Tỳ kheo nghĩa là gì

Tỳ kheo nghĩa là gì
Tỳ kheo nghĩa là gì
Tỳ kheo nghĩa là gì

Ý NGHĨA VÀ ĐẶC TÍNH CỦA TỲ KHEO

1. Ý NGHĨA TỲ KHEO

Tỳ kheo có 3 nghĩa: khất sĩ, phá ác, bố ma.

a/ Khất sĩ là người xin ăn. Người xin ăn ở đây khác với người xin ăn ở xứ ta, thường gọi là ăn mày, mặc dù cùng nghĩa là xin ăn. Thời xưa ở Ấn Độ những đạo sĩ thường đi ăn xin được dân chúng kính trọng và dâng cúng thức ăn.

Cũng như vậy, sau khi thành đạo Bồ Đề, Đức Phật thành lập Tăng đoàn Tỳ kheo để hoằng dương chánh pháp hóa độ chúng sinh, cho nên Đức Phật và chư Thánh Tăng Tỳ Kheo đều đi khất thực xin ăn. Nhưng cách xin ăn, giờ đi, cách ăn của Phật và chư Thánh Tăng khác với hạng người khất thực khác.

Cách xin ăn của Phật và Tăng đoàn của ngài là mang bình bát trước ngực, đi từng bước thảnh thơi ra các xóm làng gần đó vào buổi sáng, rồi đứng trước nhà dân chúng một cách trang nghiêm im lặng và bình đẳng, không chọn lựa nhà giàu có, luôn thay đổi các xóm làng và nhà dân. Gần đến giờ ngọ, do nhìn bóng nắng, bình bát được có thức ăn đầy hay chưa đầy, chư Tăng Tỳ kheo, và Phật đều đi về tịnh xá. Hoặc là chưa tới giờ ngọ mà bình bát đầy thức ăn, quý ngài đi về, chứ không xin nữa. Về đến tịnh xá, Phật và chư Tỳ kheo tăng đều ngồi, bưng bình bát lên đọc bài kinh cúng dường lên mười phương chư Phật rồi mới ăn một cách chậm rãi và im lặng. Ăn xong, Phật thuyết pháp qua đề tài nào đó do Phật xét thấy cần nói cho đại chúng biết hay là một vị Tỳ kheo trong đại chúng tăng đưa ra lời thỉnh cầu Phật thuyết cho khế lý pháp môn nào đó cảm thấy cần thiết cấp bách cho đại chúng.

Tại tịnh xá, sau giờ ăn ngọ như vậy, thỉnh thoảng có nhiều dân chúng và hàng Phật tử tại gia vào lễ bái và nghe Phật thuyết pháp. Nghĩa khất sĩ của Đạo Phật là như vậy.

Nói khác hơn, cách khất thực xin ăn của Phật và chư thánh tăng trong Đạo Phật không giống với các hàng khất thực khác. Một vài điểm khác,đó là không xin ăn phi thời, chỉ ăn một bữa vào giờ ngọ, không bao giờ nấu nướng, nổi lửa sáng chiều, không tham lam, không chê ít, khen nhiều, luôn luôn sống trong an bần lạc đạo.

Có người hỏi rằng, chư Tăng Ni Phật giáo Việt Nam có phải là khất sĩ không? Tất cả Tăng Ni trong Phật giáo đều là khất sĩ, là Tỳ kheo (Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni). Thay vì mang bình bát đi xin ăn ở xóm làng, phố xá như Phật, Thánh Tăng thời xưa, chư Tăng Ni ngày nay xin ăn (khất sĩ) tại chùa do vì nền văn minh vật chất của nhân loại ở mức độ siêu đẳng làm cho chư vị Tỳ kheo Tăng Ni không có môi trường thuận tiện đi khất thực trên đường phố, đường làng. Nhưng không phải vì thế mà mất ý nghĩa và tính chất Tỳ kheo. Vẫn là Tỳ kheo, khất sĩ trên vận hành hoằng dương chánh pháp một cách đắc lực trong thời đại mới của nhân loại.

b/ Phá ác

Con đường giải thoát sinh tử, mà Đức Phật đã chỉ rõ cho 4 chúng đệ tử Phật được biết, đó là chơn tâm, vô ngã, trống rỗng, thanh tịnh, là phương tiện giải thoát sinh tử, vãng sanh cực lạc, sau khi con người tự phá trừ hết các thứ vô minh, phiền não, ác trược, hữu ngã… ra khỏi tâm thức bằng thực hành Phật pháp đúng như Đức Phật đã dạy rõ trong các kinh.

