Thực trạng công tác xã hội hóa giáo dục trong trường Tiểu học

Thứ 2, 15/06/2020 | 09:07:17

6,974 lượt xem

Trong giai đoạn hiện nay, việc huy động nguồn lực từ xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội, phụ huynh học sinh đồng lòng hưởng ứng là vấn đề cần đặt ra. “Làm đến đâu chắc đến đấy” là cách mà Trường Tiểu học Vũ Phúc đã thực hiện và trở thành điểm sáng trong công tác xã hội hóa giáo dục tại thành phố Thái Bình.

Thực trạng công tác xã hội hóa giáo dục trong trường Tiểu học

Học sinh Trường Tiểu học Vũ Phúc học tin học bằng máy tính do phụ huynh ủng hộ.

Hiệu quả từ sự đồng thuận

Những năm gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của Trường Tiểu học Vũ Phúc đã có sự thay đổi rõ nét. Gần đây nhất là 4 phòng học được lắp điều hòa; 20 máy tính mới được trang bị cho phòng tin học; xây dựng được phòng đọc sách khang trang và lắp đặt bồn rửa tay vệ sinh ngoài trời. Tất cả đều hiện đại, sạch sẽ vào bậc nhất so với các trường tiểu học ở khu vực thành phố Thái Bình. Điều đáng nói là các công trình trên được xây dựng bằng nguồn kinh phí huy động từ các mạnh thường quân và sự đóng góp của cha mẹ học sinh nhà trường qua các năm học. 

Cô giáo Đặng Thị Vui, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Xã hội hóa giáo dục nếu không thực hiện tốt, không tạo sự đồng thuận thì rất khó để kêu gọi, huy động nguồn lực ngoài nhà trường. Vì vậy, sau khi Ban đại diện hội cha mẹ học sinh đề nghị Ban Giám hiệu nhà trường cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất trường học, nhất là khi thầy và trò phải dạy, học trong thời tiết nắng nóng, chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc và thống nhất vận động kinh phí từ mạnh thường quân là chủ yếu. Việc huy động trên tinh thần đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh, không bắt buộc, không phân chia đồng đều mức đóng góp cho mỗi học sinh. Nhờ vậy, trong những năm qua, chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản ánh không tốt của các bậc phụ huynh.

Cũng theo cô giáo Đặng Thị Vui, dù kêu gọi xã hội hóa song trường cũng nên trích nguồn ngân sách, dù số tiền rất nhỏ để cùng đồng hành với phụ huynh học sinh. Gần đây nhất, đó là việc Ban đại diện hội cha mẹ học sinh xin chủ trương về việc lắp điều hòa nhiệt độ. Do đặc thù mùa hè miền Bắc nắng nóng, hơn nữa năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian học kỳ II lùi lại vào chính giữa hè ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học. Vì vậy, trường đã đồng ý với đề xuất của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, quan điểm của trường là không lắp điều hòa đồng loạt, lớp nào có 100% phụ huynh đồng ý thì sẽ lắp. 

Cô giáo Đặng Thị Vui chia sẻ thêm: Trường đã trích một phần từ nguồn ngân sách hoạt động, cùng với việc kêu gọi con em xa quê, các nhà hảo tâm để đầu tư đồng bộ đường dây điện đấu nối công tơ điện riêng của từng lớp. Như vậy, khi phụ huynh các lớp lắp điều hòa chỉ kêu gọi ủng hộ tiền mua điều hòa, bình quân mỗi lớp 2 chiếc. Chính vì thế, sau khi 100% phụ huynh của 4 lớp đồng thuận, trường đã giám sát quá trình lắp điều hòa. Đến nay, điều hòa các lớp hoạt động tốt, góp phần bảo đảm sức khỏe và hiệu quả học tập của học sinh khi thời tiết nắng nóng.

Bài học rút ra

Từ cách làm, cách kêu gọi ủng hộ cơ sở vật chất trường học của Trường Tiểu học Vũ Phúc, có thể thấy, hoạt động của Ban đại diện hội cha mẹ học sinh đóng vai trò quan trọng đối với nhà trường trong công tác xã hội hóa giáo dục. Nếu trường có chủ trương đúng, lại phối hợp tốt với Ban đại diện hội cha mẹ học sinh thì sẽ đạt được sự đồng thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường. 

Cô giáo Đặng Thị Vui tâm sự: Việc kêu gọi sự ủng hộ của cha mẹ học sinh rất khó, nhưng nếu việc làm của mình xuất phát từ cái tâm, không bị cám dỗ bởi những lợi ích cá nhân, việc sử dụng những đồng tiền đóng góp của phụ huynh minh bạch, công khai thì sẽ được phụ huynh tin tưởng, hết lòng ủng hộ. Và đặc biệt, việc kêu gọi ủng hộ, đóng góp cũng phải phù hợp, vừa sức phụ huynh. Qua các lần xã hội hóa giáo dục, có lẽ vì thấy được tinh thần quyết tâm, cách làm minh bạch, công khai và mục đích chính là phục vụ cho nhu cầu học tập và sinh hoạt của con em mình nên đa số phụ huynh nhà trường đều đồng tình hưởng ứng. Đối với những công trình xã hội hóa, cha mẹ học sinh vừa là người đóng góp nhưng cũng đồng thời phải là người giám sát. Các khoản xã hội hóa phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách theo dõi, kế toán của trường. Mọi khoản thu, chi phải công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật. Sau khi nghiệm thu công trình, phải báo cáo, công khai quyết toán kinh phí cho toàn thể cha mẹ học sinh được biết. Khi những mạnh thường quân thấy được các sản phẩm, hạng mục thiết thực cho con em mình, họ sẽ thoải mái và đặt nhiều niềm tin đối với trường học nơi con em mình học tập.

