Vì sao phải học chữ hán

Thời gian gần đây, có ý kiến đề xuất đưa tiếng Hán vào chương trình giáo dục Việt Nam mà chủ yếu là từ những nhà nghiên cứu tiếng Hán. Ý kiến này ngay lập tức gặp phải sự phản ứng của nhiều người. Vì sao vậy?

Học chữ Hán để giữ chữ Việt?

PGS.TS Đoàn Lê Giang là người nhiệt tình nhất trong việc ủng hộ luận thuyết này. Tại Hội thảo “Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại” diễn ra hôm 27.8, ông Giang cho rằng, trong số các quốc gia thuộc khu vực đồng văn (các quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc - PV) chỉ có Việt Nam là từ bỏ chữ Hán hoàn toàn nên thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc.

Từ bỏ chữ Hán cũng là lý do khiến thanh niên Việt Nam đơn giản nhất, học hành hời hợt nhất, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước và nước ta nghèo nhất, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc.

Ông Giang dẫn ví dụ, ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết đại học thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này.

Ông Giang cũng cho biết, nghiên cứu của một trung tâm nơi ông được mời dạy chữ Hán Nôm cho học sinh tiểu học cho thấy, những học sinh được học chữ Hán Nôm hình thành và phát triển nhân cách tốt hơn những học sinh khác không được học.

“Trước đây, chúng ta cứ nói rằng không dùng chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt nhưng hiện nay phải nói ngược lại, phải học chữ Hán để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, ông Giang nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) khẳng định, việc dạy Hán Nôm trong nhà trường phổ thông dứt khoát là phải đặt ra. Theo ông Mạnh, việc không có tri thức về Hán Nôm khiến hiện nay nhiều từ ngữ tiếng Việt bị nói sai.

Bên cạnh đó, hầu hết các môn học đều có tính liên thông, kế thừa từ bậc phổ thông lên đại học, riêng môn Hán Nôm là không có. Việc dạy các văn học cổ hiện nay chỉ thông qua phiên âm chứ không đưa nguyên văn Hán Nôm vào đã dẫn đến nhiều sai sót trong cách dạy cũng như cách hiểu văn học cổ.

Nói chung là các ý kiến trên nặng về tính hàn lâm, tất nhiên thôi vì môn học thuật nào cũng có lợi ích của nó nhưng nghiên cứu học tập nó khác với giáo dục phổ thông rất xa.

Vì sao phải học chữ hán
 PGS.TS Đoàn Lê Giang - người ủng hộ việc đưa tiếng Hán vào trường Việt.

Tiếng Việt căn bản đã trong sáng

Cần phải thấy rằng, khi thoát ly ra khỏi tiếng Hán, Hán Nôm và phổ biến bằng chữ quốc ngữ, tiếng Việt đã có bước tiến vượt bậc và căn bản đã trong sáng không cần phải lui về lối học tầm chương trích cú vốn đã lạc hậu trong học thuật và giáo dục.

Một ý kiến trên mạng xã hội của một blogger nổi tiếng đang được nhiều người đồng tình: “Nếu muốn chứng minh trẻ con cần học tiếng Hán, xin hãy có một nghiên cứu đầy đủ về mối liên quan giữa sự cần thiết, cũng như sự liên quan giữa cái trong sáng của tiếng Việt với việc học chữ Hán. Biết bao bạn bè thế hệ tôi, chẳng biết một câu, một từ nào chữ Hán, sao vẫn sử dụng được tiếng Việt đúng với cái trong sáng của nó? Các bạn thử hỏi nhà văn Anh Đức, Nguyễn Thành Long..., là những tác giả nổi tiếng một thời, xem các anh có cần biết chữ Hán để viết văn một cách trong sáng không? Tại sao Singapore họ coi trọng tiếng Anh hơn tiếng Hoa? Cách đây vài chục năm, họ tập trung dữ dội vào việc đưa tiếng Anh phổ cập. Rồi sau khi phổ cập xong, mấy năm nay, họ mới bắt đầu có yêu cầu cao hơn với học sinh về học tiếng Hoa trong trường phổ thông.

