Văn bản hướng dẫn về tội cho vay nặng lãi

Trong những năm gần đây, hoạt động cho vay lãi nặng của các nhóm tội phạm đã và đang diễn ra rất phức tạp với những phương thức và thủ đoạn hết sức tinh vi và xảo quyệt. Để kịp thời đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân, BLHS năm 2015 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung quy định của BLHS năm 1999 từ “Tội cho vay lãi nặng” thành “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” để phù hợp với các quy định mới của BLDS năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với các vụ án về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định như thiếu văn bản hướng dẫn, các văn bản pháp lý liên quan đã ban hành còn chồng chéo, mâu thuẩn, một số văn bản không còn phù hợp với thực tiễn áp dụng. Vì vậy, hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cần phải được nhận thức và áp dụng thống nhất nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc về quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, bảo đảm cho quá trình thực thi pháp luật hình sự được chính xác, xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn để qua đó có những kiến nghị hoàn thiện pháp luật, và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là điều cần thiết

  1. Dấu hiệu pháp lý của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Điều 201 BLHS năm 2015 quy định Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau

“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

  1. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm
  2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
  3. Khách thể của tội phạm

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến khách thể là trật tự quản lý kinh tế của nhà nước về hoạt động tín dụng, mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ; xâm phạm đến lợi ích tài chính của công dân.

  • Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015 đó là hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS. Tuy nhiên, để hành vi cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên đạt đến mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội và trở thành tội phạm thì phải đáp ứng điều kiện về số tiền thu lợi bất chính là từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đặc trưng trong Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là mức lãi suất do các bên thỏa thuận trong hợp đồng vay tài sản. BLHS quy định dấu hiệu bắt buộc để cấu thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là “Cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự”. Để làm rõ dấu hiệu này trong mặt khách quan của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì chúng ta phải làm rõ quy định của BLDS về lãi suất.

Theo quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015 thì lãi suất trong hợp đồng vay được xác định như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

  1. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.

Bộ luật dân sự năm 2015 cho phép các bên tự thỏa thuận với nhau về lãi suất đồng thời cũng quy định thêm về mức lãi suất tối đa mà các bên được phép thỏa thuận, mức lãi suất này không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Như vậy, theo quy định tại Điều 468 BLDS và Điều 201 BLHS năm 2015 thì các giao dịch vay tiền mà lãi suất từ 20%/năm của khoản tiền vay trở xuống là giao dịch có lãi suất hợp pháp, nếu các bên trong giao dịch dân sự có thỏa thuận về mức lãi suất từ 21% đến dưới 100%/năm thì đây là trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được pháp luật cho phép, đây là giao dịch bất hợp pháp, mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực pháp luật, nhưng chưa đến mức bị xử lý về hình sự. Trong trường hợp này bên cho vay có trách nhiệm trả lại khoản tiền lãi vượt quá đã nhận của bên vay “Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Trường hợp các bên thỏa thuận mức lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS tức là 100%/năm của khoản tiền vay trở lên, đây điều kiện cần để xác định một hành vi có bị coi là phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay không.

Để hành vi cho vay với lãi suất từ gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS thỏa mãn dấu hiệu cấu thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì phải đáp ứng thêm điều kiện về số tiền thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Người cho vay phải thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.

– “Thu lợi bất chính”” là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay.

– Trường hợp hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện với nhiều người thì khoản tiền thu lợi bất chính được xác định là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay.

– Số tiền Thu lợi bất chính không chỉ là phần lãi suất vượt quá quy định của Nhà nước, mà bao gồm cả các khoản thu trái pháp luật khác do các đối tượng cho vay lãi nặng tự đặt ra buộc người vay phải trả, như: phí giao dịch (chi phí đi thu tiền hàng tháng, hàng ngày…) hoặc các khoản tự đặt ra để phạt người vay.

