Vì sao không thực hiện gói kích cầu 2

Tổng số gói kích cầu chúng ta thực hiện là 145,6 nghìn tỷ đồng, đó là một gói kích cầu tương đương với 8 tỷ USD. Đối với chúng ta, đây là một gói kích cầu lớn. Đánh giá tổng thể chung của chúng tôi và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng gói kích cầu đã phát huy tác dụng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Sắp tới trái phiếu Chính phủ vẫn phải phát huy

Tổng số gói kích cầu chúng ta thực hiện là 145,6 nghìn tỷ đồng, đó là một gói kích cầu tương đương với 8 tỷ USD. Đối với chúng ta, đây là một gói kích cầu lớn. Đánh giá tổng thể chung của chúng tôi và nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng gói kích cầu đã phát huy tác dụng, chỉ tiêu tăng trưởng không ngừng tăng lên trong các quý của năm, quý II tăng hơn quý I, quý III tăng hơn quý II và dự kiến quý IV sẽ tăng hơn các quý còn lại, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm nay.

Gói kích cầu thứ nhất hỗ trợ về đầu tư chung, chúng ta đã huy động nguồn vốn đầu tư khoảng 90,8 nghìn tỷ đồng để đầu tư bằng các nguồn ứng trước, chuyển vốn và trái phiếu Chính phủ. Gói kích cầu hỗ trợ miễn giảm thuế trị giá 28 nghìn tỷ đồng đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều trong tình hình sản xuất khó khăn hiện nay. Gói kích cầu về giải quyết đảm bảo an sinh xã hội gần 9,8 nghìn tỷ đồng giải quyết đời sống bà con vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo. Gói kích cầu 18 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, cũng có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhưng chúng tôi cho rằng đó là gói kích cầu có hiệu quả.

Vì sao không thực hiện gói kích cầu 2
Bộ trưởng Võ Hồng Phúc báo cáo tại Quốc hội.

Sắp tới chúng ta tiếp tục thực hiện như thế nào về các gói kích cầu? Trong báo cáo của Chính phủ đã nêu rõ, tôi cho rằng về cơ bản những gói kích cầu này sẽ có một số phần được thực hiện tiếp theo bằng các chính sách mà chúng ta đưa ra trong đầu tư. Về vấn đề này, sắp tới trái phiếu Chính phủ vẫn phải phát huy…

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt" không vi phạm nguyên tắc WTO

Phong trào vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là một quyết sách hết sức đúng đắn và được sự đồng tình của nhân dân, của xã hội. Đây là một hoạt động xã hội, nó không phải được giao cho một cơ quan Nhà nước, một cơ quan Chính phủ cho nên chúng ta không vi phạm các cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, không phân biệt đối xử với hàng hóa sản xuất trong nước hay ngoài nước.

Mục đích của việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam là người tiêu dùng Việt Nam có quyền yêu cầu các nhà sản xuất Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo giá cả, đảm bảo khả năng cạnh tranh chứ không phải chỉ yêu cầu một phía hay vận động một phía đối với người tiêu dùng. Ngược lại, đây cũng là trách nhiệm của những người sản xuất, những người kinh doanh, muốn để cho người tiêu dùng Việt Nam có thể lựa chọn và sử dụng hàng Việt Nam thì trước hết các nhà sản xuất, các doanh nghiệp cũng phải tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành và qua đó tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể yên tâm khi lựa chọn hàng Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Giải quyết tốt chính sách an sinh xã hội

Nhà nước đã ban hành một hệ thống chính sách an sinh xã hội khá đầy đủ với 20 nhóm chính sách và 50 chính sách cụ thể, có riêng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trong 12 chương trình mục tiêu quốc gia. Gần đây, để giải quyết sự chênh lệch giữa các vùng miền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30a. Nói chung, tất cả các hệ thống chính sách đó đã giúp người nghèo tiếp cận những điều kiện cơ bản nhất về ăn, ở, khám chữa bệnh, học hành, đi lại, việc làm, sản xuất, thông tin trợ giúp pháp lý... Nhà nước đã dành nguồn lực đáng kể trong điều kiện ngân sách còn khó khăn để chi cho an sinh xã hội như trong báo cáo là trên 22.000 tỷ đồng.

Năm 2009, Mặt trận Tổ quốc cũng đã vận động hàng nghìn tỷ đồng và cộng đồng doanh nghiệp đã cam kết đóng góp cho 62 huyện nghèo hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Đó là nguồn lực quan trọng, cùng với Nhà nước giải quyết tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Nếu tiếp tục tung gói kích cầu thứ 2, kinh tế sẽ được tiếp đà tăng trưởng

Vì sao không thực hiện gói kích cầu 2
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:"Nếu không cân đối được tiền và hàng, dễ xảy ra lạm phát"!.

