Vi sinh vật trong xử lý rác thải

Sau khi tham gia các lớp tập huấn về hướng dẫn xử lý rác thải hữu cơ bằng vi sinh IMO, chị Nguyễn Thị Thơi (thôn Phú Ninh, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) áp dụng thực hành tự làm vi sinh IMO để xử lý rác thải tại nhà.

Chị Nguyễn Thị Thơi cho biết, IMO có rất nhiều công dụng trong cuộc sống, song phổ biến nhất là xử lý được mùi hôi, thanh lọc không khí ô nhiễm tại các bãi rác, chuồng trại, cống rãnh. Từ rác thải nếu làm theo quy trình IMO còn có thể sản xuất phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ... với chi phí rẻ tiền, dễ làm.

Vi sinh vật trong xử lý rác thải

Các hội viên trong thôn Phú Ninh đang tạo chế phẩm vi sinh IMO

Hiện nay, mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh IMO nhận được nhiều sự quan tâm của các hộ dân trên toàn xã. Việc sử dụng các men sinh học làm phân bón không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo sức khỏe người dân và người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Người dân có thể tự pha chế tại nhà theo công thức, nguyên liệu có sẵn.

Theo chị Thơi, các nguyên liệu để tạo chế phẩm vi sinh IMO đều thuộc những nguyên liệu có chi phí thấp, dễ tìm kiếm như nước, chế phẩm giống, chế phẩm rượu, cám gạo, sữa chua, chuối chín và nước sạch... Chỉ với mức chi phí khoảng 50.000đ - 60.000đ mua nguyên liệu là có thể tạo ra khoảng 20 lít chế phẩm gốc vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ trong sinh hoạt, phân chuồng trong chăn nuôi, khử mùi hôi từ nước thải... Tùy theo mục đích của người dân, từ chế phẩm này có thể pha loãng với nước sạch làm nước xịt khử mùi hôi có trong không khí hoặc có thể dùng trong ủ phân bón sinh học hay chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.

Vi sinh vật trong xử lý rác thải

Chị Nguyễn Thị Thơi đã áp dụng thực hành tự làm vi sinh IMO để xử lý rác thải tại nhà

Sau khi tham gia tập huấn, chị Thơi đã áp dụng các kiến thức được học và về thực hành xử lý rác thải tại nhà để tạo thành phân bón hữu cơ tươi cho rau màu, đồng thời sử dụng IMO xử lý mùi hôi công rãnh và chuồng trại chăn nuôi của gia đình. "Cách làm này đã mang lại hiệu quả "kép", vừa không có rác thải ra môi trường lại vừa có phân bón cho cây rau. Chính vì thế tôi đã cùng Ban Chấp hành Chi hội tuyên truyền chị em phụ nữ trên địa bàn tích cực thực hiện. Và rất vui khi chị em hội viên nhiệt tình hưởng ứng", chị Thơi vui mừng cho biết.

Bằng hiệu quả và sự lan tỏa với cách làm hay, khoa học, mô hình xử lý vi sinh do chị Thơi thực hành đã được chị em phụ nữ trong cho Hội triển khai tích cực. Hiện tại, trong thôn đã có 180 hộ gia đình đăng ký làm theo và là thôn đứng đầu trong việc áp dụng công nghệ vi sinh IMO để xử lý rác thải tại nhà, góp phần bảo vệ môi trường được cấp trên ghi nhận và đánh giá cao. Tâm huyết về quy trình xử lý IMO mang lại giá trị cao cho việc bảo vệ môi trường, chị Thơi đã kiên trì "cầm tay chỉ việc" cho nhiều hội viên phụ nữ để chị em làm đúng quy trình, đạt được hiệu quả như mong muốn.

Hiện nay, mô hình xử lý rác thải tại nguồn vi sinh IMO đã được nhân rộng trong các cấp hội phụ nữ toàn huyện Gia Bình. Chị Thơi còn tham gia các lớp tập huấn để hướng dẫn hội viên thực hiện. Để mô hình có được hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, chị Thơi mong muốn các cấp hội tiếp tục tạo điều kiện mở lớp tập huấn rộng rãi tới các chi hội và cung cấp đầy đủ tài liệu tập huấn về quy trình sản xuất IMO để giúp chị em hội viên và bà con thực hiện đúng quy trình đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Chế phẩm IMO (Vi sinh vật bản địa) là loại chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương. Chế phẩm có tên tiếng Anh là Indigenous Microorganism, tên gọi khác là vi sinh vật bản địa, được viết tắt là IM hoặc IMO.