Học sinh Việt Nam, nhiều em viết tiếng Việt sai chính tả be bét, khả năng đọc hiểu rất kém - đâu phải vì không biết tiếng Hán. Đó là vì cách dạy, quan điểm dạy cả ở nhà trường và gia đình. Đó là hiện tượng nảy sinh từ thời kỳ sau năm 1975 - khi người ta cải cách chữ viết, tung hô việc học theo bài mẫu, học thuộc lòng, học vì điểm số. Thời chúng tôi, chỉ cần copy bài mẫu hoặc bài của bất cứ ai là nhận ngay điểm 0 và bị thầy cô giáo cũng như bạn bè “gừ” cho tới số. Khi trẻ con phải viết và trả lời theo mẫu (dù đó là mẫu của thầy cô giáo hay bố mẹ đưa ra), rồi sống theo những khuôn phép phong kiến vô lý, vô ích - thì không chỉ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ, mà tất cả mọi sự trong sáng đều bị “cuốn theo chiều gió” hết. Vậy thì xin các giáo sư hãy tập trung vào một ưu tiên chính thôi, đừng đưa ra quá nhiều quan điểm mà gây nên trào lưu “Loạn nghĩ”, mệt mỏi cho xã hội lắm”.

Đúng vậy, nếu đọc “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân, “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam, “Đất Phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Tự Lực Văn Đoàn”, “Dấu chân người lính” của Nguyễn Minh Châu, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, thơ Nguyễn Duy, văn Tô Hoài và nhiều tác phẩm qua các thời kỳ…, chúng ta sẽ thấy nội hàm của tiếng Việt, sau khi đã thoát ra được lối văn chương tầm chương trích cú, dẫn điển tích, biền ngẫu…, đã trở nên trong sáng và phong phú như thế nào… Bây giờ, nếu trộn vào đó ba mớ tiếng Hán không đến nơi đến chốn, không hiểu nó còn là văn chương không?

Học tiếng Hán, ngược chiều thế giới quen thuộc

Ông Phạm Anh Dũng - cựu Phó Tổng Giám đốc Greystones Data Systems Việt Nam - nói khá rõ về vấn đề này: Thực chất, chữ Hán là một loại chữ tượng hình và tượng thanh rất phức tạp, khó học, khó viết và rất dễ quên nếu không được học bài bản và không thường xuyên sử dụng.

Nếu học sinh chỉ học 1.000 - 2.000 chữ Hán thì cũng không thể không viết sai chính tả khi mà có đến 70% từ tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán. Việc thoát khỏi 70% tiếng Việt ra khỏi tiếng Hán là sự thành công của nhiều thế hệ truyền giáo người Pháp suốt hàng trăm năm nhằm đơn giản hóa tiếng Việt theo chữ Latin.

Nếu Việt Nam chấp nhận 3.000 ký tự Hán viết thẳng vào tiếng Việt thay cho tiếng Việt thành chữ quốc ngữ luôn thì hãy dạy chữ Hán cho học sinh, nếu không thì hãy quên chuyện này đi vì học chữ Hán mà không sử dụng thì cũng quên thôi và lãng phí thời gian.

Vì sao phải học chữ hán

Nhà cải cách Lý Quang Diệu với bài học chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong trường học thay vì tiếng Hán.

Không hiểu là các nhà cải cách giáo dục suy nghĩ thế nào mà lại so sánh giữa Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản theo tiếng Hán Nôm một cách khập khiễng và phiến diện như vậy. Đề nghị các vị đi học tiếng Nhật và tiếng Hàn để hiểu trước khi phát biểu và áp đặt cho tiếng Việt.

