Vì sao du lịch không phải là ngành công nghiệp

07:38, 08/10/2012 (GMT+7)

Cụm từ “công nghiệp không khói” được dùng để chỉ ngành du lịch nhằm nhấn mạnh một số tính chất đáng lưu ý của hoạt động du lịch. Trước hết, đó là tính chất sinh lợi của hoạt động du lịch. Thứ đến, đó là một hoạt động sinh lợi mà không bị hệ lụy do ô nhiễm môi trường từ chất thải công nghiệp. Thêm nữa, hoạt động du lịch xem ra có vẻ dễ làm, đơn giản hơn công nghiệp; sinh lợi như công nghiệp mà lại không cần phải nhà máy, ống khói. Từ nhận thức này, xã hội đã quan tâm nhiều đến du lịch, nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch.

Vì sao du lịch không phải là ngành công nghiệp
Tham quan các hiện vật và thưởng thức mì Quảng, nước chè xanh tại làng Phong Lệ, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Nhưng chúng ta đã không chú ý đến việc cần phải đối xử, đầu tư cho hoạt động du lịch như đối xử và đầu tư cho công nghiệp, nên đã có tình trạng khai thác không bù đắp đối với các tài nguyên du lịch sẵn có hoặc không đầu tư để tạo ra những yếu tố tài nguyên mới. Thành ngữ mới có câu “ăn truyền thống, sống tiềm năng” để phê phán hiện tượng này.

Chuyện quốc gia, quốc tế

Ở góc độ công nghiệp thì ngày nay người ta gia công, chế biến nguyên liệu bằng cách đưa hàm lượng tri thức vào sản phẩm nhằm nâng giá trị sản phẩm với sự tiêu hao nguyên liệu ít nhất. Chúng ta thì hay bán sản phẩm thô, rất hao tốn nguyên liệu mà không khai thác được hàm lượng trí tuệ. Ngay đối với di sản văn hóa phi vật thể cũng cần phải có sự đầu tư, để vừa khai thác vừa bảo tồn, vừa quảng bá vừa nhân lên giá trị. Cũng chỉ với việc đan giỏ, làm bánh xèo, dệt thổ cẩm, hát bội, múa lân… của Việt Nam mà năm 2007, Viện Smithsonian, Hoa Kỳ, với sự hợp tác của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam, đã tổ chức một lễ hội dân gian hoành tráng ở thủ đô Washington, thu hút đông đảo người xem. Nhưng để chuẩn bị, người ta đầu tư làm nhiều thứ, bao gồm khảo sát, tập huấn, làm tư liệu và cuối cùng mới giới thiệu. Ví dụ với nghề đan lát, người ta tổ chức tập dượt dưới hình thức “Ngày hội tre trúc”, ở đó những người làm nghề thủ công trình diễn việc đan lát các công cụ bình thường. Với các món ăn thì tổ chức quay phim, chụp ảnh tư liệu, ghi chép quy trình chế biến để bảo tồn và giới thiệu cho công chúng.

Chuyện địa phương

Ngành du lịch đã được Đà Nẵng chọn như một ngành trọng tâm trong phát triển kinh tế của thành phố và đã có những đầu tư rất quan trọng. Khu du lịch Bà Nà là một ví dụ về một chiến lược đầu tư. Khởi động cách đây hơn mười năm với nhiều nghiên cứu tiền dự án, tiếp theo là quy hoạch, rồi đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm đường và điện, và sau đó là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư song song với ban hành các chính sách. Cho đến nay, lợi nhuận vật chất từ “khu công nghiệp không khói” Bà Nà có thể chưa đáng bao nhiêu so với tổng vốn đầu tư, nhưng hứa hẹn nhiều lợi ích phi vật chất và lợi ích khai thác lâu dài.

Đối với loại hình du lịch khai thác yếu tố văn hóa cổ truyền, phố ẩm thực, chợ đêm, du lịch sinh thái thì có vẻ ì ạch. Hơn năm năm trước có tuyến du lịch làng quê ở Phong Nam, xã Hòa Châu (làng Phong Lệ Nam), thỉnh thoảng có kết hợp tham quan nghề dệt chiếu Cẩm Nê, nghề đan Yến Nê. Nhưng những năm gần đây tuyến du lịch này phá sản. Lý do là thiếu một sự đối xử theo kiểu “công nghiệp” mà chỉ tận dụng khai thác những cái sẵn có, tự phát. Và theo cái lối tự phát ấy, các con đường làng râm mát bóng tre bị từng hộ dân thay thế bằng những con đường có tường rào bê-tông và nhà phân lô, cửa sắt kéo. Ngôi đình của làng mang tên đình Thần Nông gắn liền với một lễ hội nông nghiệp bị che chắn bởi một tòa nhà hai tầng của một trường trung học cơ sở. Và cứ thế du lịch làng Phong Nam không còn những đặc trưng đủ hấp dẫn khách tham quan.