Thứ hai, Đã bị xử phạt hành chính về hành vi cho vay lãi nặng mà còn vi phạm: Dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” đã được đưa vào làm một trong những điều kiện để trở thành dấu hiệu định tội của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được ghi nhận tại khung cơ bản của điều luật (Khoản 1 Điều 201 BLHS năm 2015). Theo quy định của BLHS trước đây, dù một người bị xử phạt hành chính nhiều lần về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhưng không đủ định lượng về khoản tiền thu lợi bất chính thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này làm xuất hiện tình trạng nhiều người sẵn sàng bị xử phạt hành chính nhiều lần về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự mà không hề sợ, không hề từ bỏ việc cho vay lãi nặng. Bên cạnh đó, chế tài hành chính áp dụng đối với người có hành vi cho vay lãi nặng tương đối nhẹ. Hình thức xử phạt là phạt tiền nhưng mức tiền phạt rất thấp. Theo quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình thì mức tiền phạt đối với hành vi cho vay lãi nặng chỉ từ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Như vậy vô hình chung, xử phạt vi phạm hành chính không có hiệu quả trong phòng, chống, ngăn ngừa, răn đe đối với người có hành vi cho vay lãi nặng. Nếu áp dụng xử phạt hành chính nhiều lần mà không lấy đó làm căn cứ, điều kiện để bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không đủ sức răn đe cũng như gây bất công trong xã hội.

Thứ ba, Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm được sử dụng để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là trường hợp trước khi thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, người phạm tội đã bị Tòa án kết án về Tội cho vay lãi nặng theo Điều 171 BLHS năm 1985 hoặc Tội cho vay lãi nặng theo Điều 163 BLHS năm 1999 hoặc Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 BLHS năm 2015 nhưng chưa được xóa án tích theo quy định tại Chương X BLHS năm 2015 nay lại tiếp tục phạm tội cho vay lãi nặng.

Ngoài việc cho vay tiền tệ thì hiện nay hành vi cầm đồ cũng là một trong những hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nếu lãi suất cầm đồ từ 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng, bởi xét về bản chất hành vi cầm đồ thực chất là cho vay tài sản có cầm cố tài sản.

– Mặt chủ quan của tội phạm

Về lỗi: Người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi đó gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả đó xảy ra.

– Chủ thể của tội phạm

Trong pháp luật hình sự Việt Nam, chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể được luật hình sự quy định là tội phạm. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự không phải là một trong những tội danh thuộc phạm vi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 76 BLHS năm 2015. BLHS hiện hành quy định chỉ chủ thể là cá nhân mới phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Luật hình sự Việt Nam không quy định như thế nào là trường hợp có năng lực trách nhiệm hình sự mà chỉ quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS năm 2015). Như vậy, có thể rút ra được một người được coi là có năng lực trách nhiệm hình sự khi người đó đạt một độ tuổi nhất định theo quy định của BLHS, có đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình tức là không rơi vào trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Các dấu hiệu định khung của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có một dấu hiệu định khung là “thu lợi bất chính” theo quy định tại Khoản 2, Điều 201 BLHS năm 2015 “Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên”, đây là khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.

  1. Một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

Hiện nay, đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã có nghị quyết số 01/2021 ngày 20/12/2021 hướng dẫn áp dụng Điều 201 của bộ luật hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. tuy nhiên, theo tác giả, trên thực tiễn vẫn còn một số vấn đề vướng mắc. cụ thể như sau:

Thứ nhất, Về phạm vi điều chỉnh của Điều 201 BLHS về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Điều 201 BLHS năm 2015 quy định phạm vi điều chỉnh của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là cá nhân, tuy nhiên theo tác giả nhận thấy Điều 201 BLHS năm 2015 quy định chủ thể của tội phạm này chưa đầy đủ: Hiện nay nhiều doanh nghiệp được thành lập dưới hình thức như Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, công ty đại lý tài chính cho vay… những doanh nghiệp này được thành lập hợp pháp, có cơ cấu chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, họ trực tiếp nhân danh pháp nhân khi tham gia các quan hệ pháp luật với mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên (hay còn gọi là pháp nhân thương mại). Tuy nhiên, các công ty này đã thực hiện các hoạt động kinh doanh không đúng với ngành nghề đã đăng ký hoặc tổ chức các hoạt động phi pháp để thu lợi nhuận. Các doanh nghiệp này thường hoạt động dưới các dạng như tài trợ cho khách hàng một khoản tiền để mua sản phẩm và trả góp hàng tháng với lãi suất rất cao, hoặc cho vay tiêu dùng với lãi suất cao lên đến 100%/năm, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng nhưng lại không có cơ sở để xử lý các công ty này về hành vi cho vay lãi nặng. Việc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự của pháp nhân góp phần đáp ứng đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm này trong thời gian tới, đồng thời, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ hai, khó khăn khi xác định lãi suất trong yếu tố cấu thành tội phạm

Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, việc xác định lãi suất là yếu tố bắt buộc, tuy nhiên, việc tính được lãi suất là bao nhiêu và vượt quá bao nhiêu lần so với mức lãi suất cao nhất được quy định trong BLDS năm 2015 gặp rất nhiều khó khăn, thông thường thông qua các chứng cứ, tài liệu thu thập được để làm rõ số tiền vay, ngày vay, ngày trả, lãi suất, số tiền đã thu được, số tiền chưa thu được từ người vay…đây là những căn cứ để xác định hành vi cho vay lãi nặng có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không, nhưng trên thực tế việc chứng minh lãi suất rất khó vì nhiều nguyên nhân như: hợp đồng vay bằng miệng hoặc có giấy vay tiền nhưng không có trình tự, thủ tục vay mượn chính thống mà được che đậy bằng các loại hợp đồng giả cách như hợp đồng ủy quyền mua bán xe, mua bán nhà đất …để đảm bảo cho khoản vay, hợp đồng không thể hiện lãi suất, hoặc có thể hiện lãi suất nhưng lại ghi với mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất thực tế, hoặc bên cho vay tính luôn tiền lãi gộp cùng tiền gốc, ghi trong hợp đồng thành tiền nợ, có những trường hợp, hợp đồng từ nhiều năm trước nhưng chưa trả được lãi nên số tiền lãi được nhập lại để tính thành khoản tiền gốc hoặc khi giao nhận tiền lãi không có giấy tờ biên nhận nên khi phát hiện không có chứng cứ vật chất thể hiện việc cho vay lãi nặng, do chỉ căn cứ vào lời khai dẫn đến việc chứng minh số tiền thu lợi bất chính để xử lý các đối tượng cho vay lãi nặng gặp khó khăn.

Ví dụ: Nguyễn Thị H cho ông Ngô Văn S vay số tiền 80.000.000 đồng và hai bên đã che giấu hành vi cho vay lãi nặng bằng một hợp đồng chuyển nhượng thửa đất thuộc Lô số 1882, Tờ bản đồ số 9, có diện tích 157m2, địa chỉ xóm 14, xã N, huyện N, tỉnh Nghệ An (Thuộc chủ sở hữu của chị Ngô Thị M và anh Trương Văn X là con gái và con rể của ông S), thực chất là để bảo đảm nghĩa vụ cho khoản vay 80.000.000 đồng mà ông S đã vay của H, trong trường hợp này, muốn chứng minh hành vi cho vay lãi nặng của bà Nguyễn Thị H thì phải chứng minh được hợp đồng chuyển nhượng thửa đất trên là hợp đồng giả cách nhằm che giấu hành vi cho vay lãi nặng, mặt khác, hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng về lãi suất, việc xác định lãi suất vay trong trường hợp này cực kỳ khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ ba, không thống nhất cách xác định số tiền thu lợi bất chính trong yếu tố cấu thành tội phạm.

Một là, trường hợp cho vay đã thu tiền lãi của người vay nhưng chưa thu tiền gốc thì số tiền thu lợi bất chính được xác định như thế nào, hiện nay trong thực tiễn vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất. Hiện có 02 quan điểm:

Quan điểm 1: Trường hợp bên vay đã thu được tiền lãi nhưng chưa thu được tiền gốc thì số tiền lãi vượt quá số tiền lãi mà pháp luật cho phép sẽ được tính là số tiền thu lợi bất chính mà không phải trừ đi số tiền gốc.

Quan điểm 2: Trường hợp bên vay đã thu được tiền lãi nhưng chưa thu được tiền gốc thì số tiền lãi vượt quá được tính là số tiền thu lợi bất chính khi đã trừ đi số nợ gốc, nếu số tiền lãi vượt quá ít hơn số nợ gốc chưa trả thì không được coi là có thu lợi bất chính.

