Ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc phản đối việc Việt Nam và Ma-lai-xia nộp Báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, kèm theo công hàm này là một bản đồ thể hiện yêu sách "đường lưỡi bò" trên Biển Đông.

Trong công hàm viết: "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó.

Bản đồ thể hiện "đường lưỡi bò" kèm theo công hàm ngày 7/5/2009 là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về biên giới biển theo yêu sách đầy tham vọng của mình và cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ "đường lưỡi bò" với toàn thế giới.

"Đường lưỡi bò", "đường chữ U" hay "đường chín đoạn"... là những cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách phi lí của Trung Quốc, chạy sát bờ biển của các nước có chung Biển Đông, có đoạn chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 đến 100 km. Đường này còn chạy sát bãi James Shoal (Tăng Mẫu) của Ma-lai-xia và đảo Natuna của In-đô-nê-xia, đảo Luzong thuộc quần đảo Phi-líp-pin, và chiếm đến 80% diện tích Biển Đông. "Đường lưỡi bò" ban đầu gồm 11 đoạn. Năm 1953 đường 11 đoạn đã được điều chỉnh thành 9 đoạn, bỏ 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ, gần đây nhất là 10 đoạn (4/2013).

Tháng 2 năm 1947, Bộ nội vụ Trung Hoa Dân quốc đã cho xuất bản Bảng tài liệu tra cứu tên cũ của các đảo biển ở Biển Đông, trong đó liệt kê 159 đảo, đá. Sau đó, tháng 1 năm 1948, Bộ Nội vụ nước Trung Hoa Dân quốc công bố một bản đồ có tên Nanhai zhudao weizhi tu (Nam đảo chư hải vị trí đồ - Bản đo các đảo trên Nam Hải), tháng 2 năm 1948 bản đồ này được xuất bản chính thức, trên bản đồ này có xuất hiện một đường mà Trung Hoa gọi là đường hình chữ "U", một số học giả gọi nó là "đường lưỡi bò" bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống Biển Đông, đường này được thể hiện trên bản đồ lúc này là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn

Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch thất bại trước Bắc Kinh phải chạy ra đảo Đài Loan, và cũng từ đó, nước CHND Trung Hoa ra đời, quốc gia này sau đó thay thế Cộng hòa Trung Hoa trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp quốc. Năm 1949, CHND Trung Hoa cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó "đường lưỡi bò" được thể hiện giống như bản đồ trước đó gồm 11 đoạn.

Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa đưa ra được tọa độ chính xác của các đường trong yêu sách.

Câu 48. Một số nhận xét về "đường lưỡi bò" (hay "đường 9 khúc đứt đoạn") nhìn từ công pháp quốc tế?

Yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc không thể được coi là yêu sách nghiêm túc của một quốc gia đối với một vùng biển rộng lớn vì nó hoàn toàn không có cơ sở lịch sử, pháp lý và thực tiễn, với những lý do sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đòi hỏi "quyền chủ quyền và quyền tài phán" đối với đường lưỡi bò, có nghĩa là đòi hỏi một vùng biển có quy chế pháp lý tương tự với quy chế của vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (có chiều rộng tối đa là 200 hải lý đối với vùng đặc quyền kinh tế và 350 hải lý đối với thềm lục địa). Điều này trái với Công ước (Trung Quốc cũng là một bên tham gia năm 1996) vì vùng biển mà đường lưỡi bò chiếm đến 80% diện tích Biển Đông, nằm cách xa bờ biển Trung Quốc hàng nghìn km (chỗ xa nhất). Theo quy định của Công ước, các vùng biển này không thể là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc.

Thứ hai, cho đến trước khi Trung Quốc yêu sách chính thức về đường lưỡi bò (tháng 5/2009), đường này không hề được đề cập, hay được quy định trong các văn bản pháp luật của Trung Quốc như: Tuyên bố về Lãnh hải năm 1958, Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1992, Luật về đường cơ sở lãnh hải năm 1996, Luật về Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa năm 1998...

Thứ ba, yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, đã xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, của các quốc gia khác ven Biển Đông như Việt Nam, Phi-líp-pin, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Bru-nây, cũng là thành viên của Công ước.

Thứ tư, thời điểm xuất hiện của đường lưỡi bò còn chưa được các tác giả Trung Quốc thống nhất, lúc thì nói là năm 1948, lúc thì nói là năm 1947, có lúc lại nói năm 1914, nguồn gốc đường này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân, lúc thì vẽ 11 đoạn, lúc thì vẽ 9 đoạn, gần đây nhất là 10 đoạn (4/2013) một cách tùy tiện, không có tọa độ rõ ràng, không thể xác định trên thực tế. Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn giữ im lặng về việc giải thích tọa độ chính xác của các đường đứt đoạn trong yêu sách.

Thứ năm, Trung Quốc không chứng minh được là các chính quyền của họ đã thực thi chủ quyền như thế nào trong phạm vi được bao bọc bởi "đường lưỡi bò". Thực tế từ trước đến nay các nước xung quanh Biển Đông vẫn tiến hành thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của mình theo các quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; các nước trong và ngoài khu vực vẫn tiến hành các hoạt động tự do hàng không, tự do hàng hải bình thường trong khu vực đường lưỡi bò (trong đó có các vùng biển nằm ngoài các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các quốc gia xung quanh Biển Đông).

Câu 49. Quan điểm của các nước trong, ngoài khu vực và các học giả quốc tế về "đường lưỡi bò" (hay "đường 9 khúc đứt đoạn") của Trung Quốc?