Thời gian qua, ở một số trường học, hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh chưa mạnh, việc kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ học sinh trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường vẫn còn “lời ra tiếng vào” ở các khía cạnh khác nhau. Theo cô giáo Đặng Thị Vui, công tác xã hội hóa phải làm đến đâu chắc đến đấy. Việc xã hội hóa cần thực hiện theo lộ trình, công khai, minh bạch và vừa sức với phụ huynh học sinh.

Đặng Anh

Thực trạng công tác xã hội hóa giáo dục trong trường Tiểu học

Nhờ nguồn xã hội hóa, một số phòng học ở Trường Tiểu học Minh Nông  thành phố Việt Trì đã lắp đặt điều hòa, tạo môi trường thuận lợi cho học sinh học tập.

PTĐT - Thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục, trường học đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng tỷ lệ huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi ra lớp, phát triển các loại hình trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh XHHGD trên địa bàn tỉnh; công tác huy động nguồn lực xã hội hóa thông qua đóng góp, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức và người dân về ý nghĩa, mục đích, vai trò của công tác XHHGD; huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Từ 2010 đến nay đã huy động được hàng nghìn tỷ đồng để thành lập 38 cơ sở ngoài công lập, hỗ trợ các hoạt động dạy học, thu hút 12,4 nghìn học sinh, tạo ra hàng nghìn việc làm cho người lao động.  Việc huy động nguồn lực của xã hội đã góp phần giảm áp lực chi NSNN, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, giảm áp lực tuyển sinh cho các trường công lập, mở ra cơ hội cho người học, chủ động lựa chọn cơ sở giáo dục phù hợp với thu nhập của người dân; góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập, xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh và thực tế qua 10 năm thực hiện công tác XHHGD đã khẳng định được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các trường ngoài công lập, tạo sự tin tưởng và đồng thuận xã hội.  Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 938 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trong đó có 900 trường công lập, 38 trường ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 4,1%. Chất lượng GD&ĐT những năm qua luôn duy trì và giữ vững trong tốp 15 tỉnh/thành phố có chất lượng tốt. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được duy trì ổn định ở các cấp học, những năm gần đây, Phú Thọ luôn được xếp thứ hạng cao về chất lượng kỳ thi THPT Quốc gia. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được duy trì và đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi HSG Quốc gia, khu vực, quốc tế. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi; hoàn thành phổ cập TH mức độ 3 và THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2. Hàng năm, các đơn vị giáo dục, trường học xây dựng kế hoạch về công tác XHHGD phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các nhà trường chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển giáo dục. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường sư phạm thân thiện. Trường mầm non Liên Cơ thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao được biết đến là một trong những đơn vị làm tốt công tác XHHGD. Ngay từ đầu năm học, nhà trường lập kế hoạch cụ thể về việc XHHGD; tiến hành rà soát, kiểm kê cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ bán trú... Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường thông báo đến phụ huynh học sinh về các danh mục đồ dùng cần mua mới, bổ sung thêm. Để công tác XHHGD đạt hiệu quả, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền đến các phụ huynh và người dân địa phương bằng nhiều hình thức; tạo điều kiện để cha mẹ học sinh cùng tham gia vào hoạt động của trường, lớp như: Ủng hộ nguyên vật liệu tham gia cùng giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi theo các chủ đề, chủ điểm, ủng hộ ngày công cải tạo vườn rau cho trẻ khám phá học tập và phục vụ công tác bán trú. Cô giáo Dương Thanh Huyền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Công tác XHHGD đã góp phần nâng cao điều kiện chăm sóc trẻ của nhà trường, từ đó, tạo được niềm tin đối với phụ huynh. Năm học 2018 - 2019, toàn trường có 100% trẻ ăn bán trú. Bữa ăn bán trú của trẻ đủ dinh dưỡng và hợp vệ sinh, do đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm so với năm học trước”.

Tuy nhiên, để công tác XHHGD đạt hiệu quả, các nhà trường cần tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ và nắm vững quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và XHHGD. Các đơn vị giáo dục, nhà trường thực hiện XHHGD cần rõ ràng, tạo niềm tin đối với các cấp lãnh đạo, phụ huynh và nhân dân; phải thực hiện nghiêm theo các văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT về các khoản thu - chi trong trường học, tránh để công tác XHHGD rơi vào tình trạng lạm thu. Công tác XHHGD phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, trong đó phụ huynh được bàn, được làm và được kiểm tra.