Vệ sinh mũi họng đúng cách

Vì sao phải bảo vệ tai mũi họng?

Theo BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Anh TP HCM, tai mũi họng được xem là "cửa khẩu" quan trọng để chốt chặn xâm nhập các loại virus, vi khuẩn, nấm. Tai mũi họng vốn là là cửa ngõ của cơ quan phổi và của đường tiêu hoá, các bộ phận cơ thể này có cấu tạo là các hốc thông nhau và thông ra bên ngoài. Do đó, tai mũi họng là bộ phận có tới 90% nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn, nấm, virus hay dị ứng.

Trong cấu tạo cơ quan tai mũi họng sẽ có các lớp niêm mạc, tuy các lớp niêm mạc này rất mỏng mạnh nhưng lại có khả năng ngăn chặn các mầm bệnh, chất bẩn xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời, niêm mạc còn có thể giữ ấm và giúp cho các mô của cơ thể không bị mất độ ẩm.

"Virus SARS-CoV-2 sẽ lây nhiễm từ người bệnh F0 sang F1 qua tiếp xúc trực tiếp. Virus sẽ truyền từ người bệnh qua người khỏe, xâm nhập vào bên trong cơ thể người khỏe mạnh, đầu tiên chúng khu trú ở niêm mạc mũi, miệng, sinh sôi ở đường hô hấp trên (vùng mũi họng). Khi đủ thời gian ủ bệnh, virus sẽ di chuyển xuống đường hô hấp dưới (phổi, phế quản) và tấn công phổi, nặng hơn sẽ tấn công thêm các cơ quan tim, gan, thận, mạch máu...", bác sĩ Thúy Hằng cho biết.

Vệ sinh mũi họng đúng cách

BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng khám, tư vấn bệnh lý tai mũi họng tại BV Tâm Anh TPHCM.

Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có yêu cầu người bệnh vệ sinh mũi họng để giảm tải lượng virus. Việc súc miệng, súc họng bằng các dung dịch sát khuẩn giúp diệt virus ngăn chúng xâm nhập vùng hầu họng, giúp phòng lây nhiễm, chống virus phát tán mạnh hơn. Việc thực hiện đúng cách và thường xuyên, đặc biệt là khi bản thân đang nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ là một biện pháp quan trọng và cần thiết giúp bảo vệ cơ thể, giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh. Dung dịch sát khuẩn có thể tiêu diệt virus, làm nồng độ virus ít đi, khi đó cơ thể sẽ đủ thời gian sản xuất các kháng thể chống lại virus, trong khi bệnh này chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Ngoài ra, người nhiễm có thể giữ ẩm mũi bằng nhỏ dung dịch nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể, uống đủ nước, đảm bảo cân bằng dịch, điện giải.

Sát khuẩn vùng hầu họng như thế nào?

Các biện pháp vệ sinh mũi, vệ sinh miệng bằng dung dịch thông thường như nước muối sinh lý, nhìn chung không phải là biện pháp điều trị các bệnh viêm nhiễm đặc hiệu. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên áp dụng cách làm này để giữ gìn mũi, họng trong tình trạng khỏe mạnh nhất, tránh viêm nhiễm. Việc này không chỉ hạn chế khả năng lây nhiễm Covid-19, mà hạn chế lây nhiễm nhiều loại bệnh khác. Riêng đối với F0, người nghi nhiễm, chúng ta có thể sử dụng các loại thuốc súc họng như Povidon-Iod (Betadine xanh), Chlorhexidine (Medoral, Kin), Nano bạc (SMC Ag+) hoặc những chất kháng khuẩn khác súc họng mỗi ngày để hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo, người dân không nên lạm dụng việc súc họng bằng các loại thuốc. Ngoài ra, phải súc họng đúng cách mới có hiệu quả phòng dịch. Súc họng ít quá cũng chưa có tác dụng, ngược lại, súc họng nhiều lần sẽ có một số tác dụng phụ, ảnh hưởng niêm mạc họng miệng. Chỉ nên súc họng khoảng 2-3 lần mỗi ngày, hoặc súc họng nhiều lần hơn khi có chỉ định của bác sĩ.

Vệ sinh mũi họng đúng cách

[Súc họng bằng dung dịch sát khuẩn có thể giảm tải lượng virus tập trung ở vùng họng miệng.