Các loại phố ẩm thực lúc thì tổ chức bên cạnh Siêu thị Bài Thơ (cũ), lúc thì đưa vào sân vườn Thư Viện. Đặc sản bánh tráng thịt heo Đà Nẵng khởi đầu nổi tiếng với quán Mậu (Khuê Trung) sau gắn với một thương hiệu các quán Trần rải rác vài nơi. Đặc sản làm quà gắng gượng duy trì các gói khô mè Cẩm Lệ thiếu chiến lược quảng bá. Hát bội chập chờn với những đêm diễn bù lỗ ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Mì quảng tương đối phổ biến ở mọi nơi do là món ăn quen thuộc của người địa phương hơn là một món phát triển nhờ du lịch.

Để khắc phục những hạn chế trên, có một cách rất triển vọng là phải nghĩ đến việc đối xử như là đối xử với “công nghiệp”. Tức là phải nghiên cứu tiền khả thi, lập dự án và bước khởi đầu quan trọng là quy hoạch đất đai cho khu công nghiệp không khói dành cho văn hóa và đặc sản ẩm thực địa phương. Và cũng như với một khu công nghiệp bình thường, sau khi đã có quy hoạch thì phải giải tỏa, bố trí mặt bằng, làm cơ sở hạ tầng, tiến đến là kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp này. Ví dụ phải chọn lựa một khu vực có những điều kiện văn hóa, cảnh quan, giao thông thuận lợi để quy hoạch vài chục héc-ta (hoặc vài héc-ta) để tiếp tục chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan phù hợp cho một loại hình du lịch thiên nhiên, ẩm thực cổ truyền, thư giãn văn hóa.

Ở “khu công nghiệp” này sẽ có mặt bằng cho những nhà đầu tư mở hàng quán ẩm thực đặc sản hoặc cổ truyền như bánh tráng thịt heo, mì quảng, hến, bánh đập, bánh bèo, bánh ướt, bánh xèo, bánh khô mè, chè xanh gừng tươi; có bố trí mặt bằng cho trưng bày, biểu diễn các quy trình chế biến, sản xuất; có những địa điểm để tham quan di tích văn hóa, xem biểu diễn di sản phi vật thể; nếu gần đó có những khu trồng rau “sạch” để phục vụ cho du khách thì càng tốt; và đặc biệt là có những bãi đỗ xe rộng rãi, có bóng râm để du khách tập trung.

Song song với công tác chuẩn bị đầu tư cho khu công nghiệp này, phải làm những phim tư liệu về những món ăn và ngành nghề truyền thống của địa phương để bảo tồn và giới thiệu, bởi vì nó xứng đáng là những di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn, chẳng hạn như phim tư liệu về quy trình làm bánh khô mè Cẩm Lệ là nên làm trước hết.

Hiện nay, việc giải tỏa, quy hoạch, xây dựng đường, điện cho một khu công nghiệp thì diễn ra một cách bình thường, nhưng cũng làm như thế cho một khu kinh tế du lịch văn hóa, ẩm thực thì xem ra còn lúng túng, mặc dù người ta vẫn chờ mong nó cho ra những lợi nhuận như một ngành công nghiệp không khói. Điều đáng nói là Đà Nẵng vẫn còn cơ hội để quy hoạch loại khu công nghiệp này, đó là những khu làng còn lại ven sông từ Cẩm Lệ lên Túy Loan vốn còn ẩn chứa nhiều trầm tích văn hóa cổ truyền cần bảo tồn và phát huy. Nếu những suy nghĩ này được ủng hộ và được chỉ đạo một cách quyết liệt theo phong cách Đà Nẵng thì chắc chắn Đà Nẵng sẽ có thêm một khu công nghiệp không khói vừa có khả năng sinh lợi cao vừa bảo đảm phát triển đa dạng mà bền vững.

VÕ VĂN THẮNG

Nguyễn Quang Bình

Cứ tưởng du lịch là một ngành khai thác kinh tế sạch nhất, nên trước đây nó từng được gọi là “nền công nghiệp không khói”.

Càng lúc các quốc gia mạnh về du lịch càng thấy rằng, ngành du lịch sẽ không xứng đáng được mang cái “tên thánh” ấy khi ngành này phát triển rộng hơn nhờ thế giới tối đa và tối ưu hóa phương tiện chuyên chở, nhà hàng khách sạn và đa dạng hóa các điểm tham quan dã ngoại v.v…

Khái niệm du lịch “bền vững”, “có trách nhiệm”, du lịch “sạch” xuất phát từ đó và trở thành một lời kêu gọi thống thiết từ những nhà quản lý, công ty cũng như khách du lịch có ý thức bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn môi sinh cho chính cộng đồng con người và sinh vật ngay trên khu vực khai thác du lịch.