Kể từ khi chính thức đưa yêu sách "đường lưỡi bò" ra Liên Hợp quốc, Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực. Các nước như Việt Nam, In-đô-nê-xia, Phi-líp-pin đã gửi công hàm chính thức phản đối yêu sách của Trung Quốc. Xin-ga-po cũng lên tiếng đề nghị Trung Quốc phải làm rõ các yêu sách biển của mình. Mỹ đã gián tiếp bác bỏ yêu sách này qua việc bác bỏ các yêu sách biển không xuất phát từ cấu trúc đất. Nhật Bản, Ấn Độ, Ôtx-trây-lia và nhiều nước khác bày tỏ quan ngại về tự do an toàn hàng hải trên vùng Biển Đông. Nhiều học giả có nghiên cứu sâu về luật biển ở các nước như Pháp, Mỹ, Ca-na-đa, Ôtx-trây-lia, Bỉ, Phi-lip-pin, In-đô-nê-xia, Xin-ga-po... đã có nhiều bài viết vạch rõ tính phi lý, mâu thuẫn, mập mờ và ngang ngược thể hiện trong yêu sách này, trong nhiều hội thảo cũng như trong các công trình nghiên cứu của mình (tham khảo thêm Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, TS. Trần Công Trục Chủ biên, NXB Thông tinn và Truyền thông, 2012).

Có thể nói, xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở khoa học, lịch sử, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được.

Câu 50. Lập trường của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông?

Giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp vì liên quan đến nhiều nước, nhiều bên. Giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông là những vấn đề mang tính toàn cục. Giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ của ta với các nước.

Chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam - Trung Quốc (cửa Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa) thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác (Trường Sa), liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác như trung gian hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài. Trong khi chờ một giải pháp cơ bản lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện DOC; nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử đụng vũ lực, ủng hộ việc các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp và thực tiễn quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng COC.

Về đề nghị "gác tranh chấp, cùng khai thác" của Trung Quốc, Việt Nam không phản đối. Việc áp dụng giải pháp tạm thời theo quy định của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có trước khi các bên đàm phán để thống nhất được một ranh giới biển cho những vùng chồng lấn được hình thành bởi các yêu sách do các bên đưa ra theo các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, Việt Nam không chấp nhận "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc là đường yêu sách để tạo thành vùng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Do vậy, không thể "cùng phát triển" trong khu vực được tạo bởi "đường lưỡi bò" lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục khai thác và bảo vệ các lợi ích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, trong đó có các hoạt động của các công ty dầu khí. Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty nước ngoài có thực lực và kinh nghiệm tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam.

Câu 51. Những nội dung chính của Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa đã được ký ngày 11/10/2011?

Ngày 11/10/2011, Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa (gọi tắt là Thỏa thuận) nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Việc ký kết Thỏa thuận có ý nghĩa hết sức quan trọng nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp. Thỏa thuận đã xác định được một số nguyên tắc cơ bản định hướng cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Một là, Thỏa thuận đã xác định căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên để giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Đây là một nội dung đặc biệt quan trọng vì nó sẽ là cơ sở pháp lý để hai bên đi vào trao đổi giải quyết vấn đề trên biển. Nếu hai bên tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc này thì nhất định sẽ tìm ra được giải pháp công bằng hợp lý mà hai bên có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

Điều 2 của Thỏa thuận cũng nêu rõ "cần tôn trọng đầy đủ các chứng cứ pháp lý" nghĩa là những bằng chứng, tài liệu mang tính pháp lý sẽ được lấy làm cơ sở chính để giải quyết các tranh chấp, còn các yếu tố khác như lịch sử, địa hình... sẽ được xem xét như một yếu tố bổ trụ trong quá trình giải quyết tranh chấp. Điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về biên giới lãnh thổ trên thế giới.

Hai là, Điều 3 của Thỏa thuận nêu rõ trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC)". Nội dung này có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Ba là, một nội dung hết sức quan trọng thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Việt Nam về phương thức giải quyết vấn đề trên biển là cả song phương lẫn đa phương đã được ghi nhận trong Điều 3 của Thỏa thuận là "đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác". Điều này có nghĩa là Việt Nam - Trung Quốc chỉ có thể giải quyết các vấn đề tranh chấp song phương giữa hai nước, như tranh chấp Hoàng Sa, cửa Vịnh Bắc Bộ, không thể giải quyết các tranh chấp liên quan đến các bên khác, như vấn đề Trường Sa. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc ký kết một văn bản chính thức trong đó nói rõ tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì phải trao đổi ý kiến với các bên đó. Nội dung này của thỏa thuận đã mở ra khả năng về giải quyết đa phương tranh chấp ở Biển Đông. Điều này là phù hợp với quan điểm chung của các nước trong và ngoài khu vực, phù hợp với thực tế tranh chấp ở Biển Đông và phù hợp với xu thế giải quyết các tranh chấp liên quan đến nhiều bên trong quan hệ quốc tế hiện đại.

Bốn là, một nội dung đáng chú ý trong Thỏa thuận là tại điều 4 hai bên xác định "trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, hai bên bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại Điều 2 của Thỏa thuận này".

Với nội dung này, hai bên đã đưa ra khả năng về một giải pháp mang tính quá độ đối với các khu vực tranh chấp, bao gồm cả việc hợp tác cùng phát triển theo nguyên tắc đã nêu ở Điều 2 của Thỏa thuận, nghĩa là căn cứ vào luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982. Giải pháp quá độ tạm thời, hợp tác cùng phát triển là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Dàn xếp tạm thời về "hợp tác cùng phát triển" được khuyến nghị trong Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Theo đó, các quốc gia khi chưa tìm được giải pháp phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thì có thể thỏa thuận về các dàn xếp tạm thời mang tính thực tiễn; các dàn xếp tạm thời không làm phương hại đến kết quả phân định cuối cùng.

Như vậy, giải pháp quá độ tạm thời, hợp tác cùng phát triển theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là phải tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tối thiểu của mỗi quốc gia ven biển. Do vậy, hợp tác cùng phát triển chỉ có thể được thực hiện ở những khu vực chồng lấn được hình thành bởi yêu sách mà các bên đưa ra theo đúng các tiêu chuẩn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Ngoài ra, Thỏa thuận đã nêu ra một số nguyên tắc khác là giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn. Hai bên cũng đã nhất trí cơ chế gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ 02 lần/năm; thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.

Câu 52. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay có những văn bản quy phạm pháp luật cơ bản nào liên quan đến biển đảo?