Đây lại là sự thất bại chiến lược nữa của các chuyên gia đầu ngành khi họ được đào tạo bài bản lý thuyết song kém thực hành và hiểu biết thực tế. Đề nghị các báo nên đi tìm hiểu lại với các chuyên gia ngôn ngữ ở Nhật Bản, Hàn Quốc trước khi có những phỏng vấn với các vị này. Viết báo kiểu này gây hiểu lầm và làm phản ứng dư luận.

Tôi đồng ý với các luận điểm của ông Phạm Anh Dũng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu đưa chữ Hán vào trường Việt, học sinh sẽ làm lại từ đầu vì các nguyên tắc của tiếng Hán (tượng hình) hoàn toàn khác với ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh... (ký âm).

Việc Việt Nam có ngôn ngữ như hiện nay giúp người Việt tiếp cận rất nhanh với công nghệ và khoa học.

Về mặt ngôn ngữ, tiếng Hán có những bất lợi chết người sau: Thời gian học dài: Người học chữ Trung Quốc phải có nhiều thời gian (2 - 3 năm) mới nhớ được mặt chữ của 3.000 - 4.000 từ thường dùng; nếu dùng lối tượng thanh thì nhanh và đơn giản hơn.

Chữ viết phức tạp, nhiều nét: Có những chữ trên hai mươi lăm nét. Truyền thông rất rắc rối, gần một vạn chữ vì không thể dùng ba bốn chục ký tự mẫu và dấu như các chữ lối tượng thanh. Không đánh được tín hiệu: Phải dùng khoảng 8.000 dấu hiệu (code), mỗi dấu hiệu thay cho một chữ.

Với những lý do trên, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo và Chính phủ cân nhắc, thận trọng trong việc xem xét đề nghị của các nhà nghiên cứu tiếng Hán.

Bài học gần nhất là Singapore. Người Sing đa số nói tiếng Hoa nên khi Thủ tướng lúc đó là Lý Quang Diệu quyết định đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong trường phổ thông đã vấp phải phản ứng quyết liệt của người Sing nhưng ông Lý Quang Diệu với tầm nhìn chiến lược đã không nhượng bộ, ông nói: “Muốn chống lại thì hãy bước qua xác của tôi”.

Và thực tế cho thấy, việc chọn ngôn ngữ dễ phổ biến như tiếng Anh là quyết định đúng đắn của nhà lãnh đạo này thay vì quay lại với tiếng Hán đang dần bị khu biệt với các ngôn ngữ phổ thông trên thế giới.

Sau hơn 10 năm theo đuổi hệ thống giáo dục bằng ngôn ngữ tiếng Anh kể từ sau ngày lập quốc, Singapore đã có một thế hệ trẻ em tốt về tiếng Anh. Những đứa trẻ giỏi tiếng Anh thế hệ đầu này của Singapore vốn xuất thân từ những gia đình mà cha mẹ chúng chỉ là những người đánh cá ở một làng chài nhỏ trên hòn đảo Singapore trước khi Sir Stamford Raffles đặt chân đến.

Nhờ có thế hệ trẻ em giỏi tiếng Anh đầu tiên này, Singapore đã cất cánh đi thẳng vào thế giới thứ nhất của các nước tiên tiến, từ thế giới thứ ba.

Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ và giáo dục cho rằng, Việt Nam lợi thế hơn người Sing là ngôn ngữ tiếng Việt cùng hệ với tiếng Anh và các ngôn ngữ phổ thông nên việc toàn cầu hóa dễ dàng, bản thân tiếng Việt với quá trình phát triển của mình đã đủ để biểu đạt mọi ý tưởng không cần phải học tiếng Hán như là một hình thức để làm cho tiếng Việt trong sáng hơn.  

