Ví dụ về thu hồi sản phẩm

Báo cáo thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm là gì? Mẫu báo cáo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm và soạn thảo? Quy định về hoạt động báo cáo thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm?

Thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm là một trong các phương thức giải quyết, xử lý các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm đó. Hoạt động xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm nói chung và hoạt động thu hồi sản phẩm nói riêng đều được đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi thực hiện hoạt động thu hồi, thì cần thực hiện báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

Mục lục bài viết

1. Báo cáo thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm là gì?

Thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm là hoạt động các chủ thể thực hiện thu lại các sản phẩm đã được cung cấp ra thị trường, khi phát hiện các sản phẩm này không đảm bảo an toàn thực phẩm. Thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm có thể là thu hồi tự nguyện, chính là hoạt động do tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm, tự nguyện thực hiện khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân về sản phẩm không bảo đảm an toàn hoặc hoạt động thu hồi bắt buộc, là việc chủ sản phẩm thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn theo quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền.

Báo cáo thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm là văn bản do chủ sản phẩm (tổ chức, cá nhân đăng ký bản công bố hoặc tự công bố sản phẩm) lập, gửi lên cơ quan có thẩm quyền về hoạt động thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm do các chủ thể này thực hiện.

Báo cáo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm được dùng để các chủ thể tiến hành thu hồi liệt kê các hoạt động cũng như kết quả thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

2. Mẫu báo cáo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm và soạn thảo:

Mẫu báo cáo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm được quy định với tên gọi là Mẫu báo cáo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm và đề xuất phương thức xử lý sản phẩm sau thu hồi, đây là văn bản được quy định trong Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Mẫu báo cáo như sau:

MẪU BÁO CÁO THU HỒI SẢN PHẨM KHÔNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ ĐỀ XUẤT PHƯƠNG THỨC XỬ LÝ SẢN PHẨM SAU THU HỒI

(Ban hành kèm theo Thông tư số: 23/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

——-

Số:.….

V/v báo cáo thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm

……, ngày…. tháng…. năm… (1)

Kính gửi:……. (Tên cơ quan/đơn vị nhận báo cáo)

Tổ chức, cá nhân…………… báo cáo về việc thu hồi sản phẩm như sau:

1. Thông tin về sản phẩm thu hồi:

– Tên sản phẩm: (2)

– Quy cách bao gói: (khối lượng hoặc thể tích thực)

– Số lô:

– Ngày sản xuất và/hoặc hạn dùng:

– Lý do thu hồi: (3)

2. Thông tin về số lượng sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm: (4)

– Số lượng sản phẩm đã sản xuất (hoặc nhập khẩu):

– Số lượng đã tiêu thụ:

– Số lượng sản phẩm đã thu hồi:

– Số lượng sản phẩm chưa thu hồi được:

3. Danh sách tên, địa chỉ các địa điểm tập kết sản phẩm bị thu hồi.

4. Đề xuất phương thức xử lý sau thu hồi

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu:……

ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

* Soạn thảo báo cáo thu hồi sản phẩm 

(1) Ghi địa danh, ngày lập báo cáo

(2) Ghi tên tên sản phẩm bị thu hồi

(3) Ghi lý do sản phẩm bị thu hồi

(4) Ghi các thông tin theo chỉ tiêu được liệt kê.

3. Quy định về hoạt động báo cáo thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm:

Sau khi thu hồi sản phẩm, thì các sản phẩm thu hồi tùy theo từng mức độ mà có thể áp dụng các hình thức xử lý khác nhau. Các hình thức xử lý bao gồm: khắc phục lỗi ghi nhãn; chuyển mục đích sử dụng; tái xuất hoặc tiêu hủy. Khi thực hiện xử lý các sản phẩm thu hồi này, thì các chủ sản phẩm có trách nhiệm xử lý theo quy định. Hoạt động báo cáo thu hồi sản phẩm được quy định tại Điều 8 của Thông tư số 23/2018/TT-BYT ngày 14 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế , cụ thể như sau:

Khi tiến hành thu hồi sản phẩm, thì các chủ thể thu hồi phải có văn bản đề nghị về việc giải quyết, xử lý sản phẩm thu hồi gửi lên cơ quan có thẩm quyền để cơ quan này phê duyệt. Chủ sản phẩm phải hoàn thành việc xử lý sản phẩm sau thu hồi theo quyết định thu hồi bắt buộc của cơ quan có thẩm quyền trong vòng thời gian tối đa là 03 (ba) tháng từ bắt đầu tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền có văn bản đồng ý với đề xuất hình thức xử lý của chủ sản phẩm.