"Khi nền kinh tế suy giảm thì việc làm là vấn đề lớn nhất. Thực tế, cuối năm 2008 đến đầu năm nay, vấn đề việc làm đặt ra rất gay gắt nhưng sau khi có gói hỗ trợ của Chính phủ, vấn đề này bắt đầu được duy trì ổn định" - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội về tác dụng của gói kích cầu thứ nhất, bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2009.

- Phó Thủ tướng có thể phân tích rõ hơn tác dụng của gói kích cầu này đối với vấn đề việc làm cho người lao động?

Tại thời điểm đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra là hỗ trợ để có thể giảm bớt gánh nặng về chi phí, giúp doanh nghiệp duy trì được công ăn việc làm.

Chính phủ kích cầu vào khu vực nông thôn cũng chính là nhằm tạo ra việc làm ở khu vực này. Trong quý I năm nay, nền kinh tế đã bắt đầu lấy lại được đà tăng trưởng, như vậy mục tiêu đưa ra đã đạt được. Sau quý I, khi nền kinh tế qua được điểm đáy của tăng trưởng thì chúng ta đã duy trì được việc làm. Nếu chúng ta không duy trì được tăng trưởng khoảng 5% thì rõ ràng số người thiếu việc làm sẽ rất nhiều.

- Các ý kiến chưa thống nhất nên hay không nên áp dụng gói kích cầu thứ hai. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?

Cuối tuần này, Chính phủ sẽ bàn trong phiên họp thường kỳ để đưa ra quyết định cụ thể. Theo tôi, nếu có thêm gói kích cầu thứ 2 sẽ tốt bởi lãi suất hiện nay của chúng ta vẫn còn hơi cao. Nếu chúng ta duy trì gói kích cầu thêm một giai đoạn nữa trong quá trình giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Nếu tiếp tục tung gói kích cầu thứ 2, kinh tế sẽ được tiếp đà tăng trưởng, cùng với đó, giảm dần lãi suất thị trường xuống. Như vậy, phát triển của chúng ta sẽ bền vững hơn ở giai đoạn sau. Nếu "cắt" ngay bây giờ, trong khi lãi suất chưa giảm được, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Nhiều nhà kinh tế trên thế giới hiện còn lo lắng sẽ xảy ra suy thoái vòng 2, tức là suy thoái kép, suy thoái hình chữ W chứ không phải hình chữ V.

- Về nguy cơ tái lạm phát giai đoạn hậu suy thoái kinh tế đã được cảnh báo, Phó Thủ tướng nhận định việc này như thế nào?

Nền kinh tế hiện nay đang thực hiện các giải pháp kích cầu và đang tăng cường đầu tư rất lớn, trong khi các gói đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại, thị trường chứng khoán cũng đã có những dấu hiệu khởi sắc nên việc điều hành kinh tế vĩ mô phải hết sức cẩn trọng vì lượng tiền bơm ra rất lớn. Nếu không cân đối được tiền và hàng, đầu tư vào mà không đưa ra được các sản phẩm thì chúng ta sẽ dễ bị mất cân đối và dẫn đến lạm phát.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Đ.Trường - Đ. Tuấn

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn

Số 16 Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội Tel: 0246.2938632/ 0243.9725154 Fax: 0243.9726949

Email:

©2009 Trung tâm Thông tin PTNNNT. Giấy phép số 287/GP-BC do Cục báo chí - Bộ văn hoá cấp ngày 05-07-2007

TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng việc hỗ trợ lãi suất đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đã phát sinh tình trạng bất công bằng và không cần thêm gói kích cầu thứ hai.

Vì sao không thực hiện gói kích cầu 2

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc cho vay hỗ trợ lãi suất đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đánh giá tình hình thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất của Chính phủ tại cuộc họp toàn thể Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội ngày 30/9, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả kiểm tra, thanh tra tại các địa phương thời gian qua cho thấy các vướng mắc chủ yếu trong thực hiện hỗ trợ lãi suất là thủ tục, hồ sơ vay vốn chưa đầy đủ và chưa đúng quy định của cơ chế cho vay thông thường.

Bên cạnh đó có một số ít trường hợp cho vay chưa đúng đối tượng hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại đã thu hồi nợ gốc và lãi.

Đánh giá của Ngân hàng nhà nước cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên việc áp dụng trong ngắn hạn đã phát sinh tình trạng không công bằng do mức hỗ trợ lãi suất tiền vay 4 phần trăm là khá lớn. Đối tượng thụ hưởng thuộc nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế nên nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận sản phẩm không phản ánh đúng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh và sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

Ông Tiến cũng cho biết đại diện IMF, WB và các nhà tài trợ cho Việt Nam cũng đã khuyến nghị với Chính phủ cần kiềm chế việc tăng chi ngân sách đã dự tính theo kế hoạch kích thích kinh tế và một số chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất cần được xóa bỏ hơn dự kiến.