Ví dụ điển hình cho quan điểm 1: Bản án số: 55/2020/HS-ST ngày 29/4/2020 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” của Tòa án nhân dân huyện Đức Tr, tỉnh Lâm Đồng. Theo nội dung vụ án thì Ông Nguyễn Minh H cho ông Vi Tiến Dũng vay số tiền 10.000.000 theo hình thức vay góp, mỗi ngày trả 300.000 đồng trong vòng 40 ngày. H đã thu được 23 ngày với số tiền 6.900.000 đồng (số tiền lãi hợp pháp là 126.500 đồng, số tiền thu lợi bất chính là 1.023.500 đồng). Dũng còn nợ H số tiền lãi và gốc là 5.100.000 đồng. Trong vụ án này, Tòa án nhân dân huyện Đức Tr, tỉnh Lâm Đồng nhận định, số tiền thu lợi bất chính là 1.023.500 mặc dù Dũng chưa trả được số tiền gốc cho H thì số tiền đó cũng được coi là số tiền thu lợi bất chính.

Ví dụ điển hình cho quan điểm 2: Bản án số: 22/2020/HS-ST ngày 11/3/2020 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Theo nội dung bản án thì khoảng tháng 3/2020, Q thỏa thuận cho bà Y vay 20.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 1.000.000 trong thời hạn 25 ngày. Q quy định thu phí vay 10% tương ứng 2.000.000 đồng, thu trước tiền góp 01 ngày là 1.000.000 đồng. Sau đó Q chuyển giao số tiền thực tế cho bà Y vay là 17.000.000 đồng, bà Y còn trả góp 24 ngày. Tổng số tiền bà Y phải trả cho Q là 25.000.000 đồng, Q thu lợi 7.000.000 đồng tương ứng lãi suất cho vay là 504%/năm, gấp 25,2 lần mức lãi suất cao nhất được quy định trong giao dịch dân sự.

Đến tháng 8/2020, bà Y tiếp tục vay của Q số tiền 20.000.000 đồng, trả góp mỗi ngày 1.000.000 đồng trong thời hạn 25 ngày. Hình thức vay và lãi suất như lần trước. Sau đó Q chuyển giao số tiền thực tế cho bà Y vay là 17.000.000 đồng, bà Y còn trả góp 24 ngày Tuy nhiên, bà Y mới góp được 07 ngày với số tiền 7.000.000 đồng. Trong lần cho vay này Q chưa có lãi, không thu lợi bất chính. Bà Y còn nợ 10.000.000 đồng tiền gốc.

Trong Bản án số: 02/2020/HS-ST ngày 12/01/2020, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho rằng số tiền Q đã trả không đủ số tiền gốc mà Q cho bà Y vay nên chưa phát sinh số tiền thu lợi bất chính.

Từ hai bản án trên ta thấy, Tòa án có cách xử lý khác nhau trong trường hợp bên cho vay đã thu tiền lãi của người vay nhưng chưa thu hết tiền gốc. Theo tác giả, trường hợp bên vay đã thu được tiền lãi nhưng chưa thu được hết tiền gốc thì số tiền lãi vượt quá cũng được tính là số tiền thu lợi bất chính, không cần phải trừ đi hết số tiền gốc mới được tính là thu lợi bất chính, bởi lẻ, hình thức vay mà hai bên thỏa thuận là hình thức vay trả góp, sau mỗi lần trả thì đã trả một phần gốc và một phần lãi tức là đã phát sinh lãi (phát sinh thu lợi bất chính), do đó mặc dù chưa trả hết số tiền gốc nhưng người vay đã thu lợi bất chính rồi.

Hai là, khó khăn trong việc áp dung quy định về tình tiết “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng mà còn vi phạm”.