Cho nên chư vị Tỳ kheo Tăng, Ni nói riêng, Phật tử nói chung, ai muốn được giải thoát sinh tử vãng sanh cực lạc đều phải phá trừ hết các ác nghiệp cũ và không tạo ác nghiệp mới để cho tâm hồn luôn thanh tịnh, vô ngã, trống không, thì mới hy vọng được siêu thoát sau khi xả bỏ báo thân trần thế.

c/ Bố ma

Bố ma nghĩa là làm cho ma sợ. Hạng người làm cho ma quỷ phải sợ và kính trọng, đó là chư Tăng, Ni trong Phật giáo nói chung, do phục sức y áo (cà sa) của Phật. Nói riêng chư vị Tỳ kheo chơn tu có Đạo cao, Đức trọng làm cho các quỷ thần, ma vương, yêu quái, vừa kinh sợ vừa kính trọng lễ bái đúng như ngạn ngữ có câu “Đức trọng quỷ thần kinh”. Nhất hạng là các Tỳ kheo Tăng tu mật tông (trì tụng thần chú Đà La Ni) khi xuất hiện trước mặt người nam nữ bị bịnh tà, người bị bịnh tà liền quỳ xuống sụp lạy, sau đó ngả quỵ rả rời cơ thể một cách im lặng hồi lâu, rồi tỉnh lại do ma quỷ đã ra khỏi thân tâm. Đó là bố ma về mặt tâm linh.

Về mặt bố ma ở thực thể, ở đâu có chư Tăng, Ni hoằng dương chánh pháp Phật, ở đó có các loại ma vương hữu thể sợ sệt và lo lắng cho số phận của họ sẽ bi lu mờ, mất uy danh, uy lực với quần chúng. Do vậy các loại ma vương ấy vừa lo sợ vừa tìm đủ cách để đánh phá chư Tăng Ni của Đạo Phật. Chứ không phải do Tăng, Ni, Phật tử đánh phá Tăng Ni mà sanh tâm nghi ngờ, rồi tỏ thái độ oán hờn nhau, là một tội lớn.

ĐẶC TÍNH CỦA TỲ KHEO

Chữ Tỳ kheo được dịch âm từ Phạn ngữ là Bhikkhu. Người Trung Hoa lại dịch ra âm chữ Hán là Bí Sô. Danh từ Bí Sô và Tỳ kheo đều là dịch âm từ chữ Bhikkhu. Bí Sô và Tỳ kheo như nhau, đều là tên gọi đối với giới xuất gia Tăng, Ni, cho nên trong kinh có chỗ gọi Bí Sô, có chỗ gọi Tỳ kheo. (Bí sô Tăng, Bí sô Ni). Danh từ Tỳ kheo được thông dụng hơn là Bí Sô. Chư Tăng Ni Phật giáo Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Lào, Campuchia được gọi nguyên gốc chữ Phạn Bhikkhu. Chẳng hạn gọi Hòa Thượng Bhikkhu Narada. Còn Việt Nam và Trung Hoa thì gọi Hòa Thượng Tỳ kheo Thích Chơn Như, v.v…

Bhikkhu là tên của một loài cỏ thơm mọc trên núi tuyết xứ Ấn Độ, nay vẫn còn loài cỏ ấy. Cỏ Bhikkhu thơm cả thân và lá lúc còn non xanh cho đến già úa vẫn còn thơm. Mùi thơm dễ chịu không gay gắt. Thông thường các loài cỏ có thân mảnh khảnh chỉ mọc ở đồng bằng ruộng nương hay núi thấp, không thể mọc trên núi tuyết. Đằng này loài cỏ Bhikkhu lại mọc ở núi tuyết quanh năm. Thân của nó chẳng những không bị hao mòn, rục rả bởi tuyết, trái lại luôn nảy nở, mọc tràn lan ra tứ phía suốt 4 mùa tuyết phủ.

Theo sách “Phiên Dịch Danh Nghĩa” có ghi loài cỏ Bhikkhu (Bí Sô) có năm đặc tính:

1- Thể tánh nhu nhuyễn

2- Dẫn mạn bàng bố

3- Hinh hương viễn văn

4- Năng liệu đông thống

5- Bất bội nhật quang

Năm đặc tính của cỏ Bhikkhu như thế nào mà thời xưa Đức Phật lại chọn tên cỏ ấy để làm tên gọi cho giới xuất gia Tăng, Ni (Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni)? Chắc là đặc biệt lắm nên Phật mới chọn. Vậy chúng ta hãy tìm hiểu 5 đặc tính trên của cỏ Bhikkhu là gì

1- Thể tánh nhu nhuyễn

Thể tánh này được biểu thị cho thể tánh của giới Tăng sĩ Phật giáo một khi đã xuất gia rồi, thì tánh tình được nhu mì, dịu dàng, luôn khiêm cung, ái ngữ, chánh trực, hoan hỷ, thuận hòa, bao dung, không thô tháo, luôn nhã nhặn, không hung dữ, thật thà, tự nhiên, bình đẳng, không nghi ngờ… Tất cả đều do thân, khẩu, ý an trú trên dòng tâm chánh niệm, tỉnh thức sau khi đã được tu tập và hành trì giới luật chín chắn rồi.