Để tạo điều kiện cho việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên cũng như giữ vững chủ quyền biển, đảo, đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến biển, trong đó có thể kể đến một số văn bản quan trọng sau:

- Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam các năm 1980, 1992.

- Luật Biên giới quốc gia nước CHXHCN Việt Nam số 06/2003/QH11 năm 2003.

- Luật Dầu khí năm 1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 19/2000/QH10 ngày 28/6/2000; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí số 10/2008/QH12 ngày 03/6/2008.

- Luật Thủy sản số 17/2003/QH11.

- Luật Hàng hải Việt Nam số 40/2005/QH11.

- Luật Biển Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012.

- Nghị quyết của Quốc hội ngày 23/6/1994 về việc phê chuẩn Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp quốc.

- Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam số 03/2008/PL-UBTVQH 12.

- Tuyên bố ngày 12/05/1977 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

- Tuyên bố ngày 12/11/1982 của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

- Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 26/3/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

- Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020.

Câu 53. Những nội dung cơ bản của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)?

Ngày 4/11/2002 , tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh (Cam-pu-chia), ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Đây là văn kiện chính trị đầu tiên mà ASEAN và Trung Quốc đạt được có liên quan đến vấn đề Biển Đông và được coi là bước đột phá trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc về vấn đề này. Tuyên bố DOC bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Các Bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Luật Biển 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi khác của pháp luật quốc tế, coi đây là các quy phạm cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

- Các Bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.

- Các Bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không ở Biển Đông phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982.

- Các Bên cam kết kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, trong đó, kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở.

- Trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài, các Bên cam kết tăng cường nỗ lực để xây dựng lòng tin như:

+ Tiến hành đối thoại quốc phòng,

+ Đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển,

+ Thông báo, trên cơ sở tự nguyện, cho các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự,

+ Trao đổi thông tin liên quan trên cơ sở tự nguyện.

- Trong khi tìm kiếm giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, các Bên có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực nhạy cảm như:

+ Bảo vệ môi trường biển,

+ Nghiên cứu khoa học biển,

+ An toàn và an ninh hàng hải,

+ Tìm kiếm, cứu nạn trên biển,

+ Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển và buôn lậu vũ khí. Các Bên sẽ thỏa thuận phương thức, địa điểm và phạm vi của các hoạt động hợp tác này

Các Bên khẳng định việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý sẽ cùng nhau làm việc để đạt mục tiêu này.

Câu 54. Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020?

Để tiếp tục phát huy hơn nữa các tiềm năng của biển trong thế kỷ XXI, Hội nghị lần thứ 4 ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 "Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", trong đó nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương". Nghị quyết đã xác định các quan điểm chỉ đạo của Đảng về định hướng chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cụ thể như sau:

Một là, nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Hai là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Ba là, khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động tích cực mở cửa, phát huy đầy đủ và có hiệu quả các nguồn lực bên trong; tranh thủ hợp tác quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực bên ngoài theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Câu 55. Mục tiêu cơ bản của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 theo Nghị quyết  Trung ương 4 (Khóa X)?

Nhận thức được vai trò quan trọng của biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, cùng với việc phấn đấu thực hiện mục tiêu chung là đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã xác định mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với nội dung cơ bản như sau:

Mục tiêu tổng quát: đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho đất nước giàu mạnh.

Mục tiêu cụ thể: xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế biển; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP và 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước. Cùng với xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh, sẽ xây dựng một số khu kinh tế mạnh ở ven biển; xây dựng cơ quan quản lý tổng hợp và thống nhất về biển có hiệu lực, hiệu quả, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về biển.

Câu 56. Những nhiệm vụ và giải pháp mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển?

Xuất phát từ việc phân tích tiềm năng, lợi thế, các bài học thành công và những thách thức đối với phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và trong bối cảnh tranh chấp phức tạp trên Biển Đông, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các quan điểm cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế biển nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Đó là: (1) Phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn; (2) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; (3) Thu hút mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường biển trên tinh thần chủ động, tích cực mở cửa; phát huy nội lực, thu hút mạnh ngoại lực theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, Đảng và Nhà nước ta đã định hướng triển khai các nhiệm vụ cơ bản, lâu dài và xuyên suốt là hình thành một số lĩnh vực kinh tế mạnh gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế hướng biển, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, từng bước nâng cao đời sống dân cư vùng ven biển, trên các đảo và những người hoạt động trên biển; phát triển kinh tế biển gắn với quản lý và bảo vệ biển, đảo. Nhiệm vụ trước mắt đến năm 2020, tiếp tục phát triển thành công, có bước đột phá đối với các ngành kinh tế biển ven biển, như: Khai thác và chế biến dầu khí, kinh tế hàng hải, khai thác và chế biến hải sản, du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; tạo các điều kiện cần thiết bảo đảm an ninh an toàn cho những người dân sinh sống ở những vùng thường bị thiên tai; xây dựng các cơ sở bảo vệ môi trường biển.

Các giải pháp chung cần phải thực hiện, trước tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, thường xuyên và có hệ thống trong nhân dân nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của biển đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc. Ý thức và nhận thức về biển phải được thế hiện rõ và đầy đủ trong chính sách phát triển của các ngành có liên quan và các địa phương có biển.

Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển hợp lý gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tăng cường hiện diện dân sự trên các vùng biển, đảo của tổ quốc gắn với tổ chức dân cư, tổ chức sản xuất và khai thác biển cùng với ban hành các chính sách đặc biệt để khuyến khích nhân dân định cư ổn định trên đảo và làm ăn dài ngày trên biển.

Đẩy mạnh điều tra cơ bản và phát triển khoa học - công nghệ biển mạnh và hiện đại gắn với việc xây dựng và quản lý tốt cơ sở dữ liệu biển quốc gia phục vụ việc hoạch định chính sách, quy hoạch khai thác, sử dụng biển, đảo; tăng cường năng lực giám sát, quan trắc giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo.

