Vì sao phải tiêm vắc xin

Cập nhật: 15:17 - 10/06/2022 | Lần xem: 819

Cần phải tiêm nhắc vắc xin vì kháng thể bảo vệ có được sau khi tiêm đủ liều một loại vắc-xin có khả năng giảm dần theo thời gian. Với vắc xin phòng COVID-19, dù số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 có xu hướng giảm, nhưng hiện nay các nước vẫn đang triển khai tiêm nhắc vắc vì khả năng miễn dịch theo thời gian cũng sẽ suy giảm.

Vì sao phải tiêm vắc xin

Mũi vắc-xin tăng cường (hay còn gọi là mũi nhắc lại) là một phần quan trọng trong việc bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Mũi nhắc lại của vắc-xin COVID-19 giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản. (2)

Việc tiêm mũi nhắc lại lần 2 vắc-xin phòng COVID-19 được các nước triển khai dựa trên quan điểm, dù số ca tử vong và nhập viện do COVID-19 có xu hướng giảm, nhưng khả năng miễn dịch của con người theo thời gian cũng sẽ suy giảm, đặc biệt là ở người cao tuổi. Người lớn tuổi được hưởng lợi lớn từ mũi tiêm nhắc lần 2 do hệ thống miễn dịch lão hóa thường suy yếu và không tạo ra cùng một lượng hoặc cùng chất lượng kháng thể như ở người trẻ. Ngoài ra, người lớn tuổi thường có các vấn đề y tế khác, làm gia tăng nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc COVID-19. (1)

Một số bằng chứng cho thấy việc tiêm nhắc vắc-xin COVID-19 lần 2 mang lại lợi ích cao nhất cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng. Các nghiên cứu từ Israel cho thấy hiệu quả tương đối của vắc-xin ở những người từ 60 tuổi trở lên khi tiêm mũi nhắc lại lần 2 so với liều nhắc lại lần 1 được tiêm cách đây ≥4 tháng là 68% (KTC 95%, 59-74) đối với việc nhập viện liên quan đến COVID-19 và hiệu quả 74% (KTC 95%, 50-90) chống lại tử vong liên quan đến COVID-19. Một nghiên cứu thứ hai ở Israel ở những người ≥60 tuổi cho biết lợi ích gia tăng từ liều nhắc lại lần 2, cụ thể khả năng chống lại nhiễm trùng đạt đỉnh điểm vào 3 tuần sau khi tiêm vắc-xin, với hiệu quả vắc-xin tương đối là 64% (KTC 95%: 62,0-65,9) so với sau tiêm liều nhắc lại lần 1. Hiệu quả tương đối của vắc-xin chống lại nhiễm trùng giảm xuống 29,2% (KTC 95%: 17,7-39,1) sau 10 tuần. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 nặng được duy trì ở mức cao (> 73%) trong suốt 9 tuần theo dõi. (4)

Mũi vắc-xin tăng cường (hay còn gọi là mũi nhắc lại) là một phần quan trọng trong việc bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19.

Mũi nhắc lại của vắc-xin COVID-19 có thể giúp tăng cường sự bảo vệ hoặc khôi phục khả năng bảo vệ có thể đã giảm theo thời gian sau khi tiêm liều cơ bản.

Chúng ta được bảo vệ tốt nhất khỏi COVID-19 nặng, phòng ngừa trước nguy cơ xuất hiện mới biến thể của SARS-CoV-2, ngăn đại dịch quay trở lại khi tuân thủ đúng lịch tiêm được khuyến cáo, bao gồm cả những mũi tiêm nhắc lại. [2]

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã triển khai việc tiêm ngừa liều nhắc lại lần 2 cho người dân. Vào 3/2022, FDA và CDC Hoa Kỳ cũng đã đưa ra khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại lần 2 cho tất cả người lớn từ 50 tuổi trở lên, cũng như bất kỳ người nào bị suy giảm miễn dịch từ 12 tuổi trở lên. Mũi tiêm nhắc lại thứ hai này nên được thực hiện ít nhất 4 tháng sau mũi tiêm nhắc lại đầu tiên.(4)