Vì sao phải học chữ hán

Vì sao phải học chữ hán

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Trên báo đài và các mạng xã hội đang rộ lên cuộc tranh luận về kiến nghị dạy chữ Hán trong trường phổ thông nhằm “giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam”. Dư luận chia làm bên ủng hộ và bên phản đối (sau đây gọi là bên A và bên B). Bên A gồm một số học giả Hán-Nôm. Bên B gồm nhiều tầng lớp, học giả, cán bộ, dân mạng… đều có. Trên mạng xã hội, một số người tỏ ý nghi ngờ động cơ chính trị của bên A. Sau đó nhân vật chính bên A vội vã viết Lời tạm kết cho cuộc tranh luận mới chỉ diễn ra có mấy ngày (27/8-2/9), nhận xét các ý kiến phản đối chủ yếu xuất phát từ tâm lý thực dụng, tâm lý đám đông và chống Trung Quốc, một số người “cứ hè nhau mà chửi… chửi hết những người có bằng cấp, giáo sư…, hệt như những người chưa hề đến trường (tức vô học)”.

Về cơ bản, điểm xuất phát của cuộc tranh luận là không sai. Bên A muốn qua đó đạt mục tiêu gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt và kế thừa nền văn hóa truyền thống tổ tiên để lại, chứ không phải xuất phát từ động cơ thân Trung Quốc hoặc muốn trở thành “Hán nô”… Thực ra một số học giả bên A đang dẫn đầu xu hướng “Thoát Trung”.

Bên B phần lớn xuất phát từ chỗ cho rằng học chữ Hán không có lợi mấy cho các mục tiêu nói trên mà lại làm tăng tải cho học sinh phổ thông vốn đang chịu tải nặng, và gây tốn kém công quỹ.

Có thể việc bên A dùng chữ chưa hợp lý đã gây ra hiểu lầm. Thực ra họ chỉ muốn phục hồi dạy chữ Nho – tức chữ Hán đọc bằng âm Việt, chứ không phải chữ Hán đọc bằng âm Hán, tức chữ viết của người Trung Quốc. Ngày xưa dân ta nói thầy đồ Nho, mực Nho, bút Nho chứ không nói thầy đồ Hán, mực Hán, bút Hán. Trong mọi văn bản viết, chữ Nho hoàn toàn dùng như chữ Hán. Nhưng người Việt hiện nay dễ phản cảm với mọi thứ dính tới “Hán”.

Nhưng dù chữ Nho đã được tổ tiên ta dùng hơn 2000 năm, hầu hết thư tịch cổ để lại đều là chữ Nho cả, thì có nên cho học sinh phổ thông học chữ Nho hay không?

Cần thấy là chữ Nho hoặc chữ Hán đều rất khó học. Người Việt Nam học chữ Nho dễ hơn học chữ Hán, thế mà nhà Nho nổi tiếng Vũ Bội Liêu nói học thứ chữ này “khi dùng được thì trán đã nhăn, lưng đã còng”. GS triết học Trương Quảng Chiếu, chuyên gia giáo dục chữ Hán ở Bắc Kinh, nói hiện nay ông chỉ viết được khoảng 3000 chữ Hán. Mới đây ông Ngô Văn Siêu, chuyên gia từng dịch tiếng Trung Quốc 25 năm ở Liên Hợp Quốc nói chữ Hán rất khó học, không có hiệu suất và quá già cỗi, không thích hợp với một thế giới số hóa, toàn cầu hóa. Tuy vậy tiếng Trung Quốc vẫn được nhiều người dùng nhất thế giới, nếu học để giao dịch, kiếm sống, đi học, du lịch thì vẫn nên học. Nhưng nếu cần học một ngoại ngữ dễ học và có tính quốc tế cao thì có lẽ người ta sẽ chọn tiếng Anh.

Sau đây xin bàn cụ thể một số vấn đề bên A đã nêu ra:

1) Từ Hán-Việt chiếm 60% tiếng Việt, cần học chữ Hán để hiểu và dùng đúng tiếng Việt.