Triển khai quy hoạch khai thác, sử dụng biển và hài đảo ở các cấp độ khác nhau đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, thiếu quy hoạch, góp phần giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng.

Quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả về biển và hải đảo. Trước hết cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, quản lý khai thác sử dụng các vùng biển, ven biển và hải đảo. Ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo cho phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, sớm thể chế hóa phương thức quản lý nhà nước tổng hợp về biển và hải đảo, làm cơ sở cho việc thống nhất quản lý nhà nước đối với biển và hải đảo, gắn với tăng cường năng lực cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo từ Trung ương xuống địa phương cả về số lượng và chất lượng.

Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về biển để tranh thủ công nghệ tiên tiến, thu hút thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học -công nghệ biển, cho khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên biển, quản lý và bảo vệ môi trường biển. Nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế biển và sản phẩm biển của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bảo đảm chất lượng môi trường biển cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội biển thông qua tăng cường kiểm soát môi trường biển; quản lý và xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ các lưu vực sông ven biển và từ các hoạt động kinh tế biển. Phòng ngừa và sẵn sàng ứng cứu các sự cố môi trường biển, các vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc; ngăn ngừa suy thoái và phục hồi các Hệ sinh thái đã bị mất, đã bị suy thoái; triển khai Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2010.

Chủ động phòng ngừa và thực thi các biện pháp thích ứng, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo. Khuyến khích sự chủ động tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình nói trên và cải thiện sức chống chịu của vùng ven biển, hải đảo trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Câu 57. Một số thành tựu của các lĩnh vực kinh tế biển chủ yếu của Việt Nam?

Trong thời gian qua, dựa trên lợi thế về tài nguyên biển, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, biện pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực kinh tế biển chủ yếu của Việt Nam và đã đạt được những thành tựu cơ bản, tạo đà cho các giai đoạn phát triển tiếp sau. Quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên rõ rệt, có bước phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%. Ngoài các ngành kinh tế biển truyền thống như thủy sản, hàng hải, du lịch, điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, diêm nghiệp,... vừa qua cơ cấu ngành, nghề cũng thay đổi cùng với sự xuất hiện ngành lĩnh vực kinh tế mới. Đáng kể là các lĩnh vực như: khai thác dầu khí, kinh tế đảo, kinh tế ven biển, kinh tế bảo tồn, tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn, quản lý nhà nước về biển, lĩnh vực đối ngoại và biên giới lãnh thổ trên biển; chế biến dầu khí, chế biến thủy sản,...

Ngoài đội tàu, ngành hàng hải đã có hệ thống khoảng 90 cảng biển lớn nhỏ với tổng năng lực hàng hóa thông qua gần 100 triệu tấn/năm. Các ngành vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, xuất khẩu thuyền viên,... bước đầu cũng đã đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Ngành du lịch biển cũng phát triển khá mạnh, hàng năm thu hút khoảng gần 15 triệu lượt khách, trong đó có hơn 3 triệu khách nước ngoài, bằng 73% số khách du lịch nước ngoài của cả nước, đạt tốc độ tăng bình quân 13%/năm; giải quyết việc làm cho hơn 15 vạn lao động. Hoạt động khai thác dầu khí được duy trì tại các mỏ ở thềm lục địa phía nam. Sản lượng dầu thô khai thác ở nước ta tăng hàng năm 30%. Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu khí trong nước thời gian tới sẽ chống lại và sẽ giảm đến mức 13 triệu tấn (năm 2025).

Vùng biển và ven biển có đóng góp lớn vào xuất khẩu, thu ngoại tệ, chủ yếu từ lĩnh vực dầu khí và thủy sản. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như đóng và sửa chữa tàu biển, chế biến dầu khí, chế biến thủy, hải sản, thông tin liên lạc,...bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô còn rất nhỏ bé (chỉ chiếm khoảng 2% của kinh tế biển), dự kiến tăng trong tương lai. Đặc biệt, trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng mở, bước đầu đã hình thành 15 khu kinh tế (KKT) ven biển - là các trung tâm phát triển kinh tế hướng biển (Bảng l). Đây là những khu vực phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển,… Để tăng cường và tập trung đầu xây dựng các KKT ven biển trọng điểm, tháng 8/2012 Chính phủ đã ra quyết định chọn 5 nhóm KKT ven biển để ưu tiên đầu tư: Nhóm Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng), Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai - Dung Quất (Quảng Nam - Quảng Ngãi) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Bảng 1: Các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020

1. Khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh)

9. Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi)

2. Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng)

10. Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định)

3. Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa)

11. Khu kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên)

4. Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An (Nghệ An)

12. Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa)

5. Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)

13. Khu kinh tế Phú Quốc (Kiên Giang)

6. Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình)

14. Khu kinh tế Định An (Trà Vinh)

7. Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế)

15. Khu kinh tế Năm Căn (Cà Mau)

8. Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)

Nguồn: Quyết định số 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam đến năm 2020".

Ở một số hải đảo đã có bước phát triển mới, vai trò kinh tế của các đảo tăng lên rõ rệt và tạo ra một lĩnh vực kinh tế đảo đầy triển vọng. Hiện nay, trong 12 huyện đảo thì 66 đảo có dân sinh sống với tổng số trên 240.000 người, mật độ dân số trung bình trên các đảo là 95 người/km2, kết cấu hạ tầng được tăng lên rõ rệt, hình thành hệ thống giao thông trên đảo, nhiều đảo gần bờ có điện lưới, đảo xa bờ có máy phát điện, điện mặt trời và cơ sở cung cấp nước ngọt. Có nhiều đảo sẽ phát triển thành những trung tâm kinh tế hướng biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc,...

