Công cụ xử lý thông tin số liệu

Nghiên cứu của Domo ước tính 1,7 MB là lượng dữ liệu một người tạo ra trong một giây trên phạm vi toàn cầu năm 2020. Để khai thác triệt để thông tin và giá trị từ kho dữ liệu khổng lồ này, xử lý dữ liệu (data processing) là quá trình không thể thiếu. FriData tuần này sẽ mang đến cho các bạn góc nhìn chi tiết và toàn diện về xử lý dữ liệu, từ định nghĩa đến quy trình, phân loại và phương pháp.

Dữ liệu ở dạng thô không đem lại nhiều giá trị hữu ích đối với tổ chức/doanh nghiệp. Xử lý dữ liệu là phương pháp thu thập dữ liệu thô và chuyển nó thành thông tin có thể sử dụng được. Sau khi thu thập, dữ liệu lần lượt trải qua các bước lọc, sắp xếp, xử lý, phân tích, lưu trữ và sau đó được trình bày ở định dạng có thể đọc được. Quy trình này thường được thực hiện bởi các nhà khoa học và kỹ sư dữ liệu.

Xử lý dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh và tăng cường lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Bằng cách chuyển đổi dữ liệu sang định dạng có thể đọc được như đồ thị, biểu đồ và tài liệu, nhân sự trong toàn tổ chức có thể hiểu và sử dụng dữ liệu hiệu quả.

Chu trình xử lý dữ liệu

Chu trình xử lý dữ liệu bao gồm một loạt các bước trong đó dữ liệu thô (đầu vào) được đưa vào một quy trình (CPU) nhằm tạo ra thông tin chi tiết có giá trị định hướng hành động (đầu ra). Mỗi bước được thực hiện theo một trình tự cụ thể, nhưng toàn bộ quy trình được lặp lại theo chu kỳ. Đầu ra của chu kỳ đầu tiên có thể được lưu trữ và cung cấp làm đầu vào cho chu kỳ tiếp theo.

Về cơ bản, chu trình xử lý dữ liệu bao gồm 6 bước chính:

Bước 1: Thu thập

Thu thập dữ liệu thô là bước đầu tiên của chu trình xử lý dữ liệu. Loại dữ liệu thô thu thập được có tác động rất lớn đến kết quả đầu ra. Do đó, dữ liệu thô nên được chọn từ các nguồn xác định và có tính chính xác cao, để các phát hiện tiếp theo dựa trên đó thực sự có giá trị và dễ sử dụng. Dữ liệu thô có thể bao gồm số liệu tiền tệ, cookie trang web, báo cáo lãi / lỗ của một công ty, hành vi của người dùng, v.v.

Bước 2: Chuẩn bị

Chuẩn bị dữ liệu hay làm sạch dữ liệu là quá trình sắp xếp và lọc dữ liệu thô để loại bỏ những dữ liệu không cần thiết và không chính xác. Quy trình này nhằm tìm ra tình trạng lỗi, trùng lặp, tính toán sai hoặc thiếu dữ liệu, từ đó chuyển đổi dữ liệu thành định dạng phù hợp để tiến hành phân tích và xử lý thêm. Mục đích của chuẩn bị dữ liệu là đảm bảo rằng chỉ dữ liệu chất lượng cao nhất mới được đưa vào đơn vị xử lý.

Bước 3: Nhập liệu

Trong bước này, dữ liệu thô được chuyển đổi thành dạng máy có thể đọc được và đưa vào đơn vị xử lý. Nhập liệu có thể được thực hiện thủ công hoặc thông qua máy quét và những thiết bị thông minh khác.

Bước 4: Xử lý dữ liệu

Trong bước này, dữ liệu thô được xử lý bằng các thuật toán học máy và trí tuệ nhân tạo để tạo kết quả đầu ra mong muốn. Phương pháp xử lý dữ liệu có thể thay đổi tùy thuộc vào nguồn dữ liệu đang được xử lý (hồ dữ liệu, cơ sở dữ liệu trực tuyến, thiết bị kết nối, v.v.) và mục đích sử dụng đầu ra.

Bước 5: Xuất dữ liệu

Dữ liệu cuối cùng được truyền tải và hiển thị tới người dùng ở dạng có thể đọc được như đồ thị, bảng, tệp vectơ, âm thanh, video, tài liệu, v.v. Kết quả đầu ra này có thể được lưu trữ và tiếp tục xử lý trong chu kỳ tiếp theo.

Bước 6: Lưu trữ

Bước cuối cùng của chu trình xử lý dữ liệu là lưu trữ, nơi dữ liệu và siêu dữ liệu được giữ lại để tái sử dụng. Điều này cho phép thực hiện việc truy cập và truy xuất thông tin nhanh chóng bất cứ khi nào cần, đồng thời tận dụng nó làm đầu vào trực tiếp cho chu trình xử lý dữ liệu tiếp theo.

Phân loại xử lý dữ liệu

Có nhiều kiểu xử lý dữ liệu khác nhau dựa trên nguồn dữ liệu và các bước thực hiện. Thực tế, không có phương pháp nào là “one-size-fits-all”, phù hợp với tất cả các trường hợp sử dụng.

Phân loại Cách dùng
Xử lý hàng loạt Dữ liệu được thu thập và xử lý theo lô. Phương pháp này thường áp dụng cho một lượng lớn dữ liệu.
Xử lý thời gian thực Dữ liệu được xử lý trong vòng vài giây ngay sau thao tác nhập liệu. Phương pháp này có thể áp dụng cho dữ liệu quy mô nhỏ.
Đa xử lý Dữ liệu được chia nhỏ thành các khung và được xử lý bằng hai hoặc nhiều CPU trong một hệ thống máy tính. Phương pháp này còn được gọi là xử lý song song.
Xử lý trực tuyến Dữ liệu được tự động đưa vào CPU ngay khi có sẵn. Phương pháp này thường áp dụng để xử lý dữ liệu liên tục.
Time-sharing Phân bổ tài nguyên máy tính và dữ liệu theo thời gian cho nhiều người dùng đồng thời.
Xử lý dữ liệu: các loại phổ biến và trường hợp sử dụng

Phương pháp xử lý dữ liệu

Có ba phương pháp xử lý dữ liệu chính – thủ công, cơ học và điện tử.

Xử lý dữ liệu thủ công

Trong phương pháp này, dữ liệu được xử lý thủ công. Toàn bộ quá trình thu thập dữ liệu, lọc, sắp xếp, tính toán và phân tích đều được thực hiện với sự can thiệp của con người mà không sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử hay phần mềm tự động hóa nào khác. Đây là một phương pháp chi phí thiết bị thấp nhưng sai số cao, chi phí nhân công cao và mất nhiều thời gian.

Xử lý dữ liệu cơ học

Dữ liệu được xử lý một cách cơ học thông qua việc sử dụng các thiết bị và máy móc. Chúng có thể bao gồm các thiết bị đơn giản như máy tính, máy đánh chữ, máy in,… Một số thao tác xử lý dữ liệu đơn giản có thể được thực hiện với phương pháp này. Xử lý cơ học ít lỗi hơn nhiều so với xử lý dữ liệu thủ công, nhưng sự gia tăng của dữ liệu đã làm cho phương pháp này trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Xử lý dữ liệu điện tử

Dữ liệu được xử lý bằng công nghệ hiện đại sử dụng phần mềm và chương trình xử lý dữ liệu. Phương pháp này tốn kém nhất nhưng tốc độ xử lý nhanh nhất với độ tin cậy và độ chính xác cao nhất của kết quả đầu ra.