Theo quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015, “lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Nếu lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực và tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này chưa có quy định cụ thể, chỉ duy nhất Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Kinh doanh dịch vụ cầm cố cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự”. Ta thấy Nghị định số 144/2021/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản chứ không quy định xử phạt hành chính đối với hành vi cho vay tiền không cầm cố tài sản. Trong khi đó, hình thức cho vay phổ biến hiện nay là vay tín chấp, gói vay có giá trị thấp dẫn đến việc cho vay tiền không cầm cố tài sản không xử phạt vi phạm hành chính được, dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng nhưng trước đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giai đoạn hiện nay hầu như không có căn cứ xử lý. Mặt khác, các đối tượng cho vay lãi nặng thường không ký hợp đồng cho vay hoặc hợp đồng cấm cố, thế chấp tài sản mà thể hiện dưới hình thức tín chấp hoặc dưới dạng hợp đồng mua bán tài sản để che giấu giao dịch cầm cố, thế chấp, sau đó ký tiếp hợp đồng cho mượn, cho thuê (giao dịch giả cách) hẹn đến hạn sẽ trả lại cho bên cho vay tài sản, khi người vay không đủ khả năng trả lãi thì bên cho vay đòi lại tài sản, điều này gây khó khăn cho việc xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính khi mà bên vay không cung cấp được các giấy tờ chứng minh có việc trả lãi hàng tháng hay giấy tờ chứng minh hợp đồng mua bán tài sản là giao dịch giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tài sản có thế chấp, nên không đủ căn cứ để khởi tố.

Những tiến bộ trong việc xây dựng hệ thống pháp luật hình sự của nước ta trong những năm vừa qua đã giúp cho hệ thống pháp luật hình sự không ngừng lớn mạnh và công tác điều tra, xử lý tội phạm hiệu quả hơn. Tuy nhiên những biến động về kinh tế, xã hội cộng với xu hướng toàn cầu hóa cho thấy hệ thống pháp luật về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cần thiết được bổ sung những mảng còn thiếu và sửa đổi cho phù hợp.

  1. Kiến nghị

Thứ nhất, Từ hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng Điều 201 BLHS thì tác giả nhận thấy cần hoàn thiện quy định về chủ thể của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 BLHS năm 2015 để đáp ứng nhu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm này trong tình hình mới. Khi bổ sung chủ thể của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là pháp nhân thương mại sẽ giúp cho chủ thể của tội phạm này được đầy đủ và phù hợp hơn với tội phạm xảy ra trong thực tế. Từ đó, tác giả đưa ra kiến nghị hoàn thiện Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 BLHS năm 2015 như sau: Bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 76 BLHS năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và bổ sung thêm khoản 4 Điều 201 BLHS năm 2015 “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này”.

Thứ hai, Việc quy định hình phạt tiền đối với người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hiện nay còn tồn tại một số bất cập. Qua tham khảo hình phạt của Tội cho vay lãi nặng trong pháp luật hình sự của BLHS Trung Hoa thì tác giả nhận thấy mức hình phạt quy định tại Điều 201 BLHS Việt Nam hiện hành còn nhẹ, cụ thể là Điều 175 BLHS Trung Hoa quy định hình phạt tiền dựa vào số tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính để xác định (từ 1 lần đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính) và hình phạt tiền là bắt buộc và luôn đi kèm với hình phạt tù hoặc cải tạo lao động trong khi mức tối đa quy định tại Điều 201 BLHS Việt Nam thì bị giới hạn, dù thu lợi bất chính bao nhiêu đi nữa thì mức phạt tiền cũng không quá 1.000.000.000 đồng, đồng thời hình phạt tiền là hình phạt mang tính tùy nghi, Tòa án có thể áp dụng hoặc không, người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng là mục đích thu lợi về tài sản, vì vậy cần đánh vào tài sản của người phạm tội thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này mới đạt hiệu quả cao. Qua đó có thể thấy rằng hình phạt của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 BLHS hiện hành là chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trong thực tiễn, hơn nữa việc tăng cường áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội có tác dụng tăng tính cưỡng chế của hình phạt này và phù hợp với chủ trương của Nghị quyết của Bộ chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp) Đảng ta đã chỉ rõ cần phải “coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. Giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm. Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Từ những bất cập trong thực tiễn xét xử cũng như học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện về hình phạt trong Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201 BLHS như sau:

Sửa đổi khoản 1, 2 Điều 201 BLHS năm 2015 theo hướng nâng mức hình phạt tiền để đảm bảo tính răn đe, cụ thể như sau “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 5 lần số tiền thu lợi bất chính hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm”.