Vì sao du lịch không phải là ngành công nghiệp

Thật ra, chưa ai tính được tốn kém chi phí làm sạch lại môi trường và tái tạo môi sinh trong một vùng du lịch đã được khai thác bằng những con số kế toán cụ thể. Nhưng điều rõ ràng là một địa điểm du lịch quá dơ bẩn và mất vệ sinh như vung vãi bao nylon, các túi chai đựng thực phẩm và kể cả thức ăn thừa… thường khó thu hút lại khách tham quan.

Không như các ngành công nghiệp khai khoáng hay các công trình thủy điện, khu vực ảnh hưởng của chúng lúc hoạt động khá hạn hẹp ngay từ lúc khởi công đến khi vào vận hành, ngành du lịch ngày nay đang chịu sức ép khai thác kinh tế trên diện rộng mà nguồn thu nhập của ngành lại chính là tiền bạc từ trong túi của đối tượng khai thác là khách du lịch.

Chính vì vậy, nếu không bền bỉ kêu gọi “thượng đế” để mong được sự thông cảm và hỗ trợ của họ, và nếu như gặp phải sự vô tâm, vô cảm của chính công ty khai thác mà chỉ chạy theo đồng tiền và lợi nhuận… thì không mấy chốc các khu du lịch, những danh lam đẹp như mơ trở thành các núi rác, lại là ổ dịch bệnh cho dân cư trong vùng.

Phát triển du lịch bằng mọi giá hay chỉ tính trên cơ số kim ngạch để đạt kế hoạch kinh doanh của ngành du lịch của một nước hay một vùng nào đó mà không cân nhắc, cân đối giữa rủi ro gặp phải và yếu tố bù đắp, đôi khi dân chúng phải vì bát cơm mà mua chén thuốc.

Thật ra, khối lượng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của ngành du lịch là vô bờ bến chứ không như điều trước đây thường được nghe nói “ngành công nghiệp không khói” với hàm ý là ngành khai thác kiếm tiền không bụi bẩn, không đốt rừng phá núi… như nhiều người lầm tưởng.

Một cơ quan quản lý du lịch Pháp đưa ra các con số “tiêu hao” cho các hoạt động khai thác du lịch. Rất bất ngờ vì chúng không hề thua kém các ngành công nghiệp “có khói” khác.

Khối lượng tiêu thụ nước ngọt cho từng hành khách, tắm rửa, ăn uống, nước sử dụng cho các hồ tắm, tưới cỏ các sân golf được tính là 440 lít/ngày/đầu người.

Để thỏa mãn các hoạt động du lịch có liên quan, các nhà tổ chức tour phải động chân động tay để khai thác khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, đất, rừng, đất ngập nước, động vật hoang dã và cảnh quan… Hệ quả là phải phá rừng vô tôi vạ, gây nên hiện tượng xói mòn đất, lũ quét, đất chuồi… Nếu được quy ra thành chất đốt, củi sinh hoạt phải tốn đến 4-5 kg củi đốt nấu nướng và sưởi ấm/ngày/khách dã ngoại.

Tuy có tiếng là loại hình công nghiệp không khói, ngành du lịch phải sử dụng các phương tiện vận chuyển, xả thải gồm khói (máy bay), nước (tàu thủy), các chất rắn và lỏng, các sản phẩm thuộc dầu và dư lượng hóa chất còn quá hơn các ngành “có khói”. Giả sử như một tàu thủy du lịch xuyên đại dương xả chừng 7.000 tấn chất thải mỗi năm.

Nếu như tính 60% lượng hành khách đi máy bay là người đi du lịch, thì khói thải của ngành hàng không cũng nên được chia công bằng cho ngành du lịch. Đó là chưa nói đến sự hao mòn, tàn phá các vùng ngập mặn, các rạn san hô, các bãi biển nhường dần cho những công trình đô thị phục vụ du lịch…

Chỉ trừ một số công ty “ăn xổi ở thì”, nếu như các doanh nghiệp không tham gia vào các chương trình du lịch bền vững một cách chủ động và kịp thời, thì chính họ sẽ làm nghèo và xấu đi vùng khai thác du lịch, mà hệ quả là đẩy nhanh quá trình làm “tái nghèo” nơi đã từng hy sinh làm “con bò sữa” cho mình mà có khi doanh nghiệp du lịch phải dẹp tiệm vì khách sẽ không muốn lai vãng, mua tour của công ty “vô trách nhiệm” ấy nữa.