Nguồn: phunuvietnam.vn/

Vi sinh vật trong xử lý rác thải
Mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh không gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Trước thực trạng rác thải đang làm nguy hại đến môi trường, Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ sinh học (từ năm 2019 đến nay)” với tổng kinh phí là 2 tỷ.

Đến nay, các đơn vị đã nghiên cứu ra mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh không gây ô nhiễm môi trường, đây là mô hình chế xuất rác thải sinh hoạt thành hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất đồ nhựa dân dụng và mùn hữu cơ để bón cho cây trồng nông nghiệp, giảm chi phí xử lý rác thải từ ngân sách địa phương.

Thường Xuân là huyện miền núi khó khăn, mỗi ngày huyện có khoảng 50 tấn rác thải sinh hoạt được tập kết về bãi rác làm cho bãi rác trung tâm thị trấn ngày càng tăng về số lượng.

Do đó, việc thực hiện đề tài trên đã tìm ra mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh để giảm thiểu khối lượng chôn lấp, cũng như chất đốt, tái tạo nguồn tài nguyên, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng thêm hiệu quả kinh tế cho địa phương.

Ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn cho biết: Đơn vị và Ủy ban Nhân dân huyện Thường Xuân đã phối hợp nghiên cứu ra chủng men mới, sau đó đầu tư dây truyền đưa tách lọc rác bằng công nghệ cơ khí kết hợp men vi sinh.

[Giảm rác thải nhựa: Bắt đầu từ những hành động đơn giản nhất]

Qua đó, tách lọc được nylon túi bóng, từ đó chế xuất ra hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất ra đồ gia dụng; lọc ra mùn hữu cơ để dùng bón cho cây trồng, giảm thiểu được ô nhiễm môi trường.

Anh Phan Văn Dũng, thôn Xuân Quang, xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa cho hay trước đây, bãi rác huyện Thường Xuân bị ô nhiễm nặng, sau khi có công nghệ xử lý rác thải mới, môi trường đã trong sạch hơn, vấn đề ruồi, muỗi ô nhiễm được khắc phục rõ rệt. Người dân quanh vùng đã không còn lo nguồn nước bị ô nhiễm.

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân huyện Thường Xuân, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn nghiên cứu ra chủng men mới, nguồn gốc của chủng men này là sự kết hợp của các chủng men được nhà nước công nhận sau thí nghiệm, sau đó pha trộn ra chủng men mới, chủng men này có tác dụng ủ và đưa rác lên 80 độ C, từ đó rác đã không còn ô nhiễm.

Hiện mô hình xử lý rác bằng công nghệ vi sinh có thể xử lý được rác ô nhiễm với quy mô 50-100 tấn/ngày, chi phí thực hiện thấp, tổng mức đầu tư một mô hình gồm bãi, dây truyền, men khoảng 3 tỷ đồng nên bất cứ địa phương nào cũng có thể áp dụng mô hình này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Xuân cho biết: "Ưu điểm của công nghệ xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học men vi sinh này là không cần nhiều diện tích, đảm bảo môi trường cho công nhân sản xuất rác cũng như, vấn đề tập kết rác thành đống không còn. Sau khi rác từ các hộ gia đình, xã, thị trấn được đưa về bãi, chúng tôi đã phun men trong 1-2 tiếng và xử lý đến khi không còn ruồi, mùi hôi. Sau khi phun men 30 ngày, rác được đem vào tách lọc ra các sản phẩm hạt nhựa, mùn và các sản phẩm khác."

Bên cạnh đó, mô hình này có kết hợp với việc nuôi giun quế sống trong rác làm mùn hữu cơ, hiện đã cung cấp ra thị trường 2 sản phẩm đó là mùn dùng bón cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, cây lâm nghiệp và giun quế chiết xuất ra tinh dịch giun để xuất khẩu ra Ấn Độ. Hiện nay, mô hình này đã được Sở Tài nguyên và Môi tường, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao.

Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Thường Xuân sẽ nhân rộng mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh, giải quyết triệt để vấn đề rác thải cho các huyện của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung./.