Thứ ba, Điều 201 BLHS hiện hành còn nhiều bất cập như chưa quy định nhiều tình tiết tăng nặng dẫn đến thực tiễn áp dụng tình tiết định khung hình phạt chưa thể hiện được sự phân hóa cao vì vậy, tác giả kiến nghị bổ sung thêm một số tình tiết định khung tăng nặng như sau:

Một là, trong thực tế một người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng một cách chuyên nghiệp tức là họ thực hiện hành vi cho vay lãi nặng nhiều lần và họ lấy nghề cho vay lãi nặng làm nguồn sống chính, tuy nhiên Điều 201 BLHS năm 2015 lại chưa quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng, tác giả cho rằng đây là điểm hạn chế của Điều 201 BLHS năm 2015 vì chưa thể hiện được sự phân hóa trách nhiệm hình sự tương ứng với hành vi phạm tội trong trường hợp một người thực hiện hành vi phạm tội một cách chuyên nghiệp.

Hành vi cho vay lãi nặng có tính chất chuyên nghiệp đã xảy ra trong thực tiễn, vì vậy, tác giả cho rằng việc quy định tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng sẽ đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Qua nghiên cứu về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trong Tội hưởng lợi quá đáng tại BLHS nước Cộng hòa Liên bang Đức thì tác giả nhận thấy Điều 291 BLHS nước Cộng hòa Liên bang Đức đã quy định nhiều tình tiết định khung tăng nặng trong đó có tình tiết “thực hiện hành vi có tính chất chuyên nghiệp” cụ thể nếu một người lợi dụng quá đáng tình trạng khó khăn, cấp bách, sự thiếu kinh nghiệm, sự thiếu khả năng nhận biết hoặc sự hạn chế ý chí của một người khác để cho vay tiền mà thu lợi hoàn toàn không xứng đáng với số tiền lãi mà lẽ ra họ được nhận thì bị xử phạt với hình phạt tự do đến ba năm hoặc hình phạt tiền nhưng nếu họ “thực hiện hành vi có tính chất chuyên nghiệp” thì bị xử phạt với hình phạt tự do từ sáu tháng đến mười năm. Như vậy tình tiết thực hiện tội phạm có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết định khung tăng nặng, điều này phản ánh mức hình phạt tương xứng nhằm phân hóa trách nhiệm hình sự và xử lý nghiêm khắc đối với trường hợp một người thực hiện hành vi có tính chất chuyên nghiệp.

Từ thực tiễn quy định của BLHS hiện hành và học hỏi kinh nghiệm của BLHS nước Cộng hòa Liên bang Đức thì tác giả nhận thấy rằng trường hợp cho vay lãi nặng có tính chất chuyên nghiệp đã phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội tăng lên một cách đáng kể, vì vây, cần thiết phải quy định tình tiết này làm tình tiết định khung tăng nặng của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để phân hóa trách nhiệm hình sự với các trường hợp phạm tội thông thường. Vì vậy, tác giả kiến nghị trong khoản 2 Điều 201 BLHS 2015 cần quy định thêm tình tiết định khung tăng nặng là “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.

Hai là, Tác giả nhận thấy trong thực tế nhiều trường hợp người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác trong lúc thiên tai, dịch bệnh để cho vay với mức lãi suất rất cao, tuy nhiên hiện nay Điều 201 BLHS 2015 chưa quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng, tác giả cho rằng đây một điểm thiếu sót của Điều 201 BLHS 2015.

Hành vi lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác trong thiên tai, dịch bệnh đã xảy ra trong thực tiễn, vì vậy tác giả cho rằng việc bổ sung thêm tình tiết này vào tình tiết định khung tăng nặng sẽ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Từ thực tiễn quy định của BLHS hiện hành thì tác giả đề xuất bổ sung trong khoản 2 Điều 201 BLHS 2015 tình tiết định khung tăng nặng là “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”

Tương tự, ngày nay, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các đối tượng cho vay lãi nặng đã sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt để thực hiện hành vi phạm tội gây ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị cũng như gây khó khăn cho quá trình điều tra phát hiện tội phạm, vì vậy tác giả đề xuất bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 201 BLHS tình tiết định khung tăng nặng là “Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”.