Về việc có nên tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất hay thực hiện gói kích cầu thứ hai, ông Tiến cho rằng trong những tháng cuối năm 2009, suy giảm kinh tế đã được ngăn chặn, nền kinh tế đang lấy lại đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay phát sinh trong năm như vậy về thời hạn thực hiện hỗ trợ hỗ trợ lãi suất đã được công khai ngay từ khi triển khai thực hiện, giúp doanh nghiệp và hộ sản xuất chuẩn bị về tâm lý, ít bị sốc khi cơ chế hỗ trợ lãi suất được chấm dứt vào cuối năm 2009.

“Những biểu hiện không tích cực của cơ chế hỗ trợ lãi suất đã bộc lộ, tác động không thuận lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng”- Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Ông Tiến cũng cho rằng thay vì thêm một gói kích cầu thứ hai, Chính phủ có thể tập trung vào việc đẩy mạnh các cải cách như tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, cơ chế hợp lý.

Kích cầu khu vực nông thôn: Vì sao thấp?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết chủ trương cho vay kích cầu với khu vực nông thôn ra đời muộn, giữa tháng 4 nên đến nay dư nợ cho vay với nhóm này ở mức rất thấp, chiếm 2% trên tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất.

Tính riêng ở Quảng Nam cơ cấu tín dụng cho vay nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm có 11 phần trăm tổng dư nợ. Việc vốn kích cầu không được giải ngân mạnh trong nhóm đối tượng này một phần cũng do thông tin về việc cho vay đến bà con nông dân còn hạn chế.

Cùng với đó thời gian cho vay ngắn với các đối tượng này được đánh giá là ngắn. Máy móc thiết bị chỉ được hỗ trợ cho vay trong 2 năm, làm nhà ở 1 năm. Với những đối tượng ở khu vực nông thôn, thời gian như vậy quá ngắn. Cùng với đó thủ tục cho vay vẫn còn khó khăn. Người dân thấy thủ tục phức tạp hơn so với vay theo cơ chế thông thường nên cũng không mặn mà.

Chỉ tính riêng quy định việc mua sắm máy móc thiết bị phải mua máy móc trong nước sản xuất mà không tính đến chất lượng, hiệu quả và giá thành cũng là yếu tố khiến người dân ngại không muốn tiếp cận các khoản vay hỗ trợ.

“Thiết bị của Việt Nam là đơn năng, còn thiết bị nước ngoài là đa năng và giá luôn rẻ hơn. Điển hình như máy sấy lúa của Trung Quốc bán 10 triệu trong khi của Việt Nam bán tới 15 triệu nên người dân cũng không muốn vay. Tôi cho rằng nên điều chỉnh lại chính sách cho vay đối với khu vực nông nghiệp nông thôn”- Ông Sỹ kiến nghị.

Ông Tiến cũng thừa nhận cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 479/QĐ-TTg hiện đạt kết quả thấp. Mới có 461,58 tỉ đồng được giải ngân. Việc này do có sự trùng lắp về đối tượng hỗ trợ lãi suất giữa quyết định số 131 và quyết định số 443 trong việc cho vay mua sắm máy móc thiết bị, cơ khí, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tán đồng ý kiến trên, Chủ tịch Hội Nông dân Hải Dương, ông Lê Đình Khanh cũng cho rằng cơ chế hỗ trợ cho khu vực nông thôn cũng có những hạn chế và cơ chế cho vay chưa tập trung định hướng để cơ cấu lại nền kinh tế.

Điển hình như người nông dân vay tiền làm nhà thì chỉ được hỗ trợ cho vay trong 12 tháng trong khi vay mua máy móc, thiết bị được hỗ trợ trong 24 tháng. Cùng với đó chưa có quy định, cơ chế khuyến khích rõ ràng về việc các doanh nghiệp, hộ nông dân khi vay vốn để đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao. Đây là điều bất hợp lý.

Báo cáo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết kết quả khảo sát ở một số địa phương, ngân hàng thương mại cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất đã có tác động giảm chi phí vay vốn 36,6 phần trăm ở TP. Hồ Chí Minh; giảm 30 phần trăm ở Thừa Thiên – Huế; giảm 36,64 phần trăm ở 72 doanh nghiệp vay vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu; giảm 35 phần trăm đối với các doanh nghiệp chế biến bột cá, vận tải, sản xuất nhựa, cơ khí, chế biến cà phê vay vốn tại ngân hàng công thương Việt Nam; hạ giá thành sản phẩm từ hai đến 4,65 phần trăm ở TP. Hồ Chí Minh; 4 phần trăm ở Hưng Yên.