Đúng là nếu không hiểu từ Hán-Việt sẽ có thể dùng sai tiếng Việt. Bên A nêu ví dụ: không biết chữ Hán thì không phân biệt được Minh là sáng (trong Minh Tâm) với Minh là tối (trong U Minh). Thực ra người Việt hiếm khi dùng chữ Minh với nghĩa là tối. Trường hợp này chỉ cần giảng: Đây là từ gốc Hán-Việt, trong chữ Hán hai chữ ấy viết khác nhau là, và có nghĩa khác nhau, tuy tiếng Việt đều đọc Minh. Thế là học sinh có thể hiểu ngay, đâu cần phải học đọc học viết hai chữ vuông lạ mắt ấy. Như thế quá tốn công sức mà nếu học xong mà không dùng đến thì chữ sẽ trả thầy hết.

Trong tiếng Anh, Pháp, Đức có những từ gốc tiếng Latin, một thứ tử ngữ. Như châm ngôn của ĐH Harvard viết bằng tiếng Latin “Veritas” (Sự thật)… nhưng học sinh Mỹ đâu có học tiếng Latin, chỉ cần được giải thích hoặc tra từ điển là họ đủ hiểu gốc gác chữ đó.

Cũng cần xem lại câu nói từ Hán-Việt chiếm 60% vốn tiếng Việt. Trước hết, đây là con số do nhà Hán học người Pháp Henri Maspéro đưa ra năm 1912. Hơn 100 năm nay mọi người chỉ nói theo, chẳng ai nghiên cứu, thống kê gì cả, mặc dù kho tàng tiếng Việt đã trở nên phong phú hơn rất nhiều, nhất là từ sau 1945; chắc chắn tỷ lệ này cũng thay đổi theo. Thứ hai, có rất nhiều từ Hán-Việt đã Việt hóa tới mức mất gốc Hán (người Trung Quốc đọc không hiểu) trở thành thuần Việt, nhưng vẫn bị nhầm là từ Hán-Việt. Ví dụ: khởi nghiệp, lập trình, thiên vị, tự kỷ… Không cần biết chữ Hán vẫn hiểu được những từ đó. Thứ ba, giả thử đúng là 60% thì cũng chẳng có gì đáng ngại. Các nước gần nhau khó tránh khỏi có sự giao thoa văn hóa. Nên biết rằng 70% từ ngữ hiện đại về khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội-nhân văn mà Hán ngữ Trung Quốc đang dùng là nhập từ Nhật Bản, ví dụ các từ kinh tế, khoa học, dân chủ, bình đẳng,… Bốn chữ đầu trong sáu chữ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là do người Nhật sáng tạo. Chuyện “nhạy cảm” ấy người Trung Quốc giấu kín chứ đâu có làm rùm beng như ta.

Hiện nay có tình trạng học sinh phổ thông không thích học môn văn và viết văn kém trước, đó chủ yếu là do các phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh làm cho cả xã hội coi nhẹ văn hóa đọc, đâu phải do không hiểu từ Hán-Việt. Đọc “Bài văn lạ” của Nguyễn Trung Hiếu lớp 11 trường THPT Amsterdam Hà Nội sẽ thấy thanh thiếu niên ta ngày càng ít dùng từ Hán-Việt, và bài ấy cũng không có từ nào dùng sai. Nhưng đúng là trên truyền thanh, truyền hình vẫn có hiện tượng sính dùng chữ Hán-Việt, như chết gọi là tử vong, tăng thêm gọi là gia tăng, giảm bớt gọi là giảm thiểu… song chưa nghiêm trọng tới mức làm mất sự trong sáng của tiếng Việt, như bên A quá lời. Người lớn dùng sai thì người lớn phải sửa, cớ sao lại bắt trẻ em phải học chữ Hán?

2) Biết chữ Hán thì viết tiếng Việt tốt hơn.