Súc họng đúng cách, không đơn thuần là ngậm dung dịch vào miệng rồi nhả ra ngoài. Người vệ sinh miệng, họng cần ngửa cổ lên để thuốc có cơ hội tiếp xúc với vùng thấp của hạ họng, khi họng có thể phát tiếng a...a...a...mới đạt hiệu quả diệt virus, vi khuẩn tập trung ở hầu họng. Trong một lần súc họng nên đưa thuốc vào vùng sâu trong cổ họng, thời gian súc họng ít nhất 30 giây thì hiệu quả kháng khuẩn tại chỗ sẽ cao hơn. Một ngày có thể súc họng 2-3 lần, bằng dung dịch nguyên chất hoặc pha loãng tỉ lệ 1:1. Đối với trẻ nhỏ, nếu trẻ chưa thể thực hiện động tác súc họng thì phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng nước muối sinh lý. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý, dung dịch nước muối sinh lý phù hợp với niêm mạc miệng là dung dịch có nồng độ 0,9%. Nghĩa là trong 100 ml dung dịch đó chỉ có 0.9 gram muối. Nếu phụ huynh tự pha rất khó để đạt được nồng độ này, vì thường có độ mặn hơn, dễ gây tổn thương niêm mạc họng.

Đối với trẻ lớn, người trưởng thành, việc dùng thuốc, dung dịch súc họng, tùy theo khuyến cáo nhà sản xuất, chúng ta có thể sử dụng liều lượng các loại dung dịch súc họng khác nhau từ 10-15ml, thời gian súc họng cũng kéo dài theo thời gian chỉ định khác nhau theo từng loại thuốc ghi trên hướng dẫn, trung bình là 30 - 60 giây.

Từ bỏ thói quen xấu gây hại cho tai mũi họng

Tai mũi họng là cơ quan vô cùng quan trọng, việc chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tai mũi họng tưởng chừng rất đơn giản, phổ biến nhưng người dân vẫn có nhiều sai lầm gây tổn hại cho các cơ quan này. Theo bác sĩ Hằng, ngoáy mũi, nhổ lông mũi, bơm rửa mũi quá nhiều lần trong ngày, lạm dụng thuốc chống nghẹt mũi, ngoáy tai thường xuyên, lấy ráy tai không đúng, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia là những thói quen có thể gây hại cho vùng tai mũi họng.

Đặc biệt để phòng ngừa Covid-19, nhiều người dân đã sử dụng những cách dân gian để giảm nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 như xoa dầu gió lên mũi. Tại nhiều bệnh viện đã ghi nhận trường hợp bị bỏng niêm mạc mũi do sử dụng dầu gió quá nhiều, hít lượng dầu gió nhiều có thể gây viêm phổi. Mặt khác, có trường hợp lo sợ mắc Covid-19 nên bơm rửa mũi quá nhiều lần gây tổn thương niêm mạc mũi.Theo bác sĩ Hằng, chúng ta chỉ cần rửa mũi 2-3 lần mỗi ngày, sáng thức dậy, khi đi làm về, hoặc sau khi đi lấy mẫu test Covid-19. Người dân chỉ cần xịt nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý bình thường, không cần quá lạm dụng các dung dịch có pha các chất sát khuẩn, vì có thể gây tổn thương niêm mạc mũi.

Vệ sinh mũi họng đúng cách

Nhỏ mũi đúng cách để vệ sinh mũi, ngăn nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm do nấm, virus, vi khuẩn.

Theo bác sĩ Hằng, giữ cơ thể ấm cũng là biện pháp tốt đề phòng các bệnh tai mũi họng. Khi cơ thể bị lạnh dẫn đến dễ viêm nhiễm như viêm mũi họng, viêm phế quản phổi, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm Covid-19, hoặc người nhiễm Covid-19 sẽ tiến triển nặng. Do đó, cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, uống nhiều nước (2 lít mỗi ngày), có thể sử dụng nước ấm. Bên cạnh vệ sinh mũi họng thì người dân cần thực hiện biện pháp ngăn chặn lây lan virus như tuân thủ giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, không để tay chạm vào vùng chữ T trên khuôn mặt, để virus không có cơ hội xâm nhập vào mũi, mắt, miệng...

Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường vận động, tập thể dục tại nhà, ăn uống điều độ, giữ tinh thần lạc quan, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe.

Anh Ngọc