Công tác điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển được triển khai định kỳ 5 năm đã cung cấp những hiểu biết khái quát các đặc trưng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên biển. Đặc biệt, Việt Nam đã chú ý thực hiện các cam kết quốc tế, đẩy mạnh công tác bảo tồn biển, hướng tới phát triển kinh tế sinh thái biển. Đến nay, khoảng 13/28 vườn quốc gia, 22/55 khu bảo tồn thiên nhiên, 17/34 khu rừng văn hóa lịch sử và môi trường nằm ở vùng ven biển và trên các hải đảo ven bờ. Các khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận đến nay đại đa số nằm ở vùng bờ biển, như: rừng ngập mặn Cần Giờ, vùng quan đảo Cát Bà, vùng cửa sông Hồng và sông Cửu Long,... Quy hoạch hệ thống 16 khu bảo tồn biển (KBTB) được Chính phủ phê duyệt năm 2010. Năm 1994 vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới, năm 2003 vịnh Nha Trang và năm 2009 vịnh Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh đẹp của thế giới. Ngoài ra, các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới như khu phố cổ Hội An, khu thành cổ Huế, Thánh địa Mỹ Sơn và động Phong Nha đều nằm ở vùng ven biển. Du lịch lặn bắt đầu phát triển ở Nha Trang dựa trên cơ sở khai thác các giá trị dịch vụ của HST biển.

Lĩnh vực quản lý nhà nước về biển và hải đảo mới được thiết lập từ năm 2008. Đây là lĩnh vực mới tập trung vào quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất đối với biển và hải đảo. Kéo theo đó, hệ thống quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở nước ta đã được hình thành từ Trung ương xuống địa phương. Nghị định số 25/2009/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 06 tháng 3 năm 2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo được xem là văn bản chính sách đầu tiên đề cập (tuy chưa đầy đủ) đến cách tiếp cận quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Ngày 02/7/2012, Chủ tịch nước đã ký lệnh Công bố Luật Biển Việt Nam.

Công tác đối ngoại và biên giới lãnh thổ liên quan đến biển cũng có thể xem là một lĩnh vực quản lý nhà nước mang tính đặc thù ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Thời gian vừa qua chúng ta đã ký kết được một số thỏa thuận phân định và hợp tác trên biển với các nước láng giềng nhằm duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia ký kết các văn kiện mang tính chất quốc tế và khu vực về Biển Đông như Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; Công ước về Tổ chức Hàng hải quốc tế IMO, các công ước Nghề cá bảo tồn sinh vật biển; triển khai một số dự án hợp tác song phương và đa phương về biển với các nước liên quan.

Câu 58. Thực trạng ngành khai thác khoáng sản trên thềm lục địa (ngoài dầu khí) ở Việt Nam hiện nay?

Đến nay, ngoài dầu khí, khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn đã được phát hiện. Chúng thuộc các nhóm: nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và bán quý phân bố dọc ven biển, sườn bờ và dưới đáy biển.

Những phát hiện sa khoáng nguyên tố hiếm gần đây ở vùng cát ven biển và biển ven bờ nam Trung Bộ cho thấy trữ lượng các sa khoáng nói trên khá lớn. Từ đây sẽ khai thác các nguyên tố hiếm nguyên liệu rất quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng và vũ trụ - với tổng giá trị dự tính không thua kém giá trị của dầu khí đã biết đến nay ở nước ta. Các mỏ sa khoáng ven biển được khai thác từ thời Pháp thuộc như ở mỏ Bình Ngọc (Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh), Vĩnh Mỹ (Huế), gần đây liên doanh với nước ngoài khai thác sa khoáng Kỳ Anh,... Sa khoáng Nam Trung bộ đang chứng kiến hiện tượng khai thác nhỏ, lẻ vô tổ chức, khiến cho suy giảm tài nguyên và sẽ tác động lâu dài đến môi trường khu vực.

Khai thác cát ven biển làm vật liệu xây dựng cũng được tiến hành ở nhiều nơi do loại cát này giàu thạch anh, ít tạp chất, nhưng thuộc loại cát mặn, nên việc sử dụng chúng vẫn có nhiều hạn chế và mang tính địa phương. Các mỏ vật liệu xây dựng khác tìm thấy ở đáy biển với trữ lượng lớn nhưng việc khai thác chúng đòi hỏi công nghệ cao và bảo vệ vùng biển, nên chưa được tiến hành.

Khai thác cát thủy tinh nổi tiếng là ở mỏ Vân Hải từ thời Pháp thuộc, sau này chỉ khai thác ở quy mô địa phương. Khai thác cát thủy tinh được tiến hành hiện nay ở Cam Ranh liên doanh với Nhật Bản.

Nghề làm muối ở nước ta đã có từ lâu đời và là nghề còn thủ công. Hiện nay hoạt động làm muối từ nước biển được tiến hành trên khoảng 60.000 ha ruộng muối biển. Muối biển không chỉ rất cần cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, mà còn cho các ngành công nghiệp và y học. Ngoài ra, nước biển để nuôi trồng thủy sản, để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh,...

Câu 59. Tiềm năng và vai trò của ngành du lịch biển đối với kinh tế Việt Nam hiện nay?

Vùng biển Việt Nam có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch biển, ven biển và đảo với nhiều loại hình du lịch khác nhau. Du lịch đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế biển ở nước ta, đang là hướng ưu tiên phát triển và có mức tăng trưởng khá rõ rệt trong những năm gần đây. Đặc điểm địa hình ven biển tạo nên nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch trên suốt chiều dài đất nước như đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả… xen kẽ với các mũi nhô và vũng, vụng ven bờ với khoảng 126 bãi cát biển đẹp, trong đó khoảng 20 bãi cát biển đạt tiêu chuẩn quốc tế, dài 16 km, chưa kể đến hàng trăm bãi biển nhỏ, đẹp, nằm ven các vụng tĩnh lặng ven các đảo hoang sơ có thể phát triển loại hình du ngoạn, picnic,... Vùng biển ven bờ tập trung tới trên 2.500 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo/cụm đảo có giá trị du lịch như Quan Lạn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, vịnh Nha Trang, Cù Lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc,...