Thực tế cho thấy nhiều người không biết chữ Hán nhưng viết văn vẫn tốt, kể cả người không học chuyên văn. Nhiều cán bộ các cấp, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhiều dịch giả tiếng Anh, Pháp tuy không biết chữ Hán nhưng ai cũng nói và viết tiếng Việt rất giỏi. Giới cán bộ khoa học kỹ thuật dùng tiếng Việt rất chuẩn. Ngược lại người biết chữ Hán thường hay lạm dụng từ Hán-Việt và dùng cách hành văn lai Trung Quốc khó nghe. Ví dụ thực tế có nhiều nhưng không tiện nêu cụ thể.

3) Biết chữ Hán chữ Nôm thì có thể hiểu cặn kẽ di sản văn hóa tổ tiên để lại, hiểu thấu đáo cái hay của Truyện Kiều.

Đúng là toàn bộ thư tịch di sản văn hóa nước ta trước thế kỷ 20, kể cả hoành phi câu đối ở đình chùa đều viết bằng chữ Nho hoặc chữ Nôm. Đọc hiểu các văn bản đó dĩ nhiên tốt quá, nhưng may ra chỉ các chuyên gia Hán Nôm mới làm nổi việc ấy. Học chữ Nho theo kiểu 1 tiết/tuần như bên A đề nghị thì học cả đời chưa thể đọc hiểu vài dòng thư tịch cổ! GS Trần Đình Sử nói Nếu học một hay vài ngàn chữ Hán thì không đủ sức đọc được câu đối ở các đình chùa. Yêu cầu học sinh đọc hiểu Truyện Kiều bản chữ Nôm lại càng không tưởng. Bộ GDĐT không hề đòi hỏi như vậy mà chỉ yêu cầu đọc hiểu bản Quốc ngữ. Hiện nay cả thế giới chỉ có khoảng dăm chục người đọc được chữ Nôm. Chẳng rõ mấy vị PGS.TS. Hán-Nôm bên A có thuộc vào số đó không? Chưa kể, văn thơ thời xưa dùng nhiều điển tích Trung Quốc, phải thuộc sử Tàu mới đọc nổi. Người Trung Quốc tốt nghiệp đại học chẳng ai đọc nổi văn cổ mà đều phải đọc bản dịch ra văn bạch thoại (tức văn nói, khác với văn viết theo lối cổ gọi là văn ngôn) do một số chuyên gia hàng đầu dịch. Không thật giỏi chữ Hán mà đọc thì chỉ hoài công vô ích, có khi lại hiểu lầm.

4) Nên biết chữ Hán để có thể học “cách dạy chữ dạy người” từ sách chữ Hán nhập môn, qua đó giữ được sự trong sáng của tiếng Việt.

Đề xuất này quá vô lý. Ta đã có môn giáo dục công dân “dạy người” rồi, cớ sao phải mất công (mua và) đọc sách Tàu? Điều đó liên quan gì tới tiếng Việt?

5) Nhật và Hàn Quốc đều cho học sinh phổ thông học chữ Hán, tại sao ta lại không?

Vấn đề này cần nói cho chính xác. Mọi người đều biết, chữ trong các ấn phẩm tiếng Nhật đều có khoảng một nửa là chữ Hán. Từ lâu Nhật đã muốn bỏ hẳn chữ Hán nhưng không bỏ được. Năm 1946 Chính phủ công bố “Bảng chữ Hán cần dùng”, giữ lại 1.850 chữ Hán tối thiểu cho phép dùng trong văn bản Nhà nước và trong sách báo. Năm 2010 công bố “Bảng chữ Hán thường dùng” gồm 2.136 chữ Hán.