2- Dẫn mạn bàng bố

Mạn nghĩa là mọc tràn ra, mọc dài ra. Bàng nghĩa là mọc tràn lan cùng khắp. Hai đặc tính ấy được chỉ cho chư Tăng sĩ trong Phật giáo thường đi khắp đó đây để hoằng dương chánh pháp hóa độ chúng sinh bằng đôi chân trí tuệ ba la mật.

3- Hinh hương viễn văn

Mùi thơm của cỏ Bhikkhu bay xa khắp không gian. Được chỉ cho giới xuất gia trong Phật giáo một khi đã thọ Tỳ kheo giới, ai cũng có giới đức trang nghiêm thanh tịnh ở bản thân. Cho nên ai gặp cũng thích, cũng thương mến kính trọng, cúng dường. Nhất hạng là những vị danh Tăng có đạo cao đức trọng, nền văn hóa Phật giáo lớn trong tâm, được quần chúng khắp thế giới nghe đến, liền khởi tâm hâm mộ, ngưỡng vọng và tiếp xúc, lễ bái, v.v…

4- Năng liệu đông thống

Cỏ Bhikkhu là một vị thuốc chữa trị chứng đau nhức cơ thể. Được chỉ cho tất cả chư Tăng, Ni trong Phật giáo đều có khả năng chữa trị được các thứ bịnh phiền não, tâm thần, cơ thể bằng thần lực tâm thức và các dược thảo.

5- Bất bội nhật quang

Nghĩa là không ngược lại với ánh sáng mặt trời. Đó là đặc tính của cỏ Bí Sô (Bhikkhu) luôn luôn hướng về mặt trời. Mặt trời ở ngả nào, thân và lá cỏ Bí Sô hướng theo ngả đó. Ở đây được biểu thị cho chư Tăng, Ni trong Phật giáo không bao giờ dám đi ngược lại ánh sáng chánh pháp Phật. Thân tâm luôn luôn thấy chơn chánh, nói năng chơn chánh, nhớ nghĩ chơn chánh và lúc nào cũng an trú trong định… một cách thường hằng dù cho sống trong môi trường, hoàn cảnh thuận duyên, nghịch duyên vẫn theo chánh pháp. Bằng không có thể sẽ bị đi ngược lại ánh sáng chánh pháp Phật.

Thứ nữa, chư vị Tỳ kheo Tăng, Ni đang có mặt tại mọi quốc độ trên vận hành tu tập và hoằng hóa độ sanh trong các môi trường thuận duyên, nghịch duyên, hoàn cảnh phú lạc hay không lạc phú, tâm vẫn hướng về tổ quốc đất mẹ qua hành động đãnh lễ, tưởng niệm báo đáp ân đức chư vị tổ sư, giáo thọ, bổn sư, chư tôn đức tiền bối hữu công với đạo pháp, đàn na tín thí, cũng như tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các vị anh hùng dân tộc… đã lập quốc và giữ nước.

Vì thế cho nên Đức Phật, ngài chọn danh từ Tỳ kheo (Bhikkhu) tên của loài cỏ thơm để đặt tên cho các thiện nam, tín nữ xuất gia thành Tăng, Ni, ai cũng được gọi là Tỳ kheo sau khi thọ đại giới như vậy, là vì ngài thấy rằng giới luật và giáo lý của ngài, ai xuất gia tu hành đúng theo giới luật và Phật pháp đều được có đủ 5 đặc tính như loài cỏ thơm Bí Sô (Bhikkhu). Đó là về phía Đức Thế Tôn đặt niềm tin và hy vọng nơi hàng đệ tử xuất gia của ngài là chư vị Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni ai cũng có 5 đặc tính  như loài cỏ thơm Bhikkhu. Còn về phía chư vị Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni được có 5 đặc tính ấy hay không là do cá nhân Tăng Ni tự xét mình. Vì thế cho nên danh từ Tỳ kheo không phải là một tước vị, chức vụ, mà là thuộc về đặc thù tư tưởng ở giới tánh thường hằng tịch tịnh trang nghiêm tịnh độ thân tâm. Do vậy hai chữ Tỳ kheo, một danh từ đặc biệt, thuần túy duy nhất chỉ có trong đạo Phật dùng chỉ cho giới xuất gia Tăng, Ni. Các tôn giáo khác không có, họ chỉ có danh từ Sa Môn, tên gọi chung cho tất cả những người thoát ly gia đình dấn thân tu hành theo đạo lý tôn giáo nào đó trong thuở xưa bên Ấn Độ. Do vậy chư Tăng già trong Phật giáo cũng thường dùng danh từ Sa Môn và kể cả Phật tử cư sĩ có tâm xuất gia, còn thân tại gia có tu học Phật pháp chín chắn cũng được dùng danh từ Sa Môn, tuyệt đối không được dùng Tỳ kheo.

Tỳ kheo nghĩa là gì
Tỳ kheo nghĩa là gì
Tỳ kheo nghĩa là gì