Tại châu Âu, các nước: Đức, Đan Mạch, Anh, Hungary, Thụy Điển… đều đã xúc tiến chiến dịch tiêm phòng mới, thậm chí xem xét mở rộng nhóm đối tượng được tiêm để ứng phó với số ca nhiễm đang tăng nhanh. Ví dụ cụ thể như tại Úc, Cơ quan Y tế của nước này cũng đã đưa ra các khuyến cáo đối với liều nhắc lại thứ 2 ít nhất 4 tháng sau liều nhắc lại đầu tiên với những trường hợp sau: Người từ 65 tuổi trở lên, những người thổ dân và cư dân đảo Torres từ 50 tuổi trở lên, những người từ 16 tuổi trở lên mắc các bệnh mãn tính, cấp tính làm tăng nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 v.v. Tại châu Á, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Lào cũng có những động thái tương tự. Lào từ ngày 24/3 đã bắt đầu triển khai tiêm liều vắc-xin thứ 4 ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên và người từ 18 tuổi trở lên. Hàn Quốc triển khai tiêm mũi thứ 4 vắc-xin COVID-19 từ cuối tháng 2/2022 (3)

Hoài Thương - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh

Nguồn tham khảo:

[1] https://ncov.vnanet.vn/tin-tuc/nhieu-quoc-gia-da-trien-khai-tiem-mui-vaccine-thu-4-phong-covid-19/162467d5-81f8-404e-b4fd-54d0a267d019

[2] https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/vaccines/booster-shot.html#second-booster

[3] https://www.health.gov.au/initiatives-and-programs/covid-19-vaccines/advice-for-providers/clinical-guidance/clinical-recommendations

[4] https://www.health.gov.au/news/expanded-atagi-recommendations-on-winter-covid-19-booster-doses-for-people-at-increased-risk-of-severe-covid-19

Về cơ bản, vắc-xin có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch phản ứng như lúc có tác nhân gây bênh xâm nhập, nhưng lại không gây bệnh.

Trong gần 150 năm trở lại đây, vắc-xin đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, đôi khi chỉ bằng một mũi tiêm, như vắc-xin sống giảm độc lực để phòng ngừa bệnh sốt vàng, một bệnh lí nguy hiểm chết người, giúp bảo vệ cơ thể với hiệu quả lên đến 99%. Bệnh đậu mùa cũng từng là một căn bệnh đáng sợ, nhưng hiện tại đã được loại trừ hoàn toàn nhờ vào vắc-xin. Bên cạnh hiệu quả, vắc-xin sống giảm độc lực có xu hướng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn so với các công nghệ vắc-xin mới, mặc dù các tác dụng phụ này thường không đáng kể (đau đầu hoặc sốt nhẹ).

Các loại vắc-xin công nghệ mới có thể mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ cùng với tính an toàn tốt hơn. Một ví dụ là vắc-xin bất hoạt ngừa bại liệt có hiệu quả bảo vệ gần như tuyệt đối nếu được tiêm đủ liều vắc-xin. Phương pháp này đã giúp cô lập bệnh bại liệt chỉ còn ở một số ít quốc gia trên thế giới, và đã giúp vô số trẻ em không phải chứng kiến căn bệnh khủng khiếp này.

Tuy nhiên, vẫn còn những căn bệnh mà các nhà khoa học đang nghiên cứu phát triển vắc-xin phòng ngừa. Đây là mục tiêu đầy thách thức, vì những căn bệnh này thường được gây ra bởi các loại virus phức tạp và khó phòng ngừa hơn.