Hàn Quốc từ 1948 đã bỏ chữ Hán và chỉ dùng chữ Quốc ngữ của họ (một loại chữ ghi âm) nhưng từ 1972 có bố trí học chữ Hán như môn học tự chọn ở bậc phổ thông và đại học. Điều đó là cần thiết vì tiếng Hàn dùng nhiều từ Hán-Hàn đồng âm nên không ít trường hợp lẫn lộn ý nghĩa. Ví dụ, do âm Hán-Hàn của hai chữ Hán (“chú” trong chú ý)  và(“chủ” trong chủ nhân) đều đọc là “ju”, của hai chữ (“ý” trong ý kiến) và (“nghĩa” trong đạo nghĩa) đều đọc là “i”, nên hai từ注意(chú ý) và主義 (chủ nghĩa), tiếng Hàn đều đọc là “ju-i”, và viết cũng như nhau, vì thế dễ gây nhầm lẫn khi nói và viết. Tương tự, ba từ gốc Hán kị sĩ 騎士, ký sự 記事, kỹ sư 技師, tiếng Hàn đều đọc (và viết) như nhau, là “ki-sa”. Muốn phân biệt chính xác, họ phải chú thích bằng chữ Hán, là loại chữ ghi ý, không ghi âm. Vì lẽ đó, khi đọc sách báo tiếng Hàn thường thấy có ghi chú bằng chữ Hán trong ngoặc đơn.

Tiếng Việt giàu âm tiết hơn tiếng Trung và tiếng Hàn, tổ tiên ta đã khôn ngoan sử dụng ưu thế đó, đặt âm Hán-Việt cho chữ là “chú”, là “chủ”,  là “ý”,  là “nghĩa”. Kết quả là do âm Hán-Việt đọc khác nhau nên không có sự nhầm lẫn. Tóm lại người Nhật và Hàn cần biết một số chữ Hán. Ta chẳng cần, cớ sao lại buộc học sinh ta học thứ chữ ấy?

6) Học chữ Hán không khó, người dạy chữ Hán cũng sẵn; Hà Nội, Huế, TPHCM có sinh viên Hán-Nôm dạy chữ Hán.

Đúng là học lớt phớt thì không khó, nhưng học để đọc hiểu thư tịch Hán Nôm thì khó lắm ! Hàng nghìn trường phổ thông, cần hàng chục nghìn giáo viên dạy chữ Hán, lấy đâu ra người và kinh phí? Chả lẽ chỉ một số “trường tinh hoa” mới được học thứ chữ này?

Sau cùng cần nhận rõ: từ 100 năm nay chữ Nho đã là “tử ngữ”, tức không được dùng phổ biến nữa. May ra một số người còn dùng để viết câu đối, viết thư pháp…, hoặc để bán chữ, cho chữ ở chợ quê hoặc chợ Tết. Trên thế giới không nước nào cho học sinh phổ thông học tử ngữ.

Tóm lại đề xuất phục hồi dạy chữ Hán nói trên tuy có thể có động cơ chính đáng nhưng nếu thực thi sẽ làm khổ học sinh, phí tiền của dân mà không đem lại hiệu quả mong muốn.

“Trẻ em như búp trên cành”, bị chạm nhẹ đã có thể rụng. Chớ nên dùng chúng làm vật thí nghiệm cho những ý định không tưởng hoặc thiếu cân nhắc thận trọng.

Chúng tôi đề nghị:

1- Nên quy định: ở bậc đại học kể cả đại học sư phạm, các ngành sử và văn bắt buộc phải học tiếng Trung Quốc (hoặc chữ Nho); ở bậc Trung học phổ thông, tiếng Trung Quốc chỉ nên là môn học tự chọn.

2- Viện Hán Nôm tổ chức dịch dần ra Quốc ngữ các thư tịch Hán-Nôm quan trọng nhất và in ra hoặc công bố trên mạng để nhân dân thưởng thức.

3- Bộ GDĐT tổ chức biên soạn xuất bản một bộ Từ điển Từ Hán-Việt đầy đủ và chính xác. Giáo viên văn cần tăng cường giảng cho học sinh hiểu thấu đáo từ Hán-Việt.

4- Ngành truyền thông cần gương mẫu hạn chế dùng từ Hán-Việt, tăng cường dùng từ thuần Việt./.