Vùng biển nước ta giàu tiềm nang bảo tồn với những giá trị sinh thái tập trung chủ yếu ở hệ thống 13/28 vườn quốc gia; 22/55 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 2 khu bảo tồn biển là Hòn Mun (Khánh Hoà) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam); 17/34 khu rừng văn hóa lịch sử và môi trường ở vùng ven biển và hải đảo ven bờ, trong đó tiêu biểu là di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; rừng ngập mặn Cần Giờ và vùng quần đảo Cát Bà là khu dự trữ sinh quyển thế giới,... Danh mục 16 khu bảo tồn biển đã được quy hoạch và được Chính phủ phê duyệt. Du lịch lặn đã bắt đầu phát triển ở Nha Trang dựa trên cơ sở khai thác các giá trị dịch vụ của rạn san hô.

Câu 60. Các loại hình du lịch biển ở Việt Nam?

Với tư cách là một trong 5 lĩnh vực kinh tế biển quan trọng được xác định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, du lịch và kinh tế đảo ngày càng khẳng định vị trí của mình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và đối với bản thân sự phát triển ngành du lịch nói riêng.

Du lịch biển phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội dải ven biển, nơi hiện có khoảng 21,2 triệu người trong độ tuổi lao động và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.

Ở Việt Nam du lịch biển có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định 7 khu vực trọng điểm ưu nên phát triển du lịch, trong số đó đã có tới 5 khu vực thuộc vùng ven biển. Mặc dù cho đến nay, nhiều tiềm năng du lịch biển đặc sắc, đặc biệt là hệ thống đảo ven bờ, chưa được đầu tư khai thác tương xứng, nhưng ở khu vực ven biển đã phát triển khoảng 70% các khu điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút từ 70 - 80% lượng khách du lịch. Thu nhập từ hoạt động du lịch biển chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch cả nước. Điều này đã khẳng định vai trò của du lịch biển đối với sự phát triển chung của du lịch Việt Nam.

Căn cứ vào đặc điểm địa lý lãnh thổ nơi diễn ra hoạt động du lịch, có thể được chia thành du lịch biển, du lịch núi, du lịch cao nguyên,... Du lịch biển là hoạt động du lịch được tổ chức phát triển trên lãnh thổ vùng ven biển và vùng biển ven bờ (bao gồm cả các đảo ven bờ) và vì vậy hoạt động phát triển du lịch biển chủ yếu dựa vào đặc điểm tự nhiên và tiềm năng du lịch của lãnh thổ địa lý này. Biển, vùng ven biển và hải đảo nước ta đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, giàu có về đa dạng sinh học và các hệ sinh thái cho nên các loại hình du lịch cũng khá phong phú và đa dạng. Bao gồm du lịch ngắm xem (bằng du thuyền và lặn), du ngoạn, nghỉ dưỡng, tắm biển, văn hóa biển, khoa học biển, du lịch hang động, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn biển, đảo; du lịch thể thao biển (còn chưa phát triển nhiều) và các loại hình du lịch picnic,...

Câu 61. Thế nào là vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn trên biển?

Theo Bộ Luật Hàng hải ngày 14/6/2005 của nước ta, những hành vi sau được coi là hành vi vi phạm an toàn, an ninh, trật tự trên biển (điều 10):

1. Hành vi gây phương hại hoặc đe dọa phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia;

2. Hành vi vận chuyển người, hàng hóa, hành lý, vũ khí, chất phóng xạ, chất phế thải độc hại, chất ma túy trái với quy định của pháp luật;

3. Hành vi cố ý tạo chướng ngại vật gây nguy hiểm hoặc làm cản trở giao thông hàng hải;

4. Sử dụng, khai thác tàu biển không đăng ký đăng kiểm hoặc quá hạn đăng ký, đăng kiểm; giả mạo đăng ký, đăng kiểm;

5. Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép;

6. Gây ô nhiễm môi trường;

7. Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm người trên tàu biển; chiếm đoạt, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trên tàu biển; bỏ trốn sau khi gây tai nạn hàng hải;

8. Gây mất trật tự công cộng, cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ trên tàu biển và tại cảng biển.

Câu 62. Những quy định ngư dân phải tuân thủ khi tham gia đánh bắt thủy sản ở những vùng biển chồng lấn ?

Hiện nay vẫn còn đang tồn tại một số vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một số nước trong khu vực như: Campuchia, Thái Lan, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xia. Đến nay, Việt Nam đã ký kết được với một số nước trong khu vực các thỏa thuận phân định ranh giới và hợp tác trên biển sau: (l) ký Hiệp định về vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia năm 1982 ; (2) ký thỏa thuận hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xia năm 1992; (3) ký hiệp định phân định ranh giới trên biển với Thái Lan năm 1997; (4) ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa và Hiệp định về hợp tác nghề cá với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ năm 2000; (5) ký hiệp định phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xia năm 2003.

Cho đến nay Việt Nam chưa có thỏa thuận nào về việc khai thác thủy sản chung trên các vùng biển chồng lấn với các nước láng giềng. Tuy nhiên, khi được phép khai thác thủy sản trên các vùng biển chồng lấn, ngư dân phải tuân thủ những quy định chung về bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên nguyên tắc phát triển bền vững (không sử dụng phương pháp, công cụ, ngư cụ khai thác thủy sản mang tính tận thu, hủy diệt; không gây tác động xấu đến môi trường sống của các loài thủy sinh; tuân thủ luật pháp của Việt Nam và nước có vùng biển chồng lấn,...). Ngoài ra, tùy thuộc thỏa thuận giữa Việt Nam và nước láng giềng có vùng biển chồng lấn mà có những quy định cụ thể khác, như:

Với Campuchia, đây là vùng nước lịch sử, việc khai thác thủy sản của nhân dân địa phương hai nước trong vùng biển này vẫn theo tập quán làm ăn từ trước tới nay.

Với Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ phải theo Hiệp định hợp tác nghề cá giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa, trong đó quy định cụ thể khai thác thủy sản ở vùng đánh cá chung, vùng dàn xếp quá độ; thủ tục xin cấp Giấy phép, nộp lệ phí; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh trú bão,...