Thứ tư, đối với vấn đề xác định số tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được cụ thể: Ban hành Nghị quyết hướng dẫn Điều 201 BLHS hướng dẫn xử lý đối với trường hợp số tiền phí mà người cho vay thu thêm ngoài tiền lãi (chi phí hồ sơ, phí dịch vụ, phí đi lại thu tiền góp, phí tư vấn…) theo hướng số tiền phí mà người cho vay thu thêm ngoài tiền lãi (chi phí hồ sơ, phí dịch vụ, đi lại thu tiền góp, phí tư vấn…) được cộng với tiền lãi để tính lãi suất và tiền thu lợi bất chính.

Thứ năm, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì ngoài yếu tố thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên là yếu tố bắt buộc để cấu thành Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì điều luật còn quy định thêm trường hợp tuy chưa thu lợi hoặc thu lợi dưới 30.000.000 đồng thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi cho vay lãi nặng mà còn vi phạm: yếu tố “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” được đưa vào làm căn cứ để định tội ở khung cơ bản. Tuy nhiên, hiện nay việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay lãi nặng chưa có quy định cụ thể để áp dụng chỉ có duy nhất Nghị định 144/2021/NĐ-CP mà Nghị định này lại không còn phù hợp với quy định đối với tội phạm quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 (Như đã phân tích tại mục 2.1.2). Do đó, để đảm bảo hiệu quả trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cần phải sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền với lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm đến dưới 100%/năm của khoản tiền vay” nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình áp dụng pháp luật để đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thứ sáu, liên ngành tư pháp Trung ương cần ban hành có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề về lãi suất đối với hợp đồng vay tài sản không phải là tiền làm căn cứ cho việc giải quyết các vụ án hình sự cũng như tranh chấp dân sự bởi Điều 201 BLHS năm 2015 quy định cấu thành cơ bản của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là: “Lãi suất cao gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng”. Tuy nhiên, lãi suất cho vay được quy định trong BLDS 2015 làm căn cứ tính lãi nặng mới chỉ quy định lãi suất đối với tài sản cho vay là tiền mà chưa quy định lãi suất cho vay đối với tài sản khác như vàng, kim khí quý, đá quý và các tài sản khác, trong khi việc cho vay đối với những tài sản khác tương đối phổ biến./.

Điều 131 BLDS 2015.

Điều 2 Nghị quyết 02/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021

Điểm d, khoản 4, Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình.

Điều 75 BLDS năm 2015.

Trương Thị Hồng Ngân (2016), Nâng cao hiệu quả phòng, chống hành vi cho vay lãi nặng – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường Đại Học Cần Thơ, tr.32.

Nguyễn Thị Kim Thơ (2020), “Kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, Tạp chí kiểm sát (số 17), tr.45.

Nguyễn Thị Kim Thơ (2020), tlđd (36), tr.46.

Bản án số: 36/2020/HSST ngày 29/4/2020 về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” của Tòa án nhân dân huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Tội cho vay nặng lãi bao nhiêu?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP thì "cho vay lãi nặng” là trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.

Cho vay nặng lãi bao nhiêu phần trăm thì bị khởi tố?

Cụ thể: Lãi suất suất cao nhất mà pháp luật quy định trên tháng là: 5 lần x 1,666% = 8,33%. Do đó, nếu mức lãi cho vay hàng tháng mà cao hơn con số này thì có thể sẽ bị truy tố về tội danh trên.

Cho vay với lãi suất bao nhiêu lần thì vi phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự?

Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho vay trong giao dịch dân sự với lãi xuất gấp 05 lần trở lên mức lãi xuất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, có tính chất chuyên bóc lột, nhằm thu lợi bất chính.

Cho vay nặng lãi sẽ bị phạt như thế nào?

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 thì khung hình phạt Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau: Khung cơ bản: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.