Nếu phương thức xử lý sản phẩm thu hồi được áp dụng hình thức khắc phục lỗi ghi nhãn: thì sau khi kết thúc việc khắc phục lỗi ghi nhãn, chủ sản phẩm phải gửi thông báo bằng văn bản đến đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm, nội dung văn bản phải nêu rõ tên, số lượng, kèm theo mẫu nhãn sản phẩm đã khắc phục khi chủ sản phẩm thu hồi sản phẩm tự nguyện. Sau khi gửi thông báo, chủ sản phẩm được phép lưu thông sản phẩm. Còn trong trường hợp thu hồi bắt buộc thì  tương tự như trường hợp chủ sản phẩm thu hồi tự nguyện, thì sau khi kết thúc việc khắc phục lỗi ghi nhãn, chủ sản phẩm phải gửi thông báo bằng văn bản, văn bản phải nêu rõ tên, số lượng, kèm theo mẫu nhãn sản phẩm đã khắc phục đến cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm. Cơ quan ra quyết định thu hồi phải có văn bản đồng ý về việc lưu thông đối với sản phẩm, trong trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của chủ sản phẩm. Chủ sản phẩm phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm về việc đồng ý lưu thông sản phẩm của cơ quan ra quyết định thu hồi khi chủ sản phẩm nhận được thông báo đồng ý việc lưu thông sản phẩm đã khắc phục lỗi ghi nhãn của cơ quan ra quyết định thu hồi.  Chủ sản phẩm chỉ được lưu thông sản phẩm khi có văn bản đồng ý của cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm.

Đối với trường hợp xử lý sản phẩm bị thu hồi mà áp dụng hình thức chuyển mục đích sử dụng, thì chủ sản phẩm phải gửi báo cáo bằng văn bản về việc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm. Văn bản báo cáo  phải nêu rõ tên, số lượng, thời gian, lĩnh vực chuyển đổi mục đích sử dụng, kèm theo hợp đồng, hóa đơn mua bán giữa chủ sản phẩm với bên mua. Thời hạn để gửi báo cáo đó là trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi mục đích sử dụng đối với sản phẩm. Bên mua sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ được sử dụng sản phẩm đó theo đúng mục đích sử dụng đã ghi trong hợp đồng và đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm.

Đối với trường hợp xử lý sản phẩm bị thu hồi mà áp dụng hình thức tái xuất thì chủ sản phẩm cũng phải thực hiện gửi báo cáo bằng văn bản về việc tái xuất sản phẩm, văn bản phải nêu rõ tên, số lượng, nước xuất xứ, thời gian tái xuất, kèm theo hồ sơ tái xuất đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm và cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc tái xuất sản phẩm.

Đối với trường hợp xử lý sản phẩm bị thu hồi mà áp dụng hình thức tiêu hủy thì chủ sản phẩm phải báo cáo bằng văn bản về việc tiêu hủy sản phẩm đến cơ quan có thẩm quyền về an toàn thực phẩm hoặc cơ quan ra quyết định thu hồi sản phẩm. Trong văn bản nộp đến cơ quan có thẩm quyền nêu trên phải nêu rõ tên, số lượng, thời gian đã hoàn thành việc tiêu hủy, địa điểm tiêu hủy, kèm theo biên bản tiêu hủy sản phẩm có xác nhận của cơ quan thực hiện việc tiêu hủy sản phẩm . Thời hạn để chủ sản phẩm thực hiện báo cáo đó chính là trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc tiêu hủy sản phẩm.

Các cơ có thẩm quyền trong hoạt động báo cáo thu hồi sản phẩm không an toàn thực phẩm đó chính là cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố hoặc cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CPngày 02 tháng 02 năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cụ thể đó chính là Bộ Y tế hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ngoài ra còn có cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chínhvề an toàn thực phẩm.