Một trong những loại virus này chính là HIV gây AIDS. Virus HIV đột biến mạnh mẽ và nhanh chóng ngay trong cơ thể người bệnh, điều này khiến các nhà khoa học khó có thể xác định bộ phận nào của virus để điều chế vắc-xin. Vào thời điểm hệ thống miễn dịch xác định ra HIV, thì virus này đã thay đổi và xuất hiện lại với ”hình dạng mới”, sau đó tiếp tục tấn công các tế bào với tốc độ đáng báo động, cùng lúc đó toàn bộ cơ thể đã bị suy giảm khả năng miễn dịch, dễ bị nhiễm trùng và có khả năng dẫn tới tử vong.

Tuy có một vài chủng cúm đột biến với tần suất thấp hơn HIV, nhưng vẫn đủ để chúng ta cần phải tiêm vắc-xin phòng ngừa hàng năm. Vắc-xin cúm hàng năm thường có công thức mới để phù hợp với các chủng virus cúm cụ thể trong năm đó. 

“Điều may mắn là cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng chủng SARS-Cov2 gây ra đại dịch COVID-19 không đột biến thường xuyên và cách thức đột biến cũng không khiến việc phát triển vắc-xin gặp nhiều thách thức hơn. Đây là một trong những lý do tại sao các nhà khoa học tương đối lạc quan về việc phát triển vắc-xin phòng ngừa trong tương lai”, ông Triomphe cho biết.

Vắc-xin là chế phẩm thường được dùng cho trẻ nhỏ để bảo vệ khỏi những bệnh nguy hiểm, thường có khả năng gây tử vong. Thông qua việc kích thích sự tự vệ tự nhiên của cơ thể, vắc-xin tăng sức đề kháng của cơ thể để chống lại bệnh nhanh hơn và hiệu quả hơn

Cơ chế hoạt động của Vắc-xin như thế nào?

Vắc-xin giúp hệ miễn dịch của bạn tấn công các tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho hệ miễn dịch ứng phó với một số bệnh cụ thể. Từ đó, nếu vi-rút hoặc vi khuẩn tấn công cơ thể bạn sau này, hệ miễn dịch của bạn sẽ nhận diện được và biết cách chống lại.

Vắc-xin có an toàn không?

Vắc-xin rất an toàn. Nếu không tiêm hoặc dùng vắc-xin, con của bạn còn có thể bị tổn hại về sức khỏe hơn nhiều do một bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Tất cả vắc-xin đều được kiểm tra độ an toàn một cách nghiêm ngặt, bao gồm cả các thử nghiệm lâm sàng, trước khi được đưa ra sử dụng rộng rãi. Các quốc gia sẽ chỉ đăng ký và phân phối vắc-xin đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chặt chẽ về chất lượng và độ an toàn.

Tại sao tôi cần đưa con đi tiêm chủng?

Vắc-xin có thể cứu mạng sống của con người. Chỉ riêng vắc-xin sởi ước tính đã giúp ngăn chặn tử vọng cho hơn 21 triệu người từ năm 2000 đến 2017. Vắc-xin sẽ giúp bảo vệ con bạn khỏi các bệnh nguy hiểm hoặc nguy cơ bị tử vong, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch đang phát triển như trẻ sơ sinh. Bạn cần phải tiêm chủng cho con mình. Nếu không tiêm chủng thì những bệnh lây nhiễm cao như sởi, bạch hầu và bại liệt, những bệnh đã từng được xóa sổ tại nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại.

Liệu cơ thể của con tôi có tiếp nhận được tất cả các loại vắc-xin?

Có. Nhiều cha mẹ lo lắng rằng nhiều vắc-xin có thể làm quá tải hệ miễn dịch của trẻ. Nhưng trẻ em tiếp xúc với hàng trăm loại vi trùng hàng ngày. Thực tế là, bị cảm lạnh hay đau họng sẽ tạo áp lực lớn hơn đến hệ miễn dịch của con bạn hơn là tiêm chủng.