Câu 63. Những thách thức và hạn chế trong phát triển kinh tế biển của Việt Nam?

Bên cạnh những thành tựu, thời gian qua phát triển kinh tế biển và bảo tồn tính bền vững của biển ở nước ta còn gặp không ít thách thức, hạn chế:

Một là, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế. Đầu tư xây dựng các khu kinh tế ven biển còn tràn lan, thiếu trọng tâm trọng điểm.

Hai là, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp như các cảng biển,...; thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.

Ba là, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ. Các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng như: quản lý không gian biển (marine spatial management), quy hoạch sử dụng biển (sea-use planning) bao gồm hải đảo và vùng ven biển giống như quy hoạch sử dụng đất (land-use planning) áp dụng trên đất liền. Đặc biệt còn ít chú ý nghiên cứu công nghệ biển tiên tiến.

Bốn là, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích (benefit conflict) trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển và hải đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và hải đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển. Cách tiếp cận "nóng" trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở các lĩnh vực kinh tế biển: chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.

Năm là, môi trường biển bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng,...

Sáu là, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Các hệ sinh thái biển quan trọng (RSH, RNM, TCB) bị suy thoái, bị mất habitat và bị thu hẹp diện tích. Các quần đảo có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông-biển ở vùng cửa sông ven bờ, do mất đến 60% các nơi cư trú tự nhiên quan trọng. RNM mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% RSH trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với TCB. Đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong RNM bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 01 ha RNM trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thủy sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 (1990) xuống 0,34 tấn/CV/năm (2005). Trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ.

Bảy là, đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu "điền tư, ngư chung" và chủ yếu quản lý theo ngành (sectoral management) thông qua các luật pháp, chính sách ngành như nói trên. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển, chính sách quản lý thiếu đồng bộ, trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp. Sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển,... chậm được triển khai để quản lý hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng biển, hải đảo.

Tám là, ngoài thiên tai biển xảy ra thường xuyên, Việt Nam còn là một trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ.

Những thách thức nói trên đã, đang và nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững, và khả năng công nghiệp hóa, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển ở Việt Nam trong thời gian tới.

Câu 64. Vài nét về hệ thống cảnh báo sóng thần Việt Nam?

Về gốc gác, thuật ngữ "sóng thần" xuất phát từ tiếng Nhật tsunami để chỉ các đợt sóng tạo nên khi một thể tích lớn của nước đại dương bị chuyển dịch "ngang" chớp nhoáng trên một quy mô lớn. Thuật ngữ này do các ngư dân đặt ra dù lúc đó họ không biết nguyên do là sóng xuất phát ở ngoài xa khơi. Cơn sóng thần khởi phát từ dưới đáy biển sâu chủ yếu do ảnh hưởng của động đất và các dịch chuyển địa chất lớn (núi lửa phun, va chạm các mảng vỏ đại dương, tách dãn đáy đại dương,...) mà các nhà khoa học gọi là "hải chấn". Khi còn ở ngoài xa khơi, chiều cao sóng khá nhỏ và chiều dài sóng lại rất lớn, đến hàng trăm kilômét. Vì vậy, khi ở xa bờ biển, đi trên tàu người ta cũng khó nhận diện ra nó, mà chỉ cảm nhận như một "cơn sóng cồn" trải dài với các rung lắc nhẹ. Sóng thần diễn biến rất khác biệt, chứa năng lượng cực lớn, lan truyền với tốc độ cao và có thể vượt khoảng cách lớn qua đại dương mà chỉ mất rất ít năng lượng. Một trận sóng thần có thể gây ra thiệt hại trên bờ biển cách hàng nghìn cây số nơi nó phát sinh, vì thế chúng ta vẫn có thể có thời gian chuẩn bị từ khi nó hình thành tới lúc ập vào một khu vực bờ biển nào đó. Cho nên, vẫn có thể dự báo và cảnh báo thời gian và sức mạnh của nó từ nơi xảy ra cho đến những khu bờ biển bị tấn công.

Tại khu vực Thái Bình Dương, hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế gồm hai trung tâm đầu não là: Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ (đặt tại đảo Hawaii) và Trung tâm tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng - Thủy văn Nhật Bản. Việt Nam và các nước Đông Nam Á thuộc ven bờ Tây Thái Bình Dương chưa có đủ điều kiện trang thiết bị và năng lực quan trắc và phát hiện sóng thần từ giữa Thái Bình Dương, nên phải khai thác, sử dụng thông tin trực tiếp từ các trung tâm đầu não nói trên.

Từ bài học của các nước chịu thảm họa sóng thần Sumatra năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã tập trung chỉ đạo việc ứng phó với thảm họa này nếu xảy ra. Ngày 06/11/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, và sau đó ngày 29/5/2007 lại tiếp tục ban hành Quy chế về phòng chống động đất - sóng thần. Ngày 04/9/2007, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập - là cơ quan duy nhất đến nay được Chính phủ giao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Ngay sau đó Trung tâm đã trở thành thành viên chính thức của hệ thống cảnh báo sóng thần khu vực và quốc tế. Trung tâm làm việc theo chế độ trực ca 24/24 để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất - sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất chỉ sau 3-5 phút sau khi động đất xảy ra. Theo Quy chế của Chính phủ, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ Richte trở lên, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam phải thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền thông và ứng phó nhanh nhất để phối hợp hành động, đầu tiên là: Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm và Cứu nạn. Ngoài ra, các cơ quan được cấp tin động đất, sóng thần là: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Website Chính phủ.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam đã được "thử sức" qua đợt động đất - sóng thần xảy ra ở Nhật Bản năm 2011: sóng địa chấn từ trận động đất mạnh xảy ra tại Nhật Bản đã được Việt Nam phát hiện chỉ sau 2-3 phút với các thông số được xác định như độ lớn, tọa độ chấn tâm và độ sâu chấn tiêu. Một số trận động đất khác ở Nhật Bản và Việt Nam gần đây cũng đã được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam ghi nhận và cung cấp với sai số chỉ khoảng 0,1 so với thông tin của Trung tâm Số liệu động đất Hoa Kỳ.

