Tố cáo sai sự thật là gì

TTH - Trước kỳ Đại hội Đảng hoặc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND các cấp thường có hiện tượng đơn thư tố cáo đối với người được quy hoạch hoặc giới thiệu ứng cử. Có thể đơn thư chính danh hoặc nặc danh, nhưng nguy hiểm nhất là tố cáo nặc danh, tố cáo không đúng sự thật.

Ngày 17/9/2020, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Toàn (51 tuổi), phó trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo, về tội Vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự 2015. Ảnh:tuoitre.vn

1.Vào những thời điểm nhạy cảm, có tình trạng nóng về đơn thư tố cáo ở một số ngành và địa phương, nhất là nơi có dấu hiệu mất đoàn kết. Bên cạnh số đơn tố cáo chính danh thì đa phần tố cáo không đúng sự thật là nặc danh, với mục đích hạ uy tín những người bị tố cáo. Khi mạng xã hội phát triển, thông tin lan nhanh còn là mảnh đất màu mỡ cho tố cáo nặc danh phát sinh nhiều hơn.

Tố cáo đúng sự thật có vai trò quan trọng đối với công tác tổ chức, liên quan đến quản lý kinh tế tài chính, bảo vệ chính trị nội bộ. Những nội dung được phát hiện qua tố cáo là nguồn tin tức quan trọng giúp cho các cơ quan, tổ chức xác minh, xem xét, kết luận những vấn đề mà thanh tra, kiểm tra chưa có điều kiện phát hiện. Người có trách nhiệm, thẳng thắn tố cáo, đấu tranh vì lẽ phải, giúp cho Đảng, tổ chức và cơ quan pháp luật xác minh, điều tra đưa ra ánh sáng đối với tổ chức và cá nhân vi phạm là rất đáng hoan nghênh. Những hành động dũng cảm tố cáo được pháp luật bảo vệ, Đảng, Nhà nước khuyến khích, cán bộ, Nhân dân đồng tình và là một nguyên tắc phê bình tự phê bình được quy định trong Điều lệ Đảng. Trong những năm qua, nhiều cá nhân trong đó có cả cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý hình sự một phần nhờ những tố cáo có trách nhiệm như vậy.

Ngược lại, tình trạng đơn thư nặc danh nhiều đã gây nên những bất ổn, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức. Hiện tượng tố cáo nặc danh có thể xảy ra ở các cấp, các ngành, ở mọi thời điểm, nhưng tập trung nhiều nhất là trước quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ hoặc trước nhiệm kỳ đại hội Đảng và bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp. Đối tượng nhắm tới là những người được quy hoạch, giới thiệu ứng cử, những người dự kiến lên chức vụ cao hơn...

Đã có không ít trường hợp đơn thư tố cái sai sự thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, mất cơ hội ứng cử, đề bạt của cán bộ. Trước khi được cấp có thẩm quyền kết luận thì những nội dung tố cáo (dù có thể không đúng) đã được lan truyền khiến cho dư luận phân tâm, cá nhân bức xúc.

Không ít trường hợp tố cáo vì động cơ cá nhân, mượn tay người khác để trả thù, hạ bệ uy tín, danh dự đối thủ của mình. Một điển hình xảy ra ở huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), một Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy thường xuyên viết đơn nặc danh vu khống nhằm mục đích hạ uy tín một số lãnh đạo của huyện trước Đại hội Đảng các cấp năm 2020. Do tính chất nghiêm trọng, cơ quan điều tra đã xác minh làm rõ hành vi và khởi tố, bắt giam người tố cáo bịa đặt, không đúng sự thật.

2. Điều 30 Hiến pháp quy định: Mọi công dân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật. Điều 8, Luật Tố cáo cũng quy định những hành vi bị cấm: Cố ý tố cáo sai sự thật, cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật, sử dụng họ tên người khác để tố cáo, Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, gây rối an ninh trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Luật cũng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, trong đó người tố cáo có nghĩa vụ trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật; hợp tác giải quyết khi có yêu cầu; không giải quyết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không có địa chỉ.

Điều 156, Bộ luật Hình sự quy định rõ hành vi tố cáo sai sự thật vì động cơ cá nhân là tội vu khống và mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng, phạt tù đến 1 năm. Đối với đảng viên vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự sẽ bị xử lý theo Quy định 102 (khóa XII) của Bộ Chính trị Về xử lý đảng viên vi phạm.

Chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã ban hành Hướng dẫn 13-HD/UBKTTW (ngày 2/12/2020) về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử.

Những quy định của Đảng, Nhà nước và pháp luật đã có đầy đủ chế tài xử lý hành vi lợi dụng để tố cáo sai sự thật. Công dân và cán bộ, đảng viên cần phải tìm hiểu pháp luật, quy định của Đảng để thực hiện cho đúng, không thể vì chủ quan của mình, vì mâu thuẫn cá nhân mà tố cáo không đúng luật. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần bình tĩnh, cân nhắc thận trọng, có trách nhiệm, không được vì động cơ cá nhân để tố cáo không đúng, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, thanh tra, kiểm tra cần nhanh chóng xác minh để minh oan hoặc kết luận công khai, minh bạch đúng-sai trả lời cho người tố cáo và công luận. Không nên để dư luận lan truyền theo hướng tiêu cực cả người tố cáo và cơ quan cấp trên, nhất là trước bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp lần này.

Tố cáo đúng sự thật là việc làm cần thiết, được Nhà nước khuyến khích, pháp luật bảo vệ. Tố cáo không đúng sự thật vì mục đích xấu dù là công khai hay nặc danh đều không được phép. Không thể vì động cơ ích kỷ cá nhân làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, quyền lợi chính trị của cán bộ, Nhân dân và gây mất ổn định an ninh xã hội.