UNICEF

Bạn vẫn cần phải tiêm chủng cho con. Mặc dù những bệnh này có thể đã được xóa sổ ở quốc gia hay khu vực bạn đang sinh sống, nhưng chúng ta đang sống ở một thế giới ngày càng kết nối nhiều hơn, điều này nghĩa là dịch bệnh có thể lan từ nơi này sang nơi khác.

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Nếu trong cộng đồng bạn sinh sống  có đủ số người được tiêm chủng một bệnh nào đó, thì cộng đồng đó có thể đạt tới mức độ miễn dịch cộng đồng. Khi cộng đồng được miễn dịch, dịch bệnh không thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác vì phần lớn mọi người đã được miễn dịch. Miễn dịch cộng đồng tạo ra một tầng bảo vệ chống lại bệnh cho cả những người chưa được tiêm chủng, như trẻ sơ sinh.

Miễn dịch cộng đồng có thể phòng ngừa, ngăn chặn bùng phát và lây lan dịch bệnh. Bệnh ngày càng hiếm xảy ra và thậm chí có thể hoàn toàn biết mất không còn tồn tại trong cộng đồng.

Vắc-xin có thể khiến con của tôi bị ốm không?

Vắc-xin cực kỳ an toàn, những tác dụng phụ nghiêm trọng của vắc-xin rất hiếm. Hầu hết các triệu chứng ốm mệt hay khó chịu sau khi tiêm vắc-xin rất nhẹ và tạm thời, ví dụ như hơi đau nhức ở nốt tiêm hoặc sốt nhẹ. Những triệu chứng này có thể được kiểm soát bằng việc dùng thuốc giảm đau do bác sỹ kê, hoặc đắp khăn lạnh lên nốt tiêm. Nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng, cha mẹ cần phải hỏi bác sỹ hoặc nhân viên y tế. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng không có bằng chứng nào cho thấy sự liên quan giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ.

Vắc-xin có thể phòng ngừa những bệnh gì?

Vắc-xin bảo vệ con bạn khỏi những bệnh nguy hiểm như bại liệt – căn bệnh có thể gây liệt; bệnh sởi – căn bệnh có thể gây viêm não và mù; và bệnh uốn ván – có thể gây co cứng cơ kèm theo đau và khó nhai, khó bú (ở trẻ sơ sinh) và khó thở. Hãy tìm hiểu thêm về danh sách các vắc-xin phổ biến và những bệnh mà vắc-xin có thể phòng ngừa tại đây 

Tôi có thể trì hoãn, không đưa con đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng không?

Một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ con bạn là tuân thủ theo lịch tiêm chủng ở quốc gia mà bạn sinh sống. Nếu bạn trì hoãn và chậm không đưa con đi tiêm vắc-xin, bạn sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh cho con mình.

Tôi có thể để con tôi bị thủy đậu mà không cần đi tiêm vắc-xin?

Mặc dù thủy đậu là một bệnh nhẹ, nhiều bậc cha mẹ có thể vẫn còn nhớ bệnh này từ hồi họ còn nhỏ (vắc-xin thủy đậu lần đầu tiên được giới thiệu năm 1995), nhưng một số trẻ em vẫn có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong hoặc khuyết tật vĩnh viễn. Vắc-xin giúp xóa bỏ nguy cơ biến chứng từ bệnh thủy đậu, và phòng tránh trẻ mắc thủy đậu lây sang anh chị em ruột, bạn bè hoặc bạn cùng lớp.

Lịch tiêm chủng hợp lý được khuyến cáo cho trẻ em như thế nào?

Lịch tiêm chủng của mỗi quốc gia khác nhau, phụ thuộc vào loại bệnh nào là phổ biến nhất. Bạn có thể tìm hiểu tổng quan về các vắc-xin được khuyến cáo và ngày tiêm chủng từ trung tâm y tế ở địa phương, bác sỹ hoặc Bộ Y tế ở quốc gia bạn sinh sống.

UNICEF Viet Nam