Cùng với sự trưởng thành nhanh chóng của hệ thống cảnh báo sóng thần của Việt Nam, Chính phủ vẫn cần tiếp tục đầu tư mở rộng và hiện đại hóa hệ thống các trạm địa phương, trạm quan trắc mực nước biển ven bờ và Mạng lưới báo tin - cảnh báo và ứng phó với động đất - sóng thần quốc gia. Phấn đấu xây dựng hoàn thiện một hệ thống cảnh báo động đất - sóng thần quốc gia đồng bộ và đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế trong tương lai gần.

Câu 65. Việt Nam có những hoạt động phối hợp chung nào với các quốc gia trong khu vực nhằm bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông?

Việt Nam nhận thức sâu sắc được việc duy trì hòa bình và bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông chính là để duy trì hòa bình và bảo vệ trật tự, an ninh của cả khu vực; đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông cũng như các quốc gia khác trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực phối hợp chung với các nước trong khu vực tiến hành một số hoạt động như:

- Việt Nam tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, một số Công ước đa phương khác liên quan đến giao thông hàng hải, an toàn trên biển.

- Tích cực thúc đẩy ký kết và kêu gọi các bên nghiêm túc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002 (DOC). Tháng 7/2011, tại In-đô-nê-xia trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM-44), Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các bên đạt được sự nhất trí và chính thức thông qua Quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - một văn kiện quan trọng có tính chất ghi dấu cho sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN đối với vấn đề Biển Đông, đồng thời đặt nền tảng cho việc hướng tới một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, đó là Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).

- Bên cạnh đó Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam cũng hợp tác với Hải quân, Cảnh sát biển các nước láng giềng như: Trung Quốc, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan... tiến hành tuần tra chung, thiết lập đường dây nóng, hợp tác, diễn tập cứu hộ, cứu nạn... Các hoạt động này đã đạt được nhiều kết quả, đem lại lợi ích thiết thực cho hải quân và nhân dân các nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước và xây dựng môi trường hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hàng năm, Việt Nam đón các tàu Hải quân của các nước tới thăm như: Ấn Độ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản; Trung Quốc, Mỹ, Nga,...

- Việt Nam đã tiến hành hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng chồng lấn với Ma-lai-xi-a; Việt Nam, Trung Quốc và Phi-líp-pin đã ký và triển khai Hiệp định "Ba bên liên hợp thăm dò địa chấn ở khu vực biển thoả thuận ở Biển Đông" năm 2005.

- Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực tham gia các diễn đàn khu vực (ASEAN+1, ASEAN+3, ADM, ADMM, ARF, EAS,...) các Hội nghị, Hội thảo quốc tế và đưa ra các sáng kiến, đề xuất có ý nghĩa thiết thực nhằm duy trì hòa bình, bảo vệ trật tự, an ninh trên Biển Đông.

Câu 66. Vài nét về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 01 đến ngày 07 tháng 6 hàng năm)?

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vì sự phát triển bền vững đất nước, cũng như ý nghĩa trọng đại của Ngày Đại dương Thế giới 8/6, năm 2008, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, ngay từ những tháng đầu thành lập đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép tổ chức một Tọa đàm về ngày này. Cuộc tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam. Và những người tham gia tọa đàm nhận thấy cần phải tổ chức Tháng hoặc Tuần lễ biển đảo cho Việt Nam để có những hành động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Trong quá trình soạn Nghị định Chính phủ về Quản lý tổng hợp tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý đề xuất của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa vào dự thảo nghị định này "Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6 và Ngày Môi trường Thế giới 5/6". Ngày 06/3/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, trong đó có yêu cầu tổ chức hàng năm "Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam" để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6.

Biển và đại dương là nơi dự trữ cuối cùng của loài người về các nguồn lương thực, thực phẩm, năng lượng và nguyên nhiên liệu. Nhưng sự hiểu biết kỹ lưỡng về chúng lại chủ yếu thuộc về các nhà khoa học và các nhà quản lý chuyên ngành, trong khi để quản lý, khai thác lâu dài nguồn lợi khổng lồ này lại cần đến sự tham gia của các bên liên quan, của người dân ven biển và của toàn xã hội.

Biển nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi nương tựa của hàng chục triệu người dân đất Việt, là không gian sinh tồn của dân tộc, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng trên biển của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế,... Vì vậy, việc tổ chức thành công hàng năm "Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam" với các hoạt động thiết thực đối với đất nước và bắt nhịp với yêu cầu thời đại, sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, toàn hệ thống chính trị và từng người dân về chức năng, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển và đại dương đối với sự phát triển bền vững đại dương, đối với việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Từ đó khơi dậy ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, lòng tự hào, ý thức dân tộc của mọi người dân Việt Nam đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, đối với chính cuộc sống của cộng đồng và đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển lâu dài của đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển" theo tinh thần Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020.

Ngày 12/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 950/TTg-KTN công nhận Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương ven biển tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ ngày 01 đến ngày 08 tháng 6 hàng năm để hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới (8/6).

Từ đó tới nay Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thế mạnh và tiềm năng của biển hải đảo Việt Nam, nhằm khơi dậy ý thức trách nhiệm với biển và chủ quyền vùng biển đất nước. Thông qua những hoạt động thiết thực được tổ chức, sự kiện đã thu hút và tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội.

Việc Chính phủ chính thức cho phép Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức kịp thời Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam từ năm 2009 (từ ngày 1-8/6) phải được xem là một "mốc sự kiện" có ý nghĩa lịch sử trong lĩnh vực quản lý biển và hải đảo không chỉ ở nước ta, mà cả đối với cộng đồng đại dương thế giới.

                                                                                                     Nguyệt Anh (Tổng hợp)

(Nguồn: Sách 100 câu hỏi- đáp về Biển, Đảo- Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông)